Lột trần chân tướng của Mao
Tác giả: Ronald Radosh
Tương truyền Stalin từng nói rằng, “một cái chết là một thảm kịch, hàng ngàn cái chết chỉ là một thống kê.” Vậy chúng ta, trong một chốc, hãy ngẫm nghĩ về thống kê này, từ câu đầu tiên của Jung Chang và Jon Halliday trong tiểu sử đồ sộ mới đây về Chủ tịch Mao: “Mao Trạch Đông, người nhiều thập niên nắm giữ quyền lực tuyệt đối về sinh mệnh của một phần tư dân số thế giới, chịu trách nhiệm cho cái chết của hơn 70 triệu người trong thời bình, hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào của thế kỷ XX.”
Hãy suy nghĩ về điều này một chốc. Con số kinh khủng đó vượt quá con số người chết dưới tay Stalin và Hitler cộng lại. Nhưng trong khi gần như không thể tìm thấy một ai trên thế giới ngày nay tán dương hình ảnh tốt lành một thời của Stalin và Hitler – thật vậy, thậm chí có rất ít người thừa nhận mình có thiện cảm với hai kẻ bạo chúa này – thì ngược lại, danh tiếng của Mao hầu như không hề bị tổn thương. Chính phủ hiện thời vinh danh Mao là người sáng lập Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Bức chân dung lớn của ông được treo ở ban công trên cổng thành nhìn ra Quảng trường Thiên An Môn, nơi Mao đã từng nói chuyện với đám “Hồng Vệ binh” cuồng nhiệt, và là nơi năm 1949, ông tuyên bố sự ra đời của một thể chế cách mạng mới. Tính chính đáng của thể chế này bắt nguồn từ việc thành lập một nước Cộng sản Trung Quốc sau khi Hồng quân của Mao chiến thắng, giành quyền lực thành công, buộc quân đội Quốc gia do Tưởng Giới Thạch cầm đầu phải chạy sang đảo Đài Loan.
Nếu bạn hỏi một sinh viên hay một học giả nào ở Trung Quốc rằng giờ đây họ suy nghĩ gì về Mao, họ sẽ nói với bạn rằng, “Mao là một người có hai phần tốt và một phần xấu.” Điều này phản ánh hình ảnh chính thức, đã được chỉnh sửa, của chính phủ đương thời về vị trí của Mao, cho phép người dân được coi một số việc Mao làm là không cần thiết, vì quá hiển nhiên, những chính sách của riêng ông đã dẫn tới điều mà họ gọi là “sự quá đáng” của Cách mạng Văn hoá.
Nhờ tầm quan trọng và sức mạnh của tiểu sử mới do Jung Chang và chồng bà, Jon Halliday, mà cách thế giới biết về Mao sắp sửa có sự thay đổi lớn. Những tác giả này có đầy đủ điều kiện để thực hiện một nhiệm vụ vĩ đại như vậy. Jung Chang sinh ở Trung Quốc năm 1952, và gánh chịu những đau khổ ghê gớm trong suốt thời gian Cách mạng Văn hoá, nơi bà được giao làm “bác sĩ chân trần” để chữa cho những người nông dân mà không hề được học qua một khoá đào tạo y tế nào, vì những người bác sĩ thật sự đều đã bị bắt và bị giết chết. Hồi ký bán chạy trên khắp thế giới về ba thế hệ của gia đình bà, Wild Swans , cho thấy những thay đổi khổng lồ về văn hoá đã ảnh hưởng ra sao đến đời sống của gia đình bà. Halliday, một sử gia người Nga của trường Đại học King ở Anh quốc, nguyên là một biên tập viên của New Left Review, và trong suốt một giai đoạn của những năm 1960, là một người ủng hộ thể chế Cộng sản ở Albania. Halliday hiển nhiên đã có thay đổi tư tưởng thực sự, và trong cuốn sách này, những mơ mộng về chủ nghĩa Cộng sản và những ảo tưởng về vai trò của nó trên thế giới đã hoàn toàn biến mất.
