Thằng bé đánh giày người Nghĩa Lộ
Tác giả: Phạm Tín An Ninh
Mấy ngày ngắn ngủi ở Sài Gòn, tôi thường đến ăn tối tại một quán ăn gần khách sạn tôi ở, đi bộ chừng năm phút, có tên Nhà Hàng Thanh Niên, nằm phía sau nhà thờ Đức Bà. Một nơi tương đối yên tĩnh, khu vườn lộ thiên nhỏ nhưng với những khóm trúc dễ thương, và nhất là được nghe lại những bản nhạc tình ca -kể cả tình lính- của miền Nam thuở trước.
Sài Gòn dường như không kịp thở vào những ngày cuối năm. Ngoài đường tấp nập xe cộ và trên vỉa hè cũng kín cả người. Tất cả đều hối hả ngược xuôi, làm như tất cả không còn đủ thời gian để kịp “đổi đời”. Tôi thấy mình lạc lõng trong cái không gian ấy. Tốt nhất là tìm một nơi vắng vẻ ngồi một mình để suy tư và hồi tưởng về Sài Gòn của một thời xưa cũ, mà bây giờ mơ hồ như chỉ còn trong cổ tích.
- Chào chú, cháu đánh giày cho chú nhé.
Tôi giật mình khi nghe một giọng rặt bắc kỳ, chưa kịp quay lại thì ba chú bé đã đến trước mặt tôi. Thằng bé nhất và cũng đứng gần tôi nhất nhìn tôi gật đầu chào:
- Sao chú ngồi một mình buồn thế ? Trông chú hơi lạ. Chắc chú là Việt Kiều mới về thăm quê ?
Tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao thằng bé biết mình là “Việt kiều”. Bởi tôi ăn mặc rất đơn giản. Có thể nói là đơn giản nhất so với những thực khách có mặt ở đây. Và mặc dù không ưa cái danh xưng “Việt kiều” này, nhưng thấy thằng bé lễ phép dễ thương, tôi giả tiếng bắc đùa:
- Chú ở nước ngoài về chứ không phải Việt Kiều. Thế ngoài ấy quê cháu ở đâu.
- Cháu ở tận Nghĩa Lộ - Yên Bái
Tôi nắm tay nó:
- Thế hóa ra mình là đồng hương đấy. Chú cũng từng ở Nghĩa Lộ một thời gian lâu lắm.
Thằng bé tròn xoe đôi mắt:
- Chú cứ đùa. Trông chú chẳng phải người quê cháu.
Tôi bèn kể một mạch về Nghĩa Lộ cho thằng bé nghe, từ con sông, con đường cho đến cái dốc Cổng Trời và cái thung lũng Hang Dơi nằm sâu trong vùng núi rừng cực bắc.
Thằng bé ngạc nhiên thích thú, nhưng đôi mắt cứ nhìn tôi không chớp. Tôi bật cười, vỗ vai thằng bé:
- Xin lỗi cháu. Chú đùa cho vui. Đúng là chú từng ở Nghĩa Lộ gần năm năm. Nhưng mà chú bị tù cải tạo ngoài ấy.
Cả ba thằng bé cùng nhao lên:
- À, đúng rồi, con đường ô tô từ dốc Cổng Trời về huyện, bây giờ người ta vẫn gọi là Đường Tù Cải Tạo. Vì nghe mấy ông bà cụ bảo do các chú trong Nam ra cải tạo đắp con đường ô tô ấy.
Ba thằng ở ba nơi khác nhau ngoài Yên Bái. Cả làng đang đói, nên rủ nhau bỏ quê vào miền Nam kiếm sống. Khởi nghiệp là đi xin, sau đó cũng chạy theo “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, ba thằng chung vốn làm ăn, kiểu công ty hợp doanh... Một thằng bán vé số, một thằng bán báo, còn thằng bé nhất đánh giày. Vậy mà cũng sống thoải mái (dù chỉ trên vỉa hè) lại còn dành dụm tiền gởi về cứu trợ gia đình. Thằng bé nhất đang nói chuyện với tôi quê ở Thôn Thượng Sơn, thuộc huyện Nghĩa Lộ. Một cái huyện miền núi nghèo xơ xác, có thể là một trong những nơi nghèo nhất nước, nằm cực bắc tỉnh Hoàng Liên Sơn ngày trước, cách thị xã Yên Bái khoảng một ngày đường. Và cũng là nơi đã từng nhốt nhiều tù cải tạo từ miền Nam chuyển ra, từ anh binh nhì TQLC bị bắt trận Hạ Lào, cho đến hơn ba mươi tướng lãnh, mà đa số đã không bỏ rơi đồng đội của mình vào giờ thứ hai mươi lăm.
