Vong cô
Tác giả: Phan Bá Tiến
Đ ã quá nửa đêm mà Toàn vẫn không tài nào chợp mắt. Hai tay vòng lên ngực giả bộ thở đều, nhẩm đếm không biết bao lần từ một đến một nghìn... Vẫn không ngủ được. Toàn không dám trở mình vì sợ Hà biết. Hà mà biết Toàn không ngủ thì khổ Toàn lắm. Nàng truy tìm đủ mọi lý do. Và thế là đủ dạng câu hỏi "Vì sao" được đặt ra cho Toàn. Đã không ngủ được lại bị tra tấn kiểu đó, sáng ra, đến cơ quan ai cũng cứ tưởng Toàn ốm. Từ đó, Toàn rút ra kinh nghiệm, không ngủ được thì cứ cố mà nằm im. Thức như ngủ, ngủ như thức, Hà biết đâu mà lần. Chỉ có Toàn là khổ, bao giờ Toàn cũng cho rằng mình là con người khổ nhất, Toàn nén khổ vào lòng. Khuôn mặt Toàn được giới chị em cho là điển trai nhưng luôn nghiêm nghị.Toàn ít cười. Nếu có cười cũng không lúc nào có được tiếng cười thoải mái. Toàn cứ cùng cục trong cổ như tiếng gà trống gù mái. Đôi môi rất gợi chất đàn ông nơi Toàn cũng chỉ nhếch lên một tí có vẻ mếu hơn là cười. Toàn trở thành người gần mà xa trong con mắt chị em. Toàn cũng chẳng biết điều đó.
Đêm nay, Toàn không ngủ được cũng như đã bao đêm không ngủ được. Hai con mắt lúc thao láo, lúc nhắm nghiền, cố kiếm tìm một chút tĩnh tâm. Bên cạnh, Hà vẫn thở đều, chứng tỏ nàng đang say ngủ. Trong căn nhà đồ sộ, thênh thang này, dù là ngôi nhà mình mà khi nào Toàn cũng cảm thấy như lạc lõng. Hai đứa con du học, thỉnh thoảng mới “meo”về, những bức “meo” vô hồn, thiếu hẳn sự gần gũi, ấm áp. Toàn yêu cầu chúng gọi điện thoại hoặc viết thư tay mà chúng chẳng mấy khi chấp hành. Muốn nghe cái giọng nói, muốn ngắm cái chữ thân thương của chúng cũng không được. Nỗi ám ảnh của quá khứ, của làng quê, của tuổi thơ luôn nặng trĩu trong lòng anh. Những gương mặt người thân, cả người sống và người chết luôn luôn đồng hiện trước mắt. Giá như đó là giấc mơ thì còn được. Đằng này, những hình ảnh ấy cứ chập chờn khi ẩn khi hiện làm Toàn mệt nhoài vì những đối thoại và độc thoại. Toàn đối thoại với những hình nhân nhưng thực ra cũng chỉ là độc thoại với chính mình. Tiếng chép miệng "tiếc tiếc" của thạch sùng càng làm cho Toàn thêm não nề. Toàn muốn hét to lên để giải thoát đi cái u uất chẹn cứng nơi cổ họng mà không thể. Anh cứ nằm vậy mà đối thoại với những hình nhân, hết người này đến kẻ khác. Toàn thấy mẹ. Mẹ mất đã bao năm rồi mà Toàn thấy vẫn như xưa. Vẫn chiếc áo nối thân nhuộm nâu bạc phếch, ống tay áo đã sờn loem hoem nước trầu; vẫn chiếc quần vải phíp quăn gấu ngắn lòi cả bắp chân. Bàn chân mẹ không dép, móng chân toẽ ra, đen xỉn. Hình như có cả những vết nứt toé máu. Mẹ quấn trên đầu cái khăn vải đen sờn sĩ. Mẹ đang đứng trước mắt Toàn, trong ngôi nhà xây kiểu cách