watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Giếng cạn - tác giả Sương Nguyệt Minh Sương Nguyệt Minh

Giếng cạn

Tác giả: Sương Nguyệt Minh

Nhà tôi, nhà Bống ở cùng thôn.Bống chị, Bống em là cách gọi nhà quê. Tên khai sinh, Bống chị là Bích, Bống em là Bình.
Thôn Cự Phú. Tên giàu có no nê, nhưng hữu danh vô thực. Nghèo kiết xác, đói quanh năm. Chỉ được cái tấm lòng thanh sạch. Thanh sạch là giá trị ổn định, quý hiếm, nhưng không bán được.
Cả thôn chỉ tôi và Bống chị học phổ thông trường huyện. Niềm vui chẳng tới. Kiêu hãnh tự hào cũng không. Người thôn nghĩ (cái sự nghĩ đã vào máu): Đi học nhiều chỉ tổ tốn cơm.
Theo đít trâu đến mùa còn được thêm mấy đấu thóc. Chỉ hạng nhát làm mới trốn việc nhà đi học. Họ không biết việc học cũng nhọc chẳng kém thợ thùng đào thùng đấu.
Ai ơi chớ lấy học trò.
Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm
Bọn thất học thôn tôi thường ca như vậy. Thất học nhưng thuộc rất nhiều thơ ca, hò vè mới lạ chứ. Cũng là ghen ăn ghét ở, chúng sợ tôi đi học làm ông to bà lớn về đè đầu cưỡi cổ chúng.
Cha tôi bỏ ngoài tai. “Tao suốt đời nhòm đít trâu, vác đất rồi. Đến đời mày, Lăng ạ (tên tôi là Lăng) dứt khoát phải học mới thành người. Nhưng không được thơ thẩn theo thầy Đô đâu nhá.”
Thầy Đô là giáo viên dạy văn cấp 3 đã nghỉ hưu. Thầy làm rể làng cũng vì mến con gái Cự Phú thuộc nhiều thơ ca, hò vè. Thầy có chiếc xe đạp Thống Nhất khung gióng ngang tróc sơn.
Thầy Đô làm thơ gửi tạp chí văn nghệ tỉnh, thỉnh thoảng lên bưu điện lĩnh nhuận bút. Giữa đường gặp, thầy dừng lại năn nỉ Bống chị lên xe đạp, thầy chở. Thầy bảo: Người ta là hoa đất. Con gái là hương của hoa đất, là cái đẹp. Cái đẹp cứu rỗi con người, phải nâng niu, chăm sóc.
Bống chị từ chối: “Em xấu, em không đáng được nâng niu. Em quen đi bộ rồi thầy ạ”. Thầy buồn, lên xe đi tiếp, miệng lại lẩm bẩm đọc thơ. Thầy Đô là nhà thơ tỉnh, tỉnh thì phải lớn hơn huyện.
Thỉnh thoảng thầy đến trường tôi nói chuyện thơ. Thầy bảo, nhịn ăn thầy nhịn được một tuần, nhịn đọc thơ nửa ngày không chịu nổi. Nói chuyện thơ ở trường tôi, thầy Đô bảo, thầy thích nhất những đoạn thơ viết các cô gái đi tỉnh về.
Thầy cao hứng ngâm thơ Nguyễn Bính:
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.
Thầy đọc thơ Phạm Công Trứ như diễn trên sân khấu:
Tuổi thơ chân đất, đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên...
Em ra thành phố dần quên một thời...
Em tôi áo chẽn em tôi quần bò.
