Lá Thư Không Viết Hết
Tác giả: Phi Va
1.
Đêm dần về khuya, tiếng ngáy đều đều của bà vợ đã phát ra từ phía chiếc giường góc phòng, ông Hà nằm đầu bên này vẫn còn thao thức. Nỗi niềm ưu tư đang canh cánh trong lòng làm ông không sao chợp mắt được. Khẽ khàng ngồi dậy, ông lẳng lặng bước ra bàn, mở lá thư mà đã hai đêm rồi ông chưa viết xong. Những dòng chữ đậm nhạt nghiêng ngả trải ra trước mắt, hình như chúng cũng đang trăn trở cùng ông...
" Hà nội, ngày... tháng ....năm 2004.
....Con đừng giấu nữa, bố biết năm nay bên Ba Lan gần như không có mùa hè, hàng hoá thời vụ đánh sang ế ẩm không bán được, con đang sốt ruột lắm phải không ? Còn ở Hà nội, ở nhà ta thì ngược lại. Mùa hè này còn nóng hơn những năm trước. Trời nắng như đổ lửa, hầm hập toả hơi nóng suốt ngày. Thành phố giữa tháng bảy giống như một cái chảo rang. Nhiều tối, cả ba tầng gác nhà mình đều mở toang cửa sổ, quạt chạy vù vù khắp các phòng, cố xua đuổi đi cái không khí oi ả, ngột ngạt nhưng đâu có ăn thua gì... Con thấy đấy, khí hậu bức bối như vậy nhưng trong lòng bố mẹ giờ đây còn như thiêu như đốt, cực chẳng đã bố mới cầm cây bút để viết cho con lá thư về chuyện hệ trọng này...".
Tiếng mở then cổng sắt ken két, tiếng xe nổ máy chát chúa trong đêm khuya vắng, làm đứt dòng suy nghĩ của ông Hà khi vừa đặt bút viết tiếp... ông ngồi lặng lắng nghe từng tiếng động bên ngoài. Thằng cháu Hoài quý tử đang đưa mấy thằng bạn vào nhà, giờ đây chúng đang dòng con Ki lên thang gác, ông hình dung tới hình dáng của lũ “quỷ sứ" đang cố làm ra vẻ ý tứ nhẹ nhàng khi bước qua phòng ông bà, nhưng tiếng xích rủng roảng từ cổ con chó rê xuống sàn đá vẫn tạo nên âm thanh sắc lạnh đếùn ghê người, tiếng cười lúc xúc nén trong miệng vẫn bất ngờ bật ra ồn ã... Cơn giận lại bùng lên trong ông như miếng lửa táp vào bó rơm khô. Thằng bé thật quá quắt ! Ông Hà cúi đầu, cặp kính lão thõng xuống sống mũi như sắp muốn rơi...
Tiếng rên hấm hứ, hậm hực của con chó Ki bị xích đầu cầu thang nghe rõ mồn một, con vật có vẻ khó chịu, nó không hiểu vì sao mấy đêm nay lại bị cậu chủ xích tại đây... Ông Hà nhẫn nại cặm cụi viết tiếp: "... Bữa trước, mẹ con trở mình đau người, đêm không ngủ được, phần vì nóng, phần vì tiếng nhạc ầm ầm trên phòng thằng Hoài thỉnh thoảng dội xuống. Đã mấy tối liền, thật lạ lùng ! Bố không hiểu nổi nó và những thằng bạn chơi bời gì trong phòng, hai cái xe gắn máy vất chỏng chơ ngoài sân đến quá nửa đêm. Sốt ruột, bố cáu tiết đã định gọi thằng Hoài ra dạy bảo nhưng mẹ con lại gạt đi... Lúc chiều, thằng Hoài cột dây xích cổ con chó Ki vào đầu cầu thang, ngay lối lên căn phòng của nó rồi tuyên bố oang oang theo giọng “Sô lốc- Hôm“ (1) vừa như ra lệnh với chị bếp, vừa như nhắc khéo với cả ông bà đang nằm trong phòng: " Đừng ai đụng đến nó, hiện trường phải được giữ nguyên cho đến sáng mai ". Đêm khuya thanh vắng, con Ki chốc chốc lại sùng sục kéo lê xích sắt kêu ầm ĩ... Vậy đó, con thử nghĩ xem, mẹ con làm sao mà ngủ được... Thôi, bố không muốn kể tội nó nhiều, con không hiểu, chắc lại nghĩ ông bà khó tính chấp nê con trẻ. Đấy, bữa nay nữa, chúng nó lại tụ tập từ lúc nửa đêm...".