Trước khi tôi nói đến những gì các tác giả cuốn sách này viết về Mao, niềm tin và chính sách của ông ta, cũng cần thiết để đưa ra đây một danh sách tóm tắt về những gì mà nhiều người trong chúng ta đã nghe, thấm và tin về Mao và những người Cộng sản Trung Quốc. Những quan điểm thường nghe này bắt nguồn từ một số cuốn sách và những bản báo cáo trong nhiều thập kỷ qua, như:
Edgar Snow, tác giả của Red Star Over China . Xuất bản lần đầu năm 1936, và dựa vào những cuộc phỏng vấn Mao của Snow trong thời gian “Chủ tịch” tương lai còn ở trong những hang động ở Diên An, Snow tạo dựng một hình ảnh huyền thoại về Mao, một nhà lãnh đạo Cộng sản dũng cảm đã đem lại những hình thái nông thôn mới của chủ nghĩa Cộng sản, trong đó cách mạng không phải do giai cấp công nhân, mà do những người nông dân bị đàn áp thực hiện. Snow kể cho chúng ta câu chuyện đầu tiên gây nhiều ảnh hưởng về cuộc “Trường Chinh”, trong đó Mao nói với nhà báo cả tin này về cách mà quân của ông đã đánh lừa và thành công trong việc thoát khỏi đợt tấn công của quân Quốc dân Đảng vào những ngày đầu của cuộc nội chiến, cho đến khi Mao và đoàn quân dũng cảm của ông đến được vùng an toàn ở tây bắc Trung Quốc. Mao tuyên bố rằng, sự dũng cảm của Mao và đoàn quân của ông được minh hoạ trong trận đánh tại cầu ở sông Ðại Hà, nơi Mao và quân của ông giành chiến thắng mặc dù ngọn lửa đã trùm phủ cả cây cầu trong khi quân của ông dũng cảm tiến qua. Thắng lợi quyết định này do Mao kể lại là điều chứng tỏ rằng mức độ cam kết và hiến thân của đội quân của Mao mà lần đầu tiên thế giới được biết qua tường thuật của Snow.
Bài viết của những ký giả phương Tây khác đến Trung Quốc, như Agnes Smedley, người đã tán dương khi thuật lại hoạt động của Quân đường thứ 8 sau khi rời Diên An, và ngợi ca sự cống hiến quên mình của Mao trong khi chỉ huy quân từ an toàn khu Diên An, đã giúp một số người Mỹ làm quen với Mao và huyền thoại về ông qua các trang báo lớn Saturday Evening Post , cũng như trong những cuốn sách của riêng bà.
Những bản báo cáo của một thế hệ những người sau này được gọi là “tay chân của Trung Quốc Cũ”; các nhà ngoại giao người Hoa Kỳ như John S. Service, John Carter Vincent, John Paton Davies, Owen Lattimore và John K. Fairbank. Danh sách này còn có những nhà báo và nhà văn như Barbara Tuchman và Theodore White, những người qua những bài báo và sách, tiếp tục mô tả hình ảnh Mao và quân Cộng sản của ông ta như quân nổi dậy dân chủ người bản xứ, tìm cách chấm dứt việc đám mafia tham nhũng, rồi những kẻ quân phiệt, đế quốc Nhật và những lãnh chúa bị căm ghép ở các địa phương bóc lột Trung Hoa. Qua những người này, người Mỹ được cho biết rằng những người Cộng sản thật sự “dân chủ về vấn đề ruộng đất”, những người lãnh đạo muốn xây dựng một Trung Quốc dân chủ trong hoà hoãn với Hoa Kỳ, một mục đích chỉ bị các chiến lược gia Mỹ phá hoại; họ đã đặt cược sai lầm (vào Tưởng Giới Thạch) và vì vậy đẩy Mao và Trung Quốc vào tay của Liên bang Sô Viết.
Thậm chí ngay cả thời Cách mạng Văn hoá, những tay chân của Trung Quốc này vẫn quyết đứng về phía Mao, tác giả của những chính sách tai hại mà họ ủng hộ. Một học giả lỗi lạc về Trung Quốc của Đại học Harvard, John K. Fairbank, trở lại sau chuyến đi năm 1972 đã nói rằng “cuộc cách mạng của Mao về tổng thể là điều tốt nhất xảy ra cho người Trung Quốc trong nhiều thế kỷ.” Khi Harvey Klehr và tôi phỏng vấn John S. Service vào một ngày năm 1985 (cho một cuốn sách mà chúng tôi đang viết lúc đó), Service đến ngày hôm đó vẫn nói với chúng tôi rằng ông hết lòng ủng hộ Mao và cuộc Cách mạng Văn hoá mới vĩ đại làm sao cho Trung Quốc. Khi Service báo cáo với Bộ Ngoại giao vào năm 1945, ông viết rằng “những người gọi là cộng sản” chỉ là biểu thị nổi bật của một phong trào rộng lớn cho “cải cách ruộng đất, quyền dân sự, và việc thành lập các thiết chế dân chủ.” Về đời sống của Mao trong những hang động ở Diên An, Service báo cáo rằng Mao sống khổ hạnh trong một hang có vách trát bùn đất nằm lọt trong những vách đá dọc bờ sông Yen, và thậm chí Mao buộc phải trồng rau và thuốc lá để phục vụ nhu cầu cá nhân. Ở Diên An, ông báo cáo những điều mà sau này trở thành cách nhìn chung: tính đạo đức cao của Hồng quân, tính quả quyết và chủ nghĩa quân bình mà họ luôn tuân thủ. Ông báo cáo sau sáu ngày ở đó, “Cả nhóm chúng tôi có một cảm nhận chung – rằng chúng tôi đến một đất nước hoàn toàn khác [so với một Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch]” nơi “hoàn toàn không có bóng những vệ sĩ, sen đầm và những mưu mô của các quan chức Trùng Khánh,” nơi “không có cảnh sát”, “rất ít lính tráng”, và ấn tượng hơn cả, “không có những người ăn xin, hay những dấu hiệu của sự nghèo đói”.
