RAY RỨT
Tác giả: Stanley Cohen
Sống đến từng này tuổi, tôi đã thuộc nằm lòng những điều nhân lễ nghĩa của các bậc thánh hiền. Tôi không dám tự hào đã thâu thập hết những tinh tuý của cha ông nhưng tôi biết tôi đang cố sống cho đúng phẩm cách con người, một người cha của hai đứa con, một người chồng góa vợ hơn mười năm. Sở dĩ tôi nói cố gắng vì cuộc sống không dễ như tôi tưởng lúc mới bước vào đời. Có những cám dỗ hàng ngày làm bước chân tôi run rẩy; sự bội phản lòng chung thủy đối với người vợ cũ, không sống đúng cương vị của người cha đối với con, và không giữ được sự công minh đối với những người chung quanh. Phải thú thật với quý độc giả đã có lúc tôi ngã quỵ nhưng tôi vẫn gắng đứng dậy, đi thẳng trên con đường mà bố mẹ tôi hằng dặn dò, dạy bảo. Cả đời tôi may mắn chưa làm một điều gì quá trớn để đến nỗi lương tâm tôi phải ray rứt, xấu hổ với vợ con, bè bạn.
Vậy mà cả hai tuần nay tôi cứ ray rứt mãi về một chuyện mà đáng lẽ tôi không nên kể lể trên mặt báo như thế này. Thưa với quý vị đây là một điều chẳng đặng đừng nhưng tôi không còn cách nào khác. Tôi không thể kể với anh em tôi, tôi càng không thể nói với con cái, tôi lại không dám thổ lộ với bạn bè vì câu chuyện có những điểm tế nhị mà tôi không muốn họ biết. Nói thẳng ra nó có những mặt trái mà tôi không muốn mất lòng kính trọng nơi những người thân. Chỉ còn quý độc giả là những người xa lạ không hề biết mặt mũi tôi, tôi mới dám thổ lộ hết nỗi niềm. Tôi xin kể lại câu chuyện xảy ra cách đây hơn hai tháng trong một chuyến công tác ở New-York để xin ý kiến của quý vị. Đọc xong, xin quý vị cho tôi một lời, cho dù an ủi, hoặc ngay cả phê phán tôi đều cám ơn quý vị trước vì đã bỏ thì giờ theo dõi câu chuyện này.
Bây giờ xin quý vị theo tôi trở lại New-York vào một ngày cuối tháng Tám…
- Khoan…
Tôi phất tay làm một cử chỉ ngăn cản việc làm của con nhỏ.
- ... thôi... cô mặc quần áo vào đi. Tôi đổi ý rồi.
- Cái gì nữa đây cha?
- Tôi đổi ý không muốn nữa... cô mặc quần áo vào. OK?
Lần này thì cô gái ngưng lại thật. Con nhỏ vừa cài cúc áo vừa càu nhàu cái gì đó tôi nghe không rõ, khuôn mặt không dấu được vẻ khó chịu. Chỉ thoáng một lúc nó đã mặc xong quần áo; chả bù với lúc cởi bỏ từng mảnh quần áo trên người, nó cố ý thong thả, đủng đỉnh dẫn người ta đến mức độ chịu đựng cuối cùng.
Động tác rũ bỏ quần áo cuả con bé trông rất thành thạo. Con nhỏ luồn tay ra phía sau, kéo zipper xuống, đưa hai tay lên cao, uốn éo thân hình, lắc lắc đôi mông tròn lẳn và chiếc váy màu hồng nhạt tuột xuống đôi chân đang đứng vững chãi trên đôi guốc cũng màu hồng cao cỡ hai tấc. Đang trên đà rơi khỏi cặp đùi dài ngoẵng thì bỗng nhiên con bé xoay hẳn người đưa lưng về phía tôi, bàn tay vươn ra thuần thục chụp lấy chiếc váy. Bàn tay điệu nghệ vung ra chụp lấy chiếc váy đang trên đà rơi vừa nhanh, vừa gọn, vừa đúng lúc chẳng khác gì con rắn hổ mổ đúng vào đầu con mồi. Chỉ thoắt một cái chiếc váy đứng khựng lại ngang đầu gối. Đôi mắt đĩ thoã quay nhìn tôi không chớp, con bé từ từ kéo từng chân ra khỏi váy. Cái dáng người cong cong tay giữ chiếc váy để lộ chiếc quần lót satanh màu huyết dụ, kiểu ‘Victoria's Secret’, ôm sát lấy cặp mông đầy đặn đập vào mắt tôi như ánh chớp. Tôi nhấp nháy mắt rồi đứng ngây người nhìn mảnh quần lót nhỏ xíu trên tấm thân trắng hồng có khả năng cuốn hút tất cả sự chú ý của bất cứ một ai lỡ thấy. Tôi như con bò đang đứng gầm gừ trên đấu trường, đang tìm cách húc vào mảnh vải đỏ lượn phất phơ trước mặt. Mắt con bé ướt rượt, nhấp nháy mời mọc. Cổ họng tôi khô ran.
Bằng một cái hất tay, chiếc áo khoác làm bằng lông thú rẻ tiền rơi ra khỏi thân thể nhỏ thó của cô gái. Nó thả nhẹ bàn tay, rờ vào mấy hột cúc của chiếc áo cánh. Cũng từng ấy cử chỉ gợi tình, cũng từ từ hé mở một phần da thịt trắng nõn, con nhỏ xoay người đối diện với tôi, miệng nở nụ cười quyến rũ. Khi con nhỏ cởi đến chiếc cúc thứ ba và mắt tôi thấp thoáng thấy chiếc nịt ngực cũng màu huyết dụ thì tôi bỗng giật mình bừng tỉnh cơn mê. Không biết động lực nào bảo tôi ngăn không cho con nhỏ tiếp tục cởi áo nữa. Có lẽ khi chiếc áo khoác trườn khỏi cổ, hé lộ đôi vai gầy guộc tôi bỗng thấy con bé còn nhỏ quá. Tôi nghĩ nó khoảng mười chín là cùng, có thể mười tám. Mà người nó nhỏ nhắn thế kia không chừng chưa đến mười bảy. Trời ơi, mười bảy thì còn nhỏ hơn hai đứa con gái của tôi đang ở bậc đại học. Vừa nghĩ đến hai đứa con gái tôi bỗng phất tay bảo con nhỏ mặc quần áo vào.
