Thiếu nữ với hoa tai trân châu
Tác giả: Tracy Chevalier
Từ hoạ phẩm nổi tiếng " Thiếu nữ với hoa tai trân châu" của Johannes Vermeer (1632-1675) vẽ năm 1665, Tracy Chevalier làm sống lại xã hội Hoà Lan vào thế kỷ 17 với quyển tiểu thuyết " Girl with a pearl earring", xuất bản năm 1999 và thành bestseller của New York Times.
Với văn phong giản dị trong sáng và câu thường ngắn hoặc rất ngắn, Tracy Chevalier bày trước mắt người đọc phong cảnh Delf vào thời vàng son của hội hoạ Hoà Lan. Nơi đây Vermeer sống với vợ (Catharina) và sáu con, mẹ vợ (Maria Thins) cùng bà quản gia Tanneke và Griet, cô gái giúp việc thông minh xinh đẹp. Dần dà, với phong cách dịu dàng, nhạy cảm và năng động của mình, Griet đã được Vermeer đưa vào thế giới của ông. Mối tình tưởng tượng giữa hoạ sĩ và cô rất nhẹ nhàng lãng mạn, chỉ bằng những cái nhìn và một lần vuốt má, nhưng vì ông cô có lúc quên mình. Ông đã vẽ chân dung Griet với đôi hoa tai trân châu của vợ. Khi Catharina khám phá ra hoạ phẩm, Griet phải bỏ về sau gần hai năm làm việc, và từ đó không tin tức gì nhau dù không gian chỉ cách mấy con đường. Griet lập gia đình với Pieter, mười năm sau nghe tin hoạ sĩ mất. Cô được Catharina mời đến vì trong chúc thư hoạ sĩ muốn đôi hoa tai trân châu ấy sẽ thuộc về cô...
Cũng là tác giả của Falling Angels, Tracy Chevalier được xem là " người tạo trang sức" cho văn chương hiện đại. Tác giả đang sống tại Anh quốc với chồng và con trai.
*
C ửa phòng vẽ đóng. Trong khi tới gần, tôi bậm môi vào nhau, vuốt lại chân mày, xoa dọc hai má xuống cằm như thể vỗ trái táo xem đã chín chưa. Ngần ngại một lát trước cánh cửa gỗ nặng nề, tôi gõ nhè nhẹ. Im lặng. Tuy nhiên tôi biết ông trong đó - đang chờ.
Hôm ấy là ngày đầu năm. Ông đã quét lớp sơn nền cho chân dung tôi gần cả tháng rồi, nhưng từ lâu chẳng thêm gì nữa - không đánh dấu đo đỏ ghi vị trí hình thù sẽ vẽ, không dùng các màu sai biệt hay màu điệp lên nhau, không cả nét cần gây chú ý. Tấm bố trống màu trắng ô ố vàng. Tôi thấy nó mỗi sáng khi dọn dẹp.Tôi gõ mạnh hơn.
Khi cửa mở, ông nhíu mày, tránh mắt tôi. Bảo "Đừng gõ cửa, Griet. Cứ lặng thinh vào và đừng gây tiếng động", rồi quay lưng đi về phía giá vẽ có tấm bố trống nằm sẵn chờ màu.
Tôi khe khẽ khép cửa sau lưng, cắt đứt tiếng ồn trẻ con dưới nhà, và bước tới giữa phòng. Bây giờ, khi cuối cùng giây phút trọng đại đã đến, tôi đâm ra trầm tĩnh lạ kỳ. "Thưa ông gọi con?"
"Ừ. Tới đứng chỗ kia." Ông chỉ nơi các bà thường ngồi cho ông vẽ. Cái bàn dùng cho bức tranh ban hoà nhạc hãy còn đó, nhưng ông đã dẹp nhạc cụ. Đưa bức thư, ông bảo: "Đọc đi".
Mở tờ giấy, tôi cúi lên đó, lo lắng ông thấy rằng mình chỉ làm bộ giải mã nét chữ xa lạ.
Thực ra chỉ là tờ giấy trắng.
Tôi ngẩng lên tính nói nhưng chợt im. Với ông, tốt hơn hết thường đừng nói gì cả. Tôi lại cúi xuống bức thư.
Chìa quyển sách, ông đề nghị: "Nên cầm cái này hơn". Bìa sách bọc da đã sờn và gáy nứt nhiều chỗ. Tôi mở bừa một trang. Chẳng hiểu chữ nào.
Ông hết bảo ngồi, rồi lại đứng lên, cầm quyển sách và nhìn ông. Xong lại lấy quyển sách đi, thay bằng bình rượu nhỏ trắng nắp thiết, bảo giả vờ rót rượu. Ông bảo cứ đứng đấy nhìn ra cửa sổ. Suốt thời gian ấy trông ông bối rối loay hoay, như thể quên mất đoạn cuối câu chuyện vừa nghe ai kể.
Ông thì thầm: " Vấn đề là quần áo".
Tôi hiểu ngay. Ông bảo giả tư thế mệnh phụ trong khi tôi ăn bận cách người giúp việc. Tôi nghĩ đến chiếc áo vét vàng, với dây nịt vàng và đen, tự hỏi ông sẽ bảo mình bận gì trong hai thứ ấy. Thay vì hấp dẫn tôi, ý nghĩ này chỉ làm khó chịu. Không phải chỉ vì không thể nào dấu Catharina đã bận áo bà ta, nhưng phải làm những việc xa lạ như cầm sách, cầm thư hay rót rượu cho mình.. khiến tôi bối rối. Dầu rất ham muốn được cảm nhận lông mũ mềm mại bao quanh cổ, đó không phải cách tôi ăn bận thường ngày.
