watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Một niềm đau - tác giả Thu Nga Thu Nga

Một niềm đau

Tác giả: Thu Nga

Bà Năm lôi những quần aó bà đem từ VN qua, cách đây đã gần 6 tháng, ra khỏi cái rương bằng thiếc, sơn xanh, cũng đem từ bên ấy sang. Bà trải dài những thứ đó lên giường. 3 cái quần sa tanh, 3 bộ đồ xoa thêu, 2 cái khăn trùm đầu, một cái màu đen,một cái màu nâu. Bà lấy tay vuốt vuốt lên cái quần sa tanh đen óng mượt với một cử chỉ trìu mến. Nền láng, ướt của vải như thấm qua da bà, tạo cho bà một cảm giác rất âu yếm, dịu dàng.

Bà Năm không được mặc những thứ này nữa, khi đi ra đường với con cháu, như đi chợ, đi thăm bạn bè chẳng hạn, mà năm khi mười hoạ, nếu nhà đó có các cụ già, tuổi như bà thì bà mới đi, còn không bà thối thoát nói xe hơi làm bà chóng mặt -mà bà chóng mặt thật- Cô Thảo, con bà nói: "Con đã mua cho má một lô quần tây đủ màu, áo cũng vậy, quần nào, áo nấy. Má không chịu mặc những cái váy đầm con sắm cho má, thì ít nhất má cũng phải mặc quầy tây. Đừng có bận những cái quần đen ấy nữa, coi bẩn lắm. Còn áo dài với quần trắng, khi nào đi chùa hay Tết nhất, đi hội chợ rồi hãy mặc. Bà cũng có đem qua cho Thảo 2 bộ đồ xoa thêu tay, màu trẻ trung hơn, rất đẹp. Bà cũng hý hửng đưa Dũng mốt bộ đồ vest, được đặt may ở một tiệm danh tiếng, ai cũng khen ở Tuy Hoà. Bà nhớ đến nét mặt có vẻ như khó chiụ của Dũng, nhưng Dũng chỉ ráng nói: " Cảm ơn má" rồi đem cất. Còn Thảo khi thấy 2 bộ đồ thêu, Thảo gắt gỏng ra mặt: "Trời ơi, má mua chi mấy thứ này, ai mà mặc!". Khi thấy vẻ ngỡ ngàng trên mặt bà Năm, Thảo cố gượng cười: "Thôi được, con cất làm kỷ niệm đồ từ xứ sở mình". Từ đó, không biết Thảo và Dũng đã làm gì với mấy bộ quần aó đó. Đôi lúc dọn dẹp trong phòng cho Thảo, bà cố tìm coi nó ở đâu, mà không thấy.

Trời ơi, chỉ nghĩ đến những cái váy xoè, váy chật của Thảo mua, mà bà Năm giật mình. Cũng như bà đã giật mình khi lần đầu tiên bà Liêm -hàng xóm cũ của bà ở VN, tại Xóm Chuà, Tuy Hoà,- tự lái xe lại thăm bà. Bà tưởng bà hoa mắt hay nhìn lộn người. Bà Liêm bán bún bò giò heo ở chợ Cũ đây sao? Bà Liêm có 5 đứa con, con Chút, con thứ hai đi làm bồi phòng cho Mỹ và cuối cùng ưng một thằng Mỹ trắng, to và cao gấp đôi nó.Lúc trước khi con Chút lấy chồng Mỹ, nhà bà Liêm rất nghèo khổ. Ông Liêm làm phu khuân vác, ở dưới bến tàu. Mấy đứa em con Chút ốm tong teo, bụng ỏng, da vàng. Bà Năm thương cảnh nhà bà Liêm nghèo khổ nên giúp đỡ đủ thứ. Cảnh nhà bà Liêm càng ngày, càng thê thảm hơn từ ngày ông Liêm phát ho rồi mất. Bà Liêm tánh tình cũng hiền lành, chất phác, nên được mọi người trong xóm thương tình giúp đỡ. Từ khi con Chút đi làm bồi phòng rồi lấy Mỹ, thằng Mỹ bỏ tiền ra sửa sang lại căn nhà cho bà Liêm, sắm thêm vật dụng trong nhà cho con Chút, rồi cùng con Chút đi ở riêng. Từ đó, mấy đứa em con Chút mới có vài bộ đồ lành lặn mà mặc. Còn bà Liêm thì vẫn vâỵ, vẫn mấy cái áo bà ba cũ mèm, bà chỉ có may thêm cho mình được vài cái quần Mỹ A đen. Bà vẫn hàng ngày gánh bún bò ra chợ bán, nắng cũng như mưa. Con Chút và thằng chồng Mỹ cũng hay về nhà. Mỗi lần nó về, tụi nhỏ trong xóm chạy bu lại coi "Ông Mỹ". Thằng chồng con Chút đem cả gia đình con Chút đi khi miền Nam Cộng Hoà bị thất thủ.