Phải nhìn nhận khuôn mặt con bé thật đẹp. Tạo hoá đã đem hết kỹ năng nhào nặn nên một khuôn mặt trộn lẫn giữa cái ngổ ngáo của tuổi mới lớn và nét thanh tú của người con gái Á-đông. Vẻ đẹp thần tiên của cô gái đã cuốn hút lấy tôi khi tình cờ gặp gỡ đứng trước cửa tiệm chuyên bán dụng cụ trợ tình. Thế rồi không hiểu tại sao tôi lại thẫn thờ đi theo con bé vào căn phòng nhỏ hẹp này để sửa soạn làm cái công việc giống đực tầm thường đó. Trời ơi, tại sao tôi lại có thể hèn hạ đến vậy? Nó còn nhỏ quá. Cũng may tôi đã ngăn con bé đúng lúc, không để việc tiến xa hơn đến độ tôi phải tự xấu hổ về sau mỗi khi nghĩ đến. Tôi cảm thấy bằng lòng với chính mình nhưng con nhỏ thì không. Nụ cười đã tắt vụt từ lúc tôi bảo nó mặc quần áo vào. Nét ngổ ngáo hiện rõ trên khuôn mặt của con bé:
- Này cha nội, nếu cha không muốn làm thì cũng không sao nhưng năm chục thì vẫn phải trả à. Đã lên đến đây, bước vào phòng là phải trả tiền.
Tôi gật đầu ra vẻ hiểu biết:
- Cô không lo, tôi sẽ trả đủ cho cô.
Không hiểu sao, tôi bỗng hỏi tiếp:
- ...cô được chia bao nhiêu?
Con nhỏ đứng dậy, sửa lại chiếc xắc tay trên vai:
- Ông hỏi cái gì?
- Tôi... tôi hỏi là cứ mỗi 50 đô thì cô được hưởng bao nhiêu?
Nó hất mặt, giọng thách thức:
- Cha muốn biết làm gì vậy?
- Thì cũng tò mò muốn biết cô giữ được bao nhiêu phần trăm.
- Ông là cảnh sát chìm hả?
Tôi chặc lưỡi:
- Làm gì có chuyện đó. Cô biết tôi là người ở xa đến chứ đâu phải dân địa phương.
Con nhỏ bĩu môi, đưa mắt nhìn tôi từ đầu đến chân:
- Mấy thằng cha già như ông lúc nào cũng lẩm cẩm hỏi hoài cái câu cũ rích đó. Giữ bao nhiêu ông biết làm mẹ gì. Trốn vợ đi chơi thì chơi cho xong rồi về nhà, bày đặt hỏi... hỏi...
Mặt tôi đỏ rừ. Cho đáng đời mấy thằng già như tôi, mở miệng hỏi một câu thật vô duyên. Chắc con nhỏ đã nghe những câu hỏi đại khái như thế quá nhiều lần, nhiều đến nỗi vừa nghe đã phát bực. Mà sao tôi lại thắc mắc chuyện tiền bạc ăn chia! Hôm đó không hiểu sao tôi cứ chần chừ chưa muốn bỏ đi để mở miệng thóc mách hỏi một câu đụng chạm đến đời tư của con nhỏ. Tôi phân trần:
- Tôi không muốn làm chuyện đó... cô hiểu không? Thật sự tôi cũng hơi ngạc nhiên vì người đẹp như cô mà lại đi làm nghêà này. Không gì thì đây cũng là một kỷ niệm khó quên của tôi ở New-York.
Con nhỏ cười mỉm, khuôn mặt tươi hẳn ra khi nghe tôi khen đẹp. Một lần nữa tôi bắt gặp nụ cười và khuôn mặt hớp hồn khi con nhỏ tiến về phía tôi trên đường số Tám, ngay trước cửa tiệm bán trợ cụ tình dục. Không hiểu sao con nhỏ lại xoay người một vòng, đưa tay chỉ vào ngực, giọng nhừa nhựa như người bị say thuốc:
- Ông bỏ lỡ dịp may thưởng thức tâm thân này...
Rồi nó xoè bàn tay ra, giọng chắc nịch:
- ...nhưng không sao, ông muốn như vậy cũng được... bây giờ xin ông trả tôi năm chục, tôi phải xuống đường gấp.
- Khoan!
- Gì nữa?
- Tôi muốn biết...
- Biết gì?
- Biết cô hưởng được bao nhiêu.
- Ông là cảnh sát hả?
- Trời ơi! Tôi đã nói là tôi không phải người ở đây. Tôi ở San Jose đi công tác thôi. Tôi sẵn sàng đưa cô năm chục nhưng phải cho tôi biết cô kiếm được...
Con nhỏ ngắt lời, giọng dấm dẳn:
- Này cha, tôi đã nói rồi, tôi phải xuống kiếm khách gấp. Đến tối không mang đủ tiền về thì chết tôi.
Tôi nhận ra thoáng sợ hãi hiện rõ trong đôi mắt khi con nhỏ nói đến chuyện nộp tiền. Hoá ra những chuyện tôi đọc trên mặt báo là có thật. Tôi cứ nghĩ mấy thằng nhà báo vung tay viết láo mua độc giả chứ đâu ngờ cái nghề ma-cô bảo kê cho các em đứng đường kiếm khách là có thật. Những cô gái điếm phải bán thân kiếm tiền mang về cho chúng, mỗi ngày một số tiền tối thiểu nào đó do chúng đặt ra cho từng cô gái, tuỳ theo sắc đẹp của mỗi người. Mỗi thằng ma-cô hùng cứ một vùng, gái điếm làm việc trong khu vực của nó phải đóng thuế ‘xanh’ và thuế ‘thịt’. Nghĩa là ngoài việc mang tiền về cho nó còn phải cung phụng xác thịt cho nó nữa. Để đổi lại, nó bảo đảm sự an ninh cho các em khi hành nghề. Tôi nghe đến trường hợp có cô không tài nào thoát khỏi bàn tay nham nhúa của mấy thằng ma-cô, cả đời cứ nằm ngửa nộp đủ tiền cho nó, thậm chí có cô lại yêu nó chết mê chết mệt, nhất định không bỏ nghề. Không hiểu mấy thằng này luyện được bùa ngải gì mà sao các cô gái răm rắp nghe lời, không hề dám chống đối. Con nhỏ này là một trường hợp huyền bí điển hình của xã hội đen. Tôi móc bóp, lôi ra ba tờ giấy hai chục:
- Đây, năm chục của cô... biếu cô thêm mười đồng nữa là chẵn sáu chục.
Con nhỏ nhét sáu chục vào nịt ngực, miệng lí nhí:
- Cám ơn.
- Sao, cô cho tôi biết sáu chục vừa rồi thì cô hưởng được bao nhiêu?
- Thật đúng là già mắc dịch... sao cha cứ hỏi hoài cái câu cũ rích cũ ri vậy!