Cuối cùng tôi nói: "Thưa ông, chắc ông phải cho con làm cái gì khác. Loại việc mà người giúp việc thường làm".
Vòng chéo hai tay, ông nhướng mày hỏi nhẹ nhàng: "Ví dụ việc gì?"
Tôi phải chờ quai hàm bớt run trước khi có thể trả lời. Nghĩ đến Pieter và tôi trong con đường nhỏ, cố nuốt nước bọt. "Như may vá. Quét dọn, lau chùi. Đi lấy nước. Giặt ra. Cắt bánh mì. Chùi cửa kính".
"Cô thích tôi vẽ cô với cây chổi?"
"Thưa ông, trả lời sao bây giờ? Không phải tranh của con".
Ông cau mày: "Ừ, không phải tranh của cô". Cứ như nói một mình.
Tôi buột mồm và ngạc nhiên với chính lời mình: "Không, con không muốn ông vẽ con với cây chổi".
"Ừ, đúng, Griet. Tôi không thể vẽ cô với cây chổi trên tay!"
"Nhưng con không thể bận áo của vợ ông".
Im lặng lúc lâu. Ông nói:
"Ừ, tôi cũng nghĩ là không. Nhưng tôi sẽ không vẽ cô như một người giúp việc".
"Thưa ông, vậy thì ông muốn vẽ con như thế nào cơ?"
"Tôi sẽ vẽ y như lần đầu gặp cô, Griet ạ. Một mình".
Ông đẩy chiếc ghế gần giá vẽ tới trước cửa sổ giữa phòng và tôi ngồi xuống. Hiểu đó sẽ là chỗ của mình. Ông sắp tìm thấy lại cái thế đã bảo lấy tháng trước, khi quyết định vẽ tôi.
Ông bảo: "Nhìn ra cửa sổ".
Tôi nhìn cái xám xịt ngày đông bên ngoài và nhớ lại hôm ngồi thế cô con gái chủ tiệm bánh mì, cố không nhìn thấy gì trừ việc định thần. Được vậy thực khó bởi tôi không thể ngăn cản đừng nghĩ về ông và về tôi đang ngồi đối diện.
Chuông Nhà Thờ Mới đổ hai tiếng.
"Bây giờ quay đầu từ từ về tôi. Không, đừng quay vai! Giữ thân hình cô hướng về cửa sổ. Chỉ quay đầu thôi. Chầm chậm, chầm chậm. Thôi. Thêm chút xíu nữa, như vậy đó - ngưng. Bây giờ ngồi yên".
Tôi ngồi yên.
Trước hết, thật khó cho tôi phải gặp mắt ông. Khi nhìn ông tôi có cảm tưởng ngồi gần ngọn lửa bất thình lình bùng cháy. Vì vậy tôi dán mắt vào chiếc cằm quyết đoán, vào đôi môi mỏng của ông.
"Kìa Griet, cô không nhìn tôi".
Tôi buộc lòng nhìn lên mắt ông. Lại một lần nữa cảm thấy bị bỏng, nhưng tôi im lặng chịu đựng - vì ông muốn tôi chịu đựng.
Chẳng bao lâu điều đó bớt khó khăn hơn. Vì ông nhìn như không thấy tôi, mà là ai hay đồ vật khác - như thể ông nhìn một bức tranh.
Tôi tự nhủ ông đang nghiên cứu ánh sáng trên mặt chứ không phải chính khuôn mặt mình. Tất cả khác biệt là chỗ đó.
Hầu như tôi không có đây. Khi ý thức điều này, tôi cảm thấy thư giãn hơn chút đỉnh. Vì ông không nhìn thấy tôi, tôi cũng không nhìn thấy ông. Đầu óc tôi bắt đầu lang thang - đến món thỏ rừng hầm đã dùng bữa tối, tới cổ áo đăng ten Lisbeth cho, tới câu chuyện Pieter kể hôm trước. Rồi tôi không nghĩ đến gì nữa cả. Ông đứng lên hai lần thay đổi vị trí tấm mành. Nhiều lần tới tủ chọn cọ và màu khác. Tôi quan sát mọi cử động của ông như thể từ dưới đường nhìn xuyên qua cửa sổ.
Chuông nhà thờ điểm ba tiếng. Tôi chớp mắt. Không cảm thấy từng ấy thời gian đã trôi qua. Có cảm giác mình vừa bị bùa mê.
Tôi nhìn ông - bây giờ đôi mắt đã dành cho mình. Ông cũng nhìn. Trong khi dán mắt vào nhau, một luồng sóng nóng xuyên suốt người tôi. Tôi vẫn giữ mắt mình trong mắt ông, mãi khi cuối cùng ông nhìn chỗ khác và đằng hắng:
"Hôm nay vậy đủ rồi, Griet. Tôi để vài mẩu xương trên gác, nhờ cô nghiền hộ nhé".
Tôi gật đầu và chuồn khỏi căn phòng, tim rộn rã. Ông đã vẽ chân dung tôi.
*
Một hôm ông bảo: "Đẩy mũ trùm ra sau để lộ mặt ra".
Tôi ngớ ngẩn lặp lại và hối ngay tức khắc: "Thưa ông, đẩy ra sau, để lộ mặt ra?"
Ông thích tôi tuân phục trong im lặng. Hay nếu nói, thì điều gì phải đáng.
Ông không trả lời. Tôi kéo mũ trùm phía bên ông ra khỏi má. Chéo mũ hồ bột làm sướt cổ.
Ông bảo: "Thêm chút nữa. Tôi muốn nhìn thấy đường nét má cô".
