Những Giấc Mơ
Tác giả: Raymond Carver
Vợ tôi mắc phải thói quen khi thức giấc nàng kể tôi nghe những giấc mơ của nàng. Tôi mang cà-phê và nước trái cây vào ngồi ở một chiếc ghế đặt cạnh giường. Nàng tỉnh giấc, vén lấy mớ tóc đang phủ trên mặt. Nàng có dáng vẻ của người mới ngủ dậy, nhưng trong ánh mắt nàng như là người mới từ ở một nơi nào đó quay về.
“Sao,” tôi nói.
“Thực là điên,” nàng nói. “Lần này còn hơn cả một giấc mơ. Em mơ thấy mình là một đứa con trai đi câu cá với chị của em và cô bạn của chị ấy, lúc đó em đang bị say. Nghĩ thử xem, có phải kỳ lạ lắm không? Em phải lái xe chở họ đi câu cá mà em không tìm ra chìa khóa xe. Rồi lúc tìm được chìa khóa thì chiếc xe không chịu nổ máy. Bỗng nhiên cả bọn đều ở trên một chiếc thuyền đi trên hồ nơi câu cá. Có cơn bão sắp ập tới nhưng em không khởi động được động cơ. Chị của em và cô bạn cứ tiếp tục cười. Nhưng em lo sợ. Rồi tỉnh giấc. Anh thấy có lạ không? Anh giải thích thế nào?”
“Viết nó xuống,” tôi nói, nhún vai. Tôi chẳng có gì để nói. Tôi không mơ. Tôi đã không mơ nhiều năm rồi. Hay là tôi có mơ nhưng tỉnh dậy thì không nhớ gì hết. Mặt khác tôi không phải là chuyên viên về những giấc mơ – của chính tôi hay bất kỳ ai khác. Có lần Dotty kể với tôi, nàng có một giấc mơ ngay trước lúc chúng tôi lấy nhau. Trong giấc mơ nàng thấy mình đang sủa! Nàng choàng mình thức giấc thì thấy con chó Bingo của nàng ngồi bên giường, nó đang nhìn nàng với cái nhìn nàng cảm thấy là lạ. Nàng biết nàng đã sủa trong giấc ngủ. Nó có nghĩa là gì? nàng tự hỏi. “Một giấc mơ xấu,” nàng nói. Nàng ghi thêm vào cuốn sổ giấc mơ của nàng, nhưng chỉ vậy thôi. Nàng không nhắc lại về nó nữa. Nàng không giải thích những giấc mơ của mình. Nàng chỉ ghi nó xuống, rồi khi có một giấc mơ khác lại ghi nó xuống.
Tôi nói, “Anh phải lên lầu đây, anh cần dùng buồng tắm.”
“Lát nữa em sẽ lên ngay. Để em tỉnh giấc đã. Em muốn nghĩ thêm một lúc về giấc mơ này.”
Tôi bỏ mặc nàng ngồi trên giường, tay nàng cầm tách cà phê nhưng không uống. Nàng vẫn ngồi đó suy nghĩ về giấc mơ của nàng.
Tôi thật cũng không cần dùng buồng tắm, tôi lấy cho mình một ít cà-phê rồi ngồi bên chiếc bàn kê trong bếp. Tháng Tám, trời đang đợt nóng, các cửa sổ đều mở. Nóng, phải, thật là nóng bức. Cái nóng chết người. Tôi và vợ tôi ngủ dưới tầng hầm gần suốt tháng. Nhưng mà cũng được. Chúng tôi mang xuống đệm, gối, tấm trải giường, đủ hết mọi thứ. Chúng tôi có cả một chiếc bàn con, đèn ngủ, gạt tàn thuốc. Chúng tôi cười. Trông giống như trở lại cái thuở ban đầu. Tất cả cửa sổ tầng trên đều để mở, và cửa sổ của nhà kế bên cũng đều mở. Tôi ngồi bên bàn nghe tiếng của Mary Rice ở nhà kế bên. Trời còn sớm nhưng cô đã dậy, còn đang mặc áo ngủ và ở trong bếp. Cô ngân nga, và cứ tiếp tục như thế, còn tôi thì vừa ngồi nghe vừa uống cà-phê. Rồi các con của nàng xuống bếp. Và đây là những gì cô nói với con:
“Chào các con. Chào các con cưng của mẹ.”
