Vợ tôi thời El Nino
Tác giả: Phạm Ngọc Cảnh Nam
T ỐI HÔM ẤY, VÀO CÁI GIỜ MÀ LẼ RA TÔI PHẢI NGỒI Ở QUÁN VĂN nghệ để uống bia với các bạn tôi như thường lệ, thì tôi lại hí hửng chạy về nhà với cái mặt đỏ kè sau khi đã nốc vội mấy lon Tiger, và mang về cho vợ tôi một niềm vui bất ngờ.
- Anh có quà tặng em! – Tôi nói trong sự phấn khích của hơi men –Nhân kỹ niệm mười lăm năm ngày cưới của chúng ta.
Tôi thích thú khi thấy vợ tôi đưa cả hai tay lên chặn ngực vì quá xúc động. Phải mất hơn một phút nàng mới hết ngạc nhiên rồi lộ rõ vẽ lúng túng, vì từ lâu nàng đã không còn nhớ nổi ngày cưới của mình.
- Anh mua ở cửa hàng chất lượng cao đấy! – Tôi nói khi nàng đã bình tĩnh lại, và vẽ cau có cùng những lời phàn nàn thường nhật của cô đã biến mất để thay vào đó là một khuôn mặt đang tái đi vì thảng thốt.
Tôi tiếp tục quảng cáo cho món quà của tôi. Tôi thấy cần phải nói ngay những điều ấy ra, để chứng tỏ rằng món quà mà tôi đã mua tặng nàng chắc hẳn là một món đồ rất có giá trị. Bởi được mua từ một cửa hàng chất lượng cao, đó là một chiếc áo mùa hè bó sát người bằng lưới đan màu xanh rêu, đi kèm một cái nịt ngực để mặc lót trắng như tuyết, rất gây ấn tượng. Theo lời nhà sãn xuất, đó là bộ áo chống nóng tuyệt vời dành để mặc trong thời kỳ El Nino hoành hành, được làm bằng nhiều loại lá cây có khả năng điều hoà nhiệt độ ở bề mặt da. Với một chút e thẹn nơi khoé mắt, sau khi đã chăm chú nghe hết những lời giới thiệu được tôi nói lại nguyên văn từ tờ bướm quảng cáo, mà cô bán hàng xinh đẹp đã dúi vào tay tôi, vợ tôi bèn chạy biến vào phòng riêng để thử áo. Ngay sau đó, tôi nghe tiếng gọi rất dịu dàng của nàng, sự dịu dàng mà mỗi ngày mỗi trở nên hiếm hoi trong cuộc sống vợ chồng của chúng tôi :
- Ạnh ơi! Vào đây đi !
Vợ tôi đang mặc thử bộ áo chống nóng để kiểm chứng những lời ba hoa vừa rồi của tôi. Còn tôi thì bị bất ngờ khi thấy cô ta như thành một người khác, đẹp và gợi cảm hẳn lên, cho dù mấy chiếc xương sườn gầy nhom phía dưới chiếc áo nịt ngực cứ mãi nhấp nhổm chứng tỏ nàng cũng đang cảm thấy xấu hổ về sự tàn héo của mình. Vợ tôi giương mắt nhìn tôi thăm dò, và như muốn hỏi :
- Thế nào, em mặc chiếc áo nầy có đẹp không ? - Hay nói thẳng ra là nàng muốn hỏi : - Em có đẹp không ?
- Đẹp lắm ! Em mặt vừa khít. – Tôi liền nói.
Thế là nàng ôm chầm lấy đầu tôi, rồi hôn tới tấp lên mặt lên mũi tôi.
- Em cám ơn anh ! – Nàng nói trong thổn thức - Vậy mà em cứ tưởng . . .