Bà Năm cũng có 5 đứa con.Thừa, con trưởng, trung úy Địa Phương Quân, lúc chưa mất nước, đã có vợ, 2 con. Thoa, con gái kế cũng có chồng 1 con. Thừa và vợ con ở chung với ông bà Năm. Thoa ở riêng với chồng con, gần đó.Thảo, thứ ba, có bằng tú tài I, biết đánh máy. Nó xin vô Sài Gòn làm việc cho văn phòng Mỹ. Thảo ở nhà cậu Chín, em ruột bà Năm. Thằng Thiên và thằng Thông kế con Thảo, vào Sài Gòn thăm chị, vào tháng 4-75, bị kẹt trong đó không về lại Tuy Hoà được. Ba chị em được Mỹ bốc đi.

Ông Năm làm thầu khoán, gia đình cũng khá sung túc. Năm 81, sau một cơn đau tim, bất thình lình, đã bỏ vợ con ra đi vĩnh viễn vào lòng đất.

Nhà bà Năm, từ ngày ông Năm chết, cùng với một chế độ bóc lột của Cộng Sản, đồ đạc trong nhà phải bán lần, bán hồi, rồi tiếp đến phải bán căn nhà ngói để mua một căn nhà lụp xụp, che đỡ nắng mưa với con dâu và cháu nội. Thừa, sau khi đi học tập cải tạo 2 năm, về nhà đạp xích lô để sống. Vợ Thừa buôn bán đủ tất cả các thứ. Thừa, bây giờ đã có 4 con. Thoa có 3, chồng Thoa, trước trung sĩ, nay làm thợ sưả xe đạp. 12 năm sau, Thảo mới bảo lãnh được mẹ sang.

Thảo có chồng đã 8 năm nay. Dũng, kỹ sư điện tử. Dũng rất ít nói. Đi làm về, mở tủ lạnh, lấy lon bia, kéo cái ghế ra trước TV xem. Chả biết Dũng xem cái gì mà ngày nào cũng xem, cho tới khi Thảo và bà Năm dọn cơm lên bàn, kêu Dũng, Dũng mới rời ghế đến ăn. Ăn xong, Dũng lấy cây tăm, giắt ở khóe miệng, lại xem TV tiếp cho đến khi đi ngủ.

Thảo ốm hơn lúc nhỏ, da trắng xanh. Thảo cũng ít nói như chồng. Thảo làm móng tay ở tiệm, về tới nhà nâú ăn, dọn dẹp, tắm rửa cho con. Thảo bận rộn quá nên cũng ít chuyện trò với mẹ. Bà Năm thấy Thảo mệt nhọc, nên cũng ráng giúp Thảo một tay. Nhưng bà Năm làm cái gì, Thảo cũng sưả lại, làm lại. Chẳng hạn, bà đã rửa rau rồi, Thảo chê không sạch, Thảo rửa lại. Cất chén đĩa lên tủ, Thảo cũng sắp trở lại, theo ý Thảo. Tánh Thảo kỹ và cố chấp, tất cả mọi thứ phải làm theo đúng y chang như ý Thảo, Thảo mới vừa lòng. Bà Năm buồn bực, thấy mình thừa thãi, vô tích sự.

Thảo có 2 đứa con trai. Thằng lớn tên Johnathan, 7 tuổi, thằng này giống ba, mặt mày khôi ngô, tuấn tú, 2 hàng lông mày rậm trên cặp mắt sáng quắc. Thằng em Roger, 4 tuổi, giống mẹ như hệt, da trắng, mũi cao. Hai đứa không nói được một tiếng Việt nào. Dũng và Thảo nói tiếng Mỹ với tụi nó. Lần đầu tiên thấy bà Năm từ phi cơ xuống, thằng Johnathan và thằng Roger nhìn thấy bà Năm : áo dài màu huyết dụ, quần trắng, khăn trùm đầu, như nhìn một người từ hành tinh xa lạ nào xuống.

Bà Năm thấy Dũng đẩy vai của 2 đứa nhỏ lại trước mặt bà, 2 cái đầu hơi rụt lại vì tự nó không muốn tiến lên. Thảo phải lên tiếng trước: "Chào bà ngoại đi". Mặc dù trước đó, Thảo đã cố gắng dạy tụi nó học "tuồng" nhiều lần rồi. Thằng Roger rụt rè nói: "Hi", thằng Johnathan lí nhí: "Chao". Thảo cầm lắy tay mẹ rưng rưng: "Má, má đi đường có mệt không?" Thảo quay lại Dũng: "Đây là anh Dũng, chồng con. Anh, xách hết những thứ này cho má" Dũng cúi đầu "Chào má, má khỏe không?". Thiện và Thông chạy lại ôm bà Năm cùng thốt: "Má". Bà Năm đã khóc mùi mẫn khi thấy các con. Thảo không thay đổi mấy. Thiện để ria mép nên khác hẳn. Còn Thông, thằng con út của bà cao quá, bà không ngờ nó cao như vậy. Thông cao hơn Thiện cả nửa cái đầu. Bà sụt sùi, ôm lấy 2 đứa con trai, bà tính kéo vạt áo dài lau nước mắt, Thảo vội vàng lôi trong bóp ra mấy tờ giấy lau mũi, đưa cho mỗi người một tờ. Thảo cũng giữ một tờ, đưa lên chậm nước mắt. Hai đứa nhỏ nhìn mọi người lom lom.

