watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ấm Đường ở hội thi - tác giả Phạm Thái Quỳnh Phạm Thái Quỳnh

Ấm Đường ở hội thi

Tác giả: Phạm Thái Quỳnh

Trăng xuân rắc vàng, rắc bạc xuống đầy trời, đầy đất. Gió từ phía núi Ngọc Mỹ Nhân xanh rờn thổi tới làm cho có cây trong vườn quan Tuần phủ Ninh Yên mướt thêm, ngời lên dưới trăng.
Ngài Tuần phủ có một thói quen, những đêm trăng đẹp ngài thường đứng lặng trong vườn ngắm trời mây, hoa lá. Đêm nay, dù chưa tới Nguyên tiêu mà trăng đã sáng lắm. Quan Tuần phủ một mình tha thẩn trong vườn, rồi ngài cứ lặng lẽ ngắm Ngọc Mỹ Nhân. Ai đã cho núi cái tên ấy nhỉ? Dưới trăng xuân, dáng nằm của người đẹp đá càng thêm mộng mị. Tiếng chim đêm tan vào mênh mông mới cô đơn làm sao. Bỗng một tứ thơ như tia chớp lóe lên:
Ngọc Mỹ Nhân! Ngọc Mỹ Nhân!
Giấc điệp đã mấy nghìn năm
Nàng ơi hãy bừng giấc đá
Cùng ta nâng một chén xuân...
Ngọc Mỹ Nhân vẫn lim dim giấc mơ đá: Thiên thu mây trắng cứ trôi! Một nỗi buồn mơ hồ râm ran trong ngài.
Bỗng có tiếng nói nho nhỏ phía sau: "Khuya rồi mời bố đi nghỉ". Ngài Tuần phủ quay lai và ngài chợt hiểu con trai muốn gì. Dù vậy, ngài vẫn hỏi con:
- Vậy khuya rồi anh ra đây làm gì ?
Ấm Đường run run đáp:
- Thưa bố, con ra xin bố cho con về quê dự hội cờ.
- Anh thì ham cờ hơn ham học. Nhà mới có một mình anh là giai nên mẹ anh chiều quá mức. Không khéo rồi anh sinh hư. Thôi được, tôi cho anh đi. Sau hội cờ, anh mà chểnh mảng đèn sách, tôi sẽ gửi anh lên cụ đồ Tả Thanh Oai cho cụ ấy kèm cặp. Vậy bao giờ anh đi?
-Thưa bố, chiều ngày mười hai khai hội. Sáng mai con đi ạ.
Ngài Tuần phủ ngẫm nghĩ nói:
-Cổ Bái gần làng ta, làm việc gì anh cũng phải cân nhắc, không được tùy tiện. Anh nhớ lấy.
-Thưa bố, con xin nhớ ạ.
*
Chu Bột gốc gác Trung Hoa. Tổ tiên Chu Bột theo Tống Nhạc Phi chống họa Mông Thái. Năm 1279, triều đình Nam Tống bị người Mông thôn tính. Một số người dòng họ Chu chạy sang Nam ẩn náu.
Năm 1285, Mông Nguyên đánh Đại Việt lần thứ hai. Những người họ Chu theo vua Trần chống Mông Nguyên. Giặc Bắc thua chạy, Đại Việt trời yên bể lặng. Những người họ Chu nhận thấy đất Nam là đất lành, người Nam nhân hậu. Vì vậy hộ ở lại làm con dân Đại Việt.
Thuở bé, Chu Bột là đứa trẻ hiền lành, ngoan ngoãn, tư chất bình thường không có gì nổi trội. Năm mười một tuổi, Chu Bột bị bệnh đậu mùa may mắn thoát chết nhưng lại bị hỏng hai mắt do bệnh chạy hậu. Bù lại, trời cho trí tuệ Chu Bột sáng lên khác thường, đặc biệt là tài đánh cờ. Tổng nào mở hội thi cờ, ông đã nhảy vào tranh tài là cầm chắc đứng đầu giải. Năm năm liền, ông chưa có đối thủ. Người ta suy tôn ông là đệ nhất danh kỳ. Mắt ông hỏng nên mỗi lần đi thi cờ ông đều cho cháu đi theo. Ông thì nghĩ còn thằng bé trai cháu ông thì nhìn. Một người "nghĩ" một người "nhìn" ghép lại với nhau mà đã làm cho hầu hết đối thủ lành lặn bật khỏi trường cờ.
