Phía sau chân trời
Tác giả: Tạ Duy Anh
Lời tựa: Một truyện thuộc loại trữ tình nhất của Tạ Duy Anh trong mảng đề tài "luyến ái". Ở đây, nỗi thống khổ ghê gớm tưởng chừng quật ngã ông lão mất người bạn đời được diễn đạt trong sáng, và cái kết cục bất ngờ đã vực dậy, xoá đi những dư âm ảo não.
Đã là ngày thứ năm lão Đình ngồi bên cạnh vợ. Vợ lão đang vật lộn với những ngày sống cuối cùng. Thỉnh thoảng bà mới có vài phút ra khỏi cơn hôn mê. Bà cựa quậy như người bị mỏi. Lão chỉ chờ khi ấy để giúp vợ thay đổi thế nằm. Mỗi lần như vậy lão Đình lại thì thầm: "Bà dậy thôi chứ, sao cứ ngủ mãi thế. Bà định bỏ tôi lại một mình ư?". Có lẽ vợ lão không còn nghe được những lời của lão nữa. Hoặc bà nghe và hiểu nhưng không sao đáp lại được. Bởi chỉ sau vài phút bà lại chìm vào cơn hôn mê. Lão tiếp tục áp cằm vào gối, đăm đăm nhìn người hấp hối. Mặt bà bắt đầu phù nề, hơi thở dồn dập từng chặp. Lão biết rằng vợ lão không còn mấy thời gian nữa. Lão chỉ sợ vào đúng giây phút vợ trút hơi thở cuối cùng, vì lý do nào đó mà không có lão bên cạnh. Lão sẽ không thể tha thứ cho mình nếu việc đó xảy ra. Vì thế lão không thể rời bà nửa bước.
Mặc dù thức trắng đã năm đêm, lão không thấy mệt mỏi, mà lão cô đơn. Không chỉ vì sắp tới lão còn lại một mình mà vì thấy thấm thía tận gan ruột nỗi buồn chung cho kiếp nhân sinh. Cuối cùng thì thời gian cũng xoá đi tất tật. Rốt cuộc thì cái ý nghĩa đích thực của việc ra đời một con người là gì? Vì ngay như cuộc đời lão chẳng hạn, ngày nối ngày trôi qua là vô vàn tai ương, hoạn nạn. Lão ra đời trong cái ổ chó. May mà lũ kiến chưa kịp tha đi. May mà đêm tối, rắn rết, chuột bọ chưa đánh hơi thấy. Chỉ có trời biết vì sao sự sống vẫn dai dẳng bám, để cuối cùng còn là lão Đình bây giờ. Những kỷ niệm về người vợ sắp mất của lão ùa về, bắt đầu từ sự đưa đẩy của số phận.
Lần ấy, sau khi viên quan ba Pháp bỏ mạng trên đường từ Hà Đông về Xuân Mai, lính Pháp nống ra các vùng phụ cận lùng bắt du kích... Đẩy đám dân chạy loạn tìm đến nơi nương náu là gò anh chăn vịt. Trong số những người đến tá túc có một thôn nữ không phải dân địa phương. Cô từ Hưng Yên, do không chịu nổi ông bố dượng hà khắc, bỏ đi buôn hàng xén rồi phiêu dạt đến vùng này. Cô có khuôn mặt nhẹ nhõm. Đến khi bọn Pháp tiến ra Đồng Lác rồi về, mọi người đã ai trở về nhà nấy thì cô dường như không biết đi đâu.
Chiều hôm ấy gã về muộn. Chỉ muốn lăn ngay ra đánh một giấc. Nhưng khi lầm lũi bước vào lều, thấy cô gái ngồi gục đầu, toàn thân rung lên từng chặp, gã phát bẳn lên: "Định ăn vạ ai ở đây?". Cô gái ngẩng lên nhìn gã, không có vẻ gì là sợ, dù giọng run run: "Cháu xin cậu! Cháu chẳng có chỗ nào mà về".
- Cô không sợ tôi à? - Giọng gã đã mềm hơn.
- Cháu cũng chả biết. Cùng đường thì liều thân, cậu không thương... thì cũng còn hơn chết đường, chết chợ.
- Nếu tuần bắt gặp thì biết ăn nói thế nào?
Gã lấy hết can đảm hỏi cái điều gã vẫn lo sợ. Nào ngờ cô gái như có sẵn lối thoát cho gã.