Thông và Thiện ở riêng, cũng gần đó. Thiện có việc làm cũng khá. Thông vừa đi học, vừa đi làm, cũng mới vừa học xong năm chót.
Trước khi bà Năm qua, khoảng 2 giờ, Thảo phải lái xe đến trường mâũ giáo đón thằng Roger, rồi đem nó đi babysit gần nhà. Thằng Johnathan có xe buýt đưa và rước, thả tận nhà, lúc 4 giờ. Từ khi có bà Năm, Thảo đi đón con rồi để nó ở nhà với bà ngoại. Lúc đầu thằng Roger không chịu, khóc dữ, Thảo phải mua đồ chơi ,kẹo bánh, dụ nó, nó mới chiụ. Thảo đi làm đến 5 giờ mới về. Dũng về 5 giờ rưỡi.

Thằng Johnathan đi học về, thấy bà ngọai nói: "Hi", rồi quăng cái xách xuống đất, mở tủ lạnh, lấy sưã uống một ly đầy và mở TV coi, hoặc chơi game với cái TV nhỏ trong phòng của nó.
Thằng Roger có vẻ ngoan và hiền lành hơn thằng Johnathan. Nhiều lần bà ngoắc nó lại gần, nhưng kiểu ngoắc của bà giống như vẫy: "hi" hoặc "bye" của Mỹ, nên nó chỉ đứng nhìn bà và đưa tay lên vẫy lại. Năm khi mười họa, nó đem lại khoe với bà một món đồ chơi, nó trầm trồ bằng tiếng Mỹ. Bà hỏi: "Đồ chơi mới của cháu đó hả, đẹp ghê, má mới mua cho cháu phải không?". Chẳng biết nó có hiểu bà nói gì không, nó gật đầu. Nhìn đôi mắt long lanh của nó dưới rèm mi cong dài như mắt của Thảo, bà Năm thấy lòng dâng lên một tình thương dào dạt. Bà Năm ẵm thằng Roger lên ngồi trên đùi bà, rồi không dằn được, bà cúi xuống hôn một cái thật dài trên má nó. Thằng Roger nhìn bà một cách ngạc nhiên, đưa tay rờ má, rồi tụt xuống khỏi đùi bà, đi tìm thằng Johnathan, đang ngồi chơi TV game trong phòng, Roger chỉ vào má, chỗ bà Năm mới hôn: "She smelled me, she smelled me". Thấy anh nó không chú ý, nó đập vai thằng Johnathan: "Why did she smell me?" Thằng Johnathan nhún vai: "I don’t know. She’s weird!". Bà Năm đi theo thằng Roger, thấy nó quẹt tay vào má và nghe nó trầm trồ với thằng anh, bà biết nó không thích bà hôn nó, nhưng bà không hiểu nó nói gì. Bà rất buồn. Sau này bà đã hiểu, bà hôn nó không đúng cách. Hôn kiểu người Mỹ là hôn bằng môi, đánh "chút" một cái thật kêu, chứ không phải hôn bằng mũi, hít dài một cái như là ngửi. Bà thấy hôn kiểu Mỹ thật không "đã" tí nào, nó lạt lẽo làm sao đó. Bà Năm nhớ đến đám cháu nội, cháu ngoại của bà ở VN mà đứt ruột. Đứa nào, dù đã lớn, cũng dành để được bà ôm hôn. Mấy đứa cháu nội cũng như cháu ngoại khôn trước tuổi, nghỉ học sớm, phụ giúp cha mẹ. Đưá nào cũng hiếu thảo và ngoan ngoãn. Thảo cũng có gởi tiền về giúp gia đình anh, chị nhưng cũng chỉ giới hạn thôi vì sợ Dũng. Dũng cũng có tới 9 đứa em. Dũng đang dành dụm tiền để bảo lãnh đám em qua. Thành ra, bà Năm đâu có dư giả gì. Bà nhớ đến mấy đứa cháu quá, nên hồi mới qua, phần thì thương nhớ con, cháu, phần thì tủi thân cô đơn, không thích hợp với đời sống ở Mỹ này, bà đòi về VN lại. Thảo giận bà mấy ngày, không thèm ăn cơm, bà mới không dám nhắc lại ý định đó nữa, mặc dầu ý tưởng trở về vẫn đôi lúc thôi thúc trong đầu bà không nguôi. Ngày bà chuẩn bị lên máy bay, con Phương, con út của Thoa mếu máo, ôm bà ngoại: "Ngoại đi mạnh giỏi nghe ngoại", mấy đứa cháu nội và 2 đứa cháu ngoại lớn hơn, lăng xăng vừa khóc vừa sắp vào rương, giỏ của bà những đồ cần thiết. Thừa yên lặng hút thuốc, thứ thuốc lá nội hoá rẻ tiền, chỉ có khói, không có mùi, ngậm ngùi. Thoa, đôi mắt đỏ hoe. Dâu, rể bà cũng nghẹn ngào. Bà Năm ôm tất cả mấy đứa cháu vào lòng, như cố đem theo tất cả những khuôn mặt thân yêu vào ký ức, trên bước đường lưu lạc, xa quê hương. Bà sụt sịt: "Qua đó bà sẽ cố gắng nói với cô Thảo, dì Thảo ráng bảo lãnh ba má và các cháu qua với bà".

