Giá Lạnh
Tác giả: Phạm Thành
Nhà ông Lực hoàn cảnh lắm. Ông có bốn người con thì cả bốn là liệt sĩ. Làng tôi có trách nhiệm, tối tối cử tốp thanh niên đến nhà ông ngủ cho có người có tiếng, để ông bớt cô đơn và còn để phòng bất ngờ ông ra đi. Nhưng, sau cái chết của vợ ông, tốp thanh niên có đứa sợ bỏ về, chỉ còn lại mình tôi. Không phải là tôi không sợ, mà tôi muốn biết ông có phải là người không biết lạnh hay không? Người làng tôi bảo ông là con của người tuyết hoặc của rái cá sinh ra nên không biết lạnh là gì. Nhưng tôi không tin. Thịt da ai cũng là người, làm gì có ai lại không biết đói, rét. Ở lâu lâu với ông, tôi còn biết một cách rõ ràng, chính ông mới là người sợ lạnh nhất làng. Cái lạnh đến với ông từ từ. Hồi anh Tư nhà ông có giấy báo tử về, ông vẫn còn khoẻ mạnh. Nhưng rồi, nhớ vợ, nhớ con ngàn trùng cách biệt, từng ngày, từng giờ cứ chầm chậm "gặm nhấm" cái béo tốt, khoẻ mạnh của ông. Năm nay, ông héo gầy đi một chút, sang năm chút nữa, sang năm sau chút nữa. Sau gần mười năm, cái thân thể to cao chắc nịch của ông, nay chỉ còn là một bộ gọng, như những ống giang to, nhỏ chắp vá hờ hửng vào với nhau. Dù vậy, những người cùng trà lưá với ông vẫn cứ khăng khăng, ông không bao giờ biết lạnh. Đúng là phải " mục sở thị", phải vào hoàn cảnh của người thì mới biết đúng về người. Để chống cái lạnh, đêm đêm ông Lực vẫn thường xuyên đốt lửa. Đêm đêm tôi vẫn nghe những tiếng rên khe khẽ, tiếng bộp, thịch, bộp, thịch của chân tay ông “đi” lần lần xuống bếp. Đêm đêm, ông vẫn sống cùng ngọn lửa. Một ông già lụ khụ, ngồi lặng thinh bên bếp lửa, trong nhà không một tiếng động, tôi nhắm nghiền mắt lại cũng thấy đôi bàn tay xương xẩu của ông hơ hơ trên ngọn lửa; thấy mặt ông đang cúi xuống ngọn lửa khi chúng bốc lên; thấy lửa đang len lỏi trên bộ râu ông làm cháy từng cái một, toả ra mùi khen khét, thơm thơm, và nghe từng lời của ông gửi về nơi vô định.
Và đêm đêm tôi vẫn thường nằm trùm kín chăn từ đầu đến chân để tiếng than thở vô vọng của ông bớt lọt vào tai tôi. Nhưng hễ tôi cứ cố nằm im là tiếng rì rầm của ông lại văng vẳng.