Với những bản báo cáo như trên từ những nhà ngoại giao xuất sắc nhất của chúng ta và tay chân của Trung Quốc, cũng không bất ngờ rằng đối với dư luận “tiến bộ”, Mao và quân cộng sản Trung Quốc đã giành được danh tiếng tốt và anh hùng – sự trung thực, chủ nghĩa quân bình, không tham nhũng và hết lòng quan tâm đến những nông dân bị đàn áp. Đây là hình ảnh thường được lặp đi lặp lại, và vẫn còn cho đến ngày nay.
Ta tự hỏi, Service và những người khác sẽ nói sao, và họ có thể nào hiểu được sự thật được cung cấp cho chúng ta một cách táo bạo qua cuốn tiểu sử của Chang-Halliday? Điều đó giải thích tại sao để hiểu được những ảnh hưởng của cuốn sách này, cần phải biết được những gì họ tiết lộ trong cuốn sách này về chân tướng thật của Mao đã phá vỡ hoàn toàn hình tượng mà đa số người Mỹ (nếu họ có để ý đến Trung Quốc) đã được biết đến.
Sau đó, đương nhiên, ta không thể không kể đến những ảnh hưởng của phái tả thuộc thập niên 1960, những người đa số ca ngợi (Mao) Chủ tịch như một nhà cách mạng trong sạch và quên mình duy nhất còn sót lại của thế giới. Sự ủng hộ cuộc “Cách mạng Văn hoá” của đa số những người thuộc cánh Tả Mới (một nhóm mà đồng tác giả Halliday một thời là thành viên) vào thập niên đó, với tôi, được tượng trưng bằng những lời của một nhà nữ quyền Marxist nổi tiếng, người sau khi từ Trung Quốc trở về, tuyên bố rằng Cách mạng Văn hoá là “về giải phóng phụ nữ”. Và huyền thoại này lan rộng ra đến những trí thức Marxist của tạp chí uy thế Monthly Review ; biên tập viên Paul M. Sweezy của tờ này tuyên bố Mao là nhà Marxist vĩ đại nhất thế giới, người đã thấy được sự cần thiết phải phá vỡ bộ máy quan liêu và giữ ngọn lửa cách mạng Marxist cháy sáng.
Sự thật tàn bạo, nói một cách trần trụi nhất, là Mao Trạch Đông là kẻ lãnh đạo hung tàn và độc ác nhất thế kỷ vừa qua – một kẻ bạo tàn với ước mơ mở rộng quyền lực của mình trên toàn thế giới, một mục đích ông theo đuổi bằng cách giết người, tra tấn, hãm hiếp và bỏ đói, trong khi đó lại yêu cầu sự tuân phục hoàn toàn những ý thích của ông, và luôn được những người phục vụ dâng cho ông tất cả những xa hoa mà ông muốn.
Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách tóm tắt lại sự thật của cuộc Trường Chinh. Hai tác giả đánh đổ điều mà có lẽ là huyền thoại lớn nhất của Cộng sản Trung Quốc. Mao không trốn đi để bảo vệ Hồng vệ binh khỏi sự tấn công của quân Quốc dân Đảng, mà để đánh bại thế lực của một vị tướng đang cạnh tranh mà Mao muốn tiêu diệt về mặt chính trị. Thay vì đến viện trợ cho Tướng Trương Quốc Ðào, Mao đã bỏ rơi để cố ý đánh bại ông này. Thêm vào đó, Tưởng có thể dễ dàng đánh bại Mao; nhưng vì những lý do riêng, đặc biệt là vì không muốn làm Moscow nổi giận, nên [Tưởng] đã để cho quân của Mao thoát. “Cuộc Trường Chinh nổi tiếng”, hai tác giả viết, “trong một chừng mực lớn, là nhờ Tưởng Giới Thạch.” Hơn nữa, Moscow đã cài những tình báo Cộng sản trong Quốc dân đảng của Tưởng, những người vừa có tác động đến chính sách, vừa cung cấp cho Mao những số liệu quân sự sống còn.
Mao không những không hề chịu khổ trong cuộc Trường chinh, mà ông ta còn được khiêng đi cả ngàn dặm trên kiệu, với những người được giao nhiệm vụ khuân vác hành lý, sách và những đồ đạc cá nhân của ông ta. Trên mọi phương diện, Mao là tân Hoàng đế, người trên thực tế chưa bao giờ để chủ nghĩa quân bình xâm phạm đời sống riêng. Mao đọc sách trong khi những người khiêng ông đi lên những núi cao, da thịt khô héo, đổ cả mồ hôi và máu. Còn về trận đánh quan trọng trên cây cầu bắt qua sông Ðại Hà, cây cầu treo nối liền hai vách đá, Edgar Snow nói rằng những bản gỗ trên cầu đã bị lấy đi và quân của Mao phải vượt qua cầu trên những dây xích sắt, đối mặt với lửa đạn của súng máy khi những tấm ván còn sót lại đang bốc cháy. Snow viết, “Có ai nghĩ rằng quân cộng sản lại điên đến mức qua cầu chỉ trên những dây xích?” Sự thật, câu chuyện này là bịa đặt. Không có trận đánh nào xảy ra ở cầu này – đây là một nơi Mao chọn để mô tả những hành động anh hùng cho một Snow cả tin, chỉ vì nơi này xem ra là một nơi có lý để sự việc xảy ra! Sau đó, một cuốn phim tuyên truyền giả mạo được thực hiện, trong đó, một trận chiến giả mạo được quay lại và đưa ra làm bằng chứng.
