Cạm Bẫy Trong Việc Tìm Biết Ý Chúa
Tác giả: R.B.Kuiper
"Làm thế nào tôi biết được ý muốn Chúa trên đời sống tôi?" Mỗi Cơ Ðốc Nhân cứ phải đối diện với câu hỏi đó.
Câu trả lời thật đơn giản và có thể trình bày hết sức ngắn gọn. Lời Ðức Chúa Trời, Lời Kinh Thánh, là nguyên tắc duy nhất không sai lầm cho đời sống và đức tin của chúng ta.
Chắc chắn chúng ta không thể quên rằng để hiểu đúng Lời Ðức Chúa Trời, chúng ta không thể thiếu sự soi dẫn của Ðức Thánh Linh. Thế nhưng điều đó không bao giờ có nghĩa rằng Ðức Chúa Trời mặc khải ý muốn Ngài cho con cái Ngài bằng hai cách riêng biệt khác nhau - bởi Lời Ngài và bởi Thánh Linh Ngài. Ngài bày tỏ ý muốn Ngài cách rõ ràng bằng một cách duy nhất mà thôi, ấy là bởi Thánh Linh Ngài thông qua Lời Ngài.
Vấn đề còn lại là chúng ta chỉ có một sự trình bày khách quan không sai lầm về ý muốn Ðức Chúa Trời cho đời sống chúng ta. Ấy là Kinh Thánh. Bản xưng nhận Tín Lý Westminster (1.6) có nói:
Toàn bộ ý muốn của Ðức Chúa Trời về mọi sự cần thiết cho sự vinh hiển Ngài, cho sự cứu rỗi, đức tin và sự sống của con người hoặc được trình bày rõ ràng trong Kinh Thánh, hoặc bởi sự suy luận hợp lý, lành mạnh và cần thiết có thể rút ra ra từ Kinh Thánh: mà bởi đó không bao giờ được thêm vào điều gì, dù là bởi sự mặc khải mới của Thánh Linh hay là bởi truyền thống của con người.
Ai cũng đã biết những người không tin Chúa và những người theo chủ nghĩa tân thời khước từ không công nhận Kinh Thánh như là nguyên tắc không hề sai lệch cho đời sống. Ðiều người ta ít khi hiểu được là: có rất nhiều quan điểm sai lầm về vấn đề này đang thịnh hành giữa những người được xem là những Cơ Ðốc Nhân thủ cựu. Ngay trong vòng những Cơ Ðốc Nhân cũng có người tìm biết ý Chúa cho đời sống mình bằng những phương pháp khác hơn là học hỏi Lời Ngài và bởi đó mà có lẽ chỉ vô tình nhưng thật sự đã khước từ sự đầy đủ của Thánh Kinh.
Thử xem xét sơ lược vài ví dụ về vấn đề này, chúng ta có thể thấy rõ hơn.
Truyền thống của con người
Khi Chúa Giêxu còn tại thế, Ngài trách những thầy thông giáo và người Pharisi vì họ để truyền thống của những bậc huynh trưởng ngang hàng, hay thậm chí trên cả, luật pháp của Ðức Chúa Trời. Ngài buộc tội họ lấy truyền thống con người mà làm vô hiệu hóa điều răn của Ðức Chúa Trời. Chẳng hạn một người có cha mẹ mình nghèo khó, luật pháp của Ðức Chúa Trời tuyên bố rằng nhiệm vụ thiêng liêng của người đó là giúp đỡ cha mẹ mình hết khả năng mình có. Tuy nhiên theo truyền thống người Do Thái, người đó có thể tránh né nhiệm vụ này bằng cách đơn giản là tuyên bố rằng điều mà đáng lẽ người đó có thể cho cha mẹ mình là corban, nghĩa là, được dâng cho Ðức Chúa Trời vàkhông thể nào bị trệch hướng khỏi mục tiêu thiêng liêng này.
Giáo hội Công Giáo La Mã có nhiều truyền thống không có nền tảng trong Lời Ðức Chúa Trời nhưng lại được mang ra làm điều bắt buộc cho giáo dân phải tuân theo. Vì thế chúng ta không phải ngạc nhiên khi giáo hội La Mã công khai nhìn nhận rằng không chỉ Kinh Thánh là không hề sai lầm mà Giáo hội cũng vậy nữa. Vì thế mà truyền thống giáo hội được xem là có thẩm quyền như chính Kinh Thánh vậy.