Từ đó tới nay, số tiền hàng tháng Thảo, Thiên và Thông tặng bà ăn quà vặt, bà không dám xài một dồng nào cả, bà dành dụm gởi về. Bà cũng đâu có cần hàng quà gì. Đồ ăn đầy tủ lạnh, nào trái cây, cam, nho, táo, kẹo bánh đầy bếp mà bà đâu thấy thèm ăn gì đâu. Cam, táo ở đây sao mùi vị lạt nhách. Chuối cũng vậy, to tê như người Mỹ mà ăn vào không có hương vị đậm đà như trái chuối ở bên nhà. Ngay rau trái cũng vậy, cây nào lá nấy to và xanh thật mát mắt, nhưng sao nấu lên cũng không một tí gì giống rau trái ngon ngọt của quê hương. Thỉnh thoảng bà chỉ nhớ trầu, nhưng sợ Thảo la nên không dám mua. Nghĩ đến miếng trầu bà Năm lại nhớ đến bà Liêm.

Ngày đầu tiên bà Liêm đến chơi, thấy bà Liêm mặc một cái váy đầm hoa hoè, hoa sói, áo sơ mi hở nách, giơ một khúc tay đầy mỡ, bà Liêm mập gấp đôi hồi trước, tóc bà Liêm cắt cao đưa ra hai lỗ tai, có đôi bông thật to nhấp nhánh xanh đỏ. Bà Năm há hốc cái miệng thiếu điều quên cả tên bà Liêm. Trong khi bà đứng dụi mắt, bà Liêm đưa 2 cánh tay ra ôm bà Năm cứ như là đầm: "Chị Năm, chị mạnh giỏi không. Gớm, mới có mười mấy năm mà sao coi chị tiều tụy quá vậy, tội nghiệp chưa!" Bà Năm chớp chớp đôi mắt rụt rè: "Chị Liêm đó hả, chị trẻ và đẹp ra, nếu con Thảo không nói trước, bữa nay có chị tới chơi, thì tôi không nhìn ra chị đâu". Rồi bà Năm len lén nhìn bộ quần áo của bà Liêm, cái nhìn của bà đi thấp hơn một chút nữa, đến đôi giày đen gót cao, ló ra sau mép váy. Bà Năm lúng túng mời bà Liêm ngồi. Bà Liêm vẫn liếng thoắng: "Cô Thảo với cậu Dũng chưa về hả. Còn thằng Johnathan và thằng Roger đâu ?". "Tụi nó sắp về rồi, con Thảo nói, chiều nay nó ghé chợ. Hai đứa nhỏ đang chơi trong phòng. Chị uống nước nghe". Bà Liêm xua tay: "Thôi, thôi khỏi, đâu phải khách khứa gì, khi nào khát, tôi đi lấy.Chị ngồi xuống đây nói chuyện với tui đi". Bà Liêm nhìn vào đôi mắt thâm quầng của bà Năm hỏi: "Thay đổi giờ giấc, chắc chị mệt lắm phải không, ban đêm có ngủ được không?" Bà Năm lại dụi mắt: "Chưa quen chị à, mới có mấy ngày thôi mà, tôi lại bị bệnh mất ngủ đã lâu".

Bà Liêm vén cái váy đầm cao hơn để vắt tréo cái chân, đưa người ra sau ghế nói: "Ai cũng vâỵ hết, hồi tui mới qua cũng vậy, ban ngày tui ngủ, ban đêm tui thức trắng. Con Linh Đa, con Chút đó, qua đây đứa nào cũng đổi tên Mỹ hết trơn, nó không cho tui ngủ ban ngày, nó điện thoại về liền liền, nó nói má phải tập thức ban ngày, thì ban đêm mới ngủ được, con cũng phải tập rồi được thấy không. Tui gật gà, gật gù cả ngày không dám ngủ. Riết rồi tui tập được. Chị ráng nhịn ngủ ban ngày như tui vậy rồi quen hà".