- Thì cậu cứ nhận cháu là vợ...
Đêm tân hôn của vợ chồng lão Đình đáng để cả hai cùng đem theo xuống mồ. Lão vụng về tập làm chồng. Vợ lão, dù đã được các bà mụ dạy, vẫn không giúp gì được lão. Mãi gần sáng, khi bất ngờ điều ấy xảy ra, tuyệt đối bí hiểm, thì cũng bất ngờ vợ lão chồm bật dậy, chân tay khua khoắng loạn xạ. Có tiếng quăng mình phần phật của con rắn nào đó đang hốt hoảng bỏ chạy...
"Bây giờ bà ấy chẳng biết gì nữa" - Lão Đình thở dài như trút ra những năm tháng vẫn nén chặt trong lồng ngực. Lão chăm chăm nhìn vào mặt vợ như để tìm lại nét thôn nữ ngày nào. Lão thì thầm: "Chúng ta đã có nhau ngần ấy năm. Ví thử không có mình làm sao tôi sống nổi. Đã hẹn nhau cùng sống cùng chết kia mà".
Vợ lão vẫn chìm sâu vào cơn hôn mê. Lão lại lang thang ngược thời gian về với những kỷ niệm.
Năm sau, lão Đình thôi không chăn vịt nữa. Có được ít vốn, lão đưa vợ về quê chuộc lại ruộng vườn bị bố lão gán mất vì thua bạc. Em lão, ba đứa chết mất hai. Mẹ lão vẫn phiêu dạt theo những người nhà quê ra phố làm vú nuôi. Lão bắt tay gây dựng lại từ đầu. Ngoài làm ruộng, vợ chồng lão đi buôn chuyến. Lão mò lên tít vùng Kim Bôi, Lạc Thuỷ mua sa nhân về bán cho các lái buôn người Tàu. Có đêm cả hai vợ chồng lão xuýt bị hổ ăn thịt ở dốc Cun. Khi con hổ chồm chỗm hiện ra, đuôi quật xuống đất, lão cầm chắc chết cả mười phần, nhưng chả hiểu sao con hổ nhìn vợ chồng lão ôm nhau thì bỏ đi.
Rồi lão Đình gia nhập đội du kích Cửa Đền, phụ trách một tổ quay trở lại địa bàn cũ hoạt động bí mật. Hồi này vùng quê lão Pháp đã lập tề nên lão ở dưới hầm suốt ngày. Mọi tiếp tế đều trông vào vợ lão. Có lần mưa to suốt cả tháng ròng, nước ngập lênh láng, nhóm du kích của lão phải đội hầm chui lên rút vào ẩn náu ở cánh đồng Soi Hạ, kiệt sức dần vì đói và rét. Bên ngoài bọn lính Tây và đám tuần đinh sục sạo suốt ngày đêm. Vậy mà không hiểu bằng cách nào vợ lão vẫn lọt được qua mắt chúng, lội suốt đêm trong mưa tiếp tế kịp thời cho chồng và anh em trong đội. Lão nhớ hôm đó lão cứ ôm chặt lấy vợ mà khóc...
Những giọt nước mắt sót lại suốt năm chục năm, tìm đường bò nốt ra khỏi mắt lão Đình. Có phải vì những khổ cực, cơ hàn ngày ấy mà giờ đây vợ lão thành ra thế kia. Lão lại thì thầm: "Mình còn chưa nói cho tôi biết bằng cách nào, với chỉ một con dao cùn mà mình chẻ thành củi hết số cột gỗ lim cháy dở tịch thu của chánh tổng. Tôi thì ngồi tù trong khi một nách mình hai đứa con dại". Đến đây thì lão Đình không còn cầm lòng được khóc nấc lên...