Thầy đọc. Thầy bình. Thầy nức nở khen. Giọng thầy trầm ấm mà buồn buồn. Như thể mất mát. Như là đổ vỡ. Học sinh khối 12 chúng tôi ngồi im phăng phắc. Sau này, bọn con gái lớp tôi có đứa nào khốn nạn thế không nhỉ?
Cha muốn tôi sau này được làm bàn giấy. Theo cách nghĩ của ông, làm bàn giấy là: Cộng cộng trừ trừ, nhân nhân chia chia. Ghi ghi chép chép. Chân không lấm, tay không bùn.
Mưa chưa đến mặt, nắng không đến đầu. Ví như tay kế toán ủy ban xã. Ví như ông giáo làng chẳng hạn. Mong ước cha tôi quá vĩ đại, có nguy cơ không thành sự thực.
Cha tôi là thợ thùng đào thùng đấu, chuyên vượt đất san nền thuê lấy tiền đóng học cho con trai. Mỗi hòn đất giá ngang một con chữ tôi học. Một trăm hòn đất - một trăm con chữ.
Một ngàn hòn đất - một ngàn con chữ... Cha tôi bảo: “Có dễ tao phải vác một vạn hòn đất thì mày mới nên người”. Xót xa quá. Thương cha. Tôi ứa nước mắt. Bao giờ tôi mới có một vạn chữ trong đầu?
Đi học nhọc nhằn. Vác đất vượt nền cực thân. So sánh, có lẽ ngang nhau. Thầy Đô nhà thơ truyền lửa cả làng cả huyện đọc thơ, làm thơ. Thầy chủ nhiệm lớp tôi thì động viên: “Các em là tương lai đất nước, là mùa xuân dân tộc.
Các em phải quyết tâm học hết phổ thông. Học qua đại học. Học chót vót tận tiến sỹ khoa học”. Khiếp, toàn những điều cao siêu, xa vời vợi. Nhưng chẳng thấy thầy nói xong tiến sỹ khoa học, chúng tôi phải học tiếp cái gì cao hơn nữa.
Các thầy coi việc học, việc làm thơ cứ nhẹ nhàng, băng băng. Các thầy không biết, chỉ cần cha tôi nghỉ vác đất vượt một tuần là đầu tôi rỗng tuyếch, cái bụng đói trống không. Học với hành, thơ với thẩn biến hết.
Bẩy cây số rưỡi từ nhà đến trường. Toàn cuốc bộ. Đường dài dằng dặc, nhọc nhằn như Đường Tam Tạng sang Tây Trúc lấy kinh. Mùa hè mồ hôi nhễ nhại. Mùa đông rét tê da. Ngón chân nhón trên sương cỏ buốt thon thót.
Qua đầu làng độ nửa cây số có chỗ lội. Tôi xắn quần lội uồm xuống trước. Hơi cúi, quay lưng, chờ Bống chị. Nàng quàng tay lên cổ tôi. Tôi quàng tay quắp cặp đùi đứa gái quê mới lớn.
Tôi chợt nhớ cặp ếch cõng nhau trong đêm mưa rào đầu hạ. Hai vú cộn trên vai tôi âm ấm. Hai đùi non trong lần vải lụa đen cũng âm ấm. Uồm... Uồm... Nước lạnh.
Hơi thở con gái mù sương nóng hổi. Tóc mai con gái vương nhẹ má tôi. Mùi lá bưởi thơm thoảng, vấn vương, quấn quýt. Ước gì quãng lội nước cứ dài thêm mãi. Ước gì người ta đừng đắp đất hàn đường.
Lên bờ. Rửa chân. Thả quần. Bống chị cầm hai bàn tay tôi ấp vào má nàng. Bàn tay tôi lạnh. Má nàng ấm nóng. Mắt nàng long lanh, mặt nàng trìu mến. Lòng tôi nôn nao, tim tôi rạo rực.
Bọn trẻ trâu từ xa nhìn thấy, vận vần nghêu ngao:

Áo trễ ngực gió luồn vào vú
Vú lặng thinh cho gió mơn man
Chán thằng cõng gái lơ ngơ
Khổ thân mà chẳng được sơ múi gì.

Cái loại thơ này có phải thầy Đô nhà thơ dạy không nhỉ? Thơ thầy Đô dạy tinh túy, cao siêu, thanh khiết cơ; chứ không nồng nỗng thế.
Bống chị đỏ mặt cắm cúi bước đi như chạy. Tôi sượng sùng, bước theo.

Chiều về. Lại thấy Bống em hát nghêu ngao mấy câu vần áo trễ ngực gió luồn vào vú...
Bống chị quát em:
- Con nỡm! Mày hát trêu ai?
- Chị và anh Lăng đấy. Khổ thân anh Lăng.
Bống em hát tiếp: “Khổ thân mà chẳng được sơ múi gì...” và chạy biến.

Bống em kém chị ba tuổi, tính lành hiền, chăm chỉ. Bống em ở nhà làm ruộng, thêu hàng xuất khẩu.
Bống chị học buổi sáng, buổi chiều về phụ với em. Mẫu mã đủ loại gối, ga, chăn: Long hoá, Trúc đào, Phượng múa...; rồi các loại tranh thêu: Đám cưới chuột, Đánh ghen, Sân đình, Sen làng, Thiếu nữ ngắm hoa sen...
Hàng xuất khẩu chị em Bống không nhận được trực tiếp, phải qua tay chủ hàng gia công lại, rẻ mạt vẫn phải làm. Nhặt nhạnh từng đồng từng hào lúc nông nhàn còn hơn ngồi không bụng đói. Nhà nghèo, Bống em lại học dốt, thầy dạy vào tai mười chữ thì quên chín chữ. Cọc cạch cố theo, hết phổ thông cơ sở thì bỏ, ở nhà đi thêu, cắt cỏ, cấy hái.
Tối tối, tôi mang sách sang nhà Bống học chung. Lúc giải lao, tôi lại sán vào xem Bống em thêu. Bống em bảo, để Bống em dạy anh Lăng.
Nam nhi chí lớn, làm nghề thêu vá, hèn người. Tuy vậy tôi vẫn học thêu để thêm cớ sang chơi nhà Bống. Vọc vạch vài tuần cũng biết cắn chỉ luồn kim. Tôi phân biệt được chỉ màu hồng đào, hồng sen, chỉ màu hoàng yến, chỉ màu lam. Tôi thêu được thân rồng, thân công, thân phượng,... Nhưng tay nghề như chị em nhà Bống mới thêu nổi râu rồng, mắt phượng, mây cơn...
Đầu học kỳ hai, tôi phải bỏ học.
Hôm ấy, trời xam xám nặng. Gió se se lạnh. Tết xong, ra giêng. Mưa phùn lất phất bay. Cha tôi vượt đất san nền thuê. Hòn đất to hơn cái nồi đình đè nặng trên vai.
Ngón chân quặp xuống bấm đất. Một cơn gió độc bất chợt thốc đến. Cha tôi rùng mình. Dốc trơn trượt chân. Không may đạp phải mảnh sành chai. Gan bàn chân bị xẻ toạc một đường dài. Máu loang đỏ bùn non.
Cha ngã qụy xuống. Sức nặng hòn đất to hơn cái nồi đình bồi tiếp xuống vai. Cha tôi sụn lưng. Ông không vác đủ một vạn hòn đất. Tôi không còn cơ học một vạn con chữ. Tôi chẳng nên người? Tôi đã mồ côi mẹ, giờ lại mồ côi cha.
Cha tôi bị nhiễm trùng uốn ván. Trước lúc chết chân tay còn giật giật. Mắt trợn trừng. Bộ xà tích bạc của mẹ để lại, cha chưa kịp đưa cho tôi đã bị nắm chặt cứng trong lòng bàn tay, tôi phải gỡ từng ngón ra mới lấy được.
Cha chết, tôi phải bỏ học. Cái sự vác đất quan trọng thật, nó quyết định việc tôi có đến trường hay không. Tôi rất thương cha. Ông không còn sống để bắt tôi đến trường học sau này làm bàn giấy.
Tôi khóc như mưa. Dọc đường đưa cha ra nghĩa địa nhìn các hòn đất vượt to như nồi đình xếp lô mô càng khóc to.
Bống chị cũng đòi nghỉ học. Bống chị bảo đi học một mình buồn. Thi, kiểm tra, ai cho Bống chị chép bài? Còn một lý do nữa: Chiếc chăn Phượng múa xuất khẩu sang Đài Loan có hai con đực cái châu mỏ vào nhau, phía trên là những đám mây vần vũ, chị em Bống thêu bị trả về.
Bống chị bỏ học một tuần cùng Bống em cặm cụi rút chỉ, thêu lại các chỗ xấu, chỗ bị lỗi. Rút cục người ta vẫn không nhận. Hàng phế phẩm, chị em Bống phải đền tiền, giá ngang năm tạ thóc.
Gánh nặng lại đè lên vai hai cô gái nhà quê đang tuổi lớn. Giấu mẹ, chị em Bống khóc chán rồi cũng phải nín. Cái thằng tôi có mặt rất đúng lúc. Tôi dốc ống, tiền cha tôi tích cóp để lại, tiền tôi làm thuê chả được bao nhiêu. Tôi bán bộ xà tích bạc của mẹ để lại vừa đủ tiền đền chiếc chăn thêu Phượng múa. Vài hôm sau, nghĩ lại ân hận quá, tồ quá. Sao lại bán đồ kỷ niệm của mẹ?

