watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Sapa mây phủ - tác giả Thái Bá Tân Thái Bá Tân

Sapa mây phủ

Tác giả: Thái Bá Tân

Họ đến Sapa lúc trời gần tối. Mặt trời tháng ba khuất sau núi, ánh lên một vầng sáng màu da cam lạnh và buồn. Cả không khí cũng đượm buồn, cái buồn vắng người và vùng núi quá ư yên tĩnh. Từ ô tô nhìn xuống, một vài ngôi nhà mới xây mái đỏ tường trắng trông lạc lõng giữa một màu xanh thầm sũng hơi sương.
Ngồi sau tay lái là một người đàn ông đứng tuổi, đeo kính trắng mắt dày chứng tỏ ông cận nặng, nét mặt hiền hậu tuy khắc khổ. Vợ ông, một người phụ nữ bé nhỏ còn giữ được vẻ đẹp thanh thoát thời trẻ, ngồi phía sau, lơ đãng nhìn ra ngoài. Cả hai đều có vẻ giàu có, đáng kính, thể hiện qua cách ăn mặc, điệu bộ, và cả chiếc Ford Mondeo màu đen bóng, loại ô tô Mỹ nổi tiếng mới thấy xuất hiện ở Hà Nội.
“Tôi không hiểu ông lên đây làm gì. Trời lạnh thế này” .
Bà nói khi hôm sau hai người ngồi ăn sáng ở khách sạn sang nhất của thị trấn trên một ngọn đồi. Mà quả rét thật. Bà ngồi co ro, quàng lên người chiếc khăn len to màu xanh. Như thường lệ khi ngủ dậy, bà trang điểm chút ít, đúng kiểu người ta quen ăn diện nhưng ý tứ.
Ông lặng yên cầm chai rượu vang rót vào hai chiếc li chân cao, một lúc sau mới đáp:
“Có lẽ bà nói đúng, nhưng tôi không muốn đi nơi khác. Vả lại ở đây có chút kỉ niệm…”.
“Kỉ niệm? Sao ông không bao giờ kể cho tôi nghe?”
“Tại tôi nghĩ bà không cần biết, không muốn biết. Chuyện ấy xưa mà”.
“Hôm nay tôi thấy ông như buồn buồn điều gì. Chắc vì cái kỉ niệm ấy?”
Ông không đáp, lại rót rượu cho mình.
“Một thiên tình sử lãng mạn? Một thôn nữ xinh đẹp và hoang dã?” Bà khẽ cười, pha chút châm biếm.
“Ừ, không hoàn toàn nhưng đúng thế. Một cô gái người Thái, rất xinh, nồng cháy và pha chút hoang dã như bà nói”.
“Sao ông không lấy cô ta làm vợ?”
“Vì tôi biết sẽ gặp bà, lấy bà”.
“Cảm ơn. Ông kể nghiêm túc cho tôi nghe với nào”. Khi thấy chồng cứ mân mê li rượu, bà nói thêm: “Hay đấy, tự mình khơi chuyện rồi lại im lặng không chịu nói gì nữa!”
“Thực ra chẳng có nhiều để nói. Vì chúng tôi quen nhau được ba tháng thì cô ấy chết, thời gian yêu nhau còn ít hơn”.
“Chết?” Bà định hỏi vì sao nhưng lại thôi.
Ông cũng chẳng nói gì thêm.
Mặt trời đã nhô lên quá hàng cây trước khách sạn, vất vả lắm mới chui ra khỏi đám mây dày đặc. Gió se se thổi. Xa xa phía dưới, những mảng sương mù mỏng trắng đục như đứng yên một chỗ, nhưng ông biết chúng đang trôi chầm chậm vì có gió. Còn ở đây thì không có sương mù, chỉ ẩm ướt, trên lá cây lấm tấm những giọt nước nhỏ. Không khí trong lành, thoang thoảng mùi gì đó ông không tìm được tên gọi.
“Tôi định tới đó”. Ông lại lên tiếng khi cô hầu bàn mặc áo dài màu hồng vừa bê bát đĩa đi, chỉ trừ chai rượu và hai chiếc cốc. “Bà có đi với tôi không?”.
“Tới đó là tới đâu?”
“Bản Vẹo. Ngày xưa tôi được phân về dạy học ở đó, nơi tôi đã gặp và yêu cô ấy... Cách đây chỉ mươi cây số, nhưng đường xấu”.
