Người bán hàng rong
Tác giả: Rabindranath Tagore
Rabindranath Tagor (1861-1941), thi, văn sĩ Ấn độ, là người Á châu đầu tiên được trao giải Nobel Văn chương, vào năm 1913. Thơ, văn của ông chịu ảnh hưỡng sâu sắc truyền thống văn học Ấn, đồng thời ông là người có công lớn trong việc kết hợp tuyệt vời và tạo một ảnh hưởng sâu đậm giửa văn chương Ấn và Tây phương . Bài thơ nổi tiếng của ông là bài Gitan- jali (1910) được dịch sang tiếng Pháp với tựa: “l’Offrande lyrique”, Đỗ Khánh Hoan đã dịch sang Việt ngữ từ năm 1969 với tựa đề “Tâm Tình Hiến Dâng”. “Người bán hàng rong” cũng cùng dịch giả được trích trong tập truyện ngắn “Broken Ties”.
Mini con gái tôi lên năm. Cháu nói chuyện huyên thuyên, bạ đâu nói đấy, miễn sao có chuyện để nói. Trong lòng tôi thầm nghĩ chắc hẳn suốt đời con bé này sẽ chẳng im lặng lấy một giây. Mẹ cháu thường bực mình vì thế, bà bắt cháu ngừng bi bô, không được ba hoa chích chòe, nhưng tôi không bận lòng. Thấy cháu im lặng là điều lạ lùng, tôi không chịu nổi nếu tình trạng kéo dài. Do vậy chuyện giữa tôi và cháu lúc nào cũng diễn ra tự nhiên, vui vẻ.
Chẳng hạn một sáng lúc tôi đang viết tới nửa chừng chương mười bảy cuốn tiểu thuyết mới, cháu lén vào phòng. Đặt tay lên tay tôi, cháu khai mào: “Bố ơi ! Anh Ramdayal gác cổng nhà mình gọi con quạ là con gọa ! Anh ấy nói sai phải không bố ?” Tôi vừa định giải thích tình trạng khác biệt về tiếng nói, giọng nói trên khắp xứ sở, cháu đã nhảy sang đề tài khác: “Bố nghĩ sao hở bố ? Shola bảo trên mây có con voi, vòi phun nước phì phì, vì thế trời mưa !”
Nói rồi cháu sáp tới gần bàn điềm nhiên ngồi lên chân tôi, vừa chơi vừa vỗ đầu gối mình như đánh trống. Tôi đang loay hoay cố viết cho xong chương mười bảy, trong đó nhân vật Pratap Singh đưa tay ôm Kanchanlata, và sắp sửa trốn đi với nàng, hau người chui qua cửa sổ tầng ba lâu đài, bỗng dưng cháu ngừng chơi, cắm cổ chạy ra cửa sổ la lớn: “Người bán hàng rong, người bán hàng rong !” Đúng rồi, phía dưới, người bán hàng rong từ cao nguyên Cabul đang chậm chạp bước đi trên đường phố. Anh ta vận sắc phục dân tộc, rộng thùng thình, lấm láp, đầu cuốn khăn, lưng đeo bị, tay ôm mấy hộp nho tươi.
Tôi không hiểu trong đầu cháu nghĩ gì khi nhìn thấy anh ta, nhưng vừa thấy bóng dáng liền lớn tiếng gọi. Tôi thầm nghĩ, chết rồi anh ta sẽ vào, như vậy chẳng thể viết xong chương mười bảy! Đúng lúc đó anh ta ngẩng mặt nhìn lên. Vừa thấy khuôn mặt, cháu sợ hết hồn. Nhanh như chớp cháu ù té chạy tìm mẹ. Cháu cứ đinh ninh trong chiếc bị người đàn ông to lớn đeo trên lưng có hai ba đứa trẽ như mình. Thoát đó đã tới cửa, anh ta bước vào. Miệng mỉm cười, anh ta cúi chào.
