watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Xuân muộn - tác giả Phạm Văn Thúy Phạm Văn Thúy

Xuân muộn

Tác giả: Phạm Văn Thúy

Vừa lau bộ lư đồng ông Tư vừa ngóng ra ngõ, bồn chồn:
- Hai chín tết rồi mà thằng Tuấn chưa về! Không hiểu có chuyện gì?
Bà Tư thở dài:
- Ông à, tui thấy lo lo! Tết này mình đã hứa với anh chị Hai, dẫn thằng Tuấn sang cho giáp mặt với con Tú nhà người ta. Nó không về. Việc lỡ dở. Biết ăn nói với họ sao đây?
- Thôi, bà cứ lo gần lo xa. Để tôi tính. Chắc có chuyện gì nó mới về trễ.
Không lẽ nó chưa muốn lấy vợ...
* * *
Trong lúc đó, Tuấn đang bị bác sĩ thụ lý ca chấn thương, cật vấn:
- Cậu là người nhà của bệnh nhân?
Bị hỏi bất ngờ, Tuấn lúng túng:
- Dạ, thưa... không... à phải.
- Vậy là sao? - Vị bác sĩ ngạc nhiên.
- Dạ, cháu là người nhà. - Tuấn bạo miệng.
- Bệnh nhân đang hôn mê sâu. Vết thương kín. Qua hội chẩn, cần phải mổ ngay. Để lâu sẽ đe dọa đến tính mạng. Cậu chuẩn bị làm thủ tục mổ và tiền để lo thuốc men...
Giọng bác sĩ đều đều, tự nhiên và pha chút lạnh lùng. Những sóng âm đó vô hình trung làm trái tim Tuấn rung lên những nhịp quặn thắt, rối bời, lo lắng...
Ngồi ngoài phòng mổ, ruột gan Tuấn như tơ vò: Tết này về trễ, chắc ba má giận lắm đây. Ngặt nỗi, còn việc sang thăm nhà ông Hai để gặp Tú, người mà Tuấn chưa hề biết mặt, Tuấn chỉ nghe qua sự giới thiệu của ba má. Vạn sự khởi đầu nan! Lần đầu thất hứa, liệu chuyện tình duyên có êm xuôi? Năm tới là năm Đinh Hợi, mình tròn hai con giáp. Năm tuổi, chắc xui xẻo lắm đây...
Còn cô gái kia là ai? Nhà cửa, quê quán ở đâu? Người gì mà đi ra đường chẳng có một mảnh giấy lận lưng! Biết đâu mà lần ra tung tích? Thế mới gay go chứ! Càng nghĩ mông lung, Tuấn càng thấy rối. Tuấn thầm tự trách: ma sui quỷ khiến thế nào, mình lại đi cùng chuyến xe lôi với cô ấy. Hai chín tết còn gặp xui! Cô ta bị tai nạn, chưa biết sống chết thế nào. Người thân không có ở đây, mình bỏ sao đành! Thôi, đâm lao thì phải theo lao. Làm phước hãy làm cho trót. Kẻo tội với trời...
Đêm Hai chín tết. Tuấn thức để nuôi hy vọng và cầu nguyện sao cho lưỡi hái tử thần không đến viếng thăm cô - người bạn đường bất đắc dĩ. Sau hơn ba giờ phẫu thuật, cô gái được đưa về phòng hồi sức. Theo bác sĩ, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Người nhà phải luôn có mặt, để đáp ứng mọi yêu cầu của thầy thuốc và bệnh nhân. Thế là Tuấn chưa thể rời khỏi cô gái, ít nhất cũng là lúc này, để báo tin mình mắc kẹt cho ba má yên tâm. Còn chuyện tiền bạc, đối với Tuấn cũng tạm ổn. Cả năm làm việc, tích cóp được dăm triệu đồng, tết này Tuấn định mang về giúp ba má sửa sang nhà cửa. Ai dè lại gặp phải cảnh này... Thôi, mặc! Suy nghĩ nhiều cho mệt! Người làm ra tiền, chứ tiền đâu có làm ra người. Giúp người mà tính đơn tính kép thì còn gì gọi là giúp!