kín cổng cao tường của vợ chồng Toàn ngay giữa Thủ đô. Mẹ vào đường nào nhỉ. Mà mẹ đem gánh vào nhà làm gì kia chứ. Mẹ đặt gánh xuống đi, sao cứ đứng vậy. Toàn muốn dậy đỡ gánh cho mẹ nhưng không được. Anh cố gượng lên mấy lần nhưng không tài nào gượng nổi. Mẹ cũng chẳng nói gì. Mẹ chỉ nhìn Toàn. Dường như một đầu gánh, trong chiếc thúng là em Thơ khi còn sống, một đầu gánh là chiếc giành với những củ khoai lang còn dính cả dây chạc, đất cát. Toàn muốn gọi em nhưng như bị ai bịt lấy miệng. Anh ú ớ nhưng không phải nói mê. Hình như Hà nghe thấy. Nàng trở mình. Nàng vẫn ngủ. Mẹ lại đi rồi. Toàn vẫn không ngủ. Toàn thấy mình đang tìm mót những củ khoai trổi sót lại đã nảy mầm với em Thơ. Những củ khoai có khi chẳng còn nguyên vẹn với những chiếc mầm tim tím, xanh xanh vừa đội đất chui lên. Những củ khoai cứu mẹ con anh ngày giáp hạt không còn bột nhưng ăn sống cứ ngọt mát cả ruột. Em queo quắt và đen đúa như hạt lúa lép bị ruồi đáp cứ reo lên mỗi khi tìm thấy mầm khoai. Nhưng rồi mớ khoai anh em Toàn tìm mót được tự dưng biến đâu mất, em Thơ choài ra khóc. Toàn cũng khóc, nước mắt dàn dụa. Mà anh khóc thật, nước mắt nóng hổi chạy quanh má, thấm ướt cả gối. Thơ ơi, mấy chục năm rồi, anh vẫn không sao quên được cái ngày em bỏ bố mẹ, bỏ chị Hoàn, bỏ anh, em ra đi. Buổi chiều đó chắc em đói lắm bởi buổi trưa, anh em mình đi học về đợi gạo mẹ đi chợ mãi vẫn không được. Phiên chợ ế ẩm. Những chiếc giành không có người mua. Mẹ đong chịu được một cân rưỡi gạo nhưng phải mãi hơn hai giờ chiều mới về đến nhà. Chợ xa, mẹ vừa đi vừa chạy mà còn lâu thế. Không có gạo nấu cơm, ba chị em đành chia nhau mấy quả chuối luộc. Em chỉ ăn một trái. Một trái em nhường anh, nói là để anh có sức mà học. Cũng buổi chiều ấy, em không nỡ mặc chiếc áo thường mặc đi học, em mặc chiếc áo đã vá nhiều chỗ. Trên đầu em là chiếc nón đã rách te tua. Con trâu Đen hôm ấy dường như biết trước điềm chẳng lành hủng hẳng “nghé” ầm lên chẳng chịu đi. Thì ra loài vật có những linh giác đặc biệt. Giá hôm ấy em đừng thả trâu ở bãi ... Giá hôm đó không có bè của lâm nghiệp neo cả dãy sông... Giá hôm đó chiếc máy bay thứ ba hết bom... Giá như... em đừng chết. Toàn lại khóc. Lần này thì tiếng khóc bỗng vỡ oà ra. Hà tỉnh giấc. Nàng lại căn vặn những câu hỏi vì sao. Toàn không thể nào nói được những điều anh nghĩ về mẹ, về em gái cho nàng hiểu. Mà nàng hiểu làm sao được. Nàng có bao giờ phải sống, (dù giả tưởng) cuộc sống mà Toàn đã trải qua đâu. Nàng sinh ra trong nhung lụa và lớn lên trong hoà bình. Thiếu thốn, đạn bom , gian khó, cực nhọc... là những từ mà nàng phải hiểu bằng từ điển. Nàng lấy Toàn chỉ vì mê Toàn học giỏi. Nàng