Đúng vậy. Đó là những gì mẹ chúng nói với chúng. Rồi chúng ngồi vào bàn, cười giỡn về chuyện gì đó. Một đứa vừa lắc chiếc ghế rầm rầm vừa cười.
“Michael, đủ rồi,” Mary Rice nói. “Ăn cho xong đĩa cốm sữa đi, bé cưng.”
Một lát sau, Mary Rice bảo các con của nàng rời khỏi bếp và thay quần áo đi học. Cô lại ngân nga trong lúc rửa một cái đĩa. Tôi lóng nghe và, vừa nghe, tôi vừa nghĩ, tôi là một người giàu có. Tôi có một bà vợ luôn nằm mơ chuyện gì đó mỗi đêm. Cứ mỗi đêm như vậy, nằm bên tôi rồi đến khi rơi vào giấc ngủ nàng lại đi xa mãi vào những giấc mơ phong phú của nàng. Có khi nàng mơ về những con ngựa và về thời tiết và con người, và có khi trong giấc mơ nàng biến đổi cả phái tính. Tôi không tưởng nhớ gì đến những giấc mơ của mình. Tôi có những giấc mơ của nàng để suy tư nếu tôi cần có một cuộc sống mộng mơ. Và tôi có một người đàn bà bên nhà hàng xóm suốt ngày ca hát hoặc ngân nga. Nói chung, tôi cảm thấy mình thật may mắn.
Tôi đến bên cửa sổ trước đứng xem những đứa trẻ nhà bên ra trước cửa chuẩn bị đi học. Tôi thấy Mary hôn trên mặt mấy đứa trẻ, và tôi nghe cô ấy nói, “Tạm biệt các con.” Rồi cô gài cửa lưới, đứng lại một lát trông theo các con đi khuất xuống phố mới quay vào trong.
Tôi biết thói quen của cô. Bây giờ cô sẽ đi ngủ, độ vài tiếng đồng hồ − cô thức suốt từ lúc tan việc làm đêm về nhà, khoảng sau năm giờ sáng một ít. Cô bé giữ trẻ − cô bé hàng xóm tên Rosemary Bandel − sẽ chờ đến khi cô về, rồi cô bé ra khỏi nhà băng qua đường về nhà mình. Đèn sẽ thắp suốt đến sáng bên nhà Mary Rice. Đôi khi, giống như hôm nay, cô để cửa sổ mở, tôi có thể nghe thấy tiếng nhạc dương cầm của một giai điệu cổ điển, và có lần tôi nghe được giọng của Alexander Scourby đọc truyện Great Expectations.
Đôi khi không ngủ được − vợ tôi nằm bên cạnh đang say sưa trong giấc mơ của nàng – tôi ngồi dậy xuống giường, đi lên tầng trên và ngồi bên bàn nghe nhạc của cô, hay nghe băng nói chuyện; và chờ cô đi qua phía sau tấm màn hay chờ đến lúc tôi thấy cô đứng sau rèm cửa sổ. Một đôi lúc điện thoại reo ở bên đó vào giấc hơi sớm và không thích hợp, nhưng cô luôn nhấc máy khi tiếng chuông reo lần thứ ba.
Tên hai đứa con của cô, tôi được biết, là Michael và Susan. Trong mắt tôi chúng không khác biệt gì so với những đứa trẻ hàng xóm, có điều khi gặp chúng tôi nghĩ, các em thật là may mắn khi có một bà mẹ hát cho nghe. Các em không cần đến cha. Có một lần chúng đến gõ cửa nhà tôi bán xà bông tắm, lần khác chúng đến bán hột giống. Chúng tôi không có vườn, dĩ nhiên là không – làm sao có thứ gì có thể mọc nơi chúng tôi sống – nhưng tôi vẫn mua một ít, có chết quái gì chứ. Và đến ngày lễ Ma chúng lại đến trước cửa, luôn luôn đi với cô giữ trẻ – mẹ chúng dĩ nhiên là đang đi làm – tôi cho chúng những thỏi kẹo và gật đầu chào Rosemary Bandel.