Đã hơn ba mươi năm, và bây giờ đang ngồi giữa thủ đô Sài Gòn xưa, tôi cứ tưởng là mình đã quên rồi cái tên Nghĩa Lộ. Vậy mà hôm nay tôi có cảm giác như đang đứng giữa núi rừng Hoàng Liên Sơn, nhìn những thằng bạn tù - và thấy cả chính mình nữa - đang bị hành hạ, đói khổ khốn cùng.
- Cháu đánh giày cho chú nhé. Cháu đánh để kỷ niệm, đề đền ơn chú đã từng đắp con đường ô tô cho quê cháu, chứ không phải xin tiền xin bạc gì chú đâu nhá.
Câu nói hơi dài của thằng bé làm tôi bật cười, trở về thực tại. Tôi cười bởi nghe thằng bé rất nhà quê này xài hai tiếng kỷ niệm, và nói năng ra điều nghĩa hiệp.
Mà có thể là nó nghĩa hiệp thiệt. Ngày xưa khi còn trong lính, sau mỗi lần hành quân về phố, tôi cũng từng quen, và đỡ đầu cho những em bé đánh giày. Tụi nó nghèo, ít học, nhưng biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, và chí nghĩa chí tình. Sau ngày ở tù về, trong lúc làm lơ xe, bất ngờ tôi gặp lại hai đứa đang làm bốc vác ở bến xe Tuy Hòa. Bây giờ là hai cậu thanh niên khỏe mạnh. Có điều sống dưới chánh quyền mới, “nhân dân làm chủ tập thể” nhưng hai thằng không có một mảnh đất cắm dùi, ngày làm ở bến xe, tối ngủ ở chợ. Nghề đánh giày cũng không còn. Không phải vì những thằng bé đánh giày giàu lên sau cuộc đổi đời, mà vì chẳng còn ai mang giày nữa để mà đánh. Vậy mà gặp lại tôi, hai đứa nhận ra, mừng rỡ như gặp lại người thân, vẫn một tiếng “anh Ba”, hai tiếng “anh Ba” như hơn mười năm truớc. Tôi tìm mọi cách từ chối, nhưng hai đứa bảo tôi nhất định phải nhậu với tụi nó một chầu, mừng cho cuộc trùng phùng này mới trọn nghĩa anh em. Khi chia tay, còn nhét vào túi tôi một mớ tiền nhăn nheo, bảo là gởi quà cho các cháu. Tôi thực sự cảm động trước lòng thủy chung cùa tụi nó, trong lúc có bao nhiêu thằng vốn học thức đầy mình, nhưng mới một sớm một chiều đã trở mặt phản thầy phản bạn chạy theo nịnh bợ những thằng “cách mạng 30”, mà mới hôm qua hôm kia còn khinh rẻ là đám lưu manh, xích lô xe kéo!
Anh tiếp thị của nhà hàng mang thức ăn đến và đuổi ba thằng bé ra khỏi quán. Tôi vui vẻ nói với anh là tôi mời ba cậu bé, rồi quay sang bảo ba đứa kéo ghế ra ngồi và gọi bất cứ thức ăn nào các cháu thích. Tất cả tròn mắt ngạc nhiên rón rén kéo ghế ngồi và mỗi đứa chỉ kêu một đĩa cơm chiên dương châu.
Điều đặc biệt làm tôi lưu tâm tới thằng bé nhỏ nhất bọn này, bởi quê nó ở thôn Thượng Sơn. Một làng quê xa nhất của cái huyện Nghĩa Lộ đèo heo hút gió. Vậy mà có lần tôi đã đến đó và ở lại đó gần cả một tuần. Môt tuần duy nhất được no, được vui và hạnh phúc trong tám năm tù tội.