lấy Toàn còn là việc chứng tỏ cho đám bạn bè trong lớp biết bản lĩnh và cái uy của nàng. Phàm cái gì nàng đã muốn là được. Toàn lấy nàng vì lúc đó nàng thật ngây thơ. Toàn như người anh trai đáng tin cậy của nàng. Cái gì không biết nàng cũng hỏi Toàn. Và cái gì, nàng cũng không biết. Toàn lấy nàng còn vì một lý do khác tế nhị. Giờ thì anh thấy hối hận nhưng khi đó anh như người chịu ơn. Đói khát và thiếu thốn làm cho người ta thiếu tỉnh táo. Toàn chẳng có gì ngoài chính bản thân mình. Thân mắc nợ áo cơm thì đem thân ra mà trả. Anh cưới nàng trong năm cuối khoá học. Mà thực ra bố mẹ Hà cưới anh cho nàng bởi anh làm gì có tiền để cưới vợ. Ở lại Hà Nội công tác, có nhà cửa đàng hoàng, con rể một cán bộ có cỡ, cái vòng kim cô mà Hà đem thít vào anh bắt đầu phát huy tác dụng. Cuộc sống ngày một khấm khá, đường công danh của anh ngày càng rộng mở thì Hà lại ngày càng đâm ra mê tín. Hễ nghe nói nơi nào có thầy bói giỏi là bằng mọi cách Hà đến cho bằng được. Cách đây mấy năm, sau cái đận Toàn ốm nặng, nàng đã về quê tìm sự giúp đỡ của cõi âm. Nghe một bà bói nói Toàn có một cô em gái chết khi còn nhỏ rất thiêng đi theo phù hộ, nàng trở nên quyết đoán mọi việc. Lần đầu tiên, nàng tìm đến ông bác trong cùng nhánh họ của Toàn nhờ ông đưa đi viếng mộ bố, mẹ và em Thơ. Nàng trình bày với ông bác rằng Toàn đang bận công tác, sai nàng về lo việc xây mộ cho bố mẹ và em. Việc này nàng chưa từng làm bao giờ, vả lại ở quê có những tục lệ này nọ nàng không biết vv... tóm lại là trăm sự, vạn sự các cháu nhờ bác vv... Ông bác nghe nàng nói mà nở mày nở mặt. Con gái Hà Nội có khác. Thật phúc cho chú mự nhà nó có được người con dâu quí hoá. Chú mự ấy chẳng may thiệt phận sớm, giờ thằng Toàn làm nên cơ nghiệp không được sống mà hưởng. Thôi, không được hưởng phận dương thì hưởng phận âm. Giờ vợ chồng nó về xây mộ cho vợ chồng chú và con cháu Thơ thì thật là họ ta đã mở mày mở mặt với thiên hạ. Đâu chứ cái làng Hoa này, từ trước đến nay mới có lăng cụ cố bên họ Trần chứ chưa ai xây nổi lăng mộ cho cha mẹ mình. Ông bác nhận lời giúp nàng như nhận lấy một trách nhiệm. Nàng chỉ việc đưa tiền cho ông bác rồi trở về ngay Hà Nội. Nàng cũng chẳng nói gì với Toàn. Mãi một tháng sau, khi Toàn khoẻ mạnh, ra viện nàng mới nói cho anh chuyện nhờ ông bác xây lăng mộ bố mẹ và em Thơ ở quê, rằm này chúng mình về làm lễ khánh thành và kỳ yên. Đến lúc này Toàn mới biết mọi sự. Anh cũng thừa biết rằng cái mà Hà quan tâm chính là lời bà bói ở quê. Hà lo là lo cho cái ghế của Toàn, lo cho cái bổng lộc mà Hà được nhận từ cái ghế của Toàn chứ trước đến nay Hà có quan tâm gì đến gia đình, anh em, họ hàng Toàn ở quê.