Nam nhân vật, nữ nhân vật của tôi đang ở tình trạng nguy khốn, nên cảm giác đầu tiên vừa lóe hiện tôi liền nghĩ ngùng viết, sửa soạn mua cái gì đó, vì cháu Mini đã gọi với anh ta. Tôi chọn mấy thứ lặt vặt, sau đó nói chuyện với anh ta về thủ lãnh Rahman Khan, người Nga, người Anh và tình trạng biên giới. Lúc sắp cáo lui, anh ta cất tiếng hỏi: “Thưa ông, cô bé đâu rồi ?”
Nghĩ bụng Mini chẳng có gì mà sợ vớ vẩn như thế, tôi gọi cháu ra. Cháu đứng gần ghế tôi ngồi, hai mắt chăm chú nhìn người bán hàng rong và chiếc bị. Anh ta đưa cho cháu dúm hạt rẻ và dúm nho khô, nhưng cháu không nhận, cứ bám chặt lấy tôi, nét mặt nghi ngờ dễ sợ. Đó là lần đầu tiên cháu và anh ta gặp nhau.
Nhưng một sáng, sau đó không lâu, lúc rời nhà đi có việc, tôi giật mình thấy cháu ngồi trên ghế dài gần cổng vừa cười vừa nói chuyện với anh ta đứng gần đó. Tôi chợt nghĩ chắc hẳn suốt đời con gái tôi không bao giờ tìm thấy người nghe chuyện kiên nhẫn như thế, trừ bố đẻ mình ra. Để ý nhìn tôi thấy áo sari cháu mặc một phía đầy hạnh nhân và nho khô khách quiù vừa cho. Móc túi lấy ra đồng tám anna, tôi vừa nói vừa đưa cho anh ta: “Sao lại cho cháu mấy thứ đó ?” Anh ta nhận liền, và chẳng chút đắn đo bỏ ngay vào túi.
Hỡi ôi, khoảng một giờ sau trở về, tôi thấy đồng tiền bất hạnh lại gặp khó khăn lần nữa do mình gây ra ! Anh ta cho cháu lúc nào không hay. Nhìn thấy đồng tiền bóng loáng, mẹ cháu hỏi dồn dập: “Con lấy đồng tám anna ở đâu ?”
“Ông bán hàng cho con,” cháu vui vẻ trả lời.
“Người bán hàng rong cho con !” Mẹ cháu lớn tiếng, giọng hoảng hốt hết sức. “Trời ơi, Mini ! Sao con lại nhận của người ta ?”
Đúng lúc đó tôi về tới nhà. Tôi bèn gỡ rối giúp cháu, và tự mình âm thầm tìm hiểu. Tôi khám phá thấy lần này không phải lần đầu hay lần thứ hai anh ta và cháu gặp nhau. Lần đầu, muốn cháu khỏi sợ, anh ta khéo léo làm quen, cho cháu hạt rẻ và hạnh nhân, thế là hai bên biết nhau và bây giờ trở nên thân thiện. Hai bên nói đùa với nhau, toàn những câu tức cười, khiến cả hai khoái trí ra mặt. Ngồi thu lu trước mặt anh ta, với vẻ đĩnh đạc tí hon nhìn thân hình khổng lồ, Mini cười hơ hớ, nụ cười lan hết khuôn mặt, rồi bắt đầu: “Ồ, ông bán hàng rong ! Ông bán hàng rong ơi ! Ông có gì trong bị thế ?” Anh ta trả lời, giọng mũi của người cao nguyên: “Con voi !” Nghe chẳng thấy gì gọi là vui, thế mà cả hai thích thú ra mặt với câu nói bông đùa ! Đối với tôi, chuyện trẻ con nói với người lớn luôn luôn mang âm hưởng thú vị kỳ lạ. Để khỏi cụt hứng, anh ta tiếp tục: “Này, cưng, chừng nào về nhà bố chồng đấy ?”
