Chuyện chợ giời
Tác giả: Phan Hà Anh
Con Mươi vừa chửi vừa khóc, nước mắt nhễ nhại chảy tràn vào khoé môi, nó đưa bàn tay nhuốm nhựa chanh quệt ngang mũi tạo thành một vết nhọ dài quanh môi trên.
Nó nghỉ một lúc để sụt sịt rồi tiếp:
- Chúng mày cũng có chồng có con, sao chúng mày độc ác thế, tại sao cứ phải nói sau lưng bà rằng bà là con điên, con dở hơi, bà có ngu cũng bằng mười chúng mày,…
Người qua người lại ai có hỏi han gì nó càng chửi to, nó chửi cả những người an ủi nó, bởi nó bây giờ chẳng tin vào những lời hỏi han ấy tẹo nào, biết đâu là thật, biết đâu là giả. Người này người kia bàn bàn tán tán để biết nguyên do vì sao mà con Mươi lại tung hê cả cái chợ này lên mà chửi như vậy. Có cái gì to tát lắm đâu, cũng chỉ xung quanh việc con Mươi lấy vợ cho chồng nó.
Cách đây gần 5 năm cái chợ giời này chỉ có một vài người lèo tèo tụ tập ngồi buôn thúng bán mẹt với nhau, trong đó có vợ chồng con Mươi. Chúng nó mới cưới nên có chút vốn liếng, bàn nhau đến vùng xa mua chanh về bán. Con Mươi xấu xí, người nó lùn xủn, béo tròn như cái hạt mít, hai con mắt trố ra phía trước, mái tóc cụt lủn ôm lấy khuôn mặt tròn xoe đầy sẹo - di chứng của đậu mùa để lại. Còn chồng nó thanh niên quê, gà trống mới ra ràng nên trông không đến nỗi tệ lắm. Tuy mới cưới nhưng suốt ngày hai vợ chồng cãi nhau chí choé, thậm chí chửi nhau, gọi mày xưng tao nhưng thằng chồng không bao giờ đánh nó như một vài ông chồng của các bà chủ hụi khác.
Vì mua tận gốc bán tận ngọn nên hai vợ chồng nó bán giá rẻ, các bà các chị cứ đâm đầu đổ đuôi vào hàng vợ chồng nó. Con gà tức nhau tiếng gáy, mấy chủ thương rau quả còn lại ngồi trơ mắt nhìn vợ chồng con Mươi làm nên ăn ra nên phải tức, phải ghét, hay nói nó là con ẩm ương, con dở người. Của đáng tội, từ ngữ của con Mươi hay dùng nó cũng không được hoa lá cho lắm, nó cứ nghĩ sao nói vậy, chẳng kiêng nể ai, có động chạm đến ai người ta lại bảo: "Ối dời, con điên, không thèm chấp". Ví như một lần bán chanh quá đắt hàng, bao nhiêu khách khứa đang mua, nó hét chồng: "Anh có về trông hàng hộ tôi không, chúng nó ăn cắp hết bây giờ, nhất là con mẹ Hoa ấy". Mọi người sững lại mấy giây quay về phía "con mẹ Hoa" rồi tiếp tục cúi xuống bốc bới trong đám hổ lốn rau quả ấy. Con mẹ Hoa là một vị giảng viên đáng kính nhưng mua hàng của nó cứ thêm thêm bớt bớt vặt vãnh làm nó ghét cay ghét đắng, lúc nào cũng phải mắt liếc mắt trông. Đôi khi nó nghĩ thầm, mấy quả chanh của nó còn ăn cắp, chẳng biết mụ còn ăn cắp những cái gì nữa thì không biết.
Một năm, hai năm, ba năm, bây giờ tới năm năm rồi mãi mà con Mươi không có chửa, nó thèm một đứa con vô cùng, không chỉ vì bản thân nó mà còn vì chồng nó nữa, rồi họ hàng nội ngoại ai ai cũng hỏi han, đôi lần nó đã nghe lỏm con em dâu to nhỏ với bà chị chồng rằng nó "không biết đẻ". Nó điên lắm, định chửi cho một trận nhưng nghĩ sao lại thôi, nó chưa bao giờ cảm thấy buồn như lúc này.
