Ô, ánh sáng
Tác giả: Phí Thanh Giang
Tin nó đỗ vào đại học làm cả nhà mừng rơi nước mắt. Mẹ gọi điện cho dì ở Hà Nội về để đón nó lên nhập trường. Dì hình như không muốn về, chắc dì rất bận. Nhưng nể lời chị gái, nên cuối cùng dì cũng về. Khi xe dì vừa về đến cổng, mẹ nó chạy ra đón, dì nói ngay: "Cả tuần được ngày chủ nhật rỗi rãi thì phải tranh thủ về giải quyết chuyện gia đình. Đến là mệt". Mẹ nó làm mặt giận. "Tại sao vừa về đến nhà, chưa được câu hỏi thăm chị, dì đã nói cái giọng như thế". Nhưng chị em gái dễ huề nhau. Mẹ nó thường nói" "Thương nhau như chị em gái".
Dì mệt mỏi dắt xe vào nhà. Xong, dì ngồi thừ ra ghế. Cái xắc đeo để bên cạnh. Nó chưa bao giờ thấy cái xắc nào đẹp như cái xắc của gì. Dì thì dường như chẳng quan tâm đến sự có mặt của nó. Đứng ngẩn người ra một lúc sau câu chào dì lí nhí trong cổ mãi không thoát ra thành lời được, nó chờ đợi gì đáp lại. Dì vẫn tỏ ra không hay biết. Ngượng quá, nó ù té chạy xuống bếp giúp mẹ nấu nướng. Nó lo lắng hỏi mẹ: "Dì dạo này làm sao ấy?". Mẹ nó đang bận túi bụi làm thịt gà và các món ăn, ngẩng lên trả lời như một cái máy: "Dì mày từ nhỏ đến lớn vẫn thế, ai mà biết được. Thôi, giúp mẹ một tay đi. Nhanh lên nào". Bao nhiêu công phu chọn món ăn và bày đặt các kiểu, nó thấy giờ thành công toi. Giá dì đừng về thì hơn.
Một lúc thấy dì ra bể nước rửa chân tay. Mẹ nói vọng ra:
- Lấy nước nóng trong phích pha rửa cho đỡ lạnh.
Tiếng nước trong vòi xối vào chậu và tiếng dì phàn nàn:
- Nước ở nhà kém trong và kém sạch. Kiểu này đến phải đem quần áo lên Hà Nội giặt mất.
Rửa chân tay xong đi lên thẳng nhà, chẳng thèm ngó vào bếp xem mẹ nó làm cơm đến đâu rồi. Tự dưng nó thấy ác cảm. Cùng một mẹ sinh ra nhưng rõ ràng dì khác mẹ nó. Mẹ nó bao giờ cũng thân mật, cởi mở và hay giúp đỡ mọi người.
Lúc có mặt đông đủ mọi người, mẹ nó nói với dì:
- Tôi gọi dì về để bàn chuyện của cháu sắp lên Hà Nội học. Tôi muốn nó ở với dì để dì tiện bảo ban dạy dỗ khi thiếu mặt tôi. Vả lại ký túc xá trong trường điều kiện sinh hoạt không tốt, tôi sợ cháu không chịu được.
Dì nghe, nét mặt vô cảm. Cuối cùng dì thở dài:
- Nó lớn rồi, cứ lúc nào cũng có người kè kè bên cạnh như ở nhà.... Với lại, nhà em lắm chuyện phức tạp, e không tiện.
- Người trong nhà có gì mà không tiện. Hơn nữa nó là một đứa ngoan ngoãn, chăm chỉ, chỉ tội hơi nhát.
- Nếu thế thì tuỳ chị. Em có nói ra sợ mọi người cho là thế này thế khác.
Nó đứng ngoài định ngăn mẹ nó. Song nó lại cứ đứng trơ trơ, mặc kệ cho người lớn muốn sắp đặt thế nào cũng được. Nó rụt rè phản đối liền bị mẹ nó lừ mắt. Thế là thôi.