Khi mới ra Bắc, tôi được “biên chế” về trại 3 Hang Dơi. Sau ba năm được chuyển về trại 6 Nghĩa Lộ, nằm cách trại 5 của mấy ông tướng mấy cái ao nuôi cá trám cỏ.
Sau một trận kiết lỵ, tôi chỉ còn da bọc lấy xương, đứng không vững thì còn sức ở đâu để mà biến “sỏi đá thành cơm”, nên được điều từ đội trồng trà sang đội “tăng gia”, tức là trồng rau, mà nhiều nhất là rau muống. Vào mùa đông, vùng Hoàng Liên Sơn khá lạnh, nên các loại rau không mọc ra được, đám chúng tôi phần đông chuyển qua trồng sắn, phát rừng, còn lại luân phiên nhau mấy toán, vào vùng núi mua thực phẩm, chủ yếu là cho “cán bộ trại”, chứ còn đám tù bọn tôi thì đã có “sắn” (khoai mì) để “khắc phục”.
Toán bốn thằng chúng tôi, do một chàng vệ binh dẫn đi, kéo theo hai cái xe cải tiến (loại xe đóng bằng gỗ giống như chiếc xe bò nhỏ) vào Thượng Sơn, nằm cách trại khoảng 60 cây số. Trong thời gian tù tội, những ngày được đi xa như thế này thật là hiếm hoi, hạnh phúc ghê gớm lắm. Chẳng khác gì người trong nước bây giờ được xuất ngoại. Ít nhất cũng được tự do hơn, ăn uống khá hơn, và nhất là được sống với dân để nghe họ nói những điều chân thật. Có một trùng hợp lý thú là trong bốn thằng tù bọn tôi đều có đủ bắc, trung, nam. Một thằng chính gốc Hà Nội 54, một thằng xứ Huế, một thằng Nha trang là tôi và một thằng nữa là dân Cần Thơ, Nam bộ.
Khởi hành từ sáng sớm, chiều chúng tôi đến làng. Nếu không đến đây có lẽ chẳng ai ngờ là giữa núi rừng xa xôi hẻo lánh này lại có một cái làng với khoảng một trăm nóc nhà nằm dọc bên bờ con suối lớn dưới những tàn cây che kín mặt trời. Vậy mà trông rất sạch sẽ và thơ mộng. Từ cổng làng, bọn tôi đã nghe tiếng chim hót líu lo hòa trong tiếng suối chảy róc rách giữa một vùng núi rừng tĩnh mịch.
Bọn tôi được sắp xếp ở trong một căn nhà mái lá cọ, có vách bằng nứa, nằm dưới một tàn cây cao, sát bên bờ suối. Chủ nhà là một bà già trọng tuổi. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là trông bà không giống những người dân mà chúng tôi thường gặp ở vùng này, từ cách ăn mặc tới cử chỉ nói năng. Lúc nào bà cũng vui vẻ niềm nở với chúng tôi, trên môi lúc nào cũng có sẵn nụ cười.
Thằng bạn tù gốc Hà Nội của bọn tôi quả quyết là bà nói đúng giọng Hà Nội, cái thời còn một Hà Nội thanh lịch. Trên vách, treo một tấm giấy khen với một cái tên cũng rất Hà Nội, không hợp với khung cảnh núi rừng này: “Bà Vương Chu Khánh Hà “. Cái tên trùng tên một cô ca sĩ miền Nam, làm chúng tôi dễ nhớ.
Bà ở với người con trai, vừa làm y tá cho thôn, vừa làm rẫy, trồng thơm (dứa), trồng nhản. Một phần đất anh dành ra trồng rau và nếp nương. Anh nói năng hiền lành dễ mến. Đặc biệt rất thương và chiều mẹ.
Ngày đầu tiên, bà chỉ cười chào bọn tôi, không dám đến gần “quan hệ”. Nhưng hôm sau, bà mua chuộc anh vệ binh và giới thiệu cô thợ may ở nhà kế bên cho anh ta, nên anh ta đóng đô luôn bên ấy. Bà cho chúng tôi ăn xôi, ăn thịt rừng, còn thêm đủ loại trái cây bà mua được trong làng. Ở đây, ăn uống như thế là thuộc hàng “tư bản”. Ban ngày chúng tôi đi khắp nơi mua thực phẩm các lọai, chiều về lại nhà, kéo nhau xuống suối tắm, rồi được ăn một bữa cơm “thịnh soạn”, bọn tôi có cảm giác như đang ở đâu đó trên thiên đàng.
