watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Chuyện Mộng Du.... - tác giả Phạm Thanh Chương Phạm Thanh Chương

Chuyện Mộng Du....

Tác giả: Phạm Thanh Chương

Chuyện đời quả như Lý Bạch nói ! Nhược đại mộng ! Buổi sáng thất nghiệp, trên xứ người trời lành lạnh của buổi đầu thu, một trời thu trơ trẽn , dửng dưng đến lạ lùng. Lạ lùng đến mức độ mình không biết nó là thu nếu không có tờ lịch. Cũng may là còn cơn mưa đầu mùa rỉ rả chợt cho mình một nhận biết tiết thời đã đổi thay. Ông Lý Đông A ngày xưa trên xứ người lạnh lẽo, không tri kỷ "vỗ án hét bài ca chính khí" ! Nay mình cũng trọ xứ ngưòi, cũng không tri kỷ, chỉ ngồi hút thuốc lá vặt nhìn mưa. Cũng lạ cơn mưa dẫu vô duyên cũng cho mình những liên tưởng về bên kia phương trời cũ. Đã 20 năm, những chuyện nhìn trăng thề, ngắm mây bay lãng đãng, hay nhìn mưa rơi tí tách đã trở thành xa xỉ. Cái thói quen gẩy đàn cũng trốn ở lại quê hương, nhất định không theo bước chân của mình đi tị nạn. Tất cả những sở thích thói quen cũ, đều ngoan cố không nhận nơi này làm quê hương, chúng nó bỏ về Việt Nam hết thảy, trừ mình ! Cái mình rỗng tuếch ! Trống trơn bèn đâm nghĩ chuyện vặt.
Có một lần lâu lắm rồi ! Con bé cháu tôi (bây giờ đã 18) nó thành thật hỏi mình sau khi xem một tập phim hài của Việt Nam với cái lối dùng chữ khá hơn là những phim chưởng mà Tưởng Năng Tiến đã lỡ "tối dạ" mướn cho ông cụ thân sinh mình. Quả thật ở xứ người, có những cái tối dạ không thể cưỡng được như thế.
- "Bác ơi ! Bộ ở Việt Nam mình nhiều mỏ nhất thế giới hả bác ?"
Mình đang bận nên trả lời như một thói quen cho qua chuyện:
- "Bác không rõ lắm nhưng chắc chắn không phải đâu ! Con làm bài thì cứ vào thư viện lấy sách ra xem là biết ngay mà !".
Làm người lớn khó thật, nhất là người lớn lại kém cỏi như tôi lại càng khó. Nó đâu chịu thôi lại hỏi tiếp:
- Con thấy cái ông gì cãi nhau bảo ở Việt Nam mình nhiều mỏ chu. Mà mỏ chu là mỏ gì vậy bác ?
Khổ thế ! Mười mấy tuổi đầu ! Cả như ở Việt Nam đứa bé 7, 8 tuổi nó đã phá ra cười ngặt nghẽo !
Quả thật, với mình, nó chỉ là một câu chuyện hài, diễu dở. Thế mà cơn mưa buổi sáng cũng làm mình nghĩ đến những cái "mỏ chu", tài nguyên phong phú của đất nước mình. Nghĩ ra cũng đúng chứ phải đùa đâu. Nhà cầm quyền Việt Nam nhất định "chu mỏ" tố cáo những phê bình chỉ trích vi phạm nhân quyền của những quốc gia khác là can thiệp trắng trợn vào nội bộ của Việt Nam... Cũng cái "mỏ chu" ấy, lại khăng khăng bảo vệ chính nghĩa "nhiệm vụ quốc tế" ở Miên, ở Lào. Thế là các "mỏ" ở cả ba miền báo chí đồng thanh khai khẩn.