- Thằng Cả, thằng Hai, thằng Ba, thằng Tư ngủ chưa con. Hiện các con đang nằm ở đâu? Bố kể chuyện cho các con nghe nhé. Có năm bố cũng đang ngồi bó gối trong bếp như thế này, thì con rái cá, thằng Tư nuôi, đến cắn vào áo bố, lôi bố đi. Các con đang ngủ, không biết được đâu, lạnh lắm. Cái lạnh ngoài trời thấu vào bếp, tro giạ cũng đã lạnh ngăn ngắt. Con rái cá thì cứ kéo áo giục bố đi; còn con ngan mẹ đang ấp mấy quả trứng thì không chịu nổi lạnh, vươn dài cổ về phía bố kêu "khàm khạp", như muốn thông báo cho bố biết: lạnh lắm. Nhưng bố lúc đó không quan tâm đến mẹ ngan của thằng Ba đâu. Bố đang sung sướng vì trời rét. Bố đang lẩn vẩn trong đầu: lạnh đến mức ngan mẹ đang ấp ủ phôi thai đàn con phải kêu lên thì cái lạnh này đến cá cũng phải ngừng bơi lội. Bố thích quá, đứng dậy ngay, lum khum mở chốt cửa bếp. Vừa mới hé được cửa ra, gió và lạnh ập vào ngay. Lạnh lắm đấy, các con ạ! Con ngan, theo quán tính bảo vệ đàn con vội xù lông nằm lại trên ổ trứng, mỏ vẫn liên tục kêu "khàm khạp". Mẹ ngan này, bố biết, thằng Ba trù tính ra giêng bán đi để mua sách vở học tập. Nhưng gió thổi mạnh giừơng như làm bố quên đi cái kế họach đó của con, bước ra ngoài sân với niềm vui đang lớn dần. Bố chưa bao giờ tin cái lạnh có thể làm chết người. Bố ngước lên nhìn trời. Trời không một vì sao. Bố nhìn lên nóc nhà. Nóc nhà như một xác chết im lìm, mặc sức cho gió đông thổi vù vù hoành hành, đùa bỡn. Bố nghe rất rõ tiếg sầm sập của mái giạ lật từng mảng tung lên, quật xuống; tiếng những thân tre già với những thân cành xơ xác, cọ vào nhau rin rít như tiếng ma nỉ non khóc hờn, khóc giận. Người yếu bóng vía lo sợ những đêm rét, gió thổi mạnh từng cơn như vậy, ma mãnh rất hay xuất hiện. - Ông Lực cười lên ùng ục - Vào những ngày như vậy, chỉ có nhà mình là có mở cửa, có ánh lửa sáng lên trong đêm, còn các nhà khác bắt buộc phải đóng chặt cửa lại. Những người mẹ trẻ có chồng đi bộ đội, không còn tự tin ầu ơ ru con đầy hãnh diện mà thường ôm chặt con vào lòng như muốn giấu đi bọn ma mãnh đang đêm có thể lẻn vào. Các bà già nằm bó khoanh trên giường, lúc mê, lúc tỉnh, miệng thỉnh thoảng lại rên lên, thỉnh thoảng lại ú ớ, gào rú. Rét thế này, nhiều nhà năm nay thế nào cũng phải gieo lại mạ, trồng lại lạc, ngô. Có lẽ chỉ riêng nhà mình vui. Riêng nhà mình cảm ơn trời đất. Các con ngủ nhé. Mẹ con con ngủ nhé. Cái con rái cá lại đang kéo bố rồi. Nó kéo bố lại đống quần áo rách để bố chọn một vài mảnh giẻ lành quấn quanh đôi chân; kéo bố lại cái áo bện bằng rơm để bố mặc thêm vào người; kéo bố lại với cái giỏ để bố lấy buộc vào quanh bụng; kéo bố lại với con dao... Bố thoăn thoắt biến vào đêm tối, hoà cùng gió, lạnh đang gào rú.
Những đêm như vậy, bố kiếm được nhiều cá lắm. Có tháng được cả tạ cá, chẳng ít đâu. Một tạ cá là hai tạ thóc, là bốn tạ ngô, tám tạ khoai. Nhìn thúng cá đầy ự, bao giờ bố cũng mơ tháng ba, ngày tám các con có khoai, sắn để ăn. Nhà nghèo mà nhờ trời kiếm được gạo cho các con ăn thì có sung sướng nào bằng, làm sao bố có thể còn thấy lạnh được?
Những lần nhứ thế, mẹ vẫn thường mắng bố:
- Bố thằng cu rõ hay. Rét đến thối cây, thối cỏ, chết chim, chết cá mà cứ đâm đầu đi ra. May phúc mà còn về được.
Bố cười, ngồi lù lù bên bếp lửa như một đụn đất, trả lời mẹ:
- Thì tôi có chết đâu.