Giáo hội Cải Chánh từ đầu đã mạnh dạn khước từ thẩm quyền của truyền thống và khẳng định thẩm quyền duy nhất của Kinh Thánh làm nguyên tắc quản trị của mình. Thế nhưng ngày nay nhiều người trong chúng ta đang là những tín đồ Cải Chánh thật tội nghiệp! Chúng ta thấy khó phân biệt giữa truyền thống con người và luật pháp thiêng thượng làm sao! Chúng ta hay có khuynh hướng khiến truyền thống của con người nên sự ràng buộc như là điều răn của Ðức Chúa Trời- hay thậm chí còn hơn chút ít nữa.
Bởi sự ban cho tốt lành của Ðức Chúa Trời, tôi có những bậc cha mẹ tin kính. Tôi được lớn lên trong một mái gia đình tràn ngập bầu không khí Cơ Ðốc rõ rệt. Chẳng hạn, gia đình chúng tôi có thói quen là không những cầu nguyện trước và sau bữa ăn mà còn đọc một đoạn Kinh Thánh vào mỗi bữa ăn. Tôi xem thói quen kể trên là thói quen đáng được khen ngợi nhất. Nó không chỉ bảo đảm sự thường xuyên trong việc thờ phượng gia đình lễ bái mà còn thể hiện rất hay lẽ thật quan trọng rằng nhu cầu của con người cần có thức ăn tâm linh ít ra là cũng lớn bằng nhu cầu thức ăn thuộc thể. Vì thế, tôi không hề có ý mảy may nào xa rời khỏi thói quen đó. Tôi yêu mến thói quen đó đến nỗi tôi vững vàng chờ đợi gìn giữ nó trọn cả đời mình. Hơn nữa, tôi cũng mạnh mẽ giới thiệu nó cho tất cả Cơ Ðốc Nhân. Tuy nhiên, liệu tôi có quyền ép buộc cách đọc Kinh Thánh này trên người khác không? Tôi có thể xem những người đọc Kinh Thánh theo cách khác là phạm tội chểnh mảng không? Nói cách khác, tôi có quyền nâng truyền thống rất tuyệt vời này lên ngang hàng với luật pháp thiên thượng không? Dĩ nhiên là không. Chắc chắn là không!
Nếu như thậm chí những truyền thống tốt đẹp nhất của con người không thể mang ra so sánh với điều răn của Ðức Chúa Trời, thì chắc chắn những truyền thống ít cao trọng hơn không đáng cho chúng ta lưu tâm.
Nguyện chúng ta luôn cảnh giác với những người mang danh tôn giáo mà thêm vào luật pháp của Ðức Chúa Trời. Khắt khe hơn chính Ðức Chúa Trời không phải là ngoan đạo mà ngược lại là một sự kiêu căng gớm ghiếc. Thêm vào luật pháp của Ðức Chúa Trời là một tội cũng ghê gớm như bớt đi luật pháp của Ngài. Ai làm một trong hai điều đó là tự đặt mình vào địa vị của Ðức Chúa Trời.
Vì thế, không có gì lạ khi những người mà ngày nay ngăn cấm những gì Ðức Chúa Trời cho phép ngày mai sẽ cho phép những gì Ðức Chúa Trời cấm. Ðó chính là điều mà chúng ta có thể trông đợi ở những người tự đặt mình làm người ban luật pháp thay cho Ðức Chúa Trời. Người đó chắc chắn sẽ ngã từ dốc cao của chủ nghĩa đạo đức cứng nhắc xuống vực thẳm hôi thối của sự vô đạo đức.
Lương tâm cá nhân
Rất nhiều người, cả Cơ Ðốc Nhân và người không tin, đều cho rằng lương tâm là một sự hướng dẫn không sai lầm để chúng ta có thể sống phải lẽ. Thường người ta định nghĩa lương tâm là tiếng của Ðức Chúa Trời trong con người.
Sai lầm của niềm tin tưởng này dễ lộ rõ. Thật ra, lương tâm đúng là một quà tặng quý giá của Ðức Chúa Trời cho con người. Nhưng, như mọi sự khác trong con người, nó cũng bị tội lỗi làm hỏng đi. Vì vậy, nó đã trở nên hết sức sai lệch.