Mình cũng đã đọc "Người Trung Quốc Xấu Xí" của một Ông "tầu" Bá Dương nào đó bêu "xấu" đồng bào của ông cho thiên hạ nhìn. Càng đọc càng thấy dường như Ông này đang bêu riếu người Việt mình ! Mà có thể lắm ! Cứ theo cách nhìn tam-đoạn-luận của ban chỉ đạo văn hóa và tư tưởng của Đảng CSVN hôm nay thì "thằng cha bành trướng" này nó đánh nhà nước nhân dân Trung Quốc, mà nhà nước nhân dân Trung Quốc lại là anh em cùng huyết thống XHCN hay đều là cơ chế Thị Trường định hướng XHCN ! Vậy kết luận rất "lý tính" và thuận lý là nó xỏ xiên người Việt còn gì nữa !
Nói nhỏ thôi nhé ! Không lại sợ phân chia Nam Bắc chứ ! Sao những điều ấy nó giống người Bắc mình nhiều hơn đấy ! Kể cả người bắc ta đã vào Nam lâu năm. (Tôi rau muống chính hiệu, còn xanh lắm cơ !) Nên nhớ rằng Ông Bá Dương "bêu riếu" người Tầu tất cả đấy ! Từ dân Đại Lục "chảy" đến Đài Loan "chảy" !
Đọc thì đọc vậy thôi ! Chứ chưa biết người Trung Quốc có xấu xí thật như Ông Bá Dương nói hay không ? Tôi đã tập cái thói quen đọc cái gì của ai, phản ứng đầu tiên là cứ phải để nó là một ý kiến cá nhân. Rồi chờ mình đi xem xét "hồi sau" sẽ rõ. Mà nếu nó ngoài khả năng của mình thì phải đành "ngâm cứu" thôi. Khổ một cái là xem xét cái chuyện người Trung Quốc thì mất giờ còn mất cả tiền đi ăn ở Đài Loan, Bắc Kinh v.v cả năm ! Mình lại còn độc thân dù đã "nửa đời hư" ! Lỡ ăn phải bả cô "bành trướng" nào lại mang tội "phản quốc" ! Chứ mà mò lên phố người Ba Tàu (China Town) thì chỉ thấy có "hai tàu" hoặc "hai tầu rưỡi" thì cũng hoài công ! Ầy may một điều là sách lại có đăng tải cả những bài phản bác, phê bình chống Bá Dương nữa cơ ! Lạ một điều càng đọc những bài phản bác. Giọng điệu phản bác, cung cách phản bác, lại càng thấy đúng như Bá Dương nhận xét về người Ba Tầu của ông ấy. Và thấy rằng hình như dân Ba Tầu, hai tầu rưỡi, cũng phong phú "mỏ chu" như mình.
Cái kinh nghiệm đọc Bá Dương nó không chỉ dội lại những lần mình đọc Đỗ Mậu, "Việt Nam máu lửa quê hương tôi", rồi Nguyễn văn Chức, "Chính Sử". Rồi đọc những "Quân Lực VNCH" vân vân và vân vân vân... Rồi đến "Quân Đội Nhân Dân" cũng vân vân và vân vân. Mà ngay bây giờ đọc các báo chí bình luận của người gốc Việt ở ngoài này, với các bài của những "bồi bút", lẫn không bồi bút dưới chế độ trong nước, nó có chung một loại "quặng mỏ" rất lạ lùng ! Loại quặng đa năng, biến đổi xoay mầu rất nhanh và rất trơn !
Có lẽ ta cũng nên nói chuyện "chính chị" cái đã ! Phải tập nói chuyện "chính chị", tôn giáo bình thường như bất cứ chuyện nhà cửa, giá cả, thời trang v.v. Chứ bây giờ hễ cứ động đến chuyện lý thuyết, thời sự, xã hội, quyền lực, đảng phái, là thiên hạ, nhất là giới trẻ, lại dãy lên như đỉa phải vôi, hay gà phải cáo:
"Thôi! không nói chính trị đâu ! Chúng tôi phi chính trị !
"Tụi cháu là sinh viên chỉ có học hành vui chơi thôi ! Phi chính trị !
