NHỮNG MẢNH ĐỜI
Tác giả: Thụy Khanh
Vừa đọc đến dòng chữ cuối cùng của quyển tiểu thuyết “Những Cánh Hoa Lạc Loài”, chừng như không thể nào chịu đựng được nữa, mình đã ôm mặt khóc nức nở, thương cho số phận con người đã bị định mệnh trớ trêu đưa đẩy vào những cảnh bi ai, sầu khổ.
Dẫu biết rằng đây có thể chỉ là những nhân vật do trái tim đầy cảm xúc của nữ văn sĩ Danielle Steel danh tiếng lẫy lừng kết tạo nên thôi nhưng sao mình vẫn không thể nào ngăn được cơn xúc động nghẹn ngào trước nỗi thống khổ, chia lìa mà ba cánh hoa ấy đã phải cam tâm gánh chịu.
Đó là một chuyện tình thơ mộng giữa Sam, một người chiến binh Mỹ và Solange, một cô gái tóc đỏ người Pháp. Họ gặp nhau tại Paris vào những ngày cuối cùng quân đội đồng minh đã tận lực chiến đấu để giải phóng Paris thoát khỏi bàn tay sắt thép của Đức Quốc xã.
Sau cuộc chiến, đôi trai gái vui mừng vô kể khi được cùng nhau sum họp để rồi hân hoan tổ chức lễ cưới trên đất Mỹ. Với tấm lòng hết dạ yêu thương chồng, Solange tận lực nâng đỡ tinh thần Sam, giúp anh từ một người bồi bàn tầm thường trở thành một ngôi sao kịch trường sáng chói, tên tuổi vang dội trong giới hâm mộ nghệ thuật. Và chính bước đường vinh quang đó đã làm tan nát tổ ấm gia đình ông. Trong khi ông lo ăn chơi trác táng bên những diễn viên kiều diễm dưới ánh đèn màu của sân khấu thì Solange phải chịu cảnh vò võ, đơn độc trong căn nhà rộng lớn, làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ. Quanh đi quẩn lại chỉ có Arthur (người bạn thân thiết nhất đã cùng chung vai sát cánh với Sam trên hầu hết các mặt trận mà hai người đã tham gia) là người độc nhất để cô thố lộ bao nỗi niềm tâm sự.
Cho đến đêm hôm đó, khi hai vợ chồng to tiếng cãi vã nhau. Vì không thể dằn nổi cơn uất ức trào dâng, Solange đã kể lể thật nhiều…thật nhiều trong tiếng khóc tức tửi, nghẹn ngào. Dường như Solange đã thốt lên lời chi làm Sam đau đớn lắm, đau đớn đến nỗi khiến ông mất hết lý trí suy xét của con người. Và trong lúc hơi men còn nồng nặc, ông xiết chặt cổ vợ cho đến khi cô tắt thở để rồi sau khi bị chính thức kết án, ông đã tự kết liễu đời mình trong mối ân hận tột cùng!
Thảm kịch chưa dừng lại ở đó. Ba đứa bé bị chia lìa mỗi đứa đi mỗi ngả vì vợ của Arthur nhất định không nhận nuôi nấng chúng. Hai đứa nhỏ hơn được hai gia đình khá giã nhận làm con nuôi, trong khi cô bé lớn Hilary mới 9 tuổi đầu mà phải chịu bao cảnh đắng cay : nghèo khổ, bị hành hạ, bị đánh đập và luôn cả bị hãm hiếp.
Nhắc đến hoàn cảnh của Hilary, nước mắt của mình lại trào tuôn! Kỳ lạ thật, đó chỉ là chuyện trong sách thôi mà, cớ sao mình lại để tâm suy nghĩ nhiều đến thế? Tuy nhiên, chuyện trong sách, chuyện ngoài đời, chuyện Âu Tây, chuyện Á Đông, tất cả cũng chỉ phản ảnh thân phận của một kiếp người. Nếu bình tâm suy nghĩ lại, chúng ta thấy rải rác đâu đây những mảnh đời tương tự như vậy. Biết đâu còn những cảnh tình cùng khổ hơn đã và đang xảy ra trên mặt đất này nhưng chỉ vì những người trong cuộc ấy chưa có cơ hội để giải bày hoặc ngại ngùng không muốn trang trải nỗi niềm của mình trên trang giấy đó thôi.
