Ngoan Cố
Tác giả: Tạ Hữu Đỉnh
N goan cố là một từ ghép. Chẳng biết có phải người ta tách lấy chữ “ngoan” của từ “ngoan ngoãn”, “ngoan cường”, “ngoan đạo” rồi ghép với chữ “cố” của từ “cố gắng”, “cố ý”, “cố chấp” mà thành không? Nhưng đã từ lâu trong các văn bản Nhà nước, cũng như trên báo chí, hay giao tiếp nói năng hằng ngày cũng không thấy ai còn sử dụng cái từ mà một thời đã rất được ưa chuộng ấy nữa. Thế mới biết cái gì cũng chỉ…”Vang bóng một thời” !
Ngày còn đi học, tôi không thấy có từ này. Ngay cả những năm đầu tiên thời kháng Pháp cũng chưa có. Mà hình như mãi đến năm 1952, thế kỷ trước, khi đi học chỉnh huấn, cải tạo tư tưởng, tôi mới thấy từ này xuất hiện. Nếu đúng như vậy, thì có thể khẳng định rằng từ “ngoan cố” và chủ trương cải tạo, tẩy rửa tư tưởng con người, cùng có xuất xứ từ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, rồi du nhập vào nước ta.
Trong lớp chỉnh huấn, không thấy giảng viên giải thích về ý nghĩa của từ này. Nhưng qua thực tế sử dụng trong học tập, chúng tôi cũng hiểu “ngoan cố” nghĩa là thế nào.
Lớp chúng tôi chia thành nhiều tổ học tập. Mỗi tổ khoảng trên dưới mười người. Sau thời gian học lý luận, các học viên phải viết kiểm điểm thu hoạch. Đối chiếu tư tưởng và hành động của bản thân với lý luận. Lấy lý luận để soi rọi xem mình đã mắc những sai lầm, khuyết điểm gì. Rồi đem ra tổ học tập đọc, để anh em bổ sung và phân tích, phê phán những tác hại của các sai lầm, khuyết điểm đó.
Nếu viết không thành khẩn, còn giấu giếm sai lầm, khuyết điểm, mà anh em trong tổ phát hiện ra, thì lập tức học viên đó bị phê phán là “ngoan cố”. Hoặc anh em phát hiện ra, mà mình không nhận, thì càng bị coi là kẻ mắc “bệnh ngoan cố nặng”, nên càng bị phê phán gay gắt hơn. Thậm chí bị đấu tố, thóa mạ, mạt sát như sau này người ta áp dụng trong Cải cách ruộng đất vậy.
Tổ tôi có anh Phan Lưu, vốn là con nhà quan, vừa học xong tú tài thì cách mạng tháng Tám thành công. Anh đi theo cách mạng. Kháng chiến chống Pháp, cấp trên giao cho anh phụ trách cơ quan Tình báo. Năm 1950, Tình báo sáp nhập vào Công an. Anh Lưu trở thành cán bộ nghiên cứu.
Lúc bấy giờ chủ nghĩa thành phần đang được lên ngôi. Những người có may mắn được xếp vào thành phần công nông thì vui mừng hãnh diện. Thậm chí vênh váo, lên mặt. Còn những ai chẳng may xuất thân từ tầng lớp quan lại, tư sản, cường hào, cai ký, thì bị coi là “có quan hệ với đế quốc, phòng kiến”. Thuộc thành phần áp bức bóc lột, không đáng tin cậy, không được giao những việc quan trọng, dù người đó có đủ khả năng.