Lão an táng vợ trên một gò đất cao ráo nhìn thẳng ra cánh đồng. Những cây bạch đàn do chính tay vợ chồng lão chăm sóc, quanh năm rì rào như hát ru người dưới mồ. Lão cảm thấy hài lòng về chỗ yên nghỉ của vợ. Hầu như chiều nào, vào lúc mặt trời gác núi, lão Đình cũng ra thăm mộ vợ. Lão ngồi hàng giờ đồng hồ ôn lại với vợ hàng trăm kỷ niệm đã xưa cũ, những kỷ niệm thành cuộc sống của họ. Lão nói bằng thứ giọng say đắm, tựa như vợ lão vẫn đang vừa khâu vá vừa nghe. Lão thú nhận với vợ cả những việc làm mà khi bà còn sống lão vẫn giữ bí mật. Chẳng hạn có lần suýt nữa thì lão phản bội vợ với bà hội trưởng hội phụ nữ goá chồng. Vợ lão biết nhưng không hé răng trách cứ nửa lời. Lão bảo lão biết ơn bà và thấy xấu hổ nên tuyệt không dám chàng màng khuất tất nữa. Lão thề độc với vợ rằng chưa xảy ra "chuyện ấy". "Tôi thề có 6 đứa con... còn nếu bà không tin thì tôi cũng chẳng biết làm thế nào". Mọi việc vui buồn trong ngày, lão đều nói với vợ dưới mồ. Chẳng hạn có lần các con lão muốn bố đi du lịch cho khuây khoả, lão hỏi vợ. "Bà bảo có nên đi không? Sao hồi còn, bà lại không nghĩ ra nhỉ". Rồi lão nói luôn: "Tôi chả đi".
Những trận mưa đầu mùa bắt đầu trút xuống. Chỉ trong vòng vài hôm mà nước ngập lênh láng. Nơi bà lão nằm, mặc dù cao hơn mặt ruộng nhưng cũng ngập tủm. Chẳng còn thấy bất cứ cái gì ngoài nước. Lão Đình gần như phát điên, không ngớt nguyền rủa trời đất. Nhưng bất chấp lời rủa sả của lão, nước vẫn cứ tuôn xuống. Lão Đình rũ xuống như lá ngập sâu trong nước. Lão thương vợ lão một mình giữa mênh mông nước, chết rồi vẫn chưa hết khổ.
Lão thầm trách các con lão, mới có vài tháng mà dường như cuộc sống của mẹ chúng đã không còn hiện diện hàng ngày. Chúng đã lại lao vào trăm ngàn việc mưu sinh, đã lại hào hứng với những dự định, đã lại lo gây dựng, cãi cọ, ghen tuông... Lão cảm thấy có gì đó thật vô tình, bội bạc. Điều đó càng khiến lão đau buồn, thất vọng và cô độc. Đêm đêm lão nằm nghe tiếng gà gáy eo óc, bồi hồi tưởng tượng như vợ lão sắp trở dậy, lục cục nấu nướng, trong đó nhất thiết phải có phích nước sôi già cho lão uống trà sáng. Và những hồi ức lại đưa kỷ niệm hối hả tìm về, bất chấp cuộc sống cứ náo nức một cách đáng ghét. Lão thù ghét luôn cả đám con cháu khi chúng ráo hoảnh khuyên lão nên quý trọng những tháng ngày ít ỏi còn lại. Lão cần gì nữa kia chứ? Một nửa cuộc đời lão đang ở dưới mồ, lão chả thiết để một nửa vật vờ lâu hơn nữa.
Nỗi tuyệt vọng của lão Đình khiến các con lão buồn phiền. Chúng cảnh giác cắt cử nhau theo dõi bố, đề phòng lão làm cái việc điên rồ là tự vẫn. Quả là lão đang nung nấu tìm cách sớm về với vợ. Cuộc sống với lão hoàn toàn lạnh lẽo, ảm đạm, không còn chút ý nghĩa nào nữa. Lão thèm chết kinh khủng. Lão âm thầm chuẩn bị cho cái chết đó. Lão chỉ còn băn khoăn xem chọn cách nào để cái chết bớt thê thảm.
Cuối cùng thì lão đã có một kế hoạch cho mình. Lần này thì các con lão có tài thánh cũng chẳng thể đoán ra.
Một buổi sáng khi chị con cả của lão Đình trở dậy, phát hiện ra có một tờ giấy gài ở cổng. Lão Đình ngoệch ngoạc viết lại mấy chữ: "Đừng đi tìm bố, vô ích, vì bố đã quyết. Vĩnh biệt các con!". Chị vội hô hoán các em, phân công mỗi đứa toả đi một hướng để tìm bố. Chị chỉ hy vọng tìm được xác bố nữa thôi. Vẫn biết bố đau buồn, tuyệt vọng nhưng chị không nghĩ bố lại cùng quẫn đến thế. Các tin nhắn cũng được phát đi nhưng chẳng thể lần ra tăm hơi lão Đình. Chỉ có thể là lão chui xuống mồ với bà Đình mới biến mất nhanh như thế. Một ông già bảy mươi tuổi, chẳng đem theo chút của nả nào, làm sao tránh khỏi một cái chết mất xác hoặc chết đường chết chợ ở nơi nào đó.