Tôi biết lâu nay nàng đã tưởng gì về tôi. Gia đình tôi vốn nhiều đời sinh sống bằng nghề chăn nuôi. Nhưng kể từ khi dịch cúm gia cầm, rồi dịch heo tai xanh, dịch lở mồm long móng chà qua xát lại nhiều lần tận diệt lũ heo bò gà vịt đáng thương, tôi trở thành ông chủ trắng tay đi đong gạo từng bữa. Mặc dù sau đó cha tôi vẫn còn nuối tiếc muốn chuyển qua nuôi bò sữa theo chương trình xoá đói giãm nghèo của thành phố đang phát động lúc ấy, nhưng tôi đọc báo thấy nói bò sữa cũng lăn đùng ra chết vì dịch lở mồm long móng, tôi liền quyết định chấm dứt không thương tiếc sự nghiệp chăn nuôi gia truyền của mình. Từ ngày ấy, vợ tôi trở thành người khó tính. Đến nỗi chính tôi nhiều lúc cũng cảm thấy sợ hãi mỗi khi phải đối mặt với nàng. Lẽ ra nàng phải hiểu rằng, trong cuộc mưu sinh quá đỗi nhọc nhằn hiện nay, để nuôi sống gia đình, tôi đã phải trã giá như thế nào. Mỗi ngày, tôi ra đi từ lúc năm giờ sáng để rồi mệt nhoài trở về khi đã gần khuya, mang về cho nàng những đồng bạc nhàu nát và bốc đủ thứ mùi hôi hám. Tôi đã im lặng, lúc nào cũng im lặng trước những lời phàn nàn chất chứa biết bao điều bực dọc của nàng mỗi khi tôi trở về nhà, vào lúc nửa đêm và nồng nặc mùi bia Tiger, cái thứ nước vàng giúp tôi lấy lại niềm vui trong cuộc sống. . .
Không hiểu sao, nàng siết chặt tôi đến nghẹt thở rồi trịnh trọng buông ra.
- Chủ nhật nầy, mình đi xem hội chợ hàng chất lượng cao đi anh! Em sẽ tặng anh một món quà! – Nàng nói.
Tôi không muốn làm nàng cụt hứng nên vui vẻ gật đầu. Do kết quả của tình yêu, chúng tôi đã lấy nhau đúng mười lăm năm. Lúc ấy nàng mới hai mươi tuổi, là một cô gái xinh đẹp dịu dàng, mặc dầu hơi gầy, vừa tốt nghiệp trung cấp thống kê ra. Còn tôi là một thanh niên hai mươi lăm tuổi, chưa kịp vào đời đã thành kẻ bất đắc chí, và không ngớt nguyền rũa cái mảnh bằng cử nhân luật của trường Đại học Luật khoa Sàigòn mà tôi mới chỉ vừa cầm nó trong tay với đôi chút tự hào, vỏn vẹn đúng năm tháng trước ngày miền Nam được giải phóng. Tôi và nàng, mỗi người đã cố bươn chãi vào đời theo cách riêng của mình, trong hoàn cảnh đầy khó khăn của thời kinh tế bao cấp, mà như nhiều người đã nói sau nầy, cái thời duy ý chí ! Lúc ấy, dân miền Trung chúng tôi phải ăn cơm độn với hạt bo bo được xay bể đôi cứng như đá hoa cương. Lương thực thực phẩm được nhà nước bán theo định mức nhân khẩu. Chẳng hạn, phần tôi thì mỗi tháng được mua tám ký gạo ( thường là đã bị ẩm mốc vì để lâu trong kho), năm ký bo bo để độn, nửa lít nước mắm loại hai ( loại có 11 gr đạm/ lít ), nửa lạng mì chính . . . Tôi làm công nhân ở một xí nghiệp chế biến hải sãn nên mỗi tháng còn được xí nghiệp quan tâm bán cho hai ký cá tươi loại bốn theo giá nhà nước. Chúng tôi chứng tỏ tình yêu với nhau bằng cách, nàng nhường lại cho tôi một ký lô bo bo đã xay bể đôi trong tiêu chuẫn lương thực mười ba ký hàng tháng, còn tôi thì chia bớt cho nàng một nửa số cá tươi. Lúc ấy, chúng tôi đều biết rằng nàng cần đạm, còn tôi thì cần no bụng. Do vậy mà trước khi lấy nhau, tôi đã biết nàng vốn có thói quen ăn ít. Tôi thấy nàng ăn như mèo ốm, và ăn qua quýt thế nào cũng xong. Nhờ vậy mà trong suốt mười lăm năm chung sống, vợ tôi vẫn giữ được thể trọng ổn định ở mức ba mươi bảy ký lô, dù đã qua hai lần sinh nở. Điều ấy thật là đáng nể, nếu không có cái sự cố vừa xảy ra ở đầu tháng Tư nầy.