“Không, ông đi đi. Hôm nay tôi mệt”. Bà nói rồi đứng dậy bỏ lên phòng. Đã qua cái thời có thể ghen tuông, vả lại thực ra chẳng có gì để ghen, nhưng bà vẫn thấy ấm ức vô cớ. Bà sống với ông gần ba mươi năm nay, có thể nói là yên ấm, hạnh phúc. Ông là người chồng tốt, chu đáo với vợ con, nhưng với nhạy cảm của người đàn bà tinh tế, bà biết hình như suốt chừng ấy năm vẫn có cái gì đấy, ai đấy đứng xen giữa vợ chồng họ. Bà nhiều lần cố đoán mà không đoán ra. Bây giờ bà biết người ấy là ai. Dẫu không nhỏ nhen cố chấp, bà vẫn không kìm được thái độ hờn dỗi của mình. Ông biết. Bản thân ông cũng không thực sự muốn vợ đi cùng. Chỉ lờ mờ thấy như mình có lỗi.
*
* *
Đó là một ngày mưa tầm tã vào tháng chín năm 1967, khi tốt nghiệp xong Đại học sư phạm anh được phân về vùng này. Vì lí do sức khoẻ, cụ thể là mắt cận ba đi-ốp người ta không gọi anh nhập ngũ như nhiều bạn cùng lớp. Ra đi từ sáng sớm với chiếc ba lô con cóc tòng teng trên lưng, mãi gần tối mới đến được nơi cần đến, trường cấp ba Cẩm Yên, nhưng anh chẳng thấy ai trong mấy ngôi nhà nứa tuềnh toàng ở đấy, đành hỏi thăm nhà ông chủ tịch xã định xin ngủ qua đêm rồi hẵng hay. Lại phải đội mưa dẫm bùn them ba cây số nữa để đến nhà ông chủ tịch. Hoá ra ông này đã được báo trước anh sẽ đến, và được giao nhiệm vụ tìm cho anh một nhà dân để trọ vì trường không có nhà riêng cho giáo viên. “Tìm nơi náo kha khá một chút. Tay này Hà Nội gốc, có thể khó tính đấy!” Bản Vẹo của ông sống quy tụ, người Kinh nhiều hơn người Thượng, do trước đây có nông trường chè gần đấy, nay đã giải thể. Ông người Thái, vợ ông vốn là một trong những cô gái từ dưới xuôi lên của cái nông trường ấy. Cả buổi chiều trước đó ông đau đầu không biết phải bố trí “anh chàng Hà Nội khó tính” này ở đâu. Trong bản nhà nào cũng nghèo. Cuối cùng ông quyết định cho anh ta sống trong nhà ông, một gia đình tự ông đánh giá có văn hoá nhất và khá nhất trong cả xã.
Ngôi nhà “nhất xã” ấy có tường xây, trát vữa một mặt phía trong, mái ngói hẳn hoi dù đôi chỗ dột, đuồn đuỗn bốn gian nhỏ như nhà tập thể. Anh được ở gian trống cuối, có chiếc cửa sổ không cánh, che bằng vải nhựa nhìn ra bãi sắn. Xa hơn tí nữa là chiếc hồ nhỏ bình thường nhưng với anh rất thơ mộng. Nhà ít người so với dân trong vùng, ngoài ông chủ tịch xã có vợ ông, một người đàn bà quê Hưng Yên, hơn bốn mươi tuổi, ít nói, có vẻ một thời xinh đẹp nhưng bây giờ gầy đét, da xám như người bị sốt rét lâu ngày. Anh thấy hai đứa trẻ, một cậu bé khoảng mười ba và đứa con gái thò lò mũi xanh. Thấy nói còn đứa nữa, đã lớn, lúc anh đến không có nhà.
Anh tắm giặt, thay quần áo xong và đang ngồi uống nước, nói chuyện với ông bà chủ tịch thì có người bước vào nhà. Bên ngoài trời vẫn mưa nặng hạt. Lúc ấy đã tối hẳn và căn nhà được chiếu sáng bằng chiếc đèn bão to như quả dưa bở, bóng ám muội do lâu ngày không lau. Trong góc phòng ấy treo chiếc đèn măng-xông chắc chỉ dành cho những dịp long trọng phục vụ nhiều người.