Càng tìm kiếm họ càng vô vọng.
Thấm thoát đã đến ngày giỗ đầu bà Đình. Những đứa con tụ tập tưởng niệm mẹ, sẽ cùng ra thăm mộ để xin bà tha thứ về việc để bố mất tích. Bữa cơm tối dọn ra đã lâu nhưng chẳng ai nuốt được khi cô con gái út cứ ngồi khóc dấm dứt. Trời u ám bởi những cột mây đen sì đang đùn lên từ phía đông. Không hiểu sao tâm trạng của những đứa con lão Đình cứ hướng cả về phía chân trời, nơi đang nháng lên từng đợt ánh sáng, giống như lửa của những đám cháy mô tả ngày tận thế. Hình như với họ, bố ra đi và mất tích sau những đám cháy ấy.
Dù không ai nói ra, trong họ vẫn le lói một hy vọng vào điều kỳ diệu nào đó. Chị con cả là người đầu tiên đủ can đảm đi ra cổng, nơi rõ ràng chị và mọi người nghe thấy tiếng đập rầm rầm.
Dưới ánh sáng đèn, lão Đình hiện ra như viên tướng cướp về già bị đàn em bóc lại hết sạch. Cũng có thể nghĩ lão vừa chui lên từ những hố đào vàng, ngoại trừ vẻ mặt sáng lên sự ranh mãnh. Có tới bảy chiếc tay nải được lão đeo lủng lẳng trên mình kèm theo chiếc hòm có bánh xe kéo ở phía sau. Và lùi lại hơn một chút, nơi vừa đủ tối để những người phía trong không nhận ra ngay, một bà lão quãng sáu mươi tuổi đang đứng im chờ đợi.
Không cho các con lão kịp kinh ngạc và thay mọi lời giải thích, lão Đình quay lại, giọng thản nhiên:
- Đến nhà rồi, mình ạ!
Hà Nội 5.2001
Lời tựa: Một truyện thuộc loại trữ tình nhất của Tạ Duy Anh trong mảng đề tài "luyến ái". Ở đây, nỗi thống khổ ghê gớm tưởng chừng quật ngã ông lão mất người bạn đời được diễn đạt trong sáng, và cái kết cục bất ngờ đã vực dậy, xoá đi những dư âm ảo não.
Đã là ngày thứ năm lão Đình ngồi bên cạnh vợ. Vợ lão đang vật lộn với những ngày sống cuối cùng. Thỉnh thoảng bà mới có vài phút ra khỏi cơn hôn mê. Bà cựa quậy như người bị mỏi. Lão chỉ chờ khi ấy để giúp vợ thay đổi thế nằm. Mỗi lần như vậy lão Đình lại thì thầm: "Bà dậy thôi chứ, sao cứ ngủ mãi thế. Bà định bỏ tôi lại một mình ư?". Có lẽ vợ lão không còn nghe được những lời của lão nữa. Hoặc bà nghe và hiểu nhưng không sao đáp lại được. Bởi chỉ sau vài phút bà lại chìm vào cơn hôn mê. Lão tiếp tục áp cằm vào gối, đăm đăm nhìn người hấp hối. Mặt bà bắt đầu phù nề, hơi thở dồn dập từng chặp. Lão biết rằng vợ lão không còn mấy thời gian nữa. Lão chỉ sợ vào đúng giây phút vợ trút hơi thở cuối cùng, vì lý do nào đó mà không có lão bên cạnh. Lão sẽ không thể tha thứ cho mình nếu việc đó xảy ra. Vì thế lão không thể rời bà nửa bước.