Bống chị hàm ơn tôi một, Bống em biết ơn tôi mười. Tôi không nhận ơn, chỉ thấy mình bỗng chốc trở thành anh hùng, lớn lao vững vàng như cây cổ thụ xòe tán che chở mưa gió cho chị em Bống.
Bống chị thấy tôi cực thân quá. Bao nhiêu gánh nặng của Bống chị tôi đỡ lên vai tôi. Bống chị bảo, Bống sẽ bỏ học ở nhà gồng gánh, cấy hái, nuôi lợn nuôi gà, chờ ba năm hết tang cha tôi...
Tôi cắt ngang lời Bống, giẫy nẩy:
- Ấy đừng. Học khó bỏ dễ. Leo cau đã gần buồng. Bống cố lên sau này về làm bàn giấy ở xã, đỡ khổ.
Bống chị cười nụ, giọng nhấm nhẳng, vẫn ngưng đọng nỗi buồn:
- Làm bàn giấy ở xã chả bõ công. Học xong Bống không về quê đâu.
- Bống đi đâu?
- Bống ở lại Hà Nội. Lăng đi cùng Bống nhá. - Bống chị cười, cái cười méo mó, giọng đầy tiếc nuối. - ấy là nói thế thôi, Lăng ạ. Tiền mua sách bút, tiền đóng học phí ở đâu? Bống lớn rồi, Lăng không thấy a? So với năm ngoái, năm nay may cái áo cũng tốn thêm nửa mét vải.
- Bống chị để tôi lo. Tôi sẽ đi làm thùng đào thùng đấu vượt nền. - Tôi càng nói càng phấn khích. - Tôi sẽ có tiền, Bống chị đi học. Chúng ta cùng ra thành phố nhá.
- Ừ. Bống chị sẽ đưa Lăng ra thành phố.
Từ hôm đó tôi lăn ra làm như trâu cày giữa vụ. Làm để sau này Bống chị đưa tôi ra Hà Nội bằng những hòn đất vượt nền của tôi. Thợ thùng đào thùng đấu tôi theo nghề cha. Đúng là cha truyền con nối vác đất làm thuê.
Da tôi bắt nắng đen ngòm. Tóc cháy hoe hoe vàng. Ngày nào tôi cũng vác hơn một khối đất so với mấy thằng cùng đi. Bọn vai u thịt bắp suốt ngày quần nhau với đất, bảo: Mày thân làm miệng ăn. Đừng cố, có ngày sút lưng.
Tôi là hạng người tham công tiếc việc. Không phẩm chất này, đố anh nào được gọi là nông dân. Đi vượt đất thuê tôi mang theo đôi quang gánh, hai cái mủng to, xương bai trâu.
Lúc về, mắt nhăm nhăm nhìn các đống tròn đen trên đường. Phân trâu, phân bò hót tất, bón cho lúa nhà không hết, tôi đem bán cho người thôn cũng được ứa tiền.
Bống chị học hết phổ thông. Bống chị vào Đại học Nông nghiệp. Bống chị viết thư, yêu quý tôi bao nhiêu thì cũng nhớ thương cây lúa, con trâu, mảnh đất...làng bấy nhiêu.
Thư Bống chị viết: Lăng cố đi học bổ túc cho hết phổ thông. (ừ thì đi học để xứng với Bống). Không học đầu óc u tối, khổ lắm. (Không biết nói vậy là tôi tự ái a?) Suốt đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời thôi... (Thì ai chả biết thế).