Tôi ngần ngừ rồi kéo ra sau xa hơn. Cái nhìn ông chạy dọc xuống má.
"Để tôi nhìn thấy tai cô".
Tôi không muốn. Nhưng không có lựa chọn nào.
Tôi luồn tay dưới mũ trùm để yên trí là tóc không sổ, nhét vài lọn vào sau tai. Rồi kéo mũ ra sau ddể lộ phần tai dưới.
Dù không âm thanh nào, vẻ mặt ông tựa tiếng thở dài. Có tiếng gì trong cổ nhưng tôi đẩy xuống.
Ông bảo: "Cái mũ trùm. Bỏ ra".
"Thưa ông không".
"Không?".
"Xin ông đừng bắt con làm điều đó".Tôi thả vải mũ xuống nên tai và má bị che trở lại. Tôi nhìn xuống đất, nền gạch vuông xám và trắng trải dài trước mắt mình, sạch sẽ ngay hàng thẳng lối.
"Cô không muốn để đầu trần? "
"Thưa không".
"Vậy mà cô không muốn tôi vẽ cô như một con sen với cây chổi và cái mũ trùm, cũng không muốn như mệnh phụ mặc sa tanh, áo lông và tóc vấn".
Tôi không trả lời. Không thể để ông xem tóc mình. Tôi không phải loại con gái để đầu trần.
Ông cựa mình trên ghế rồi đứng lên. Nghe ông vào kho. Rồi trở ra, tay ôm đống vải thả trên đùi tôi.
"Được rồi, Griet, xem thử cô dùng được cái gì. Tìm vài món trong mớ vải này quấn tóc lại, kiểu nào để cô không ra vẻ mệnh phụ cũng chẳng phải con sen". Tôi không thể nói ông giận hay đùa. Ông rời phòng vẽ, khép cửa sau lưng.
Tôi lựa đống mẩu vải. Có ba cái khăn, thanh quá và nhỏ quá để che hết đầu. Có những mẩu vải màu vàng-nâu, xanh-xám Catharina may áo đầm và áo vét còn thừa.
Chẳng biết làm sao. Tôi nhìn vơ vẩn chung quanh như thể sẽ tìm ra câu trả lời đâu đó trong phòng. Mắt tôi bắt gặp bức tranh The Procuress - Người dắt mối - đầu người đàn bà trẻ để trần, tóc buộc ra sau bằng nhiều sợi ru băng, còn bà già thì cuộn quanh đầu nhiều mảnh vải chéo qua chéo lại. Tôi nghĩ có lẽ đó là điều ông muốn. Có lẽ đó là cách chải tóc của người không phải mệnh phụ, không phải con sen, cũng chẳng là gì khác cả.
Tôi chọn mẩu vải nâu đem vào nhà kho, có tấm kiếng. Tháo mũ trùm quấn vải quanh đầu, tôi kiểm lại bức tranh cố bắt chước sao cho thật giống kiểu tóc bà già. Trông có vẻ buồn cười.
Tôi nghĩ lẽ ra nên để ông vẽ mình với cây chổi. Kiêu hãnh đã khiến tôi thành hợm mình.
Khi trở lại và thấy kiểu tóc tôi làm, ông phá ra cười. Tôi không nghe ông cười thường - vài lần với trẻ con, một lần với Van Leeuwenhoek. Tôi nhíu mày. Không muốn mình bị chế nhạo.
Tôi chống chế: "Thưa ông, con chỉ làm điều ông bảo".
Ông thôi cười: "Cô có lý, Griet. Xin lỗi. Và mặt cô, bây giờ lộ hơn, tôi thấy nó...".Ông ngưng, không nói hết câu. Tôi luôn luôn tự hỏi ông muốn nói cái gì.
Tới chỗ đống vải còn lại trên ghế, ông hỏi: "Tại sao cô chọn màu nâu trong khi có nhiều màu khác?"
Tôi không muốn lặp lại chuyện mệnh phụ và con sen. Không nhắc ông rằng màu xanh và vàng là màu của mệnh phụ. Chỉ nói giản dị: "Nâu là màu con thường mặc".
Ông có vẻ muốn đoán những gì tôi nghĩ. Phản công: "Tanneke bận xanh và vàng khi tôi vẽ bà ta mấy năm trước".
"Thưa ông con không phải Tanneke".
"Ừ, dĩ nhiên cô không phải". Kéo ra một giải vải dài và hẹp màu xanh, ông bảo: "Dầu sao, tôi cũng muốn cô thử cái này".
Tôi quan sát miếng vải: "Cái đó không đủ che đầu con".
"Vậy thì dùng cả cái này được đấy". Ông bốc ra mẩu vải vàng có viền xanh cùng màu đưa tôi.
Tôi miễn cưỡng cầm hai mẩu vải quay vào kho và lại thử bao tóc trước gương. Buộc mẩu xanh trước trán, mẩu vàng quấn vòng vòng che kín đỉnh đầu. Vén gọn đuôi vải bên tai, sửa lại vài nếp, vuốt lại vải xanh trước trán rồi tôi quay vào phòng vẽ.
Ông đang xem sách và không để ý khi tôi lướt vào ghế. Tôi ven vén ngồi cho đúng kiểu như trước. Khi tôi quay đầu nhìn qua vai trái, ông ngước mắt lên. Cùng lúc, đuôi mẩu vải vàng lỏng rơi xuống vai.
"Ô!", tôi kêu khẽ, sợ mẩu vải tuột khỏi đầu để lộ tóc ra. Nhưng nó vẫn chắc, chỉ đuôi khúc vải vàng tòng ten. Tóc tôi vẫn kín đáo.