Từ lâu đa số thiếu nữ nhỏ tuổi Bengali đã nghe nói nhà bố chồng, nhưng vì tân tiến một chút, gia đình tôi giữ không để cháu hay. Dẫu thế, khi nghe câu hỏi thế nào cháu cũng hơi ngỡ ngàng. Nhưng chẳng tỏ vẻ như thế chút nào, cháu điềm tĩnh trả lời: “Ông sắp về đó hả ?”
Trong số người Cabul bán hàng rong ai cũng biết câu nói ‘về nhà bố chồng’ có hai nghĩa. Nghĩa văn hoa bóng gió là nhà tù, nơi mình được trông nom săn sóc chu đáo không phải trả tiền. Người bán hàng rong hiểu câu cháu hỏi theo nghĩa đó. Vừa nắm tay đánh người cảnh sát vô hình, anh ta vừa ba hoa: “A ha, ta sẽ quất cho bố chồng một trận !” Nghe câu nói, nhất là hình dung ra người quen khó chịu, khó thương, cháu rú lên cười, ông bạn quí cũng cười theo.
Mấy sáng nay trời vào thu. Ngày xưa thời gian này trong năm là thời gian vua chúa xuất quân đi chinh phục. Tôi khác. Cứ bó chân tại chỗ nhỏ xíu ở Calcutta không bao giờ ra ngoài, tôi để đầu óc lang thang khắp thế giới. Nghĩ đến tên nước nào đó, tim rộn rã tức thì, tôi đi ngay tới đó, và khi nhìn thấy người ngoại quốc ngoài phố, tôi không sao ngăn lòng dệt mộng chằng chịt, mung lung: núi non, thung lũng, rừng cây trên quê hương xa xôi của người đó, ở đó có ngôi nhà ẩn mình trong lòng thiên nhiên, và cuộc đời tự do, độc lập của biết bao thú rừng xa lạ. Cảnh đẹp lướt qua trí tưởng tượng dường như dồn dập ghê lắm, vì tôi sống bất động như cỏ cây, nên tiếng gọi đi du lịch đối với tôi chẳng khác tiếng sấm lúc trời đổ bão. Gặp người bán hàng rong từ Cabul, tôi tức thì bay bổng tới chân núi, rồi nghe núi nhỏ hẹp ngoằn ngoèo, đám lạc đà chất đầy hàng hóa trên lưng, đoàn lái buôn cuốn khăn mang súng cổ lỗ sĩ trông kỳ lạ hết sức, trong số đó có người cầm thương mũi chỉ thẳng về phía đồng bằng. Tôi thấy...nhưng đến đây mẹ cháu xía vào, ghé tai dặn ‘phải coi chừng người ấy’.
Rủi thay mẹ cháu nhát như cáy ngày. Bất kỳ khi nào nghe tiếng ầm ầm ngoài phố hoặc nom thấy người ta nườm nượp đi về phía nhà mình, bà liền nghĩ chắc như đinh đóng cột họ là kẻ trộm, người say, rắn độc, hổ dữ, khí độc, dán hôi, sâu bướm hay thủy thủ Anh. Ngay cả mấy năm gần đây trải qua biết bao kinh nghiệm, bà vẫn không chế ngự nổ cảm giác sợ hãi. Vì thế bà nghi ngờ hết chỗ nói đối với người bán hàng rong từ Cabul, và thường dặn đi dặn lại tôi phải để ý canh chừng. Tôi cười khéo léo tìm cách làm cho bà khỏi sợ, nhưng liền đó bà quay nhìn tôi đăm đăm, vẻ nghiêm trọng hiện rõ, rồi nghiêm nghị hỏi một thôi một hồi.
- Chưa thấy trẻ con bị bắt cóc hả ?
- Không biết ở Cabul có chuyện bán nô lệ ư
- Người to lớn như thế không mang nổi đứa bé nhỏ xíu đi chứ gì ?