Còn về tính bản xứ của chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc, hai tác giả cung cấp những bằng chứng vững chắc để chứng minh rằng toàn bộ phong trào Cộng sản Trung Quốc được Stalin và Quốc tế cộng sản bảo trợ và chỉ đạo. Sự thúc đẩy cho chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc bắt nguồn từ Moscow, nơi điểu khiển những người cộng sản Trung Quốc theo lối mà họ đã điều khiển các đảng Cộng sản khác trên khắp thế giới. Chu Ân Lai là người đầu tiên được Moscow chọn để thành lập quân đội và gài những người Cộng sản vào hàng ngũ cao cấp nhất trong Quốc dân đảng, sau khi từ Quốc tế cộng sản trở về Trung Quốc. Chu cũng lập nên tình báo Trung Quốc theo lối KGB, điều khiển đội ám sát, và chứng tỏ sự tuân phục hoàn toàn với Stalin và đường lối của Moscow.
Thêm một chuyện hoang đường nữa bị hai tác giả này phá vỡ là niềm tin rằng quân đội của Tưởng chỉ đánh lại quân Cộng sản, trong khi tìm cách tránh những trận đánh với quân Nhật xâm lược – không như Hồng quân của Mao, luôn tìm cách hợp nhất với Tưởng và gây tổn thất nghiêm trọng cho quân Nhật. Mao làm bất cứ điều gì để có thể tránh quân Nhật; thật vậy, ông cho phép và chào đón sự xâm chiếm của quân đội Nhật như một công cụ để phá tan quân của Tưởng, cho phép Quân đội Cộng sản tiến theo sau đó và giành quyền cai quản những vùng mà quân Nhật đã đánh qua. Mục đích của Mao là tiêu diệt Tưởng và biến mình thành nhân vật duy nhất có thể lãnh đạo Trung Quốc. Vì lẽ đó, Mao chào đón những người lính Nhật, và thay vì đánh trả lại cuộc xâm chiếm của họ, thì lại để cho quân Nhật giành chiến thắng, trong khi quân của ông tìm mọi cách tránh đụng độ với quân Nhật. Những người không đồng ý với chiến lược của ông đều nhanh chóng bị thanh trừng, và gởi tới những nơi tra tấn của tay đồ tể Khang Sinh, người đứng đầu lực lượng công an chìm của Mao.
Điều mà Mao rất thành thạo và luôn cảm thấy thích thú là sự tra tấn, đàn áp và đối xử dã man với nông dân, những người mà ông ta không hề bận tâm đến. Thay vì xây dựng chủ nghĩa xã hội dựa trên tầng lớp nông dân, Mao xem giai cấp nông dân như một công cụ, như nguồn cung cấp lao động cực nhọc, những người luôn có thể bị buộc làm bất kỳ việc gì mà không có bất kỳ phương tiện cơ bản nào dù chỉ nhằm kiếm đủ thức ăn để sống. Hơn nữa, người dân ghét Mao đến nỗi khi Quân đội Cộng sản tiến vào các thành phố “giải phóng” trong những ngày cuối cùng của cuộc nội chiến, ở một số vùng, không có ai ra hoan hô họ, vì người dân ở đó đã từng nếm trải sự phẫn nộ và sự thực về việc khủng bố của Mao những ngày đầu khi Cộng sản tạm thời cai trị vào những năm 1920.