Có câu nói cũng rất đúng là lời tuyên bố duy nhất hoàn toàn đáng tin cậy của lương tâm là: làm theo điều sai là sai. Về vấn đề này thì lương tâm của ai cũng đồng ý một cách đúng đắn như vậy. Thế nhưng khi bàn đến vấn đề thế nào là sai và thế nào là đúng thì lương tâm của những người khác nhau lại đưa ra rất nhiều câu trả lời và không ít lần hoàn toàn mâu thuẩn với nhau. Ðiều này có nghĩa là nếu chúng ta cho phép lương tâm con người quyết định điều gì được phép làm và điều gì không được phép làm, chúng ta sẽ buộc phải nhận rằng không có cái gọi là điều tốt một cách khách quan. Câu hỏi "Thế nào là tốt?" sẽ trở nên một câu hỏi không trả lời được.
Thế thì, lương tâm cũng dễ bị tác động. Lương tâm của mọi người đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những truyền thống của tuổi thơ ấu. Khi những truyền thống này bị bỏ lại đằng sau, lương tâm thường thay đổi. Và tiếng nói của lương tâm chẳng bị làm cho câm lặng đi sao nếu ai đó cứ tiếp tục làm điều mà nó ngăn cấm?
Một người hoàn toàn có thể cảm thấy mình đang vì một trách nhiệm thiêng liêng mà làm một việc gì đó hoàn toàn sai trật. Kinh Thánh cho chúng ta một ví dụ nổi bật trong trường hợp này. Sứ đồ Phaolô cho chúng ta biết rằng trước khi tin nhận Chúa, ông thành thật cho rằng mình phải làm nhiều điều chống lại danh Giêxu ở Naxarét. Khi ân điển Ðức Chúa Trời mở mắt ông, ông thấy rằng bởi làm những việc đó, ông đã trở nên "người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo." (1Timôthê 1:13)
Khi một người được sanh lại, sự sống mới của Chúa tác động trên người đó về mọi mặt. Người đó được ban cho một tấm lòng mới và vì mọi vấn đề của cuộc sống ra từ tấm lòng, mọi sự đều trở nên mới đối với người đó. Giờ đây anh ta có suy nghĩ, ý muốn và cảm xúc khác đi. Lương tâm của anh ta cũng được soi sáng. Thế nhưng tội lỗi và những hậu quả của nó sẽ không tiêu mất đi hohàn toàn cho đến ngày nào anh ta giã từ cõi đời này. Và vì thế mà lương tâm, ngay cả của Cơ Ðốc Nhân, về chi tiết cũng khác nhau. Tôi biết một Cơ Ðốc Nhân mà lương tâm của anh ta không cho phép anh ta đi bộ dù chỉ một dặm đường trong ngày Chúa Nhật, ngoại trừ trường hợp đi nhà thờ. Cá nhân tôi, tôi có thể đi bộ hơn ba dặm trong ngày Chúa Nhật màkhông bị lương tâm cáo trách. Ngược lại, đôi khi lương tâm tôi còn thấy hơi không yên nếu không đi bộ nhiều hơn tôi đi trong mỗi một ngày của bảy ngày trong tuần.
Chúng ta kết luận rằng lương tâm không thay thế cho Lời Ðức Chúa Trời để làm khuôn thước cho đời sống chúng ta được. Ngay cả lương tâm của người tin Chúa cũng vậy. Và điều này có nghĩa là, cùng với những điều khác nữa, không ai có quyền áp đặt tiếng nói của lương tâm mình trên người khác.
Coi bói "theo kiểu Cơ Ðốc"
Satan thích bắt chước Ðức Chúa Trời. Ảo thuật, chẳng hạn, là cách Satan bắt chước phép lạ, và bói toán là cách của nó thay cho lời tiên tri.
Người ngoại thường tìm đến bói toán để tìm hiểu ý muốn của thần thánh mình. Họ có thể giết một con thú. Rồi một nhân vật linh thiêng nào đó, chẳng hạn như thầy cúng, sẽ xem xét bộ lòng. Sau đó người đó sẽ công bố điều mà thần thánh sẽ làm.
Không cần nói cũng biết rằng không Cơ Ðốc Nhân nào lại cố tình sử dụng đến một phương pháp nào dù rằng chỉ tương tự chút ít với cách đó.