Nhưng sáu bảy năm rồi người ta không trông thấy ông ấy lai vãng đến trường cờ. Có người tò mò đã tìm ra căn nguyên. "Vạn sự hữu môi phi nhất nhật...". Đầu đuôi câu chuyện là thế này: Cửa Tam giang nơi sông Cái chia nước cho sông Ninh có một lão chài nổi tiếng cao cờ. Có điều, lão chưa một lần dự hội thi tài. Có người hỏi lão chài vì sao lại như thế? Lão đáp "Bon chen mà làm gì? Lão chỉ mượn bàn cờ tìm bạn tri giao quên đi nỗi buồn vong quốc...". Nghe được câu nói ấy, Tri phủ Nam Trường thân hành đến nơi chỉ có trời và nước thăm lão chài và chơi cờ.
Ngài Tri phủ phục tài cờ lão chài lắm bèn biếu lão chài một bộ quân cờ bằng ngà đẹp đến mức dưới gầm trời Nam không tìm đâu ra bộ thứ hai. Có bộ quân cờ quý lão chài bày ngay ra mời ngài Tri phủ chơi giải buồn. Khi cuộc cờ vào lúc say nhất, lão chài dẹp hết quân lại nói: "Hầu cờ ngài, lão thấy ngài là bậc chính nhân. Vậy ngài tìm gì ở bàn cờ nhỏ này? Ngài hãy đi nước cờ giang sơn, sau này đời mới nhớ ngài". Quan Tri phủ sững người. Từ đó không ai thấy ngài tri phủ lui tới nơi chỉ có sóng và gió nữa. Lão chài cũng không thể ngờ câu nói của lão góp phần làm cho ngài Tri phủ bỏ công đường, rủ bằng hữu lập ra "Hội kín...".
Một hôm, có gã con nhà giàu đến xin hầu cờ lão chài. Qua cử chỉ, nói năng của gã, hiền lành như lão chài mà lão cũng rất bực. Lão nghĩ "Phải dạy cho gã lễ nghĩa để gã mở mắt ra". Lão chài bèn hỏi:
-Có thật là công tử muốn đấu cờ?
-Sao lại không thật? - Gã trả lời xấc xược.
-Được! Vậy thì thế này, lão chấp một xe. Công tử không bằng lòng thì về.
"Thật là khinh nhau quá?". Biết vậy mà gã công tử bột vẫn phải chấp nhận. Kết cục, cuộc tỷ thí ấy, gã con nhà giàu bị "vỗ bụng" cả ba ván. Gã ngậm bồ hòn ra về rắp tâm rửa hờn. Gã nung nấu hàng tháng rồi reo lên: "Diệu kế! Diệu kế! Nhưng rồi có kẻ sẽ chê ta là tiểu nhân. Mặc!". Gã vội vàng trở lại Tam Giang nói với lão chài:
-Hôm nay tôi lại đọ tài với ông.
Lão chài không nói gì chỉ nhếch mép cười.
-Sao, ông sợ thua chắc?
-Thôi được, lão tiếp cậu một lần nữa.
Gã con nhà giàu mừng lắm bèn bước xuống thuyền. Lão chài nhổ sào đẩy thuyền ra xa bờ chừng bốn, năm ngũ rồi neo lại. Chiều thu nắng nhạt, gió mênh mang. Đại giang sóng lớp lớp đuổi nhau. Sóng mơn man mạn thuyền khiến con đò chao nhẹ dập dềnh.
Lão chài đặt chiếc bàn cờ gỗ gụ lên tấm ván sạp phía mũi thuyền: Nước thời gian làm cho bàn cờ bóng nhẫy. Mở cái túi gấm nhỏ, lão chài lấy bộ quân cờ bằng ngà ra. Gã kia vội vàng cùng lão bày tuân. Bày xong, gã hỏi:
-Ông vẫn chấp một xe chứ?
Lão chài lại cười:
-Lần này, lão chấp hai xe.
