watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Nuôi Chó - tác giả Phan Hãn Hữu Phan Hãn Hữu

Nuôi Chó

Tác giả: Phan Hãn Hữu

Con về thăm nhà, ngạc nhiên trước sự xuất hiện của một sinh vật bé nhỏ. Con chó trắng đốm đen chạy lon ton từ sau hè ra trước cửa, sủa một tràng inh ỏi. Ui da, “con quỉ” này ở đâu ra vậy ba mẹ? À, con chó của dì cho đó con. Nhưng nhà mình trước giờ đâu có nuôi chó, với lại con sợ nó cắn lắm. Không sao đâu, nó hiền khô hà. Ba mẹ nuôi cho vui cửa vui nhà ấy mà.
Con thấy mẹ có vẻ ngượng ngùng. Chắc mẹ nhớ tới cái câu nói mỉa của con ngày nào dành cho thằng nhóc hàng xóm sang khoe con xù Nhật: “Con người đây còn chưa yêu thương hết, đi yêu thương con chó!”.
Ba mẹ nuôi Mina (ái chà, cái tên đúng kiểu quá!), chuyện thật ra cũng đâu có gì to tát. Nhưng nghe mẹ nói “nuôi cho vui cửa vui nhà” con mới giật mình. Chuyện đơn giản vậy mà bấy lâu nay con đâu có nghĩ tới. Con đi học xa, căn nhà vốn đã rộng giờ lại càng thênh thang, có phần quạnh vắng nữa. Nghĩ tối ngày hai ông bà già đi ra, đi vô chăm sóc đám cây kiểng rồi ngồi ôn chuyện cũ, như con chắc con chịu không nổi quá.
Buồn thê thảm! Nhưng biết làm sao được, có thằng con trai duy nhất mà, phải để nó đi học thành tài chứ. Nhưng hỡi ôi, thằng con trai này chưa thành tài thành danh mà đã vô tâm quá! Nó đâu biết từ ngày nó đi học ở Sài Gòn, mọi chuyện trong nhà đã đơn giản đi nhiều lắm. Bữa cơm gia đình hằng ngày không còn ồn ã như lúc còn có nó ở nhà. Nó đâu biết ba mẹ nó như quay về cái thuở hàn vi.
Một nồi cơm nhỏ, một đĩa rau luộc, một chén cá kho tiêu, vậy là xong bữa. Già rồi, nấu nướng cầu kỳ chi cho phức tạp con, ba mẹ ăn có bao nhiêu, có bữa còn muốn ăn cơm bụi cho tiện. Với lại lúc này mẹ thấy chân hơi yếu. Trời, thằng con đi học xa nhà đó không biết nhớ được bao chữ nghĩa mà chuyện hỏi thăm đôi chân của mẹ nó cũng quên! Con tệ thiệt phải không ba mẹ?
Con đâu chỉ không hay đôi chân mẹ đã yếu hơn xưa nhiều lắm, mà con cũng nào để ý tuổi già ba mẹ đang tới. Con nào để ý lâu rồi con không bắc ghế ra sau hè ngồi nhổ tóc sâu cho ba, lâu rồi ba không còn cùng bạn bè đi thăm những cánh đồng có giống lúa mới nữa, lâu rồi ba không còn la lớn như trai tráng khi xem một pha bóng hay nữa. Con nào để ý đuôi mắt mẹ, đôi mắt hai mí mà con thừa hưởng nè, đã đầy những nếp nhăn rồi.
Con nào hay từ lâu mẹ đã không còn đi công tác dưới mấy huyện nữa. Cô cán bộ nông nghiệp được bà con yêu quí ngày nào giờ đâu còn tung hoành ngang dọc như xưa nữa. Con lại càng không biết chuyện mẹ chán, mẹ bức bối khi bị bó chân trong căn phòng máy lạnh rì rì của sở lắm rồi. Biết làm sao hả con, mẹ già rồi, ai người ta cho đi.