Thế nhưng, điều lạ lùng là những Cơ Ðốc Nhân thiện chí thỉnh thoảng vẫn tìm kiếm ý Chúa bởi một phương pháp không phải là không liên quan gì đến phương cách bói toán của người ngoại. Những Cơ Ðốc Nhân đó tin chắc rằng Kinh Thánh là nguồn tri thức duy nhất cho chúng ta hiểu biết ý muốn thiên thượng. Vì thế để phát hiện ra ý muốn đó, họ tìm đến Kinh Thánh. Thế nhưng tìm đến Kinh Thánh bằng cách nào? Họ có học hỏi những gì ghi chép trong Kinh Thánh không? Không. Họ cầu nguyện ngắn xin Chúa hướng dẫn, rồi giở Kinh Thánh ra cách hú họa, rồi tìm kiếm câu trả lời trong câu Kinh Thánh đầu tiên đập vào mắt mình.
Bất cứ người nào biết suy nghĩ đều phải thấy rõ rằng cách này làm hổ thẹn Kinh Thánh. Tiến sĩ Machen có lần so sánh nó giống như cách người ta dùng bảng cầu cơ vậy. Sử dụng Kinh Thánh như vậy làsỉ nhục Kinh Thánh. Lời Ðức Chúa Trời không phải là một đồ dùng ảo thuật. Cách này có thể được mô tả khá chính xác là coi bói "theo kiểu Cơ Ðốc".
Kinh Thánh rút gọn
Những người theo chủ nghĩa hiện đại nói với chúng ta rằng không phải cả Kinh Thánh đều là Lời Ðức Chúa Trời. Những Cơ Ðốc Nhân chính thống khăng khăng rằng cả Kinh Thánh là Lời Ðức Chúa Trời. Thế nhưng vẫn có những người trong số những Cơ Ðốc Nhân chính thống lại tạm rút ngắn Kinh Thánh. Chắc chắn họ không nói bất cứ phần nào của Kinh Thánh là không chân chính nhưng họ dạy rằng những phần nào đó của Kinh Thánh không dành cho chúng ta là những Cơ Ðốc Nhân của giai đoạn mới.
Những anh em thuộc phái Giai đoạn thần thị thuyết (Dispensationist) của chúng ta tin rằng bài cầu nguyện chung chẳng hạn không phải dành cho chúng ta. Họ phân ranh giới rất rõ rệt giữa giai đoạn của luật pháp khi dân Ysơraên sống sau khi nhận lãnh luật pháp tại núi Sinai, và giai đoạn ân điển mà chúng ta sống ngày nay, hầu khước từ rằng Mười Ðiều Răn không phải là cho chúng ta. Một thầy giảng theo phái Giai đoạn thần thị thuyết ở New York có lần nói là bài cầu nguyện chung "không có giá trị hơn những tiếng sấm sét tại núi Sinai đối với hội thánh Cơ Ðốc." Không phải ai thuộc phái này cũng đều cực đoan như nhau, thế nhưng ít nhất một người cực đoan đã tiến đến kết luận rằng phần duy nhất trong Kinh Thánh dành cho chúng ta chỉ thu gọn trong giới hạn của những sách gọi là những thư tín trong tù.
Khi người ta khước từ không nhận rằng Cơ Ðốc Nhân buộc phải vâng theo Mười Ðiều Răn, những hàm ý của nó cho vấn đề đạo đức Cơ Ðốc đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Sự khước từ này chính là bản chất của tà thuyết tàn phá nguy hiểm xưa mang tên chủ nghĩa phản luật pháp. Lịch sử hội thánh Cơ Ðốc cho chúng ta biết rằng chủ thuyết phản luật pháp đã không dẫn đến đời sống thánh khiết. Làm sao nó có thể làm điều đó được? Nó tước khỏi chúng ta chính sự tóm tắt của Ðức Chúa Trời về ý muốn của Ngài cho đời sống chúng ta. Nó muốn cướp khỏi chúng ta sự mặc khải về ý muốn thiên thượng, là một sự thể hiện của chính bản tánh Ðức Chúa Trời, là điều mà sứ đồ Phao lô đã mô tả với những mỹ đức thiên thượng là thánh, công bình và tốt lành (Rôma 7:12)
Chúng ta không lấy làm lạ khi những người khước từ giá trị đời đời của luật pháp về đạo đức đi tìm kiếm một điều gì khác để thế vào chỗ nó. Và vì thế ít nhất một vài người trong số họ đã tiến đến chỗ nhờ vào sự hướng dẫn thần bí mơ hồ nào đó của Thánh Linh để tìm sự mặc khải ý muốn Ðức Chúa Trời.