Hai vợ chồng tôi ở khu phố này lâu hơn ai hết, chúng tôi chứng kiến hầu hết mọi người đến ở nơi này rồi dọn đi. Mary Rice và chồng con dọn đến cách đây ba năm. Chồng của cô làm thợ sửa đường dây cho một công ty điện thoại. Có một dạo mỗi sáng hắn đi làm vào khoảng 7 giờ rồi về nhà lúc 5 giờ chiều. Rồi sau này hắn không về nhà lúc 5 giờ chiều nữa. Hắn về trễ hơn hay đi suốt luôn.
Vợ tôi cũng để ý đến chuyện đó. “Ba bữa nay em chả thấy hắn về nhà ở bên đó,” nàng nói.
“Anh cũng không thấy,” tôi nói. Một bữa sáng khác tôi nghe có giọng nói lớn tiếng ở bên đó và một hoặc cả hai đứa trẻ đang khóc.
Rồi ở trong chợ, vợ tôi nghe người đàn bà ở nhà phía bên kia của Mary Rice kể là Mary và chồng đã ly thân. “Nó bỏ vợ bỏ bỏ con mà đi,” đó là lời của bà ấy. “Cái thằng cẩu tạp chủng.”
Rồi không lâu sau đó, để tự nuôi sống vì chồng cô đả bỏ việc và đi khỏi thị trấn, Mary Rice phải vào làm việc phục vụ rượu ở nhà hàng, và chẳng mấy chốc, cô cũng bắt đầu thức suốt đêm nghe nhạc và băng nói chuyện. Đôi khi cô cất tiếng hát, lúc khác lại ngân nga. Cũng là người đàn bà sống bên kia nhà của Mary Rice nói cô đang ghi danh học hai khoá hàm thụ ở đại học. Cô đang tự làm lại cuộc đời, người đàn bà này nói, cuộc đời mới cùng với con cô ấy.
Mùa đông không bao lâu nữa sẽ đến, tôi định ra gắn cửa sổ chắn bão. Lúc tôi ở bên ngoài, đang đứng trên thang, hai đứa trẻ nhà bên, Michael và Susan, chạy xông ra khỏi nhà cùng với con chó, chiếc cửa lưới đóng lại đánh sầm ở phía sau. Chúng xúng xính choàng áo khoác chạy xuống hè phố, chân đá tung những đám lá lên.
Mary ra tới trước cửa trông chừng chúng, rồi cô ta nhìn qua bên tôi.
“Chào anh ấy ơi,” cô ta nói. “Anh chuẩn bị cho mùa đông rồi đấy nhỉ.”
“Vâng,” tôi nói. “Cũng không còn bao lâu nữa.”
“Phải, cũng không bao lâu nữa,” cô ta nói. Đợi một lát như muốn nói chuyện gì khác nữa. Rồi cô ta nói, “Trò chuyện với anh vui lắm.”
“Hân hạnh được tiếp chuyện với chị,” tôi trả lời.
Lúc ấy sắp đến lễ Tạ Ơn. Khoảng một tuần sau, lúc tôi mang cà phê và nước trái cây vào phòng ngủ cho vợ tôi, nàng đã dậy và ngồi sẵn đấy chờ tôi để kể về giấc mơ của nàng. Nàng vỗ vỗ xuống mặt giường bên cạnh nàng, tôi ngồi xuống.
“Chuyện này để chép vào sổ,” nàng nói. “Anh muốn nghe thì ngồi xuống nghe.”
“Kể đi,”tôi nói. Tôi nếm thử một hớp ở cái tách của nàng rồi trao nó cho nàng. Nàng bụm hai bàn tay ôm lấy cái tách làm như tay nàng bị lạnh.
“Chúng mình ở trên một chiếc tàu thuỷ,” nàng nói.
