watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Yêu Muộn - tác giả Quang Khánh Quang Khánh

Yêu Muộn

Tác giả: Quang Khánh

Lau xong khuôn mặt đẫm mồ hôi, nhìn thấy người chủ quán đang lúi húi sau tủ hàng, tôi liền cất tiếng gọi:
- Cho cốc nước chanh ông chủ ơi!
- Vâng! Có ngay đây ạ!
Nghe tôi gọi, người đàn ông vội vã quay ra, trên miệng đon đả một nụ cười tiếp thị. Vừa nhìn thấy ông ta tôi chợt sững người khi nhận ra một khuôn mặt hết sức quen thuộc. Bộ nhớ của tôi lập tức được đánh động, và chỉ một giây sau tôi đã bật kêu lên:
- Thủ trưởng... Thủ trưởng Sinh!
Ông chủ quán cũng ngớ người khi thấy tôi gọi ông như vậy. Trên miệng vẫn thường trực nụ cười đón khách, nhưng khuôn mặt ông thì ngẩn ra, còn cặp mắt đầy vẻ thảng thốt, ngạc nhiên. Lâu hơn tôi một chút nhưng rồi ông ta cũng à ra:
- A! Cậu là Quang? Quang tuyên huấn phải không?
Thế là chúng tôi đã nhận ra nhau. Mặc dù vẫn còn vô vàn những thắc mắc trong đầu nhưng chúng tôi cũng cứ túm lấy nhau mà lắc. Sau một hồi, tôi chợt nhớ ra rằng quê nhà ông Sinh ở một nơi nào đó tít tận miền xuôi chứ đâu phải cái xóm phố heo hút này. Dè dặt và thận trọng, tôi ngập ngừng hỏi:
- Nhà Thủ trưởng ở đây ạ?
- ừ, nhà tớ đấy! Nhà lão Sinh bán quán chứ thủ trưởng thủ phó gì! Hà... hà... Tớ bị kỷ luật cách chức về vườn lâu rồi, cậu không biết sao?
Chuyện ông Sinh bị kỷ luật tôi có được nghe phong thanh. Một dạo, cánh trợ lý trung đoàn kháo nhau um lên rằng ông Sinh cậy thế chỉ huy quân đội, hành hung cán bộ Nhà nước, bị kỷ luật nặng lắm. Những tay trước đây vẫn thường hậm hực với ông Sinh thì hể hả: "Thế mới đáng đời lão ta! Hách cho lắm vào!".
Ông Sinh trước đây là trung đoàn trưởng trung đoàn tôi. Ngày ấy tôi vừa mới nhập ngũ. Sau huấn luyện, vốn sẵn có tí "máu me" văn nghệ nên tôi được điều về giúp việc cho ban tuyên huấn. Mặc dù chưa được tiếp xúc với trung đoàn trưởng lần nào, nhưng những giai thoại về ông thì tôi được cánh lính cũ kể cho nghe khá nhiều. Cứ theo những giai thoại ấy thì ông Sinh là một vị chỉ huy quân sự giỏi, nhưng "hắc lắm" và có cái tính mê gái.
Chuyện chỉ huy chiến đấu giỏi hay không thì phải là những tay có thâm niên trận mạc mới biết được, chứ một lính mới tò te như tôi nghe kể đâu biết đó thôi. Riêng cái khoản "hắc sì dầu" với cái tính mê gái thì có thể thấy rõ! Những ngày ấy ông Sinh thường ngồi trên một chiếc xe tải GAZ 66, cùng một tổ vệ binh đi kiểm tra khắp địa bàn đóng quân. Những tay lính vi phạm kỷ luật ông bắt được lập tức ăn bạt tai rồi tống lên xe đa về sở chỉ huy đào hào, vác đá và nhận những hình phạt khá khắc nghiệt. Những sĩ quan cấp dưới cũng kiềng ông một phép. Khổ nhất là mấy vị chủ nhiệm già, quen tính lề xề lệt xệt, buổi giao ban nào cũng bị ông Sinh quạt cho tơi bời! Trong số ấy có những vị tỏ ra hậm hực ghê lắm. Chả gì thì tuổi đời, tuổi quân họ cũng hơn ông ta nhiều. Hậm hực nhưng không làm gì được, họ tìm cách nói xấu ông. Một trong những cái cớ để họ có thể xoáy vào mà đá ông là cái chuyện quan hệ trai gái!
Đường đường chính chính ông Sinh đã có vợ với hai đứa con gái lớn tướng sống ở Thủ đô hẳn hoi, cuộc sống khá giả chứ không đến nỗi nào. Vậy mà ông còn thì thụt đi lại với một cô giáo trẻ kém ông gần hai chục tuổi. Người ta kháo nhau rồi bàn tán, rồi thêm đủ thứ dấm ớt vào xung quanh mối quan hệ của hai người. Những lời đồn đại ấy cứ như ngọn gió, càng thổi đi xa càng phềnh phàng, càng lắt léo, đến mức rồi chỉ huy cấp trên cũng phải để ý đến!
Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với ông Sinh là lần ông dẫn cô gái kia đến yêu cầu tôi dạy cô ta một bài hát mà tôi đã thuộc. Tôi len lét nhận lời, trong lòng vẫn cảm thấy có cái gì đó sường sượng. Cô gái kia tên Khanh. Đó là một người con gái khá xinh đẹp, da trắng, mắt đen, tóc dài. Dáng hình của cô ta có thể làm đắm đuối bất cứ một chàng trai trẻ nào, chứ chả nói gì đến ông Sinh. "Ngữ này không mê mẩn vì tiền tài danh vọng thì cũng lợi dụng để kiếm chác chứ yêu đương gì!". Tôi thầm nghĩ về cô nàng như thế. Sau lần ấy, ông Sinh còn dẫn Khanh đến vài bận nữa, nhờ tôi giúp cho những việc đại loại tương tự. Lần nào cũng suôn sẻ cả. Có lẽ nhờ thế nên ông Sinh gần gũi, dễ dãi và tin tưởng tôi hơn. Có lần ông còn nhờ tôi chuyển cả gói quà với một lá thư cho cô nàng kia. Còn đối với Khanh, tôi đương nhiên trở thành một người quen, thậm chí còn là một người bạn nữa!
Đùng một cái ông Sinh nhận quyết định điều đi chỉ huy một đơn vị khác cách xa trung đoàn tôi đến mấy trăm cây số. Ngày ấy giao thông liên lạc còn khó khăn lắm. Đơn vị mới nơi ông Sinh về nhận nhiệm vụ lại gần ngay Hà Nội. Cái mối tình thì thụt giữa ông Sinh với Khanh chẳng còn cơ mà tiếp diễn. Mọi người đều cho rằng mối quan hệ trớ trêu kia đã hoàn toàn chấm dứt từ ngày ấy. Lại còn có người nói rằng đó chính là ý đồ của cấp trên nhằm tránh cho ông Sinh khỏi sa vào con đường mê muội. Tôi cũng cho rằng sự đời có thế mới là phải nhẽ!
Từ ngày ông Sinh đi khỏi trung đoàn, tôi không gặp lại ông lần nào nữa. Tính ra đã mười bảy năm lẻ mấy tháng rồi. Mười bảy năm với đủ lo toan bận rộn, loay hoay với cuộc mu sinh khiến chúng tôi chẳng còn tâm trí nào mà nghĩ về nhau nữa. Bây giờ gặp lại tôi thấy ông Sinh cũng chẳng khác xa nhiều lắm. Cái dáng vẫn thế, nhanh nhẹn và thanh thoát. Mái tóc vẫn thế: thưa thớt nhưng xoăn tít và đen nhánh. Giá như còn ở trong quân đội, có thể ông Sinh đã trở thành một ông tướng quyền uy rồi. Vụ kỷ luật tai tiếng kia đã khiến cuộc đời ông rẽ ngoặt, để hôm nay tôi gặp lại một ông Sinh bán quán! Tôi cứ nghĩ chuyện ấy sẽ làm ông đau đớn lắm, nên dù tò mò mấy cũng chẳng dám hỏi. Vậy mà ông lại hề hà nhắc lại vụ kỷ luật kia cứ như nói về chuyện của kẻ khác vậy! Tôi còn ngỡ ngàng cha kịp nói gì thì ông đã thu xếp ngay:
- Cậu ngồi đây, tớ chạy đi kiếm chút gì về lai rai cho vui. Lâu quá chưa gặp nhau rồi...
- ấy chết, xin phép anh, em đang có việc, chỉ ngồi uống nước một lát rồi phải đi ngay!
- Tiếc quá nhỉ? - Ông Sinh ngẩn người một thoáng rồi bảo tôi - Thôi được! Tớ chẳng dám giữ, nhưng vội gì cũng phải ngồi với nhau một lúc, hỏi han nhau vài câu đã chứ!
Nói xong ông mở ngay tủ lạnh lôi ra hai chai bia, bật nút rồi rót ra hai chiếc cốc lớn:
- Nào, "cạch" với tớ một cái! Tớ kém khoản này lắm, nhưng hôm nay vui, trăm phần trăm nhá!
Ông Sinh nói thật lòng. Trớc đây tôi chưa thấy ông uống bia hay rượu bao giờ, kể cả khi tiếp khách. Bây giờ ông dám "ực" một hơi hết cốc bia to thế kia quả là chuyện lạ. Vừa đặt cốc xuống mặt bàn, hơi bia đã bốc khiến cặp mắt ông trở nên long lanh, vệt da nơi cổ nhanh chóng chuyển mầu ửng đỏ. Bốc một vốc lạc rang bỏ vào cái đĩa đưa mời tôi rồi ông Sinh hỏi:
- Thế cậu không biết tớ bị kỷ luật thật à?
- Dạ, em có nghe phong thanh nhưng chẳng rõ thực hư như thế nào.
- Có lẽ chẳng ai biết được đâu! Trừ tớ với cái thằng bị tớ nện cho một trận ấy.
- Thế là anh bị kỷ luật oan à? - Tôi tròn mắt.
- Oan gì mà oan! Một sĩ quan như tớ đi đánh người mà chưa phải ra tòa là còn được chiếu cố đấy!
- Chắc là thằng kia phải thế nào thì anh mới nện chứ?
Đang có sẵn hơi bia lại thấy ông Sinh ra chiều cởi mở, tôi mạnh dạn thỏa trí tò mò.
- Câu chuyện của tớ nó lê thê lắm, mà cậu thì đang vội. Để lần khác tớ kể cậu nghe nhá?