Con Ki co cái chân sau lên gãi cổ, chiếc xích sắt lại cành cạch đập vào cầu thang một hồi. Bà Hà nằm giường bên cựa mình trở giấc, cũng vừa lúc ông Hà bỏ cây bút đứng lên. Nghe tiếng thở dài của chồng, bà biết ông đang bực bội lắm. Đã mấy ngày nay, ông cháu chẳng nhìn mặt nhau. Thằng Hoài có mặt ở nhà lúc nào là nó chui vào phòng riêng trên tầng hai, mở máy lạnh hết cỡ. Tiếng nhạc đùng đùng dậm giật dội xuống chói tai mỗi khi nó mở cửa. Đến bữa, để tránh mặt ông, nó không ló mặt dưới phòng ăn, gọi qua đô-mô-phôn xuống nhà bảo chị bếp mang đồ ăn thức uống lên cho nó. Mới hôm kia thôi, nó kêu đói bụng, giục giã nhắng nhít làm chị bếp tất tả ngược xuôi. Ông Hà giận quá, thằng bé mới 15, 16 tuổi đầu đã xấc xược, hợm hĩnh, cái giọng ông chủ con không biết nó học từ đâu... Còn bà, hấp tấp xếp lên đĩa hai cái đùi gà vừa mới chặt xong rồi lựa giọng dàn hòa: " Cháu đang sợ ông, không muốn ngồi cùng mâm...Thôi, ông cứ kệ nó đi..." ông Hà nói như quát " Thì tôi đâu có muốn nhìn mặt nó chứ!". Đọan ông khẳng định như đinh đóng cột với chị bếp: " Nó có chân, xuống mà ăn. Nhất quyết không phải mang lên tận mồm như thế...". Thằng Hoài gào lên trong máy đô-mô-phôn khi biết lệnh của nó lần đầu tiên không được chị bếp thi hành: "Cái gì hả? Ông bảo thế à? Chị nghe ông ấy hay là chị nghe bố mẹ tôi? Ai trả tiền công cho chị...". Ông Hà sững người lao tới bên máy domofon lắp bắp: "Hả?... Thằng này... mày nói gì... láo!...láo!". Tiếng cúp máy lục cục khô khốc thay cho tiếng đáp lại. Mặt mày nhợt nhạt, ông xăm xăm rút cây phất trần trên nóc tủ áo định chạy lên gác, may mà bà và chị bếp vội vã ngăn được cơn nóng giận bừng bừng của ông, nếu không thì đâu biết chuyện gì sẽ xảy ra... Rõ khổ! Chuyện gì cũng có nguyên do của nó, ông ấy nghiêm khắc dạy bảo thằng bé cũng phải thôi. Nhưng tại sao, ngọn nguồn thế nào mà thằng bé mất nết như vậy chứ?
2.