Tôi cho rằng có lẽ nguyên nhân bắt đầu từ việc các nhà khoa học về môi trường, vốn đang sống và làm việc nhiều năm tại thành phố chúng tôi, đã đưa ra dự báo rằng vào tháng Tư nầy, do tác động của hiện tượng El Nino, nhiệt độ trong thành phố có thể lên tới bốn mươi độ C vào ban ngày. Và tình hình bão lũ năm nay sẽ diễn biến phức tạp, cụ thể là sẽ có nhiều trận bão hơn, sức gió sẽ mạnh hơn, tàn phá dữ dội hơn. Toàn bộ bãi biển và các khu vui chơi giải trí, các khách sạn nghĩ dưỡng dọc bờ biển có thể bị nhấn chìm trong nước, do mực nước biển dâng cao vì hiện tượng băng tan ở Bắc cực. Đây mới thật là nỗi ám ảnh đã đeo đuổi tôi trong nửa tháng qua, kể từ hôm nghe được cái thông báo ấy trên đài truyền hình. Tôi đã chú ý theo sát tình hình chuyển biến thời tiết ngay từ đầu tháng Tư. Mỗi tuần một lần, tôi lại ra biển xem mực nước đã dâng cao tới đâu, và xem các công nhân của Công ty Hạ tầng Đô thị thi công đê bao ngăn nước. Và tôi đã không chút ngạc nhiên khi, lần đầu tiên nhìn thấy nước biển theo đường cống tràn vào gian bếp nhà tôi ngập đến mắt cá chân, mang theo đủ thứ rác rưỡi, trong đợt triều cường vừa rồi.
Cho đến khi tin tức về các vụ cháy rừng ở Cà Mau được đăng hàng ngày trên trang nhất các báo, cùng một lúc với sự tăng vọt chưa từng có các sự cố tai nạn giao thông xãy ra trong cả nước, thì tôi hoàn toàn tin chắc rằng cháy rừng và tai nạn giao thông đều có một mẫu số chung với El Nino. Vô tình mà tôi thuộc làu các số liệu thống kê về diện tích rừng ở Cà Mau đã bị cháy, cũng như số người chết hoặc bị thương cùng bao nhiêu vụ tai nạn giao thông đã xảy ra. Nhưng cái mà tôi quan tâm, không phải là các con số thiệt hại khổng lồ của vụ cháy rừng và tai nạn giao thông, hay chuyện băng tan ở Bắc cực nhấn chìm các bãi tắm và các khách sạn nghĩ dưỡng, mà là hậu quả tâm sinh lý mà chúng đã gây ra cho vợ tôi.
Tôi còn nhớ rất rõ, vào cái đêm thứ Tư hôm ấy, lúc mười hai giờ hai mươi lăm phút khuya, tôi đang khệnh khạng bước vào nhà và như thường lệ, nồng nặc mùi bia Tiger, thì nàng vẫn còn chong đèn ngồi ở đầu giường với vẻ lo lắng bất thường.
- Em đang tăng cân ! – Nàng nói rụt rè, rất khác với những lời càu nhàu thường được nàng ngậm sẵn ở đầu lưỡi để chờ tôi mỗi đêm khi tôi trở về.