- Dạ... em có thể...
Tôi bối rối bởi lời từ chối vừa nãy giờ đây đã trở thành vật cản cho ý định tò mò của tôi.
- Cậu bỏ bễ công việc rồi "ăn đòn" thì chẳng bõ đâu!
Ông Sinh chân thành cảnh báo tôi, nhưng cái ý nghĩ háo hức muốn biết sự thật một vụ việc đã có quá nhiều lời đồn đại khiến tôi mạnh dạn gạ gẫm:
- Dạ! Em có thể thu xếp công việc lui lại đến mai.
- Rồi cảm thấy lý do đưa ra chưa đủ sức thuyết phục, tôi thêm:
- Với lại sếp của em không hắc như anh đâu!
- Hà... hà... Như thế là cậu vẫn còn quan tâm đến chuyện của bọn tớ, đúng không? Thôi được! "Cạch" cái đã...Sau một phút đắn đo rồi ông Sinh cũng thỏa hiệp với tôi ông quay vào nhà bấm điện thoại "a lô" đi đâu đó một lúc, khi quay ra ông vỗ vai tôi và bảo:
- Mình vào trong này ngồi cho mát. Tớ vừa gọi quán thịt chó bên kia đưa sang vài món để bọn mình ngồi nhâm nhi cho thoải mái!
Chúng tôi ngồi khoanh chân đối ẩm giữa nhà. Một cỗ thịt chó đủ món được dọn đến. Những cốc bia vàng óng cứ vơi dần. Không ngờ chúng tôi lại có thể uống nhiều đến thế. Ngỡ cả hai rồi sẽ say mèm, vậy mà câu chuyện ông Sinh kể ngày càng rành rẽ, còn tôi càng uống, càng nghe lại như tỉnh ra mới là lạ chứ!
Nhiều người vẫn nói ông Sinh là dạng lính con nhà nòi. Cha ông là liệt sĩ thời Vệ quốc. Chín tuổi ông Sinh đã vào học trường thiếu sinh quân rồi vào thẳng trường sĩ quan quân đội. Vốn thông minh, học giỏi, hai mươi mốt tuổi Sinh đã trở thành một sĩ quan đầy năng lực. Dáng người thanh thoát khỏe mạnh, gương mặt đẹp trai, lúc ấy Sinh là mẫu người lý tưởng; ông được nhiều cô gái ngưỡng mộ. Có một tiểu thư con một "ông cốp" theo cha đến đơn vị đã để ý và làm quen với Sinh. Ngay hôm sau, một cuộc sống hoàn toàn mới đã ùa tới và cuốn lấy Sinh. Những hẹn hò quá da diết, những lời nói quá ngọt ngào đã khiến chàng sĩ quan trẻ từng quen nếp sống nhà binh từ bé không còn kịp sửng sốt. Nàng tiểu thư kia không hẳn là một cô gái đẹp, nhưng cô ta khá diêm dúa và sắc sảo. Bằng sự sắp đặt tháo vát của cô ta, chỉ sau hai tháng làm quen, cô và Sinh đã trở thành vợ chồng chính thức.
Thực ra cho đến bây giờ Sinh cũng không hiểu tình cảm của mình lúc ấy nh thế nào. Những chăn gối, những đụng chạm da thịt lạ lẫm, những nét sinh hoạt mới mẻ và hối hả... đã không để cho Sinh kịp ngẫm ngợi sâu xa. Ngay cả khi theo vợ đi đăng ký kết hôn mới biết mình kém vợ bốn tuổi, Sinh cũng không hề gợn lòng dẫu chỉ là tí chút!
Một tuần sau khi cưới, Sinh nhận nhiệm vụ lên đường vào chiến trường phía Nam. Là một người chỉ huy xông xáo, có khả năng phán đoán và xử lý các tình huống tác chiến nhanh nhạy, đơn vị của Sinh liên tiếp lập công. Sinh trở thành một sĩ quan được anh em nể phục cấp trên khen ngợi và đề bạt khá nhanh cả về cấp bậc lẫn chức vụ chỉ huy.
Sau bốn năm chiến đấu, Sinh được tranh thủ ghé thăm nhà để nhìn mặt đứa con gái đầu lòng mà vợ Sinh đã báo cho biết qua những lá thư thời chiến hết sức chậm trễ. Cũng sau lần ấy, Sinh được vợ báo cho biết ông có thêm một cô con gái nữa. Đứa con ấy Sinh được nhìn mặt lần đầu khi nó đã bước sang tuổi thứ chín. Đó là khi ông được điều chuyển ra nhận nhiệm vụ chỉ huy trung đoàn chúng tôi.
- Biết là hòa bình rồi, cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi nhưng tớ không ngờ sự đổi thay lại ghê gớm đến thế! - Ông Sinh kể tiếp câu chuyện sau một lần "cạch cốc" với tôi.