Dì lấy chồng người Hà Nội. Dì sống chung với bố mẹ chồng. Vợ chồng dì ở tầng hai. Tầng hai có hai phòng một phòng khách và một phòng ngủ. Nó đành dọn chỗ gác xép phía trên cầu thang để ở tạm. Bao nhiêu đồ nghề của chú cùng với những dụng cụ vất vả của gia đình nó xếp tất cả vào một góc. Cũng chỉ còn chừa lại một khoảng trống đủ để trải một mảnh chiếu con để nằm. Thế cũng tốt chán, nó nghĩ. Dù sao thì cũng còn chỗ để dung thân một mình. Nó rất sợ phải sống chung phòng với người khác. Nó sợ mọi hành động, suy nghĩ của mình đều bị kiểm soát.
Dì nhắc nhở:
- Ăn ở phải gọn gàng, lịch sự và ý tứ đó nghe.
Nó cúi đầu:
- Dạ cháu hiểu!
Dì nói ngay:
- Không cần hứa mà phải thực hiện. Đó là nguyên tắc.
Ngay sáng đầu tiên nó đã bị dì cảnh cáo:
- Phan ơi! Dậy đi. Sao dậy muộn thế. Từ sáng sau không được quen thói như ở nhà thế đâu nhé.
Nó lồm cồm bò dậy, cố dụi mắt để thắng cơn buồn ngủ. Nó cũng không hiểu sao hôm qua đi từ nhà lên mệt thế mà dì vẫn dậy sớm được. Hình như dì phải dậy sớm trước mẹ chồng để mở cửa, cắm nước pha sữa cho cả nhà. Những công việc đó từ nay sẽ thuộc về nó. Lúc đầu nó làm vụng về và lúng túng. ở đây cái gì cũng khác ở nhà nó. Mọi người cũng ít nói với nhau hơn. Chỉ có dì thỉnh thoảng căn dặn:
- Mày làm sao đừng để mọi người nói động đến gì là được.
Nhiều lúc dì muốn tâm sự với nó điều gì đó song lại thôi. Dì ít quan tâm đến nó, và thường thở dài một mình. Càng ngày nó càng buồn bã và cô đơn. Nó hay nghĩ về nhà. Mẹ nó bảo: "Người Hà Nội sống lạnh lùng. Dì con cũng nhiễm phải đó thôi. Nhưng sống chung với gia đình người ta, con cũng phải ý thức để dì đỡ khổ tâm". Nó không hiểu "khổ tâm" thì khác "bận tâm" là mấy. Chỉ thấy người trong nhà này sống nhạt nhẽo và giả tạo. Những hôm dì đi làm về, gương mặt đang tươi tỉnh. Nhưng khi xuống xe, máy vừa tắt, nét mặt dì cũng hết vui ngay. Dì đi qua bếp lễ phép chào bà mẹ chồng rồi vội vã bước lên tầng. Chiếc xắc xinh đẹp của dì vất chỏng chơ giữa giường. Dì lại ngồi thừ ra ghế. Rất lâu như thế. Nếu chồng dì không về, dì sẽ không đứng lên lấy quần áo cho chồng tắm và thu dọn những thứ dì vừa bầy bộn ra phòng.
Một hôm dì hỏi nó (rất hiếm khi dì hỏi ý kiến nó):
- Sắp sinh nhật mẹ chồng. Không biết mùa cái gì được đây?
- Dì cũng mua một cái áo bông tứ thân may khéo như dì mua cho bà ngoại ấy - Nó nói.
- Ai lại tặng đồ ấy, người ta cười chết. Mình sẽ bị chê là quê. hay là mua một bộ áo dài nhung....
Dì bỏ lửng câu nói, cắn môi nghĩ ngợi.
- Thứ đó đắt tiền lắm - Nó dè dặt.