Lúc ấy tôi không quan tâm lắm những gì nàng nói, chỉ cảm thấy hơi ngạc nhiên về sự lo lắng quá đáng của nàng thôi. Tôi bảo nàng rằng tăng cân là điều tốt. Rằng nàng cần phải mập hơn một chút, khoảng bốn chục ký gì đó, thì sẽ đẹp hơn rất nhiều. Nhưng nàng đã rầu rĩ nói ngay bằng một giọng trầm :
- Tốt cái gì ! lại thêm mất kinh nữa, đã mấy tháng rồi ! Mà anh xem, tóc em rụng nhiều lắm !
- Em có thai à ? – Tôi hỏi ngay.
Tôt thấy nàng quả quyết lắc đầu :
- Không, em đã đi khám rồi !
- Vậy thì sao ?
- Em thấy nóng bừng ở mặt, và tăng cân. Điều chưa từng có đối với em từ trước tới nay !
- Thì có sao đâu ? – Tôi kêu lên một cách nóng nảy.
- Em cảm thấy trên đầu trống trãi quá! Tóc rụng ngày càng nhiều, và những cơn bốc hoả làm đầu em đau râm rang suốt ngày, anh xem . . .
Nàng nghiêng đầu đưa cho tôi xem chỗ tóc rụng. Và tôi giật mình thảng thốt thấy trên đỉnh đầu vợ tôi tóc đã rụng thành một mãng tròn như lổ thủng tầng ô-dôn Nam cực.
Nàng ngồi cúi đầu rầu rĩ một lúc lâu, rồi ngẫng lên nhìn tôi nói thật bất ngờ :
- Bác sỹ bảo em bị tiền mãn kinh, sau khi làm tới làm lui một lô các xét nghiệm. Buồn cười quá ! Em mới ba mươi lăm tuổi mà ! Chắc là em đang bị El Nino dày vò thôi !
Tôi phá ra cười, trong khi nàng đưa cặp mắt bối rối nhìn tôi từ đầu tới chân. Một hồi lâu sau tôi nghe nàng lẩm bẩm như nói một mình:
- Đúng là em đang bị El Nino rồi !
Thú thật là tôi còn tiếp tục cười như thế nhiều ngày liên tiếp sau đó nữa, mỗi khi nhớ lại chuyện ấy.
- Này các cậu ! Vợ tớ bị El Nino đấy ! – Tôi đã gân cổ hét lên như thế trong lúc ngồi uống bia với các bạn tôi ở quán Văn Nghệ.
- Cẩn thận đấy ! Mặt cậu đỏ rừ kìa ! - Một gã bác sỹ, nhưng bỏ đi viết văn, ngồi sát cạnh tôi đã đưa ra một lời khuyến cáo. Anh ta nói tiếp – Xét theo lô-gích hình thức, thì việc vợ cậu bị El Nino là điều hoàn toàn có thể. Nhưng tớ hơi ngạc nhiên không biết vợ cậu là người thế nào mà lại nhạy cảm tới mức nghĩ ngay mình đang bị El Nino. Dân y khoa như mình đây mà hoàn toàn không dám nghĩ tới việc người ta có thể bị El Nino. Nhưng nghe đây nầy, tại sao không ? Ba mươi lăm tuổi mà đã mãn kinh, lại đúng vào lúc đang có El Nino. Vậy không phải El Nino thì là cái gì ? Phụ nữ có khả năng nhạy cảm một cách đặc biệt với các hiện tượng thời tiết bên ngoài. Chuyện đó thì ai cũng biết . . .
Tôi hoang mang không biết là gã nói hay bia nói.