Ngay từ đầu, Mao dùng vũ lực, tra tấn và nhục mạ để đạt được sự đồng thuận hoàn toàn. Những gì mà thế giới chứng kiến khi sự thật về cuộc Cách mạng Văn hoá cuối thập niên 1960 được phơi bày là những phương tiện Mao sử dụng để thống trị từ buổi đầu ngay tại những căn cứ Hồng binh đầu tiên. “Ðiều làm Mao quan tâm đến,” họ viết, “là bạo lực đã đập tan trật tự xã hội.” Vào những năm 1920, Mao cố vấn cho những kẻ trung thành với ông là nên cắt gân chân và cắt tai những người không theo họ. Khi Mao thành công trong việc thành lập các căn cứ của Hồng binh vào những năm cuối thập niên 1920, ông ta cho hàng ngàn người đã chứng kiến chiến thắng, đồng thời tổ chức các cuộc hành quyết những người bị coi là “địa chủ xấu xa,” có nghĩa là bất cứ người nông dân nào chống lại việc Mao cầm quyền. Hành quyết nơi công cộng trở thành bắt buộc như một cơ chế nhằm đe doạ toàn bộ dân chúng khi họ xem những cuộc tàn sát đẫm máu dành cho kẻ thù của Mao. Những phương sách khác mà Mao thường sử dụng gồm có việc chôn sống đối thủ, kéo lê họ bằng những sợi dây thép xuyên qua mũi và qua tai, phá huỷ cả một thị trấn nơi Mao nghi ngờ là có quân phản cách mạng ẩn náu, tố cứức các cuộc cướp bóc kinh điển để chiếm đoạt đồ ăn và vật dụng của người nông dân địa phương cho quân đội của mình, và buộc những người dân thường tố cáo và làm chứng chống lại chính bạn bè và gia đình họ.
Thời sống trong hang ở Diên An, Mao cũng được hưởng thụ xa hoa. Bất cứ nơi đâu ông ta đến, quân của ông ta cũng tịch thu những ngôi nhà đẹp nhất của người giàu ở đó để Mao sử dụng, và ngay lập tức, họ xây dựng những khu vực chống bom và hoàn toàn biệt lập để nếu cần Mao có thể rút về đó. Khi những kẻ ngu ngốc hữu ích như Snow và Agnes Smedley gặp Mao trong hang ở Diên An, họ không biết rằng thực tế là Mao sống trong một toà nhà lộng lẫy ở Làng Phượng hoàng, có sân lớn, tường đẹp và hệ thống sưởi trung tâm. Chẳng bao lâu sau đó, Mao cũng chuyển sang Ðồi Dương, trong một khu nhà đẹp của KGB có tên là the Date Garden (Vườn Hẹn). Phía sau cả hai nơi ở này, Mao cũng cho xây những khu bí mật an toàn dành cho mình và những nhân viên thân tín nhất. Tại nơi đây, Mao cũng tiếp những phụ nữ có học duyên dáng, được cử đến để thoả mãn tình dục cho ông ta.
Căn cứ của Mao không phải là sự ủng hộ của nông dân, mà là những người dân bị đe doạ phải phục tùng triệt để qua những biện pháp khủng bố hoàn toàn - một phương pháp được Mao hoàn thiện vào khoảng giữa năm 1941-1945. Những vùng Hồng binh kiểm soát được chứng kiến hết cuộc thẩm vấn này đến cuộc thẩm vấn khác, và nhiều cuộc tụ tập quần chúng, khi nhiều người bị buộc phải thú nhận là gián điệp và vạch tên những người khác trước đám đông. Mọi hoạt động xã hội bị bãi bỏ - không được phép hát hò và nhảy múa, và trật tự duy nhất chỉ có từ “kiểm tra tư tưởng”, trong đó mọi người phải viết rất dài về những tư tưởng chống đảng của chính họ. Nếu ai đó cưỡng lại thì lập tức điều đó bị coi là bằng chứng làm gián điệp; mục đích của việc này là phá huỷ toàn bộ lòng tin giữa con người với nhau. Chang và Halliday biện luận rằng kết quả là phần lớn mọi người đều mắc bệnh “trí não ngừng hoạt động”, mất đi khả năng làm chủ suy nghĩ hay hành động của họ.
Về vấn đề tiền bạc, Chang và Halliday vạch trần bí mật được che giấu là Mao kiếm những khoản tiền cần có để kiểm soát phần đất quân đội mình chiếm được từ việc buôn lậu và bán thuộc phiện. Những người nông dân trong vùng được lệnh trồng cây lương thực bình thường xung quanh những khu trồng thuốc phiện. 30,000 mẫu Anh đất tốt nhất trong vùng được dành để trồng thuốc phiện. Khi cuộc sống của các lãnh đạo đảng khá lên - nhiều đồ ăn và tiện nghi được dành riêng cho họ - thì mức sống của người dân thường ở Diên An vẫn không được cải thiện. Cán bộ đảng viên bậc thấp nhất có tiêu chuẩn thịt cao gấp năm lần một người dân địa phương, nơi mà tỉ lệ tử vong tiếp tục gấp tỉ lệ sinh trưởng tới 5 lần. Thêm vào đó, sản xuất thuốc phiện gây ra lạm phát, khiến cho khả năng có được một cuộc sống tử tế cho người nông dân thường càng ít hơn.