Mặc dù thức trắng đã năm đêm, lão không thấy mệt mỏi, mà lão cô đơn. Không chỉ vì sắp tới lão còn lại một mình mà vì thấy thấm thía tận gan ruột nỗi buồn chung cho kiếp nhân sinh. Cuối cùng thì thời gian cũng xoá đi tất tật. Rốt cuộc thì cái ý nghĩa đích thực của việc ra đời một con người là gì? Vì ngay như cuộc đời lão chẳng hạn, ngày nối ngày trôi qua là vô vàn tai ương, hoạn nạn. Lão ra đời trong cái ổ chó. May mà lũ kiến chưa kịp tha đi. May mà đêm tối, rắn rết, chuột bọ chưa đánh hơi thấy. Chỉ có trời biết vì sao sự sống vẫn dai dẳng bám, để cuối cùng còn là lão Đình bây giờ. Những kỷ niệm về người vợ sắp mất của lão ùa về, bắt đầu từ sự đưa đẩy của số phận.
Lần ấy, sau khi viên quan ba Pháp bỏ mạng trên đường từ Hà Đông về Xuân Mai, lính Pháp nống ra các vùng phụ cận lùng bắt du kích... Đẩy đám dân chạy loạn tìm đến nơi nương náu là gò anh chăn vịt. Trong số những người đến tá túc có một thôn nữ không phải dân địa phương. Cô từ Hưng Yên, do không chịu nổi ông bố dượng hà khắc, bỏ đi buôn hàng xén rồi phiêu dạt đến vùng này. Cô có khuôn mặt nhẹ nhõm. Đến khi bọn Pháp tiến ra Đồng Lác rồi về, mọi người đã ai trở về nhà nấy thì cô dường như không biết đi đâu.
Chiều hôm ấy gã về muộn. Chỉ muốn lăn ngay ra đánh một giấc. Nhưng khi lầm lũi bước vào lều, thấy cô gái ngồi gục đầu, toàn thân rung lên từng chặp, gã phát bẳn lên: "Định ăn vạ ai ở đây?". Cô gái ngẩng lên nhìn gã, không có vẻ gì là sợ, dù giọng run run: "Cháu xin cậu! Cháu chẳng có chỗ nào mà về".
- Cô không sợ tôi à? - Giọng gã đã mềm hơn.
- Cháu cũng chả biết. Cùng đường thì liều thân, cậu không thương... thì cũng còn hơn chết đường, chết chợ.
- Nếu tuần bắt gặp thì biết ăn nói thế nào?
Gã lấy hết can đảm hỏi cái điều gã vẫn lo sợ. Nào ngờ cô gái như có sẵn lối thoát cho gã.
- Thì cậu cứ nhận cháu là vợ...
Đêm tân hôn của vợ chồng lão Đình đáng để cả hai cùng đem theo xuống mồ. Lão vụng về tập làm chồng. Vợ lão, dù đã được các bà mụ dạy, vẫn không giúp gì được lão. Mãi gần sáng, khi bất ngờ điều ấy xảy ra, tuyệt đối bí hiểm, thì cũng bất ngờ vợ lão chồm bật dậy, chân tay khua khoắng loạn xạ. Có tiếng quăng mình phần phật của con rắn nào đó đang hốt hoảng bỏ chạy...
"Bây giờ bà ấy chẳng biết gì nữa" - Lão Đình thở dài như trút ra những năm tháng vẫn nén chặt trong lồng ngực. Lão chăm chăm nhìn vào mặt vợ như để tìm lại nét thôn nữ ngày nào. Lão thì thầm: "Chúng ta đã có nhau ngần ấy năm. Ví thử không có mình làm sao tôi sống nổi. Đã hẹn nhau cùng sống cùng chết kia mà".
Vợ lão vẫn chìm sâu vào cơn hôn mê. Lão lại lang thang ngược thời gian về với những kỷ niệm.
Năm sau, lão Đình thôi không chăn vịt nữa. Có được ít vốn, lão đưa vợ về quê chuộc lại ruộng vườn bị bố lão gán mất vì thua bạc. Em lão, ba đứa chết mất hai. Mẹ lão vẫn phiêu dạt theo những người nhà quê ra phố làm vú nuôi. Lão bắt tay gây dựng lại từ đầu. Ngoài làm ruộng, vợ chồng lão đi buôn chuyến. Lão mò lên tít vùng Kim Bôi, Lạc Thuỷ mua sa nhân về bán cho các lái buôn người Tàu. Có đêm cả hai vợ chồng lão xuýt bị hổ ăn thịt ở dốc Cun. Khi con hổ chồm chỗm hiện ra, đuôi quật xuống đất, lão cầm chắc chết cả mười phần, nhưng chả hiểu sao con hổ nhìn vợ chồng lão ôm nhau thì bỏ đi.