Cô gái xắn hai tay áo, đứng khuỳnh khuỳnh như võ sĩ sửa soạn thượng đài:
- OK... ông muốn biết hả... tôi cho ông biết. Tôi không giữ một đồng nào hết, ông nghe chưa. Bây giờ ông câm cha cái miệng lại cho tôi nhờ.
Không để ý đến lời khuyến cáo của cô gái, tôi ngơ ngác:
- Nhưng... nhưng mười đồng tôi biếu riêng cô mà.
- Biếu hay không biếu cũng vậy. Tôi không giữ một xu.
- Thế đứa nào giữ tiền cho cô?
- Tôi mang tiền về cho chàng của tôi.
Tôi xẵng giọng:
- Chàng... chàng cái con khỉ. Cái nghề ma-cô chuyên hút máu đàn bà con gái...
Con nhỏ bỗng lớn tiếng:
- Hê... hê... ăn nói đàng hoàng nghe cha. Chàng của tôi, ông hiểu chưa? Tôi cấm ông không được nhục mạ kẻ vắng mặt.
- Cô bênh cho nó đến vậy cơ à. Thế nó đối xử với cô ra sao?
- Chuyện của tôi, ông biết làm gì!
- Còn tên của nó?
- Cecil.
- Cecil?
- Đúng, chàng của tôi là Cecil.
- Cô nói là thằng Cecil này lấy hết tiền của cô, không cho cô giữ một xu teng nào?
- Đúng.
- Thế cô không cần mua sắm những đồ lặt vặt sao? Như mua nước, rồi thức ăn hàng ngày thì sao? Còn quần áo nữa... nó phải cho cô chút chút gì chứ!
- Tôi cần gì chàng đều lo cho tôi, thế thì tôi giữ tiền làm gì?
Chưa bao giờ tôi ghét tiếng "chàng" cuả con nhỏ đến thế. Bị bóc lột đến tận xương tuỷ, thế mà mở miệng ra cứ một chàng hai chàng. Coi bộ con nhỏ vừa yêu vừa sợ thằng Cecil ma-cô quá rồi.
- Thế mười đồng tôi biếu riêng cô thì sao? Cô đâu cần phải đưa cho nó. Tôi cho riêng cô mà.
Con nhỏ nhoẻn miệng cười:
- Ừ! Mười đồng đó tôi giữ riêng được. Cám ơn ông.
- Thế cô thường ngủ ở đâu?
Cô gái nhún vai, chỉ xuống đất:
- Đây, phòng của tôi đây. Ngủ ở đây chứ ở đâu nữa. Lâu lâu Cecil đưa tôi đến chỗ ở của chàng ngủ một đêm...
Đôi mắt cô gái sáng lên, giọng mơ màng:
- Chúa ơi! Ông phải đến đó một lần. Phòng sang trọng không tưởng được. Từ đó nhìn ra công viên Central thì tuyệt. Có khi Cecil cũng đưa tôi đến tiệm ăn Pháp nữa kìa.
Bây giờ tôi mới chú ý đến căn phòng. Tôi nhìn chung quanh. Căn phòng vỏn vẹn chỉ có cái giường xộc xệch, chăn nệm vất bừa bãi bên trên. Đầu giường kê chiếc tủ hai ngăn, thấp lè tè. Hai chiếc ghế đẩu nằm chênh vênh ở góc bên kia, nước sơn loang lổ. Có lẽ của một ai đã bỏ đi và thằng Cecil mang về cho con nhỏ. Tôi nghiêng người nhìn vào trong phòng tắm. Tấm vải che bồn tắm ố vàng, lốm đốm đen ở phía dưới gấu vì thấm chất dơ trên sàn phòng tắm. Chiếc khăn tắm màu trắng vắt ngang thành bồn, nằm chơ vơ như tấm thân tinh khiết của một cô gái lẫn vào chốn bùn nhơ.
Sống như thế này mà bảo là sống, tôi nhủ thầm.
- Cô bằng lòng sống như thế này sao? Có bao giờ cô nghĩ đến tương lai không? Phải có lúc cô bỏ nghề chứ!
- Đương nhiên...
- Này cô, chuyện của cô tôi không cần biết nhưng tôi nghĩ cô phải dành dụm thế nào đó để khi bỏ nghề cô cũng có một chút vốn. Cô hiểu ý tôi không?
- Cám ơn ông có lời khuyên. Chuyện của tôi cứ để tôi lo. Bây giờ ông dang ra để tôi xuống đường kiếm khách.
Tôi hơi bực mình:
- Khoan, tôi trả tiền cô sòng phẳng. Ít nhất tôi phải được nửa giờ chớ.
Cô gái ngồi phịch xuống giường, thở ra một hơi dài, vẻ chán nản.
- Thế cô tiếp... tiếp khách nhiều không?
Con nhỏ lườm tôi thật dài:
- Dẹp đi cha ơi! Cha hỏi nhiều câu chán quá.
- Tôi nghĩ người đẹp như cô chắc phải có nhiều khách lắm.
Giọng con nhỏ dấu dịu:
- Nhiều thì không nhiều. Khi thì năm, sáu, đôi khi tám. Ngày mệt nhất có đến cả chục. Cecil muốn tôi tiếp ít nhất bốn khách mỗi ngày.
- Cô đưa hết tiền cho nó?
- Tôi đã nói với ông rồi.
- Lần nào cô cũng lấy năm chục hả?
- Đôi lần khách không đủ tiền nài tôi bớt. Cecil muốn tôi phải giữ đúng giá.
Một điều tôi nhận thấy rõ là mỗi khi nhắc đến tên Cecil, khuôn mặt cô gái thoáng một chút sợ hãi. Cái sợ hiện rõ trong ánh mắt vì cái tinh anh vụt biến mất. Cả trong giọng nói cũng có chút run rẩy. Cái thằng ma-cô này thật sự đã nắm trọn linh hồn của cô gái, tôi thầm nghĩ.
- Thế nó thường kiểm soát cô không?
- Mỗi ngày một lần, đôi khi hai lần. Đến khuya thế nào Cecil cũng ghé để... lấy tiền.
- Ngoài cô ra chắc cũng phải có nhiều cô khác nộp tiền cho nó phải không?
- Đúng!
- Bao nhiêu người cô biết không?
Cô gái lắc lắc đầu, cúi mặt:
- Không, tôi thật sự không biết.
- Thế cô có bao giờ hỏi nhỏ bạn bè làm được bao nhiêu một ngày không?
- Không, không bao giờ. Cecil biết được thì chết.