Lần ấy Sinh về nhà, vợ Sinh đã là chủ nhiệm một cửa hàng thương nghiệp quốc doanh ở nội thành Hà Nội. Tiền bạc dư dả, quyền hành lồng lộng, xét ra vợ Sinh chẳng còn thiếu gì ngoài một người chồng hiện diện trong căn nhà uy nghi ở ngoài mặt phố. Về được hôm trước, hôm sau vợ Sinh đưa ra một chiếc nhẫn vàng bảo với ông:
- ở nhà mẹ con tôi khắc tự làm lụng mà nuôi nhau. Bao nhiêu phụ cấp của anh người ta gửi về tôi đều giữ lại cả. Biết anh sắp ra, tôi dồn lại mua cho anh cái nhẫn này làm kỷ niệm. Cũng may tôi mua sớm chứ để đến bây giờ khéo chỉ ăn vài bát phở là hết!Sinh tần ngần cầm cái nhẫn vợ đưa mà nghe trong lòng chua chát quá! Mười mấy năm lăn lộn với máu lửa được vợ mình quy ra có bằng này thôi! Như chợt nhớ ra một đều gì đó quan trọng lắm, Sinh buột mồm "a" lên rồi nhấc vội cái bàn tay núc ních của vợ, tìm cách đeo chiếc nhẫn vào một trong những ngón tay đó. Nhưng rồi Sinh lại buông cái bàn tay kia ra, mặt ông xìu xuống bởi ông đã nhận ra mọi ngón tay của vợ đều lóng lánh những chiếc nhẫn to cộ đủ kiểu. Hờn tủi và xót xa đến tột độ nhưng rồi Sinh cũng gắng nén lại, vớt vát thêm một lần nữa:
Tôi là thằng lính, vàng vọt mà làm gì? Cô cầm lấy làm cho tôi bữa cơm gặp gỡ với làng xóm.
- Đây có phải là quê nhà anh đâu mà bày vẽ? ở đây chả ai biết anh là ai cả. Còn nếu anh muốn giao lưu gặp gỡ thì thiếu gì chỗ. Nhưng vàng chỉ có ngần ấy thôi thì chẳng đủ để vào cửa đâu!Vợ Sinh giảng giải cho Sinh rằng cần phải lui tới gặp gỡ chỗ này chỗ kia, cạy cục nhờ vả tìm cách mà chuyển về Thủ đô. Chạy vạy, đút lót tốn kém một chút, nhng vừa khỏi khổ, vừa có nhiều lợi lộc "màu mè". Sinh nghe vợ nói thế thì há hốc mồm, trợn tròn mắt nhìn cô ta như nhìn một sinh vật lạ. Vô tình Sinh đưa cái nhẫn vàng vào miệng nhấm thử, nghe thấy cảm giác lành lạnh tanh tanh nơi chân răng, ông vội nhăn mặt chạy ra cửa sổ phía sau nhổ một bãi cả nước bọt lẫn cái nhẫn vàng xuống rãnh nước thải đang sùng sục chảy.
- Hừ... - Vợ Sinh cười nhạt rồi rít qua kẽ răng - Anh đúng là cái loại dở người!
Từ hôm ấy Sinh như một người sống nhờ trong căn nhà xa lạ. Vợ con Sinh đi khỏi nhà từ sáng tới tối, không hề hỏi han ông một câu. Kể cả lũ trẻ, chúng hết sức gượng gạo khi tiếp xúc với ông và gọi ông bằng bố. Sinh đã thử cố làm thay đổi không khí trong nhà, nhưng hình như tất cả đã được sắp đặt cố định, mọi trật tự đều không chừa chỗ cho ông. Sinh dằn vặt tự hỏi không hiểu vì sao lại ra như thế. Một buổi tối khi thấy vợ trang điểm son phấn xong, chuẩn bị dắt xe đi, ông liền túm lấy tay vợ, gằn giọng:
- Cô đi đâu? Tôi hỏi cô, tôi đã làm gì không phải mà cô cùng với lũ trẻ coi tôi như người dưng vậy?
Cô ta quay lại nhìn Sinh một cách khinh khỉnh rồi trả lời rành rọt:
- Đúng là anh không làm gì cả nên anh cũng chẳng có gì và chẳng là cái gì ở nhà này cả!
- Tôi vẫn là chồng cô và là bố của lũ trẻ! - Ông tức tối gầm lên.
- Cái đó chỉ có anh và luật pháp công nhận chứ tôi và các con tôi thì không! - Cô ta vênh mặt đáp lại.
Thế là Sinh đã hiểu. Ba con người kia họ cho rằng Sinh trở về đây sẽ chiếm một phần của nả ở cái nhà này. Họ không thể chấp nhận một kẻ chẳng đóng góp được đồng hào nào, bây giờ tự nhiên lại có phần, có suất ở đây! Những điều này chắc lũ trẻ đã được mẹ nó giảng giải thật kỹ, cho nên chúng mới ngại ngần ông Sinh đến thế!
Một cảm giác uất nghẹn dồn ứ lên cổ Sinh. Bao nhiêu năm ngang dọc chiến trường ông đã mong ngày trở lại nơi này. Vậy mà bây giờ nơi được gọi là "hậu phương", là "tổ ấm" của ông lại là như thế. Ngày hôm sau ông lặng lẽ khoác ba lô đi nhận nhiệm vụ chỉ huy trung đoàn chúng tôi.
- Ngày ấy tớ biết ở trung đoàn có nhiều người không ưa tớ. - Thêm một tợp bia đưa đà, ông Sinh kể tiếp - Họ cho rằng tớ hách dịch ra oai, rồi là quân phiệt, rồi là...