Cuối cùng, Chang và Halliday đánh giá lại vai trò của Hoa Kỳ trong việc Mao lên nắm quyền. Chúng ta bị sốc khi đọc là vào năm 1946, Mao sắp thất bại. Hồng binh không ngăn cản được quân đội Tưởng Giới Thạch; Hồng Binh đang phải rút lui hoàn toàn và sắp sụp đổ, và khi Nga rút khỏi Mãn Châu – nơi họ chiến đấu chống lại quân đội Nhật – thì quân đội Quốc gia đã chiếm được tất cả các thành phố lớn trừ Cáp Nhĩ Tân, và Hồng Binh ở trong tình trạng suy kiệt. Hồng Binh sắp buộc phải vượt biên giới chạy sang lãnh thổ của Nga hoặc lập thành các đơn vị du kích trên núi. Lâm Bưu xin lệnh Mao cho phép rời bỏ Cáp Nhĩ Tân, và Mao buộc phải đồng ý. Nhưng đúng lúc Hồng Binh sắp thất bại thì, họ viết, Mao được “người Mỹ cứu”.
Trong một chương làm chúng ta giật mình với tiểu đề “Ðược Washington cứu,” các tác giả cho thấy những cách tuyệt diệu mà Mao đã sử dụng với Hoa Kỳ để phục vụ mục đích của mình. Theo Chang và Halliday, Mỹ và các phái viên của Mỹ vốn có ác cảm với Tưởng Giới Thạch do những vụ tham nhũng rõ ràng họ hàng nhà Tưởng gây ra, và vì vậy, dễ bị ảnh hưởng trước những tuyên bố giả vờ của Mao rằng cộng sản là dân chủ và những người bạn tương lai của Hoa Kỳ. Tướng George Marshall, người được vinh danh nhờ kế hoạch cứu Tây Âu vào cuối cuộc thế chiến, hoàn toàn bị Mao thuyết phục, và đã sai lầm khi tin vào Mao và nói với Truman rằng Hồng Binh có thái độ hợp tác hơn là Tưởng và phe Quốc gia. Marshall cũng nói với Truman là Liên Xô không ủng hộ Mao. Mao đón tiếp Marshall ở Diên An vào năm 1946, và Marshall sẵn sàng cắn câu. Marshall tin hết lời dối trá này đến lời dối trá khác, rồi thuật lại với Tổng thống như thể chúng là chân lý trong Phúc âm, và do đó, họ viết, đã có công phục vụ Mao rất lớn. Ðúng vào khi Mao Chủ tịch phải đối mặt với trận Dunkirk [1] , thì Marshall gây áp lực quyết định bắt Tưởng ngừng truy đuổi Hồng Binh ở miền bắc Mãn Châu. Vị Tổng Tư lệnh đồng ý ngừng bắn đúng vào thời điểm mà Mao đồng ý rút khỏi các thành phố do Hồng Binh chiếm đóng ở Mãn Châu và Cáp Nhĩ Tân. Kết quả là thắng lợi của Mao trong việc giành được căn cứ an toàn ở miền bắc Mãn Châu, cho phép ông ta tập hợp lại quân đội để cuối cùng đã giành được chiến thắng trong cuộc nội chiến. Với sự giúp đỡ của Moscow, khi Liên Xô trang bị vũ khí đầy đủ cho Mao và giao cho ông ta quản lý tù binh Nhật, lực lượng Hồng Binh một thời kiệt quệ đã trở thành một cỗ máy chiến đấu tuyệt vời. Các tác giả viết:
“Mục đích ‘nối kết với Liên Xô’ mà cộng sản [Trung Hoa] bí mật theo đuổi hơn hai thập kỷ đã thành hiện thực - nhờ sự giúp đỡ của Washington, dù không cố ý. Thắng lợi của Mao trên toàn quốc chỉ còn là vấn đề thời gian.”
Ðó không phải là lần cuối cùng Mao thành công trong việc điều khiển Mỹ. Vào thập niên 1970, thế giới chứng kiến sự thay đổi táo bạo trong chính sách của chính quyền Nixon và việc chính quyền này mở ra với Trung Hoa sau chuyến đi của Tổng thống Mỹ sang lục địa, sau cuộc gặp với Mao, và cuối cùng dẫn đến việc Hoa Kỳ chính thức thừa nhận nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Nhưng hai tác giả đã biện luận với đầy sức thuyết phục là việc lập lại quan hệ Kissinger/Nixon/Mao cũng là do Mao điều phối, còn Nixon và Kissinger chỉ rơi vào cái bẫy đã giương sẵn của Mao, người đã tính trước toàn bộ kịch bản. Hơn nữa, thậm chí Kissinger còn định trao Ðài Loan lại cho Mao, và hứa rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi cả (Nam) Triều Tiên và Việt Nam.
Trong khi đó, sau khi đã chiếm được Trung Hoa, Mao khuyến khích Kim Nhật Thành bao vây Nam Triều Tiên, một nước đi cần thiết để ông đạt được mục đích mới – xây dựng một bộ máy chiến tranh đẳng cấp quốc tế với viện trợ quân sự và kinh tế của Liên Xô, nước, trước tình hình như vậy, buộc phải cung cấp cho Trung Hoa những gì Trung Hoa cần. Mao tin rằng nếu quân đội của mình tham gia chiến trường [Triều Tiên], thì người Mỹ sẽ bị sa lầy, cán cân quyền lực trên thế giới sẽ ngả theo chiều có lợi cho Stalin, và khi đó, Mao có thể nhận được tài trợ của Liên Xô cho bộ máy chiến tranh khổng lồ của mình, và cho phép Liên Xô chiếm Ðức, Tây Ban Nha và Ý. Như Stalin đã nói với Mao, “Nếu không thể tránh khỏi một cuộc chiến, thì hãy tiến hành nó luôn bây giờ.”