- Đắt với mình nhưng với người ta chẳng thấm gì.
Thế là dì tất tả đi mua bộ áo dài nhung bằng cả tháng lương của dì để làm quà mừng sinh nhật bà mẹ chồng. Bà nó ở nhà chưa bao giờ được con gái tặng một món quà như thế. Nó xa xỉ, lãng phí thế nào ấy. Trong khi bà mẹ chồng dì không thiếu những quần áo đắt tiền. Món quà mà dì phải cân nhắc mới đủ can đảm mua được chắc cũng không đủ làm bà cảm động.
Hàng tháng nó lĩnh tiền mẹ gửi lên. Nó giữ lại một nửa để ăn sáng và nộp học, một nửa đưa cho dì. Dì nhận tiền, không đếm, mở khoá tủ - cất tiền đi. Đương nhiên là như thế, dì không phải nói gì thêm. Nhưng nó lại thấy dì vô tâm, vô cảm. Không bao giờ nó nói ra điều ấy, dù bất kỳ với ai. Mọi người trong nhà này thật xa cách đối với nó, kể cả dì. Nó thường hay ngồi tỳ cằm lên khung ánh sáng sát trần nhà nghĩ ngợi lung tung về chuyện trên trời dưới bể, miễn là không nghĩ đến ngôi nhà nó đang sống. Nó chỉ còn biết vùi đầu vào bài vở. Nhưng cứ hễ học xong rồi, ngồi trước trang nhật ký là nó lại khóc dài. Nước mắt thi nhau rơi xuống ướt nhoè sách vở. Nó không dám viết thư về nhà sợ mẹ buồn.
Một lần, buồn quá, nó rủ bạn về nhà chơi. Hai đứa trèo lên chỗ ở của nó. Bạn nó bảo: "Cái xép của mày thật tồi tệ như chỗ bỏ đi". Nó chạnh nghĩ: Mình cũng là đồ bỏ đi cùng với những vật dụng phế thải xếp trong góc kia. Giá có ai trong nhà nói với nó một cách thân mật như đứa bạn đã nói, có lẽ nó bớt tủi thân hơn. Ngay hôm sau, dì cấm nó không được rước bạn về nhà vì bà mẹ chồng dì không muốn thế.
Một lúc nào đấy, nó tự hỏi: Tại sao dì lại chấp nhận một cuộc sống như thế. Như thế chẳng khác nào ở tù. Nhưng nó lại cười lớn: Ta ngốc thì có. Người ngoài nhìn vào hẳn sẽ bảo chẳng còn chỗ nào xứng đáng hơn thế nữa. Dì xinh đẹp thế cơ mà. Ai cũng bảo dì tốt số lấy được chồng người Hà Nội, bố mẹ chồng lại giàu có, dì cũng được nhờ.
Nhiều đêm nằm thức, nó nhớ về những ngày sống ở nhà. Nhớ mẹ nhiều hơn. Ngày còn bé mẹ kể cho nó câu chuyện về cây tầm gửi. Có chàng trai nọ chẳng may đưa chân vào cuộc sống đầy đủ về vật chất nhưng tù túng về tinh thần. Giàu sang nhưng mà mất tự do. Cứ ở mãi trong vòng luẩn quẩn đó, đến lúc héo dần héo mòn mà chết đi. Đến chết vẫn không thoát được kiếp sống tầm gửi. Gió lạnh thổi qua các lỗ ánh sáng, nó rùng mình ớn lạnh. ý nghĩ đó đi vào cả trong những cơn mộng mị của nó.
Hai tháng sau, khi sống một cuộc sống trọn vẹn ở trên cái gác xép đó nó đã ngấm dần những câu triết lý cao siêu và vớ vẩn nhất. Nó chợt nhận ra mình đã già đi rất nhiều, rất nhiều so với ở trong gương. Nó rụt rè nói với dì;
- Cháu sẽ ra ký túc xá ở.