Rồi ông nói : " Ờ. Như vậy được đó, Griet. Ờ "
*
Ông không muốn để tôi xem bức tranh. Ông đặt nó trong cái khung thứ hai, xeo xéo cửa và dặn đừng nhìn. Tôi hứa không nhìn, nhưng nhiều đêm nằm trên giường và thèm quấn chăn quanh người len lén xuống tầng dưới ngắm trộm. Ông sẽ không hay biết.
Mà chắc ông sẽ đoán ra thôi. Tôi không nghĩ nhìn tôi ngồi với ông ngày qua ngày mà không đoán được rằng tôi có xem hoạ phẩm. Tôi không thể dấu ông điều gì. Và cũng không muốn vậy.
Cũng rất ngại khám phá cách ông nhìn tôi như thế nào. Tốt hơn nên giữ đó như điều bí mật.
Màu sắc ông dặn trộn không cho manh mối nào về những gì sắp làm. Đen, đất son, trắng, vàng, xanh biếc, đỏ - là những màu tôi đã từng soạn từ trước và cũng đã đuợc dùng cho bức tranh cảnh hoà nhạc.
Ông không có thói quen làm việc trên hai họa phẩm cùng lúc. Mặc dầu không thích chuyển tới chuyển lui giữa hai bức tranh, điều đó cũng giúp ông dấu việc đang vẽ tôi dễ dàng hơn. Chỉ ít người biết. Van Ruijven biết - chắc chắn là vì yêu cầu của ông ta mà chủ tôi vẽ bức tranh này. Ông đã đồng ý vẽ tôi một mình để khỏi phải chung với Van Ruijven. Van Ruijven sẽ là sỡ hữu chủ bức hoạ.
Tôi không hài lòng với ý nghĩ đó. Và tin rằng chủ mình cũng vậy.
Maria Thins cũng biết chuyện vẽ bức tranh. Chắc chắn bà đã dàn xếp điều kiện với Van Ruijven. Ngoài ra bà có thể tùy tiện vào ra phòng vẽ và ngắm nó, trong khi tôi không được phép. Thỉnh thoảng bà nhìn tôi xeo xéo với diễn cảm kỳ kỳ không dấu được.
Tôi nghi là Cornelia cũng biết. Một hôm tôi bắt gặp nó ở cầu thang dẫn lên phòng vẽ, nơi đáng lẽ nó không có lý do gì đặt chân đến. Khi tôi hỏi, nó không trả lời tại sao lên đó, và tôi để nó đi hơn là mách với Maria Thins hay Catharina. Không dám gây sự, nhất là trong khi ông vẽ mình.
Van Leeuwenhoek cũng biết nữa. Một hôm ông mang đến cái ca mê ra phòng tối và dựng lên để họ cùng nhìn tôi. Ông có vẻ không ngạc nhiên khi thấy tôi ngồi ở ghế - chắc chủ tôi đã báo trước rồi. Ông nhìn đầu tôi quấn vải lạ lùng nhưng không bình luận.
Họ thay phiên nhau dùng ca mê ra. Tôi đã học cách ngồi không động đậy, không suy nghĩ và không xao động bởi cái nhìn của chủ. Dầu sao cũng khó khăn hơn với cái hộp chĩa về mình. Không mắt mũi mặt mày hay cơ thể nào quay về mình, chỉ có hộp và miếng vải đen trùm cái lưng gù, tôi đâm bối rối. Không còn biết chính xác họ nhìn mình cách nào nữa.
Dầu vậy tôi không chối cãi là rất kích động được hai người đàn ông phong nhã chăm chú ngắm nhìn, ngay cả không trông thấy mặt họ.
Chủ tôi rời phòng đi tìm miếng vải mềm chùi ống kính. Van Leeuwenhoek chờ tới khi nghe bước chân ở cầu thang mới nhẹ nhàng nói: "Phải cẩn trọng, con gái..."
"Thưa, ý ông muốn nói gì ạ?"
"Con phải biết rằng ông ta chỉ vẽ con để làm vừa lòng Van Ruijven. Vì Van Ruijven quan tâm đến con đã khiến chủ con phải bảo vệ con".
Tôi gật đầu, kín đáo hài lòng nghe được cái mình ngờ.
"Đừng dây vào cuộc tranh chấp giữa họ. Con sẽ bị tổn thương".
Tôi hãy còn giữ thế ngồi mẫu cho bức tranh. Giờ thì vai tôi lay lắc như hất chiếc khăn san: "Thưa ông, con không nghĩ là ông ta sẽ làm con đau khổ bao giờ".
"Con gái, nói ta nghe con đã biết gì về đàn ông?"
Tôi đỏ mặt quay nhìn chỗ khác, nghĩ đến lúc cùng Pieter trong con đường nhỏ.
"Con biết không, sự tranh chấp khiến người ta trở nên chiếm hữu. Chủ con quan tâm đến con một phần vì Van Ruijven để ý đến con".
Tôi không trả lời.
Van Leeuwenhoek tiếp: "Ông ta là người ngoại hạng. Mắt ông ta đáng giá cả căn phòng đầy vàng. Nhưng đôi khi ông ta thấy thế giới như ý muốn, chứ không phải là thế giới thực. Ông ta không hiểu quan điểm của mình sẽ gây hậu quả thế nào cho người khác. Ông ta chỉ nghĩ về mình và việc làm của mình thôi, không nghĩ đến con đâu. Vậy phải cẩn thận" - Ông ta ngừng nói. Bước chân chủ tôi vang ở cầu thang.
Tôi thì thầm: " Thưa ông, cẩn thận việc gì ạ?"
"Phải giữ luôn luôn là mình".