Mãi sáng mồng Một Tết, cô gái mới tỉnh lại. Tuấn mừng khôn xiết. Chỉ mong có thế, Tuấn mới giải tỏa được bao câu hỏi đang vặn xoắn trong đầu. Tuấn sẽ đi báo tin. Tuấn sẽ “bàn giao” bệnh nhân cho người nhà của cô ta. Tuấn được giải phóng. Tuấn kịp về đón tết với ba má và sang nhà người ta... Niềm vui của Tuấn bỗng như ngọn đèn gặp gió. Bởi cô gái đã tỉnh nhưng trí nhớ vẫn chưa hồi phục. Cô đờ đẫn nhìn Tuấn ngơ ngơ vô hồn, vô cảm. Hỏi hoài cô cũng không nói, kêu gì cô cũng chẳng nghe. Vậy là niềm vui đến với Tuấn sao mà ngắn ngủi và mong manh quá thể! Rối lòng, chưa biết tính sao, Tuấn chỉ còn biết đợi chờ, hy vọng và cậy nhờ vào sự can thiệp của các y, bác sĩ.
* * *
Trưa Hai mươi chín Tết, bà Tư rầu rĩ, bảo:
- Ông nè, có lẽ thằng Tuấn không về thiệt? Hay là ông sang nói với ông bà Hai cho phải đạo. Không khéo người ta bảo mình ba xí ba xáo...
Ông Tư gạt mạnh tàn thuốc đang hút dở xuống cạnh bàn, những đốm sáng lóe lên tứ tán.
- Bà nghĩ cũng phải. Nhà ông Hai ở cuối xã, bơi xuồng biết chừng nào tới!
- Thì ông kêu thằng cháu, đèo ông bằng xe gắn máy qua...
Chân bước lên hàng ba nhà ông Hai, ông Tư bỗng chột dạ, khi thấy trong nhà im phắc, không có vẻ gì là tết nhứt. Ông Tư chủ động lên tiếng:
- Tết nhứt đến nơi rồi, anh Hai chưa chuẩn bị gì sao?
Giọng ông Hai rầu rầu:
- Anh Tư sang chơi! Vợ chồng tôi đang rối hết cả ruột gan. Sáng qua biểu con Ba đưa quà tết cho dì Năm nó ở Cần Thơ. Biểu đi về trong ngày. Không hiểu sao bây giờ nó chưa về...
Ông Tư lặng thinh, đợi ông Hai nói xong, bảo:
Vợ chồng tôi cũng đang lo chẳng kém gì anh chị. Nói thiệt, giờ này thằng Tuấn nhà tôi, cũng chưa về. Sợ thất hứa, tôi sang thưa với anh chị trước. Có gì... xin thứ lỗi.
Mỗi ông một tâm trạng, mỗi ông một nỗi niềm. Nhưng, dường như ý nghĩ của họ lại gặp nhau ở một điểm: nhất định có chuyện xảy ra đối với con của họ rồi! Ngồi nhà mà lo nghĩ, chẳng giải quyết được gì, chỉ làm cho đầu óc rối thêm. Lo lắng lại chồng lên lo lắng!... ông Tư chợt nảy ra “sáng kiến”. Ông đề nghị: “Anh Hai nè! Giờ này còn kịp, tôi và anh cùng lên Cần Thơ kiếm chúng nó xem sao? Tôi có linh cảm chuyện chẳng lành...”.
Nghe lọt cái lỗ tai, ông Hai gật đầu. Họ gấp gáp ra lộ, bắt xe lên Cần Thơ.
* * *
Đêm cuối năm dần buông. Cái đêm khép lại mọi sự may rủi, buồn vui, phúc họa... của mỗi con người. Cái đêm mở ra một năm mới đầy sôi động, thách thức và bao ước mơ, hy vọng tốt lành. Song, giờ đây, Tuấn chỉ mong ước có một điều thiệt giản dị: cầu nguyện cho cô gái mau phục hồi. Để Tuấn còn...
Trong bệnh viện, vắng lặng đến xao lòng. Ngoài đường ồn ã, náo nhiệt bao nhiêu thì trong bệnh viện ngược lại bấy nhiêu. Thỉnh thoảng có những tà áo trắng của y, bác sĩ như cánh thiên nga lướt qua trước mặt Tuấn. Tuấn miên man nhớ lại.