Bà còn nhớ hồi nhỏ, thằng cháu Hoài của bà thông minh ngoan ngoãn lắm. Từ các lớp mẫu giáo qua trường tiểu học, mỗi lần tổng kết năm, nó đều làm cho bà mát mặt với tấm giấy khen, phần thưởng dành cho học sinh xuất sắc. Ấy vậy chỉ mới dăm năm nay, từ khi bố mẹ nó mải mê với những "công" (2) hàng quần áo, giày dép... đánh sang bên Đông Âu, từ khi bố mẹ nó giao hẳn thằng bé cho ông bà cai quản vì thật sự chúng quá bận rộn trong việc làm ăn. Thằng con trai bà, nay đang ở Việt Nam, thoắt cái đã sang Thái Lan, Trung Quốc. Mới bay qua Ba Lan tuần trước, vài ngày sau đã thấy nó từ Nga, Tiệp điện về. Còn đứa con dâu, tháng tháng nằm chực chờ ở Sài Gòn, kiếm tìm mẫu mã, đặt hàng gia công, đóng "công" xuất bến... Căn nhà nhỏ thân thương của ông bà từng sống yên ổn trong mấy chục năm đời công nhân viên, cán bộ nhà nước, chúng ngọt nhạt dỗ dành, đành phải thu xếp cho thuê để dời sang trông nom công việc trong ngôi nhà lớn bốn tầng của chúng. Nói có vẻ vậy, chứ có làm gì đâu, ngày ngày hai ông bà có mỗi việc coi báo, xem tivi, trông cháu, loanh quanh trong nhà. Bếp núc chợ búa đã có người làm thuê. Đầu tháng, cứ đúng ngày mùng hai, một người đàn ông mặt còn trẻ nhưng đầu đã bạc xuất hiện vội vã đưa bà năm triệu để chi tiêu. Mặt lạnh như xấp tiền, giọng nói miền Nam trọ trẹ, ông ta bắt bà ký nhận rồi lại hối hả biến đi. Thi thoảng, hai đứa gọi điện về, sấp sấp ngửa ngửa, câu được câu mất, lần nào cũng chỉ hỏi bố mẹ có thiếu tiền không? Thằng Hoài cần gì bố mẹ cứ mua sắm cho nó, đừng sợ tốn kém, mai mốt chúng con về...
Mai mốt... dăm bảy cái mai mốt ! Bà chẳng quên cái hồi đã lâu, lúc thằng Hoài mới 8 tuổi, không hiểu làm ăn trục trặc gì, bố thằng Hoài từ Ba Lan bắn tin về, nói bóng nói gió là có thể phải bán căn nhà lớn đi thêm vốn làm ăn, nếu ra cơ sự đó xin bố mẹ đừng giận khi lại trở về nhà cũ. Ôi dào! Nó chẳng cần úp mở, rào đón như thế ông bà cũng biết, việc làm ăn buôn bán có lúc này, lúc nọ... Chúng ăn nên làm ra, bà mừng cho đời chúng nó, chúng thất bát thua lỗ, bà lại thương chúng nó nhiều hơn. Mất hơn ngày trời, ông bà loay hoay, hì hụi xếp dọn tư trang đợi ngày trở về mái nhà xưa. Đùng một cái, con mẹ thằng Hoài từ Sài Gòn bay ra, mặt mũi tươi như hoa, nó xách hai túi đầy quà cáp đắt tiền biếu ông bà cùng một xâu chìa khóa mới cáu cạnh: "Bố mẹ không phải đi đâu hết, con gửi thêm bố căn nhà chúng con mới tậu bên Cầu Diễn... Thỉnh thoảng nhờ bố qua lại để mắt trông hộ...". Cô con dâu hớn hở ghé vào tai bà thì thầm: "Chúng con vừa trúng đậm hai "công" áo da của Hàn Quốc bên Nga, người ta trả lãi bằng căn nhà đấy mẹ ạ...". Vừa đưa cho ông xấp giấy tờ nhà xong thì đã có tiếng còi xe hơi bin bin trước cửa. "Nhà con dặn bố khỏi lo. Mươi bữa nửa tháng, đất đai được giá, mình bán liền. Thôi, con ra sân bay vào Sài Gòn đây, ngày mai xuất hai "công" sang Hăm-buốc, con phải có mặt...". Bà Hà không thể hiểu tại sao mọi việc diễn biến đảo lộn nhanh như vậy! Cô con dâu trước khi đi mới nhớ ra: "À quên, cháu Hoài đi học chưa về bà nhỉ? Con mua cho nó món đồ chơi điện tử "xịn" đây này. Ô tô cảnh sát có điều khiển tự động của Mỹ, giá hơn 1 vé đây. Vâng, hơn 100 đô đấy ông ạ... Bà hôn cháu hộ con nhe! Con đi đây...". Nhoáng nhoàng, ào ào như một cơn gió, tiếng động cơ chiếc ta-xi đưa cô con dâu đi xa dần. Ngôi nhà im lặng, bà Hà vẻ mặt rầu rầu lôi ra từ hai túi xách những lon hộp, gói quà bao bì sặc sỡ, ông Hà ngồi thừ ra ngắm nghía một cách vô định hộp đồ chơi đắt tiền, được mua với cái giá bằng hơn hai tháng lương hưu trí của ông... Cơn gió chiều đông thoắt ùa vào nhà, ông Hà bỗng thấy trong lòng trống trải như vừa mất mát điều gì. Tội nghiệp thằng bé! Sao nó không thể nán lại nhỉ, chỉ mươi phút nữa thôi thằng Hoài đi học về, mẹ con gặp nhau... Ông thẫn thờ không hiểu nổi? Chẳng lẽ, cái món đồ chơi xa xỉ của Mỹ này sẽ thay được vòng tay ôm ấp vỗ về của mẹ với con. Cả thằng Hoài cũng vậy, chẳng lẽ nó sẽ thôi khóc, thôi cần cái hôn của mẹ khi những bánh xe ôtô cảnh sát bắt đầu lăn, đèn chớp hú còi theo sự điều khiển của nó trên chiếc rơ-mốt điện tử... Mai mốt con về! Mai mốt để rồi cứ vậy sao?