Ngày làm lễ kỳ yên, dân làng Hoa lại được dịp chứng kiến sự hiếu thảo và chu tất của cô con dâu ông bà Thanh. Phúc đức có cô con dâu quí hoá quá. Thật là con gái Hà Nội. Chu đáo mọi sự chứ không như ở nhà quê. Hà thuê hai chiếc tắc-xi sang trọng, mang theo đủ thứ lễ vật từ Thủ đô về. Ngoài những thùng lê, thùng táo Trung Quốc còn có cả nho Mỹ, nho Pháp gì đó. Ngay cả chuối ngự là thứ có sẵn ở quê họ cũng đặt mua từ Hải Dương. Hương, vàng, đô la địa phủ... tất tật đều mua ở Hàng Mã. Hà còn sắm cho bố mẹ và Thơ đủ thứ, bộ vet ton màu ghi của bố, bộ áo tứ thân và khăn vuông của mẹ. Hà còn sắm cho Thơ cả bộ áo dài gấm màu mỡ gà kiểu Thái Tuấn. Hà cũng không quên ti-vi cho bố mẹ, chiếc Ware màu đỏ cho Thơ. Hà nói, đời bố mẹ và em đã khổ, giờ thì không lý do gì để khổ. Ông trưởng họ nói vui: “ Thế thì cô nhớ đốt cả máy phát điện và xăng kẻo ti vi, xe máy xuống đó ông bà và cô Thơ không vận hành được lại đâm oán”.
Nhưng rồi bất ngờ đã xảy ra khi ông bác bảo lấy nước để làm nước cúng và rửa hoa quả. Chị Thắm con bác “dạ” một tiếng rõ to. Chị nhanh tay trút nước từ đôi thùng tôn sáng bóng sang chiếc chậu thau. Nước giếng Chùa trong vắt, tinh khiết và thiêng liêng của cả làng Hoa mấy mươi đời nay. Sáng nay, chị đã dậy sớm gánh đến. Nhưng Hà phẩy tay, Hà đem ra mấy bình nước lọc. Hà không thể tin được sự sạch sẽ của cái giếng nhà quê. Ông bác giận tím mặt. Hà đã chạm vào cõi sâu thẳm trong tâm hồn của những người làng Hoa. Chính điều này, khi mấy ông trong họ biết đã không ngớt lời rủa thầm Toàn là “chưa đỏ đít đã đòi làm khỉ độc”. Ai chứ thằng Toàn thì có lạ gì. Thuở ở nhà, nó như bao đứa trẻ khác, đi chăn trâu, khoai lang móc lên chùi ống quần, bỏ mồm nhai ngấu nghiến, vốc nước sông uống cũng có sao đâu. Giờ thì vẽ chuyện đem nước từ Hà Nội về. Dường như cả cái làng Hoa này bẩn chỉ có vợ chồng chúng nó sạch. Thế rồi dân làng Hoa đã không duy trì được cảm tình với cô con dâu người Hà Nội khéo ăn, khéo nói. Thay vào đó, mọi người tỏ thái độ xem thường ra mặt. Nhiều người trong họ được mời dự lễ kỳ yên đã bỏ ra về với đủ lý do mà chính Toàn lúc đó không thể nào hiểu được. Mâm cỗ thừa ê hề, điều chưa từng thấy từ trước tới nay ở một lễ hiếu nơi làng quê này.