Nhưng mà kinh nghiệm bao nhiêu năm chiến đấu vùng giáp ranh tớ hiểu. Cái kiểu địa bàn ấy, lực lượng ấy, sơ sểnh một tý là mất quân, mất trận địa ngay. Giao ban nhắc nhở, đôn đốc rồi quán triệt mãi rồi mà lính tráng vẫn cứ nhơn nhơn, cho rằng tớ nói dọa. Nước cùng tớ mới phải ra tay chấn chỉnh lại kỷ luật các đơn vị. Thà mang tiếng này nọ nhưng giữ được quân, giữ được an toàn trận địa, còn hơn để lính mình ngu ngơ rồi chết oan, lại mất cả đất đứng chân thì toi cả nút.
Nghe ông Sinh nói đến đây, tôi nghĩ lại cái ngày ấy thấy quả là đúng thật. Khi ông Sinh chuyển đi rồi, các đơn vị lơi lỏng quản lý bộ đội, lính ta tùy tiện tạt ngang tạt ngửa đi chơi, rồi đi tìm thực phẩm cải thiện... liền bị thám báo vồ, bị bắn tỉa, bị vớng mìn của địch... Lúc ấy quân tướng mới ngã ngửa ra hò hét nhau xiết chặt kỷ luật. Cũng may mà chiến sự dịu đi rồi ngưng hẳn, chứ không thì...!
Từ ngày lên trung đoàn tôi, ông Sinh không về thăm vợ con nữa. Nghĩ tới họ ông chỉ thấy buồn chán chứ chẳng có chút gì gọi là nhớ cả. Có lần ông dồn tiền lương mua cân đường, xấp vải, nhờ anh em đi công tác qua Hà Nội mang về cho con. Vợ Sinh bảo:
- Anh Sinh gửi các chú mang về đây cái gì thì các chú cứ kê cả ra giấy rồi để đó. Bao giờ về thì anh ấy lấy dùng, chứ mẹ con tôi không dùng những thứ ấy!
Chuyện vợ con quả là một thứ dằn vặt ông Sinh ghê gớm. Nó làm ông quá mệt mỏi. May mà có trung đoàn bộ binh với những nhiệm vụ chiến đấu liên miên cuốn hầu hết thời gian và tâm trí nếu không thì chả biết ông sẽ thành người như thế nào nữa.
Đơn vị thì thế, vợ con thì thế! Lúc ấy tớ cảm thấy chán nản và cô đơn ghê lắm. Có lẽ tại số kiếp tớ không may mới gặp phải người đàn bà bạc bẽo lại hợm người, hợm của. Chứ sau chiến tranh trở về với chiếc ba lô, mấy tấm huân huy chương đâu chỉ có riêng mình tớ đâu?
- Ông Sinh đưa mắt nhìn chiếc khung ảnh có treo mấy chiếc huân chương, giọng trầm hẳn xuống. Dừng một lúc như để nhớ lại, ông kể tiếp:
- Thế rồi tớ gặp Khanh. Cô ấy thật trong sáng và dễ mến! Lúc đầu tớ cũng chỉ coi cô ấy như một đứa em vì cô ta trẻ quá... Nhưng sau này càng tiếp xúc mình càng thấy Khanh sâu sắc và chín chắn hơn mình tưởng nhiều. Những đau buồn bất hạnh của tớ được cô ấy cảm thông, chia sẻ, động viên giúp tớ vượt lên mà sống và công tác. Dần dà trong lòng tớ nảy ra một thứ tình cảm thật là lạ lẫm đối với Khanh. Nó vừa âm thầm rỉ rả lại vừa si mê cháy bỏng, khiến nhiều lúc tớ như muốn lật tung mọi thứ ràng buộc trên đời để đến với cô ấy.
Đã có lần thấy cuộc sống của cô giáo trẻ vùng cao này kham khổ quá. Sinh san sẻ tiền lương đưa cho Khanh nhưng cô ta kiên quyết chối từ cùng với lời cảnh cáo khiến Sinh giật mình hoảng sợ:
- Nếu như anh còn những ý định tương tự thì có nghĩa là vĩnh viễn anh em mình chẳng còn gì để nói với nhau nữa!
Tình yêu đối với Sinh khi ấy cũng thật là oan nghiệt. Da diết và chân thành đấy nhưng cũng đầy những bế tắc vô vọng bởi những thực tại trớ trêu trong cuộc đời. Con tim Sinh như điên cuồng giục giã ông thổ lộ tình yêu với Khanh, nhưng lý trí lại mách bảo rằng có thể Sinh sẽ mất mọi thứ tình cảm của cô nếu như tình yêu ấy không được Khanh chấp nhận. Con tim cuối cùng đã thắng! Một lần, dường như không kìm được lòng mình nữa, Sinh đã liều lĩnh nắm lấy tay Khanh mà thổn thức thổ lộ tình yêu cháy bỏng của mình ông hổn hển một hơi dài, khi dừng lại Sinh cảm tưởng như mình đang chơi vơi rơi vào một khoảng không đen đặc. Ông nhắm mắt lại chờ đợi một hành động gì đó của Khanh, đại loại như một lời khinh bỉ chẳng hạn, và sẵn sàng sụp xuống để cầu xin nơi Khanh một chút tình cảm dù chỉ nhỏ nhoi, thậm chí chỉ một chút lòng thương hại khốn khổ. Nhưng không ngờ Khanh đã nhẹ nhàng đặt bàn tay lên ngực ông, vừa như để truyền vào tim ông cái hơi ấm rạo rực, vừa như để giới hạn khoảng cách giữa hai người ở một tầm không gian cố định. Khanh nhìn thẳng vào mắt Sinh và nói với ông rất dịu dàng:
- Em cũng nghĩ rằng người đàn bà đó không xứng đáng với anh, nhưng hai đứa trẻ kia thì hoàn toàn có quyền đòi anh làm cha chúng. Em chưa thể nói gì về chuyện tình cảm giữa em và anh khi anh chưa tròn trách nhiệm với lũ trẻ.
