Ánh nến lung linh
Tác giả: Song Khê
Sau 10 năm đi dạy tiếng Anh, Song Khê chuyển sang làm báo. Hiện chị là biên tập viên văn học báo Mực Tím.
Nhân vật nữ trong truyện của Song Khê không sống gai góc, bạo liệt. Cô là một người thầm lặng, chờ hạnh phúc đến và cũng đợi hạnh phúc đi chứ không mạnh dạn quyết định. Nhân vật sống như vậy có thể bạn đọc không thích nhưng lại rất gần gũi với nhiều phụ nữ trong đời thường. Họ nghĩ: “Hy vọng cũng có thể nuôi nấng một tình yêu”. Song Khê muốn thức tỉnh những phụ nữ sống thầm lặng, hay chị quan niệm hạnh phúc cũng như “ánh nến lung linh”, đừng động mạnh, nó sẽ tắt?
Đoàn Thạch Biền.
Anh nắm chặt tay cô kéo sát vào người. Cô áp má vào lưng anh, nghe rõ từng nhịp thở, tự an ủi mình hãy tận hưởng giây phút hiện tại mà hạnh phúc thêm một ngày.
Nhưng thay vì tiếp tục mơ mộng về tổ ấm tương lai, cô lại hình dung lúc này trên chiếc bàn - chỗ hai người vừa rời khỏi - ánh nến vẫn lung linh, anh phục vụ đang nhẹ nhàng dập tắt bằng một hơi thổi mỏng, thế là còn lại một vũng sáp lếch nhếch biến màu với chiếc tim cụt lủn cháy đen. Cuối cùng anh phục vụ lẳng lặng dẹp nó đi như người ra thu dọn sân khấu sau buổi biểu diễn.
Sẽ có nhà mới thật ha anh?
- Ừ. Đó là điều anh hứa với em.
Cô thấy hạnh phúc lan tỏa quanh mình. Tựa vào vai anh, nhìn mê man ánh nến âm ấm sáng bên hai tách trà vơi khói, hình dung một ngôi nhà xinh xắn, có vườn hoa, luống cỏ, chiếc xích đu cho trẻ con, những căn phòng ngăn nắp và ấm cúng, gian bếp tiện nghi, và không gian riêng của hai người...
- Bao lâu nữa hả anh?
- Vài năm.
- Là bao lâu?
- Đợi anh đi hết chuyến công tác này rồi tính tiếp.
- Vậy là lâu lắm... - cô ngồi thẳng lên, giọng buồn buồn.
- Không lâu đâu. Anh đã có kế hoạch, nhưng nói trước bước không qua, từ từ rồi em sẽ biết.
- Em muốn biết ngay bây giờ! - cô lay lay cánh tay anh, giọng vòi vĩnh.
Anh đưa hai ngón tay khẩy khẩy vành tai cô như nựng yêu, lắc lắc đầu theo cái kiểu người lớn hay làm khi từ chối trẻ con một chuyện mà ở tuổi nó không được phép tìm hiểu. Cô đành ngồi im lặng, lại nhìn vào đốm lửa đang động đậy rất khẽ trong cái lồng chật chội.
Trời im gió. Mà đêm mát rượi. Có lẽ nhờ cơn mưa ban chiều. Anh phục vụ mang bình trà nóng đến và cất chiếc bình đã nguội. Còn nhiều bàn trống trong sân vườn và không gian rất tĩnh, nghe cả tiếng nước róc rách ở hòn non bộ đằng xa. Cô mơ màng:
- Mình cũng làm một hòn non bộ trong sân nhà hén anh?
- Ừ. Chuyện trang trí giao cho em.
Cô cười hếch mũi:
- Nhưng tốn kém lắm à nha!
- Cho nên anh phải tận dụng mọi cơ hội để kiếm tiền.
Cô đâm lo:
- Những cơ hội đó chẳng có “vấn đề” gì phải không anh?
Anh lại khẩy vành tai cô, cười cợt:
- Em nghĩ lẩn thẩn gì vậy?