- Tôi vẫn không hiểu tại sao các cô không giữ riêng cho mình một chút tiền. Có ai biết được cô tiếp bao nhiêu khách đâu. Mỗi ngày giữ lại năm chục có sao đâu... phải có lúc kiếm nghề khác sinh sống chứ. Không lẽ cô tính làm vậy suốt đời sao?
- Hê... hê... giữ tiền riêng là không được. Ông không biết Cecil đâu.
- Cô dấu làm sao nó biết được.
- Cecil biết ông ơi. Chàng tinh lắm, chỉ cần nhìn vào mắt là biết ngay.
- Nghe tôi đi, dấu đi một ít.
Con nhỏ co rúm người:
- Không... không, tôi không thể làm được.
Tôi ngồi xuống cạnh cô gái:
- Nghe tôi đây. Giả sử mỗi ngày cô giữ riêng một lần đi khách bỏ vào trương mục tiết kiệm, còn bao nhiêu cô đưa hết cho nó. Nó chỉ tạt qua một lần thì làm sao biết được cô tiếp bao nhiêu khách. Nghe tôi đi, mỗi ngày cô giữ lại 50 đô, vị chi mỗi tháng cô có đến nghìn rưởi bạc chứ ít sao.
- Biết vậy nhưng tôi đã nói với ông rồi, tôi không thể dấu tiền được.
Tôi lớn giọng:
- Tại sao không? Nó ăn của cô vừa thôi chứ. Rồi còn bao nhiêu cô gái khác nữa. Các cô có biết mỗi ngày nó lấy không của các cô bao nhiêu không?
Gọng ủ rủ, con nhỏ lắc lắc đầu:
- Không... tôi không biết... tôi không muốn biết.
- Đây, tôi đề nghị với cô thế này. Tôi sẽ mở cho cô một trương mục tiết kiệm để cô bỏ tiền vào. Ngân hàng cũng không xa đâu, gần gần đây cho tiện. Mỗi ngày cô mang sổ tiết kiệm đến bỏ vào 50 đô. Còn lại bao nhiêu đưa hết cho nó. Năm chục thôi, cô hiểu không? Không nhiều hơn mà cũng đừng ít hơn. Cứ tiếp tục chừng gần năm cô sẽ thấy cả chục ngàn như chơi.
- Thôi... tôi không dám đâu. Cecil đùm bọc tôi mọi chuyện, tôi không thể làm vậy được.
- Cuốn sổ tiết kiệm nhỏ xíu dấu đâu chả được. Để xem... cô cứ nhét sâu vào trong xắc của cô thì không ai biết. Hoặc cô dấu đâu đó trong phòng này đi. Tôi cam đoan với cô nó không tài nào biết được.
Cô gái quay mặt đi không muốn nghe tôi nói nhưng có vẻ suy nghĩ lung về số tiền tích luỹ theo năm tháng. Chỉ cần 50 đô một ngày, 30 ngày một tháng, đến cuối năm số tiền đó tính nhẩm ra đã lên đến gần hai chục nghìn. Hai chục nghìn chứ ít oi gì! Với số vốn này, cô có thể bắt đầu làm lại cuộc đời.
Thấy con nhỏ yên lặng, tôi biết nó đã xiêu lòng. Tôi bồi thêm:
- Tôi sẽ mở một trương mục cho cô. Cô không cần phải làm gì hết. Ngày mai tôi sẽ mang sổ tiết kiệm lại đây, OK? Ngày mai, đúng ngọ, ngay tại chỗ này.
Tôi xoa tay thoả mãn:
- Rồi, bây giờ cô cho tôi biết tên.
Con nhỏ khựng người:
- Ông muốn biết gì?
- Biết tên chứ biết gì. Mở trương mục phải có tên chứ!
Cô gái ngần ngừ rồi gật đầu:
- Charlie.
- Charlie?
Ở Mỹ đã lâu tôi biết đó là tên của con trai. Đàn bà con gái ai lại đặt tên Charlie. Nhưng con nhỏ gật đầu xác nhận:
- Đúng! Charlie.
- Cô có nhớ lầm không? Hay là Charlene...
- Charlie! Tôi đã nói rồi, Charlie.
- Tên gì nghe cộc lốc như con trai vậy?
- Ba tôi muốn có con trai.
Khuôn mặt của Charlie nhuốm buồn khi nhắc đến người cha. Tôi đề nghị:
- Cô là con gái mà. Đổi tên đi. Lấy tên con gái cho ra hồn. Ba cô có ở quanh đây đâu mà sợ.
- Có hay không có ăn nhằm gì! Không chừng ổng chết mất xác ở xó xỉnh nào đó.
- Thế mẹ của cô đâu?
- Bả ở với thằng chồng mới ở đâu mặc kệ bả, tôi cũng không cần biết.
- Thật tội cho cô, không cha không mẹ. Thế cô bỏ nhà đi rồi ở đâu?
- Ở đây chớ ở đâu, tôi nói với ông rồi.
- Ừ nhỉ, tôi quên.
Tôi nhìn quanh phòng lần nữa, chán nản lắc đầu:
- OK, thôi cứ lấy Charlie đi. Nhưng Charlie gì? Còn họ nữa chứ!
- Lê.
- Lê?
Tôi giật mình. Hoá ra con nhỏ là người Việt. Khuôn mặt cô gái có nét Á-đông nhưng tôi vẫn không ngờ nó là người Việt.
- Cô là người Việt?
- Có gì mà ngạc nhiên! Bộ lần đầu tiên ông gặp người Việt làm nghề này hả?
- Không... nhưng trẻ như cô thì đúng là lần đầu.
- Ông cũng là người Việt hả?
Gặp một con nhỏ người Việt trong khung cảnh trớ trêu này làm tôi đâm ngượng. Tôi buột miệng:
- Không!
Cô gái không buồn hỏi thêm câu nào. Đối với cô chi tiết này không có gì quan trọng. Người nước nào cũng được miễn sao trả tiền sòng phẳng. Tôi khẽ thở phào vì nói dối không quen.
- Còn địa chỉ thì sao?
Cô gái ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu:
- Tôi không biết... có bao giờ tôi để ý đến số nhà đâu... mà sao ông bày đặt nhiều chuyện rắc rối quá. Tôi không cần sổ tiết kiệm gì gì đó của ông đâu...
Nắm lấy cánh tay xốc con nhỏ đứng dậy, tôi vội ngắt lời:
- Thôi, không sao. Tôi lo liệu được. Nhớ ngày mai đúng trưa đến đây gặp tôi nghe.
Bước ra đến cửa, tôi ngẫm nghĩ rồi quay sang cô gái:
- Hay là cô đưa tôi năm chục đó đi, tôi sẽ bỏ vào trương mục cho cô.
