HUẾ và THƠ
Tác giả: Thiên Nhất Phương
Vua Thiệu Trị từng sáng tác hai mươi bài thơ mô tả hai mươi cảnh đẹp ở Huế, gọi là “Nhị Thập Thần Kinh Thắng Cảnh”, trong tập “Thiệu Trị Ngự Chế Thi Tập” (Tập thơ do vua Thiệu Trị làm ra). Sau đây là 5 bài thơ tả cảnh Huế, tiêu biểu nhất, trong hai mươi bài thơ nói trên.
I. HƯƠNG GIANG HỮU PHIẾM
Nhất phái nguyên uyên hộ đế thành
Thanh lưu sấn tảo nhạ lương sinh
Ba bình xuân thủy lung yên sắc
Chu trục thần phong động lỗ thanh
Thiên tửu vị can nhu ngạn thọ
Sơn hoa do luyến kết vân anh
Phiếm hồi vị yết Thương lang khúc
Đông khuyết phương thăng thụy nhật minh.
SÔNG HƯƠNG SÁNG DẠO THUYỀN
Một dải sông sâu bọc Đế thành
Dòng trong hây hẩy gió mai lành
Lặng yên sóng khói xuân lồng sắc
Xao tiếng chèo bơi gió giục nhanh
Cây bến láng lai đầm móc ướt
Hoa rừng lưu luyến quyện vân anh
Thuyền về khúc hát còn dang dở
Cửa khuyết trời đông đã sáng banh.
II. THIÊN MỤ CHUNG THANH
Cao cương cổ sát trấn điền xuyên
Nguyệt tướng thường viên tự tại thiên
Bách bát hồng thanh tiêu bách kết
Tam thiên thế giới tỉnh tam duyên
Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm
Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền
Phật tích Thánh công thùy hải vũ
Thiện nhân tăng quả phổ cai diên.
TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ
Trên bến gò xưa chùa lập ra
Bên trời tự tại mãi Gương Nga
Tiếng ngân trăm tám tan trăm oán
Thế giới ba ngàn giải nợ ba
Chuông động giữa trưa miền tối ám
Kinh gieo canh sớm đạo tăng gia
Truyền công Phật Thánh tràn non nước
Nhân quả ươm lành khắp chốn xa
III. TỊNH HỒ HẠ HỨNG
Trừng luyện hàm không nhất vọng xa
Thiềm nha ảnh thủy trám tinh hà
Lâu đài hoa thụ trường sinh cảnh
Thiên địa sơn hà tứ hải gia
Vũ phiến mạn giao thi hóa nhật
Thuấn cầm uyển nhĩ nhập thi ca
Y nhiên nhân trí tình vô hạn
Đồng lạc giao phu thảo vật gia.
HỨNG HÈ HỒ TỊNH
Hồ nước mênh mông lướt mắt qua
Thềm hiên in bóng loáng ngân hà
Cây hoa lầu gác lâu dài cảnh
Trời đất non sông bốn bể nhà
Quạt Vũ chẳng dùng che bóng nhật
Khúc Nam chừng lắng lẫn thi ca
Nẩy sinh nhân trí tình lai láng
Cây cỏ cùng thêm vui với ta.
IV. THUẬN HẢI QUI PHÀM
Hải bất dương ba tịch chiếu quang
Viên thành kiệt các thiếu trùng dương
Tịch phiêu hảo tiếp tranh hoa điệp
Chu sử hân khan trạch mộc sương
Cẩm lãm phi hồng phao hán biểu
Nha tường tỷ tiết trục thương lang
Khấu huyền khoản khoản thanh thanh khởi
Giai thị thời điều kỷ thắng chương.
BUỒM VỀ BIỂN THUẬN
Rực ánh trời chiều sóng lặng yên
Tròn xây gác lớn biển xa nhìn
Thuyền giong mừng đón giành hoa bướm
Ghe chạy vui trông đỗ nhánh chim
Đuổi ngọn sóng xanh buồm sát cột
Giăng khơi vòng mống sợi neo lên
Nhịp đàn thánh thót từng âm hưởng
Lừng lẫy thời danh khúc điệu tiên.
V. BÌNH LÃNH ĐĂNG CAO
Nguy nga bảo chướng đế thành nam
Giai tiết đề cao ức thắng đàm
Dịch liễn quang lâm tư sáng thủy
Vũ trường tiên suất hiệu hô tam
Thừa ân vũ trụ thiên niên tại
Túng lãm càn khôn vạn cảnh hàm
Bách nhị sơn hà tăng tráng cố
Vân khai thụy khí ái tình lam.
ĐỈNH NGỰ LÊN CAO
Thành nam một ngọn đẹp vô ngần
Nhớ tiết trùng dương chuyện đặt vần
Lên viếng chuyến đầu xe một buổi
Dân hô rượu múa tiếng ba lần
Đất trời muôn cảnh thu đầy mắt
Vũ trụ ngàn năm hưởng được ân
Sông núi hai phần trăm vững giữ
Mây bừng khí vượng quyện non xuân.
Thiên Nhất Phương dịch
CHÚ THÍCH:
Bài I.-
- Vân anh: chất khoáng trắng ánh sáng thấu qua được tựa như pha lê.
- Đông khuyết: cửa khuyết (hoặc cung khuyết) ở phía đông, nơi vua ngự để các quan đến chầu.
Bài II. - Nguyệt tướng: chỉ mặt Phật tròn như mặt trăng.
- Tự tại: vẻ thỏa thích.
- Bách bát: Các chùa sớm chiều thường đánh 108 tiếng chuông, để tiêu 108 điều phiền não.
- Tam duyên: Ba cái duyên trong thuyết 12 nhân duyên của nhà Phật mà yếu tố chính là: Ta, Người, Sinh vật.
Bài III. – Vũ phiến: quạt lông. Cũng có nghĩa là quạt của vua Vũ, đời nhà Hạ (Trung Hoa), người có tài trị thủy.
- Thuấn cầm: đàn của vua Thuấn (thời cổ đại Trung Hoa) dùng gảy khúc Nam phong (gió mát).
- Nhân trí: chữ trong sách Luận ngữ: nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thủy: người có nhân ưa núi, người có trí ưa nước.
Bài V. Giai tiết đề cao: làm thơ để vịnh nhân tiết
- Trùng dương (mồng 9 tháng 9). Tiết nầy, người ta thường lên núi thưởng cúc nở hoa và ngâm vịnh.
- Tư sáng thủy: (nay lần đầu): xe vua lên núi lần đầu.
- Hiệu hô tam: (hô ba lần): khi vua đến quan quân hô vạn tuế ba lần.
- Bách nhị sơn hà: (Sông núi hai phần trăm): Lấy điển tích nước Tần có địa thế hiểm yếu, với hai vạn người có thể chống lại trăm vạn địch quân.