“Cái Bình, con gái tôi đấy!”. Ông chủ nhà nói. Có vợ người Kinh, mấy năm đi bộ đội, anh làm chủ tịch xã xuống huyện hội họp thường xuyên nên ông đã bị “xuôi hoá” từ lâu, dễ nhận thấy qua cách cư xử, nói năng và cách đặt tên con con. “Năm nay xong lớp mười, tốt nghiệp phổ thông còn chưa biết làm gì, đi đâu đây”. Rồi ông quay sang con gái: “Đây là thầy Thọ mới từ Hà Nội lên. Sẽ dạy trường con đây”.
Cô gái lúng búng “chào thầy”, quay sang nhìn anh, rùng mình hất mái tóc dài về phía sau rồi đi xuống bếp.
Dưới ánh đèn dầu tù mù anh kịp nhận thấy một khuôn mặt tuyệt đẹp, đẹp đến mức khiến anh sững sờ chốc lát. Nó khác hẳn vẻ đẹp thường thấy ở các cô gái đẹp thủ đô. Có cái gì đó mới mẻ, tinh khiết, bí ẩn, thậm chí hoang dã. Khuôn mặt xinh đẹp ấy đang ướt sũng nước mưa (không hiểu sao cô đi đâu về không mũ nón gì cả), quần áo mỏng dính chặt cơ thể con gái mới lớn với những đường nét thật mềm mại và gợi cảm.
Đêm ấy và nhiều hôm sau anh còn bị ám ảnh mãi bởi cuộc gặp bất ngờ này. Anh giật mình lo lắng khi phải tự thú rằng hình như anh đã yêu cô, yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên như người ta vẫn nói. Anh nghĩ có lẽ do tính anh dễ xúc động, do bị choáng chút ít về đi đường mệt và thời tiết, rồi mọi việc đâu sẽ vào đấy. Nhưng anh nhầm...
Trường cấp ba Cẩm Yên chỉ vẻn vẹn một lớp mười, hai lớp chín và ba lớp tám. Anh được phân dạy sử, kiêm luôn cả môn địa lớp tám và lớp chín. Thời ấy không chỉ học sinh mà thầy cũng thiếu. Việc giảng dạy chẳng mấy vất vả. Chỉ buồn, cái buồn miền núi suốt ngày chẳng có gì làm, chẳng đi đâu, chẳng biết nói chuyện với ai. Hơn thế, trời hay mưa, không mưa thì sương mù phủ dày đặc, da thịt luôn ẩm ướt như đổ mồ hôi mùa hè, không khí có mùi gì như mùi mốc, lắm lúc buồn nôn. Rất ít ngày trời đẹp. May anh mang theo mấy cuốn tiểu thuyết, chủ đề tiểu thuyết cổ điển Nga trong đó có cuốn Tội ác và Trừng phạt của Đôtxtôiepxki, đọc nhiều lần đến mức bị ám ảnh muốn tự mình phạm một tội ác nào đó. Có cả cuốn Axia của Tuốcghênhép mà anh thấy Bình, cô con gái ông chủ tịch xã, na ná giống một nữ nhân vật trong đó.
Anh và Bình ít gặp nhau, ngoài một ngày hai bữa ăn trưa và tối. Ít khi có ăn sáng. Buổi sáng đi học, buổi chiều hôm nào cô cũng theo mẹ lên đồi trồng gì ngoài ấy đến tối mới về. Trong bữa ăn, từ khi có anh cô thường cúi mặt hoặc nhìn đi nơi khác. Nói chuyện thì hầu như không, ngoài những câu chào hỏi bắt buộc. Chính vì điều này khiến anh, có thể cả bố mẹ cô nữa, đoán hiểu cô không thờ ơ với anh. Đôi khi anh thấy nhìn trộm mình, và lần nào ngẫu nhiên gặp nhau má cô cũng đỏ bừng. Còn anh thì bây giờ, được quan sát kĩ hơn, bình tĩnh hơn, anh càng thấy cô xinh đẹp và đặc biệt hấp dẫn. Như con thú nhỏ vừa nhút nhát vừa có cái gì đấy mãnh liệt vụng về che giấu bên trong. Tất nhiên, anh phải cố giữ kín tình cảm thật của mình, làm như không để ý tới cô, chỉ thỉnh thoảng giúp cậu em làm bài khi cần. Cậu này học dốt nhưng thích đọc