“Chúng mình chưa từng đi tàu thuỷ,” tôi nói.
“Em biết, nhưng chúng mình ở trên tàu thuỷ, một chiếc tàu lớn, có lẽ là một chiếc du thuyền. Chúng ta ở trên giường, một cái giường đôi thì phải, rồi ai đó gõ cửa mang vào một khay bánh ngọt. Họ bước vào để lại khay bánh rồi đi ra. Em xuống giường bước đến lấy một cái bánh. Em đói bụng, anh thấy đó, vậy mà lúc em chạm vào cái bánh, nó làm bỏng đầu ngón tay em. Lúc ấy mấy ngón chân em co ngược lên – chúng giống như lúc mình đang hoảng sợ? Rồi em quay lại giường nhưng lại nghe có tiếng nhạc mở to – nhạc của Scriabin – rồi có ai đó khua những cái ly, hàng trăm cái, có lẽ hàng ngàn cái ly, tất cả đều khua lên một lượt. Em đánh thức anh dậy kể anh chuyện ấy, và anh nói để anh đi xem có chuyện gì. Em nhớ là sau khi anh đi rồi em thấy mặt trăng đi qua ở bên ngoài, đi qua ô cửa kính; và rồi chiếc tàu quành lại hay sao đó. Rồi mặt trăng quay trở lại và chiếu sáng cả căn phòng. Rồi anh trở vô, vẫn mặc pi-ja-ma, lên giường và ngủ lại, không nói một lời. Mặt trăng chiếu sáng ngay ngoài ô cửa sổ và mọi vật trong phòng dường như tỏ ngời lên, nhưng anh vẫn không nói lời nào. Em nhớ mình có cảm giác hơi sợ vì anh không nói gì hết, và những ngón chân của em lại co lên. Rồi em ngủ thiếp đi – và bây giờ tỉnh dậy đây. Anh nghĩ gì về chuyện ấy. Có phải là giấc mơ không? Chúa ơi. Anh giải thích ra sao? Anh không mơ gì hết phải không anh?” Nàng hớp một miếng cà phê và nhìn tôi.
Tôi lắc đầu. Tôi không biết nói gì, tôi chỉ nói nàng nên ghi lại vào sổ tay.
“Chúa ơi, em không biết đâu. Càng lúc càng kỳ quặc quá. Anh nghĩ sao?”
“Ghi vào sổ tay đi.”
Chẳng bao lâu đã đến lễ Giáng Sinh. Chúng tôi mua một cây giáng sinh về dựng lên, và buổi sáng ngày lễ chúng tôi trao quà cho nhau. Dotty mua cho tôi một cặp găng tay mới, một quả địa cầu, và đặt một năm tạp chí Smithsonian. Tôi tặng nàng một lọ nước hoa – mặt nàng ửng hồng khi mở gói quà nhỏ – và một chiếc áo ngủ. Nàng ôm tôi. Rồi chúng tôi lái xe qua bên kia thị trấn dùng cơm tối với vài người bạn.
Từ lúc sau Giáng sinh cho đến ngày đầu năm thời tiết càng trở lạnh hơn. Tuyết rơi rồi lại rơi nữa. Michael và Susan một hôm ở ngoài trời chơi khá lâu để đắp người tuyết. Chúng gắn một củ cà rốt trên miệng người tuyết. Ðến đêm tôi có thể thấy ánh sáng của chiếc ti-vi nhập nhòe bên cửa sổ phòng ngủ. Mary Rice vẫn đi đi về về làm việc mỗi tối. Rosemary đến trông trẻ, và mỗi đêm đèn bên đó thắp suốt đến sáng.
Ðêm Tất Niên chúng tôi lại lái xe qua bên kia thị trấn đến dùng cơm tối với mấy người bạn, chơi bài bích, xem ti-vi, và ngay nửa đêm khui một chai sâm banh. Tôi bắt tay với Harold và chúng tôi hút chung một điếu xì gà. Rồi tôi và Dotty lái xe quay về nhà.