Lão chài nhường gã đi trước. Nhanh như sóc, gã cầm ngay đôi xe đen ném hết tầm ra giữa sông và nói:
-Hai con xe ấy thừa để làm gì?
Lão chài bực lắm nhưng cố nén lòng:
- Ngươi dùng kế tiểu nhân để mong thắng ta. Ta không thể tiếp cờ kẻ tiểu nhân nữa.
Nói rồi, lão chài quẳng cả bàn cờ xuống sông.
Gã con nhà giàu chột dạ. Gã thấy ở thì không được mà về tì chẳng lẽ lại lạy lão chài để lão nhổ neo, đẩy thuyền vào bờ. Một lát suy nghĩ, gã bắt tên đầy tớ kiệu gã lên vai lội vào bờ. Nhìn cung cách ấy, lão chài nghĩ. "Gã con nhà giàu này sống thì có ích gì cho thiên hạ...".
Chu Bột nghe danh lão chài bèn lặn lội đến hầu cờ. Rủi cho Chu Bột, lão chài không chơi cờ nữa. Hỏi căn nguyên, Chu Bột được lão chài kể lại nguyên do lão có bộ quân cờ quý và vì sao lão lại quẳng cả bộ cờ xuống sông. Chu Bột sững sờ buồn than rằng "Than ôi, cờ cũng có cờ quân tử cũng có cờ tiểu nhân...".
Biết Chu Bột là danh kỳ chưa có đối thủ, hai mắt lại mù phải nhờ cháu dẫn đến thăm mình, lão chài nghĩ để Chu Bột thất vọng về không thì không phải. Lão chài bèn ngỏ ý hai người chơi cờ tưởng - chỉ có nghĩ và nói bằng mồm với nhau chứ không có quân cờ. Chú Bột mừng lắm. Qua ba ván cờ mồm, mỗi người thắng một, còn một ván hòa. Trước khi tiễn khách ra về, lão chài nói:
- Hôm nay phần thắng, thuộc về Chu đệ ấy là vì thâm niên cờ của lão hơn Chu đề mười mấy năm. Còn nữa, lão cao tuổi nhưng mắt còn tinh tường. Chu đệ thì thiệt thòi. Có điều, ông giời ngay bằng lắm. "Gia kỳ giác giảm kỳ xỉ". Trâu có sừng nên không có hàm trên. Ngựa có đủ răng nên bị bớt sừng đi. Giời đã cho Chu đệ đôi mắt trong đầu.
Chu Bột cảm kích đáp:
- Cảm ơn lão chài có tấm lòng độ lượng.
Câu chuyện của lão chài bị gã con nhà giàu chơi xấu khiến Chu Bột không hứng thú với cờ nữa. Sáu bảy năm, Chu Bột không bước tới trường cờ. Ta có thể hiểu được vì sao.
*
Tháng Giêng, làng quê xanh một mầu xanh tinh khôi, bẽn lẽn. Những làn Chèo điệu Chầu văn dài như gió nghiêng cả hội hè. Đường xuân quấn áo, chen chân. Trai thanh, gái lịch từ Nam Trường, Hải Tiền kéo lên. Tài tử, giai nhân từ Phong Doanh, Thiên Bản ùa sang. Cậu ấm, cô chiêu từ Mỹ Tài, Nam Thành đổ về. Mọi nẻo đường nườm nượp tiếng cười, nườm nượp sắc mầu. Trò vui đầy ắp nứt cả đất trời. Chỗ này chọi gà. Chỗ kia đấu vật: Trường đu dây đu bay bổng. Đu đơn, đu kép. Đu đơn thênh thang một người một bóng. Đu kép, gái nép bên trai mắt liếc, chân nhún. Quần hồng, áo tía rập rờn bướm bay.
Trường đu đã vậy, trường cờ nào có kém mầu xuân. Thiếu niên tuấn tú, thiếu nữ đẹp xinh đứng giữ quân cờ. Trai đứng chân quân đỏ. Gái đứng chân quân đen: Mệnh phụ, trưởng giả ngồi vào ghế tướng. Trang phục đủ sắc mầu. Ai đứng chân quân cờ nào mang trang phục quần cờ đó. Người vào thi cờ có trang phục riêng và thêm một lá cờ lệnh. Khi cờ lệnh vẫy, có người xướng nước đi, thêm một tiếng trống điểm, các quân theo bước chân người chuyển động, biến hóa đến khi tàn cờ.