3.
Ông Hà giận thằng Hoài đấy, nhưng trong thâm tâm, ông thương nó hơn ai hết. Bố nó mải mê làm ăn ở mãi phương trời có nước Ba Lan xa tít mù khơi. Bẩy tám năm nay có mấy khi trở về ở với con được lấy một tháng đâu. Đứa đóng chốt tại Ba Lan, đứa chực chờ đất Sài Gòn, mang tiếng chồng vợ nhưng dễ có đến dăm năm rồi mỗi đứa một phương. Thời ông, gia đình ly tán vì khó khăn của đất nước chiến tranh là lẽ thường tình. Bây giờ mọi thứ đầy đủ, dễ dàng, bình yên, tại sao chúng nó cứ muốn xa nhau. Vợ vắng chồng, con rời cha mẹ đằng đẵng hàng năm trời, chúng vin vào cái việc làm ăn để gần như quên thằng con, lấy cớ kiếm đồng tiền để đùn đẩy núm ruột cho ông bà nuôi từ khi vài ba tuổi. Không, đã gọi là gia đình thì không thể chấp nhận một sự xa vắng vô lý như thế, đã là đạo phu thê chồng vợ không thể chấp nhận một cuộc tình "nước chảy, bèo trôi". Chúng kiếm ra nhiều tiền, sắm thêm bao của nả để mà làm gì, khi mà nghĩa tình với nhau ngày càng nhẹ tênh, hời hợt. ông Hà linh cảm một điều gì đấy sẽ xảy ra, không sớm thì muộn trong cuộc sống riêng của gia đình đứa con trai mình. Điều ông lo lắng như nước sông mùa lũ ngày càng dâng cao khi một lần ông vô tình gặp bà Xuân "béo". Hồi đó, bà bán quán cà phê đầu ngõ, ngay gần lối rẽ vào căn hộ tập thể nhà ông. Đã lâu mới gặp, bà ấy cất tiếng cười hé hé, giọng khàn khàn khoe ngay là vừa gặp bố mẹ thằng Hoài ở sân bay Nội Bài, ông Hà ngạc nhiên nhưng vẫn ra vẻ hỏi cho ra nhẽ...
- ...Các cháu đi đã lâu, ít khi về mà bà vẫn nhớ...
- Ôi chao, làm sao em quên được. Cô ấy bây giờ béo đẹp phây phây ông nhỉ, làm ăn ở Sài Gòn chắc phát tài lắm! Chỉ có anh ấy là đổi khác nhiều, nom hơi già đi, mặt còn trẻ nhưng tóc sao đã bạc nhanh thế?
Ông Hà gật gù vỡ lẽ. Bà ấy nhầm với cái người đàn ông đang cộng tác làm ăn với chúng nó, ông toan định đi thì bà Xuân níu lại, giọng hạ xuống: - Anh con trai ông sống bên đó quá nhiều chả trách điệu bộ cứ như tây. Hé, hé!... anh chị khoác vai, cầm tay nhau tình tứ trước bao nhiêu người cứ như trên phim tây ấy... Hé, hé!