Thuyết thần bí tự phụ
Cốt lõi của thuyết thần bí là sự phân rẽ giữa sự làm việc của Ðức Thánh Linh và lời khách quan của Ðức Chúa Trời mà cho rằng Thánh Linh thường mặc khải ý Ðức Chúa Trời mà không cần liên quan đến Kinh Thánh, và bởi hàm ý rõ ràng từ đó mà khước từ rằng Kinh Thánh là sự mặc khải một lần đủ cả và đã hoàn tất của Ðức Chúa Trời về ý muốn Ngài.
Ai học Kinh Thánh đều công nhận rằng trước khi Kinh Thánh được hoàn tất, Ðức Chúa Trời thường mặc khải ý muốn Ngài qua những phương pháp như khải tượng, chiêm bao và rút thăm. Thế nhưng khẳng định rằng Ðức Chúa Trời vẫn tiếp tục dùng những phương pháp này sau khi đã hoàn tất Kinh Thánh là chối bỏ tính đầy đủ của Kinh Thánh. Rõ ràng đó là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những nhà thần học Westminster phản đối tư tưởng đó trong lời cảnh báo rằng không có điều gì trong bất kỳ thời điểm nào được thêm vào Kinh Thánh, ngay cả "bởi sự mặc khải mới của Thánh Linh."
Thế nhưng, cái ý niệm rằng người ta có thể học biết ý muốn Ðức Chúa Trời bởi sự hướng dẫn đặc biệt của Thánh Linh bên ngoài Kinh Thánh đang thịnh hành biết bao!
Có một câu chuyện xưa về một thanh niên tưởng tượng rằng anh ta nhìn thấy những ký tự P.C viết trên bầu trời, và diễn giải rằng đó là mạng lịnh thiên thượng cho mình để Rao Giảng Ðấng Christ (chữ "rao giảng Ðấng Christ " trong tiếng Anh là "Preach Christ" với hai ký tự đầu tiên là P.C) Tuy nhiên chẳng bao lâu sau khi anh ta đến thần học viện, ai cũng thấy rõ rằng anh không có khả năng học tập. Vì thế một giáo sư lớn tuổi gọi riêng anh ta và một cách tử tế ông gợi ý rằng có lẽ anh đã diễn giải nhầm cái mà anh cho là khải tượng. Chữ P.C có thể có nghĩa là"trồng bắp" (chữ "trồng bắp" trong tiếng Anh là "Plant Corn" cũng có hai ký tự đầu là P.C)
Rồi cũng có câu chuyện về một người đàn bà góa thông báo cho một quí ông kia rằng trong khải tượng bà đã được mặc khải rằng bà và ông ấy nên kết hôn với nhau. Quí ông này liền khéo léo trả lời rằng ngay khi ông cũng nhận được khải tượng tương tự thì họ sẽ định ngày cưới.
Có lần tôi gặp một bịnh nhân tại một bịnh viện tâm thần. Người này đã muốn bắn mục sư của mình vì, theo như ông ta tuyên bố, Ðức Chúa Trời đã mặc khải cho ông một cách rõ ràng không nhầm lẫn rằng ông có trách nhiệm phải thực hiện điều đó. Tương tự như vậy, có những người không ở trong dưỡng trí viện nhưng cũng "cảm thấy mình được dẫn dắt" làm những việc tệ hại gần như thế mà trong lòng tin tưởng chắc chắn rằng mình đang đi "ngay trong ý muốn Ðức Chúa Trời"
Tuyên bố sự mặc khải đặc biệt về ý muốn Ðức Chúa Trời bởi Thánh Linh bên ngoài Kinh Thánh nghe thì có vẻ thiêng liêng ngoan đạo nhưng thật ra lại là một sự tự kiêu nguy hại đưa người tuyên bố điều đó vào tình trạng mở rộng cửa cho sự lừa dối của Satan.
Hình thức của sự thần bí này thường thể hiện trong những lời cầu nguyện chắc hẳn là gớm ghiếc trước mặt Ðức Chúa Trời. Thay vì cầu xin Ðức Thánh Linh làm rõ ý muốn thiên thượng về vấn đề cầu hỏi trong Thánh Kinh, người ta chỉ cầu nguyện để được dẫn dắt hầu biết được ý muốn Ðức Chúa Trời mà không mảy may cố gắng tìm kiếm nó từ Lời Ngài. Ðiều đó rốt cuộc là thử Ðức Chúa Trời giống như một người nghiện rượu sắp bước vào một quán rượu mà cầu nguyện rằng "Xin chớ để con bị cám dỗ." Thật quá dễ dàng cho một người như thế để tự thuyết phục mình rằng bất cứ điều gì mình cảm thấy muốn làm sau khi cầu xin sự hướng dẫn thì không thế nào sai trật cả.