Cái mỏ này chu như thế nhưng cái mỏ chu kia lại vẫn cứ đi xe than :
- Giời ơi ! dưới cái chính sách của cha này.. Thì nó vậy đấy !"
- Cái thời ông đó xem ra đỡ hơn bây giờ !
- Thằng cha này lên làm ăn khó quá !
- Chú ạ ! Chúng cháu thiệt thòi hơn thời chú đi học ! Dưới chính sách giáo dục, trợ cấp của ông này tụi sinh viên cháu vất vả quá...!!!
- Nhà nước lại đổi quy chế! Thể lệ ! Tụi cháu cứ xoay như chong chóng chú ạ !
- Kinh tế nhà nước làm sao chứ ! Tụi cháu cứ phải lo "đầu ra" khó quá !
- Nhà nước thay đổi lệnh lạc thế này, mất cả cơ nghiệp tôi chứ phải không ! v.v và vv
Ai có "can đảm" nói với họ rằng những cái "mỏ chu" đó là "chính chị" đấy xem ! Còn tôi cũng chịu !

Tôi có nhiều dịp nói chuyện với các ông, các bà gốc Bắc, con cháu "ngoan" của "Bác Hồ" đàng hoàng. Hễ tôi mở lời là các ông ấy lôi cái thời Mỹ Nguỵ ra chửi, thì tôi cũng chửi cơ mà ! Nào là nô dịch, văn hóa vong bản, nếp sống đồi trụy, không có pháp luật gì cả ! Với những bằng chứng nào là quán mỹ, số lượng đĩ điếm v.v và vv . Đúng quá ! Tôi cãi không "nổi", nhưng vì được hưởng tài nguyên phong phú về "mỏ", nên tôi cũng chu mỏ mà cãi "bướng":
- Đó là hiện tượng thôi ! Bản chất chế độ ấy tốt ! Cụ "Chí sĩ", Ông "Tướng" ấy tốt, Tại thừa hành nó bậy bạ chuyên quyền ! Đa số dân chúng đâu có như vậy ! Hơn nữa binh lính, Sĩ quan, công chức, nhà văn, nhà báo, người ta cũng có cơ hội chửi chế độ hà rầm đấy chứ ! Người ta có viết sách đóng kịch xưng tụng ngoại nhân hơn tổ tiên Việt Nam mình đâu ?
Các vị ấy bèn "lên lớp chính chị" với tôi:
- Ông lại bênh cái quá khứ của Ông mà mất cả "lô gích" (Tôi khổ với người miền Bắc cái từ này, mình có từ "thuận lý", mà mấy ông bà ấy cứ ra vẻ trí thức Tây ! Rõ khổ rồi lại chửi người khác lai căng !) . Bản chất xã hội tư bản, tồi bại, lãnh đạo tay sai, gian ác, ngu tối, và vong bản, thì nó thể hiện ra qua các hiện tượng đó ! Vì nếu bản chất nó tốt thì nó phải thể hiện ra những cái tốt cơ chứ ! Phải không? "Lô gích" biện chứng mà lị !
Tôi "cứng" họng ! Và phục trình độ lý sự , nhận thức của người "cán bộ" mình quá ! Nó phát huy được lập luận "tinh anh phát tiết ra ngoài" của Truyện Kiều nữa cơ đấy ! Người ta hay, mình phải học chứ ! Cung cách, đức hạnh "thức giả" là phải thế. Đã bảo nước ta nhiều mỏ, lại phẩm chất cao mới "khổ". Để chứng tỏ mình 'thức" mà không ngủ gật. Tôi liền thưa luôn:
- Các bác tài thật ! Em xin chịu cái lý giải của các bác ! Vậy nhìn xã hội ta hôm nay. Em thấy tệ nạn đĩ điếm nhiều hơn cả "chăm" lần, mà đâu phải chỉ cho Mỹ không thôi, mà đủ các loại Tây Tầu nó vào, nào xì ke ma tuý ! Tham nhũng, cường quyền bóc lột hơn thời Mỹ Ngụy. Lãnh đạo xa xỉ hơn gấp nhiều lần như các bác đã kể cho em nghe. Vậy Em cũng có kết luận thuận lý như các bác là Chế Độ này nhất định vong bản, tay sai, thối nát ! Chủ nghĩa nhất định sai lầm hư hỏng ! Lãnh đạo nhất định ngu dốt, gian ác !