- Bao giờ? - Dì thảng thốt (Nó không ngờ dì lại như thế).
- Ngay ngày mai - Nó nói dứt khoát.
- Phan đừng đi. Nếu Phan đi thì dì cũng đi - Nước mắt dì chảy dài trên gương mặt xinh đẹp. Nó trân trân đứng nhìn dì, tự dưng thấy dâng lên trong lòng niềm trắc ẩn sâu xa.
Nó đã đoán ra nhưng không tài nào hiểu nổi. Mọi sự bất ngờ quá. Tại sao trong cùng một lúc mọi cái bỗng vỡ oà.
Nó nhắc đến những chiếc ảnh cưới của dì. Dì bảo tự tay dì sẽ đốt nó đi vì thực tế nó không có nghĩa. Nó đâm ra nghi ngờ tất cả những ý tưởng như đinh đóng cột đã nằm sẵn trong tâm thức từ trước đến nay. Mọi cái đều chông chênh trắc trở và mong manh dễ vỡ quá. Đáng lẽ phải nói một cái gì khác thì nó lại nói:
- Dì nên ở lại là hơn. Còn cháu thì khác.
Dì nhìn nó rất lạ. ánh mắt vừa như cầu cứu, vừa như trách móc. Ngoài kia những cây bàng đã trút xong chiếc lá cuối cùng, còn trơ ra cánh tay gầy guộc cô đơn. Nó xách va-li đi xuống cầu thang. Bà mẹ chồng nở nụ cười đưa tiễn xã giao làm nó ớn lạnh. Nó thấy ân hận vì không để dì đưa tiễn ra cửa. Nếu có dì lúc này, nó sẽ nói khác.
Cánh cửa khép lại lạnh lùng sau lưng nó. Một luồng khí lạnh thổi qua mặt nó nhưng nó lại thấy khoan khoái, dễ chịu. Hai tháng rồi, chưa bao giờ... Nó đi, cố tránh giẫm lên những mắt lá màu đỏ ối.
Phí Thanh Giang
Tin nó đỗ vào đại học làm cả nhà mừng rơi nước mắt. Mẹ gọi điện cho dì ở Hà Nội về để đón nó lên nhập trường. Dì hình như không muốn về, chắc dì rất bận. Nhưng nể lời chị gái, nên cuối cùng dì cũng về. Khi xe dì vừa về đến cổng, mẹ nó chạy ra đón, dì nói ngay: "Cả tuần được ngày chủ nhật rỗi rãi thì phải tranh thủ về giải quyết chuyện gia đình. Đến là mệt". Mẹ nó làm mặt giận. "Tại sao vừa về đến nhà, chưa được câu hỏi thăm chị, dì đã nói cái giọng như thế". Nhưng chị em gái dễ huề nhau. Mẹ nó thường nói" "Thương nhau như chị em gái".
Dì mệt mỏi dắt xe vào nhà. Xong, dì ngồi thừ ra ghế. Cái xắc đeo để bên cạnh. Nó chưa bao giờ thấy cái xắc nào đẹp như cái xắc của gì. Dì thì dường như chẳng quan tâm đến sự có mặt của nó. Đứng ngẩn người ra một lúc sau câu chào dì lí nhí trong cổ mãi không thoát ra thành lời được, nó chờ đợi gì đáp lại. Dì vẫn tỏ ra không hay biết. Ngượng quá, nó ù té chạy xuống bếp giúp mẹ nấu nướng. Nó lo lắng hỏi mẹ: "Dì dạo này làm sao ấy?". Mẹ nó đang bận túi bụi làm thịt gà và các món ăn, ngẩng lên trả lời như một cái máy: "Dì mày từ nhỏ đến lớn vẫn thế, ai mà biết được. Thôi, giúp mẹ một tay đi. Nhanh lên nào". Bao nhiêu công phu chọn món ăn và bày đặt các kiểu, nó thấy giờ thành công toi. Giá dì đừng về thì hơn.