Con biết, tới giờ thì cái này con phải biết chứ mẹ. Con biết làm sao mà mẹ quên được những cơn gió mát thổi tung tóc mẹ giữa đồng. Mùi dầu thơm xịt phòng nức mũi này sao mà thay được cái mùi đất, mùi cỏ, mùi rơm rạ mà mẹ vẫn từng yêu như yêu chính da thịt mình. Làm sao mà quên được hả mẹ? Chân mẹ yếu, cơ quan không cho mẹ đi cơ sở nữa chỉ là cái cớ.
Thật sự những ngày cuối tuần mẹ vẫn kêu ba chở đi thăm những cánh đồng lộng gió, bước chân mẹ vẫn như bay trên những vạt cỏ non bờ đê còn đọng sương sớm phải không mẹ? Con biết mẹ vẫn vừa đi, vừa nâng niu những bông lúa ngậm sữa, vừa với tay hái ít ngọn nhãn lồng, ít ngọn rau chay để lát về ba mẹ luộc lên chấm mắm kho. Bữa cơm thị thành nhà mình ngày trước vẫn thơm mùi đồng đất nhờ đĩa rau luộc đó.
Về thăm nhà, có con Mina vậy mà hay, vậy mà vỡ ra nhiều lẽ. Nhưng hình như cái lẽ nào cũng làm con cảm thấy tội lỗi hết. Con nhớ hồi đó, những lần đến nhà bác Đức, giám đốc sở của mẹ. Chu choa, cái nhà toàn chó là chó. Những con chó lông xù được túm lông, thắt nơ, kẹp màu... trông cứ như một lũ đỏm dáng. Những con phóc sạch sẽ nhảy lung tung lên người con làm con la oai oái...
Bác Đức không có con nên nhà mới cố làm cho inh ỏi lên như thế. Nhìn hai bác nâng niu lũ chó, cưng chúng như con, gọi chúng bằng những cái tên mỹ miều, trông hài hước mà sao bi kịch quá! Cứ sau mỗi lần đến thăm bác, ba mẹ và con kể lại chuyện gặp bọn chó đó mà cười quá trời. Dẫu thông cảm cảnh đơn chiếc của vợ chồng bác Đức, nhưng sao vẫn thấy hai bác... rảnh thiệt. Vậy mà giờ đây gia đình mình có thêm một thành viên mới cũng vì lý do tương tự - nhà quạnh vắng quá.
Con phải công nhận nhà có con chó thấy “sinh động” hẳn lên. Nhất là khi con về lại càng ồn ào dữ. Con vốn sợ chó, vậy mà cái con Mina này không thèm nể nang “cậu chủ” gì hết. Nó cứ chạy theo táp táp vào chân con làm con phải nhảy lên bộ ván, chửi rủa ỏm tỏi. Chắc con Mina nghĩ con về giành hết sự yêu thương của ba mẹ.
Như mẹ kể đó. Hôm trước, lúc nó đòi ăn, mẹ la: sủa dữ vô đi con, rồi vài bữa nữa thằng Nhí về, tao cho mày chết xó. Mẹ kể chuyện cười, ừ thì con cười, nhưng mắt thằng con trai 20 tuổi cay xè muốn khóc. Con chó chạy theo con đòi cắn, nó không hưởng ứng con trong nhà này, nó ghen tị đó mà. Chó còn biết ghen tị huống hồ là con. Con cũng biết ghen tị mà, con cũng muốn đá văng con chó khi hồi chiều thấy nó quanh quẩn bên ba, nhe răng gí vào đôi cánh tay rắn chắc nhưng đen sạm, đượm mùi bùn khô ban sáng ba đi thăm ruộng.