Con nhỏ đứng phắt lại, hất tay tôi ra, đôi mắt long lên sòng sọc. Nét ngổ ngáo pha trộn sự dữ tợn hiện rõ trên khuôn mặt cô gái. Tôi phất tay:
- Được rồi, tôi biếu cô thêm năm chục cũng không sao.
Ngày hôm sau, y hẹn tôi đến tiệm bán dụng cụ trợ tình để gặp Charlie. Từ đàng xa tôi đã bắt thấy dáng người nhỏ nhắn của cô gái đang lượn lập lờ trước cửa tiệm kiếm khách. Con nhỏ mặc chiếc áo khoác cũ mèm màu xanh nhạt che nửa đùi. Trông cô gái cao lêu khêu trên đôi guốc xanh cũng cao ngất ngưỡng. Chiếc xắc treo lủng lẳng trên vai, đong đưa theo từng nhịp bước liến thoắng của con nhỏ. Mái tóc uốn lượn vật vờ phủ đôi vai gầy guộc, sáng rực rỡ dưới ánh nắng buổi trưa. Cũng với khuôn mặt khả ái đó, cũng với nụ cười gợi tình đó, Charlie rảo bước lên xuống trước cửa tiệm mời khách mua thân.
Khi tôi sửa soạn bước sang đường để gặp thì con nhỏ chợt nhìn thấy tôi. Nó lập tức xoay người đổi ngược hướng, bước chân vội vã không hề ngoái nhìn lại. Tôi gọi to:
- Charlie!
Tôi nhấn bước gần như chạy để cố bắt kịp cô gái. Khi tay tôi chạm vào vai, cô gái quay phắt người lại. Nét mặt đanh cứng, môi mím chặt, đôi mắt Charlie toé lửa:
- Gì nữa đây cha! Tôi đã bảo để tôi yên.
- Tôi đưa cô cuốn sổ tiết kiệm.
Cô gái xẳng giọng:
- Tôi không cần... tôi đã nói là tôi không cần. Sao cha nhiều chuyện vậy!
- Đừng điên! Cô có biết là tôi vừa tốn công tốn tiền mới có cuốn sổ này không? Tôi đã mang đến đây rồi, tại sao cô không cầm lấy. Có mất mát gì đâu.
Vừa nói tôi vừa lôi trong túi áo ra cái phong bì, trong đó có cuốn sổ tiết kiệm để gọn trong lòng bàn tay. Mở sổ, tôi chỉ cho cô thấy mục ký thác lần đầu, bên phải có ghi con số 50.
- Đây, số tiền 50 đồng để cô bắt đầu, tôi biếu cô như đã hứa ngày hôm qua. Mỗi ngày cô bỏ vào đây năm chục, độ hơn tháng là có bạc nghìn rồi.
- Tiền của ông tôi lấy làm gì.
Tôi dúi cuốn sổ vào tay cô gái:
- Giữ lấy đi.
Con nhỏ hất tay ra không nhận. Cuốn sổ rơi xuống đất. Tôi đành phải cúi xuống lượm lên.
- Này cô, nghe đây, tôi phải ra phi trường ngay bây giờ. Tôi không có thì giờ nhiều. Tôi đã nói đây là chút quà biếu để giúp cô bắt đầu tập dành dụm.
Không đợi con nhỏ trả lời, tôi nhét vội vào cái ngăn ngoài của cái xắc đang treo lủng lẳng trên vai. Đến nước này thì con bé đứng yên không từ chối nữa. Chẳng nói chẳng rằng, con nhỏ xoay người rảo bước đi ra xa. Chợt nhớ ra một chuyện, tôi gọi giật:
- Khoan, có vài điều cô cần phải biết. Ngân hàng gửi tiền ở góc phố bên kia đường, cô thấy cái bảng xanh đàng trước không? Cô cứ bước vào, gặp bà Walsh ngồi bên tay phải, mỗi ngày đưa cho bả 50 đô để ký thác vào trương mục. Tôi đã dặn bà ta rồi, bà ấy sẽ giúp cô tận tình. Nhớ nghe, 50 đô mỗi ngày. Cô sẽ giàu...
Cô gái đứng ngẩn người nghe tôi nói, nét mặt dịu hẳn xuống. Charlie ngước mắt nhìn tôi, mắt long lanh như muốn khóc. Cuối cùng, con nhỏ buông thõng:
- Cám ơn ông.
Rồi nhoẻn miệng cười. Nụ cười Charlie ban tặng cho tôi trước khi tôi rời New-York. Ôi! Nụ cười mới duyên dáng làm sao! Nó in sâu vào tâm trí tôi mà mãi sau này về lại San Jose, mỗi lần nhớ đến nụ cười của Charlie vào buổi trưa hôm đó tôi đều cảm thấy lòng thật ấm áp.
Thật không ngờ, đó là lần cuối cùng tôi thấy nụ cười của Charlie.
Cô nữ tiếp viên hàng không trao cho tôi ly rượu martini. Ngồi trên chuyến bay từ New-York về San Jose, tôi nhâm nhi ly rượu vừa ngẫm nghĩ đến cái tên Charlie Lê. Một cô gái Việt bụi đời. Gia đình đổ vỡ đẩy cô vào con đường bán thân nuôi miệng. Tuổi của cô còn nhỏ quá. Tôi tin chắc Charlie không quá hai mươi. Tiếc quá, tôi quên không hỏi tuổi thật của cô gái. Nhưng dù sao đi nữa, tôi đã làm được một điều tốt cho Charlie. Với số tiền năm mươi đồng để bắt đầu, hy vọng cô gái sẽ bỏ vào trương mục đều đặn và chắc chắn số tiền tiết kiệm sẽ lớn dần theo thời gian. Có một số vốn rồi, Charlie sẽ dễ dàng bỏ con đường bán thân, bắt đầu cuộc sống mới. Trong đời tôi đã từng giúp đỡ kẻ khác, nhưng việc giúp đỡ Charlie bỏ con đường trụy lạc là việc tôi cảm thấy thoả mãn nhất.