Mẹ thương bố và mắng yêu bố đấy, các con đừng bận tâm. Chứ mẹ biết bố năm nào chả thế. Nhà người ta có đủ gạo ăn, nhà mình khó khăn phải kiếm cá lần hồi mới có bát gạo bữa đói bữa không. Ấy thế mà các con đứa nào cũng lớn nhanh và khoẻ mạnh ra trò đấy. Lúc các con được hai ba tuổi, đứa nào cũng béo tròn như hòn đá lăn, ục ịch. Lên năm tuổi đã biết cho tay vào chậu bắt cá, tôm. Anh Cả các con có lần thò tay vào chậu bắt được con cá diếc đưa lên mồm nhai. Thấy bố đi đến, anh nở nụ cười, rộng hết cỡ miệng; những vảy cá diếc bám quanh miệng, má lóng lánh, lóng lánh.
ục, ục, ục. Các con ơi! Giờ các con đang nằm ở đâu? Thằng Cả nằm ở mặt trận phía Bắc, thằng Hai nằm ở mặt trận phía Nam, thằng Ba nằm ở mặt trận phía Đông, thằng Tư nằm ở mặt trận phía Tây, nghe nói mãi tận bên Lào. Xa nhau quá, các con nhỉ? Nơi các con nằm lạnh, nóng thế nào? Nếu được ở vùng lạnh thì bố yên tâm. Bố vẫn nhớ, mùa đông là mùa khoẻ mạnh của các con mà. Mùa đông, dù rét đến mấy các con cũng chỉ mặc đến ba lần áo vải mỏng là cùng. Và cứ hễ chơi đáo, chơi khăng là các con cởi ngay cả ra, chỉ còn mặc độc cái quần đùi. Làng cũng nói "Bố nào con nấy", không biết lạnh là gì. Lưng các con, đứa nào đứa nấy tròn lẳn như lưng cá trắm, bắp đùi ra bắp đùi, to, đen bóng. Đàn ông, đàn bà ở làng người nào cũng thích ngắm, cũng khen các con. Còn nếu các con nằm ở vùng gió nóng thì khổ thân các con lắm. Bố vẫn nhớ, mùa hè, cứ ánh sáng hé ra là các tế bào trong cơ thể mấy cha con ta đều rạo rực, mô hôi rỉ ra. Cả ba tháng hè, không có ngày nào là ngày không đổ mồ hôi của cha con mình. Mặt cha con ta lúc nào cũng đỏ gay. Áo quần mặc trên người lúc nào cũng ướt. Từ bố đến con không ai dám mặc quần dài, vì chỉ mặc một lúc là mồ hôi đã thấm ướt, và lẩn trong mồ hôi thoảng thoáng có mùi như là bùn đất, như là tanh nồng của cá tôm bay ra. Vì cái mùi ấy, người làng ít người đến trò chuyện lâu lâu với bố con nhà mình. Bố biết điều âý các con ạ. Các con nên giữ ý. Không nên đứng lâu trong đám đông. ôi, mùa hè, khổ thân các con tôi!
Các con ơi! Giờ này, các con đang ở đâu? Hãy biên thư về cho bố nào. Kể chuyện hành quân, chiến đấu nào. Kể chuyện vai đeo ba lô nặng cả tấn nào? Thằng Cả, anh tha lỗi cho bố nhá. Anh biên thư về dặn, nhà ta có ba con đi bộ đội rồi, thằng Tư bố xin với chính quyền cho nó được học lên cao. Nhưng bố đã không làm được. Cũng là vì nó giống bố, giống con. Nó cũng không chịu được nóng. Nó hay bỏ lớp để ra sông tắm. Nhà trường đã mấy bận mời bố đến nhắc nhở, phê bình. Nó biết vì nó mà bố phải liên luỵ nên nhất quyết không đi học nữa. Đã không đi học thì đi bộ đội. Phong trào của cả làng mình thế mà. Ai mà ngăn được. Thằng Cả cứ trách bố đi. Nhà mình tuyệt tự rồi mà. Bố cũng đau lắm, anh Cả ạ. Công sinh thành, nuôi dưỡng biết bao là khó nhọc của bố mẹ, các con biến thành công cốc hết cả rồi. Mẹ giận bố đấy. Khi thằng Tư lên đường nhập ngũ mẹ mắng bố là đồ vô tư lự đến khi mẹ chết đấy. Sao cả bốn đứa không có đứa nào nghĩ đến bố mẹ mà về một đứa? Có phải các con coi danh dự của các con hơn bố mẹ? Hay các con sợ bố mẹ mất danh dự?