Tôi hướng cằm về phía ông: "Thưa ông, phải giữ phận con sen ạ?"
"YÙ ta không muốn nói thế. Các bà trong tranh ông ta - đều bị nhốt trong thế giới của ông. Trong đó con có thể bị thất lạc".
Chủ tôi vào phòng. Ông nói: "Griet, cô đã động đậy".
"Thưa ông con xin lỗi". Tôi lấy lại thế ngồi lần nữa.
(...)
Không phải ngày nào ông cũng làm việc trên bức tranh tôi. Ông thực hiện bức hoà nhạc dù Van Ruijven và các bà có đấy hay không. Ông vẽ khung cảnh chung quanh các nhân vật khi họ không có mặt, hay bảo tôi ngồi vào chỗ một trong các bà - cô gái ngồi trước cây đàn harpsichord (*), hay người đàn bà đứng bên cạnh hát, tay cầm bản nhạc. Tôi không bận quần áo họ. Ông chỉ muốn có một thân hình ở đó. Đôi khi hai người đàn bà đến không có Van Ruijven và đó là lúc ông làm việc tốt nhất. Chính Van Ruijven là người mẫu khó khăn. Tôi có thể nghe thấy ông ta mỗi khi làm việc trên gác mái. Ông ta không thể ngồi yên mà thích nói hay chơi đàn luýt. Chủ tôi kiên nhẫn với ông ta như thể với trẻ con, nhưng đôi khi nhận ra trong giọng ông có âm hưởng là lạ lẻn vào, và hiểu là đêm nay ông sẽ ra quán rượu rồi trở về với đôi mắt hừng hực chẳng khác đôi thìa sáng bóng.
Tôi ngồi mẫu cho bức tranh khác ba bốn lần một tuần, mỗi lần một vài giờ. Đó là lúc tôi thích nhất trong tuần, với mắt ông chỉ trên tôi thôi, trong những giây phút đó. Tôi không hề bận tâm kiểu ngồi không dễ, rằng cứ nhìn mãi về một phía trong lúc lâu khiến rất nhức đầu. Tôi không bận tâm đôi khi đầu phải xoay tới xoay lui làm mẩu vải vàng đung đưa quanh vai, để ông có thể vẽ như thể tôi vừa quay lại đối diện ông. Tôi làm bất cứ cái gì ông bảo.
Dầu vậy ông có vẻ không an vui. Tháng hai trôi qua rồi tháng ba đến với ngày băng giá và mặt trời, ông không vui vẻ. Ông đã làm việc cho bức vẽ tôi trong gần hai tháng và mặc dầu không thấy, tôi nghĩ nó phải xong rồi. Chẳng còn cần tôi trộn màu cho bức tranh ấy nhiều nữa, ông chỉ dùng số lượng rất ít và làm vài thao tác với cọ trong khi tôi ngồi. Tưởng rằng đã hiểu ông muốn gì ở mình, nhưng bây giờ tôi không còn chắc nữa. Đôi khi ông chỉ ngồi nhìn tôi như thể chờ đợi tôi làm cái gì. Những lúc đó ông là đàn ông hơn là hoạ sĩ, và thực khó lòng nhìn thẳng vào ông.
Một hôm tôi đang ngồi trên ghế, ông thình lình tuyên bố: " Bức tranh này sẽ làm hài lòng Van Ruijven, nhưng tôi thì không".
Tôi không biết nói gì. Tôi không thể giúp ông nếu không nhìn thấy nó. "Thưa ông, con có thể xem bức tranh không?"
Ông chằm chặp nhìn tôi, tò mò.
"Có thể con giúp được gì", vừa nói tôi đã hối ngay. Sợ mình trở thành quá bạo.Sau một lát ông bảo: "Được rồi".
Tôi đứng lên đến sau lưng. Ông ngồi bất động. Có thể nghe tiếng thở chầm chậm đều đều.
Bức tranh không giống những bức khác chút nào. Chỉ độc mình tôi, đầu và vai, không bàn không màn, không cửa sổ, không cả cọ phấn để làm dịu hay loãng bớt đi. Ông vẽ tôi với đôi mắt to, ánh sáng đổ xuống mặt nhưng bên trái trong tối. Tôi bận màu xanh, vàng và nâu. Vải quấn quanh đầu làm không giống tôi, mà giống Griet từ thành phố khác hay ngay cả từ quê hương khác. Phông đen làm tôi có vẻ trơ trọi hơn mặc dầu hiển nhiên đang nhìn ai đó. Tôi như chờ đợi cái gì và nghĩ là nó sẽ không bao giờ xảy đến.
Ông có lý - bức tranh có thể làm hài lòng Van Ruijven, nhưng nó thiêu thiếu cái gì.
Tôi hiểu nó thiếu cái gì trước ông. Khi thấy khuyết điểm - cái chấm sáng ông đã dùng để làm rực mắt người ta trong bức tranh khác - tôi rùng mình. Thế là hết, tôi nghĩ.
Thật không nhầm.
*
Lần này tôi chẳng cố giúp ông như hồi vẽ bức tranh vợ Van Ruijven đang viết thư. Tôi không lẻn vào phòng vẽ sửa đổi vật dụng - đặt lại cái ghế mình ngồi hay mở mành cửa rộng hơn. Không đổi kiểu quấn vải xanh vàng hoặc dấu đỉnh áo sơ mi. Không cắn môi cho hồng lên hay hóp bớt má vào. Cũng chẳng soạn sẵn màu ông sẽ dùng.
Tôi chỉ ngồi làm mẫu, nghiền và rửa màu ông bảo.
Đằng nào thì ông cũng sẽ nhận ra điều ấy.