Việc đất nước và quân đội nghèo đói kiệt quệ của Mao tham gia vào cuộc chiến Triều Tiên, một lần nữa, là kiểu hành động điển hình của Mao. Trong những năm sau đó, với nền kinh tế xuống dốc và nền sản xuất suy sụp, nhiều nơi trên toàn quốc đa phần dân chúng đang đói, Mao vẫn gửi viện trợ tới rất nhiều nước khác để thu phục tình cảm của họ cho Trung Hoa. Trong một trường hợp, Mao gửi viện trợ lớn tới chính thể kiểu Stalin của Ðông Ðức, trên thực tế là một trong những vệ tinh Ðông Âu khấm khá nhất của Stalin; điều này đồng nghĩa với việc tước đoạt miếng ăn của nông dân. Ðông Ðức nhập khẩu nhiều lương thực tới mức họ chấm dứt chế độ khẩu phần vào năm 1958. Nhưng, trong khi hàng chục triệu người đang chết đói ở Trung Quốc, Walter Ulbricht, lãnh đạo của Cộng hoà Dân chủ Ðức, yêu cầu Trung Hoa viện trợ thêm lương thực và Mao đã đồng ý. Khi những người khác nói với Mao rằng nông dân Trung Hoa có thể bị chết đói, ông ta đáp lại rằng họ có thể ăn vỏ cây. Từ năm 1953-1956, Mao tiến hành một cuộc chiến ảo với giai cấp nông dân, chỉ vì một mục đích: Bòn rút lương thực để chi trả phí tổn cho việc biến Trung Hoa thành một siêu cường quân sự. Hệ thống của ông ta rất đơn giản: “Chỉ để lại cho dân chúng vừa đủ để không chết, còn thì lấy hết.”
Nhưng không có điều gì Mao làm có thể so sánh được với thảm hoạ ông ta tạo ra vào khoảng thời gian giữa năm 1959-1961, trong thời được gọi là “Ðại Nhảy Vọt”, thường được tả lại là nỗ lực của Trung Hoa trong việc dùng sức người để tiến hành công nghiệp hoá nhanh chóng. Không những chương trình này thất bại; nó khiến cho dân chúng chết đói, khiến ở Trung Hoa có những vùng buộc phải ăn thịt người. Mao tuyên bố là Trung Hoa có thể thực hiện công nghiệp hoá trong từ ba đến năm năm, thay vì như kế hoạch dự định ban đầu là từ mười đến mười lăm năm. Nông dân cũng như người thành thị đều bị buộc phải xây dựng các lò rèn tại gia, và tất cả những dụng cụ kim loại – bao gồm cả nồi niêu xoong chảo để nấu ăn - đều được luyện chảy để biến mỗi gia đình thành một nhà máy sản xuất sắt thép địa phương. Mao cũng ra lệnh diệt hết chim sẻ, vì chúng ăn thóc gạo. Loại chim “tư sản” này bị lên án; kết quả là việc đảo lộn cân bằng sinh thái thiên nhiên, vì những côn trùng và loại chim khác mà trước đây bị chim sẻ ăn bắt đầu tấn công mùa màng. Chẳng bao lâu sau, Mao yêu cầu Liên Xô gửi cho 200,000 con chim sẻ từ miền Viễn Ðông của Liên Xô. Mao nói, “Một nửa dân số Trung Quốc có thể phải chết,” và ông ta đã chuẩn bị cho hậu quả này. Ðiều đó suýt trở thành sự thực. 38 triệu người đã chết do đói và làm việc quá sức trong thời Ðại nhảy vọt và những nạn đói tiếp sau đó, kéo dài suốt bốn năm trường. Nạn đói nhân tạo lớn nhất trong thế kỷ 20, vượt quá con số người chết do chương trình tập thể hoá của Stalin gây ra ở Ukraine, có thể được cộng thêm vào danh sách các thành tựu vĩ đại của Mao Chủ tịch. Như Mao đã nói với nhân viên của mình, “50 triệu người có thể chết… Không thể đổ lỗi cho tôi khi họ chết.”