Trường hợp của anh Phan Lưu đúng là như vậy. Khi chỉ còn là một cán bộ bình thường, anh đã thu mình lại, sống lặng lẽ, kín đáo, không bao giờ tranh luận với ai, kể cả lúc học hành, hay vui chơi, sinh hoạt hàng ngày cũng vậy. Anh rất sợ bị phê là “ngoan cố”. Cho nên bản thân có khuyết điểm gì, anh đều thành khẩn viết ra và tự phê phán, phân tích rất kỹ. Kể cả trong quá trình công tác có lúc dao động, sợ quân ta vũ khí thô sơ, kháng chiến khó thành công. Anh cũng không giấu giếm. Anh vừa đọc xong bản kiểm điểm. Thế là cả tổ liền phê phán. Nào là tư tưởng bấp bênh, sợ địch, sợ mất mát hy sinh. Nào là đi theo cách mạng, nhưng tư tưởng không chịu đầu hàng giai cấp công nhân v..v…
Người được phê, vì sự tiến bộ của anh thì ít, mà để bày tỏ lòng trung thành và tinh thần hăng hái của bản thân họ thì nhiều.
Là người trí thức có tâm hồn đa cảm, lại được hưởng thụ sự giáo dục của một gia đình khá giả, không quen với những lời lẽ thô bạo theo kiểu “đao to búa lớn đó”. Thế là anh Lưu tủi thân, bật lên khóc hu!..hu!..
Người thứ hai đọc bản kiểm điểm là anh Ngô Thu, bạn thân và cũng hoạt động trong vùng hậu địch như tôi. Thu vốn là một học sinh, bỏ học đi kháng chiến, xuất thân từ một gia đình trung nông. Đẹp trai, hiền lành, vui tính. Bản kiểm điểm của Thu được tổ thông qua rất nhanh chóng. Có lẽ vì thành phần xuất thân và cương vị công tác của Thu không phức tạp như anh Lưu. Và một phần nữa rất quan trọng là thái độ, cử chỉ của Thu rất chân thành, mộc mạc. Đọc đến những sai lầm khuyết điểm của mình, Thu thực sự xúc động. Có lúc cảm động quá, lạc cả giọng, phải dừng lại lau nước mắt rồi mới đọc tiếp được.
Sau những khuyết điểm trong công việc. Thu kể về những khuyết điểm trong sinh hoạt. Anh tỏ ra dũng cảm và thẳng thắn, kể ra một loạt những cuộc yêu đương, hò hẹn với cô A, cô B, cô C..Rồi tự phê phán mình là “tiểu tư sản”, bồng bột và đa tình, thấy cô nào đẹp cũng thích, cũng yêu. Nhưng cuối cùng, yêu chỉ là để yêu thôi, chứ anh chẳng dám lấy cô nào. Vì còn đang đi kháng chiến. Và anh cũng không dám “hủ hóa” với cô nào. Vì sợ bị kỷ luật.
Đến lượt tôi. Khi viết kiểm điểm, tôi đã vắt óc ra suy nghĩ và moi móc tất cả những khuyết điểm từ to đến nhỏ, từ trong công việc đến đời sống hằng ngày. Thậm chí tôi lôi ra giấy trắng mực đen, cả những khuyết điểm chỉ mới nẩy ra trong ý nghĩ, hay trong giấc mơ. Như mơ thấy mình đã ngủ với người con gái nào? Ngủ ở đâu? v..v…Thế mà chẳng hiểu sao, tôi vẫn bị anh em trong tổ phê là “ngoan cố”! Và cứ mỗi lần bị phê như vậy, là thêm một lần nữa tôi lại phải viết lại bản kiểm điểm của mình. Hì hục, đánh vật với chữ nghĩa, mấy ngày mới viết xong. Chắc mẩm lần này là kết thúc. Nào ngờ, mãi cuối buổi học tập, lại bị một học viên nhớ ra, đã có lần bắt gặp tôi đọc Truyện Kiều! Có người còn bảo, chính tai anh ta đã nghe thấy tôi hát “nhạc vàng”! Bài gì thì anh ta không biết. Anh ta chỉ nhớ trong đó có câu: “Mùa thu chết, rơi theo lá vàng..”. Mùa thu là mùa đẹp nhất, mùa Cách mạng thành công, chứ sao mùa thu lại chết?! Còn “Truyện Kiều” là sách của “một tên quan phong kiến”, viết để phục vụ giai cấp phong kiến thống trị, áp bức bóc lột nhân dân. Người cán bộ cách mạng, chống đế quốc, phong kiến, sao lại đọc “Truyện Kiều”?..