Lâu hơn tôi tưởng. Phải ngồi mẫu hai lần nữa trước khi ông khám phá ra điều thiếu sót. Mỗi lần tôi ngồi, ông vẽ, với vẻ không hài lòng hiện trên nét mặt và thả tôi ra sớm.
Tôi chờ.
Chính Catharina cho ông câu trả lời. Một xế Maertge và tôi đang đánh giày ở phòng giặt và các cô gái khác tụ họp trong phòng lớn xem mẹ diện đi dự buổi lễ mừng trẻ sơ sinh. Nghe Aleydis và Lisbeth kêu lên thích thú, tôi biết là Catharina mang trân châu ra, cái mà mấy đứa con gái rất thích.
Rồi tôi nghe tiếng chân ông trong hành lang, im lặng, và giọng nói nho nhỏ. Sau một lát, ông gọi: "Griet, mang cho vợ tôi ly rượu".
Tôi đặt bình rượu trắng nhỏ và hai ly trên khay phòng khi ông muốn uống với bà, rồi mang vào phòng lớn. Khi vào tôi đụng phải Cornelia đứng ngay ở ngưỡng cửa. Tôi ôm kịp bình rượu và hai ly đụng ngực nhưng không bể. Cornelia cười ranh mãnh tránh đường.
Catharina ngồi ở bàn với nùi bông, hộp phấn, lược và hộp đồ trang sức. Bà mang trân châu mặc áo lụa xanh ve, đang sửa sửa che cái bụng bầu. Tôi đặt ly cạnh bà và rót rượu.
Tôi nhìn lên hỏi: "Thưa ông, ông dùng rượu không ạ?". Ông đang tựa vào tủ bao quanh giường, áp vào màn cửa lụa mà lần đầu tiên tôi để ý là nó cùng vải với áo Catharina. Ông hết nhìn Catharina rồi lại nhìn tôi. Trên mặt là nét diễn cảm của một hoạ sĩ.
"Đồ ngốc, cô làm đổ rượu lên áo tôi rồi!" Catharina lùi ra khỏi bàn và đưa tay phủi phủi lên bụng bầu. Ít giọt đỏ bắn lên đó.
"Xin lỗi bà. Con đi lấy vải ướt thấm nó ngay".
"Ô không cần. Tôi không chịu nổi cô tíu tít vì tôi. Đi đi!".
Tôi nhìn trộm ông trong khi lấy cái khay. Mắt ông dán vào hoa tai trân châu của vợ. Khi bà quay đầu đánh thêm phấn, hoa tai đung đưa bắt ánh sáng từ cửa sổ. Nó khiến tất cả chúng tôi nhìn mặt bà và nó cũng phản chiếu ánh sáng long lanh như mắt bà.
Ông nói với Catharina: "Anh phải lên lầu một lát. Không lâu đâu".
Tôi nghĩ vậy thì đó rồi. Ông đã có câu trả lời.
Chiều hôm sau khi ông bảo lên phòng vẽ, tôi không cảm thấy phấn khích như thông thường mỗi lần ngồi mẫu. Lần đầu tiên nghĩ đến nó mà sợ. Sáng hôm đó áo quần phải giặt thấy đặc biệt nặng và còn sũng nước, tay tôi không đủ mạnh để vắt. Tôi di chuyển chậm chạp giữa bếp với sân sau và ngồi nghỉ nhiều lần. Maria Thins bắt gặp tôi ngồi khi vào bếp lấy bánh. Bà hỏi: "Có chuyện gì vậy, con gái? Mày có bịnh không?"
Tôi vùng đứng lên: "Thưa bà không. Chỉ hơi mệt chút thôi".
Bà nhìn như thể không tin: "Mệt, hả? Đó là cái mà một con sen không nên bị, nhất là buổi sáng".
Tôi vục tay vào nước lạnh kéo lên chiếc sơ mi của Catharina: "Thưa bà chiều nay bà có cần sai con đi mua gì không ạ?"
"Đi mua gì? Chiều nay? Chắc là không. Nếu mày cảm thấy mệt thì đó là câu hỏi nghe buồn cười". Bà nhíu mắt: "Mày không bị rầy rà gì chớ, hả con gái? Van Ruijven không quấy nhiễu khi con một mình chớ?"
"Thưa bà không". Thực tế là có, mới hai hôm trước, mà tôi đã khéo léo thoát khỏi ông ta.
Maria Thins hỏi nhỏ giọng, hất đầu hướng phòng vẽ: "Có ai khám phá là mày trên lầu không?"
"Thưa bà không". Trong giây lát tôi muốn nói chuyện hoa tai. Thay vào đó lại nói: "Chắc con ăn cái gì không tiêu. Chỉ vậy thôi".
Maria Thins nhún vai bỏ đi. Cũng chưa tin tôi nhưng bà không cho là quan trọng.Xế chiều đó tôi nặng nhọc lên thang và dừng trước cửa phòng vẽ. Lần này sẽ không như những lần ngồi mẫu trước. Ông sẽ đòi hỏi vài điều và tôi bắt buộc phải tuân lời.
Tôi đẩy cửa. Ông ngồi ở giá vẽ săm soi đầu cọ. Khi ông ngước nhìn tôi thấy có cái gì chưa bao giờ gặp trên mặt ông. Có vẻ kích động.
Điều đó cho tôi can đảm nói những gì phải nói. Tôi đến đứng cạnh ghế mình và đặt tay lên đầu con sư tử. "Thưa ông". Tôi bắt đầu, tay bấu chặt vào hình điêu khắc cứng mát "Con không thể làm điều đó".
Ông ngạc nhiên thành thực: "Làm điều gì, Griet?".