Thấy bà Năm cứ nhìn cái váy mình mặc hoài, bà Liêm bỏ chân xuống cười xoà ra vẻ tự nhiên: "Cũng như ba cái đồ tui đang bận đây, con Linh Đa sắm cho đó. Nó không cho tui bận mấy cái đồ đen lâu rồi. Nó cũng không cho tui bận mấy cái bộ đồ xoa nữa. Lúc đầu, tui tiếc muốn chết. Chị Năm cũng biết, mình đi đặt thêu mấy bộ đồ xoa ở VN đâu có rẻ. Còn mấy cái quần sa tanh đen thượng hạng nữa chớ. Nó nói dầu không đi đâu cũng phải bận đồ cho đàng hoàng. Hồi tụi tui mới theo tụi nó qua đây, thằng Tom My, chồng nó thấy mấy mẹ con tui bận 3 bộ đồ xoa, nó kêu con Linh Đa nói: "Đừng để cho má với mấy đứa em mầy bận mấy bộ đồ đó nữa, tao không dám nhìn, đồ đó để bận ban đêm, trong phòng ngủ", vậy là sau đó con Linh Đa gom hết mấy bộ đồ của mẹ con tui lại đem lau nhà. Tui tiếc muốn đứt ruột. Rồi nó đem về toàn là đồ đầm, đồ tây. Lúc đầu, tui đâu có chịu bận, tui nói đồ đầm là tao lạnh cẳng lắm. Nó nói lạnh cẳng thì mang dớ vô. Tôi cũng không chịu bận, con Linh Đa làm trận, làm thượng mấy lần tui mới bận đó chớ".

Bà Liêm lại đưa tay vuốt vào cái đầu tóc ngắn: "Còn cái đầu thì tụi nó dụ tui cũng "trần ai cuốc chỉa" tui mới chịu cắt đó chị. Vậy chớ mà cũng tiện". Bà Năm chăm chú nghe bà Liêm nói cứ như nghe kể chuyện tiểu thuyết. Sau khi giải thích dông dài về cách ăn bận cùng tóc tai xong, giờ bà Liêm mới hỏi: "Còn anh Năm, nghe nói anh bị đau tim, chết phải không chị Năm?". Nghe nhắc tới chồng, mắt bà Năm rớm lệ". Phải, buổi tối ổng còn nhắc tới con Thảo, thằng Thiện, thằng Thông, vậy mà sáng hôm sau , khi tôi đánh thức ổng giậy, thì ổng đã "đi" lúc nào không hay". Bà Liêm cũng ngậm ngùi: "Tội nghiệp anh Năm. Ảnh hiền lành thật thà thì thôi. Hồi đó, lúc ông Liêm tui chết đi mà không có anh chị thì không biết mẹ con tui còn khổ đến dường nào. Cái gì anh chị cũng lo dùm hết."

Nhắc tới thời vàng son cũ, bà Năm thấy nghẹn ở cổ. "Còn căn nhà của chị ra sao? Chắc tụi ăn cướp đâu có để yên cho cậu Thừa phải không?". "Sau khi "giải phóng" vô, mẹ con tui bán lần, bán hồi đồ đạc trong nhà rồi tới phiên cái nhà cũng bán luôn. Mẹ con bà cháu tui mua một cái nhà nhỏ xíu ở gần chợ để ở. Tiếc cái nhà muốn chết, mà không có cách gì để giữ lại được".

Bà Năm vẫn nhớ như in cảm giác của bà khi rời căn nhà yêu dấu, mà ông và bà đã tạo nên bằng chính mồ hôi, nước mắt của mình. Bà nhớ từng viên gạch trong nhà, từng gốc cây sau vườn. Bà nhớ cây ngọc lan um tùm, xanh như ngọc ở cuối vườn, với những nụ hoa trắng nõn nà, hương thơm ngọt ngào như có thể nếm được bằng miệng của những tối êm đềm, cùng chồng con ngồi ngắm trăng treo trên đầu lơ lửng.

Tiếng bà Liêm đưa bà Năm trở về thực tại: "Chớ cô Thảo, cậu Thiên với cậu Thông không gởi tiền về cho chị sao ?". "Có chớ, mà đâu có đủ thiếu gì. Vợ chồng thằng Thừa có 4 đứa con, đạp xích lô, sau khi đi học cải tạo 2 năm. Vợ chồng con Thoa có 3 đứa con. Tui có đồng nào, bù đắp cho tụi nó đồng nấy. Con Thảo và chồng nó cũng phải lo bên gia đình thằng Dũng nữa chớ". "Vậy sao cô Thảo không bảo trợ cho cậu Thừa và cô Thoa qua ?". "Nó nói thủng thẳng đã, tại vợ con thằng Thừa đùm đề, thằng Thừa đi cải tạo chỉ có 2 năm, không đủ tiêu chuẩn để cứu xét liền, mà chạy chọt cho cả gia đình thì nặng tiền quá, còn gia đình con Thoa, 5 người nữa. Nhưng dầu sao thì tụi nó cũng đang lo".
Bà Năm lãng qua chuyện khác: "Còn chị với mấy nhỏ ra sao, làm ăn gì khá không?". Bà Liêm sưả lại bộ ngồi: "Ui da, có gì đâu mà khá chị. Con Linh Đa nó đã ly dị với thằng chồng Mỹ, giờ nó đang cặp với một thằng Việt Nam, vợ con còn kẹt ở bển. Tui biểu nó coi chừng vợ người ta qua cạo cái đầu, mà nó hổng nghe, nó có 2 đứa con với thằng chồng trước. Nó ở cách đây cũng xa, nghe chị qua, nó nói bữa nào nó ghé thăm đó. Còn con Lý Lỳ, thằng Tố Nì ở tuốt bên Cali, thằng Mái Cồ, học mới ra trường, đậu kỹ sư."