Một lúc thấy dì ra bể nước rửa chân tay. Mẹ nói vọng ra:
- Lấy nước nóng trong phích pha rửa cho đỡ lạnh.
Tiếng nước trong vòi xối vào chậu và tiếng dì phàn nàn:
- Nước ở nhà kém trong và kém sạch. Kiểu này đến phải đem quần áo lên Hà Nội giặt mất.
Rửa chân tay xong đi lên thẳng nhà, chẳng thèm ngó vào bếp xem mẹ nó làm cơm đến đâu rồi. Tự dưng nó thấy ác cảm. Cùng một mẹ sinh ra nhưng rõ ràng dì khác mẹ nó. Mẹ nó bao giờ cũng thân mật, cởi mở và hay giúp đỡ mọi người.
Lúc có mặt đông đủ mọi người, mẹ nó nói với dì:
- Tôi gọi dì về để bàn chuyện của cháu sắp lên Hà Nội học. Tôi muốn nó ở với dì để dì tiện bảo ban dạy dỗ khi thiếu mặt tôi. Vả lại ký túc xá trong trường điều kiện sinh hoạt không tốt, tôi sợ cháu không chịu được.
Dì nghe, nét mặt vô cảm. Cuối cùng dì thở dài:
- Nó lớn rồi, cứ lúc nào cũng có người kè kè bên cạnh như ở nhà.... Với lại, nhà em lắm chuyện phức tạp, e không tiện.
- Người trong nhà có gì mà không tiện. Hơn nữa nó là một đứa ngoan ngoãn, chăm chỉ, chỉ tội hơi nhát.
- Nếu thế thì tuỳ chị. Em có nói ra sợ mọi người cho là thế này thế khác.
Nó đứng ngoài định ngăn mẹ nó. Song nó lại cứ đứng trơ trơ, mặc kệ cho người lớn muốn sắp đặt thế nào cũng được. Nó rụt rè phản đối liền bị mẹ nó lừ mắt. Thế là thôi.
Dì lấy chồng người Hà Nội. Dì sống chung với bố mẹ chồng. Vợ chồng dì ở tầng hai. Tầng hai có hai phòng một phòng khách và một phòng ngủ. Nó đành dọn chỗ gác xép phía trên cầu thang để ở tạm. Bao nhiêu đồ nghề của chú cùng với những dụng cụ vất vả của gia đình nó xếp tất cả vào một góc. Cũng chỉ còn chừa lại một khoảng trống đủ để trải một mảnh chiếu con để nằm. Thế cũng tốt chán, nó nghĩ. Dù sao thì cũng còn chỗ để dung thân một mình. Nó rất sợ phải sống chung phòng với người khác. Nó sợ mọi hành động, suy nghĩ của mình đều bị kiểm soát.
Dì nhắc nhở:
- Ăn ở phải gọn gàng, lịch sự và ý tứ đó nghe.
Nó cúi đầu:
- Dạ cháu hiểu!
Dì nói ngay:
- Không cần hứa mà phải thực hiện. Đó là nguyên tắc.
Ngay sáng đầu tiên nó đã bị dì cảnh cáo:
- Phan ơi! Dậy đi. Sao dậy muộn thế. Từ sáng sau không được quen thói như ở nhà thế đâu nhé.
Nó lồm cồm bò dậy, cố dụi mắt để thắng cơn buồn ngủ. Nó cũng không hiểu sao hôm qua đi từ nhà lên mệt thế mà dì vẫn dậy sớm được. Hình như dì phải dậy sớm trước mẹ chồng để mở cửa, cắm nước pha sữa cho cả nhà. Những công việc đó từ nay sẽ thuộc về nó. Lúc đầu nó làm vụng về và lúng túng. ở đây cái gì cũng khác ở nhà nó. Mọi người cũng ít nói với nhau hơn. Chỉ có dì thỉnh thoảng căn dặn:
- Mày làm sao đừng để mọi người nói động đến gì là được.