Con Mươi vốn ít được học hành, nó không biết định nghĩa thế nào là hạnh phúc và thế nào là bất hạnh, nó chẳng mong chồng nó tặng nó hoa hồng làm gì, thứ ấy quá xa xỉ, đối với nó hoa hồng hay bắp cải chẳng khác gì nhau, nó chỉ cần chồng nó mua cho bữa ăn trưa hay cốc nước đá giữa trưa hè nóng bức hay dọn dẹp hộ nó sau buổi bán hàng thì bao nhiêu mệt nhọc tan biến hết. Đấy, hạnh phúc đâu phải thứ gì cao xa và khó tìm, hạnh phúc nằm trong những điều giản đơn như thế.
Ở cái chợ giời này ngoài buôn bán hàng họ, rau quả ra, người ta còn buôn bán thêm chuyện thiên hạ. Tận cùng xã hội có nhà bà Nga vỡ nợ, mẹ bỏ trốn, bố nghiện rượu, con giết người cướp của đi tù. Cao hơn một chút bà chủ tịch phường cặp bồ với ông phó chủ tịch, ông chồng biết chuyện nhồi máu cơ tim mà chết. Cao hơn nữa là thằng con ông chủ tịch thành phố đốt nhà ăn cắp xe hơi của bố đi đánh bạc… Một cái xã hội thu nhỏ, được đẩy từ mồm người này qua mồm người kia khiến nó càng li kỳ rùng rợn hơn. Và cái chuyện tại sao con Mươi lại lấy vợ cho chồng được coi là chủ đề nóng hổi nhất và điên nhất của tuần này. Người thì bảo con này ngu, rước voi về dày mồ, rồi có ngày ra dìa, thời buổi bây giờ có ai dở hơi lại đi làm cái chuyện "một ông hai bà" một cách tự nguyện như nó, người thương nó thì nghĩ thầm, chắc nó cực chẳng đã mới phải làm như vậy hoặc tại thằng chồng nó… Con Mươi chỉ im lặng, chẳng phản ứng gì, nói gì bây giờ, có nói sao đi nữa thì trong mắt người đời nó vẫn là một con ngớ ngẩn, đem hạnh phúc của mình đặt vào lòng bàn tay người khác.
Ngày cưới của chồng nó, nó ăn mặc thật đẹp, có cái áo cất trong tủ dành dụm mấy năm rồi hôm nay mới lôi ra mặc, chồng nó quần Tây sơ mi trắng gọn gàng, cũng lễ lạt, cũng trầu cau đàng hoàng, nó hứa với gia đình cô dâu, vợ mới của chồng nó, rằng nó sẽ đối xử với cô như chị em một nhà, không phân biệt vợ lớn vợ bé, rồi lăng xăng đi mời trầu mời thuốc bà con làng xóm. Còn chồng nó ngồi thừ một góc, chẳng buồn nhúc nhích, khói thuốc bay vòng vòng quẩn quanh.
Đêm động phòng, con Mươi nhẹ nhàng ý tứ về bên ngoại để lại chồng nó và cô vợ mới cưới, đêm ấy con Mươi không ngủ mà ra ruộng chanh ngồi khóc, nó thấy cái gì đang vụn vỡ trong tim.
Con Mươi cứ nhịn nhục mãi nhưng đến lúc hết chịu nổi cái nhìn thương hại kèm những lời nói tựa dao cắt vào lòng của người đời nên nó mới hoá điên, đứng giữa chợ vừa chửi vừa khóc, nó chửi người ta nhưng lại khóc cho mình.
***
Cái chợ giời hôm nay rộ lên tin vợ hai chồng con Mươi đẻ con trai, thằng bé kháu khỉnh ra phết, con Mươi khuyến mãi cả làng không lấy tiền chanh vì tin vui này. Bà giảng viên Hoa không cần ăn cắp cũng được đầy một túi chanh khệ nệ xách ra về. Ba tháng sau người ta nhìn thấy cả nhà nó bốn người quân quần ăn trưa trong đám chanh đang bán dở.
Viết từ những mảnh đời có thật
23/5/2008