Cuối cùng, Mao đã vượt lên chính mình với cuộc Cách mạng Văn hoá Vô sản Vĩ đại (1965 – 1976). Người ta thường tin rằng thảm hoạ và những điều ghê rợn xảy ra vì Mao muốn duy trì ngọn lửa cách mạng, và dập tắt bộ máy quan liêu tự mãn trong đảng. Vì vậy, nhiều người phương Tây thân cộng đã ca tụng Mao và hoan nghênh nỗ lực duy trì tinh thần và tâm hồn cách mạng. Nhưng, như hai tác giả giải thích, mục đích thực sự của Mao hoàn toàn khác: nhằm thanh trừng tất cả những địch thủ trong quá khứ và tương lai, như một phương tiện để củng cố quyền lực tuyệt đối trong tay ông ta và ngăn cản không cho tất cả những lãnh đạo một thời theo ông nay trở nên vỡ mộng chống lại ông. Những biện pháp này nhằm đe doạ toàn dân và buộc họ phải phục tùng hoàn toàn và tuyệt đối. Các cán bộ được lệnh cho con gia nhập các nhóm Hồng vệ binh. Rồi người ta giao cho Hồng vệ binh thực hiện những việc tàn bạo, chẳng hạn như tra tấn và giết chết những giáo viên đã từng dạy dỗ đám con cái cán bộ đảng.
Những nạn nhân lớn đầu tiên là bất kỳ người nào ủng hộ văn hoá truyền thống, cả của Trung Hoa lẫn phương Tây cổ xưa. Họ tấn công các nhà văn, giết các nhạc sĩ - một nghệ sĩ piano hàng đầu bị chặt tay – cướp bóc và phá huỷ tất cả các di tích và di phẩm văn hoá cổ. Chỉ nhờ một quyết định chính thức mà Tử Cấm Thành (cũng bị Hồng vệ binh bao vây) thoát khỏi bị phá và nhờ đó còn được nguyên vẹn; tất cả các biểu tượng của quá khứ khác, bao gồm cả những di sản kiến trúc vĩ đại, đều bị đám quân điên loạn đó phá huỷ. Nhà cửa bị đập phá, sách báo, tranh ảnh và dụng cụ âm nhạc bị ném bỏ, chủ nhà bị đánh và tra tấn. Hồng vệ binh cũng hành động như đám cướp được uỷ quyền, tịch thu đồ đạc của nhà giàu và nộp cho Nhà nước. Bản thân Mao, người ra lệnh cấm đọc sách, đã lấy nhiều tập sách tịch thu được và thêm vào thư viện của chính ông ta, tủ sách mà những người Tây phương đến thăm Mao đã thấy, và vì vậy tuyên bố Mao là một trí thức và một học giả vĩ đại. Một quan chức cao cấp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đã gọi thời kỳ này một cách chính xác là “một phòng tra tấn khổng lồ.” Vào thời điểm cuộc Thanh trừng Vĩ đại chấm dứt trước khi Mao chết năm 1976, ba triệu người đã chết những cái chết đầy bạo lực, và một trăm triệu người, một phần chín dân số, đã chịu đựng vô vàn cay đắng.
Jung Chang và Jon Halliday rõ ràng đã viết một cuốn sách sẽ được coi là cuốn sách trong năm: một cuốn sách cuối cùng đã kể lại tất cả những sự thực cay đắng về Mao, và vì vậy, sẽ phá huỷ tất cả những danh tiếng còn lại mà ông ta có thể có trong tư cách một cá nhân đã giúp Trung Hoa thoát khỏi việc phải phục tùng và sự điều khiển của đế quốc. Dưới sự lãnh đạo của Mao, Trung Hoa quay lùi từ con đường tiến lên thế giới hiện đại trở về với sự mông muội thuần tuý, và địa ngục mà Mao đã tạo ra vượt xa bất kỳ khó khăn nào mà người Trung Quốc đã chịu đựng trong thời kỳ cầm quyền ngắn ngủi của phe quốc gia Tưởng Giới Thạch.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chính phủ Trung Hoa hiện thời, một chính phủ đã đưa Trung Hoa tiến vào thế giới hiện đại về mặt kinh tế bằng cách chọn con đường tư bản mà Mao đã phê phán, lại cấm đoán và không cho cuốn sách này được in hay xuất hiện ở đại lục. Về mặt chính trị, thể chế này vẫn tự gọi mình là cộng sản. Nó điều hành một nhà nước độc đảng, nắm giữ mọi nguồn thông tin, đàn áp các nhà bất đồng chính kiến và bỏ tù họ, và đàn áp nông dân và công nhân, những người bị cấm không được tổ chức [hội đoàn] và cố gắng điều chỉnh điều kiện sống khủng khiếp của họ.
Chính khả năng cố gắng đẩy cuốn sách này vượt qua bức tường kiểm duyệt của chính phủ Trung Hoa, công bố những phát hiện của cuốn sách này lên internet và rồi [qua đó] vào Trung Hoa, cũng là một phần của cuộc đấu tranh cần được thực hiện để cải thiện những cơ hội cho phát triển dân chủ trong tương lai của Trung Quốc. Ðây là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng không bất khả thi. Một ngày nào đó, người dân Trung Hoa sẽ cảm ơn và vinh danh Jung Chang và Jon Halliday.
Chú thích:
1- Một cách nói ví von, ám chỉ Mao sắp thua trận quyết định (ND)
Original source : http://www.frontpagemag.com/Articles/ReadArticle.asp?ID=19878