Bống chị và đứa bạn cùng phòng trọ tự nấu ăn cho đỡ tốn. Thỉnh thoảng ngày chủ nhật Bống về quê. Tôi gói ghém tiền, mì tôm, mì chính, gạo quê, cá khô; có hôm nhổ cả su hào... cho Bống mang đi. Tôi rong xe trâu chở Bống lên ga Xép nhảy tàu chợ về trường.
Năm thứ hai, Bống chị vẫn chăm viết thư cho tôi, vẫn chăm về. Người thôn Cự Phú biết chúng tôi phải lòng nhau. Kẻ nói ra. Người vun vào.
Bống em bảo tôi: Em ức không chịu được. Người ta ghen ăn tức ở cứ xa xôi bóng gió:
Tò vò mà nuôi con nhện
Đến khi nó lớn nó quện nhau đi
Tò vò ngồi khóc tỉ ti
Nhện ơi nhện hỡi nhện đi đường nào?

Nghe cứ như bị que chọc vào tai. Có phải họ ám chỉ anh và chị Bống không?
Mặc xác miệng lưỡi thế gian. Tôi lại điềm nhiên theo đuổi việc mình làm. Kệ mẹ miệng lưỡi thế gian. Tôi không tin Bống chị của tôi tệ thế.
Làm thợ thùng đào thùng đấu, vượt đất san nền cực nhọc quá, tôi bỏ.
Ông lão Hạ xóm Đông Tiền sang tên cho tôi cái xe bánh lốp tàng tàng và con trâu dái. Cũ người mới ta, tôi đi đánh xe trâu.
Ông lão Hạ già. Con trâu dái trẻ. Trâu khoẻ ăn, khoẻ kéo xe và hám giống cái. Thấy trâu cái, nó lồng lên, ông lão ngồi sau chịu không nổi. Máu quá, nó rượt trâu cái, xốc nguyên ách trên vai nhảy lên mình con cái.
Càng xe vổng ngược lên. Thùng xe nặng giáng xuống, quẹt xệt xệt mặt đường. Chã, nồi đất nung, chum sành liễn sứ rơi lổng nhổng xuống đường, mười phần vỡ đến bẩy, tám. Ông lão cũng bị hất xuống vệ cỏ. Ông lão sai lầm không mua trâu thiến, nó thuần tính.
Nhưng tôi trị được con trâu dái bất kham này. Tôi đánh xe trâu chở thuê chum vại sành, nồi chã đất nung từ bến sông lên chợ Bút cho chủ hàng. Tôi chở thuê gạo nếp, nhân sen, đậu xanh, gà giò, thịt bò, dê non, bồ câu ra ràng, mèo đen..., tất cả đặc sản nhà quê lên ga Xép để chủ hàng đưa ra Hà Nội.
Năm thứ ba, Bống chị viết thư cho tôi thưa dần, năm thứ tư vắng hẳn. Tôi âm thầm chờ đợi.
Một hôm Bống em tìm tôi. Bống chị gửi thư cho Bống em. Bống viết: “Bống em ơi! Em ở nhà chăm nom anh Lăng thay chị nhé. Lăng con trai tồ lắm, ăn uống, ngủ nghê thất thường. Lăng vất vả vì chị nhiều rồi.
Em bảo Lăng đừng gửi tiền cho chị nữa nhé. Dặn Lăng làm được bao nhiêu gửi tiết kiệm, hay cho vay lãi, biết đâu sau này chị sẽ về quê.” Sao lại biết đâu?