Đêm nào bà cũng mang đến một ấm trà tươi, ngồi tâm sự với bọn tôi tới khuya. Đúng như thằng bạn tù gốc Hà Nội nhận xét, bà dân Hà Nội chính tông. Ngày xưa gia đình bà giàu có. Vợ chồng làm chủ một hãng dệt lớn nhất nhì Hà Nội. Sau hiệp định Genève, chia đôi đất nước, chần chờ tiếc của, chưa kịp xuống tàu há mồm chạy vào Nam thì bị đánh tư sản. Chồng bà chết trong tù, nhà cửa bị tịch thu, bà bị bắt buộc phải dắt theo hai đứa con, một trai một gái, đứa nhỏ nhất chỉ mới sáu tuổi, cùng một số “đối tượng” khác lên vùng núi non này, lúc ấy gọi là Khu Kinh Tế Mới Thượng Sơn.
- Ngày ấy, cả khu này chỉ là rừng thiêng nước độc. Chỉ ba tháng sau là con bé gái chết vì sốt vàng da, mà không tìm đâu ra một viên thuốc.
Bà nhìn lên trời mơ màng, kể lại cho bọn tôi những ngày đầu mới đến, nước mắt chảy dài trên má.
Sau đó, vì bản năng tự tồn, những người “Hà Nội lưu đày” (chữ của bà), ngồi lại, cùng bàn bạc nắm tay vượt lên số phận. Trong số những người lên đây, có nhiều thành phần, đa số là tư sản và trí thức. Với bộ óc và với kinh nghiệm trên thương trường, vậy mà họ đã tận dụng được để cùng nhau vươn lên trong chốn thâm sơn cùng cốc này. Dù nghèo khổ, họ vẫn giữ được cái tình, cái thanh lịch của người Hà Nội. Điều mà chính quyền cần họ phải gột rửa.
Ngày tiễn chúng tôi đi, bà năn nỉ và đút lót anh vệ binh cho chúng tôi được nhận một kí nếp, một ít thịt rừng muối mặn, nhưng bị chối từ, mặc dù anh ta cũng rất quí bà. Cuối cùng để cho bà vui, anh vệ binh cho chúng tôi được ăn tại chỗ một bữa no nê, lần này còn có cả rượu nếp, do chính tay bà cất.
Một tháng trước ngày rời Nghĩa Lộ, bọn chúng tôi ngày đêm phải đắp cho xong một con đường ô tô kéo dài từ Nghĩa Lộ lên tận dốc Cổng Trời. Chúng tôi thắc mắc không biết để làm gì, vì gần năm năm ở đây, thỉnh thoảng chỉ thấy vài người đạp xe đạp hoặc thồ ngựa trên con đường ngoằn ngoèo heo hút này. Đến ngày chuyển trại vào Nghệ Tĩnh, chúng tôi mới biết con đường này dùng để chuyển quân lên Lạng Sơn ngăn chặn bọn bá quyền Trung Quốc vừa xua quân tràn qua biên giới đòi “dạy cho người anh em một bài học”.
Hơn ba mươi năm, con đường ”làm lại cuộc đời” của riêng tôi cũng thăng trầm, quanh co không kém, đã làm tôi tạm quên một quá khứ buồn thảm, dù tất cả vẫn còn nằm sâu chôn chặt tận đáy lòng. Bất ngờ hôm nay, thằng bé đánh giày gợi tôi nhớ lại. Có điều trong bao nhiêu đau đớn chất chồng cũng có đôi điều vô cùng đẹp đẽ, chẳng khác gì một đóa hoa nở trên sỏi đá, một cành lan mọc giữa rừng già, trên một thân cây héo khô cằn cỗi.
- Thế cháu ở Thượng Sơn có biết bà Vương Chu Khánh Hà. Bây giờ chắc cũng đã hơn tám mươi ?