Rồi lão Đình gia nhập đội du kích Cửa Đền, phụ trách một tổ quay trở lại địa bàn cũ hoạt động bí mật. Hồi này vùng quê lão Pháp đã lập tề nên lão ở dưới hầm suốt ngày. Mọi tiếp tế đều trông vào vợ lão. Có lần mưa to suốt cả tháng ròng, nước ngập lênh láng, nhóm du kích của lão phải đội hầm chui lên rút vào ẩn náu ở cánh đồng Soi Hạ, kiệt sức dần vì đói và rét. Bên ngoài bọn lính Tây và đám tuần đinh sục sạo suốt ngày đêm. Vậy mà không hiểu bằng cách nào vợ lão vẫn lọt được qua mắt chúng, lội suốt đêm trong mưa tiếp tế kịp thời cho chồng và anh em trong đội. Lão nhớ hôm đó lão cứ ôm chặt lấy vợ mà khóc...
Những giọt nước mắt sót lại suốt năm chục năm, tìm đường bò nốt ra khỏi mắt lão Đình. Có phải vì những khổ cực, cơ hàn ngày ấy mà giờ đây vợ lão thành ra thế kia. Lão lại thì thầm: "Mình còn chưa nói cho tôi biết bằng cách nào, với chỉ một con dao cùn mà mình chẻ thành củi hết số cột gỗ lim cháy dở tịch thu của chánh tổng. Tôi thì ngồi tù trong khi một nách mình hai đứa con dại". Đến đây thì lão Đình không còn cầm lòng được khóc nấc lên...
Lão an táng vợ trên một gò đất cao ráo nhìn thẳng ra cánh đồng. Những cây bạch đàn do chính tay vợ chồng lão chăm sóc, quanh năm rì rào như hát ru người dưới mồ. Lão cảm thấy hài lòng về chỗ yên nghỉ của vợ. Hầu như chiều nào, vào lúc mặt trời gác núi, lão Đình cũng ra thăm mộ vợ. Lão ngồi hàng giờ đồng hồ ôn lại với vợ hàng trăm kỷ niệm đã xưa cũ, những kỷ niệm thành cuộc sống của họ. Lão nói bằng thứ giọng say đắm, tựa như vợ lão vẫn đang vừa khâu vá vừa nghe. Lão thú nhận với vợ cả những việc làm mà khi bà còn sống lão vẫn giữ bí mật. Chẳng hạn có lần suýt nữa thì lão phản bội vợ với bà hội trưởng hội phụ nữ goá chồng. Vợ lão biết nhưng không hé răng trách cứ nửa lời. Lão bảo lão biết ơn bà và thấy xấu hổ nên tuyệt không dám chàng màng khuất tất nữa. Lão thề độc với vợ rằng chưa xảy ra "chuyện ấy". "Tôi thề có 6 đứa con... còn nếu bà không tin thì tôi cũng chẳng biết làm thế nào". Mọi việc vui buồn trong ngày, lão đều nói với vợ dưới mồ. Chẳng hạn có lần các con lão muốn bố đi du lịch cho khuây khoả, lão hỏi vợ. "Bà bảo có nên đi không? Sao hồi còn, bà lại không nghĩ ra nhỉ". Rồi lão nói luôn: "Tôi chả đi".
Những trận mưa đầu mùa bắt đầu trút xuống. Chỉ trong vòng vài hôm mà nước ngập lênh láng. Nơi bà lão nằm, mặc dù cao hơn mặt ruộng nhưng cũng ngập tủm. Chẳng còn thấy bất cứ cái gì ngoài nước. Lão Đình gần như phát điên, không ngớt nguyền rủa trời đất. Nhưng bất chấp lời rủa sả của lão, nước vẫn cứ tuôn xuống. Lão Đình rũ xuống như lá ngập sâu trong nước. Lão thương vợ lão một mình giữa mênh mông nước, chết rồi vẫn chưa hết khổ.
