NỮ VĂN HÀO GEORGE SAND (1804 – 2004)
Tác giả: Tố Phương
KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY SINH NỮ VĂN HÀO GEORGE SAND (1804 – 2004)
Vị phu nhân “nổi loạn” ở Nohant
Nữ văn hào George Sand
“Con quỷ cái”, “người mộng du”, “tên thợ viết”, “con vẹt của chủ nghĩa xã hội”… đã có rất nhiều từ ngữ thô thiển, chỉ trích cay độc nhằm vào George Sand, xem bà như hiện thân của điều xấu xa, tội lỗi. Nhưng vượt lên tất cả, người đàn bà đặc biệt ấy đã dám dấn thân, dám chống lại cả một hệ thống luật pháp và định kiến xã hội để đấu tranh cho đến cuối cuộc đời mình, bằng ngòi bút và bằng cả cách sống hết sức “nổi loạn” của mình cho sự bình đẳng xã hội, cho niềm khát khao được sống, được yêu và được hạnh phúc của người phụ nữ.
Bài thuốc cho những bất công, đau khổ, những đam mê không lối thoát: quyền tự do cho phụ nữ
George Sand tên thật là Lucile-Aurore Dupin (1804 – 1876), bà xuất thân từ một gia đình trưởng giả giàu sang, con của một sĩ quan quân đội Napoléon. Năm 4 tuổi bà mồ côi cha và được bà nội nuôi nấng ở lâu đài Nohant vùng Berry, miền Trung nước Pháp. Sau đó bà được gửi vào tu viện Augustines chuyên dành cho giới quý tộc. Năm 18 tuổi (1822) bà kết hôn với nam tước Dudevant, một người đàn ông tầm thường.
Với quan niệm tình yêu là huyền bí và thần thánh, George Sand cho rằng tình yêu là tối thượng, thiêng liêng, không đo lường được. Vì thế cuộc hôn nhân không hạnh phúc đã khiến bà bị tổn thương nặng nề. Là một phụ nữ tinh tế, thông minh, George Sand không thể chấp nhận gắn bó cuộc đời với một người đàn ông quá quê mùa, tầm thường. Bà phản đối những cuộc hôn nhân sắp đặt với mục đích sử dụng phụ nữ như một cách để gia tăng tài sản chứ không hề có tình yêu. George Sand đòi quyền cho phụ nữ được ly hôn, quyền bình đẳng trong hôn nhân. Vào thời nay, chuyện một người phụ nữ khát khao kiếm tìm hạnh phúc, từ bỏ hôn nhân, một mình nuôi dạy con cái…là chuyện không lạ. Nhưng vào thời đại của George Sand thì điều đó như một “quả bom” nổ tung trong xã hội quý tộc vốn ưa màu mè, kiểu cách, sáo rỗng và xem phụ nữ như một vật trang trí.
"...không có giải pháp nào khác ngoài quyền tự do..."
Từ bỏ tước quyền, vị trí xã hội của một người quyền quý, George Sand theo người tình Jules Sandeau lên Paris, bà kiên quyết “đòi hỏi quyền được ly dị.Tôi đã thử tìm những bài thuốc cho những bất công kinh khủng, những đau khổ không nguôi, những đam mê không lối thoát nhưng tôi không thấy có giải pháp nào ngoài việc đòi quyền tự do được hủy bỏ hôn nhân và tái hôn” (Quelques citations. Célébration de L’année George Sand 2004). Những cuộc phiêu lưu tình cảm sau đó của bà với thi sĩ Musset và nhạc sĩ Chopin cũng chính là niềm khát khao được yêu thương và được hạnh phúc của bà. Niềm khao khát ấy đã được bà thổi bùng lên trong từng câu chữ, từng lời văn, từng tác phẩm của bà trong suốt cuộc đời sáng tác văn học.
Người đàn bà tạo ra những kiệt tác
Năm 1831, George Sand gặp gỡ nhà văn Jules Sandeau. Cuộc tình đầy chất thơ này đã tạo nên một nhà văn nữ xuất sắc của mọi thời đại. Jules Sandeau đã hướng dẫn bà trên con đường văn học với bút danh George Sand lấy ý từ họ của nhà văn Sandeau.
Từ đó cho đến khi qua đời (1876) với hơn 40 năm sáng tác, George Sand đã có một gia tài văn học đồ sộ. Sau một năm cộng tác với Jules Sandeau để viết chung tiểu thuyết “Hồng và Trắng” (Rose et Blanche – 1832), bà đã tự xuất bản tiểu thuyết Indiana với bút danh George Sand và ngay lập tức gây được tiếng vang trong xã hội. Cuộc đời bà bắt đầu bước sang một trang mới.