Cô lắc đầu. Nụ cười anh ngắn lại, và tan nhanh. Anh cho ít đường vào tách trà, khuấy đều. Chiếc muỗng bé xíu chạm vào tách nhỏ nhẹ, nhưng không hiểu sao cái âm thanh thường tình gần trong bàn tay anh lại kéo ngược thời gian về những ngày xa xôi nào đó. Thoáng chốc, mắt anh nheo lại rồi căng dài, lời nói rớt ra như từng hòn đá lởm chởm cố tình găm vào mặt nước:
- Tuổi thơ của anh đã quá vất vả, anh chứng kiến cảnh chạy bữa ăn mỗi ngày, ba mẹ mất hạnh phúc vào những lúc túng quẫn, chiếc nhẫn cưới cũng mang đi cầm cố... Tụi mình nhất định không bao giờ lặp lại tình cảnh đó, cho nên mình cần có thêm thời gian để chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo.
Cô nhìn anh, nghe anh, yêu anh đến phát khóc vì thấy mình nhu nhược - không thể nằng nặc đòi kết hôn như một cô gái tầm thường, càng không có can đảm dứt khoát một cuộc tình mà cô nghĩ là duy nhất. Rồi cô cúi mặt thở ra, không thể diễn tả hết với anh những mòn mỏi đợi chờ. Nó không đủ sức bùng lên một cái gì cụ thể, chỉ vướng vất lâm râm như hơi ẩm từ cơn mưa ban chiều còn đọng quanh những viên sỏi be bé dưới chân cô chờ bốc hơi; hoặc nửa mờ nửa tỏ như ngọn nến đang loay hoay trong chiếc lồng con con chờ cạn sáp. Mà có lẽ nó sắp cháy cạn rồi. Có lẽ trước khi đốm lửa tắt thì anh phục vụ đã thay một ngọn nến mới. Có lẽ thế, cô không chắc được và cũng không muốn chứng kiến nên đã đứng lên:
- Đi thôi, anh!
- Còn sớm mà!
- Em muốn dạo phố một vòng.
- Phố phường ồn ào bụi khói, có gì hay! Ở đây rất tốt, anh chỉ muốn ngồi thêm một chút, rồi về luôn.
Cô ngồi xuống, dằn dỗi:
- Sao anh chẳng bao giờ chiều em chút nào!?
Anh ngửa đầu ra sau ghế, nói như ngáp:
- Lần khác anh sẽ theo ý em, còn bây giờ anh mệt mỏi lắm...
Cô quên ngay chút hờn giận vừa thoáng qua, nhìn anh thật gần:
- Anh không khỏe ha anh?
- Ờ... Nhưng không sao.
Anh đan những ngón tay ấm áp vào bàn tay cô, siết nhẹ như trấn an, và thinh lặng. Đó là những ngón tay rắn chắc luôn cho cô cảm giác an toàn ngay cả những lúc như thế này - anh không chiều theo ý cô.
Cô lại thinh nín cúi nhìn ngọn nến, còn anh thì ngước lên mái ngói cao cao. Anh nghĩ gì? Cô cố gắng đoán mà không ngó anh: một ngôi nhà mới, một vị trí mới trong cơ quan, những chuyện rắc rối cần giải quyết, một mối quan hệ cho anh thăng tiến, một cơ hội để đổi đời, hay chẳng nghĩ gì cả? Anh chỉ muốn thư giãn trong một buổi tối như thế này. Vậy thôi? Cô không đoán ra nổi, dù cô vẫn tin rằng mình rất hiểu anh - một người độc tài mọi lúc mọi nơi và với mọi người không ngoại trừ cô.
- Anh là người cứng ngắc và tham lam! - Cô bất chợt ngẩng nhìn anh, đay nghiến bằng giọng yếu ớt.