Thế là tôi bị phê một trận tơi bời khói lửa. Nào là “tiểu tư sản, lãng mạn” (hiểu theo nghĩa xấu). Nào là “còn luyến tiếc, chưa đoạn tuyệt với chế độ cũ”. “Một chế độ đã đè đầu cưỡi cổ nhân dân ta hàng nghìn đời nay, mà đồng chí còn luyến tiếc à?”. “Bài ca cách mạng thiếu gì, sao đồng chí không hát, mà lại hát nhạc vàng?”. “Hằng ngày ăn cơm của dân, mặc áo của dân, sao đồng chí lại vô ơn thế?”. Sao đồng chí … Sao đồng chí…
Trời đất ơi! Nào tôi có luyến tiếc, có thương nhớ gì đâu! Ngày còn đi học, thấy bạn bè hát, thì tôi cũng hát theo. Bây giờ nhớ lại, thấy giai điệu hay thì hát để cho mình nghe, mình vui. Chứ sao lại bảo hát bài cũ là nhớ chế độ cũ? Thời phong kiến, đế quốc, tôi còn là một đứa trẻ con, có quan hệ gì với phong kiến, đế quốc đâu mà bảo tôi nhớ họ?
Thế rồi, cũng như anh Lưu và Thu, tôi run lên và khóc bật lên thành tiếng. Nhưng không phải vì ân hận, xót xa trước những sai lầm, khuyết điểm của mình. Mà khóc vì bị áp chế, ép buộc, nhưng không được phản biện, không đươc thanh minh!
Thế là thêm một lần nữa tôi lại phải viết lại. Nhưng rất may, và không ngờ là lần này bản kiểm điểm của tôi lại được lãnh đạo lớp đánh giá là “điển hình”, được đọc để báo cáo trước cả lớp. Và tôi được hưởng chế độ ăn bồi dưỡng riêng, mức “tiểu táo”. Lúc chưa ăn, tôi cứ tưởng “tiểu” là nhỏ, “đại” là to. Hóa ra không phải. Chế độ ăn đó là của nước bạn. Ta đem về áp dụng: “Đại táo” là mức thấp nhất. “Trung táo”, dành cho cấp đại đội đến tiểu đoàn. “Tiểu táo”, dành cho cấp từ trung đoàn trở lên. “Đặc táo”, mức cao nhất, dành riêng cho lãnh đạo.
Mọi ngày, cơm mỗi bữa chỉ được hai bát. Rau, cá thì chỉ vài ba gắp đã hết. Hôm ấy tôi được ăn cả một đĩa thịt đầy, mỡ thơm, béo ngậy. Rau cá cũng mỗi thứ một đĩa. Cơm cũng nhiều, phải đến bốn năm bát. Không thể nào ăn hết được.
Đi học chỉnh huấn, chúng tôi phải tự biến mình thành cái bao tải. Nghe giảng viên giảng và được đồng chí “phê”, đúng sai, phải trái gì gì cũng tiếp thu tất. Hầm bà làng, bỏ cả vào bao. Càng ngoan ngoãn tiếp thu, càng được đánh giá là có tinh thần học tập và cải tạo tốt. Mãn khóa, gù lưng cõng cái mớ hổ lốn ấy về cơ quan, lại tiếp tục công tác.
Chỉnh huấn xong, trở về cơ quan làm việc. Một đêm thu, trời mưa, ở trong rừng. Anh em đi công tác vắng, chỉ còn hai thằng nằm bên nhau, tôi hỏi Thu:
- Cậu đã được ngủ với em nào chưa? Thu không trả lời, mà hỏi lại tôi:
- Thế còn mày?
- Chưa! Ngày chỉnh huấn tớ khai hết cả rồi, hai ba em đấy. Nhưng chỉ là ở trong mơ, chứ có em nào là thật đâu!