sách, có thể do vậy nên rất quý anh, vì với cậu, anh là nguồn sách vô tận. Thỉnh thoảng, theo yêu cầu của bà mẹ, anh nói nếu Bình có gì không hiểu, anh làm giúp, nhưng lần nào cô cũng lặng lẽ lắc đầu. Anh chẳng hiểu ý bà thế nào. Có thể vô tình, cũng có thể lo xa, bà nghĩ tới cuộc hôn nhân tương lai giữa con bà và anh chàng thư sinh Hà Nội đẹp trai, lại là ông giáo, cái nghề rất được coi trọng ở vùng này. Suy cho cùng, điểm mặt tất cả, bà thấy chẳng ai xứng đáng hơn. Chắc bà cũng nhận thấy tình cảm của anh đối với Bình.
Một hôm, đi đâu về, anh chợt thấy Bình chạy bổ từ trong nhà ra, bối rối và xấu hổ. Hình như từ phòng anh. Anh vội bước vào và thấy một mẩu giấy nhỏ trên bàn xé từ cuốn vở học trò: “Tối nay em chờ anh bên hồ”.
Anh ngồi thừ trên ghế, ngạc nhiên và mừng lo lẫn lộn. Bữa ăn tối diễn ra như thường lệ. Bình không một lần nhìn anh. Ăn xong, cô bảo mẹ sang nhà bạn học bài rồi đi luôn. Vì thỉnh thoảng vẫn đi dạo vào buổi tối, nên anh có thể ra đi mà không bị ai nghi ngờ. Khốn nỗi hôm ấy cậu em cứ nằng nặc nhờ giải giúp bài toán khó, nên khi anh ra khỏi nhà đã gần chín giờ.
Đầu tháng, ánh trăng bàng bạc, mỏng và ẩm ướt. Bốn bề yên ắng, chỉ buồn buồn tiếng côn trùng đâu đó vọng lại. Anh bước nhanh qua bãi sắn về phía hồ, tim đập mạnh vì hồi hộp. Thậm chí không nghĩ tới hậu quả. Không nghĩ gì ngoài việc có người đang chờ anh bên hồ.
Bình ngồi bên tảng đá lớn trên bờ. Bên cạnh có tảng đá khác nhỏ hơn. Cô ôm gối, đầu cúi gục, im lặng và cả anh lên tiếng gọi. Anh lại gần, khẽ đặt tay lên vai cô và biết cô đang khóc. Anh ngồi xuống cạnh, hồi lâu không biết nói gì, cuối cùng nhẹ nhàng nâng đầu cô lên và hôn vào đôi mắt ướt.
“Người ta nói con gái dân tộc mãnh liệt lắm”, anh nghĩ. “Nhưng để chủ động hẹn thế này thì chắc Bình phải yêu anh ghê gớm, đấu tranh ghê gớm và cũng bất chấp ghê gớm”.
“Anh yêu em! Yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên như trong tiểu thuyết”. Anh nói một cách giản dị rồi cười thành tiếng, cố lấy vẻ thật tự nhiên. Hình như tiếng cười này giúp cả hai vượt qua sự lúng túng ban đầu.
Anh vòng tay ôm cô, xoay về phía mình. Người cô run run lên như bị sốt.
“Em có yêu anh không ?”
Cô khẽ gật đầu, áp mặt vào ngực anh. Hai người im lặng hồi lâu.
“Cũng từ cái nhìn đầu tiên?”
“Không. Phải mấy ngày sau. Rồi em trở thành như đứa mất hồn”. Cô nói cũng thật giản dị. “Anh không nhận thấy à?”.
“Có” Anh đáp. Thực ra anh không nhận thấy gì cả. Lại càng không biết cô “mất hồn” vì anh.
“Còn em, em có biết anh yêu em không, yêu ngay từ đầu?”
“Có và em chờ. Sao anh không nói gì với em? Sao anh bắt em chờ lâu thế, cho đến lúc không chờ được nữa?”.
“Tại anh sợ. Dẫu sao cũng mới ba tháng. Anh sợ mọi người. Nhưng ngay ngày mai anh sẽ nói chuyện với bố mẹ em...”.
“Đừng. Khoan đã”. Rồi cô ngước nhìn lên, nghiêm túc hỏi: “Anh sẽ cưới em?”
“Tất nhiên!”
“Anh thề đi!”
“Không cần thề”, anh cười “Anh cũng mất hồn vì em. Không phải mấy ngày sau, mà ngay từ hôm đầu mới gặp. Tất nhiên anh sẽ lấy em. Còn em?”