Lão thầm trách các con lão, mới có vài tháng mà dường như cuộc sống của mẹ chúng đã không còn hiện diện hàng ngày. Chúng đã lại lao vào trăm ngàn việc mưu sinh, đã lại hào hứng với những dự định, đã lại lo gây dựng, cãi cọ, ghen tuông... Lão cảm thấy có gì đó thật vô tình, bội bạc. Điều đó càng khiến lão đau buồn, thất vọng và cô độc. Đêm đêm lão nằm nghe tiếng gà gáy eo óc, bồi hồi tưởng tượng như vợ lão sắp trở dậy, lục cục nấu nướng, trong đó nhất thiết phải có phích nước sôi già cho lão uống trà sáng. Và những hồi ức lại đưa kỷ niệm hối hả tìm về, bất chấp cuộc sống cứ náo nức một cách đáng ghét. Lão thù ghét luôn cả đám con cháu khi chúng ráo hoảnh khuyên lão nên quý trọng những tháng ngày ít ỏi còn lại. Lão cần gì nữa kia chứ? Một nửa cuộc đời lão đang ở dưới mồ, lão chả thiết để một nửa vật vờ lâu hơn nữa.
Nỗi tuyệt vọng của lão Đình khiến các con lão buồn phiền. Chúng cảnh giác cắt cử nhau theo dõi bố, đề phòng lão làm cái việc điên rồ là tự vẫn. Quả là lão đang nung nấu tìm cách sớm về với vợ. Cuộc sống với lão hoàn toàn lạnh lẽo, ảm đạm, không còn chút ý nghĩa nào nữa. Lão thèm chết kinh khủng. Lão âm thầm chuẩn bị cho cái chết đó. Lão chỉ còn băn khoăn xem chọn cách nào để cái chết bớt thê thảm.
Cuối cùng thì lão đã có một kế hoạch cho mình. Lần này thì các con lão có tài thánh cũng chẳng thể đoán ra.
Một buổi sáng khi chị con cả của lão Đình trở dậy, phát hiện ra có một tờ giấy gài ở cổng. Lão Đình ngoệch ngoạc viết lại mấy chữ: "Đừng đi tìm bố, vô ích, vì bố đã quyết. Vĩnh biệt các con!". Chị vội hô hoán các em, phân công mỗi đứa toả đi một hướng để tìm bố. Chị chỉ hy vọng tìm được xác bố nữa thôi. Vẫn biết bố đau buồn, tuyệt vọng nhưng chị không nghĩ bố lại cùng quẫn đến thế. Các tin nhắn cũng được phát đi nhưng chẳng thể lần ra tăm hơi lão Đình. Chỉ có thể là lão chui xuống mồ với bà Đình mới biến mất nhanh như thế. Một ông già bảy mươi tuổi, chẳng đem theo chút của nả nào, làm sao tránh khỏi một cái chết mất xác hoặc chết đường chết chợ ở nơi nào đó.
Càng tìm kiếm họ càng vô vọng.
Thấm thoát đã đến ngày giỗ đầu bà Đình. Những đứa con tụ tập tưởng niệm mẹ, sẽ cùng ra thăm mộ để xin bà tha thứ về việc để bố mất tích. Bữa cơm tối dọn ra đã lâu nhưng chẳng ai nuốt được khi cô con gái út cứ ngồi khóc dấm dứt. Trời u ám bởi những cột mây đen sì đang đùn lên từ phía đông. Không hiểu sao tâm trạng của những đứa con lão Đình cứ hướng cả về phía chân trời, nơi đang nháng lên từng đợt ánh sáng, giống như lửa của những đám cháy mô tả ngày tận thế. Hình như với họ, bố ra đi và mất tích sau những đám cháy ấy.
Dù không ai nói ra, trong họ vẫn le lói một hy vọng vào điều kỳ diệu nào đó. Chị con cả là người đầu tiên đủ can đảm đi ra cổng, nơi rõ ràng chị và mọi người nghe thấy tiếng đập rầm rầm.
Dưới ánh sáng đèn, lão Đình hiện ra như viên tướng cướp về già bị đàn em bóc lại hết sạch. Cũng có thể nghĩ lão vừa chui lên từ những hố đào vàng, ngoại trừ vẻ mặt sáng lên sự ranh mãnh. Có tới bảy chiếc tay nải được lão đeo lủng lẳng trên mình kèm theo chiếc hòm có bánh xe kéo ở phía sau. Và lùi lại hơn một chút, nơi vừa đủ tối để những người phía trong không nhận ra ngay, một bà lão quãng sáu mươi tuổi đang đứng im chờ đợi.
Không cho các con lão kịp kinh ngạc và thay mọi lời giải thích, lão Đình quay lại, giọng thản nhiên:
- Đến nhà rồi, mình ạ!
Hà Nội 5.2001