Dường như sợ cây rừng nghe thấy, bạn tôi bụm miệng khùng khục cười một lúc rồi bảo:
- Thế thì mày là một thằng ngu. Vừa ngu vừa hèn. Tao ấy, tao chẳng dại. Thấy em nào ngon lành, hay hay mắt, lại có vẻ đĩ đĩ một tí là tao tiến hành luôn. Vuốt má một cái, xoa mông một cái nữa. Không thấy có phản ứng gì, mà mắt lại sáng lên, miệng cười toe toét. Thế là tao “xơi” luôn. “Kim đâm vào thịt thì đau/ Thịt đâm vào thịt nhớ nhau cả đời”. Sao lại không xơi?
- Thế sao chỉnh huấn không thấy cậu khai?
- Chuyện, cái thằng này ngu bỏ mẹ! Khai ra để chúng nó nhổ vào mặt cho à? Im lặng một lúc rồi Thu lại tủm tỉm cười, nói:
- Trong đó có cả con bé học sinh của mày đấy!
Ôi thôi chết! Em Đào! Người mà trong chỉnh huấn tôi đã khai tội “hủ hóa ở trong mơ”. Không ngờ khi tôi chuyển đi, Thu về đây tiếp nhận cơ sở này, là đứa đến sau, nhưng nó đã nhanh tay và liều lĩnh hơn tôi… Như bị điện giật, tôi nhẩy xuống đất, vừa rũ rượi cười, vừa chắp tay lậy nó, như lễ một vị Phật sống vậy:
- Tao xin bái phục ! Ông mới đúng là một thằng đại bợm và đại ngoan cố!.. Rồi tôi nhẩy lên giường, giang tay đấm nó túi bụi, một thôi một hồi, như sẻ bớt sự sung sướng của nó, để bù vào chỗ thua thiệt của mình!..
Gia đình em Đào làm nghề câu ở ngoài Vịnh, và là cơ sở hoạt động bí mật của ta. Tôi hoạt động ở trên phố, những ngày địch vây ráp, kiếm soát giấy tờ gắt gao, tôi lại lánh ra ngoài Vịnh, ở thuyền nhà em Đào. Lần đầu tiên gặp em, tôi đã sửng sốt. Không ngờ dân vạn chài mà có người đẹp thế. Dáng người em nhỏ nhắn, chắc nịch, khuôn ngực tròn, cao vổng lên dưới tấm áo phin đen mỏng. Hông rất nở. Eo thắt như lưng ong. Da bánh mật. Vẻ mặt rạng rỡ, xinh tươi, với nụ cười vừa quyến rũ vừa mê hoặc. Nhất là đôi mắt trong veo, lúc nào cũng long lanh như sóng gợn trên mặt Vịnh, vào những ban mai trời lặng gió nhất. Em không biết chữ. Tôi dạy em học. Em ngồi trên sạp thuyền, tay lóng ngóng cầm bút mực tô đè lên những nét chì tôi viết mẫu. Thấy nét mực nguyệch ngoạc, xiêu vẹo chệch ra ngoài nét chì. Bất chợt, tôi nắm lấy bàn tay em, giúp em đưa ngòi bút đi đúng vào từng nét ngang, nét doc, nét tròn. Bỗng tay em run lên, không cầm được bút nữa. Em buông cái bút rơi trên mặt sạp thuyền, ngồi ngay người lên, mặt đỏ bừng. Rồi cặp mắt đen sóng sánh ấy nhìn sâu vào trong mắt tôi, bảo: “Thôi, em chẳng viết nữa đâu!”.