Nhớ lại lúc đầu tuần, khi bay từ San Jose sang New-York vì công việc của hãng, tôi không thể ngờ có lúc tôi lạc bước vào con đường số Tám. Lang thang đến nửa đường, tôi tình cờ dừng lại ở cửa tiệm có đèn nê-ông sáng rực. Toàn là những quảng cáo tình dục. Tất cả sinh hoạt tấp nập hình như dồn lại trước mấy cửa tiệm này. Đủ loại khách, đủ loại người. Những kẻ ăn mày đứng uể oải nơi xó tối, mệt mỏi với loong bia trên tay, chắc vừa say men vừa say thuốc. Những khách bộ hành lịch sự, quần áo cà-vạt chỉnh tề bước vội vã trên vỉa hè. Phảng phất hơi người quyện với đủ mùi nước hoa bay lan trong không khí, xông vào khứu giác một mùi hỗn tạp dễ gây nhức đầu. Tôi đứng ngơ ngác trước một góc biểu tượng sinh hoạt của New-York về đêm thì kìa, một cô gái ở trong góc tối xô ra lững thững tiến về phía tôi.
Khuôn mặt cô gái vừa nhô ra khỏi bóng tối, tôi đứng chết lặng như bị ai đánh ngay giữa đỉnh đầu. Vùng ánh sáng chan hoà trước mặt chợt mờ đi ngay khi khuôn mặt cô gái đập vào thị giác tôi. Chao ôi! sao trên đời lại có những đôi mắt, cánh mũi, đôi môi... đặt để khéo léo đến thế. Thượng đế đã đem hết tâm huyết tạo nên khuôn mặt, đặt vào giữa dòng đời để hãnh diện khoe một sáng tác với nhân loại. Cô gái xứng đáng là một tuyệt phẩm của Trời. Càng đến gần tôi càng cảm nhận được một sắc đẹp ngây thơ, tuyệt trần, hài hoà giữa Đông và Tây. Sắc đẹp tô điểm chút son phấn làm sửng sốt người đối diện.
- Chào ông!
Cô ta mỉm cười cất tiếng. Tôi vẫn còn sững sờ trước nét đẹp của khuôn mặt thì cả thân hình cô ta đứng choán ngay trước mặt. Tôi ấp úng:
- Chào... chào cô.
Cô gái uốn éo thân hình:
- Ông muốn đi không?
Tôi biết rõ câu hỏi mang ý nghĩa gì nhưng vẫn vờ hỏi ngược:
- Đi đâu cô?
- Thì đi chơi với nhau chứ còn gì nữa... lại còn vờ.
Thế là tôi thẫn thờ đi theo cô gái...
Charlie Lê. Mãi sau này nói chuyện tôi mới biết đó là Charlie Lê. Chuyến công tác bất ngờ trở nên thú vị vì tình cờ quen biết Charlie, một cô gái sống vất vưởng trên vỉa hè với cái nghề bẩn thỉu. Một con bé bị đẩy vào giữa dòng đời quá sớm vì thảm cảnh gia đình. Hai tháng nữa, tôi lại phải bay sang New-York để kiểm tra lại giao kèo một lần cuối. Lúc đó tôi sẽ ghé thăm Charlie xem con nhỏ sống ra sao.
Một tuần trước Halloween, tôi bay sang New-York như đã dự tính. Sau ba ngày làm việc, tôi mầy mò đến khu thị tứ trên đường số Tám để tìm Charlie, cô gái Việt bụi đời.
Đứng lảng vảng trước tiệm bán trợ cụ tình dục, chỗ tôi gặp Charlie hai tháng trước đây, tôi đưa mắt nhìn quanh. Cũng khung cảnh ấy, người người qua lại tấp nập nhưng không hề thấy bóng dáng Charlie đâu. Thường thường các cô gái lượn qua lượn lại trước cửa tiệm để chào khách. Hoặc con nhỏ bị đau ốm không chừng. Tôi quyết định trở lại căn phòng Charlie đưa tôi đến trước đây, chỉ thấy cửa đóng then cài, không thấy bóng người lai vãng. Sau cùng, tôi quyết định bước vào cửa tiệm để hỏi tin tức Charlie.
Bên trong tiệm tối mờ mờ, vắng ngắt. Trên kệ bày la liệt những dụng cụ trợ tình. Đứng sau quầy chỉ thấy một người đàn ông trung niên chúi mũi vào cuốn sách trước mặt, không hề bận tâm khách đến khách đi. Đột nhiên tôi cảm thấy thật ngượng ngùng, đến một nơi xa lạ, hỏi thăm một người cũng xa lạ về một đứa con gái quen biết chỉ một lần. Không biết phải mở lời ra sao, tôi lúng búng trong miệng:
- Tôi... tôi... muốn hỏi thăm Charlie Lê, ông có biết cô ta... ở đâu không?
Người đàn ông ngẩng mặt, đưa mắt xoi mói nhìn tôi, miệng ngậm tăm. Ngượng ngùng, tôi tính quay ra thì hắn mở miệng:
- Chờ một chút.
Chẳng cần biết tôi có đồng ý chờ hay không, hắn bước ra phía sau tấm liếp bằng giấy, nhấc phôn quay số. Tôi không biết hắn gọi cho ai. Giọng nói của gã đàn ông nhỏ quá, tôi chỉ nghe loáng thoáng, không biết hắn nói những gì. Tôi hy vọng hắn đang dẫn đường tôi đến gặp Charlie. Lẩn thẩn nhìn chung quanh, tôi thấy những sách khiêu dâm rẻ tiền đặt đầy trên kệ. Bên phải chất đầy dẫy phim tình dục đủ loại. Những tiệm như thế này thường vắng khách, nếu có khách cũng chưa chắc họ bỏ tiền mua. Mở tiệm không bán được bao nhiêu nhưng vẫn mở. Tôi nghĩ đây chỉ là tấm bình phong, che dấu những chuyện mua bán tình dục đàng sau, đầu mối mang về lợi tức chục ngàn mỗi tháng như chơi. Đó cũng là lý do Charlie và những cô gái luôn luôn lảng vảng trước cửa tiệm này. Tôi nghĩ thằng ma-cô Cecil có thể có phần hùn trong cửa tiệm này lắm.
Gã đàn ông đã quay lại, miệng vẫn ngậm câm. Tôi hỏi gặng:
- Thế ông có biết Charlie ở chỗ nào không? Hai tháng trước tôi có gặp cô ta ở đây. Tôi lại không có thì giờ vì phải ra phi trường gấp.
Hắn buông thõng, mắt vẫn không rời cuốn sách:
- Chờ thêm vài phút nữa.
Không biết hắn nói tôi chờ ai. Tôi bỗng hối hận vì đã đến đây hỏi gặp Charlie. Nhìn khung cảnh tối mờ mờ trong tiệm tôi chợt thấy rợn rợn. Vài hình ảnh trong phim nói về xã hội đen làm tôi càng rùng mình. Bộ mặt gã chủ trông không mấy thiện cảm, ngay cả giọng nói cũng cộc lốc, không chút thiện cảm. Chuyến đi công tác lần này tôi tự nhủ phải gặp lại Charlie xem cô gái sống thế nào, để biết cô đã để dành được bao nhiêu? Tôi nóng lòng muốn nhìn lại khuôn mặt của Charlie, muốn thấy lại nụ cười duyên dáng của cô gái. Chỉ một lần nữa thôi, vì không biết đến bao giờ tôi mới có dịp quay lại New-York.