“Em là con gái, không cần hỏi”.
Hai người lại im lặng, rồi anh nói, thật thà đến mức ngây ngô, nhưng không ai để ý đến sự ngây ngơ ấy:
“Vậy là chúng ta yêu nhau và sẽ lấy nhau!”
“Vâng. Rồi anh sẽ đưa em về Hà Nội? Em thích được sống ở Hà Nội, ở đây buồn lắm”.
“Anh sẽ đưa em về Hà Nội. Mà thôi, ta phải về, kẻo mọi người nghi”.
Hai đứa đứng dậy. Chỉ lúc này họ mới hôn nhau.
Trăng có vẻ mờ hơn, sương cũng nhiều hơn như muốn che họ khỏi những con mắt tò mò.
Những ngày tiếp theo, đêm nào họ cũng hẹn gặp nhau bên hồ mà không ai biết, hoặc có thể biết nhưng giả vờ không. Tuy nhiên, bây giờ khi nhà vắng người, họ vui vẻ nói chuyện với nhau, hôn nhau trong niềm hạnh phúc ngây ngất.
Một tối nọ, khi hai người vừa ra tới hồ, cô bảo anh:
“Ta xuống tắm đi!”.
Anh chưa kịp trả lời thì cô đã nhanh nhẹn cởi hết quần áo, ngay trước mặt anh mà không chút e thẹn, rồi một mình lội xuống nước.
“Con gái miền núi hồn nhiên thật!”.
Anh thầm nghĩ và mỉm cười một mình. Nhưng anh không xuống tắm, chỉ ngồi trên bờ. Lại càng không muốn tắm truồng. Không hiểu sao anh thấy ngượng, dù ý nghĩ được tắm truồng với người yêu dưới đêm trăng thật hấp dẫn. Thích nhưng vẫn ngượng, vì tính anh vốn nhút nhát và hay cả thẹn.
Mười lăm phút sau, cô lên.
“Anh lau người cho em đi!” Cô nói rồi ôm ghì lấy anh để nước thấm hết cả quần áo.
Phải nói anh hơi thoáng chút bối rối. Tất nhiên anh hiểu cô muốn gì. Anh ôm chặt cô. Người anh cũng run lên, hừng hực. Nhưng một lúc sau anh từ từ buông cô ra:
“Em mặc quần áo vào, kẻo lạnh”.
Cô ngoan ngoãn nghe theo, rồi họ ra về trong im lặng. Ba hôm sau anh được biết cô đã viết đơn xung phong ra mặt trận, và sắp phải lên đường.
“Trời! Sao em làm thế?” Anh kêu lên, gần như hoảng hốt.
“Cả lớp viết. Người ta chỉ chọn ba đứa - Em là lớp trưởng nên được chọn”.
“Em muốn bỏ anh mà đi thật à?”
“Không, em không muốn đi. Nhưng em là lớp trưởng... Em muốn ở lại với anh!”
“Vậy sao xung phong?”
”Cả lớp xung phong...”
Cô thút thít khóc. Không biết nói gì hơn, anh ôm cô vào lòng, như sợ buông cô ra, cô sẽ biến đi mất.
“Hay anh và em cùng bỏ trốn? Vào rừng chẳng hạn. Em biết một chỗ rừng rậm lắm, không ai tìm thấy đâu!” Cuối cùng cô ngước nhìn anh giọng nghiêm túc.
Anh thấy buồn cười với cái ý nghĩ trẻ con ấy.
“Không được, phải tìm cách khác. Không có em, anh chết mất. Mà em cũng có thể chết. Chiến tranh không đùa với ai đâu...”.
“Em không sợ chết. Chỉ sợ xa anh”. Cô trầm ngâm một lúc rồi nói: “Mà có chết cũng chẳng sao. Em sẽ chờ anh dưới ấy!”
“Em chỉ nói vớ vẩn, chết thế nào được!”
“Em nói thật mà. Nếu ra đi mà không may phải chết, em sẽ chờ anh dưới ấy. Chờ suốt đời. Em sẽ không yêu ai, không lấy ai cả! Anh không thích em làm thế sao?”
Anh không đáp, chỉ ôm chặt cô hơn và hôn tới tấp khắp mặt cô.
Một tuần sau cô lên đường. Được nửa tháng thì có tin cô chết khi đoàn xe chở cô và những cô gái như cô bị trúng bom lúc đang vượt Hàm Rồng.