Bống em an ủi:
“Thư là thế. Em chẳng biết nói với anh Lăng thế nào. Anh Lăng đừng buồn, còn có em ở nhà cơ mà.”
Ngóng. Trông. Chờ. Đợi. Tôi đâm căng thẳng mệt mỏi. Tin ồn về làng. Người ta bảo Bống chị đã học xong, đang làm thư ký giám đốc ở Hà Nội. Bống chị cặp bồ luôn với lão già doanh nhân người Đài Loan ấy.
Bống em không tin người ta nói xấu chị gái. Cô tức tốc cơm đùm cơm nắm lên Hà Nội tìm chị. Bống em sẽ làm cho trắng đen rõ ràng. Bống em đi ba ngày, tôi mong cả ba.
Bống em đi bốn ngày tôi ngóng cả bốn. Bống em về. Mặt buồn rười rượi. Hỏi gì cũng không nói. Mẹ gạn hỏi, Bống em lắc quầy quậy. Tôi hỏi, Bống em rấn rấn nước mắt.
- Em không tìm được chị thì anh sẽ đi.
- Đừng đi Lăng ơi! Em xin anh. Bẽ bàng lắm. - Bống em mếu máo, can ngăn. - Anh chịu khó học ôn thi vào đại học. Em sẽ lam lũ gánh phân, cấy hái, em sẽ thêu Long hoá, Trúc đào, Phượng múa lấy tiền nuôi anh như ngày nào anh đã từng nuôi chị gái em.
Tôi lắc đầu, lòng rười rượi.
Tôi chưa kịp đi tìm thì Bống chị đi ô tô về.
Bống về cùng ông người Đài Loan tuổi ngoại ngũ tuần. Bống mặc quần bò, áo phông in hình con Chuột túi, phía dưới in dòng chữ tiếng Anh. Đầu tóc cuốn búp xoăn, nhuộm hoe hoe vàng.
Móng chân sơn đỏ choét. Mi giả uốn cong cong. Mí mắt tô xanh lè. Giầy cao gót nện trên đường quê khấp khểnh và lổn nhổn phân bò. Bống khoác xắc da nâu đỏ dập nổi hình con dao quăng.
Thỉnh thoảng Bống lấy gương soi, kẻ lại lông mày, tô son môi đậm thêm. Khác hoàn toàn, mất hết dấu vết cô Bống mặc quần phin mỏng, áo gụ, tóc buông vấn vương hương lá chanh lá bưởi ngày nào.
Bống về làm xôn xao thôn Cự Phú heo hút, buồn tẻ. Bống về như luồng gió hoang dại đánh thức cái làng quê trì trệ, tù túng, ngái ngủ.
Gặp người thôn, Bống chị chào, cuối câu đệm vài tiếng Anh bồi. Bống chia kẹo bánh cho trẻ con như phát chẩn năm ất Dậu. Bống biếu bánh mọi nhà trong thôn Cự Phú.
Bống bảo:
“Đừng gọi là Bống chị, quê lắm. Gọi cháu (chị, cô...) là Ngọc Bích”. Ngọc Bích sắc sảo, khôn ngoan. Người thôn nhẩn nha, chậm rãi. Họ xì xào chuyện Ngọc Bích đưa ông doanh nhân về quê tìm hiểu nghề thêu truyền thống.