Tất cả những háo hức đó chợt nguội lạnh khi tôi đứng bơ vơ trong một tiệm tình dục vắng tanh, đối diện với một gã đàn ông với khuôn mặt lạnh lùng, khung cảnh mờ ảo trông thật đe dọa. Đang mải suy nghĩ thì cửa tiệm chợt mở. Một người đàn ông ăn mặc lịch sự tiến về phía tôi:
- Ông là người muốn tìm Charlie Lê?
Tôi vừa gật đầu xong, ông rút trong túi tấm thẻ hành nghề trinh thám hình sự:
- Tôi mời ông về trạm cảnh sát để khai báo một vài chi tiết cần thiết.
Tôi chưng hửng. Sao chuyện lạ vậy! Tôi đến đây chỉ hỏi tin tức Charlie. Hay tại con nhỏ dưới tuổi vị thành niên mà tôi bị liên lụy? Tôi tin chắc ngoài chuyện gặp cô gái ở đây tôi không dây dưa đến một chuyện gì khác dính líu đến cảnh sát. Đầu óc tôi xoay vần không biết bao nhiêu câu hỏi. Tôi ấp úng:
- Chắc... chắc... ông lầm rồi... tôi...
- Ông muốn biết Charlie ra sao, đúng không?
Không đợi tôi trả lời, ông thấp giọng:
- Ông đừng lo, chỉ là thủ tục thôi. Ông chẳng có tội gì trước pháp luật... Nghe tôi đây, chúng tôi chỉ hỏi một vài câu, danh tính của ông vẫn được giữ bí mật, không có gì hại đến uy tín của ông đâu mà sợ.
- Tôi thật sự không có thì giờ về chuyện này vì tôi phải ra phi trường bay về San Jose gấp.
- Không sao, tôi sẽ đưa ông đến phi trường.
- Tôi còn phải quay lại khách sạn để lấy đồ đạc nữa. Mong ông thông cảm, sắp đến giờ chuyến bay rồi.
- Thế mấy giờ ông bay?
Tôi ngần ngừ, rồi buột miệng:
- 3 giờ 10.
- Ông ngụ ở khách sạn nào?
- Lex.
Viên thám tử xoa tay:
- Nếu thế thì chúng ta còn nhiều thì giờ lắm. Ông ghé qua ty cảnh sát trả lời vài câu rồi tôi sẽ đưa ông đến khách sạn lấy đồ đạc. Tôi sẽ đích thân đưa ông đến phi trường. Tôi cam đoan là ông không trễ chuyến bay.
Tôi suy nghĩ thật nhanh. Đến nước này thì tôi không thể từ chối được nữa. Chuyện gì không biết nhưng dính đến cảnh sát thì phải hợp tác, không khéo sẽ bị quy vào một tội danh nào đó thì lại càng chết. Tin chắc không làm điều gì sai trái, tôi bình tĩnh hỏi viên thám tử:
- Ông phải cho tôi biết cảnh sát muốn lấy lời khai của tôi về chuyện gì?
- Ông muốn biết tin tức của cô gái tên Charlie phải không?
Tôi lưỡng lự một giây rồi miễn cưỡng gật đầu:
- Vâng.
- Charlie chết rồi. Tôi đang điều tra về cái chết của cô gái.
Tôi ngỡ ngàng. Không tin ở tai mình, tôi hỏi dồn dập:
- Ông nói gì? Chết? Tại sao chết? Tôi mới gặp cô ta hai tháng trước đây thôi.
Viên thám tử nhún vai:
- Hai tháng là một thời gian dài, ông biết không. Nhất là đối với cuộc sống vội vàng của những cô gái ăn sương như Charlie.
Tôi ngớ ngẩn hỏi:
- Chết thế nào ông biết không?
Không để ý đến vẻ ngây ngô trên khuôn mặt của tôi, ông nghiêm giọng:
- Thằng ma-cô đánh cô ta đến chết. Tướng thằng đó to như con bò mộng, còn Charlie người nhỏ thó cỡ trên dưới trăm cân. Thế mà nó dã man giộng con nhỏ bằng tay đến nát người. Cả người cô gái bầm dập, khuôn mặt nát bấy. Nhưng chúng tôi đã bắt nó rồi, chỉ chờ lấy lời khai của vài nhân chứng để lôi nó ra toà. Tội giết người ít nhất phải tù chung thân. Những lời khai của ông về cô gái sẽ giúp chúng tôi đập nát đầu thằng ma-cô đồ tể này. Ông biết không, tôi theo dõi nó đã bao nhiêu năm nay mà không làm gì được, bây giờ mới có chứng cớ hiển nhiên lôi cổ nó ra toà. Lần này thì nó tù rục xương, không chừng lên ghế điện nữa kia.
Ở ty cảnh sát, tôi ngồi trong phòng riêng của viên thám tử. Một thám tử nữa ngồi trước máy đánh chữ, ghi chép lời khai, đồng thời xin phép được ghi âm.
- Ông lên phòng với cô ta?
- Vâng, nhưng tôi không làm gì cả. Thề với ông tôi chưa hề đụng đến người cô ta.
- Điều gì đã làm ông đổi ý. Thường thường cánh đàn ông chúng ta vào phòng rồi khó mà cưỡng lại được lắm.
Tôi cúi đầu:
- Ông nói đúng... nói ra thật xấu hổ. Hôm đó không hiểu sao tôi như người bị bùa mê, lẽo đẽo đi theo cô ta lên phòng.
- Cám ơn ông đã khai báo thành thật. Tôi bảo đảm với ông lần nữa là danh tánh của ông sẽ được giữ bí mật. Chúng tôi muốn lấy lời khai của ông để xem có giúp ích gì trong vụ án này không. Nhất quyết thằng ma-cô lần này phải ngồi tù rục xương. Bây giờ ông tiếp tục đi... sau đó thế nào?
- Tôi chợt thấy cô ta còn nhỏ quá, nhất là khi cởi chiếc áo cánh để lộ đôi vai xương xẩu. Thú thật với ông, nó còn nhỏ hơn hai đứa con gái của tôi nữa... vì thế tôi bảo cô ta ngưng... Thật không ngờ tôi lại theo cô ta vào phòng làm cái chuyện đó...
- Ông có trả tiền cho cô ta không?