Các bạn cứ tưởng tượng hoặc nhìn ngay chính các bạn trong gương, là sẽ thấy được hình ảnh của các ông bà cán bộ, bậc thầy của tôi ngay ! Mặt họ nghệt ra một lúc ! Rồi tái đi, rồi đỏ gay, và "mỏ chu" ùn ùn năng xuất :
- Không ! Ông nói thế không được ! Chế độ ta khác ! Bản chất là tốt ! Tư tưởng Mác Xít luôn luôn đúng ! Chẳng qua những cái bây gìờ là hiện tượng thôi ! hậu quả của chiến tranh, cấm vận Mỹ ! Rồi lại bọn diễn biến hòa bình tay sai đế quốc lúc nào cũng chống phá, thù trong giặc ngoài ! Mình lại phải lo nghĩa vụ quốc tế bên Miên một dạo ! Cho nên tinh anh của bản chất chế độ ưu việt chưa phát kịp thôi ! Ông phải hiểu như vậy ! Bác Hồ anh minh sáng suốt thấy hết cả ! Ông cứ thấy thành trì XHCN khắp thế giới đổ gần hết, kể cả cái nôi của chúng ta là Liên Xô, mà chúng ta có đổ đâu ? Không những thế ta còn dạy cho họ những cái ưu việt của ta nữa cơ ! Sau này khi đã viện trợ, họ giúp mình phục hồi đất nước, phát triển xã hội xong, mình sẽ dạy lại họ cái ưu việt của chế độ, xã hội chủ nghĩa Việt Nam của mình cho họ theo ! Gọi là hữu nghị trả ơn ! Dân tộc mình ân oán phân minh !!!
Thú thật, mình đã được tiếng ở cả khoa chính trị là "ông già lắm mỏ" thế mà đến đây tôi chết "ngồi". Thua cả Từ Hải. Quả thật các cụ bảo đi một đàng học một xàng khôn ! Mà lại là một ngày đàng trên quê hương đầy "mỏ" mới hãi ! Đúng thật !
Mình sẽ không kể lại cuộc gặp gỡ người quen cũ ở Sài gòn nữa ! Vì các bạn chỉ cần lật ngược câu chuyện đối thoại lại trong đó tôi là người cán bộ miền Bắc và các bác, các chị kia là người cựu của chế độ miền Nam là xong ngay thôi ! Đã bảo mình là đồng bào mà lị ! Cùng con cháu các cụ cả ! Cùng hưởng tài nguyên phong phú cả ! Cùng mỏ, cùng quặng ! Chỉ khác cái mình là con cháu bất mục thế thôi.
Nhưng có một điều vẫn phải nói ra ở đây là sau khi "tâm sự" với những người quen cũ ở Sài gòn về những suy nghĩ lập luận của mình. Họ không nói chỉ hỏi một câu rất "mất lòng":
- Bộ Ông lấy "dzợ" cán bộ ngoài Bắc hả ? Bả là đảng "dziêng" hả ?
Đã bảo cái "quặng chất mỏ" của người mình nó lạ lắm ! Chỉ có mình là khôn ngoan hữu lý ! Còn ai, khác mình tất là có vấn đề, hay bị xúi dục mua chuộc ... v.v
Một bữa nọ, mình và mấy ông bạn ngồi uống cà phê nhìn đám thanh niên ăn mặc rất thời trang "tươi mát". Mình và đám người "lớn" nhìn theo chép miệng. Có người còn bực mình chửi đổng mắng mỏ chúng nó vong bản nữa cơ ! Ầy thế mà không ai nhìn lại cả một đám người lớn cũng ăn mặc theo lối Ấu Tây mà "cũ kỹ" chứ có phải truyền thống Việt nam đâu cơ chứ ! Cái khác là tụi nhỏ nó "mới" hơn mình mà thôi.