Chiều hôm đó, vợ chồng Toàn mang theo hai vẻ mặt u ám về Hà Nội. Trên xe, không một ai nói gì. Về đến nhà, ngay lập tức Hà nói to lên rằng, đó là lần cuối cùng cô về quê: “Tôi thì chẳng dại gì đâm mặt về đó nữa. Cái đồ nhà quê vừa nghèo, vừa bẩn lại hay cố chấp”. Toàn thì không nói được một câu nào. Toàn cảm thấy xấu hổ thật sự. Có lẽ mình cũng chẳng dám vác cái mặt mo này về làng nữa. Mình sẽ nói sao với những đứa bạn một thời chăn trâu, cắt cỏ. Mình chỉ hơn chúng cái may mắn là trời cho học giỏi. Trụ lại mà sống giữa cái Thủ đô này biết bao là sự gian truân, cực nhọc và cả khổ nhục. Những cái nhục mà chỉ có những người như Toàn mới thấm thía hết nỗi đắng cay của nó. Chúng nó sống ở quê có cái khổ nhưng cũng có cái sướng. Sướng nhất là được sống thật với lòng mình. Buồn, vui, thương, ghét cái gì cũng rõ ràng rành mạch. Bố mẹ và em của Toàn giờ này được mồ yên mả đẹp đều nhờ cái tình chúng nó. Khi nghe ông bác họ nói chuyện vợ chồng Toàn nhờ xây mộ, chúng nó đã tự nguyện cáng đáng lấy công việc đó. Số tiền mà Hà đưa cho ông bác chỉ dùng để mua xi măng và gạch hết không đầy nửa. Cát sỏi chúng nó tự kéo dưới sông. Công sá chúng nó chẳng lấy tiền. Chỉ vì sự văn minh hợm hĩnh của Hà mà gây ra oán ghét cho dân làng. Đám bạn của Toàn mặc dù không phản ứng ra mặt nhưng Toàn thấy rõ sự thất vọng của chúng. Toàn tự sỉ vả, dằn vặt mình. Đáng lẽ, lần ấy Toàn phải lên Bắc Cạn đón chị Hoàn cùng về mới phải. Mà cái chính là Toàn đã bị Hà gạt phắt cái ý định đó: “ Rước làm gì cái bà ấy về cho thêm khổ. Lấy chồng mấy chục năm mà không vẫn hoàn không”. Toàn thấy thương chị vô hạn mà chẳng nói được gì. May mà trong lễ kỳ yên đã không ai nhắc đến chị Hoàn. Nếu có người nhắc, Toàn chỉ nước lấy mo che mặt. Giờ thì chị đã không còn. Muốn rước cũng chẳng rước được. Nhiều đêm, nghĩ đến chị, nước mắt không biết từ đâu, cứ thế trào tuôn. Toàn thương chị cả một đời hy sinh thầm lặng. Khi còn nhỏ, ở với bố mẹ đã khổ. Lớn lên, lấy chồng, lại khổ thêm. Đến cái sự ra đi của chị cũng là sự khổ nốt. Giờ thì chị đã yên phận, nhưng cái phận chị có lẽ cũng đang bơ vơ đâu đó. Nhà chồng không còn ai thân thích, hương hồn chị biết bấu víu vào đâu. Rồi Toàn nữa. Ai cũng nói Toàn sung sướng, hạnh phúc và thành đạt nhưng nào ai biết được nỗi khổ của Toàn. Có vợ, có con mà Toàn trở nên côi cút. Càng nghĩ, Toàn càng giận mình. Chứng mất ngủ của Toàn ngày càng thêm trầm trọng.