Tự dưng tôi buộc miệng hỏi thằng bé, để rồi ngẩn người ra khi nghe nó trả lời:
- Ố, đó là bà nội cháu. Bà mất hơn năm năm rồi!
Lòng tôi chùn xuống.
Thằng bé kể lại những ngày cuối cùng của bà nội, lúc ấy nó mới tám tuồi. Khi mà ở Hà Nội đầy dẫy quán bar và nhà hàng sang trọng, dành cho khách nước ngoài và những ông quan lớn, thì cái thôn Thượng Sơn này vẫn cứ nghèo xơ xác. Một số đã phải bỏ làng tìm về thành phố cũ, sống trước mái hiên nhà của chính mình ngày trước. Bà nội nó chỉ về được một lần, đứng nhìn ngôi nhà của mình bây giờ đang là một khách sạn mấy tầng, mà chủ nhân là một ông ngồi trong Ủy Ban Cải Tạo Tư Sản ngày xưa, bây giờ đã là ông lớn, chức hàm cở bộ trưởng. Tài sản duy nhất còn lại của gia đình bà là ngôi mộ hoang của ông chồng, ngày xưa nằm trong một nghĩa trang ở ngoại ô thành phố, nhưng bây giờ nhà cửa mọc kín chung quanh. Cây cối và cỏ rác như muốn phủ lấp mộ phần. Bà phải ở lại đó mấy ngày mới dọn dẹp xong.Sau lần ấy, bà về nhà rồi ngã bệnh. Vợ chồng cậu con trai bán đủ thứ trong nhà, cùng với hảo tâm của mấy người hàng xóm, nhưng cũng không đủ tiền đưa bà đi bệnh viện. Trước khi chết bà chỉ ước ao duy nhất một điều là đuợc chôn cất bên cạnh mộ chồng dưới thủ đô Hà Nội, cũng là vùng đất của dòng họ qua bao nhiêu đời. Vậy mà cái điều ước ao trối trăn duy nhất đó của bà, cũng không ai thực hiện được, bởi cái nghĩa trang đó bây giờ nằm trong qui họach thành phố, tấc đất tấc vàng, không dễ gì mua được.
Nghe thằng bé kể, nhìn nhà thờ Đức Bà trước mặt và nhớ tới bà, tôi lại thầm nghĩ là Thượng Đế đã không có mặt trên đất nước tôi. Thực ra điều này tôi cũng đã từng nói với mấy thằng bạn tù, sau tháng 4/75. Bởi nếu có Thượng Đế, sao ngài lại bắt dân chúng miền Nam, những người hữu thần, đã bao nhiêu đời hằng tin và thờ phụng ngài, lại phải vác cây thánh giá nặng nề, để tan tác điêu linh như thế. Lòng tôi thấy xốn xang và tôi nghiệp cho bà. Tôi thầm trách mình cũng chỉ là kẻ vong ơn, đã quên mất lòng tốt của bà trong những ngày mình vô cùng khốn khó. Mà lẽ đời là thế. Khi đã sang sông còn có mấy ai nghĩ tới con đò.
Thằng bé lại nhắc tôi về chuyện đánh giày, đền ơn đáp nghĩa. Tôi đưa chân ra, cả đám cười ồ, tôi đang mang dép. Thằng bé lấy một tập báo đủ loại trên tay thằng bạn, để trước mặt tôi:
- Vậy thì chúng cháu biếu chú mấy tờ báo, về khách sạn chú đọc cho vui. Toàn chuyện mấy ông lớn tham nhũng ăn chơi tiền tỉ đấy!
Tôi cám ơn và hỏi mua một xấp vé số. Trả tiền xong tôi chia đều cho ba đứa, coi như món quà may mắn, rồi hẹn ngày mai đến gặp tôi ở khách sạn, tôi sẽ dẫn đi chơi bất cứ nơi nào các cháu thích. Khi chia tay tôi ôm vai thằng bé đánh giày:
- Ngày mai cháu nhớ đến nhá. Chú rất cần gặp cháu.