- Bà nói là nhìn thấy vợ chồng chúng nó?- Mặt ông sa sẩm.
- Vâng, trong phòng chờ ở sân bay hôm rằm vừa rồi... Em đứng cách đó dăm mét mà họ đâu có nhìn thấy!... Thôi, chào ông nhé! Hé, hé!...
Đôi tai ông Hà ù đi nhưng vẫn còn nghe rõ tiếng cười nửa như khiêu khích, nửa như chế nhạo của bà Xuân... Trấn tĩnh lại, ông lẩm nhẩm bấm đốt ngón tay, mẹ thằng Hoài bay vào Sài Gòn bữa thứ hai, được 3 ngày, nay 18 ta. Đúng là hôm rằm thật!... Chẳng lẽ nó lại tệ thế, lòng dạ đàn bà... Thôi được, chuyện này để đó, cũng cần xem lại đã, nhưng nếu là thật ông cũng không lo bằng chuyện thằng Hoài, thằng cháu nội đích tôn của ông...
4.
Thằng bé khôn lớn dần. Vào đến cấp 2, sức học của nó gần như chững lại mặc dù có đến ba ông thày dạy Toán, dạy Văn, Ngọai ngữ kèm cặp phụ đạo thêm, dù trong tủ của nó chất đầy những bộ đồ chơi Lego, đĩa game đắt tiền để mở mang trí não, khơi dậy óc thông minh con trẻ... Nhưng rồi dù sức học có đuối, trầy trật trong cuộc thi cuối cấp, thằng Hoài cũng vẫn vào được lớp 10. Nghe tin, bố nó từ Warszawa gọi điện hứa sẽ về nước mua thưởng một chiếc Wawe đời mới, mẹ nó từ Sài gòn cũng "phôn" ra hẹn sẽ về nhà mua cho nó chiếc máy ảnh kỹ thuật số hiệu Canon... Nó mừng quýnh, không biết có phải vì những món quà thưởng mà nó ao ước hay chính là nó sắp lại được gặp bố mẹ nó sau gần nửa năm trời xa vắng. Không đầy hai ngày sau, trong khi ông bà Hà đi viếng đám tang một người quen cũ, đúng lúc thằng Hoài đang ở nhà một mình thì gã đàn ông có khuôn mặt trẻ và mái tóc bạc xuất hiện trước cổng. Không một nụ cười, gã ta lặng lẽ bắt thằng Hoài ký nhận hai món quà đắt tiền của bố mẹ nó...
- Bố mẹ cháu không về được hả chú? - Trên tay cầm hộp máy ảnh mới toanh, đứng cạnh chiếc xe gắn máy bóng lộn, thân hình thằng Hoài trở nên bé nhỏ, mỏng mảnh hẳn đi. Nó không lộ vẻ vui mừng nhưng cũng chẳng thấy nỗi buồn nào hiện lên trên gương mặt nó. Miệng hỏi, mắt nó hiêng hiếng nhìn chiếc xe máy có màu sơn cánh chả rực rỡ.
- Không biết. Ký vào đây ! Gã đàn ông giở tờ giấy gấp tư rút từ trong túi áo ngực...
- Chú có thể đợi ông bà cháu về...
- Khỏi cần. Cứ ký là đã nhận đủ 2 món đồ, mẹ mầy dặn vậy. Nhanh lên! Thằng Hoài vội vã mắm môi ký rất nhanh vào tờ giấy đặt trên yên xe, nó cảm thấy sợ sợ khi bắt gặp ánh mắt nhìn sắc như dao của gã đàn ông.
- Dầu mỡ đủ, xài được rồi đó nghe mầy! Còn đây nữa, đăng ký chủ quyền, giấy bảo hiểm, chìa khoá công tắc. Ngon lành nhá cha nội! - Gã đàn ông vỗ vỗ vào ghi-đông xe rồi dúi xấp giấy tờ, chìa khoá vào tay thằng Hà, gã nhếch mép cười nhạt: Xả láng đi! Khỏi cần biết chi cho mệt ... - Gã hất hàm cười khẩy, véo nhẹ vào mũi thằng bé một cái, rồi quay người biến nhanh khỏi cổng.