Đêm nay Toàn càng không ngủ vì ngày kia là ngày giỗ em Thơ. Từ năm coi bói về đến nay, năm nào Hà cũng làm giỗ em chu đáo. Hà thuê thợ làm hẳn một bàn thờ để thờ “mụ o” như lời bà bói:” Cô cứ tin tôi đi. Cái giống mụ o, ông chú chết non là thiêng lắm đấy. Mà cô nghĩ coi, cô Thơ không đi theo anh Toàn nhà cô thì đi theo ai. Cúng bái đàng hoàng vào, nhà cô phát lộc đấy.” Thế là, mấy năm nay, năm nào vợ chồng Toàn cũng làm giỗ Thơ. Đầu thì còn làm có tính chất nội bộ, sau cứ mở rộng thành phần, mời tất tật những người trong cơ quan hai người đến dự. Những khách mời trước đây nhằm ngày giỗ bố mẹ được chuyển sang ngày giỗ Thơ. Và đó là ngày hái lộc thực sự của Hà. Người ta tìm cách lấy lòng Toàn bằng mọi cớ. Chuyện phù hộ huyền bí nào chưa biết nhưng cái lộc nhãn tiền thì rõ rành rành. Ban đầu Toàn cảm thấy khó chịu nhưng rồi cũng phải quen dần. Trong nhà này, Hà bao giờ cũng là chủ. Chính vì vậy mà Toàn càng áy náy khi mấy năm nay bỏ mặc chị Hoàn. Toàn cảm thấy quá trớ trêu khi làm giỗ Thơ mà chị Hoàn thì không. Nói dại, cũng tại chị không chết trẻ. Chết trẻ biết đâu lại đâm hay chứ suốt chừng ấy năm chị sống bên anh Minh chỉ biết có khổ là khổ. Giờ chết lại khổ thêm. Nếu chị Hoàn cũng chết trẻ thì có lẽ Hà cũng làm giỗ chu đáo vì bà bói sẽ nói có hai mụ o đi theo phù hộ Toàn. Nhưng mà chị Hoàn thì không chết trẻ. Cả đời chị cứ thầm lặng sống khổ sống sở với người chồng thương binh một trên bốn của chị. Anh chị không con mà sự vất vả của chị với anh Minh còn hơn nuôi con nhỏ. Nuôi con nhỏ còn mong con có ngày lớn để cậy nhờ, đằng này... Chị ít có dịp về Hà Nội mà thăm cậu Toàn ăn nên làm ra, trưởng thành bằng người. Trong những bức thư gửi Toàn, lúc nào chị cũng tỏ vẻ sung sướng, mãn nguyện thay cho cha mẹ. Bao giờ chị cũng cho rằng, Toàn làm thơm lây cả nhà. Thơm đâu không biết chứ mấy năm nay chị có được lây cái gì đâu. Chị Hoàn ơi, em thật có lỗi với chị. Em đã ít dịp để lên thăm chị mà chị thì ngại đến nhà em. Chị ngại là phải. Cái ngôi nhà em đang ở này đâu phải của em. Vào nhà em, chị cảm thấy đôi chân mình như bị thừa, không biết để vào đâu. Chị cứ khép ne, khép nép trước cái nhìn xoi mói của Hà. Giờ thì thôi chị nhé. Nhưng em cũng chưa thể làm được gì hơn cho chị. Muốn rước chị về cúng mà Hà đâu có chịu. Hà chỉ cúng mỗi mình Thơ thôi.