*
Trước nhà tôi có một cây muồng kim phượng đã trỗ lứa hoa đầu tiên vào mùa hè năm ngoái. Từ khi Công ty Cây xanh thực hiện kế hoạch phủ xanh các đường phố bằng muồng kim phượng, cha tôi đã mang về một cây trồng ngay trước ngõ. Ông cho biết nó ra hoa màu vàng rất đẹp vào mùa hè, và có sức chịu hạn tốt. Từ khi trồng xuống đến nay, tôi thấy nó lớn như thổi. Và trong lúc tôi vẫn cười nhạo vợ tôi về chuyện cô ta cho rằng mình bị El Nino, thì vào một đêm nóng hầm hập nàng bảo tôi:
- Này anh ! Sáng mai hãy tưới cho cây kim phượng đi !
Tôi thấy cô ta thật là vớ vẫn. Từ khi được trồng tới nay, tôi chưa thấy ai tưới bón gì cho nó cả. Và nó vẫn sống nhởn nhơ đấy thôi. Quá nhởn nhơ là đằng khác ! Trong khi tôi nghĩ, nếu có ai đó cần được tưới bón để mà sống cho tươi tắn hơn, thì chính là cái thằng tôi đây thôi, chứ chẳng phải cái cây vớ vẫn đó đâu. Nhưng lạy Chúa, tôi đang mệt phờ râu vì cái nóng hầm hập vây bủa khắp nơi, và buồn ngủ ríu cả mắt nên chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Sáng hôm sau, tôi lại vội vả ra khỏi nhà vào lúc năm giờ, lúc đi qua cây muồng kim phượng lòng tôi không khỏi có chút ganh tỵ vì thấy nó vẫn nhởn nhơ xanh tốt. Tôi không nhớ rõ là cách mấy ngày sau đó, vào lúc nửa đêm, trong cái âm thanh vù-vù của chiếc quạt trần đang quay cật lực, tôi lại mơ màng nghe nàng nói bên tai :
- Anh, cây kim phượng chết rồi !
Trong lúc tôi mơ thấy mình đang nằm ngữa nổi lềnh bềnh trong gian bếp ngập nước, do nước biển dâng cao theo đường cống tràn vào, bên tai thì nghe những núi băng Bắc cực đổ ầm ầm; và tôi cố nhớ lại khi nãy, lúc về nhà tôi vẫn còn thấy cây kim phượng đứng nhởn nhơ như một người đang chờ ai trước ngõ. Không hiểu do một động lực nào, tôi choàng dậy cầm đèn pin đi ra. Và tôi sững sờ nhận thấy cây muồng kim phượng đã chết đứng tự bao giờ. Đúng là nó đã chết đứng ! Nó chết mà toàn bộ lá cây chưa kịp đổi màu, chưa kịp rơi cái nào cả.
Vợ tôi như lao vào tôi từ phía sau :
- Chính anh, chính anh đã không chịu tưới cho nó ! - Nàng gào lên.
Tôi im lặng quay vào nhà và trông thấy cái bóng lù lù của cha tôi đang đi lên thang gác.
- Cây chết thì người sống sao nổi ! – Ông nói – Sáng mai ra ngõ, nhớ mà coi chừng xe với cộ đấy !
- Làm sao em biết nó chết ? – Tôi hỏi vợ tôi.
- Nó bắt đầu chết từ cái hôm em bảo anh tưới cho nó đấy, cũng khá lâu rồi còn gì ! – Nàng đáp tỉnh queo. Rồi cũng với cái giọng tỉnh queo đó, nàng tiếp – Em muốn tưới cho nó nhưng không có nước.
Tôi biết từ đầu tháng Tư tới giờ, nước máy phải lấy vào ban đêm. Hôm nào nhà bên cạnh dùng máy bơm để hút nước, vợ tôi phải thức trắng đêm vẫn không lấy đủ nước dùng cho ngày hôm sau. Tôi vào giường nằm, cởi bỏ hết quần áo trên người mà mồ hôi vẫn cứ tươm ra. Rất lâu sau vợ tôi mới trở vào. Tôi nghe nàng thở dài nói :
-Vợ chồng anh Ba lại sang năn nỉ em khoá vòi nước lại để họ hứng chút ít tắm giặt cho mấy đứa nhỏ. Mấy ngày rồi chưa tắm, đứa nào cũng rôm sảy đầy người.