Rồi từ đấy, trong sinh hoạt hằng ngày, cứ mỗi lần em dịch chuyển từ trong khoang ra bên ngoài, hay từ đằng mũi về đằng lái là tôi lại nhận được những cái va chạm, mà hoàn toàn chẳng phải là vô tình. Tôi hiểu đó là những thông điệp không lời của trao gửi và hiến dâng…Nhưng lấy em thì tôi không thể. Vì tôi còn quá trẻ, lại đang đi kháng chiến ở trong vùng hậu địch, ngày đêm đối mặt với hiểm nguy, sống chết, chẳng biết đâu mà lường. Nhưng không lấy được, không có nghĩa là không được yêu. Tôi yêu em. Và tuổi trẻ, càng yêu càng khao khát. Đêm đêm cận kề người đẹp, khiến tôi thao thức. Đã có lúc tôi định liều, với tay qua thằng cu tý nằm giữa, sang mạn thuyền bên kia, nơi em nằm. Nhưng giơ tay lên, rồi lại bỏ tay xuống, nhỡ em có chửa thì sao? Và đáng sợ nhất là, nhỡ giữa lúc ấy, ông bố hay bà mẹ em nằm ở khoang trong kia thức dậy thì sao? Mà ở trong khoang với ngoài khoang, thì có khác gì ở trong màn và ngoài màn đâu. Thế là đành ép mình vào mạn thuyền, chịu cảnh “cá treo, mèo nhịn” vậy !..
*
* *
Rồi đến ngày Cải cách ruộng đất, thì bỗng nhiên cái từ “ngoan cố” lại trở thành một thứ vũ khí sắc bén và vô cùng lợi hại. Trong các cuộc nông dân đấu tố bọn địa chủ, cường hào, ác bá. Cứ mỗi lần “khổ chủ” tố cáo xong, cán bộ Đội cải cách lại hỏi tên địa chủ bị tố xem y có nhận tội không. Nếu y không nhận (thường là không), thì “ông Đội” liền vung tay hô lớn: “Đả đảo địa chủ ngoan cố !”. Và ngay lập tức có hàng trăm, hàng nghìn cánh tay nông dân vung lên hô theo: “Đả đảo địa chủ ngoan cố!”, “Đả đảo địa chủ ngoan cố!”. Và chính vì cái thứ vũ khí tinh thần đó, mà bất kỳ tên địa chủ, cường hao, ác bá, hay tên Quốc dân đảng phản động nào, dù ngoan cố đến đâu, cuối cùng cũng đều phải cúi đầu nhận tội.
Người ta còn lập ra các “phiên tòa”, được gọi là “Tòa án đặc biệt” để xét xử bọn địa chủ. Tuy gọi là tòa án, nhưng đây không phải là tòa án cấp huyện, hay tỉnh. Chánh án và Thẩm phán, không phải do Hội đồng nhân dân bổ nhiệm hợp pháp. Mà tòa án do Đội cải cách ruộng đất được phép lập ra. Ngồi ghế Thẩm phán là một cố nông cốt cán. Ghế Chánh án dành cho Đội trưởng cải cách, xét xử xong tòa tự giải tán. Tuy thế, nhưng “cái tòa án đặc biệt” chưa từng thấy bao giờ này cũng có quyền tuyên phạt đến mức cao nhất là tử hình!
Khi phát hiện ra những sai lầm trong cải cách ruộng đất và khi sửa sai, người ta mới biết trong những lời tố khổ của các “khổ chủ” có rất nhiều điều điêu trá. Và thái độ bướng bỉnh, không chịu nhận tội của bọn địa chủ, không phải là chúng ngoan cố.
*
* *
Từ ngày ấy đến nay, hơn nửa thế kỷ đã qua đi. Những quan niệm về giai cấp và đấu tranh giai cấp, về áp bực bóc lột, về địa chủ và nông dân, về tư sản và công nhân, về đế quốc và phong kiến, về kinh tế quan liêu bao cấp và kinh tế thị trường v..v…Đã có rất nhiều thay đổi. Thế mà vẫn có người bảo: “Vẫn y nguyên. Chân lý chẳng bao giờ thay đổi!”.
Có lẽ cả cái quan niệm bất di bất dịch ấy, cũng là một kiểu “ngoan cố” chăng?./.
Uông Bí, ngày 20/6/2009