Ba nằm trên võng, vung tay đẩy Mina ra, giọng trách móc mà dịu dàng: thôi con, đi chỗ khác chơi đi. Nghe ba nói mà tuổi thơ con như tràn về trách cứ, con muốn đạp văng con Mina ra hết sức. Chỗ đó là chỗ của con mà. Chỗ hồi con bảy, tám tuổi đeo theo ba, khóc nhè đòi cùng ba đi ruộng dù ngoài trời mưa như trút nước.
Hồi đó, chú Nam trong xóm đi ngoài bờ sông trời mưa bị sét đánh, nghe mấy bà trong xóm nói cái xác chú Nam đen sì, thấy thằng Bê con chú Nam khóc quá trời. Con sợ, con không muốn ba bỏ con trong tiếng trời gầm ghê rợn. Con níu tay ba, trượt theo chân ba, con vừa khóc vừa gí hàm răng non nớt vào lưng ba cắn lấy cắn để tấm lưng dài rộng và khét nắng. Chắc là đau phải không ba? Hàm răng sún thời ấy lưa thưa nhưng nhọn hoắt.
Vậy mà ba nhìn con dịu dàng: Nhí qua nhà bé Chi chơi đi, ba đi tí rồi về mà, không thôi nước tràn đê bây giờ. Con vẫn cứ khóc, mắt nhòe đi cùng màn mưa mù mịt, nhưng con còn kịp nhìn và mãi nhớ hoài ánh mắt ba lúc ấy, ánh mắt như có cái gì đó rọi thẳng vào con, hiền hậu, yêu thương và long lanh sưởi ấm....
Nếu so sánh một cách hài hước thì con hồi nhỏ giống hệt con Mina bây giờ, nghịch ngợm, tíu tít và quanh quẩn bên ba mẹ. Còn nếu gọi là nhân hóa thì Mina phải giống con, xinh xắn, ngây ngô và nhiều lúc vô tình không hay, không biết để rồi phải tiếc nuối.
Nhớ bữa cơm hồi trưa, trong lúc con và ba vừa ăn trái cây vừa trò chuyện (ui cha, đã qua cái thời con mè nheo lâu lắm rồi, đã đến cái thời con và ba nói chuyện như những người đàn ông với nhau, đến cái thời con biết thế nào là một người bạn lớn trong đời rồi!), con nghe mẹ nói (chắc chắn là với Mina): ăn lẹ đi con, làm gì nhơi nhơi hoài vậy! Một khoảnh khắc câm lặng như vừa dừng lại đâu đây.
Con nhìn ra sau hè, Mina đang giương mắt nhìn mẹ, đôi mắt trong veo, đôi mắt đen hồn nhiên như không biết mình có lỗi. Con cũng đang giương đôi mắt đó nhìn ba mẹ đây. Dẫu không còn trong veo được như ngày xưa ấy nhưng con vẫn cố, con đang cố, dù biết không thành...
Căn nhà tuổi thơ con đang bóp trái tim con nức nở. Căn nhà tuổi thơ với những bữa cơm đạm bạc. Con cầm cái muỗng xúc xúc vào tô cơm trắng to ứ hự. Xúc xúc thôi chứ không ăn vì miệng còn đang ngậm đầy cơm. Bữa cơm đạm bạc không có thịt, chỉ có vài con cá lòng tong kho tiêu, một tô canh chuối ngọt lừ.
Con nhớ mẹ cũng nói với con: ráng ăn cho lẹ đi con, bữa sau mẹ mua thịt cho ăn. Lúc đó con trách mẹ vì đã ba bữa rồi nhà mình chỉ ăn có mấy món như nhau. Nhưng con đâu biết hai tuần nay nước lũ dâng cao, đâu còn món gì ngoài món cá lòng tong này, mẹ đi làm đã cực khổ còn phải đi chợ lo cho con no bữa. Con đâu biết, con nào biết.