Cứ thế những câu chuyện, những hình ảnh Toàn gặp trong giấc ngủ chập chờn cứ trở đi trở lại không buông tha Toàn. Toàn gặp hết người này đến người khác. Nhưng bố thì Toàn ít gặp, mà có gặp cũng không thấy bố nói năng gì. Sinh thời, bản tính bố đã ít nói thì giờ đây bố không nói cũng phải. Nhưng Toàn thấy hình như bố buồn nhiều thì đúng hơn. Trước đây, mỗi khi đi học về được điểm tốt, ánh mắt bố lấp lánh niềm vui bao nhiêu thì giờ đây mắt bố buồn bấy nhiêu. Toàn hiểu rõ những nỗi buồn ấy của bố như chính Toàn hiểu được những việc làm của mình. Càng hiểu những việc làm của mình, Toàn lại càng không hiểu mình. Thật mâu thuẫn hết chỗ nói. Toàn đâu còn là Toàn của thời xưa nữa. Danh vọng, tiền tài và những ràng buộc của Hà đã làm cho Toàn bớt đi những bạn bè chí cốt. Xung quanh Toàn, bên cạnh Toàn đâu còn bạn bè mà chỉ là những hình nhân, những hình nhân biết săn đón ý Toàn, biết nở nụ cười khi Toàn vui, biết chau mày khổ sở khi Toàn buồn. Nếu những hình nhân Toàn gặp trong giấc ngủ làm Toàn hiểu mình hơn thì những hình nhân Toàn gặp hàng ngày trong công việc làm cho Toàn cảm thấy xa lạ và khó hiểu với mình hơn. Do vậy, mỗi khi đối diện với bố dường như Toàn cảm thấy sợ. Còn đối diện với mẹ, Toàn lại như cảm thấy được vỗ về an ủi. Vẻ mặt mẹ bao giờ cũng bao dung. Trong giấc mơ Toàn luôn muốn được gặp mẹ. Gặp mẹ thì Toàn không phải làm người lớn. Trước mẹ, Toàn luôn là trẻ con. Mà trẻ con thì bao giờ cũng đúng. Chỉ có người lớn mới sai. Cái sai không đi đón chị Hoàn về dự lễ khánh thành và lễ kỳ yên mồ mả cho bố mẹ và em Thơ là cái sai của người lớn.
Sẽ không bao giờ Toàn quên năm ngoái, khi chỉ còn hai ngày nữa là giỗ Thơ. Đêm đó, Toàn cũng thức trắng như đêm nay. Trời sáng lúc nào không biết. Chờ Hà tỉnh giấc, Toàn vỗ nhẹ vai nàng, nói như van lơn:
- Này em! Sáng nay anh cho xe đi đón chị Hoàn về giỗ nhé! - Hà trề môi, mắt lườm ngang một cái:
- Có điên không đấy? Quan khách đầy nhà mà không biết xấu hổ à? Hiếu thảo, nghĩa tình quá nhỉ? Thì cứ rước về! Chả phải bộ! - Toàn giận tím mặt. Anh không ngờ Hà lại có thể quá quắt đến thế. Nhưng anh vẫn cố ra vẻ nín nhịn:
- Được! Rồi em biết thế nào là phải bộ.
Sáng hôm ấy, Toàn bảo lái xe đi công tác Bắc Cạn. Cậu lái xe không hiểu sao lại có kế hoạch đột xuất nhưng không dám hỏi vì chưa bao giờ thấy mặt Toàn có vẻ hệ trọng và nghiêm trang đến thế. Xe đến Bắc Cạn khoảng một giờ rưỡi chiều, không ăn uống gì cả, Toàn vội đến ngay nhà chị Hoàn. Chiếc cổng tre đóng im ỉm. Gọi mãi chẳng ai thưa, Toàn đành lách cửa chui vào. Ngôi nhà nhỏ, mái ngói nâu xỉn, mảnh sân rêu, tả tơi lá rụng. Quang cảnh vườn tược vắng lặng làm Toàn linh cảm một điều chẳng lành. Đúng lúc đó, một người hàng xóm, dáng điệu hớt hải chạy tới:
- Chào cậu! Cậu có phải cậu Toàn! Bác Hoàn trông cậu mãi. Bác ấy đang đưa bác Minh đi chữa bệnh dưới 108. – Toàn nghe người hàng xóm mà mặt mày xây xẩm. Sao sự thể lại có thể đến thế này? Mà sao chị Hoàn lại không tìm cách báo cho mình biết nhỉ? Toàn đáp lí nhí:
- Vâng, em là Toàn đây ạ! Mà sao bác Minh phải đi 108 hả chị?