Tôi cho nhà tôi hay tuy không phải là không thể, song rất có thể. Nhưng nói sao vẫn chưa đủ, nhà tôi cứ sợ. Vì nhà tôi nghi ngờ vô căn cứ nên tôi thấy chẳng có lý gì cấm người bán hàng rong tới nhà, cứ để anh ta ra vào tự nhiên.
Mỗi năm một lần, khoảng giữa tháng giêng, Rahmun thường trở về thăm quê hương. Vì vậy, mỗi lần thời gian gần kề, anh ta bận túi bụi, đi hết nhà này đến nhà kia thu tiền. Tuy thế năm nay anh ta còn thì giờ tới gặp cháu. Đối với người ngoài, giữa hai người như có chuyện bí mật, bởi nếu không thể tới buổi sáng, anh ta sẽ tới buổi chiều. Ngay cả với tôi cũng thế. Thỉnh thoảng tôi hơi giật mình bất chợt thấy người đàn ông, thân hình cao lớn, quần áo thùng thình, lưng đeo bị, ngồi trong góc phòng tối om, nhưng đúng lúc đó cháu chạy vào, vừa mỉm cười vừa nói: ‘Ô, ông bán hàng rong ! Ông bán hàng rong!’ Thế rồi, tuy tuổi cách nhau khá xa, hai bên cười vui vẻ, nói chuyện đùa giỡn như cũ. Tôi cảm thấy yên tâm.
Một sớm, mấy ngày trước khi anh ta quyết định trở về, đúng thời gian đó tôi đang ở trong phòng xem lại bản thảo. Trời bên ngoài lạnh. Ánh mặt trời lọt qua cửa sổ chiếu thẳng xuống chân, tôi thấy âm ấm dễ chịu. Lúc đó đã tám giờ. Ngoài phố có mấy người đầu trùm khăn đang đi về nhà. Bỗng dưng tôi nghe tiếng ồn ào, nhìn ra, tôi thấy Rahmun bị còng tay và hai cảnh sát kèm bên dẫn đi, theo sau là đám thiếu niên hiếu kỳ. Quần áo anh ta vấy máu. Một người cảnh sát cầm con dao. Vội vàng chạy ra, tôi hỏi chuyện hai người xem sự thể thế nào. Người này cho biết một chút, người kia cho biết một chút. Gom góp chi tiết, tôi biết người láng giềng nợ anh ta món tiền, mua chiếc khăn san Rampuri mà chối bây bẩy không mua; hai bên cải nhau; trong lúc lời qua tiếng lại, Rahmun đánh người đó. Bây giờ nóng mặt bực mình hết chỗ nói, can phạm mắng nhiếc, chửi bới kẻ thù thậm tệ. Bất thình lình cháu xuất hiện ở hàng hiên, và như mọi lần cháu gọi ơi ới: “ Ô, ông bán hàng rong ! Ông bán hàng rong !”
Anh ta quay nhìn, nét mặt sáng hẳn. Bửa nay anh ta không đeo bị, vì thế cháu không nói chuyện voi. Cháu cất tiếng hỏi: “Ông sắp tới nhà bố chồng hả ?” Anh ta cười đáp: “Đúng rồi, cưng ơi, ta đi về đó đây !” Nhưng nhận thấy câu trả lời không làm con bé vui thích, anh ta giơ cao hai tay bị trói và nói: “Đáng lẽ ta phải quất cho lão bố chồng một trận mới phải, tiếc thay tay ta bị trói mất rồi !” Bị kết tội cố ý đả thương nhằm sát hại, anh ta bị kết án nhiều năm tù.
Thời gian trôi qua, không ai nhắc đến anh ta. Bận bịu công việc hằng ngày, hiếm khi chúng tôi nghĩ tới người cao nguyên trước kia tự do đi đó đi đây bây giờ sống trong nhà tù. Cả cháu cũng thế, tôi khổ tâm phải nói thật, Mini tươi vui, hồn nhiên cũng quên bạn cũ. Ngày tiếp theo cháu có bạn mới. Và càng lớn càng nhiều, cháu chơi với vô số thiếu nữ, nhiều đến độ cháu không vào phòng bố nữa. Ít khi tôi có dịp chuyện trò thân mật với cháu.