Trở lại quyển tiểu thuyết…
Thời gian 30 năm sau, với sự thiết tha mong muốn của lão già Arthur, ba chị em khốn khổ ấy đã được đoàn tụ trong niềm vui khôn tả! Đến lúc ấy, với sự giận dữ tột cùng, Hilary mới chịu hé môi tiết lộ sự thật đã được cô chôn sâu dưới tận đáy lòng suốt 30 năm dài dằng dặc : Megan, cô em gái út của Hilary chính là con ruột của Arthur và mẹ cô! Mọi người sửng sốt, riêng Megan buột miệng than rằng :
- Phải chi đừng có em ra đời vào lúc ấy thì thảm kịch kia đã không hề xảy ra!”
Thế nhưng, hãy thử nghĩ xem : nếu cô không ra đời vào lúc đó thì rồi cũng sẽ được sinh ra vào một thời điểm khác, trừ phi mẹ cô và bác Arthur biết kịp thời dừng lại cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm của họ. Nhưng làm thế nào để họ có thể dừng lại kịp thời khi mà sức mạnh của tình yêu thường làm người ta trở nên mù quáng, không còn ý niệm rõ ràng về thời gian, không còn muốn nhớ tới bổn phận và trách nhiệm đối với ai nữa. Họ chỉ thích sống cho chính khát vọng đương thời của họ mà thôi.
Bỗng nhiên, mình miên man suy nghĩ : “May mắn thay, từ khi bước chân về với chồng, mình chưa hề làm điều chi lầm lỗi đến nỗi phải cảm thấy hổ thẹn với lương tâm.” Nhớ mới năm ngoái đây, có một chuyện đã xảy ra ở nơi mình làm việc. Ông chủ shop và cô bán hàng cùng trẻ tuổi từng là bạn học thuở nhỏ nhưng giờ đây mỗi người đã có mái ấm riêng. Rồi thì chẳng rõ thực hư thế nào mà lại có tiếng đồn rằng hai người có tình ý với nhau. Cô bồn chồn lo lắng, vội vã đính chính với mọi người quen biết. Mình nhìn cô cười rồi từ tốn nói :
- Em yên tâm, chị cũng là người đa cảm, chị rất hiểu em nên không phê phán em đâu cho dẫu rằng chuyện đó có là sự thật đi chăng nữa. Điều quan trọng là em cần xét đoán việc mình đang làm, thử xem nó có mang lợi ích cho ai không? Chị mong đó chỉ là một cơn gió thoảng mây bay chứ không hề là một trận bão lớn. Em nên nhớ rằng mình phải là tấm gương sáng cho ba cháu gái noi theo. Đừng để chút tình lãng mạn kia có thể đánh đổi lấy tương lai con cái nha em. Theo chị nghĩ, dư luận bên ngoài không đáng sợ bằng tự mình khinh rẻ mình đâu, em ạ!”
Mình đã nhẹ nhàng tâm tình cùng cô bạn trẻ ấy như đã từng tự nhủ với lòng mỗi khi để tâm vương vấn một ý tình. Không thể gọi đó là tình mơ mộng được nữa mà hãy xem đó một chút đồng cảm, đôi chút cảm thông, một thoáng hương thơm nhè nhẹ để giúp cho cuộc sống này trôi qua êm ái hơn, dễ dàng hơn.
Thật ra, là kẻ ngoại cuộc, không vướng vào hoàn cảnh bị chồng đan tâm ruồng bỏ, mình đâu thể nào lên tiếng phê phán hành động của Solange. Chỉ tiếc một điều là vì muốn công khai trả thù sự phản bội của chồng nên cô đã thiếu sáng suốt khi lớn tiếng bộc bạch sự thật kinh khủng ấy trong lúc ông đang bị thần ma men ngự trị. Giá mà…cô cố đợi đến lúc thích hợp để trình bày sự việc một cách hòa hoãn hơn, có tình có lý hơn. Hay cô cứ ngậm câm đi, đừng kể lể chi cả để sau đó tìm cách chia tay thì đâu đến nỗi cô bị bức tử một cách tức tưởi như vậy. (Chà, nếu thế này thì chắc bà Danielle Steel đành gát bút từ đời nào rồi vì còn gì đâu nữa để mà viết đây?)