Suốt ngày hôm sau, sau khi dắt ba thằng bé vào chợ Bến Thành mua sắm một số áo quần, cho các cháu một ít tiền, tôi thuê xe chở cả đám đi Vũng Tàu. Cả ba đứa đều mong ước được đến đây một lần cho biết thành phố biển nổi tiếng này, và cũng muốn xem “tình hình” để chuyển xuống đây kiếm sống, bởi nghe nói ở đây có nhiều khách ngoại quốc đến du lịch, hơn nữa ở Sài gòn càng lúc càng khó khăn, vì số trẻ em (và cả nguời lớn) từ ngoài Bắc vào kiếm ăn ngày càng đông.Trong lúc ngồi trên bãi sau, tôi tâm tình thật nhiều với thằng bé đánh giày, kể cho nó nghe chuyện ngày xưa bọn tôi có lần đến ở nhà bà nội nó một tuần và được bà thương yêu giúp đỡ. Nó ngồi bên tôi nghe rơm rớm nước mắt, rồi dùng ngón tay viết tên của bà nội trên cát.
Trên đường về lại Sàigòn, tôi ghé lại Nghĩa Trang Quân Đội cũ, nằm bên xa lộ Biên Hòa. Khó khăn lắm, phải hỏi thăm nhiều người, anh tài xế taxi mới tìm đựợc lối vào.
Bức tượng Tiếc Thương đã từng tạo huyền thoại một thời, không còn nữa, nhưng Nghĩa Dũng Đài còn đứng sừng sững giữa những ngôi mồ hoang phế, im lìm. Tôi nghe trong gió như có tiếng oan hồn tử sĩ. Tìm đến ba ngôi mộ của ba thằng bạn lính cùng đơn vị cũ, mà chính tôi là người thân quen duy nhất chào tiễn biệt tại dây vào những giờ phút thứ hai mươi lăm của cuộc chiến, cùng với những người lính chung sự vẫn âm thầm tận tụy như từng bao nhiêu năm mai táng những đồng đội chưa bao giờ gặp mặt. Ba thằng bé phụ tôi hì hục dựng lại mấy tấm bia gãy đổ. Tôi ngồi trước những nấm mộ sụt sùi. Ba thằng bé chưa từng biết những gì đớn đau và bất công của cuộc chiến bắc-nam, cũng ngậm ngùi cảm động, trịnh trọng hứa với tôi sẽ thường xuyên rủ nhau đến đây để hương khói và chăm sóc các mộ phần.
- Bạn đồng đội của chú chắc chắn là những người tốt.
Ba đứa bé nói với tôi trên đường ra xe về lại Sài Gòn, trong lúc tôi còn đang miên man về cách hành xử tàn tệ từ những con người không có trái tim, không còn biết thế nào là “nghĩa tử nghĩa tận”.
Về khách sạn, ba cháu xin được ở lại với tôi đêm nay, để khuya được đưa tôi ra phi trường. Không ngờ những đứa bé từ một vùng núi non Việt bắc xa xôi lại chí tình với một người miền Nam, và bây giờ chỉ còn là.. “khúc ruột ngàn dặm”, như tôi.
Tôi lấy thêm một phòng, cho hai đứa kia, còn thằng bé đánh giày nhỏ nhất, ở cùng phòng với tôi. Trước khi đi ngủ, tôi cho thằng bé một ngàn đô-la, bảo nó ngày mai mua vé xe lửa về lại Nghĩa Lộ, đưa cho ba má nó. Tôi viết một mảnh giấy kèm theo, bảo với ba nó tôi là một trong bốn người tủ cải tạo lúc xưa, và dùng số tiền này tìm mọi cách đưa bà cụ về Hà Nội nằm bên ông cụ như lời bà trăn trối lúc lâm chung. Tôi có cho địa chỉ để anh ta liên lạc. Tôi còn căn dặn thằng bé phải hết sức cẩn thận, vì các chuyến xe Thống Nhất Bắc-Nam sẽ rất đông người vào những ngày giáp tết. Nó tròn mắt nhìn tôi ngạc nhiên, rồi nắm chặt bàn tay tôi, nói ngày mai, sẽ may thêm một cái túi bên trong chiếc áo để khâu tiền vào trong đó.
“Kính thưa Anh,
Vợ chồng em và chắc chắn là vong linh của mẹ em nữa, xin muôn vàn cảm tạ ơn anh.