Nhưng – và đây là khởi đầu của phần đau xót nhất – khi chúng tôi về tới xóm mình, con phố có hai chiếc xe cảnh sát chận ngang. Bóng đèn trên mui xe quay vòng vòng tới lui. Mấy chiếc xe khác, những người đi xe hiếu kỳ, ngừng lại, và người trong nhà đi ra đường. Hầu hết mọi người đều phục sức chỉnh tề với áo khoác ngoài, nhưng có vài người vẫn còn áo ngủ và khoác lên chiếc áo choàng dầy, hiển nhiên là vừa vội vã mặc vào. Hai chiếc xe chữa lửa đậu dưới đường. Một chiếc thì ở trước sân nhà tôi, chiếc kia nằm trên lối vào nhà xe của Mary.
Tôi báo tên của tôi cho ông cảnh sát, và nói tôi ở đàng đó, chỗ chiếc xe chữa lửa to đùng đang đậu – “Họ đến trước nhà mình!” Dotty kêu lên – người cảnh sát bảo chúng tôi đậu xe lại.
“Có chuyện gì vậy?” tôi hỏi.
“Tôi chắc có một cái máy sưởi phát cháy. Có người cũng nói vậy. Có hai đứa trẻ ở trong đấy. Ba đứa, tính luôn con bé giữ trẻ. Con bé đó thoát được. Hai đứa kia thì không, tôi không đoán chừng đâu. Ngạt khói mà.
Chúng tôi đi bộ dọc theo con phố đến nhà mình. Dotty đi bên sát bên tôi và nắm cánh tay tôi. “Ôi chúa ơi,” nàng nói.
Ðến gần nhà Mary Rice, dưới ánh sáng rọi lên từ những chiếc xe chữa lửa, tôi có thể thấy một người đứng trên mái nhà, tay cầm vòi phun nước. Nhưng bây giờ chiếc vòi chỉ còn chảy rỉ rỉ mà thôi. Cửa sổ phòng ngủ bị phá vỡ, bên trong phòng ngủ tôi thấy một người đi lại trong phòng tay cầm một vật, có thể là cái rìu. Rồi một người bước ra khỏi cửa trước ôm cái gì đó trong tay, và tôi nhận ra đó là con chó của bọn trẻ. Tôi rùng mình kinh sợ.
Một tổ thu hình lưu động của đài truyền hình địa phương ở đó, một người mang máy quay phim trên vai đang thu hình. Hàng xóm bu lại chung quanh. Tiếng động cơ xe chữa lửa vẫn nổ, thỉnh thoảng có giọng nói phát ra từ loa phóng thanh gắn ở trong xe. Nhưng những người đứng xem không ai nói tiếng nào. Tôi nhìn họ, và tôi thấy Rosemary, cô bé đứng cạnh ba mẹ của cô, miệng há hốc. Họ mang hai đứa trẻ xuống bằng băng ca. Họ, những người lính chữa lửa, những gã to lớn trang bị trên người với ủng, nón và áo khoác, những người đàn ông trông như bất khả huỷ diệt, như là họ có thể sống hàng trăm năm nữa. Họ đi ra, mỗi người một đầu của mỗi chiếc băng ca, mang theo hai đứa trẻ.
“Ôi! Trời ơi,” người đứng xem quanh đó kêu lên. Rồi có ai đó lại bật lên trong tiếng khóc, “Ôi! Trời ơi! Ðừng.”
Họ đặt băng ca xuống đất. Một người đàn ông mặc com-lê và đội mũ len bước đến dùng ống nghe nghe nhịp tim từng đứng trẻ, và sau đó gật đầu ra hiệu cho mấy nhân viên cứu thương, những người này bước tới nhấc băng ca lên.
Ngay lúc đó một chiếc xe nhỏ trờ tới, Mary Rice từ phía bên ghế hành khách nhảy ra khỏi xe. Cô chạy đến chỗ mấy người đang sắp sửa đẩy hai cái vào xe cứu thương. “Bỏ xuống!” cô la lên. “Bỏ chúng xuống!”