Ký hợp đồng với tạp chí Revue des Deux Mondes nổi tiếng, bà là một nhà báo lẫy lừng với văn phong mạnh mẽ, đầy cá tính. 244 đầu sách mang tên bà là cả một gia tài khổng lồ mà không phải nhà văn đương thời nào cũng có được: 90 tiểu thuyết, truyện kể, truyện ngắn, 20 vở kịch, 10 quyển sách về cuộc đời mình và hơn 20.000 thư từ… Với văn phong phong phú, dễ hiểu, hài hòa và hùng biện, những tác phẩm của George Sand luôn khiến cho người đọc cảm thấy yêu mến thiên nhiên, đồng quê qua những cuốn tiểu thuyết của bà, bởi vì bà hiểu được những điều thầm kín của thiên nhiên, cảm nhận được tâm hồn, hơi thở của thiên nhiên và hòa mình vào vạn vật. Văn hào Flaubert đã từng tuyên bố rất khâm phục tài kể chuyện của George Sand, các nhà văn như George Eliot, Dostoeivski đều nói về ảnh hưởng của bà đối với những sáng tác của họ.
Người đàn bà đi trước thời đại
Nhưng các tác phẩm của George Sand không chỉ thuần miêu tả thiên nhiên hay thuộc loại kể chuyện. Toàn bộ tác phẩm của bà đều là những tiếng nói sâu sắc thể hiện ước mơ về một xã hội công bằng, bác ái, về chủ đề giải phóng phụ nữ. Những nhân vật nữ trong tác phẩm của bà luôn là những con người đầy cá tính, cuơng trực, vượt lên nghịch cảnh để chống lại sự bất công trong xã hội. Đó là Carmen d’Ortosa, nhân vật nữ trong tiểu thuyết Malgré toul (1870) đã nói thay bà ước vọng về sự tự do: “Tôi nói cho tất cả những ai muốn nghe là tôi chẳng hề quan tâm đến hôn nhân và tôi quá yêu tự do để từ bỏ nó”, hay như nhân vật Jean de la Roche trong tác phẩm cùng tên (1860) đã tuyên bố: “Cuộc hôn nhân của chúng tôi nằm ngoài cái đạo luật không mang tính người buộc phụ nữ phải phục vụ và thờ phụng chồng, không thể thực hiện được đối với những con người có lương tri và biết suy nghĩ”. Bởi vì mục tiêu của George Sand là đấu tranh cho một xã hội mà trong đó người phụ nữ phải được học hành để có thể được độc lập, để không chỉ là một người nội trợ chỉ biết quanh quẩn chăm lo cho chồng con mà phải tham gia vào những công việc của xã hội. Chính vì thế, không chỉ sáng lập ra nhiều tờ báo như tờ La Cause du peuple, L’Éclaiteur de l’Indre, La Revue indépendante để có diễn đàn nói lên niềm mong ước, quan điểm của mình, George Sand còn tham gia rất tích cực vào các cuộc đấu tranh chính trị, cho lý tưởng cộng hòa, cho dân chủ và công bằng xã hội. Những lý thuyết về chính trị xã hội và triết lý của George Sand là xác định một sức mạnh của trào lưu tư tưởng nhân ái, tự do và xã hội chủ nghĩa, đây cũng chính là tư tưởng xuyên suốt xã hội và văn học Pháp sau năm 1830 và nhất là trong cuộc Cánh mạng Pháp 1848.
Là người đương thời với các đại thi hào như Victor Hugo, Balzac và Flaubert, nhưng cũng như trường hợp của Alexandre Dumas, thế kỷ 20 không đánh giá cao tài năng của George Sand như ở thế kỷ 19. Cho đến nay, nhiều người vẫn cho bà là nhà văn hạng hai với thứ văn quê mùa, trẻ con. Thế nhưng, chính Victor Hugo, trong một lá thư gửi cho George Sand vào ngày 19.06.1875, đã khẳng định “bà là người tạo ra những kiệt tác, bà là người đứng đầu những người đàn bà, bà có một chỗ đứng duy nhất, bà là người đàn bà thứ nhất, theo quan điểm nghệ thuật, không chỉ ở thời đại chúng ta, mà ở trong tất cả mọi thời đại”. Chính vì thế, với những nhìn nhận chính xác và công bằng về George Sand, Chính phủ Pháp đã chính thức đưa kỷ niệm 200 năm ngày sinh George Sand vào những ngày lễ lớn của quốc gia để tôn vinh người đàn bà đi trước thời đại này.