Bà Năm không biết đứa nào là "Lý Lỳ", đứa nào là "Mái cồ"... nhưng không tiện hỏi nên chỉ lắng nghe, thấy thiếu một đứa nên hỏi: "Sao có 4 thôi, chị có 5 đứa lận mà ?". Bà Liêm thở dài: "Còn thằng Lú Ỳ, thằng con trưởng tui đi bán hàng cho tiệm xăng Mỹ, bị Mỹ Đen bắn chết hồi 3 năm trước". Bà Năm hết hồn: "Bị Mỹ Đen bắn hả, có bắt được ai bắn không?". Bà Liêm lắc đầu: "Không, ở đây VN đi bán xăng, bán hàng hoá ở mấy cái tiệm nhỏ hay bị Mỹ Đen giết lắm, mà không tìm ra được người giết". "Tội nghiệp chưa!".
Bà Liêm nhìn quanh, như trực nhớ ra điều gì: "Uả, thằng Johnathan với thằng Roger đâu rồi, sao tụi nó im khe vậy cà ?"
Bà Năm có vẻ buồn bã: "Tuị nó chơi trong phòng, tụi nó không nghe được tiếng Việt, tui không nghe nói được tiếng Mỹ, thành ra có miệng như câm, có tai như điếc." "Nghe riết rồi quen, nói riết rồi được à chị Năm à. Chị coi tui cũng phải nói tiếng Mỹ với 2 đứa con, con Linh Đa, bằng đầu khó quá, tui nói gì tụi nó đâu có hiểu, bây giờ thì khá lắm rồi".
Không biết bà Liêm nói "khá" là bà nói tiếng Mỹ nay đã khá, hay mấy đứa nhỏ nghe bà đã khá hơn? Bà Năm không tin tưởng lời bà Liêm mấy. Dầu sao, bà Liêm cũng đã qua được mười mấy năm, còn bà mới qua, tuổi lại gần 60, làm sao học tiếng Mỹ được nữa. Bà nói như mếu: "Tui nhớ mấy đứa cháu nội, ngoại ở VN quá, biết ở đây buồn vầy, tui đâu có qua".