Câu nói của Khanh đã đưa ông Sinh quay trở về với thực tại, và ông hiểu rằng đó là một thực tại ông không có quyền lựa chọn hay trốn tránh. Kết hợp một lần công tác, ông Sinh qua nhà đưa đơn ly hôn và yêu cầu vợ ký chấp thuận. Ông đặt điều kiện sẵn sàng nuôi cả hai đứa con, không cần bất cứ một sự cung cấp hay chia chác nào từ phía vợ.
- Anh quả là một tay hảo hán đấy!
- Vợ Sinh nhìn Sinh khinh khỉnh và bảo ông ta
- Anh chưa bao giờ nuôi và cũng không bao giờ được quyền nuôi dạy chúng. Còn tài sản của anh ấy à? Tôi đã kê đầy đủ và xếp cả ở gác xép kia. Anh liệu mà khuân đi cho! Còn anh tính chuyện bỏ tôi mà đi với con giáo viên trẻ ranh kia thì đừng có hòng nhá. Tôi đã biết hết rồi!
Sinh không nói gì thêm được nữa, cầm tờ đơn ly dị chạy tuột ra đường, gọi xích lô đi đến tòa án. Một tay cán bộ vừa lim dim mắt nhổ râu, vừa nghe ông Sinh trình bày.
Nghe xong, anh ta hất hàm:
- Ông cứ để đơn đấy và về đi. Chúng tôi sẽ có giấy gọi ông sau. Việc này không dễ đâu!
Với tiền tài và các mối quan hệ rộng rãi sẵn có, chỉ một cú điện thoại, vợ Sinh đã làm cho tờ đơn của Sinh xuống tận đáy của sự lãng quên. Hơn thế nữa, cô ta còn chạy chọt để điều đẩy bằng được Sinh đi thật xa, hòng cắt đứt mối tình si mê của một ngời lính chiến chinh trận mạc, nhưng lại ngô nghê vụng dại với những toan tính đời thường.
Sau khi chuyển khỏi trung đoàn tôi, Sinh và Khanh chỉ còn liên lạc được với nhau bằng những bức thư có hành trình dài hằng tháng. Đơn vị mới nơi ông Sinh về nhận nhiệm vụ lại gần nhà hơn. Nhớ tới câu nói của Khanh, ông thường tranh thủ ngày nghỉ, ghé về thăm hai đứa trẻ, hòng mong tình cảm cha con sẽ ngày một gần gũi.
Một lần vô tình mở hai cuốn sổ học tập của hai đứa ra xem, ông Sinh chợt phát hiện ngày sinh tháng đẻ của chúng không đúng như ông vẫn nghĩ. Sợ có sự lầm lẫn, ông lục tìm những bức ảnh cũ có ghi ngày cưới và ngày ông về thăm nhà. Tính đi tính lại ông sinh vẫn thấy ngày tháng năm sinh ghi trong sổ học tập của con lớn sớm hơn bốn tháng, còn con bé thì muộn hơn gần ba tháng. Linh tính mách bảo ông có điều gì khuất tất ở đây. Lập tức Sinh đi tới trường học của hai đứa, mượn hai cuốn học bạ cùng giấy khai sinh gốc của chúng để xem lại. Tất cả đúng như vậy! Ông lại lộn về ủy ban phường nhờ xem lại sổ hộ tịch. Tất cả vẫn không có gì sai khác!Trở lại đơn vị, sau một tuần thu xếp công việc, ông xin nghỉ phép mười ngày về nhà. Một buổi sáng, đợi cho hai đứa trẻ đi học hết cô vợ còn đang ngắm vuốt trước gương Sinh ngồi xuống ghế gằn giọng bảo vợ:
- Cô ngồi xuống đây cho tôi hỏi!
Vợ Sinh không quay lại. Chỉ đến khi hoàn tất các công đoạn uốn éo cuối cùng, cô ta mới ngồi xuống đối diện với ông và hất hàm hỏi một cách trịch thượng:
- Anh lại định sinh sự gì đấy?
- Cô hãy nói cho tôi biết, tại sao ngày tháng năm sinh của hai đứa trẻ nhà này lại không đúng? - Không rào đón, ông Sinh độp hỏi ngay. Đang vênh mặt nhìn ra cửa sổ, vợ Sinh chợt biến sắc mặt, quay phắt lại, mắt giương tròn, miệng lắp bắp:
- Anh... anh nói không đúng là... là thế nào?
Tại sao con lớn lại khai sinh trước bốn tháng, còn con bé lại khai sinh muộn ba tháng?