Nhà anh Ba ở sát vách bên trái tôi. Chồng đạp xích lô, vợ bán nước mía ở đầu ngõ. Thỉnh thoảng, những khi gặp nhau ngoài phố, trong lúc tôi đang cắm cổ chạy tốc cả mái lên thì anh cũng rạp người trên chiếc xích lô đang chở khách, vẫy tay chào tôi.
- Em mở vòi từ sáng đến giờ mà ảng nước vẫn không còn một giọt ! - Vợ tôi nói sau một lúc lặng thinh.
Tôi buồn ngủ muốn thiếp đi, thì chợt nghe tiếng xè-xè của máy bơm nước vang lên rõ to từ nhà bên cạnh, phía vách phải của tôi.
- Lão ta lại dùng máy bơm thế nầy thì đố ai mà lấy được tí nước nào ! - Vợ tôi càu nhàu.
Láng giềng bên phải tôi là một tay kinh doanh cây kiểng. Vườn kiểng của lão trị giá bạc tỷ, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Lão đã bố trí đến bốn cái giếng đóng quanh vườn. Nhưng mấy hôm nay thì giếng đóng cũng khô nước. Lão xoay qua dùng máy bơm công xuất lớn hút nước từ đường ống của thành phố ra. Tuần trước, chẳng may đàn chó năm con của lão lần lượt mắc bệnh cúm chó lăn ra chết thảm thương. Sở Nông nghiệp và Phát triễn nông thôn cho biết đây là bệnh lạ, mới xuất hiện lần đầu tiên, có khả năng lây lan thành dịch nên đã tiến hành khoanh vùng phun thuốc diệt mầm bệnh. Lũ chó nầy có nhiệm vụ canh giữ vườn kiểng, nên khi chúng chết lão đã phải thuê công ty bảo vệ đến canh gác. Chỉ riêng con chó vàng của vợ lão nuôi làm chó kiểng không chết nhưng sợ quá bỏ qua nhà tôi, suốt ngày nằm mọp dưới gầm bàn ăn trong gian bếp, đánh đuổi thế nào cũng không chịu chạy về.
Tôi thiếp đi một lúc thì tỉnh giấc, nghe trong người rạo rực. Vợ tôi đang nằm xây lưng lại phía tôi, nên không biết nàng ngủ hay thức. Tôi choàng một tay ôm lấy nàng, và chờ đợi. Mười lăm phút trôi qua, tôi thấy nàng nhè nhẹ cầm cánh tay tôi bỏ xuống giường mà vẫn không quay mặt lại. Đột nhiên một nỗi buồn kinh khủng xâm chiếm lấy tôi.
- Em vẫn không thích à ? – Tôi thì thào vào tai nàng.
Rất lâu không nghe cô trả lời, tôi lại hỏi :
- Em không uống vĩ thuốc anh mua cho em sao?
- Có uống, nhưng chẳng thấy kết quả gì.
Tôi im lặng cố nén tiếng thở dài. Quả thật tôi không hiểu sao mới ba mươi lăm tuổi mà vợ tôi lại mắc bệnh lãnh cảm như thế. Tôi đã đưa nàng đi nhiều nơi, tìm mọi cách chạy chữa tốn kém rất nhiều, nhưng vô hiệu. Tôi đã cho nàng uống những viên thuốc mà người khác uống vào 30 phút là hừng hực lên ngay, nhưng nàng thì vẫn lạnh tanh như chùa bà đanh. Tôi đã cầu cứu cả những giáo sư đầu ngành tình dục học, nội tiết học . . . để rồi nhận những cái lắc đầu khó hiểu. Cuối cùng, chỉ còn một lý giải duy nhất :
- Em không yêu anh nữa ! – Tôi đã bảo thẳng vợ tôi, với nỗi lo sợ về sự bất hạnh sẽ ập xuống cho cả hai.