*
* *
“Ông nghĩ ngợi gì thế? Ăn đi kẻo nguội”. Bà nói bên bàn ăn ngay sáng hôm sau.
“Chẳng nghĩ gì cả”, ông thờ ơ đáp. “Hôm nay Sapa nhiều mây quá”.
“Sapa thì lúc nào chẳng vậy”.
Ông lặng thinh rót đầy cốc rượu cho mình. Không hiểu đã là cốc thứ mấy. Đúng, ông đang nghĩ về Bình, mối tình đầu ngắn ngủi, đẹp đẽ và đau đớn. Thực ra suốt mấy mươi năm qua lúc nào ông cũng nghĩ đến nó. Chuyện chỉ có thế. Đơn giản mà thật chua xót. Đúng như ông nói với bà: quen nhau ba tháng, yêu nhau còn ít hơn. Thế mà với ông, nó là mối tình đẹp nhất, quan trọng nhất, có lẽ còn duy nhất. Hôm qua ông ngồi gần như suốt ngày trên tảng đá nơi cô chủ động hẹn ông đến. Ông ngồi, nhớ lại lần đầu tiên nhìn thấy cô trong cái đêm mưa gió ấy. Khuôn mặt xinh đẹp hớp hồn của cô. Đôi mắt to tròn. Bộ quần áo ướt mỏng dính bám sát cơ thể mảnh mai với những đường cong tuyệt mĩ dẫu chưa phát triển hoàn toàn. Ông nhớ những cái hôn, những trò đùa nghịch trẻ con. Nhớ cả lần hốt hoảng giật bắn người khi đang hôn nhau thì bất chợt ông bố về, may chưa kịp nhìn thấy. Tất nhiên nhớ cả đêm trăng cuối cùng bên hồ, khi cô trần truồng trong vòng tay ông, sẵn sàng hiến dâng mà ông ngu ngốc từ chối. Điều này đặc biệt làm ông day dứt. Chắc lúc ấy cô xấu hổ và giận ông lắm. Ông thấy thương cho cô và cả cho mình rằng chuyện ấy đã không xảy ra. Mà cô thì chỉ mấy ngày sau đã chết.
“Chắc hôm qua ông vào thăm gia đình cô ấy?” – Bà hỏi.
“Chẳng còn ai nữa. Sau cái chết của cô ấy hai năm, ông người Thái chết vì ung thư. Bà vợ người Kinh đưa hai con về quê cũ Hưng Yên”.
“Ông chưa kể tôi nghe vì sao cô ấy chết?”
“Chưa à? Đơn giản thôi. Xung phong ra mặt trận. Chưa đánh đấm gì, cả xe chở mấy chục cô gái học sinh bị trúng bom ở Hàm Rồng. Chết hết. Đó là điều khủng khiếp nhất của chiến tranh. Bà hài lòng chưa?”.
“Ông thô lỗ quá đấy!”
“Ừ, tôi xin lỗi”.
“Mà sao ông uống nhiều vậy? Từ nãy đến giờ tôi đếm được năm cốc rồi đấy.”
“Xin lỗi, đây là cốc cuối cùng”.
“Không lẽ suốt mấy chục năm qua ông không thể nào quên được cô ấy?”
“Không”.
“Và vẫn yêu cô ấy?”
“Vẫn”.
“Tức là suốt chừng ấy năm ông sống với tôi mà luôn nghĩ đến người đàn bà khác?”
Không chờ câu trả lời, bà đột ngột đứng dậy bỏ lên phòng.
“Tôi xin lỗi bà. Không hẳn như vậy. Tôi cũng yêu bà. Nhưng đó là chuyện khác. Xin lỗi”. Ông nói khi chỉ còn lại một mình, với tay lấy chai rượu.
Buổi chiều hôm ấy họ trở về Hà Nội. Vẫn cảnh cũ Sapa mây phủ trắng. Bất chợt ông có cảm giác như đâu đó dưới những đám mây ẩm ướt kia có ai đang đứng chờ ông. Chờ đã lâu. Chờ một cách mòn mỏi và đau đớn.
“Em sẽ chờ anh ở dưới ấy”.
Cô Bình ngày xưa của ông đã nói như thế. Con gái miền núi kì lắm. Đã nói nhất định thế nào cũng làm./.

Các tác phẩm khác của Thái Bá Tân

Ðứa bé ăn mày

Vẽ ác

Tuyết lạnh

Những cô gái áo trắng

Người rách bóng

Người không nhớ tên mình

Hai Chiếc Gương

Hà Nội những ngày trước Tết

Gửi nàng Elise

Cuộc trở về của đứa con lầm lỗi

Anh Dũng Cảm và anh Hèn