Thằng Hoài bần thần mở máy chiếc xe, bấm “đề”, vặn tay ga. Tiếng nổ ròn rã vang lên cùng với ánh sáng nhấp nháy của bộ đèn xi-nhan làm thằng Hoài khoái chí. Có lẽ từ lúc ấy nó nhận ra một điều hay hay mà gã đàn ông vừa truyền lại. “Xả láng đi ! khỏi cần biết chi cho mệt ...”
5.
Không biết thằng Hoài trở thành người lớn từ lúc nào, tự dưng thấy nó thay đổi hẳn tính tình. Nó trở nên lầm lì ít nói, bề trễ trong mọi sinh hoạt từ nhà cho tới cả lớp học. Ngược lại nó tỏ ra một tay chơi có hạng trong việc đàn đúm với lũ bạn con nhà giàu có. Mới chỉ không đầy 2 năm, nó đã thay ba đời xe. Bây giờ nó không còn chạy chiếc Wawe lèng èng nữa, mẹ nó đã đổi cho nó một "con" FX 125, ”bô” vắt ngược như súng phun lửa. Tối tối nó nhảy lên cưỡi, rạp người phóng như bay, chỉ một loáng là đủ cho lũ bạn chạy đằng sau ăn khói... Khoái đua xe, mê làm yêng hùng xa lộ nhưng đồng thời nó còn thích ra vẻ quân tử tàu, tay anh chị hào phóng. Dù thắng hay thua, nó cũng là người tranh chấp ngôi vị chủ xướng cho những cuộc ăn nhậu tới hai ba giờ đêm. Đối với nó giờ đây không có gì hấp dẫn bằng được khám phá, chiếm lĩnh mọi thứ tân kỳ nhất trong các cửa hàng bán thời trang, điện thoại di động, đồ điện tử, xe gắn máy...Nó thuộc làu làu những model số hiệu, những công năng, tính dụng, giá tiền của từng món hàng trong ngăn tủ kính của các siêu thị điện máy, các salon xe pháo có tiếng của Hà thành. Nó nhớ từng ngóc nghách, ngõ hẻm địa chỉ những nơi ăn chơi kỳ thú đặc biệt của các quý tử con cái những đại gia có máu mặt đang ăn nên làm ra. Thằng Hoài đang hành động rất hiệu quả lời nói kích động của gã đàn ông đầu bạc hồi nào: “Xả láng đi ! Xả láng đi! Khỏi cần biết chi cho mệt...”. Không những vậy, giờ đây gã đàn ông có đôi mắt sắc như dao ấy đã trở thành “thần tài” của nó. Mỗi tháng vào ngày mùng hai thường lệ, gã đến đưa tiền cho ông bà Hà xong, y như rằng gã lại đảo mắt ra hiệu cho nó. Một lát sau, đưa tiễn gã ra cổng, thằng Hoài bao giờ cũng nhận được “quà” của mẹ. Tùy theo yêu cầu thay đổi những sở thích của nó nhưng món quà tiêu vặt ít nhất là cũng phải vài ba tờ trăm đô Mỹ mới coóng trong bao thư.
Mới năm rồi, thằng bố về được dăm bẩy bữa, tối ngày ngồi lì “meo, chat“ (3) trước máy vi tính, rồi chuông điện thọai nhí nhách réo gọi chẳng đếm xỉa giờ giấc. Mẹ nó trong Sài Gòn ra, va-li đầy chặt hàng mẫu, quà cáp. Hai vợ chồng gặp nhau được nửa ngày, chẳng kịp chơi bời hỏi han gì với đứa con, chúng bù đầu tính tính toán toán, biên biên chép chép rồi bất ngờ to tiếng cãi vã nhau trong phòng. Thằng Hoài như quá quen với cảnh này, nó mặc kệ tiếng quát tháo của bố, tiếng hò hét của mẹ, nó lảng ra ngồi đầu cầu thang chơi với con Ki, nghịch ngợm lấy chiếc khăn quàng hoa của chị bếp bịt vào đầu con chó rồi quấn quanh cổ như chiếc dây thòng lọng, đoạn nó cầm chiếc máy ảnh Canon kỹ thuật số ngó ngoáy chụp cho con chó Ki hết kiểu này tới kiểu khác. Nó khoái lắm, lát nữa nó có thể nối dây từ chiếc Canon này vào máy vi tính, nó sẽ ngắm trên màn hình tác phẩm của nó sáng tạo về một gã găng-xtơ mặt chó vừa ngộ nghĩnh, vừa dễ ghét...