Bao giờ cũng vậy, thì thầm tới đây, ông Lực trở nên cáu kỉnh.
- Bà hãy dậy đi. Bà tưởng tôi sung sướng lắm à! Tôi nói cho bà biết, thằng Hĩm Tâu chẳng tử tế gì đâu. Bà nghe hắn xúi mà chửi tôi. Bà nhớ chứ? Tôi tình cảm với bà mỗi đêm một lần, do ăn cá mà sáu năm sinh liền bốn thằng con trai. Tay Hĩm Tâu dọa tôi: "Nếu không hoạn cái của quý của thằng Lực đi thì chỉ nhoàng một cái nó sẽ sinh ra cho làng cả một bầy thanh niên". Hắn còn bảo: "Đàn bà như đất đai. Đàn ông như giống má. Đàn ông gieo giống gì thì trên đất đó sẽ mọc lên cây ấy. Tay Lực khoẻ như trâu, hắn sẽ có cả một bầy con trai cho mà xem.". Chính vì vậy mà tôi phải đi triệt sản. Cho nên, lúc các con ra đi cả, tôi mới bất lực, mới không sinh con cho bà được nữa. Tại cái triệt sản, chứ tại gì tôi. Tại cái chiến tranh làm mất con, chứ đâu phải là tôi vô phúc. Tôi đâu có ham cái giấy lịêt sĩ, cái đồng tiền trợ cấp của nhà nước. Tôi cũng như bà, tôi cần con. Tôi cần con mà.
Khi ông Lực gào lên "Tôi cần con. Tôi cần con" thì đêm cũng bắt đầu rạn nứt để về sáng. Thường lúc ấy tôi cũng dậy đi vệ sinh nhẹ. Ông Lực vẫn thường hay gọi tôi.
- Thằng Tư đi đái đấy hử?
Những ngày mới đến nhà ông, tôi thường đáp lại ông: "vâng". Nhưng về sau có lần tôi "vâng", có lần không. Tôi biết ông hỏi tôi để ông chứng minh ông đang thức, chứng minh nhà có chủ, chứ hai mắt ông vẫn nhắm nghiền, nước mắt vẫn đẫm trên hai má. Ông Lực khóc nhiều lắm. Lông mi của ông đã rụng theo nước mắt hết cả rồi. Mỗi lần ông muốn mở mắt ra, tôi phải dùng nước, dùng khăn cọ rửa, mắt ông mới mở ra được. Ông nói với tôi, ông chẳng muốn mở mắt ra mà gì :
- Mở mắt có thấy gì đâu anh? Tôi nhắm lại thì thấy rõ hết.
Tôi biết mắt ông vẫn còn sáng nhưng để muốn thấy lại tất cả nên ông suốt ngày ông nhắm mắt. Ngay cả lúc đi lại cũng vậy, nên cái gậy không lúc nào rời tay ông. Có lần tôi hỏi ông:
- Ông nhắm mắt cũng như mở, tại sao ông lại phải dùng gậy xua xua để tìm đường?
Ông xua tay, cười lên khùng khục. Đôi gò má gìa khô khan, tàn đen, giật giật từng cơn.