Ông anh của người bạn tôi mới vui. Bà xã ông ấy được người quen gửi tặng tận bên Tây một bộ quần áo Tây. Trong khi bà nhà muốn mặc thử cái bộ quần áo "ngoại" ra phố xem sao! Ông ấy cứ lẩm bẩm cằn nhằn mãi người gửi rằng có ý định "đồng hóa" vợ ông ấy! Xúi vợ ông ấy "vong bản" bỏ lối ăn mặc đẹp đẽ truyền thống! Bà nhà chỉ nói "đùa" rằng: "Chiều nay, chú NK chiêu đãi đi ăn cơm tiệm, cho tôi mặc thử bộ quần áo Tây !" Thế là Ông ấy nghiêm mặt quặng mỏ sôi lên sùng sục. Lý sự rằng Bà người Việt mà khoác cái kiểu Tây vào nó chẳng ra cái gì cả ! Thiên hạ người ta nhìn vào chướng lắm !". Nhưng Ông không bao giờ nhìn lại là bản thân các đấng đàn ông ở xứ ta ăn mặc âu phục hết từ tám hoánh nào rồi ! Còn trịnh trọng gọi là bộ "đồ lớn" nữa cơ ! Khổ thế ! Mấy ông cứ lý sự làm như chỉ có đàn bà con gái là có bổn phận giữ gìn truyền thống ! Còn mấy bọn đàn ông con trai được quyền theo "Tây". Cán bộ lãnh đạo phải cập nhật giao lưu đối ngoại vói người ta nên Ấu phục, đầu bóng đủ loại. Nhưng nhân dân cứ phải đậm đà bản sắc dân tộc mới đưọc.
Ông ấy thấy tôi hay mặc bà ba đi riễu phố, mặt cứ tươi rói. Có lẽ ông ấy cảm thấy "quê" (với tôi, hay vớí hàng xóm láng giềng ? Chịu) bèn nhân lúc uống trà mới "chu mỏ" bảo tôi:
Chú này ! Văn minh, văn hoá nó đổi thay, giao lưu. Cái gì hay mình theo. Chớ mặc cảm. Mình ăn vận Âu Phục tự nhiên nếu nó đẹp, tiện lợi chứ không nên mặc cảm thấp kém mà bỏ nó. Chú ăn học bên đó, nghĩ có phải không?
Sự nể nang tế nhị có lúc phải để qua một bên mới "học hỏi" được. Tôi chu mỏ lý sự lại :
- Anh dạy phải ! Mình không nên mặc cảm, phải tự tin, cái gì đẹp tiện thì mình làm. Tôi thấy trời thơi thới, mặc như vầy nó mát lại cũng đẹp. Nên không mặc cảm nó cũ mà không mặc. Hơn nữa tôi cũng không mặc cảm là "bị mặc cảm" mà phải làm khác ý mình để giống người. Anh nghĩ có phải không ạ !
Bạn cứ tưởng tượng ở đất Bắc, Hà Nội nữa cơ đấy, gia trưởng thủ cựu ! Mà ông anh gần 70 tuổi này phải nghe một người "bên ngoài" như tôi chu mỏ như thế thì sẽ phản ứng ra sao ? Chắc không cần giải thích. Ông ấy chẳng bao giờ xuống nhà thăm chơi trong suốt thời gian tôi ở Hà Nội. Khổ thế.