"Điều ông sắp bảo con làm. Con không thể mang nó. Con sen không bao giờ mang trân châu".
Ông trố mắt nhìn tôi hồi lâu rồi lắc đầu nhiều lần. "Cô thật không ngờ ! Cô luôn luôn làm tôi kinh ngạc".
Tôi vuốt chung quanh mũi miệng con sư tử và vuốt ngược từ mõm đến bờm mượt mà có u lồi nho nhỏ. Mắt ông dõi theo các ngón tay tôi.
Ông thì thầm: "Cô biết không, đó là cái bức tranh cần, ánh sáng do trân châu phản chiếu. Không thì nó không hoàn hảo".
Tôi biết rồi. Không nhìn hoạ phẩm lâu - rất kỳ lạ khi nhìn chính mình - nhưng hiểu ngay là cần hoa tai trân châu. Không nó thì chỉ có mắt miệng tôi, bờ áo sơ mi, khoảng đen sau tai, tất cả đều rời rạc. Hoa tai sẽ nối chúng lại nhau. Nó sẽ hoàn thành họa phẩm.
Điều đó cũng sẽ đuổi tôi ra đường. Biết ông sẽ không mượn hoa tai từ Van Ruijven hay Leeuwenhoek hay của ai khác. Đã nhìn thấy trân châu của Catharina rồi và đó là cái ông muốn tôi mang. Ông dùng những gì mình muốn cho hoạ phẩm, không đo lường hậu quả. Như Leeuwenhoek đã báo động rồi.
Catharina mà thấy hoa tai bà trong tranh thì sẽ nổi trận lôi đình.
Phải van xin ông đừng tàn hại đời mình.
Tôi thuyết phục: "Ông vẽ bức này cho Van Ruijven, không phải cho ông. Có quan trọng dữ vậy không? Chính ông đã nói rằng ông ta sẽ hài lòng về nó mà".Mặt ông rắn lại và tôi hiểu là mình đã nói điều không phải.
Ông lẩm bẩm: "Tôi sẽ không bao giờ thôi làm việc trên một bức tranh nếu thấy nó không toàn vẹn, bất luận ai sẽ có nó. Đó không phải cách làm việc của tôi"."Thưa ông, không".
Tôi nuốt nước bọt trân trối nhìn sàn đá hoa. Tự nhủ sao dốt thế, cằm siết lại. "Đi sửa soạn đi".
Đầu cúi, tôi vội vàng vào phòng kho nơi để mẩu vải xanh và vàng. Chưa bao giờ tôi cảm thấy bất mãn dữ dội vậy. Không nghĩ là mình có thể chịu đựng điều đó nổi. Dở mũ trùm thấy ru băng cột tóc hơi lỏng, tôi kéo nó ra. Đang túm tóc để buộc lại thì nghe tiếng kêu chỗ miếng gạch hở trong phòng kho. Tôi lạnh người. Chưa bao giờ ông vào phòng kho khi tôi thay đồ. Ông chưa bao giờ hỏi tôi điều đó.
Tôi quay lại, tay còn luồn trong tóc. Ông đứng ở ngưỡng cửa nhìn trân trối.
Tôi hạ tay xuống. Tóc đổ từng lọn sóng xuống vai, nâu như cánh đồng mùa thu. Ngoài tôi ra chưa bao giờ ai thấy.
Ông nói: "Tóc cô". Không còn giận nữa.
Cuối cùng ông nhìn lãng đi chỗ khác.
*
Bây giờ ông đã thấy tóc, đã khám phá ra tôi rồi, tôi cảm thấy không còn gì quý báu phải dấu diếm và giữ riêng cho mình nữa. Tôi có thể sẽ tự do hơn, nếu không với ông thì cũng sẽ với người khác. Từ nay, những gì tôi đã hoặc không làm chẳng còn quan trọng nữa.
Đêm đó tôi chuồn khỏi nhà tìm Pieter ở tiệm rượu các anh hàng thịt hay đến, gần Mezt Hall. Không đếm xỉa tới những tiếng huýt sáo và bình phẩm, tôi đến thẳng chỗ anh bảo đi . Anh đặt ly bia xuống, mắt mở to và theo ra ngoài, tôi dắt tay anh vào con đường nhỏ cạnh đấy. Rồi kéo váy lên để anh làm tùy thích. Vòng tay quanh cổ anh, tôi bám chặt khi anh tìm cách đi vào người tôi và bắt đầu nhịp nhàng đưa đẩy. Anh làm tôi đau, nhưng khi nhớ tóc mình đã đổ xuống vai trong phòng vẽ, tôi cảm thấy có cái gì hoan lạc.
Khi trở về Papists' Corner, tôi rửa mình bằng nước dấm.
Sau đó nhìn vào bức tranh, thấy ông đã thêm lọn tóc mỏng lòi ra chỗ vải xanh ngay trên mắt trái.
*
Lần sau ngồi làm mẫu, ông không nhắc tới hoa tai nữa. Ông chưa đưa nó như tôi đã lo sợ, không đổi cách tôi ngồi và cũng không ngừng vẽ.
Cũng không vào phòng kho nhìn tóc tôi nữa.
Ông ngồi một lát lâu, trộn màu trên điã với con dao. Có màu đỏ và đất son trên đĩa, nhưng thuốc màu ông trộn chỉ hầu như toàn trắng, trong đó ông quệt thêm vài vệt đen, chậm rãi và cẩn thận trộn đều, màu bạc kim cương con dao ngời trên màu xám.
Tôi bắt đầu: "Thưa ông".
Ông ngước nhìn, con dao ngừng lại.