Anh rời mắt khỏi mái ngói, quay nhìn cô dịu dàng, nhoẻn một nụ cười cầu hòa, rồi anh vén lọn tóc qua vành tai cô, đặt lên má một nụ hôn dịu dàng. Thái độ ấy khác rất xa những lần anh xăm xăm chở cô đến nhà bạn bè hay người thân của anh mà không hề cho biết trước. Càng không giống cái hôm lễ tình nhân anh đem cô vô siêu thị bảo thích gì cứ chọn đúng lúc cô chỉ muốn đi hóng gió bên sông. Thì anh độc đoán thật, nhưng cô yêu anh! Không có lời can gián nào hay một tình cảm mới mẻ nào có thể lay chuyển được sự chờ đợi phẳng lặng của cô trong suốt mười ba năm.
Cô gợi chuyện:
- Anh còn nhớ Mai Nhi mà có lần em với anh đến nhà mừng tân gia không?
- Ờ... - anh ngẫm nghĩ chiếu lệ như biết chắc không thể nhớ nổi một gương mặt thoáng qua của bảy tám năm về trước.
- Nó mới sinh con thứ hai.
Anh không đáp lại dù vẫn tỏ vẻ lắng nghe. Cô nói một mạch:
- Hôm qua em mới đi thăm. Nó giỏi thật, vậy là có trai có gái đầy đủ. Con bé trông lanh lợi lắm, mắt đen lay láy, chỉ có cái miệng là rộng hoạch giống Mai Nhi, à à..., mà còn có cái mụt ruồi ăn hàng y chang mẹ nó nữa chứ! Em thử bế và nó rất dễ chịu, không khóc ré lên như hồi em đến thăm thằng anh nó. Í, anh biết không, thằng nhóc đầu lòng của Mai Nhi cũng chín tuổi rồi, mau ghê anh há! Nó cứ ngồi suốt bên cạnh em bé mà giành đưa nôi.
Cô liến thoắng như vẫn thường kể anh nghe mọi chuyện xảy ra trong cuộc sống quanh cô, nhưng anh không thể không nghi ngờ rằng cô muốn ám chỉ một điều gì, cái điều mà anh chẳng mong xảy đến làm ngưng đọng những dự tính to lớn của mình. Một lần thoáng nhìn thấy cái màn hình vi tính của cô dán nhặng nhị những stickers, anh bật cười: “Trời ơi, sao mà sến thế này!” Cô hít hà giải thích: “Vừa làm việc vừa nhìn tụi nó sẽ thấy thoải mái hơn.” Lúc ấy anh mới ngắm kỹ. Đó là những stickers toàn in hình các bé con, có đủ kiểu như một bộ sưu tập: bé ôm bình sữa, bé tập nói, vẫy tay, cười toe với mèo con, bé khóc tung tóe nước mắt, bé bò lê trên sàn... Và anh không bao giờ bình phẩm gì về những stickers ấy nữa.
Anh rất thích nghĩ và nói về những kế hoạch. Thông thường là chuyện làm ăn. Sẽ có một công ty gì đó - nhiều loại quá cô không nhớ hết - anh và cô cùng điều hành. Vài lần lãng mạn hơn, anh bàn tính hai người sẽ đi đâu trong tuần trăng mật. Đầu tiên anh đề nghị đi Huế, một năm sau nhắc lại thì đổi ý nên đi Hà Nội sẵn giới thiệu cô với họ hàng, hai năm sau nữa anh ước đi xa hơn, sang Trung Quốc hay Thái Lan, bẵng một thời gian rồi anh lại dự tính đi Đà Lạt như bao nhiêu đôi khác, nhưng cô bảo thích biển, anh cười dễ dãi “cũng được”. Nhiều năm nên những kế hoạch cũng biến chuyển nhiều màu lắm sắc. Chúng vụt hiện như những đốm sáng giữa vòm trời đêm, thứ ánh sáng của sao băng lóe lên huyễn hoặc rồi tan đẫm vào không trung vắng lạnh mà cứ khiến người ta mơ màng với những dư âm.