Nhưng nếu chúng ta thử kiểm nghiệm với đời sống thực tế hàng ngày thì những tình tiết, những nhân vật trong cuốn tiểu thuyết đâu phải hoàn toàn là hư cấu. Đã có không ít cặp vợ chồng tan rã, chia tay mỗi người một ngả chỉ vì không ai chịu nhường nhịn ai, người nào cũng cố dành phần phải về mình, bỏ mặc cho những đứa con mà ngày nào họ đã ôm ấp, nâng niu như trứng mỏng đứng ngơ ngác nhìn cái tổ ấm thân yêu của mình nay trở thành hoang lạnh vì thiếu vắng đi người cha hoặc người mẹ. Hẳn có cháu đã tự hỏi tại sao chúng bị sanh ra đời làm chi để phải hứng chịu cảnh tượng tan nát lòng này, nào chúng có gây nên tội tình gì đâu? Đứng vào hoàn cảnh các cháu tuổi còn quá non nớt, có khi nào các bậc cha mẹ ấy cảm thấy lòng bất an chăng?
Và rồi mới đây, mình lại nghe kể một chuyện khá ngộ nghĩnh. Anh chồng sắp đến tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, một hôm lẳng lặng dứt áo ra đi theo tiếng gọi của cô gái trẻ đang chờ đợi bên quê nhà, bỏ lại đàn con gồm 8 đứa, tuổi từ nhỏ dại đến độc thân. Nguyên nhân vì sao? Chỉ vì trong quyển “Nhật ký đời tôi”, cô vợ đã thật thà ghi lại rằng : “Lúc tôi và anh ấy mới lấy nhau, tôi chẳng hề yêu anh ấy. Chỉ sau thời gian chung sống, dần dần tôi mới nảy sinh tình cảm vợ chồng yêu thương.”
Điều đáng tiếc là anh chồng đã vớ được quyển nhật ký để rồi có cớ ngụy biện cho hành động cao bay xa chạy của mình bằng cách lưu lại bức tuyệt tình thư đề cập đến nỗi đau khổ khi vô tình đọc được những trang nhật ký ấy. Và lý do của sự ra đi này là tìm hạnh phúc chân thực mà lâu nay anh chưa hề được tận hưởng. Điều buồn cười hơn nữa là anh nhắn với vợ con rằng : Hãy cầu nguyện cho cuộc hành trình đi tìm hạnh phúc mới của anh!!!
Chẳng rõ anh chồng này nghĩ thế nào về ý niệm hạnh phúc nhỉ? Có lẽ, đối với anh, hạnh phúc tức là phải đuợc người bạn đời chiều chuộng, thương yêu trọn vẹn từ đầu cho đến cuối, không mảy may xao lãng? Thế đối lại, anh có thực hiện được điều đó chưa? Và làm thế nào anh có thể chắc chắn rằng cái hạnh phúc mà anh đang hăng say vươn tới kia là chân thực, không bị bao bọc bởi một lớp hào quang trông sáng chói nhưng xem chừng rất dễ tan biến? Biết đâu anh đang bị sa vào mê hồn trận đấy! Chỉ e rằng một ngày kia, khi hạnh phúc mơ hồ đó vụt vổ cánh bay xa, tấm thân phản bội của anh biết nương tựa vào đâu?
Ôi! “Hạnh phúc” là cái chi chi mà sao con người trên thế gian này cứ mãi miết đi tìm đi kiếm, đôi khi tìm kiếm gần hết cả đời mình mà chẳng thấy nó đâu. Đợi đến khi gần đất xa trời, người ta mới vở lẽ ra rằng hạnh phúc đã nằm gọn trong tay mình tự thuở nào nhưng chỉ tại mình “thích đứng núi này trông núi nọ” đó thôi!
Thụy Khanh