Ông ta hơn Bống ba mươi tuổi. Mặt tròn, trán bóng, bụng phệ. Mắt một mí, vừa gian giảo, vừa bề trên. Ông ta biết lấy lòng mọi người. Đến khung thêu nhà nào cũng nồng nhiệt bắt tay, cười thân thiện... ấy là Bống em kể, dân thôn kể.
Một chuyện rất buồn cười. Bọn trẻ trâu nhà quê láu lỉnh, ranh mãnh. Chúng thấy Bống chị như sinh vật lạ từ trên trời rơi xuống, nhìn ngứa mắt. Được chia kẹo mà chúng vẫn không tha Bống, chúng lùa cả đàn trâu, bò, bê, nghé lúc nhúc chặn trước mũi xe ôtô.
Còi ô tô nhẫn nại xin đường inh ỏi. Trâu bò kêu, bê nghé rống như bị chọc tiết, mãi mới chịu tản ra. Rồi bọn trẻ chăn trâu đồng thanh ê a:
... Em ra thành phố dần quên một thời...
Em tôi áo chẽn em tôi quần bò.
Lại hát:

Tưởng giếng sâu, anh nối sợi dây dài
Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây.
Chắc Bống chị nghe được. Chiếc xe ôtô sang trọng bỗng tăng ga phóng vùn vụt. Bụi mù cuốn theo như cơn lốc.
Ngày trước, Bống chị không ngồi gác ba ga xe đạp thầy Đô nhà thơ. Nay, Bống ngồi ô tô anh già ngoại quốc; thầy giáo thù, dạy bọn trẻ con hát thơ chăng? Tôi không tin ông giáo tệ thế.
Buổi tối, Bống chị đã đi rồi, thầy Đô gặp tôi đứng ở cổng làng như chết chôn; thầy bảo: “Cảm ơn con bé Bống quá. Nó về làng làm thầy nẩy ra tứ thơ.” Nghe xong, tôi rơm rơm nước mắt.
Độ một tháng sau, tốp người Công ty ông doanh nhân Đài Loan về làm việc, họ ở tạm ủy ban xã. Tuyển thợ, đào tạo lại. Mở xưởng thêu. Về lâu dài thành lập Công ty con tại quê hương.
Bống chị và ông doanh nhân về sau mấy hôm. Ban ngày Bống chị và ông Đài Loan làm thủ tục mở xưởng thêu, chuẩn bị tuyển thợ. Ban tối, ô tô quành mấy chục cây số ra khách sạn ngoài thị xã ngủ.
Bống em đem đến đưa tôi một nắm vàng. “Chị Bống gửi trả cho anh Lăng. Lời lãi tính cả ở đó rồi”. Một nắm vàng bằng bao nhiêu gánh phân trâu? Bao nhiêu hòn đất vượt? Bao nhiêu chuyến xe chở chã đất nung, chum vại sành? Một nắm vàng bằng bao nhiêu tình người? Cân! Đong! Đo! Đếm!... Tôi cười. Nụ cười héo hắt, cay đắng:
- Tôi có cho Bống chị vay đâu? Bống em mang về đi.
- Nhưng nó là của anh, là mồ hôi, nước mắt...
- Im ngay. - Tôi quát. - Không mang về ta sẽ ném vào đống phân trâu.

Bống em giật thót mình. Bặm môi, cho khỏi khóc Bống em bước xặm xụi về nhà trong bóng tối đường quê nhập nhoạng.
Đêm hôm ấy, tôi nằm úp thìa, khóc như mưa. Khóc cho mối tình bị phụ bạc. Khóc cho sự ngu đần của thằng con trai quanh năm không đi khỏi huyện.
Gái thôn nô nức ra ủy ban xã tuyển thợ thêu. Có vài đứa con trai èo uột cũng đi. Một dãy khung thêu mắc vải phin trắng và in hình mẫu mới để sẵn, chờ các thí sinh.
Tôi cũng ra ủy ban xã. Tôi không dự tuyển. Tôi là nam nhi, chí khí có thừa. Tôi đã gắng học bổ túc hết phổ thông. Tôi làm thùng đào thùng đấu, đánh xe trâu, biết thêu thùa may vá, biết chờ đợi. Tôi đi tìm Bống chị...
Bống chị nhìn tôi cười cười, bình thản như những người dân quê khác. “Không phân biệt thân sơ, Công ty chúng tôi lấy chất lượng làm chính. Bây giờ là 9 giờ sáng.
Anh chị em bắt đầu thêu.” Tiếng Bống chị mà không phải chị Bống. Vậy là Bống và tôi: Như hai người quen biết sơ sơ ở làng. Như chưa từng cõng nhau qua chỗ lội. Như chưa từng chụm đầu học bài, tóc mai cháy xém.
Tôi ngồi trước khung thêu. Đảo mắt quanh không thấy Bống em. Chỉ có Bống chị ngồi kia, cao sang và bụi bặm, quý phái và nhà quê... Chưa bao giờ tôi bình thản như lúc này. Tôi như người đi thi tuyển thật sự, sẵn sàng kim chỉ đua với thời gian...
Kim với chả chỉ! Đợi với chả chờ! Hoài phí một đời trai. Trong đầu tôi lại vang lên tiếng còi tầu gióng giả. Còn đâu chuyến xe trâu chở nhau lên ga Xép, tiễn Bống đi đại học? Bống nhoài đầu qua ô cửa sổ tầu hỏa; Bống vẫy tay: “Lăng về đi. Cố đợi em nhá”...; cứ mồn một hiện lên trong đầu.