Nhiều lúc dì muốn tâm sự với nó điều gì đó song lại thôi. Dì ít quan tâm đến nó, và thường thở dài một mình. Càng ngày nó càng buồn bã và cô đơn. Nó hay nghĩ về nhà. Mẹ nó bảo: "Người Hà Nội sống lạnh lùng. Dì con cũng nhiễm phải đó thôi. Nhưng sống chung với gia đình người ta, con cũng phải ý thức để dì đỡ khổ tâm". Nó không hiểu "khổ tâm" thì khác "bận tâm" là mấy. Chỉ thấy người trong nhà này sống nhạt nhẽo và giả tạo. Những hôm dì đi làm về, gương mặt đang tươi tỉnh. Nhưng khi xuống xe, máy vừa tắt, nét mặt dì cũng hết vui ngay. Dì đi qua bếp lễ phép chào bà mẹ chồng rồi vội vã bước lên tầng. Chiếc xắc xinh đẹp của dì vất chỏng chơ giữa giường. Dì lại ngồi thừ ra ghế. Rất lâu như thế. Nếu chồng dì không về, dì sẽ không đứng lên lấy quần áo cho chồng tắm và thu dọn những thứ dì vừa bầy bộn ra phòng.
Một hôm dì hỏi nó (rất hiếm khi dì hỏi ý kiến nó):
- Sắp sinh nhật mẹ chồng. Không biết mùa cái gì được đây?
- Dì cũng mua một cái áo bông tứ thân may khéo như dì mua cho bà ngoại ấy - Nó nói.
- Ai lại tặng đồ ấy, người ta cười chết. Mình sẽ bị chê là quê. hay là mua một bộ áo dài nhung....
Dì bỏ lửng câu nói, cắn môi nghĩ ngợi.
- Thứ đó đắt tiền lắm - Nó dè dặt.
- Đắt với mình nhưng với người ta chẳng thấm gì.
Thế là dì tất tả đi mua bộ áo dài nhung bằng cả tháng lương của dì để làm quà mừng sinh nhật bà mẹ chồng. Bà nó ở nhà chưa bao giờ được con gái tặng một món quà như thế. Nó xa xỉ, lãng phí thế nào ấy. Trong khi bà mẹ chồng dì không thiếu những quần áo đắt tiền. Món quà mà dì phải cân nhắc mới đủ can đảm mua được chắc cũng không đủ làm bà cảm động.
Hàng tháng nó lĩnh tiền mẹ gửi lên. Nó giữ lại một nửa để ăn sáng và nộp học, một nửa đưa cho dì. Dì nhận tiền, không đếm, mở khoá tủ - cất tiền đi. Đương nhiên là như thế, dì không phải nói gì thêm. Nhưng nó lại thấy dì vô tâm, vô cảm. Không bao giờ nó nói ra điều ấy, dù bất kỳ với ai. Mọi người trong nhà này thật xa cách đối với nó, kể cả dì. Nó thường hay ngồi tỳ cằm lên khung ánh sáng sát trần nhà nghĩ ngợi lung tung về chuyện trên trời dưới bể, miễn là không nghĩ đến ngôi nhà nó đang sống. Nó chỉ còn biết vùi đầu vào bài vở. Nhưng cứ hễ học xong rồi, ngồi trước trang nhật ký là nó lại khóc dài. Nước mắt thi nhau rơi xuống ướt nhoè sách vở. Nó không dám viết thư về nhà sợ mẹ buồn.
Một lần, buồn quá, nó rủ bạn về nhà chơi. Hai đứa trèo lên chỗ ở của nó. Bạn nó bảo: "Cái xép của mày thật tồi tệ như chỗ bỏ đi". Nó chạnh nghĩ: Mình cũng là đồ bỏ đi cùng với những vật dụng phế thải xếp trong góc kia. Giá có ai trong nhà nói với nó một cách thân mật như đứa bạn đã nói, có lẽ nó bớt tủi thân hơn. Ngay hôm sau, dì cấm nó không được rước bạn về nhà vì bà mẹ chồng dì không muốn thế.