Gần đây anh thôi nói về công việc hay tuần trăng mật mà vẽ ra một ngôi nhà mơ ước. Cô rất vui, thấy mọi sự đều tốt đẹp, ít nhất là một bức tranh hư ảo để cùng anh đứng xa xa thưởng thức, và hy vọng. Mà hy vọng thì cũng có thể nuôi nấng một tình yêu lắm chứ!
... Khách đã lấp kín những chiếc bàn trống từ lúc nào. Những đôi tình nhân thầm thì bên ánh nến, những nụ cười hạnh phúc và ánh mắt lúng liếng thương yêu. Cô nhìn khắp một lượt, buột miệng:
- Họ trẻ quá!
- Em nói như một bà cụ - anh cũng buột miệng.
Cô chép đôi môi khô ran rát:
- Thì hai đứa mình đang già đó chứ!
Anh lặng thinh. Giọng cô giễu cợt:
- Không biết em có còn kịp sinh con và lo lắng cho nó tới tuổi trưởng thành hay không. Mà tới chừng có con, đưa nó đến trường không chừng người ta lại tưởng là hai bà cháu, hay là phải chống gậy đi họp phụ huynh... Thiệt mắc cười!
Và cô cười thật. Ngấn nước đọng quanh mí mắt, nấn ná một chút rồi rỉ ra từng giọt nóng hổi. Anh bần thần rút cái khăn tay trong túi đưa lên mặt cô nhưng cô quay đi, tiếng nói đùng đục:
- Sao kỳ vầy nè? Em đâu có khóc...
Cô vẫn cười, cái cười ướt đẫm và mặn chát. Và anh vẫn lặng re, một khoảng lặng đóng băng giữa hai tách trà đã nguội. Hương trà còn váng vất trên nắp bình, len lỏi vào gió, bay là đà như một tình yêu có thật đã chảy qua quãng tuổi đẹp nhất của hai người, và còn tiếp tục dòng chảy của nó với niềm tin dửng dưng là sẽ đổ vào biển như hàng tỉ mạch nước khác, nhưng biển ở đâu thì chưa thể thấy được, dòng chảy vẫn chuyển động không biết tháng biết ngày.
Trên bàn, đốm lửa yếu ớt còn sống dù gió bắt đầu thổi vi vút qua mái ngói, xao xác những khóm lan chi và tiểu muội. Thật dễ hiểu và dễ thấy là ánh nến được che chở bởi cái lồng cứng cáp. Anh phục vụ có vẻ đang trông chừng để sẵn sàng bước tới thay một búp nến mới, và cô dứt khoát đứng lên:
- Mình về thôi, anh!
Lần này thì anh chiều cô. Chiếc xe máy trôi chầm chậm trên con đường quen thuộc, qua những bãi đất trống hoác dọc bờ sông vừa giải tỏa các khu nhà ổ chuột. Gạch đá vụn vỡ lam nham. Đám cọc gỗ đen đủi từ mép nước đâm vào khoảng không chơ vơ như tiếng kêu cứu của những linh hồn không siêu thoát.
- Rồi nơi này sẽ biến thành công viên. Anh cũng muốn có một ngôi nhà gần công viên, anh nói như hát.
Anh nắm chặt tay cô kéo sát vào người. Cô áp má vào lưng anh, nghe rõ từng nhịp thở, tự an ủi mình hãy tận hưởng giây phút hiện tại mà hạnh phúc thêm một ngày. Nhưng thay vì tiếp tục mơ mộng về tổ ấm tương lai, cô lại hình dung lúc này trên chiếc bàn - chỗ hai người vừa rời khỏi- ánh nến vẫn lung linh, anh phục vụ đang nhẹ nhàng dập tắt bằng một hơi thổi mỏng, thế là còn lại một vũng sáp lếch nhếch biến màu với chiếc tim cụt lủn cháy đen. Cuối cùng anh phục vụ lẳng lặng dẹp nó đi như người ra thu dọn sân khấu sau buổi biểu diễn.