Bà Liêm cầm tay bà Năm: "Ý, chị đừng nói vậy, cô Thảo nghe sẽ buồn, cổ cũng lo cho chị lắm mới đem chị qua được đây đó, vài bữa là chị quen ở đây liền. Bên đó cực chết mà chị nói".
Bà Năm chậm nước mắt: "Cực về thể xác thật đó, nhưng có tình người chị Liêm à, mấy đứa cháu bên đó, tụi nó ngoan lắm, nó thương tui lắm. Còn thằng Thừa và con Thoa, tụi nó dầu cực khổ cũng có hiếu vô cùng."
"Thì cô Thảo với cậu Dũng cũng thương chị vậy. Chắc cổ với cẩu bận quá, đi làm tối ngày. Còn cậu Thiện với cậu Thông cũng vậy. Làm bên này cũng cực lắm chị Năm à. Chị ở lâu chị cũng thấy, ai đi làm đều không có thì giờ. Còn mấy đứa nhỏ, chị hủ hỉ với nó riết rồi nó sẽ quen chị, chừng đó tụi nó cũng sẽ thương chị mà, đâu có ai ở gần tụi nó đâu, thủng thẳng rồi mọi chuyện sẽ êm đẹp hết".
.......
Mãi ngồi nghĩ ngợi, nghe tiếng mở cưả, bà Năm vội vã dẹp mấy cái quần áo lại. Thảo đã về. Johnathan và Roger nghe tiếng mẹ về, chạy xô ra cửa trầm trồ đủ thứ. Thảo xoa đầu Johnathan và ẳm thằng Roger hỏi:
- Where is grandma ? Johnathan hớt:
- She’s in her room. I think she ’s been crying. Thảo vội đặt Roger xuống: "Why ?" Johnathan nhún vai : "I don’t know, but I think she crys very often". Thảo đi vào phòng hỏi:
- Má làm gì vậy ? Bà Năm vừa nhét xong cái áo cuối cùng vào rương:
- Má đâu có làm gì đâu, trời bắt đầu hơi lành lạnh, má tìm cái khăn trùm đâù.
Thảo ngồi xuống cạnh bà Năm:
- Con mới mua cái khăn bằng len tuần trước cho má đâu ?
- A, thì ở đó.Má thấy nó mới quá nên không dám dùng, uổng quá.
Thảo chau mày:
- Mua thì phải dùng nó mới cũ, không dùng thì làm sao thành cũ được. Chiều nay thằng Thiện với thằng Thông qua, tụi con dẫn má đi ăn cơm.
- Thôi con à, đồ ăn hôm qua còn, đi ăn tiệm chi cho tốn, để tiền dư gởi về VN cho anh, chị con. Thảo cố lấy giọng ôn tồn:
- Má à, anh chị con là một chuyện, ăn uống bên này là một chuyện khác. Má đã qua đây thì cũng an hưởng một chút, con đưa má tiền xài, má không dám xài một đồng nào hết, cứ dồn dồn rồi nhờ người gởi về VN. Con cũng có gởi cho anh Thừa và chị Thoa chớ không sao ?
- Má biết con cũng lo cho anh, chị con bên đó, nhưng tụi nó bên đó cực lắm.Các cháu con ăn mặc rách rưới, má không muốn phung phí bên naỳ, để dành gởi cho tụi nó thêm. Thảo bực dọc đứng lên:
- Con cãi lẫy với má hoài, con mệt quá. Tiền gởi về bao nhiêu cho đủ, bên này con làm cũng cực khổ vậy. Bộ má thấy con sướng lắm sao ? Bà Năm vội nói:
- Má không có ý đó, chỉ vì má nhớ anh, chị con với mấy đứa cháu má nói vậy thôi. Bà đứng lên nói: "Được rồi, để má đi thay đồ".
Thảo nhìn mẹ từ đầu đến chân rồi nói: "Con mua cho má quần đủ màu mà má không bận, cứ bận cái quần tây đen này hoài ?". Bà Năm sợ Thảo bắt đi thay quần khác nên nói:
- Bữa khác má bận quần màu, mấy cái kia má sắp đi giặt. Thảo chép miệng:
- Má không thấy thím Liêm sao, thím gần bằng tuổi má, mà thím trẻ trung hết sức. Thím bận áo đầm, quần tây đủ kiểu. Thím đâu có than phiền.

Bà Năm cũng ao ước bà được vô tư sống như bà Liêm vậy. "Ăn theo thuở, ở theo thì", bà ráng cố gắng làm theo lời bà Liêm khuyên.

Thấm thoát vậy mà bà Năm ở đây được 3 năm. Bà Năm đã quen dần với cách sống máy móc của Mỹ. Bà vẫn chưa dám mặc đầm nhưng bà đã quen với mấy cái quần đủ màu xanh, đỏ, may giống như quần tây, nhưng lưng thì bằng dây thun nên cũng không khó chịu lắm. Bà năn nỉ với Thảo mãi, nên Thảo mới không bắt bà cắt tóc ngắn như bà Liêm.

Thật ra bà Liêm là một người rất tốt, biết ân biết nghĩa. Bà chạy qua, chạy lại với bà Năm khi rảnh rỗi, mặc dù thời giờ rảnh rỗi của bà cũng ít. Bà Liêm lãnh đồ về nhà may, bà may cũng khá lắm. Lúc mới qua, bà may nhiều lắm, giờ tuổi cũng đã lớn, nên bà may ít đi. Bà Năm cũng xin Thảo mua trả góp cho bà một cái bàn máy may và một cái maý vắt sổ. Bà vừa trông cháu, vừa kiếm thêm được chút ít tiền để xài riêng. Mà bà có xài gì đâu, sau khi trừ số tiền trả góp hàng tháng xong, bà mua đồ chơi cho Johnathan và Roger, còn bao nhiêu bà gởi về VN cho con cháu.

Đôi lúc bà Năm thầm cảm ơn Trời Phật đã cho bà gặp lại được bà bạn cũ của bà là bà Liêm. Hồi xưa, bà giúp đỡ bà Liêm về thể chất, bây giờ, sau cuộc đổi đời, ai có ngờ đâu, bà Liêm có dịp để giúp đỡ lại bà, không phải bà Liêm trả ơn lại cũng bằng thể chất mà trả một thứ rất hiếm hoi ở cái xứ rất ít tình nghĩa này, tinh thần. Mỗi lần, bà Năm cảm thấy chán nản, bà Liêm tìm cách nói chuyện để bà Năm khuây khỏa. Mặc dù nhà bà Liêm cách xa cả nửa tiếng lái xe, lúc nào bà Năm có chuyện cần là bà Liêm không nề hà, bỏ dở quần áo đang may để xuống giúp bà Năm. Bà Liêm bày bà Năm cách nào ráp áo quần lại cho lẹ, vắt sổ kiểu nào cho nhanh, khi bà Năm đã may khá vững vàng, bà cho bà Năm mượn mấy bộ phim Tàu, phim VN để vừa may, vừa coi cho đỡ buồn. Bà Liêm cũng dạy cho bà Năm mấy câu thông thường để mỗi khi, lỡ gặp Mỹ hàng xóm hỏi thì trả lời.