Tôi bỏ khung thêu đứng dậy. Coi như phần thi đã xong.
Mấy đứa cắm mặt vào khung thêu bên cạnh liếc sang. Chúng bịt miệng cười, nhưng tiếng cười cứ phì ra. Khung thêu vải phin trắng của tôi vẻn vẹn dòng chữ: “Tưởng giếng sâu, anh nối sợi dây dài...”. Chữ thêu màu đen, chữ nào cũng nguệch ngoạc giống các cây cờ phướn đen cắm xiêu vẹo.
Bống chị thấy bọn thợ thêu cười nhăn nhở, đi tới. Tôi đứng bình thản nhìn thẳng vào mặt Bống chị. Một nụ cười khẩy không phải đắc ý cũng chẳng ra đểu, tôi bước nhanh ra ngoài.
Chiều hôm ấy, tôi giao hết nhà cửa, vườn tược, xe bánh lốp, trâu dái nhờ thầy Đô nhà thơ trông coi, và bán tống bán táng hộ. Thầy bảo: “Lăng. Anh là người tốt. Người tốt lúc nào cũng khổ. Bây giờ sáng mắt chưa? Được cái anh còn trẻ. Anh đi, tôi tức cảnh sinh tình, làm thơ tặng. Để tôi đọc nhá”.
Tôi nhẫn nại nghe hết bài thơ thầy Đô thì Bống em đến.
- Anh cho em đi với.
- Tôi không dây với chị em nhà Bống nữa. Rách việc!
- Không cho em đi thì thôi. - Bống em sụt sịt. - Cầm lấy này. Của anh đấy.
Bống em dúi vào tay tôi bộ xà tích bạc. Trời ơi! Mắt tôi sáng lên. Bộ xà tích bạc của mẹ, tôi đã bán đền bức tranh thêu Phượng múa, tôi đã quên cả việc chuộc lại.
- Em sẽ nhất quyết giữ số vàng ấy cho anh. Nó là mồ hôi, nước mắt của anh. Anh đi rồi lại về nhá. Em chờ...
- Tôi đấm thèm vào! Không chờ đợi gì sất. - Tôi đập vai người lái xe Honda ôm. - Đi...i...i.
Chiếc xe đang nổ máy xịch xịch, bất ngờ rồ ga phóng vụt đi. Một đoạn đường xa, ngoái lại vẫn thấy Bống em đứng lặng im nhìn theo.
Lòng tôi tự nhiên dịu lại. Bộ xà tích bạc trong tay ấm dần lên.


Mùa đông 2005
Sương Nguyệt Minh

Các tác phẩm khác của Sương Nguyệt Minh

Sâm cầm Hồ Tây

Người đàn ông làng Yên Hạ

Ngày xưa nơi đây là cửa rừng

Lửa cháy trong rừng hoang

Đêm trắng

Đêm làng Trọng Nhân

Chuyến đi săn cuối cùng