Cuộc thi cờ diễn ra từ sáng ngày mười hai. Chiều ngày mười hai, rồi cả ngày mười ba, cậu Ấm Đường cứ đứng xem thiên hạ trổ tài và suy nghĩ. Cờ đấu trực tiếp ba ván ai thắng hai ở lại đấu tiếp. Nếu hai người hòa cờ thì bốc thăm vậy. Có người thắng liền ba đối thủ, đến đối thủ thứ tư bị bật khỏi trường cờ.
Sáng ngày mười bốn, trong bộ quần áo đỏ, khăn đỏ, cờ đỏ, Ấm Đường bước vào trường cờ oai nghiêm như một vị tướng xung trận. Cậu nhìn cô Hạnh... Mắt giai nhân ánh lên niềm tin và một nụ cười khiến cậu ấm rất phấn chấn. Các đối thủ lần lượt bị cậu loại. Kết thúc ngày mười bốn, cậu Ấm Đường chưa phải nhường cờ lệnh cho ai. Cô Hạnh vui lắm. Cứ đà này, cậu sẽ giữ cờ đến khi trao giải. Nhưng sáng ngày mười lăm, cậu Ấm Đường đã gặp kỳ phùng địch thủ từ tỉnh Thái sang. Ván đầu, cậu Ấm Đường bị con tốt hoẻn nhập cung tóm mất tướng. Cậu thắng lại ván thứ hai trầy trật toát cả mồ hôi.
Hai người vào ván thư hùng cuối cùng. Giai nhân lại dành cho cậu Ấm Đường nụ cười đầy khích lệ khiến cậu bừng lên một khí thế...
Đối thủ giành thế tấn công từ đầu. Thế cờ của cậu Ấm Đường bị núng. Cậu vã mồ hôi bởi nước chiếu pháo. Người thủ trông thấy cậu nghĩ lâu quá bèn thúc trống liên hồi. Cậu chưa nghĩ được cách hóa giải thế cờ của đối phương. Bỗng cậu nghe, phía sau có ai đó nói bâng quơ: "Xe lởn vởn, pháo canh chừng, mã lập công". Cậu nhẩm đọc lại "Xe lởn vởn; pháo canh chừng, mã lập công...". Mắt cậu sáng lên: "Giời Phật đã xui ai mách nước cho mình nhỉ". Cậu nhận ra, dùng quân xe làm kỳ binh lừa đối phương, quân pháo chốt chặt giữ vững thế trận, quân mã nhảy vào chiếu. Nghĩ như thế nào, cậu Ấm Đường triển khai thế cờ đúng như vậy. Quả nhiên, cậu phá được thế bao vây của đối phương rồi áp đảo đối phương, khiến đối thủ phải buông cờ.
Người ta kháo nhau, cậu Ấm Đường con quan Tuần phủ Phan Đình Hào giữ cờ suốt ngày mười bốn. Những tay nổi tiếng giỏi cờ cũng bị cậu loại khỏi trường cờ. Làng cờ ngỡ ngàng về sự xuất hiện của cậu. Lần đầu, cậu dự thi cờ mà đã gây được tiếng tăm thì thật là hiếm. Nghe thiên hạ kháo Chu Bột không dửng dưng được nữa. Chu Bột bị kích thích mạnh. Ấy là vì người giỏi cờ rất trẻ lại là con quan đầu tỉnh. Chu Bột bèn bảo cháu dẫn ông lên Cổ Bái. Vậy là sáu bảy năm ông ngoảnh đi, nay ông đã ngoảnh lại hội thi cờ.
Cuộc thi tài của cậu Ấm Đường với kỳ thủ tỉnh Thái, Chu Bột đã chứng kiến. Ông không khen hoặc chê Ấm Đường một câu. Nhưng ông đã đi đến một quyết định...
Cậu Ấm Đường đã nghe danh Chu Bột từ lâu nhưng hôm nay mới được gặp. "Mình lại phân cao thấp với người này ư? Thắng một người mù có gì đáng vinh hạnh. Nhưng nếu mình thua? Giá ông này đừng xuất hiện...".