- Ơi dào ơi! - Vợ Sinh thợt môi thật dài - Tởng gì chứ cái giấy khai sinh ấy thì tin thế nào được. Người ta viết nhầm, rồi tôi cũng có thể nhớ nhầm, thiếu gì lý do. Tôi đây còn khai sinh muộn hẳn một năm kia!
- Cô đừng có lấp liếm! Tôi yêu cầu cô hãy nói thật đi! Chúng có phải là con của tôi không?
- á à... à! - Vợ Sinh lu loa tướng lên - Bao nhiêu năm nay nuôi con cái, anh chưa bỏ ra một chinh, một hào nhá! Chưa phải bế ẵm một lần nhá! Chưa phải giặt một cái tã cái lót nào nhá! Bây giờ chúng lớn khôn bằng ấy, anh chỉ có việc ngồi đấy cho chúng nó gọi bằng bố mà anh cũng kiếm cớ để thoái thác thì anh là loại người gì đây?
- Cô đừng có mồm loa mép giải làm gì. Ông Sinh nói nhẹ nhàng nhưng quả quyết
- Tôi không tin có sự nhầm lẫn ở đây. Nếu cô không nói thật thì ngay bây giờ tôi sẽ làm cho ra nhẽ. Khoa học bây giờ giải quyết việc này không khó khăn gì lắm.
Nghe ông Sinh nói tới đó, cô vợ liền co rúm người lại, hai tay bưng lấy mặt rồi gục xuống bàn mà rên rỉ. Lát sau cô ta ngẩng lên, khuôn mặt ngoe ngoét những phấn son cùng nước mắt, miệng mếu máo:
- Anh nỡ đang tâm làm như thế thật à?
- Bằng mọi giá tôi phải tìm ra sự thật - Sinh dứt khoát.
- Tôi xin anh hãy thương những đứa trẻ chúng chẳng làm gì nên tội. Bây giờ chúng sẽ sống thế nào nếu biết anh không phải cha đẻ của chúng. Tôi không muốn lừa dối chúng, nhưng chính tôi cũng không dám chắc cha đẻ của chúng là ai nữa! -Vợ Sinh vừa kể lể vừa nức nở rền rĩ. Bao nhiêu cái nanh nọc giảo hoạt hằng ngày biến đi đâu hết cả. Bây giờ cô ta chỉ còn một hình hài rũ rợi, xộc xệch với những giọt nước mắt. Sinh cũng ngồi thượt ra, hai tay ôm lấy đầu. Chút hy vọng nhỏ nhoi nơi căn nhà này đã hoàn toàn đổ vỡ!
Sau cùng, như chợt nhớ ra, ông Sinh nặng nề đứng lên lục tìm một tờ giấy cất trong ba lô, nói với cô ta giọng nhát gừng:
- Tôi đồng ý nhận làm cha của hai đứa nhưng với điều kiện cô phải ký vào đơn ly dị này. Giải quyết xong tôi sẽ đi và không quay trở lại đây nữa.
- Anh nói thật chứ? - Cô nàng kia ngẩng lên ngỡ ngàng hỏi lại.
Cô không đủ tư cách hỏi tôi! - Ông Sinh rít lên - Nhưng tôi cũng nói cho cô yên tâm, tôi không thèm lừa dối loại người như cô đâu.
Cô vợ Sinh len lét ký vào tờ đơn ly dị. Ông Sinh gập tờ đơn đút vào túi áo rồi vơ chiếc ba lô quay trở lại đơn vị ngay. Tranh thủ mấy ngày phép còn lại ông mang tờ đơn đến tòa án quận, hy vọng sớm được giải quyết để nhanh chóng thoát khỏi cơn khủng hoảng đang muốn xô ông gục ngã. Tay cán bộ tòa án hờ hững nhận tờ đơn, nhìn lướt qua rồi trố mắt hỏi ông Sinh:
- Bà ấy tự nguyện đồng ý đấy chứ?
- Vâng! Mong các đồng chí xem xét giải quyết giúp chúng tôi càng sớm càng tốt. Tôi là quân nhân nên thời gian hạn chế lắm.
- Chắc ông lại kiếm được chỗ nào tươi trẻ hơn rồi chứ gì? Nhưng mà chuyện này không dễ đâu. Muốn nhanh thì ông phải tích cực đầu tư vào.
- Đầu tư cái gì cơ? - Ông Sinh ngẩn ra.
- à, đại loại muốn được việc thì phải chi ra...
Ông Sinh hiểu rằng cần phải có khoản đút lót, đút lót để được công nhận rằng cái gia đình của anh đã hoàn toàn tan nát. Rằng sau ngần ấy năm lăn lộn chiến trường bây giờ ông đã là tay trắng. Cái kẻ đang ngồi kia, ông đã gọi là "đồng chí", vậy mà hắn còn nhè vào cái chỗ đau đớn nhất khốn nạn nhất của đời ông mà bóp nặn, mà húp híp! Máu trong người ông Sinh như sôi lên, ông muốn túm ngay lấy cái mặt hùm hụp kia mà bóp cho nát thành bùn đất. Nhưng rồi ồng kịp kìm lại:
- Xin anh cảm thông cho. Cánh lính chúng tôi bao nhiêu năm nay toàn ở chiến trường, chưa kịp chuẩn bị gì cả.
- Thôi đi, tôi lạ gì các ông! Đã "chiến đấu" lại còn tiếc "đạn"?