Thé mới đúng cảnh già, anh ạ.
Có bận ông thủ thỉ hỏi tôi:
- Tay Hĩm Tâu còn sống chứ?
- Vẫn.
Hắn vẫn còn sống hả.
Rồi ông thì thầm kể lể.
- Anh Cả này. Tay Hĩm Tâu, lão Cò ái cũng theo bố học nghề rồi đấy. ục, ục, ục. Các con biết không? Hắn cũng quấn giẻ quanh đùi và bắp chân, cũng mặc áo bằng rơm, cũng giỏ, cũng dao như bố. Nhưng theo bố mới bước qua khỏi lũy tre làng đã răng nọ cọ răng kia, lập cập như chó đói vừa từ dưới ao lạnh lết xác lên. Hắn run mới khiếp chứ. Giống như con cày sấy ấy. Lão Cò ái cũng thế. Cao to có kém gì bố đâu, các con! Có lẽ cao to thế nên hắn gan hơn Hĩm Tâu, theo bố đến được ao đầm, nhưng khi lội xuống bùn, mới bước được vài bước đã đứng như trời trồng, miệng luôn suýt xoa, kêu đau đái mà mở khuy quần không ra được. Rồi khi lập bập mở được khuy quần ra thì chim Cò ái đã teo lại như quả ớt, đầu lổ chim bịt cứng lại, cố lấy sức dặn, nước đái mới bật ra được. ục, ục, ục. Cuối cùng rồi cũng như Hĩm Tâu chửi thề - "Lạnh đến cái con cu cũng muốn chết. Có bắt được vàng ông cũng dí c. vào" – rồi vừa suýt xoa, vừa lẩy bấy mà bò về. ục, ục, ục. Thành ra, cả làng biết cách kiếm sống của bố con mình, nhưng cả làng chẳng ai chịu nổi rét để theo được cái nghề như bố. Từ đó mà người làng bảo bố là rái cá sinh ra. Không phải đâu các con ạ. Ông giáo Vương, có chữ nhất làng ấy, nói có lý lắm: "Đã là người thì có ai mà không biết đói và rét. Ai mà không biết đói và rét là hai kẻ thù của cuộc sống. Nhưng mỗi người, do hoàn cảnh, do trời sinh ra có cảm nhận về đói và rét khác nhau. Người béo tốt cảm nhận khác với người gày guộc; ngừơi có trái tim nóng khác với người có trái tim lạnh; người luôn sống vì người khác, khác với người chỉ biết sống cho riêng mình; người hiền hậu khác với người độc ác..." Bố cũng như bao người làng ta thôi. Đói thì đầu gối phải bò thôi. Theo hợp tác xã đi làm, cả năm được vài tạ thóc, các con lại ăn khoẻ, đầu gối không bò mà chết đói cả nhà, à con? Các con không biết, chứ bố là người sợ đói và rét nhất. Vì sợ nó quá nên bố chẳng còn biết lạnh là gì nữa. Có đêm bố cũng định "bỏ của chạy lấy người", nhưng nhớ đến các em, ngày mai chưa có củ khoai vào bụng, thế là bố quên lạnh đi đấy. Người ta ai cũng da bọc xương như nhau mà. ục, ục, ục.
Hắn chưa chết là phải lắm. Dễ gì mà chết được. Thằng đểu thường sống lâu để trả cho hết nợ đời mà. Các con này. Khi các con bỏ bố mà đi, hắn lại bảo: "Tay Lực tha hồ sung sướng. Người ta có một tiêu chuẩn liệt sĩ, hắn có những bốn". Mẹ con nghe thế tức nghẹn lên cổ, hộc máu mồm ra chết tươi. Còn bố thì thấy trong người xung lên một dòng điện mạnh . Cảm thấy cục lạnh từ lục phủ tan ra. Người bố nóng hầm hập. Bố lại lăn mình hết hồ này, ao kia, lại kiếm cá. Nhưng kiếm về cho ai ăn bây giờ. Nhà mình bây giờ không khó khăn như trước nữa. Hai anh trước chết, làng xây cho cái nhà to. Hai anh sau chết, làng nuôi không cả bố lẫn mẹ. Nhà bây giờ chẳng thiếu thứ gì: có cả tủ lạnh, ti vi, có máy đo huyết áp luôn đeo trên tay bố; có sổ tiết kiệm mấy chục triệu đồng... Lão Hĩm Tâu nói cũng đúng đấy, nhưng mà đểu. Đểu lắm.