Ở đất di tản, tị nạn cũng nhiều mỏ, nhiều quặng phẩm chất cao không kém. Thời gian đầu các ông các bà hô hào : Chúng ta là con dân Việt Nam không được quên quê hương đất nước, phải giữ gìn truyền thống, cố gắng đấu tranh để trở về đất nước. Có người còn văn chương hơn chu mỏ bảo phải trở về thay mái cho chùa, cho nhà thờ, cho tông miếu đổ nát v.v nữa cơ. Được bẵng đi một thời gian. Bây giờ cũng những cái mỏ ấy, mà quặng chất lại khác! Chúng ta xin chọn nơi này làm quê hương, đã may mắn đến đất lành thì đậu chứ đừng đi đâu nữa ! Nên hội nhập nhanh sớm để đóng góp, tham gia trả ơn tái tạo của đất nước nhân dân bản xứ v.v Những câu nói ngày xưa không thấy nghe, giờ đã thành tự nhiên : " Nước Úc của mình, nước Mỹ của tụi tui, nước Gia Nã Đại của bọn tớ v.v".
Đã bảo tuyên ngôn quốc tế nhân quyền có nói rõ mà : mọi người được quyền tự do chọn lựa hạnh phúc cá nhân theo ý thích của họ thế thôi.
Cái lạ ở đây là họ đuợc quyền chọn nơi này (đất Mỹ, Úc, Anh, Pháp v.v) làm quê hương. Nhưng lại cay đắng, bực bội với những ai đi về Việt Nam, còn muốn trở về sống ở Việt Nam, hay làm việc ở Việt Nam. Vẫn muốn chọn Việt Nam làm quê hương duy nhất và mãi mãi, mới lạ lùng !!! Cũng chính những cái mỏ chu hô hào chúng ta là con cháu vua Hùng, không bao giờ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn giờ đây lại chu mỏ ra dè bĩu: "Sao mấy người ấy dại vậy ! Đã đi ra được đến ngoài này còn về làm chi nữa ! Thật là hết chuyện, thiên hạ tốn cả trăm ngàn đô la, con gái tốn cả đời trinh tiết để được đến đây mà, con mẹ ấy, thằng cha ấy làm chuyện ngược đời !" Đại loại bất cứ cái gì của họ từ họ đều đúng và chính đáng hữu lý cả.
Nhưng vẫn có nhà văn, bậc thầy sợ những cái "mỏ con" mất "phẩm chất quặng" của Việt Nam bèn viết sách giáo dục, tư tưởng, giữ gìn truyền thống triết học bằng... Anh ngữ... Vì tụi nhỏ không đọc được, không hiểu nổi "thuật ngữ" Việt Nam !!! Kể ra cũng phục ý lo xa của mấy ông nhà giáo nhà văn này, dù sách vở Anh ngữ về văn hóa tập tục đầy dẫy trong thư viện.
Có nói ra là làm chuyện đổ dầu vào nước. Họ bèn thay quặng, rồi chu mỏ ngay: "Ầy, giấy rách phải giữ lấy lề chứ !" . À ra thế ! Cũng nhận là rách rồi cơ đấy .
Nhưng khổ rách nhưng lại muốn làm thầy thiên hạ cơ ! Đi đến đâu, đọc ở bài báo nào cũng thấy nói tuổi trẻ Việt Kiều là may mắn, có đủ thứ, sẽ là rường cột tương lai, là nguồn vốn xám quí giá của đất nước Việt Nam v.v Những luận cứ như thế nó tạo ra một ảo tưởng lố bịch ở đám cháu Việt kiều tôi ở ngoài này. Chúng nó cứ ngồi lại với nhau là nổ bằng tiếng Anh oang oang là chúng nó sẽ về chỉ dạy những người trong nước cái này, cái kia, rồi cười khoái chí.
Có một lần tôi lờ không được nữa, dù mình chỉ là Bác, là Chú, là Cậu thôi, (nếu ở Việt Nam thì quyền, trách nhiệm "lớn" lắm chứ phải chơi, ở đây là hết), tôi phải dùng hết khả năng đơn giản tiếng Việt và Anh ngữ của mình để nói cho mấy đứa cháu tôi biết là tụi nó bất hạnh hơn những đứa ở trong nước.