- Ôi dào! Thật tội cho nhà bác ấy. Cứ tưởng như mọi bận sẽ qua, ai ngờ
vết thương cũ tái phát. Cầu mong Trời, Phật cho bác ấy chóng khỏi! – Người hàng xóm vừa nói vừa gạt nước mắt. Những giọt nước mắt nghĩa tình của những con người khi tắt lửa tối đèn có nhau. Toàn cảm ơn chị ta rồi vội vã ra xe. Toàn hối cậu lái:
- Ăn qua loa rồi về ngay 108. Ông anh mình đang nằm đó.
Hai anh em ăn nhanh. Xe dông thẳng một mạch về Hà Nội. Đến 108 thì đã tối. Hỏi thăm được chỗ nằm của Minh đã gần bảy rưỡi. Thấy Toàn, chị Hoàn ôm chầm lấy khóc nức nở:
- Sao bây giờ cậu mới đến. Cậu không thương anh, thương chị nữa rồi! Tưởng có anh, có em ở Hà Nội mà nhờ! Ai ngờ thế này! Toàn ơi là Toàn ơi!- Cứ thế, chị coi Toàn như đã chết, gọi tên Toàn mà khóc. Toàn chẳng biết nói gì hơn, cứ sững người chịu trận. Sau này, Toàn mới biết, Toàn đi công tác, chị gọi điện thoại đến gặp Hà. Hà biết hết mọi chuyện nhưng chưa vội nói với Toàn. Hà định để xong giỗ. Thâm tâm Hà không muốn để chị Hoàn biết nhà làm giỗ Thơ. Chẳng dè...
Lần ấy, chị Hoàn mới biết chuyện vợ chồng Toàn làm giỗ em Thơ, điều mà chị không thể nào tưởng tượng nổi khi nghĩ đến nó. Nhờ anh Minh đỡ bệnh, bữa đó chị được Toàn cho xe đón về. Đám quan khách mải lấy lòng Toàn chẳng chú ý gì đến một người đàn bà tội nghiệp, đang cố thu nhỏ mình lại. Hà lo tiếp khách, những người khách mang lộc đến nhà cô. Còn Hoàn, chị cảm thấy thật xa lạ giữa đám người sang trọng, ồn ào. Cái thân phận nghèo khổ của chị không biết dấu vào đâu, trong cái căn nhà thênh thang này. Chị lặng lẽ mở cổng ra đi. Chị đến với anh thôi. Chắc là anh mong chị lắm. Buổi trưa trời nắng gắt. Chị đi như trốn chạy. Chị muốn vẫy một chiếc xích lô... Nhưng giữa trưa nắng thế này, xích lô cũng trốn đi đâu. Mắt chị hoa lên... Phía trước, một chiếc IFA lao tới... Và rồi chị không biết gì nữa. Chị Hoàn chết, sau đó anh Minh cũng chết. Giờ thì tội cho chị đã không chết trẻ. Chết trẻ khi chưa về nhà chồng. Chết trẻ thì theo anh em trai mà phù hộ cho họ và được anh em trai cúng giỗ. Những vong cô biết thương anh em trai cả khi sống lẫn khi đã chết. Cái lý của Hà theo lời bà bói là vậy. Khi sống, chị đã không được trọng tại căn nhà này. Giờ thì chị đã chết, Toàn không thể làm gì hơn. Căn nhà này chỉ có một vong cô, vong cô ấy chết non, rất thiêng, luôn phù hộ cho vợ chồng Hà ăn nên làm ra. Ấy là Hà nói vậy.
Trên tường, tiếng con thạch sùng lại “tiếc tiếc” làm Toàn thêm mất ngủ. Anh lại tiếp tục đối thoại với các hình nhân cứ chập chờn quanh mình. Những năm tháng tuổi thơ lại đến. Toàn chợt reo to khi Thơ tìm thấy một mầm khoai trổi tim tím, xanh xanh. Tiếng reo làm Hà tỉnh giấc. Những câu hỏi “ Vì sao?” lại được đặt ra cho Toàn./.
Rằm tháng 7, 2003
Phan Bá Tiến