... Trưa Hai tám Tết, Tuấn giao chìa khóa phòng cho chủ nhà trọ. Anh háo hức vẫy xe lôi để ra bến xe, về quê ăn Tết và sẽ sang chơi nhà cô gái mà Tuấn chưa hề biết mặt. Trên xe lôi đã có một cô gái. Cô ý tứ dịch sang bên cho Tuấn ngồi. Tuấn nhìn cô, thăm dò: “Em cũng ra bến xe?”. Cô gật đầu: “Dạ! Còn anh?”. “Anh cũng ra bến. Em về đâu?”. “Em về Vĩnh Thạnh”. Tuấn hồ hởi: “Anh cũng về Vĩnh Thạnh nè...”. Hai người mải mê trò chuyện như đôi bạn thân. Xe vừa qua khỏi cầu Nhị Kiều. Bỗng rầm một cái, xe lôi mất thăng bằng, đổ nghiêng. Cô gái văng ra khỏi xe, ngất xỉu. Rất may Tuấn kịp nắm được thành xe lôi nên chỉ xây xước qua loa. Tuấn vội vàng đưa cô gái vào bệnh viện...
Còn hơn hai giờ nữa đến giao thừa. Tuấn chưa bao giờ thấy mình trống vắng và thèm khát sự sẻ chia, giúp đỡ như lúc này. Niềm an ủi duy nhất đối với Tuấn là cô gái đã phục hồi trí nhớ. Cô đã “biết” khóc, cười. Cô gọi ba kêu má. Cô đã nhận ra Tuấn và cô hỏi cô đang ở đâu? Cô bảo tên cô là Ba, quê ở... Song, những điều cô nói mới chỉ là chuỗi hỗn tạp những sắc màu sáng, tối đan xen. Nhưng dù sao cũng là những tín hiệu tốt lành, là “món quà” để Tuấn và cô mừng đón giao thừa.
Bên giường bệnh, Tuấn đang đắm mình trong suy tư. Bất chợt cửa phòng bật mở. Y sĩ trực đưa hai ông già vào. Quá bất ngờ, Tuấn nhảy dựng ôm chầm lấy ba, mắt đỏ hoe, rưng rưng sung sướng:
- Ba à! Con vướng phải cái cô nầy nên lỡ hẹn... Mong ba thứ lỗi...
Ông Tư tìm thấy con trai, mắt cũng rơm rớm, tay chỉ sang ông Hai:
- Mầy có biết ai đây không? ông Hai - cha con Tú, ba vợ tương lai...
Tuấn ngơ ngác chưa hiểu sao, anh chỉ kịp khoanh tay: “Cháu chào bác!”.
Ông Hai ngồi xuống bên con gái. Cô nức nở: “Ba ơi, con bị tai nạn... Nhờ có anh Tuấn giúp... Tuấn tốt lắm... Không có Tuấn, chắc con...”. ông Hai xoa xoa đầu con gái, mắng yêu: “Tổ cha mi! Mi làm ba má và em Tú ở nhà lo hết hồn! Ba và ông Tư đây đi tìm tụi bay. Đến nhà trọ kiếm thằng Tuấn, chủ nhà bảo nó về từ trưa Hai tám tết rồi! Đến dì Năm tìm, dì bảo nó cơm xong rồi về ngay... Hai đứa làm hai già nầy tá hỏa tam tinh, chạy đôn chạy đáo tìm kiếm khắp. Rồi mọi người bình tĩnh đoán ngược đoán xuôi: có thể nó bị tai nạn giao thông, chắc nằm trong bệnh viện không chừng! Quả nhiên, kiếm được hai đứa ở đây. Mừng hết chỗ nói!”.
Ông Hai siết chặt tay Tuấn nói lời cảm ơn, rồi bảo.
- Ba cháu nói về cháu đã lâu, nhưng bữa nay bác mới gặp cháu. Người mà cháu cứu giúp chính là chị con Tú. Tết này ba cháu và bác định cho cháu và Tú giáp mặt.... Thôi, chuyện đó tính sau, hai cha con mau về nhà để đón giao thừa, kẻo chị Tư lo...
Ông Tư nhìn đồng hồ, bảo. “Về sao kịp, sắp giao thừa rồi! Ông, tôi và tụi nó đón giao thừa ở bệnh viện xem có vui hơn ở nhà không? Tết này hai gia đình đón xuân muộn một chút nhưng mà vui, chắc vui nhất là thằng Tuấn nhà tôi và con Tú nhà ông”.
Mọi người cười vui vẻ, cũng vừa lúc chuông giao thừa ngân vang.

Các tác phẩm khác của Phạm Văn Thúy

Mao khờ