Nhiều năm trôi qua. Lại đúng mùa thu. Chúng tôi sửa soạn đám cưới cho Mini, tổ chức nhằm ngày lễ Puja. Để kỷ niệm đúng mùa nữ thần Durga trở về tư thất trên núi Kailas, đèn cũng ra đi, ngôi nhà chìm trong bóng tối. Buổi sáng trời quang đãng? Sau trận mưa, không khí và bầu trời có vẻ trong sạch, ánh sáng long lanh như vàng ròng, sáng đến độ tường gạch lem luốc, bẩn thỉu trong khu phố nhỏ hẹp Calcutta cũng rực rỡ. Ngay từ sáng sớm tiếng kèn đã vang vội. Mỗi nhịp dâng lên tim tôi laiï đập thình thịch. Điệu nỉ non, rên rỉ trong bài ‘Bhairavi’ dường như làm nỗi buồn gia tăng đúng lúc tôi nghĩ tới giây phút chia tay sắp đến. Tối nay Mini thành gia thất.
Ngay từ sáng sớm cảnh ồn ào, nhộn nhịp đã tràn ngập khắp nhà. Tán hoa dựng trong vườn phải buộc vào cột tre; chúc đài treo mỗi phòng và hàng hiên, không khí vội vã, tấp nập rõ rệt. Tôi đang ngồi trong phòng xem lại phần đã viết, hết thuật sự đến tả cảnh. Bỗng dưng có người bước vào, kính cẩn chào, rồi lại gần. Không ngờ đó là Rahmun, người bán hàng rong từ cao nguyên Cabul, mới đầu tôi không nhận ra. Anh ta đứng sừng sững trước mặt, không đeo bị, tóc không dài, không linh hoạt như trước. Nhưng anh ta mỉm cười, tôi nhận ra ngay.
“Tới bao giờ thế Rahmun ?” Tôi cất tiếng hỏi.
“Dạ, tối qua,” anh đáp, “vừa được thả khỏi nhà tù.”
Câu trả lời nghe thật chối tai. Từ trước tới giờ tôi chưa lần nào nói chuyện với ai từng gây thương tích cho người khác. Nghe câu nói, lòng tôi tự dưng se lại, vì tôi linh cảm giả như anh ta không đến chắc là hôm nay có điềm gì đây.
“Nhà có việc,” tôi tiếp lời, “tôi lại bận. Rahmun tới hôm khác được không ?”
Anh ta quay gót tức thì. Nhưng vừa tới cửa, anh ta ngập ngừng nói: “Xin phép ông cho gặp cô bé một lát chẳng hay có được không ạ ?” Anh ta nghĩ Mini vẫn thế. Anh ta hình dung ra cảnh cháu vừa chạy tới vừa gọi: “ Ô, ông bán hàng rong ! Ông bán hàng rong !” Anh ta tưởng tượng cả hai sẽ cười và nhập chuyện, y hệt trước kia. Khốn thay, kỷ niệm những ngày ấy anh ta mang tới, ít hạnh nhân, ít nho khô, ít nho tươi, người đồng hương cho gói kỹ trong bao giấy...vốn liếng nhỏ nhoi không còn nữa.
Tôi nói thêm: “Nhà có lễ, Rahmun không thể gặp ai hôm nay đâu.”
Nét mặt sa sầm, anh ta nhìn tôi đăm chiêu, tiếc nuối một lúc, rồi hạ giọng: “Vâng, thôi xin chào ông,” đoạn quay gót. Tôi cảm thấy hơi buồn, tôi định gọi, nhưng đúng lúc ấy anh ta quay lại. Anh ta bước tới, vừa đưa quà vừa nói: “Thưa, có chút quà cho cô bé. Ông làm ơn đưa lại được không ạ?”