Chu Bột nhờ cháu dắt tới trước cậu Ấm Đường, nói:
-Tôi xin mạo muội hầu cờ cậu.
Thoáng một vài giây suy nghĩ, cậu Ấm Đường thấy không thể thác được bèn đáp:
-Thôi được, tôi tiếp bác.
Người người đổ dồn về trường thi cờ. Tiếng reo tường đến vỡ hội. Chu Bột nói nhỏ với cháu: "Hôm nay, cháu cứ để mặc bác. Cháu không được nhắc gì cả". Người cháu Chu Bột lấy làm lạ nhưng phải nghe theo.
Trống gióng lên. Các quân cờ đứng vào vị trí. Một già, một trẻ - một tối, một sáng vào cuộc so tài. Cậu Ấm Đường mời Chu Bột đi trước. Chu Bột lại nhường cho quý tử của quan Tuần phất cờ trước. Ván đầu diễn ra chóng vánh. Phần thua thuộc về Chu Bột. Có điều, ông cố "bỏ quên" hai quân xe. Cậu Ấm Đường biết Chu Bột đã nhường ván đầu. Nhiều người ở trường thi cờ cũng nghĩ như cậu. Vào ván thứ hai, cậu Ấm Đường choáng váng ngay. Những nước đi của Chu Bột, cậu Ấm Đường không sao lường được. Đó là những nước cờ của giời chứ không phải của người. Chu Bột nhanh chóng thắng lại khi cậu Ấm Đường vẫn còn bền sĩ tượng. Cậu đã thấy run: "Ván cuối cùng mình phải đánh thế nào đây?" Cậu nhìn cô Hạnh. Nét mặt giai nhân như phù dung gặp bão.
Trống lại rung vang. Ván cờ chót, Chu Bột nhường thế tấn công cho cậu Ấm Đường. Nhưng mọi nước đánh của cậu đều bị Chu Bột hóa giải. Rồi điều gì đến tất phải đến. Thế cờ hiện rõ mồn một. Chu Bột không thể không chiếu xe lệch. Vì một quân xe của ông đã án ngữ không cho tướng của đối thủ thượng, còn hạ thì làm gì có đường vì tướng đang tọa cung. Một quân xe nữa của ông đã rộng lối vượt sông găm vào nách tướng của Ấm Đường mà không hề bị một quân nào ngăn cản. Nước chiếu này có mà giời đỡ. Còn cậu Ấm Đường, cậu sẽ chiếu pháo lồng. Đòn tấn công này, ông Bột chỉ còn mỗi một cách lựa chọn là tướng phải trao ấn. Cờ chỉ hơn kém nhau một nước. Ai đi trước, người ấy thắng. Có điều người đi trước không phải là cậu Ấm Đường.
Người chơi cờ dù chưa sạch nước cản cũng nhận ra cậu Ấm Đường không thể không giương cờ trắng. Ông Chu Bột chỉ vẫy cờ một cái, quân xe vượt sông là ông bước lên đài vinh quang. Nhưng sao ông ấy cứ đứng lặng đăm chiêu? Trống thúc dồn, ông ấy cũng mặc. Hay ông Bột cố kéo dài sự hấp hối của cậu Ấm Đường. Hàng trăm người hồi hộp cùng cậu, lo đấy nhưng cứ phải ngậm tăm. Những người cổ động cho ông Bột mừng lắm, mừng nhưng cũng không dám hé răng. Cả trường thi cờ im phăng phắc. Người chủ trò tái mặt. Chánh tổng sở tại như có lửa trong lòng. Mặt cậu Ấm Đường nghệt ra. Những chiếc lông măng trên mặt cậu dựng đứng. Lỗ chân lông trũng xuống, rộng thêm.