Không ngờ chỉ có mấy ngày ngắn ngủi rất xa xưa, mà mãi đến nay anh vẫn còn nhớ đến mẹ con em. Riêng em thì gần như đã quên chuyện ấy nếu không có anh nhắc lại hôm nay.
Giờ em mới nhớ lại, sau khi các Anh rời khỏi nhà em, mẹ em khóc mất mấy hôm. Bà bảo phần thì tội nghiệp các anh, phần thì nghĩ tới số phận oan khiên của gia đình em vào những ngày đảng vừa lên nắm chánh quyền. Bà bảo các anh và gia đình chúng em cũng cùng gánh chung số phận.
Chúng em cũng xin báo tin để anh mửng, là với số tiền anh cho, chúng em đã đưa được mộ phần của bố em ra một nghĩa địa khác, trước khi chính quyền cho san bằng khu nghĩa địa cũ để xây đô thị. Khu nghĩa địa mới dù nằm khá xa thành phố nhưng sạch sẽ và yên tĩnh. Vợ chồng em cũng cãi táng phần mộ của mẹ em và đứa em gái ở Nghĩa Lộ, đưa về chôn bên cạnh bố em. Gọi là nghĩa địa, nhưng phải mua với giá rất cao. Nếu không có tiền của Anh cho, biết đến lúc nào chúng em mới thực hiện được lời ước ao trăn trối của mẹ em.
Nghe đất nước đã đổi mới từ lâu, nhưng có lẽ chỉ đổi mới ở dưới những thành phố lớn, chứ cái làng Thượng Sơn của chúng em thì ngày thêm khốn khó. Rồi nay mai vợ chồng em cũng phải bỏ Thượng Sơn mà về Hà Nội, hoặc chạy thẳng vào Sài gòn. Có làm ô xin hay phải sống ngoài đường chắc cũng còn khá hơn.
Phân vân mãi, cuối cùng chúng em cũng phải báo đến anh một tin buồn. Thằng bé Khiêm con em cũng không còn. Trên chuyến tàu Thống Nhất ngày ba mươi tết hôm ấy, nó bị cướp. Không hiểu có phải bọn cướp biết được cháu giữ số tiền lớn của anh cho, nên đánh để cướp. Nhưng dù bị máu me thương tích đầy người cháu vẫn hai tay ôm chặt lấy túi tiền khâu kỷ trong mấy lớp áo trước ngực. Bọn cướp tháo chạy trước khi có công an đường sắt tới.
Về nhà cháu tỉnh táo được một vài hôm, ăn tết với chúng em, kể lại chuyện bất ngờ gặp anh, được anh yêu thương và gởi cho chúng em một số tiền quá lớn. Chúng em cứ tưởng mình nằm mơ. Nhưng chỉ một tuần sau cháu bị sốt nặng rồi hôn mê. Đem vào bệnh viện huyện, bác sĩ bảo cháu bị chấn thương sọ não. Cháu qua đời vài ngày sau đó.
Bây giờ cháu cũng đang nằm bên cạnh ông bà nội, và cô út của nó, chắc cháu nó cũng được ấm lòng nơi chín suối.. Chúng em tin là cháu sẽ mãi mãi theo phù hộ cho Anh trong những ngày Anh xa quê lưu lạc xứ người.
Chúng em xin gởi đến Anh trọn lòng kính mến và lúc nào cũng cầu nguyện mọi điều tốt đẹp cho Anh cùng gia đình.
Kính thư
Bố mẹ cháu Khiêm
Trần Trọng An
Bức thư tôi nhận được đúng một tháng sau ngày tết nguyên đán. Suốt cả đêm trằn trọc, tôi không biết có đúng là mình đã trả ơn Bà, hay là lại mang thêm tai họa đến cho gia đình Bà. Thì ra trong cái xã hội đang có nhiều ông lớn và đại gia giàu có, thì cái sinh mạng của những người nghèo khổ khốn cùng cũng vẫn chỉ là cỏ rác. Dường như tôi có nghe ai đó nói “ cuối niềm vui nào cũng có xót xa, sau cuộc trùng phùng nào cũng có mầm mống của ly tan “.
phạmtínanninh
(vương quốc Nauy)