- Thế... bao nhiêu thì được hả anh? - Ông Sinh ra bộ ngập ngừng.
- Nói nhanh nhé! Năm chỉ đưa đây tôi chạy cho. Chỉ mươi ngày sau là ông "xổ lồng" liền!
- Thôi được! Tối nay tôi sẽ gửi anh luôn. Hẹn gặp anh ở chỗ... - Ông Sinh hạ giọng. Tay kia nghe xong cười tít mắt, bắt tay tạm biệt tử tế...
Ông Sinh dừng lại gắp đồ nhắm mời tôi, hai cốc bia lại "cạch" một lần nữa rồi ông mới tiếp tục:
- Cậu bảo bọn tớ bao nhiêu năm đi "oánh nhau", toàn là đạn bom, máu lửa, ai biết gì đến "cây", đến "chỉ". Thế mà cái thằng ấy lại cho rằng bọn mình vào nam ra bắc kiếm chác được nhiều lắm. Ông Sinh hẹn tay kia ra một chỗ vắng ngoài vườn hoa. Vừa gặp, ông đã túm cổ áo hắn, giọng rít lên trong hai hàm răng nghiến chặt:
- Mày muốn giở trò bòn rút cả những nỗi bất hạnh của những thằng lính như tao hả đồ khốn nạn?
Hai cú đấm, một cú đá, cái thân hình núc ních của tay kia nhủn ra như một đống bùn nhão. Ông Sinh phủi tay, nhổ bọt quay đi. Được khoảng mươi bước, ông nghe thấy thằng kia gầm gừ đe doạ: "Mày sẽ biết tay ông!", quay lại thì đã thấy hắn ta lủi mất hút vào bóng những hàng cây tối om.
- Hôm ấy về nghĩ lại tớ thấy mình cũng vụn vặt và tầm thường quá - Ông Sinh quay sang giãi bày với tôi:
- Cái kiểu đối xử võ biền ấy thực ra chẳng hay ho gì. Nhưng mà... hì ... hì... nghĩ được thế thì cũng đã xong việc rồi!
Sau đấy ông Sinh bị thằng cha kia đâm đơn kiện, suýt nữa thì phải ra tòa. Một quyết định kỷ luật cách chức chỉ huy, hạ hai bậc quân hàm, một quyết định phục viên ra quân đã đưa ông Sinh ngoặt sang một nẻo đời khác.
- Tiếc quá! - Tôi chậc lưỡi xuýt xoa - Giá không có cái "cú" ấy thì bây giờ anh phải là ông tướng rồi!
- ờ, cũng tiếc cái công học tập, rèn luyện - Ông Sinh gật gù với tôi - Nhưng quay trở lại vật lộn với đười thường tớ mới thực sự tìm được hạnh phúc cho mình. Với lại cậu tính, ai mong súng ngắn, súng dài để mà chinh chiến suốt làm gì?
Nói tới đây ông tự thưởng cho mình một tràng cười sảng khoái cùng một tợp bia lớn, rồi theo đà hưng phấn, ông kể tiếp:
- Tớ về quê, ruột thịt chẳng còn ai, bơ vơ lắm! Ngoài cái ba lô trên lưng, tớ chẳng có gì cả. Vậy mà không ngờ Khanh đã đến với tớ vào lúc ấy, ai cũng bảo tớ số đào hoa, hà.. hà...
Biết tin ông Sinh bị kỷ luật, phục viên về quê, Khanh lần theo địa chỉ trong những bức thư cũ và gặp Sinh vào một buổi chiều vàng suộm. Họ đã lao vào vòng tay của nhau như một định mệnh trong tiếng thổn thức của người con gái:
- Em yêu anh! Chỉ anh thôi...
Sinh - Khanh lấy nhau, cưới nhau bằng ba mâm cỗ mời họ hàng. Họ chọn nơi này, vừa gần chỗ Khanh chuyển tới dạy học, vừa êm ả yên tĩnh, để làm nơi sinh cơ lập nghiệp. Những ngày đầu gian nan lắm! Sinh phải xoay đủ nghề. Bây giờ thì họ đã là một gia đình thuộc loại khá giả trong vùng.
- Thế còn hai đứa con gái của anh? - Tôi chợt nhớ ra và hỏi ông Sinh.
- Có lẽ vì lương tâm cắn dứt nên mẹ chúng đã nói cho chúng biết sự thật. Chúng có tìm lên đây gặp tớ một lần. Cả hai đứa đều đã có chồng con, kinh tế cũng khá. Chúng có vẻ buồn lắm nhưng tớ cũng chỉ biết chia sẻ rồi động viên chứ chẳng biết làm thế nào hơn được.
Chúng tôi đang nói chuyện thì Khanh đi dạy học về. Cô vẫn xinh đẹp và dịu hiền hơn trong cái dáng nằng nặng của người đang chửa.
Tự tay Khanh rót bia sóng sánh đầy ba cốc, rồi cả hai vợ chồng lại giục tôi nâng cốc. Nhìn ánh mắt và nụ cười rạng rỡ của họ tôi biết họ đang thực sự hạnh phúc. Tôi vui lây với hạnh phúc của họ, chẳng ngần ngại gì tôi "cạch" thêm lần nữa!
Tuyên Quang tháng 8/2001
Quang Khánh