Con chỉ nhớ mẹ nói câu ráng ăn đi con mà giọng mẹ như muốn khóc. Con sợ mẹ khóc lắm nên cũng ráng nuốt cho xong... Rồi nhà mình cũng khá giả hơn, nhưng con vẫn giữ cái thói ăn nhơi nhơi như vậy. Kiểu như ngậm một hồi cơm mềm ra thì dễ nuốt hơn hay sao ấy. Và mẹ vẫn cứ cái câu: ăn lẹ đi con, ăn cơm mà ngậm hoài là mai mốt nghèo lắm đó. Nhưng giọng mẹ trầm ấm, dịu dàng và yêu thương...
Giờ con về, ăn cơm nhanh nhất nhà, tại cái thói ăn như voi của bọn nam sinh viên “ghiền” cơm bụi, nhưng con ăn cho lẹ là để còn bô bô đủ thứ chuyện trên Sài Gòn. Ba mẹ ăn thật chậm, chắc không phải do răng yếu, mà dường như trong từng cái và miếng cơm trắng, miếng thịt ngon ấy, có cả những lời con trai theo vào để ba mẹ từ từ nhấm nháp, để tuổi già nhìn con, mắt hiền yêu dấu.
Nhà có con Mina, vỡ ra nhiều lẽ. Vỡ ra những kỷ niệm của tuổi thơ chợt tràn về lấp kín tâm hồn con, khiến con thổn thức nhưng cũng khiến con yêu thương biết bao những ký ức hồn nhiên ấy. Để rồi trách cái tuổi 20, tự cho mình chững chạc, tự cho mình người lớn nhưng lại quên những điều cần nhớ.
Có con Mina, tuổi thơ con như đang được chiếu lại trong một khúc phim đầy tình người, đầy hồn nhiên thơ dại. Khúc phim có cảnh ba nói với con Mina: dậy đi, sáng rồi mà còn nằm ườn ra hả con. Nhưng hình như là ba đang nói trong tuổi thơ của con: sáng rồi, nướng hoài cháy khét bây giờ đó con. Tiếng mẹ cạnh bên nuông chiều: chán thiệt, bữa nào cũng gọi Nhí như gọi đò vậy. Tiếng tuổi 20 con gọi tuổi lên 10: đừng dậy, cứ hãy nuốt những lời này vào đầy tâm trí cái đã!
Khúc phim có cảnh ba mẹ và con xúm lại tắm cho Mina, nước ấm hẳn hoi nhưng nó vẫn la ỏm tỏi, ba phải luôn miệng: tắm cho sạch sẽ rồi phơi nắng, không thôi bọ chét bám đầy. Giống hệt hồi xưa ba dỗ dành con, tắm rửa sạch sẽ rồi ba cho đi công viên.
Con ghen tị khi nhà có con Mina. Ban đầu là ghen tị với “con quỉ” đó, nhưng rồi dần dần con lại ghen tị với chính mình, con ghen tị với tuổi thơ được nằm trong vòng tay ba mẹ, được cắn vào lưng ba khét nắng, được nghe mẹ trách móc yêu thương. Con ghen tị với chính tuổi thơ mình để rồi tự hối lỗi, tự trách chính cánh chim khỏe tung trời này bay đi khỏi tổ, chứ tổ rơm ấm nồng thì vẫn lặng im chốn ấy, chờ một ngày chim bay về để lại được ủ ấm, lại được chở che, lại được sống trong cái mùi nồng nàn của rơm rạ, mùi bình yên.
* * *
Bây giờ thằng con trai đi học xa nhà mỗi lần điện thoại về nhà bao giờ cũng hỏi mẹ: con Mina sao rồi mẹ? Mina hình như nghe được, nó sủa một tràng ỏm tỏi. Đây nè, nó sủa mong con về nè! Dạ, để con thu xếp rồi tranh thủ cuối tuần này về, mà con cũng không chắc nữa. Đó, nghe chưa, sủa cho dữ vô, quậy cho dữ vô, rồi vài bữa nữa thằng Nhí về là tao cho mày chết xó!