Quan điểm thần bí mở toang cánh cửa cho tính đạo đức giả ở mức độ tệ hại nhất.
Sự dẫn dắt do ý Chúa
Ít có ý niệm nào được Cơ Ðốc Nhân tin tưởng phổ biến hơn là ý niệm rằng Ðức Chúa Trời hay bày tỏ ý Ngài bằng hai cách: Lời Ngài và sự tể trị của Ngài.
Không khó cho thấy rằng người ta sai lầm nghiêm trọng khi kết hợp sự sắp đặt thần hựu với Lời Ðức Chúa Trời như là nguồn của sự hiểu biết về ý muốn thiên thượng.
Những nhà thần học phân biệt giữa ý muốn kín giấu của Ðức Chúa Trời, thể hiện trong ý định sẳn của Ngài, và ý muốn mặc khải của Ngài, thể hiện trong luật pháp Ngài. Cả hai thường được gọi tên là ý muốn chỉ định và ý muốn giáo huấn của Ðức Chúa Trời. Dĩ nhiên, Ðức Chúa Trời không có hai ý muốn, nhưng để tiện sử dụng, người ta phân biệt ra giữa hai mặt của ý muốn thiên thượng. Ý muốn mặc khải của Ðức Chúa Trời là một sự hướng dẫn không sai trật cho đời sống của con cái Ngài. Thế nhưng ý muốn kín giấu của Ngài rõ ràng là không có tác dụng hướng dẫn gì cả. Việc Giuđa phản Chúa Giêxu là nằm trong ý định của Ðức Chúa Trời. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng nó xảy ra "theo ý định trước và sự biết trước của Ðức Chúa Trời" (Công vụ 2:23). Thế nhưng điều đó không giảm nhẹ tội của Giuđa chút nào. Giuđa phạm tội không tả xiết vì ông đã vi phạm ý muốn mặc khải của Ðức Chúa Trời một cách rõ ràng nhất. Tại đây có thể áp dụng Phục Truyền 29:29 "Những bí mật thuộc về Giêhôva Ðức Chúa Trời chúng ta; song những sự bày tỏ thuộc về chúng ta, và con cháu chúng ta đời đời để chúng ta làm theo mọi lời của luật pháp này."
Ý muốn thần hựu đơn giản là sự giải tỏ dần dần ý muốn kín giấu của Ðức Chúa Trời. Thế thì hoàn toàn rõ ràng rằng nó không thể làm sự hướng dẫn cho cách sống đạo đức của chúng ta. Người ta vẫn nói rằng số phận là trách nhiệm nhưng đó là một tà giáo nguy hại.
Một phần của tà giáo này là ý niệm phổ biến rằng kế hoạch của Ðức Chúa Trời cho đời sống một người cũng là nhiệm vụ của người đó. Người ta rất thường nói rằng ai đó bởi việc chễnh mãng với trách nhiệm của mình có thể phá vỡ kế hoạch của Ðức Chúa Trời cho đời sống mình. Thế nhưng đó là hình thức lộ liễu nhất của quan điểm theo phái Arminius* (phái nầy cho rằng sự cứu rỗi của con người tùy thuộc vào sự quyết định của mỗi người chớ không do sự chọn trước của Ðức Chúa Trời). Sự thật là chương trình của Ðức Chúa Trời không bao giờ thất bại cả. Ngài tuyên bố rằng "Mưu của ta sẽ lập và ta sẽ làm mọi sự ta đẹp ý" (Êsai 46:10). Mọi sự xảy ra theo ý định sẵn của Ðức Chúa Trời và bằng phương cách của sự quản trị thần hựu Ngài.
Ðiều này áp dụng đúng cho tội lỗi cũng như cho những việc làm tốt của con người. Chương trình của Ðức Chúa Trời bao gồm những tội lỗi của các anh Giôsép nghịch cùng ông. Vì thế, ông có thể nói với họ rằng "Các anh toan hại tôi, nhưng Ðức Chúa Trời lại toan làm điều ích cho tôi hầu cho cứu sự sống cho nhiều người, y như đã xảy đến ngày nay, và giữ gìn sự sống của dân sự đông đảo" (Sáng Thế Ký 50:20). Một phần quan trọng nhất của chương trình của Ðức Chúa Trời là sự đóng đinh Con Ngài. Thế nhưng thật là phạm thượng nếu chúng ta nói rằng điều này khiến cho hành động đó nhẹ tội hơn một ít. Tội lỗi đó là gian ác không tả xiết vì nó góp phần vào một sự vi phạm rõ ràng nhất đến ý muốn Ðức Chúa Trời được mặc khải trong luật pháp Ngài. Thật rõ ràng là ý muốn kín giấu của Ðức Chúa Trời biểu hiện trong ý định của Ngài và thi hành bởi sự điều khiển thần hựu củaNgài không bao giờ được dự định để làm một quy luật cho đời sống chúng ta!