"Chúng mày có đủ thứ, những thứ có thể mua bằng tiền, lấy ở trường đại học. Nhưng cái không thể học, không thể mua, là văn hóa, văn hiến, tình tự đất nước dân tộc, khoảng trời quê hương, thì tụi mày không có. Còn cái bất hạnh thiếu thốn ở trong nước tụi trẻ chúng nó có thể có, nếu cố gắng ăn học, hoặc đủ tài chính đi du học vài năm. Hoặc tốt hơn là nếu đất nước đổi thay ! Và tụi nó có tất cả ! Tụi nó sống tự nhiên không cần cố gắng trà trộn, hội nhập, để rồi bỗng một ngày thấy mình chơ vơ, lạc loài ! như tụi mày !"
Mình giận quá, chu mỏ vận động năng xuất một hơi ! Nghĩ lại thương tụi nó, oan cho tụi nó. Tụi nó có biết gì đâu. Chúng nó trố mắt nhìn tôi, lạ lẫm và cũng chẳng hiểu mình nói gì. Nhưng bố mẹ chúng nó hiểu và giận mình ghê lắm. Dám đập cửa giữa cơn mộng du của họ ! Họ té đau làm sao ai không giận.
Mình không hiểu Tưởng Năng Tiến đã tìm được căn nhà để gọi là quê hương cho hai cụ thân sinh của ông ta hay chưa ? Có rau húng, rau răm, rau ngò trong sân hay không ? Có hoa Anh Đào hay không ? Và giữ gìn ngôn ngữ truyền thống văn hoá cho các cháu nhỏ bằng cách nào ? Riêng người thân tôi thì đã tìm đủ được tất cả. Một căn nhà để hãnh diện là nhà. Rau gì cũng có, cũng thơm. Món Việt nào cũng có, cũng nấu (mà tôi ăn nhạt nhẽo hơn cả cái quán vệ đường Hà Nội hay Sài Gòn). Có cả Anh đào, và hoa mai nữa, dù là mai giả, nhưng "đâu khác gì thật Anh !", theo lời họ nói. (Mình đã quên dần được cái thói hay cãi với người Việt và gốc Việt rồi). Con cái họ học tiếng Việt hàng tuần của các thầy cô trình độ "chuyên gia xem phim tập Hồng Kông". Cả nhà, từ cha mẹ, vợ chồng con cái, luyện tiếng Việt với nhau bằng những tập Hồng Kông và những câu chuyện hài của Nguyễn Ngọc Ngạn, Kỳ Duyên, trong các băng nhạc Thuý Nga. Nói chung, các gia đình người thân tôi họ đã chọn nơi này làm quê hương, họ cũng đã được tất cả. Không thiếu một thứ gì, ít nhất là theo họ nói. Mình không là họ để biết, và không có quyền phán xét. Phải tôn trọng sự lựa chọn của họ chứ.
Chỉ biết riêng tôi, hằng đêm, nhìn vào khoảng đêm đen lặng lẽ để thấy mình đã mất, càng ngày càng mất những cái không tìm lại được nữa. Kể cả chính mình. Để nhận ra mình đã đánh đổi những cái vô giá ở quê hương để chỉ được những cái tầm thường hào nhoáng, trơ trẽn bề ngoài. Đối với người thân của tôi, cái ông bác sĩ Quế nào đó dại dột ương gàn, không biết nghĩ đến gia đình vợ con. Mỹ nó cho vé, rước đi, mà bỏ phí quá ! Ra ngoài đây sung sướng tha hồ mà tranh đấu, danh vọng, tiền tài, tự do v.v đủ cả ! Sao người ở đâu mà vô trách nhiệm và ngu xuẩn đến thế .!
Hàng đêm tôi vẫn mơ ước phải ngày xưa mình ngu xuẩn như ông Quế , Tôi đang cố gắng từ bỏ sự khôn ngoan nơi đây để làm người ngu xuẩn bên kia.
Nguyên Khả Phạm Thanh Chương
28-2-Tân Tỵ (22-3-2001)
Một buổi sáng mưa ngồi nghe "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa", "Hà Nội mùa Lá bay "

Các tác phẩm khác của Phạm Thanh Chương

Bằng Lăng