- Có chứ! Không đưa sao được. Cô ta nói đã vào phòng là phải trả tiền.
- Cho dù ông không...
Tôi vội ngắt lời tránh cho ông ta phải lập lại chuyện đáng xấu hổ.
- Vâng. Phải trả tiền.
- Thế ông đưa cô ta bao nhiêu?
- Cô ta đòi năm chục, nói rằng cả số tiền này phải đưa về cho thằng Cecil. Thấy tội nghiệp vì phải đóng thuế cho mấy thằng ma-cô tôi biếu cô thêm mười đồng là chẵn sáu chục. Tôi còn đề nghị cô ta nên giữ mười đồng để tiêu vặt.
- Sau đó rồi ông với cô ta xuống đường, mỗi người đi một ngả?
- Vâng, chỉ vậy thôi. Lần này tôi đi công tác tình cờ ghé lại con đường số Tám nên mới hỏi thăm Charlie.
Tôi nói dối. Hai chuyện. Sau khi từ giã Charlie tôi đến ngân hàng mở một trương mục cho cô gái và tôi lại cố ý quay trở lại con đường tội lỗi để nhìn lại khuôn mặt và nụ cười của Charlie, không đơn thuần là sự tình cờ như tôi vừa kể. Nóng lòng muốn biết về cái chết của Charlie, tôi nhíu mày:
- Tôi vẫn không hiểu tại sao thằng Cecil lại giết con nhỏ. Theo lời cô ta thì có bao nhiêu tiền đều phải nộp hết cho nó kia mà. Charlie đang là cây hái ra tiền thì sao nó lại giết?
Viên thám tử thở dài:
- Theo tôi biết thì Charlie có dấu một ít tiền riêng. Thằng Cecil lại rất ngặt về chuyện này. Nó có thể đánh mềm người chỉ vì vài đồng bạc không khai báo. Huống hồ con nhỏ lại mở riêng một trương mục thì làm sao thằng Cecil chịu nổi. Khi điệu nó về ty để hỏi cung, chúng tôi tìm thấy cuốn sổ tiết kiệm mang tên Charlie trong xách tay của nó. Mà ông biết cái xách tay của thằng chó chết làm bằng gì không? Bằng da cá sấu... da thật 100%. Mẹ kiếp, một thằng ma-cô chuyên nghề hút máu đàn bà con gái cầm cái xách tay đáng giá bạc nghìn đi khơi khơi giữa đường phố trông ngứa mắt hết sức. Nhìn cái tướng mất dạy của nó tôi chỉ muốn giộng một cái ngay giữa mặt...
Tai tôi ù hẳn đi không nghe gì được nữa. Tôi ngồi lặng người, hai tay ôm lấy đầu. Chỉ vì cuốn sổ tiết kiệm mà thằng Cecil nhẫn tâm giết chết cô gái. Trời ơi, cuốn sổ tiết kiệm của tôi trao cho Charlie. Úp mặt vào hai bàn tay, tôi nghĩ đến cái sinh mạng đã bị cướp đi, tưởng đến cái kiếp sống phù du của con người. Thật không ngờ chuyến viếng thăm New-York lần này lại mang đến một kết cục đầy bi thảm. Cuộc đời vẫn trôi, mỗi ngày con số tử sinh lên đến cả nghìn, nhưng sao định mệnh lại chọn Charlie. Công trình nhào nặn của tạo hoá chỉ được phô trương trên cõi nhân gian này ngắn ngủi đến thế sao? Nếu cái chết của Charlie là ý muốn của Thượng đế thì chính tôi cũng góp phần vào việc thực hiện ý định này. Cái chết tức tưởi của cô gái sẽ mãi in đậm nét trong tâm tư, và tôi biết chắc rằng nỗi ray rứt sẽ dằn vặt tôi mãi khôn nguôi. Nhìn nét mặt tôi, viên thám tử cũng ngồi yên lặng trân trọng nỗi đau của tôi, một người khách lạ đến từ phương xa. Ông cũng đoán được một mối liên hệ nào đó giữa tôi với cái chết của người con gái trẻ mà ông không buồn hỏi thêm chi tiết. Một lúc sau, lấy lại được bình tĩnh tôi ngẩng mặt nhìn viên thám tử:
- Tôi... tôi hơi tò mò một tí. Nếu được ông có thể cho tôi xem qua cuốn sổ tiết kiệm được không?
Ông mỉm cười dễ dãi:
- Được chứ!
Nói xong, viên thám tử đứng dậy đi đến cái tủ sắt kê ở góc phòng. Ông trở lại trên tay cầm một phong bì màu vàng khổ lớn. Ngồi xuống ghế, ông thò tay lục lọi bên trong và lôi ra cuốn sổ màu xanh. Đúng là cuốn sổ tôi đưa cho Charlie hai tháng trước, tôi hồi hộp nghĩ thầm. Viên thám tử trao cho tôi. Run run tôi cầm lấy và mở ra...
Bên trong chỉ có một hàng chữ cho một lần ký thác. Cột bên phải ghi rõ năm chục đồng. Số tiền tôi ký thác lần đầu cho Charlie và cũng là lần cuối cùng.
Thưa quý độc giả, câu chuyện của Charlie kết thúc bằng cái chết thật thương tâm. Bị đánh bầm dập người cho đến chết. Với tấm thân yếu ớt của cô gái, chết như thế chắc chắn phải đau đớn lắm. Chết bờ chết bụi, không bà con thân thích, không một ai hay, ngoài tôi. Tôi cứ suy nghĩ hoài về cái chết của Charlie và phải nhìn nhận rằng, nếu hôm đó tôi đừng bày đặt mở cái trương mục chết tiệt đó thì Charlie vẫn còn sống. Cuộc đời của cô gái có thể vẫn trôi nổi ở chốn bùn nhơ nhưng tôi chắc chắn một điều là cô ta không bị đánh chết.
Đến đây tôi xin quý độc giả ban cho tôi một lời. Lời nào cũng được. Cả hai tuần này tôi thẫn thờ như người mất hồn, không thể nào chú tâm làm được việc gì. Đêm về, hễ nằm xuống là tôi thấy ngay khuôn mặt của Charlie, khuôn mặt đầy máu, quý vị ạ!
Xin giúp tôi vượt qua cơn khủng hoảng này. Quý vị an ủi hoặc lên án tôi đều cám ơn quý vị trước. Xin liên lạc với tôi qua địa chỉ toà soạn của tờ báo mà quý vị đang cầm trên tay.
Muôn ngàn lần cảm tạ.
Nguyên tác: A GIRL NAMED CHARLIE
Stanley Cohen