Mối nguy hại luôn tồn tại là tấm lòng của con người trong sự lừa dối nó sẽ diễn giải sai lệch sự dẫn dắt của sự điều khiển thần hựu của Ðức Chúa Trời. Một người có khao khát mãnh liệt muốn làm điều gì đó xấu xa. Tận đáy lòng anh ta biết rằng điều đó là xấu, nhưng anh ta không ngăn chặn ước muốn của mình. Anh ta cố gắng hết sức để tự thuyết phục mình rằng điều anh ta ấp ủ đó là được phép làm. Rồi anh ta cầu nguyện một lời cầu nguyện nguy hại. Anh ta xin Chúa bày tỏ rõ ràng qua sự sắp đặt thần hựu của Ngài rằng anh ta có nên nhường bước cho ý thích đó của mình không. Một ngày kia anh ta đối diện với một cơ hội để thỏa mãn khao khát của mình. Chẳng phải anh ta rất có nguy cơ sẽ diễn giải cơ hội này như là một gợi ý thiên thượng cho mình tiến tới sao? Còn nếu ngược lại, nếu anh ta luôn nắm lấy luật pháp Ðức Chúa Trời như là sự hướng dẫn trọn vẹn của mình thì có lẽ anh ta đã không đi đến một kết luận gian ác như thế.
Ðôi khi sự sắp đặt thần hựu sẽ khiến chúng ta lưu tâm đến một vấn đề đạo đức mà trước đây chúng ta chưa từng nhìn thấy. Một thanh niên làm việc tại một văn phòng chẳng hạn. Làm việc gần bên anh ta là một phụ nữ trẻ. Anh ta dần yêu thương cô và đang suy nghĩ nghiêm túc đến việc hỏi cưới cô làm vợ. Là một thanh niên tin kính, anh đặt vấn đề này làm vấn đề cầu nguyện cho mình. Anh cầu nguyện rằng xin Chúa bày tỏ cho anh biết có nên kết hôn với cô ấy không. Rồi một ngày nọ bởi sự sắp đặt thần hựu anh phát hiện ra rằng cô ấy đã từng ly hôn và đã tiến tới ly hôn trên một cơ sở không theo Kinh Thánh. Nhiệm vụ của anh giờ đây thật rõ ràng. Thế nhưng điều gì khiến cho nó nên rõ ràng? Có phải là sự hướng dẫn bởi sự sắp đặt thần hựu không? Chắc chắn là không! Sự sắp đặt thần hựu chỉ mang vấn đề đạo đức ra phía trước mà thôi. Thế nhưng vấn đề đạo đức được quyết định bởi Lời Ðức Chúa Trời và bởi chỉ Lời Ngài mà thôi.
Chúng ta kết luận rằng những vấn đề thuộc phạm vi đạo đức phải được giải quyết luôn trong và chỉ trong ánh sáng của ý muốn Ðức Chúa Trời như được mặc khải trong Lời Ngài mà không bao giờ dựa trên cơ sở của sự dẫn dắt bởi sự sắp đặt thần hựu.