Thảo Thiên, Thông tuy không phải là không thương mẹ, nhưng phần vì bận việc, phần vì 2 cuộc sống đã lâu năm xa cách, nên chúng không biết giúp những điều cần thiết cho đời sống của bà.

Thằng Johnathan và thằng Roger cũng thân thiện với bà hơn. Thật đúng như lời bà Liêm nói, con nít rất nhạy cảm, tụi nó thấy bà thương chúng nó, nên cũng thương lại bà, mặc dù có hàng rào ngôn ngữ ngăn cản chút ít. Bà không nói nhiều được thì bà ra dấu bằng tay. Bà cũng dạy chúng nó vài chữ, và câu tiếng Việt. Bà thương qua đỗi khi thằng Roger nói: "Bà ngoại, I want to drink sưã", hay "I have new đồ chơi", hoặc thằng Johnathan nói: "Bà ngoại, Roger is very hư, he wants all my đồ chơi". Bà thích nhất và cũng hiểu nhất là khi chúng nói: "Bà ngoại, I love you".

Tất cả đều nhờ công của bà Liêm. Nếu không có người bạn già vô tư, vui tính này thì bà Năm đã bỏ cuộc từ lâu. Dũng cũng có vẻ cởi mở với bà Năm hơn xưa. Tính Dũng chỉ ít nói chứ không phải khắt khe như bà tưởng lúc đầu.

Chiều nay, vừa may xong đống đồ 100 cái, bà Năm vui mừng khi nghĩ đến cái check sắp lãnh, bà sẽ lãnh được khoảng gần 300 đồng, bà tính biểu thằng Thiện chở bà đi chợ, mua thêm trái cây trên bàn thờ, đi đến tiệm đồ chơi, mua cho thằng Johnathan và Roger vài món mà tụi nó thích. Còn lại bao nhiêu, bà sẽ cùng bà Liêm đi ra tiệm VN gởi tiền về cho con cháu.

Cơm nước xong, cả nhà đang ngồi xem TV, bà Năm đã mặc áo quần sẵn sàng chờ Thiện lại chở đồ đi giao cho ông Đại Hàn, chủ tiệm may, thì chuông điện thoại reo. Thảo đứng lên cầm ống nghe. Cả nhà lắng nghe khi giọng Thảo hốt hoảng:
- Hả?chết hồi nào ? Mới đây hả? Đang ở trong nhà thương hả? nhà thương nào? OK. tới liền. Dũng hỏi: "Gì vậy em, ai chết?" Thảo thẩn thờ:
- Thím Liêm. Thím đang may đồ, bị heart attack. May lúc đó có Linda tới chơi, nó kêu xe chở thím vào nhà thương tức thì, nhưng cứu không được. Thím chết rồi Bà Năm giơ tay ôm ngực. Trời ơi, bà Liêm chết rồi, người bạn tri kỷ độc nhất của bà ở xứ Mỹ này chết rồi! Không thể như thế được! Có thể người ta lầm, bà Liêm còn mạnh khoẻ lắm, bà lại có nhiều nghị lực nữa, làm sao chết được! Bà nghe thấy lỗ tai mình lùng bùng, mặt bà trắng nhợt. Thằng Johnathan đập đập vào tay bà:
- Are you OK grandma, you OK? What’s happening? Thảo vội ôm lấy con:
- Grandma Liêm died because of heart attack
- What? Grandma Liem died? Oh my gosh? grandma’s best friend died! Roger cũng chạy lại ôm lấy bà Năm. Bàn tay nhỏ của nó chậm nước mắt cho bà:
- Don’t cry grandma, don’t cry bà ngoại. I love you.
Thiện vừa tới nơi nghe tin, nó hối bà Năm và Thoa lên xe để chạy tới nhà thương. Bà Năm ngồi trên xe mà như xác chết không hồn. Bà Liêm đã chết rồi. Còn bà thì nợ trần ai này biết bao giờ mới dứt?! Nghĩ đến lúc bỏ nắm xương tàn ở xứ lạ quê người, bà Năm nấc lên. Bà khóc cho người bạn tri kỷ của bà, mà bà cũng khóc cho thân phận của bà nữa Thảo ngồi xích lại gần mẹ. Lần đầu tiên sau 3 năm, Thảo mới ôm mẹ vào lòng một cách âu yếm, dịu dàng, như muốn chia sẻ với mẹ sự mất mát lớn lao của bà. Cái mất mát này đâu có kém gì cái mất mát khi ông Năm bỏ bà ra đi mười mấy năm về trước! Hai bàn tay Thảo đập đập sau lưng mẹ như vỗ về một đứa trẻ.
Vỗ về một niềm đau.

Các tác phẩm khác của Thu Nga

Thay Hồn Đổi Xác

Ma Lai

Gió Đưa Cây Cải