Một lúc nào đấy, nó tự hỏi: Tại sao dì lại chấp nhận một cuộc sống như thế. Như thế chẳng khác nào ở tù. Nhưng nó lại cười lớn: Ta ngốc thì có. Người ngoài nhìn vào hẳn sẽ bảo chẳng còn chỗ nào xứng đáng hơn thế nữa. Dì xinh đẹp thế cơ mà. Ai cũng bảo dì tốt số lấy được chồng người Hà Nội, bố mẹ chồng lại giàu có, dì cũng được nhờ.
Nhiều đêm nằm thức, nó nhớ về những ngày sống ở nhà. Nhớ mẹ nhiều hơn. Ngày còn bé mẹ kể cho nó câu chuyện về cây tầm gửi. Có chàng trai nọ chẳng may đưa chân vào cuộc sống đầy đủ về vật chất nhưng tù túng về tinh thần. Giàu sang nhưng mà mất tự do. Cứ ở mãi trong vòng luẩn quẩn đó, đến lúc héo dần héo mòn mà chết đi. Đến chết vẫn không thoát được kiếp sống tầm gửi. Gió lạnh thổi qua các lỗ ánh sáng, nó rùng mình ớn lạnh. ý nghĩ đó đi vào cả trong những cơn mộng mị của nó.
Hai tháng sau, khi sống một cuộc sống trọn vẹn ở trên cái gác xép đó nó đã ngấm dần những câu triết lý cao siêu và vớ vẩn nhất. Nó chợt nhận ra mình đã già đi rất nhiều, rất nhiều so với ở trong gương. Nó rụt rè nói với dì;
- Cháu sẽ ra ký túc xá ở.
- Bao giờ? - Dì thảng thốt (Nó không ngờ dì lại như thế).
- Ngay ngày mai - Nó nói dứt khoát.
- Phan đừng đi. Nếu Phan đi thì dì cũng đi - Nước mắt dì chảy dài trên gương mặt xinh đẹp. Nó trân trân đứng nhìn dì, tự dưng thấy dâng lên trong lòng niềm trắc ẩn sâu xa.
Nó đã đoán ra nhưng không tài nào hiểu nổi. Mọi sự bất ngờ quá. Tại sao trong cùng một lúc mọi cái bỗng vỡ oà.
Nó nhắc đến những chiếc ảnh cưới của dì. Dì bảo tự tay dì sẽ đốt nó đi vì thực tế nó không có nghĩa. Nó đâm ra nghi ngờ tất cả những ý tưởng như đinh đóng cột đã nằm sẵn trong tâm thức từ trước đến nay. Mọi cái đều chông chênh trắc trở và mong manh dễ vỡ quá. Đáng lẽ phải nói một cái gì khác thì nó lại nói:
- Dì nên ở lại là hơn. Còn cháu thì khác.
Dì nhìn nó rất lạ. ánh mắt vừa như cầu cứu, vừa như trách móc. Ngoài kia những cây bàng đã trút xong chiếc lá cuối cùng, còn trơ ra cánh tay gầy guộc cô đơn. Nó xách va-li đi xuống cầu thang. Bà mẹ chồng nở nụ cười đưa tiễn xã giao làm nó ớn lạnh. Nó thấy ân hận vì không để dì đưa tiễn ra cửa. Nếu có dì lúc này, nó sẽ nói khác.
Cánh cửa khép lại lạnh lùng sau lưng nó. Một luồng khí lạnh thổi qua mặt nó nhưng nó lại thấy khoan khoái, dễ chịu. Hai tháng rồi, chưa bao giờ... Nó đi, cố tránh giẫm lên những mắt lá màu đỏ ối.
Phí Thanh Giang