Chu Bột quyết định cho xe vượt sông... Bỗng Chánh tổng hắng giọng, nói: "Chu Bột, ông hay tốt lắm kia mà..." Chu Bột hiểu ngay Chánh tổng muốn gì. Ngoài nước chiếu xe lệch, Chu Bột còn có quân tốt. Ba bước nữa nó sẽ vuốt râu tướng: Song nếu dúi tốt, chu Bột sẽ châm hai nước và có nghĩa là... ông thầm nghĩ "Đây là cuộc thi tài có lẽ nào?". Nhưng rồi Chu Bột lại đắn đo... Thôi đành vậy! Ông bèn nói với chánh. "Đi quân tốt".
Đứa cháu không tin vào đôi tai của nó. Nó bèn hỏi lại: "Đi tốt?". Ông Bột đáp: "Ừ đi tốt". Đứa cháu run run đặt ngón tay lên quân tốt trong bàn cờ nhỏ dúi thêm một bước. Người rao cờ lập tức xướng ngay. Một tiếng trống vô cảm, khô khốc rung lên: Cậu Ấm Đường không thể tin cái điều vừa xảy ra: "Nước cờ ấy không phải là nước cờ của Chu Bột. Nhưng dù sao mình cũng đã thắng. Mình không bẽ mặt với nàng...". Cậu Ấm Đường bàng hoàng độn con pháo vào chiếu nước pháo lồng. Trống gióng mãn cuộc, cậu vội vàng đi tìm cô Hạnh.
*
Cậu Ấm Đường chưa về đến nhà, tin cậu thắng cờ đã đến tai quan Tuần. Ngài vui lắm. Từ công đường, ngài về ngay tư dinh. Về tới nhà, ngài ngồi chưa nóng chỗ thì cậu Ấm Đường đã về. Ngài hỏi ngay: Ván cuối cùng, con đánh với ai?
- Thưa... với ông Bột ạ.
- Chu Bột?
- Dạ, đúng là ông Bột. Ông ấy bị mù.
Ngài Tuần phủ ngờ ngợ: Lão chài Tam Giang là bậc thánh cờ mà còn phải nể Chu Bột. Nhưng ông Bột vắng bặt mấy năm rồi kia mà? Ngài bèn hỏi người theo hầu cậu Ấm Đường. Người đi theo cậu Ấm Đường cũng nói là cậu đấu với ông Bột. Quan Tuần phủ chau chau vầng trán rồi sai gia nhân mang bàn cờ ra. Ngài nói:
-Anh bày lại thế cờ trước khi hết cờ cho tôi xem.
Cậu Ấm Đường bày lại thế cờ. Quan Tuần phủ nhìn qua hỏi:
-Ai đi trước? - Thưa ông Bột ạ.
-Chu Bột đi trước mà anh lại thắng?
-Thưa ông Bột đi quân tốt.
Quan Tuần phủ lấy làm lạ, nói:
-Đi quân tốt? Có ai nói gì với ông Bột không?
Cậu Ấm Đường chưa trả lời. Người theo hầu cậu thấy phải nói thật cái điều ở trường cờ không ít người đã biết với ngài Tuần phủ. Không nói, sau này quan Tuần cũng biết. Lúc ấy, ngài hẳn không nương tay. Vì ngài nghiêm lắm. Người theo hầu bèn đỡ lời cậu chủ:
- Bẩm tướng công, cậu con mải nghĩ nên không biết. Con nghe mấy người eo xèo rằng ông Chánh tổng có nói gì với ông Bột ạ.
Ngài Tuần phủ ngẫm nghĩ một lúc rồi nói với thuộc hạ:
- Người về tỉnh Nam mời Chánh tổng Trung Lao và ông Chu Bột vào ăn khao. Nói rằng, ta mở hội mừng cậu Đường...
Thuộc hạ của quan Tuần đi ngay. Cậu Ấm Đường vui lắm. Cậu sang khoe ngay với giai nhân.
Chánh tổng Trung Lao và Chu Bột đến. Quan Tuần phủ mang bầu rượu quý ra đón khách. Ngài cho cả con trai ra cùng tiếp Chánh tổng và Chu Bột. Khi chủ khách đã an tọa, ngài nói:
-Cảm ơn ông Chánh, không có ông Chánh, con ta chắc sẽ thua cờ.
Chánh tổng mừng lắm: "Thì ra quan Tuần đã biết đến thịnh tình của mình. Ngài và quan Tổng đốc tỉnh Nam là chỗ thâm giao...". Nghĩ như vậy, Chánh tổng bèn thưa:
-Bẩm quan Tuần, ngài như cha như mẹ lại cùng quê tỉnh Nam với con nên con phải lo cho cậu nhà ạ.