Nhưng lúc ấy tôi thấy mặt nàng cứ trơ ra chẳng có phản ứng gì cả, tuồng như không hiểu tôi đang nói gì.
Tôi lại choàng tay ôm lấy vợ tôi, luồn bàn tay vào mân mê bầu ngực teo tóp của nàng mà nghe lòng u u ám ám. Đêm nay, tôi nhất định làm cho bằng được cái chuyện ấy, để xem cô ta phản ứng thế nào. Tôi nhẹ nhàng xoay người nàng lại, cương quyết tỏ ý muốn. Thình lình, dường như có một cái gì đó vừa bừng tỉnh, nàng ưỡn người lên, quấn chặt lấy tôi quằn quại rên rĩ, hai bàn tay càng lúc càng bấu chặt vào lưng tôi. Tôi nghĩ chắc nàng đã đáp ứng được rồi. Tôi mừng thầm và quyết định gia tăng cường độ, với mong muốn làm cho nàng được sung sướng hơn. Trong lúc tôi đắm mình trong niềm hoan lạc đã lâu mới có được ấy, vào cái giây phút quyết định cuối cùng ấy, thì bỗng nghe nàng oằn người rên lên :
- Á ! ! ! Đau quá anh ơi !
Chiếc xe đang đổ dốc không thể phanh ngay lại được. Hình như nàng đang khóc. Hình như nàng đang mềm nhũn ra . Hình như cả thế giới nầy đang bất lực. Tôi nghe mình xẹp xuống như chiếc bong bóng xì hơi. “Em đã cố gắng rất nhiều, nhưng đau quá không chịu nỗi nữa !” – Nàng thút thít khóc – “ Em không thấy thích thú gì cả, chỉ thấy đau rát chỗ ấy thôi ! Đau kinh khủng ! Chắc là em đã hết thật rồi, người em khô khan nức nẻ hết rồi! Em đã nói là em bị El Nino mà anh không nghe! . . . Hãy tha lỗi cho em !”.
Sau đó, nàng thỉnh thoảng lại trờ dậy. Tôi cũng mệt nhoài nhưng không sao ngủ lại được. Chốc chốc, lại nghe có tiếng động phát ra từ cái thang gác bằng gỗ, và tôi lại thấy cái bóng lù lù của người cha mất ngủ của tôi lặng lẽ lướt đi trên cầu thang.
Đến gần sáng, trong lúc đầu óc tôi chất đầy bởi những tiếng vù-vù của chiếc quạt trần đang quay cật lực trong bóng tối, tiếng xè-xè của máy bơm nước ở nhà bên cạnh, và cái trần nhà nóng hầm hập như sắp đổ xuống, tôi cứ ngỡ vợ tôi đã ngủ say rồi thì chợt nghe tiếng nàng vang lên nhỏ nhẹ, tỉnh táo một cách lạ thường :
- Dậy đi anh ! Nước lên ngập gian bếp rồi!
Tôi tỉnh ngay như sáo, mặc quần áo rồi ra khỏi giường. Gian bếp của tôi nằm ngay miệng cống, nên từ ngày nước biển dâng cao mỗi khi có triều cường là nước lên ngập. Vợ tôi đã bật đèn sáng choang. Tôi tìm con chó vàng nhưng không thấy đâu. Tôi tróc lưỡi gọi nó khắp nhà vẫn không có. Vậy là nó lại bỏ đi rồi, tội nghiệp cho mi, hỡi chó vàng ! Tôi bước xuống bếp, nước lên ngập mắt cá chân, cảm thấy là lạ, không phải thứ nước đen hôi thối mà là nước biển trong xanh. Nước biển đã theo đường cống chảy vào nhà tôi. Và tôi thấy vô số những chiếc túi ny lông rác do cư dân thành phố vứt đầy ngoài bãi biển, nổi lềnh bềnh khắp nơi. . .
Phạm Ngọc Cảnh Nam