Cùng lúc ấy ở trong phòng trên, bố mẹ thằng Hoài vừa chấm dứt xong cuộc tranh cãi về tiền bạc. Những con số giải trình hợp lý cuối cùng đã phá tan sự nghi ngờ giận dữ mới xảy ra trước đó. Cả hai đều lại thấy vừa lòng. Họ lại ngồi bên nhau nhỏ nhẹ dự tính một vụ “interes“ (4) mới, khả năng "thắng đậm" ngoài trăm vé là cái chắc, nếu như có sự phối hợp nhịp nhàng ở cả hai đầu. Anh chị vui vẻ phân công môi trường mình trấn giữ. Đâu vẫn đó, đồng nghĩa với việc cùng chấp nhận hay cố ý quên đi mảnh đời riêng vui thú đang lôi cuốn mỗi người. Anh thì đã quá quen thuộc với nhịp sống phong sương nơi xứ lạnh, bên cạnh có cô thư ký người bản xứ da dẻ mịn màng, lúc nào cũng rừng rực sức xuân. Chị thì lại thích cái nắng vàng rực rỡ trời Nam với người đàn ông vừa trè vừa già, vừa biết chiều, dễ sai bảo. Hai phương trời tuy xa xôi cách biệt, nhưng giữa thời đại Internet, thám tử tư, kỹ thuật số... đang bùng nổ tháng ngày, họ quá hiểu về nhau. Ván bài đã lật ngửa, nhưng ai cũng muốn nó nằm trong bóng tối. Thôi thì cứ tảng lờ đi, coi như không biết nghe ra có lợi cả đôi bên. Cho nên tờ đơn ly dị viết ra sau một cơn ghen tuông hồi nào, nay vẫn bỏ xó nằm trong góc tủ. Nói cho ngay, họ vẫn cảm thấy cần nhau hợp tác trong các phi vụ làm ăn. Chuyện nào ra chuyện đó, vợ chồng ăn ở ngần ấy năm trời, ái tình dẫu cạn kiệt nhưng chuyện tiền bạc phân minh, sòng phẳng vẫn còn hơn tin vào người dưng thiên hạ. Rồi nữa, “lọt sàng, xuống nia“ đi đâu mà thiệt, bao nhiêu của ăn của để vẫn còn đó, rồi còn “cục cưng" thằng Hoài mỗi ngày một lớn, mà xem ra nó cũng biết ăn chơi thừa hưởng lắm chứ...
Ngay đêm đó, anh chồng lại bay sang Ba Lan. Còn chị vợ, sớm hôm sau cũng vù vào Sài gòn. Thằng Hoài chẳng hay biết gì, nó còn đang ngủ vùi trong căn phòng có tiếng máy lạnh chạy suốt đêm. Cuộc sống của thằng bé không có gì thay đổi lớn. Nó vẫn làm chủ cả tầng gác hai, vẫn coi con chó Ki làm vệ sĩ, vẫn thích đọc truyện trinh thám gián điệp, vẫn thích hát bài “Đời tôi cô đơn như ai kia đã cô đơn...”, cuối tháng vẫn đều đều nhận "quà" của bố mẹ... Chỉ có một điều thay đổi chắc chắn, cuối tháng này nó sẽ không phải chạy "con" Su FX nữa, nó sẽ có "con" Astila màu bạch kim. Bố nó đã OK, mẹ nó cũng thoả thuận rồi, chú "thần tài" của nó sẽ lại tới...
6.