Mày cứ đẻ lấy một đứa con trai, một đứa thôi, rồi cho nó ra trận, rồi không thấy nó trở về để mà biết mùi sung sướng của những người như tao. Á, cái mặt thằng đó còn bẩn hơn cái mặt con rái cá, cái răng nó cũng sắc hơn cái răng của rái cá. Nó nói chơi chơi mà cứ như kim châm vào tim, óc người. Đau quá! Đau quá! Hĩm Tâu ơi, đến con vật cũng đẫm tình mẫu tử nữa là người!
Có lần tôi đánh bạo nói với ông:
- Ông có khóc thì sự cũng đã rồi.
- Sự đã rồi?
- Vâng. Người đã chết làm sao sống lại.
Nghe tôi nói thế ông đưa hai tay khẳng khiu lên đấm đấm vào đầu. Cái mũi gầy khô của ông vặn vẹo. Mặt ông trông vênh váo, thảm hại. Ông lặng lẽ quay mặt đi. Tôi biết mình đã lỡ lời.
Đêm nay, tôi lại mơ giấc mơ này. Khi kết thúc giấc mơ tôi chợt nhìn thấy ông đang quỳ bên cạnh giường tôi nằm, hai tay chắp vào nhau, nhằm tôi mà vái. Rồi tôi lại thấy ông sờ vào người tôi. Bàn tay ông lạnh như đồng, như tuyết. Tôi nghe ông hỏi tôi:
- Đồng (có lúc ông gọi đúng tên tôi chứ không kêu là thằng Tư nữa), con có muốn làm con nuôi ông không?
- Không, không, không. (Chẳng biết sao lúc ấy tôi lại trả lời ông thế)
- Không hả.
Tôi nhìn lên thấy mặt ông như tối hẳn lại và ông từ từ ngã lăn xuống đất. Tôi phát hoảng, vội mở mắt ra. Bổng tôi nghe tiếng ục, ục, chút chít từ bếp vọng lên và lẩn trong mùi khen khét, thơm thơm từ râu cháy còn có mùi khét nồng, chua chua của áo quần lan toả. Tôi choàng dậy, lao xuống. Thấy ông Lực vẫn ngồi lặng lẽ, quần áo ông đang bị lửa gặm nhấm, khói đen từ áo cháy trên lưng ông bay lên. Thấy con rái cá già, lông ở lưng đã rụng từng mảng, đang ục, ục, chút chít, rối rít bên ông. Mặc, ông như không cảm thấy nóng, chỉ rung rung hai đầu gối cho nó cụm sâu hơn vào giữa ngực. Tôi biết, ông đang lạnh lắm. Người làng hãy đến mà xem, ông đang lạnh lắm. Lửa cháy trên người giường như không chống nổi cái lạnh âm thầm, bền bỉ tỏ ra từ tim ông. Tôi thấy mình nghẹt thở, hối hận. Ngoài trời, gío xuân lạnh vẫn thổi từng cơn, gào rú, đùa bỡn trên những mái nhà lợp giạ. Tiếng những thân tre già xác xơ vẫn cọ vào nhau rin rít như những tiếng khóc hờn, khóc giận của ma...Chợt, tôi rùng mình. Cái lạnh từ đâu đó xộc thẳng vào tim tôi. Tôi như nhận ra nơi cội nguồn của lạnh giá.