"Con đã từng thấy thỉnh thoảng ông vẽ mà không có người mẫu ở đây. Ông không thể vẽ hoa tai mà không cần con mang sao? "
Con dao trộn màu vẫn còn bất động: "Cô muốn tôi tưởng tượng cô mang trân châu, và vẽ những gì tôi tưởng tượng?".
"Thưa ông vâng".
Ông nhìn xuống đĩa trộn màu, con dao động đậy trở lại. Tôi nghĩ ông hơi mỉm cười. "Tôi muốn nhìn thấy cô mang hoa tai".
"Thưa, nhưng ông biết rồi việc gì sẽ xảy ra".
"Tôi biết là rồi ra, bức tranh sẽ hoàn thành trọn vẹn".
Ông sẽ tàn hại đời con. Tôi lại không thể nói ý nghĩ ấy ra. Lấy hết can đảm, tôi hỏi: "Vợ ông sẽ nói gì khi thấy bức tranh vẽ xong?"
"Bà sẽ không thấy. Tôi sẽ giao nó thẳng cho Van Ruijven". Đó là lần đầu tiên ông xác nhận đã bí mật vẽ tôi, rằng Catharina sẽ không chấp nhận.
Ông nói thêm như gài tôi vào: "Cô chỉ cần mang nó một lần thôi. Lần tới vẽ cô, tôi sẽ mang nó theo. Tuần sau. Chỉ trong một buổi chiều Catharina sẽ không thấy thiếu mất nó đâu ".
Tôi nói: "Nhưng thưa ông, tai con không xỏ lỗ".
Ông hơi nhíu mày: "Vậy thì cô phải lo việc đó". Rõ ràng đây chỉ là chi tiết nhỏ đàn bà, không phải cái gì ông thấy liên quan. Ông dập dập con dao và chùi vào miếng vải: "Nào, giờ ta bắt đầu. Cằm thấp xuống một tí". Ông nhìn tôi chăm chú "Liếm môi đi, Griet".
Tôi liếm môi.
"Để miệng hé ra".
Tôi ngạc nhiên quá chừng với đòi hỏi này đến nỗi miệng tự muốn hé ra. Tôi nuốt lệ. Đàn bà đức hạnh chẳng bao giờ để miệng mở trong tranh.
Như thể ông cùng có mặt trong con đường nhỏ với Pieter và tôi.
Ông tàn hại đời con rồi. Tôi liếm môi lần nữa.
Ông bảo: "Tốt".
(...)
... "Bây giờ ta bắt đầu lại". Ông dang tay tới tủ phía sau lấy chiếc hoa tai chìa cho tôi.
"Con muốn ông mang nó cho con". Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình táo bạo tới cỡ ấy.
Ông cũng không ngờ. Nhướng mày và mở miệng định nói gì nhưng không nói tiếng nào.
Ông bước đến cạnh ghế. Quai hàm co lại nhưng tôi cố giữ đầu ngay ngắn. Ông đưa tay nhẹ nhàng đụng trái tai.
Tôi hổn hển như thể đã nín thở hồi lâu dưới nước.
Ông nâng trái tai sưng giữa ngón cái và ngón trỏ rồi kéo nó. Với bàn tay kia ông xỏ đuôi kim loại vào lỗ, đẩy qua. Cơn đau chẳng khác lửa đốt chạy khắp người và nước mắt tôi ứa ra.
Ông không rút tay về. Các ngón tay xoa nhẹ cổ và dọc quai hàm tôi. Ông kéo ngược lên má rồi lau nước mắt tôi với ngón cái. Ông đưa ngón cái xuống môi dưới. Tôi liếm nó thấy mằn mặn.
Tôi khép mắt lại và các ngón tay ông động đậy. Khi mở mắt ra thì ông đã trở lại giá vẽ và cầm đĩa trộn màu lên.
Tôi ngồi trong ghế nhìn chăm chăm ông qua vai. Tai tôi đau nhói, sức nặng trân châu trì trái tai xuống. Tôi không nghĩ gì khác hơn là ngón tay ông trên cổ, ngón cái trên môi.
Ông nhìn tôi nhưng chưa bắt đầu vẽ. Tôi tự hỏi ông đang nghĩ gì.
Cuối cùng ông lại dang tay ra sau. Vừa tuyên bố vừa lấy chiếc hoa tai thứ hai chìa tới : "Cô phải mang chiếc bên kia nữa".
Tôi không nói gì được trong một lát. Muốn ông nghĩ tới tôi, đừng nghĩ tới bức tranh.
Cuối cùng tôi hỏi: "Tại sao? Nó đâu có thấy trên bức tranh".
Ông nài ép: "Cô phải mang cả hai. Là trò đùa nếu chỉ mang một chiếc".
Tôi ấp úng : "Nhưng mà - tai bên kia con không châm lỗ".
Ông tiếp tục kiên trì: "Vậy thì cô phải châm nó đi".
Tôi đưa tay lấy hoa tai. Làm điều đó vì ông. Tôi lấy cây châm và dầu đinh hương ra, châm lỗ tai bên kia. Không khóc, không bủn rủn cũng chẳng kêu la tiếng nào. Rồi ngồi suốt buổi sáng và ông vẽ bên tai thấy được, tôi cảm nhận cái đau buốt lửa bên tai kia, hạt trân châu ông không nhìn thấy.
(...)
Miêng
Paris, Octobre 2003
(*) Harpsichord : nhạc khí của Anh thế kỷ 16-17 (chú thích của người dịch)
(**) Dịch theo "Girl with a pearl earring", A.Plume Book xuất bản năm 1999. Xin chân thành cám ơn hoạ sĩ Võ Đình đã giải thích và dịch giúp những từ liên quan về hội hoạ.