Các nhân viên cứu thương ngừng lại, họ đặt băng ca xuống và lui ra. Mary Rice cúi người xuống hai đứa con và gào lên – phải, không còn từ nào khác. Người ta lui lại, rồi bước tới, lúc cô khuỵu người quì xuống tuyết bên hai chiếc băng ca, và cô đưa tay sờ mặt từng đứa trẻ.
Người đàn ông mặc com-lê đeo ống nghe bước tới quì bên Mary Rice. Một người khác − có thể là đội trưởng đội chữa lửa hay có thể là đội phó – ra hiệu cho những người cộng sự và bước đến bên Mary Rice đỡ cô ta dậy và quàng tay qua vai cô. Người đàn ông mặc com-lê đứng một bên của cô nhưng ông ta không chạm đến cô. Gã lái xe đưa cô về nhà bây giờ bước đến gần xem diễn biến sự việc, nhưng hắn chỉ là một thằng bé sợ sệt, một gã dọn bàn hoặc rửa bát đĩa. Hắn không nên ở đó chứng kiến cảnh khổ đau của Mary Rice và hắn biết điều ấy. Hắn đứng lui lại sau mọi người, dán mắt vào hai cái băng ca khi người ta đẩy chúng vào phía sau xe cứu thương.
“Ðừng!” Mary kêu lên và nhảy đến sau xe cứu thương lúc hai chiếc băng ca được đẩy vào.
Tôi đến bên cô – không có ai khác làm chuyện gì hết – tôi cầm tay cô ta và nói, “Mary, Mary Rice.”
Cô vùng người khỏi tôi và nói, “Tôi không biết ông, ông muốn gì?” Cô giật tay về và tát vào mặt tôi. Rồi cô lên xe cứu thương cùng với các nhân viên, và chiếc xe chạy xuống phố, lướt đi, tiếng còi tắt hẳn, mọi người bỏ đi.
Tôi trằn trọc đêm ấy. Dotty rên rỉ trong giấc ngủ và chặp chặp lại trở mình. Tôi biết suốt đêm nàng mơ đến một nơi nào đó xa cách với tôi. Sáng hôm ấy, tôi không hỏi nàng đã mơ thấy những gì, và nàng cũng không tự ý kể ra. Nhưng khi tôi mang nước trái cây và cà phê vào cho nàng, nàng đang cầm viết với cuốn sổ trên đùi. Nàng đóng nắp viết đặt nó trong cuốn sổ và nhìn tôi.
“Nhà bên cạnh ra sao rồi?” Nàng hỏi tôi.
“Không có gì,” tôi nói. “Căn nhà tối om. Vết bánh xe đầy trên mặt tuyết. Cửa sổ phòng ngủ của mấy đứa trẻ bị đập vỡ. Vậy thôi. Không có gì khác. Ngoại trừ cái đó, cái cửa sổ phòng ngủ, không thể biết là đã có hỏa hoạn. Không thể biết là có hai đứa trẻ đã chết.”
“Người đàn bà đáng thương,” Dotty nói. “Chúa ơi, người đàn bà bất hạnh ấy thật đáng thương. Chúa phù hộ cô ta. Và cả chúng ta nữa.”
Buổi sáng đó thỉnh thoảng người ta cho xe chạy chậm lại và nhìn vào nhà cô ta. Hoặc có người đến trước nhà, nhìn lên cửa sổ, nhìn những đám tuyết bị xéo dồn cục lại trước căn nhà, rồi họ bỏ đi. Ðến trưa tôi nhìn ra cửa sổ thấy một chiếc station wagon chạy đến đậu lại. Mary Rice và người chồng cũ, cha của mấy đứa bé, bước ra khỏi xe và vào nhà. Họ đi chậm, người đàn ông nắm cánh tay cô và cả hai bước lên bực cấp. Chiếc cửa trước hàng hiên vẫn còn để mở từ tối hôm qua. Cô ta vào trước. Rồi người đàn ông theo sau.