Chúng ta đã bàn đến những vấn đề đạo đức. Giờ đây chúng ta hãy dành chút thời gian xem xét một ví dụ rõ ràng không liên quan đến sự lựa chọn giữa điều xấu và điều tốt mà là một sự chọn lựa giữa hai cách mà cả hai đều là tốt đẹp cả. Một thanh niên cảm thấy được Ðức Chúa Trời kêu gọi đi truyền giáo ở hải ngoại thế nhưng anh ta không thể quyết định nên đi Trung Quốc hay Châu Phi. Anh biết rõ rằng Ðức Chúa Trời muốn mang tin lành cho cả hai nơi này và cá nhân anh ta không chuộng hơn nào hơn nơi nào, thế nhưng anh ta nứt lòng muốn làm điều tốt nhất. Vì thế anh cầu xin Chúa bởi sự sắp đặt thần hựu của Ngài sẽ dẫn dắt anh quyết định chọn lựa điều tốt nhất. Ngay sau đó một trở ngại lớn phát sinh khiến cho anh thật sự không thể nào đi Trung Quốc. Anh quyết định rằng Ðức Chúa Trời muốn anh rao giảng ở Phi Châu. Ðến ngày lên đường, anh lên tàu ra đi. Tâm trí anh không mảy may nghi ngờ gì mà chỉ tin chắc rằng Ðức Chúa Trời đã kêu gọi anh đi Châu Phi. Anh tin chắc như vậy hẳn cũng là có lý lắm. Thế nhưng, lạ chưa, trên đường đi anh lâm bệnh và qua đời.
Thế thì chúng ta nói sao đây? Trước tiên, điều mà chúng ta được nghe nói về Ðavít khi ông muốn xây một đền thờ cho Ðức Giêhôva có thể áp dụng được cho trường hợp anh bạn của chúng ta tại đây. Việc anh ta có lòng muốn trở thành nhà truyền giáo là tốt đẹp. Thứ hai, rằng cảm giác mạnh mẽ nhất trong chúng ta rằng Ðức Chúa Trời muốn sai chúng ta làm gì đó không phải là chứng cớ thuyết phục rằng Ngài thật sự muốn điều đó. Thứ ba, chúng ta không thể diễn giải sự sắp đặt thần hựu một cách hoàn toàn chính xác được. Sự sắp đặt thần hựu thường có những ngả rẽ bất ngờ đến nỗi chúng ta không bao giờ có thể biết chắc nó sẽ dẫn chúng ta đi đến đâu. Chúng ta cũng không cần biết điều đó nữa.
Chúng ta có thể thêm vào rằng khi chúng ta đứng trước một sự lựa chọn phải cư xử thế nào, chúng ta nên thật chậm rãi khi định rằng không có vấn đề đạo đức nào đang bị đe dọa. Thường khi những vấn đề đạo đức nằm ẩn dưới bề mặt của vấn đề. Thế nhưng không phải lúc nào cũng thế. Không phải là hiếm hoi khi chúng ta phải lựa chọn giữa hai điều tốt hơn là giữa một điều tốt và một điều xấu. Ðề cập đến điều nầy rõ ràng là sự quan tâm lành mạnh. Khi phải đối diện với một sự lựa chọn giữa hai điều tốt, chúng ta không nên phải vướng bận lương tâm, bởi nguy cơ đó là thật, theo lời của Calvin "lương tâm sẽ bước vào một tình trạng rối rắm dài dẳng mà sau này nó rất khó thoát ra khỏi đó."
Trong những trường hợp đó, chúng ta có thể cầu xin sự dẫn dắt thần hựu để làm theo điều nào thích hợp nhất, thế nhưng chúng ta không được bỏ quên đi lương tri tổng quát mà Ðức Chúa Trời ban cho chúng ta, và thường thì không có hại gì khi chúng ta đi theo khuynh hướng tự nhiên của mình. Tôi ngồi xuống trong một nhà hàng. Thực đơn cho tôi chọn lựa giữa món thịt cừu và món thịt giăm bông. Tôi không thích thịt cừu. Tôi thích thịt giăm bông. Không có lý do gì khiến tôi phải làm khổ bản thân mình bởi món thịt cừu. Cũng không có lý do nào hợp lý ngăn trở tôi không được phép tận hưởng món thịt giăm bông của tôi.
Một lần nữa chúng ta thấy rằng sự dẫn dắt thần hựu không được dự định để giải quyết những vấn đề đạo đức của chúng ta. Ðức Chúa Trời đã ban cho chúng ta Lời Ngài cho những vấn đề đó.
Kết luận cho toàn bộ vấn đề là: Lời Ðức Chúa Trời là khuôn thước duy nhất cho đời sống chúng ta, là chuẩn mực đạo đức duy nhất của chúng ta. Kinh Thánh là ngọn đèn đầy đủ cho chơn chúng ta và là ánh sáng duy nhất cho đường lối chúng ta mà chúng ta cần đến.
Ðể phát hiện ra ý muốn của Ðức Chúa Trời cho đời sống chúng ta, không có gì trên cả thế gian này có thể thay thế cho việc học tập Lời Thánh Kinh trong tinh thần chuyên tâm và cầu nguyện.