Quan tuần khẽ cười, hỏi:
-Nếu người đánh cờ với ông Bột không phải là con trai ta thì ông Chánh có xui ông Bột nhường cờ không?
Chánh tổng cúi mặt ngậm miệng. Ngài Tuần phủ bèn hỏi Chu Bột:
- Ông Chánh xui ông như thế nào?
Bẩm quan Tuần, con sắp đưa pháo qua sông thì nghe ông Chánh tổng từ phía sau nói: "Chu Bột! Ông hay tốt lắm kia mà...". Thế là con hiểu. Cậu nhà cần thắng. Con cần yên thân nên con nhường cờ. Dân quê chúng con không mong gì hơn là được bình yên.
Lúc ấy, quan Tuần phủ mới nghiêm giọng nói với Chánh tổng: "Ta biết ông có được cái chức Chánh tổng là từ cái lưỡi của ông. Nếu ta là Tổng đốc tỉnh Nam thì ta truất ông từ lâu rồi. Ông nói vì ta nhưng đã bôi nhọ danh ta. Thói xu nịnh mới tồi tệ làm sao. Nó thành bệnh dịch rồi. Dưới nịnh trên, trên ban chức cho dưới. Chức kèm theo danh, danh đẻ ra lợi. Hèn gì, nhan nhản kẻ hiếu danh, vô tài thất đức làm quan. Vậy đó là phúc hay họa cho dân, ông biết chứ ?".
Chánh tổng mặt cắt không ra máu cứ cúi gằm nhìn xuống đất. Quan Tuần phủ lại nói: "Ta với Tổng đốc tỉnh Nam là chỗ tương giao, tương cảm. Ta nói một tiếng, ngài ấy sẽ trị ông về tội gian lận: Thi cờ chỉ là trò vui, chơi đã như thế, dân chúng sẽ nhìn thi học như thế nào? Tội của ông Chánh không nhỏ đâu. Nhưng nể ông ở gần quê ta, ta bỏ qua. Giải còn để kia, ông phải mang giải về trao cho ông Bột trước dân chúng. Hễ dân quê còn eo xèo về hội thi cờ, ta sẽ không nương nhẹ với ông đâu".
Nghe bố nói Chánh tổng, cậu Ấm Đường ù cả tai. Chánh tổng vái quan Tuần phủ rồi len lét ra về. Chu Bột nán lại chốc lát với quan Tuần Phủ:
- Bẩm ngài, con nghe lời ông Chánh tưởng là đẹp lòng ngài, nào ngờ... Nghe ngài nói, con biết là con sai. Vậy mà ngài không quở phạt con lại còn cho con giải. Thật là ngài thương con lắm. Nhưng ngài đã thương thì thương cho trót. Ngài cho con xin một điều.
-Điều gì, ông cứ nói ra.
-Bẩm, ngài cho con được không nhận giải.
-Hà cớ gì ông không nhận?
-Bẩm ngài không bắt tội con thì con mới dám nói.
-Được ông cứ nói đúng, ta không trị tội.
- Bẩm, những kẻ như con, cứ phải thẳng mực tàu. Vì đó là cuộc thi cờ, thi thì phải đua tài thẳng thắn. Nhưng ông Chánh đã có nhời, con không nghe không được. Ông Chánh là người của quan Tri huyện. Ông Tri huyện vùng con còn hơn cả vua. Bà huyện đã trẻ lại đẹp. Bà huyện nói gì ông huyện cũng phải nghe. Mọi chức sắc trong huyện đều trong tay bà huyện cả. Ai muốn có danh, có quyền cứ đến cửa bà huyện. Không biết quan Tổng đốc có cho phép bà huyện làm việc ấy không? Ai biết chuyện của bà huyện mà rỉ răng ra, không tù tội cũng khuynh gia bại sản. Còn con, con mà nhận giải, ông Chánh sẽ bẽ mặt. Ông Chánh sẽ ném đá giấu tay. Bà huyện nói với ông huyện một câu thì con phải bỏ quê mà đi thôi.