... Lần thứ hai trong đêm, vào khoảng 4 giờ sáng, ông Hà lại tỉnh giấc. Bức thư viết dở đang còn nằm trên bàn nhắc ông rời khỏi chiếc giường nệm mềm mại. Ông nhổm dậy rồi ra mở cửa hành lang. Không gian tĩnh lặng yên ắng. Quái lạ, mấy đứa bạn thằng Hoài bữa nay ngủ lại không về, cả con Ki nữa cũng im thít. Ông quay vào, bỗng chợt nhận ra bà vợ hai tay ôm đầu, ngồi thu lu trên giường. Ngọn đèn nhỏ để thường trực ban đêm trong phòng soi rõ khuôn mặt bà hốc hác, mệt mỏi. Thì ra bà ấy đã thức dậy từ lâu. Thấy ông vào, bà vẫy tay rồi thầm thì nói qua hơi thở: "Ông thử lên xem thằng Hoài và mấy đứa bạn thế nào? Sao tôi thấy nóng ruột quá...". Ông giật mình ngạc nhiên: "Bà nói vậy, nghĩa là làm sao?". Bà Hà cố trấn tĩnh giây lát. Lúc này, ông mới để ý thấy đôi mắt bà vợ đẫm nước, giọng bà hổn hển: "Nguy rồi ông ơi! Ông có ngửi thấy mùi gì không?... Trời ơi! Khổ thân cháu tôi...". Ông Hà cảm thấy như có luồng điện chạy qua người, thật sự ông chưa hiểu điều gì xảy ra, nhưng nhìn bộ mặt cùng giọng nói thiểu não của bà vợ, ông giật mình quay lại đi nhanh về phía cầu thang. Con chó Ki nằm ngủ phơi cái bụng trắng nhởn, nó chẳng hay biết gì khi ông Hà bước lên thang rồi đi ngang qua nó. ông đứng trước căn phòng thằng cháu. Im lặng, không một tiếng động, chỉ ngửi thấy mùi thơm ngai ngái hăng hắc xông ra từ khe cửa khép hờ. ông Hà bước vào. Ánh sáng nhợt nhạt từ màn hình chiếc ti-vi đã hết chương trình soi rõ ba thằng "quỷ sứ ". Chúng nằm lăn lóc, đứa dựa ghế sô-pha, đứa dưới nệm, đứa trên giường. Chúng ngủ mê mệt như chết... Chợt ông Hà nhìn thấy một cây nến đang leo lét ngọn lửa ở đoạn cuối, cạnh đó vương vãi mấy mảnh giấy bạc to bằng bàn tay, mấy điếu thuốc lá xé nham nhở và vài túi nilon nhỏ đã rỗng ruột... Ông Hà nhặt một cái túi còn dính chút bột trăng trắng đưa lên mũi ngửi. Ôi! Đồ trời đánh! Mặt ông nóng ran... Hóa ra chúng nó tụ tập mấy đêm nay là để hút hít, để “phê“ với thứ bột ma quỷ này... Thảo nào bà ấy! Ông nghiến răng, bặm môi chua xót: Hoài ơi Hoài! Sao cháu dại thế? Cháu giết ông bà rồi!... Cơn giận dữ từ đâu lại bừng bừng kéo tới. ông Hà xăm xắm chạy xuống nhà lấy cây roi mây trên nóc tủ, miệng lẩm nhẩm điều gì không rõ. Giây lát sau, ông bắt đầu gầm lên một cách tuyệt vọng cái tên thằng cháu quý tử, cũng là lúc tiếng chị bếp từ trong phòng ông vọng ra hớt hải, thất thanh:
- Ông ơi... bà... ng...ấ...t... rồi...!
Ông Hà ôm đầu kêu trời, quẳng chíếc roi rồi lao vào phòng. Trên giường, chị bếp đang rối rít giật tóc, xoa dầu đánh gió cho bà Hà đang nằm bất động, bộ mặt xanh như tàu lá...
Con Ki đã tỉnh, có lẽ nó không được hít thứ bột trắng tai hoạ ấy nên thức dậy sớm. Thấy dưới nhà ồn ào, nó khịt khịt mũi, cái đuôi vẫy vẫy ngoe nguẩy tỏ ra mừng rỡ... Căn phòng cậu chủ nó vẫn im ắng, ánh sáng nhờ nhờ hắt ra ngoài một màu trắng đục...
Hà Nội - Warszawa, 02.2005
P.V
Chú thích :
1. Nhân vật nổi tiếng trong các truyện trinh thám của Anh.
2. Container
3. Emaill , Chat
4. Việc làm ăn có lợi nhuận.