Tôi cầm gói quà, móc túi lấy tiền trả, xong anh ta nắm tay và nói: “Ông tử tế quá ! Nghĩ tới là đủ, xin đừng cho tiền ! Ông có cháu nhỏ; thân hèn cũng có cháu nhỏ ở nhà. Nghĩ đến cháu của mình, thân hèn mang ít trái cây cho cháu của ông, thực tình không nghĩ tới tiền bạc !”
Vừa dứt lời, anh ta thục tay vào áo ngoài rộng thùng thình lấy ra gói nhỏ bọc giấy nhem nhuốc. Anh ta rón rén lấy hai tay mở ra, để trên mặt bàn, rồi vuốt tới vuốt lui. Quà tặng là bàn tay nhỏ bé, không phải tấm hình, không phải bức tranh. Bàn tay dính mực in đậm trên mặt giấy. Tới Calcutta đi hết phố này sang phố khác bán hàng hết năm này qua năm khác, anh ta lúc nào cũng mang trong lòng dấu vết con gái nhỏ bé. Mắt trào lệ. Tôi quên anh ta là người bán hàng rong nghèo khổ từ Cabul, còn tôi...nhưng không, tôi hơn anh ta ư ? Anh ta cũng là bố.
Hình bàn tay nhỏ bé của Parbati sống trong ngôi nhà miền núi xa xôi khiến tôi nghĩ tới Mini. Tôi tức thì bảo người nhà vào phòng trong gọi cháu ra. Anh ta ngỏ lời xin lỗi đủ thứ, song tôi không để tai nghe. Vận đồ lụa đỏ rực, trán thoa phấn trầm, trang sức như cô dâu, cháu bước tới, lát sau bẽn lẽn đứng trước mặt tôi. Vừa thấy cháu anh ta loạng choạng. Hai bên không làm sống lại tình quen trước nữa. Cuối cùng anh ta mỉm cười và nói: “Cưng ơi, sắp về nhà bố chồng hả ?” Cháu hiểu nghĩa câu nói ‘về nhà bố chồng.’ nhưng không đáp lại như trước. Nghe câu hỏi, cháu đỏ mặt. Nét mặt cô dâu sắp về nhà chồng. Đứng trước mặt anh ta, song cháu cúi đầu nhìn xuống.
Nhớ lại ngày anh ta và cháu gặp nhau lần đầu, tôi thấy buồn. Lúc cháu cáo lui đi vào trong nhà, anh ta buông tiếng thở dài, đoạn ngồi bệt xuống sàn nhà. Bất thình lình anh ta nghĩ trong suốt thời gian dài vừa qua chắc hẳn con ở nhà cũng lớn, và anh ta sẽ phải làm quen với con lần nữa. Tất nhiên, anh ta sẽ không tìm thấy cô bé như anh ta đã biết. Hơn thế, tám năm trôi qua, ai biết chuyện gì xảy ra với cô bé ?
Ngày cưới tiếng tiêu ngân vang. Mặt trời mùa thu dìu dịu tỏa sáng quanh ngôi nhà chúng tôi ở. Nhưng ngồi trong ngõ hẻm Calcutta, Rahmun để mắt nhìn dãy núi trơ trụi ở A Phú Hãn sừng sững trước mặt. Tôi móc ví đưa cho anh ta tờ giấy bạc và nói: “Về với cháu, Rahmun, về với quê hương xứ sở, rất mong ngày gặp mặt mang lại niềm vui và may mắn cho cháu !” Sau khi trao món tiền mọn, tôi nghĩ ngay tới chuyện loại bỏ một số tiết mục trong ngày vui. Tôi không muốn đèn điện, tôi không muốn quân nhạc, mấy bà trong nhà thấy thế đều buồn. Nhưng đối với tôi bữa tiệc vu quy vui hơn nhiều vì nghĩ hiện giờ ở xứ xa xôi người bố vắng nhà lâu ngày đang gặp lại con gái duy nhất của mình.
R.TAGOR.
Trích báo Ngày Nay số 463 ngày 15 tháng 08 năm 2001.