Nghe Chu Bột nói, quan Tuần phủ lặng người. Cân nhắc kỹ càng, ngài mới nói:
- Ta phải ơn ông vì ông đã dám nói thẳng. Nhưng ta lại thấy ông nghi ngờ cả quan Tổng đốc. Ta biết Tổng đốc, Thượng thư cũng có người bao che cho kẻ xấu. Song ông phải hiểu rằng có những Tổng đốc, có những Thượng thư hết lòng vì dân, giữ nghiêm phép nước. Nếu không như vậy, nước Nam loạn rồi. Còn ngài Tổng đốc tỉnh Nam, ngài không phải là người hám danh, chuộng lợi mà quên phép nước. Có điều, ngài cũng chỉ có hai tai, hai mắt mà thuộc hạ chỉ trình điều đẹp tốt lên còn cái nhơ nhớp lại lấp liếm đi cả. Ta không cai quản tỉnh Nam nhưng ta có cách. Quan Khâm sai sẽ về hỏi tội chúng: Không thể để bọn sâu mọt làm loạn phép nước. Phận làm dân cũng phải biết nỗi khổ của quan. Làm một ông quan ngay thẳng, thanh liêm có dễ đâu!
Ngừng lời giây lát chừng như để ngẫm nghĩ, ngài nói tiếp:
- Còn ông, ông không phải lo, những người dân ngay lành, lương thiện như ông mà ta không bênh thì ta bênh ai? Ông cứ nhận giải. Ta sẽ cho thuộc hạ về nói với Chánh tổng. Hễ ông gặp chuyện là ta trị tội Chánh tổng ngay.
Nghe được những lời ấy, Chu Bột hởi lòng hởi dạ vái tạ quan Tuần phủ ra về. Lúc ấy quan Tuần mới nói với cậu Ấm Đường: "Thua ai chứ thua Chu Bột thì có gì là lạ. Còn thắng mà không minh bạch, anh làm tôi xấu hổ. Là người liêm sỉ, anh phải xóa ván cờ ấy rồi đấu lại. Cái danh của người ta là quý nhưng không phải là danh gian lận, danh mua bán. Hôm qua, có người nói với tôi, anh còn rủ cả con gái nhà người ta đi chơi. Vì người ấy mà anh tìm mọi cách để có cái danh giả. Cô gái ở cạnh nhà ông đồ không có lỗi gì cả. Cô gái ấy là con nhà tử tế, thế mà anh đùa với danh tiết của người ta. Anh ỷ vào con quan làm bậy. Còn ai đến với người ta nữa. Anh đã làm thì anh phải chịu. Tôi sẽ đến thưa với bố mẹ người ta rồi cuối năm sẽ lo cho anh. Sau này, vợ anh hay thì anh được nhờ, vợ anh dở thì anh đừng trách tôi. Việc nay mai, anh phải lên chỗ cụ đồ Tả Thanh Oai. Tôi không thể thả lỏng anh được".
Cậu Ấm Đường chỉ còn biết nín lặng ngồi nghe bố nói.
Con trai lên với cụ đồ Tả Thanh Oai rồi, ngài Tuần phủ mới thấy lo. Ngài lo vì con ngài mới sạch hơi sữa mà đã nhiễm bệnh hiếu danh. Nó mắc phải cái bệnh ấy cũng không có gì là lạ. Vì chỗ nào cũng có kẻ mua bán danh: Khi một kẻ bất tài vô đức mà lại muốn có danh thì kẻ đó sẽ làm mọi cách dù là đê tiện nhất để đạt được mong muốn. Một cái thùng rỗng dù bề ngoài có được sơn vẽ đẹp đến mấy cũng vẫn chỉ là cái thùng rỗng. Bọn ấy mà đeo đai, đội mũ liệu dân chúng có củ chuối mà ăn hay không?
Ngài bước ra hiên lặng lẽ trông về Ngọc Mỹ Nhân thầm nghĩ. Nàng là giai nhân đá để muôn đời chiêm bái hóa ra lại hay.

Các tác phẩm khác của Phạm Thái Quỳnh

Huyền sử Cỏ tiên

Mùa xuân Lý Chiêu Hoàng