Tối đó trên mục tin tức đài địa phương chúng tôi thấy lại trọn vẹn câu chuyện lần nữa. “Em xem không nổi,” Dotty nói, nhưng nàng vẫn cứ xem, giống như tôi vậy. Ðoạn phim chiếu cảnh nhà của Mary và một người đàn ông đứng trên mái nhà đang cầm chiếc vòi phun nước xuống qua cửa sổ bị phá vở. Rồi hai đứa bé được khiêng ra, thêm một lần nữa chúng tôi nhìn thấy Mary Rice khuỵu quì người xuống. Rồi khi chiếc hai chiếc băng ca được đẩy vào xe cứu thương, Mary Rice vùng người ra khỏi một ai đó và la lên “Ông muốn gì?”
Trưa hôm sau chiếc station wagon chạy đến trước nhà. Ngay sau khi chiếc xe dừng lại, lúc người đàn ông chưa kịp tắt máy, Mary Rice đã bước xuống bực cấp. Người đàn ông ra khỏi xe, nói “Chào em, Mary,” và mở cửa xe phía hành khách cho cô. Rồi họ đi làm đám tang.
Người đàn ông ở lại bốn đêm sau đám tang, rồi buổi sáng sau đó tôi dậy sớm, như thường lệ, chiếc xe biến mất và tôi biết hắn đã đi lúc nào đó trong đêm.
Sáng hôm ấy, Dotty kể tôi nghe về giấc mơ của nàng. Nàng ở trong một ngôi nhà ở vùng đồng quê và có một con ngựa trắng đến nhòm qua cửa sổ nhìn nàng. Rồi nàng thức giấc.
“Em muốn làm một cái gì đó để tỏ ý chia buồn,” Dotty nói. “Em muốn mời cô ấy qua dùng cơm tối, có lẽ vậy.”
Nhưng ngày lại qua ngày và chúng tôi không làm gì hết, tôi cũng như Dotty, về việc mời cô qua. Mary Rice trở lại đi làm, chỉ là bây giờ cô làm ban ngày, ở văn phòng, và tôi thấy cô ra khỏi nhà buổi sáng và về khoảng sau năm giờ một ít. Ðèn bên đó đến khoảng mười giờ tối thì tắt. Chiếc rèm bên phòng của mấy đứa trẻ luôn luôn kéo xuống, và mặc dầu tôi không biết, tôi nghĩ là chiếc cửa phòng đã đóng.
Cho đến cuối tháng Ba, một thứ Bảy, tôi ra ngoài để tháo những chiếc cửa chắn bão xuống. Nghe có tiếng động và tôi trông sang thấy Mary Rice đang dùng xẻng xới đất sau nhà, cô ta mặc quần ka-ki, áo len và đội nón rộng vành. “Chào chị,” tôi nói.
“Chào anh,” cô nói. “Tôi nghĩ là tôi hơi gấp. Nhưng bây giờ thì tôi thật rảnh, anh thấy đó, với lại trên bao bì người ta đề là lúc này trong năm.” Cô lấy trong túi ra một gói hạt giống. “Mấy cháu năm ngoái đi bán hạt giống quanh xóm. Tôi dọn ngăn kéo tìm thấy mấy gói này.”
Tôi không nhắc đến những gói hạt giống còn nằm trong ngăn tủ bếp của nhà tôi. “ Ðã lâu rồi vợ tôi và tôi có ý muốn mời chị qua dùng cơm tôi với chúng tôi,” tôi nói. “Tối nào chị qua dùng cơm với chúng tôi nhé. Hay là chị qua tối nay, nếu chị rảnh?”
“Tôi nghĩ được. Vâng. Nhưng tôi không biết tên anh, và tên của vợ anh.”
Tôi nói với cô, rồi tiếp, “Sáu giờ chắc được chứ?”
“Khi nào? À, vâng. Sáu giờ thì được.” Cô đặt tay lên xẻng và ấn xuống. “Ðể tôi tiếp tục trồng mấy hạt giống này. Sáu giờ tôi sẽ qua bên đấy. Cám ơn anh.”
Tôi trở vô nhà nói cho Dotty biết về bữa cơm tối. Tôi đem những cái đĩa xuống và soạn dao nỉa ra. Lát sau tôi nhìn qua, bên vườn, Mary Rice đã bỏ vào nhà.