Phất Phơ Quá Khứ
Tác giả: Trầm Hương
Dễ đến gần 20 năm, nàng mới có dịp trở lại hít thở, cận kề cùng biển. Thành phố biển chốn nào thì cũng giống nhau ở hơi biển nồng, cái nóng hâm hấp thịt da và chất muối chừng như lẫn cùng không khí. Đêm đầu tiên ngồi nơi hàng hiên ở tầng lầu ba nhìn ra biển, nghe tiếng sóng bập bềnh, gió biển thổi lồng lộng, gió thổi những sợi tóc nàng bay phơ phất, tiếng anh Thao lẫn trong gió như lời thì thầm của quá khứ. Kim Thi hở? Nhớ chứ! Làm sao anh quên được! Gia đình của Kim Thi có bốn chị em, cô nào cũng đẹp. Anh mê đôi mắt của Kim Thị Anh điên đảo vì đôi mắt của Kim Thị Em nói sao? Kim Thi bây giờ sống khổ lắm hở? Tàn tạ lắm sao? Tội, cũng là duyên số mỗi người cả.
Giờ ngồi đây, nghĩ lại chuyện cũ, sao thấy mình hồi ấy thật buồn cười. Để xem. Dạo ấy anh chỉ độ 22 tuổi chứ mấy. Ngông, ngông tận mạng. Yêu Kim Thi, hoa khôi trường Luật. Kim Thi là em họ của Hanh, bạn anh chứ ai. Yêu điên cuồng nhưng Kim Thi lúc ấy đang có một anh chàng luật sư trẻ tuổi đeo đuổi. Anh thi rớt năm thứ Ba đại học cũng tại Kim Thị Nói vì Kim Thi cũng không đúng lắm. Thấy cô ấy rớt năm thứ hai Luật, anh cũng phải vội vàng thi rớt theo cho cô ấy bớt buồn. Ngông bỏ mẹ! Con gái rớt thì chỉ rơi ra vài giọt nước mắt. Còn anh rớt thì rơi ngay vào lệnh đôn quân. Thế là đi thẳng vào Trung Tâm 3 Nhập Ngũ. Lần ra phép đầu tiên, đang lang thang chợ Saigon, gặp ngay Kim Thi ngồi hí hửng sau xe Honda của anh chàng luật sư trẻ tuổi. Đau quá là đau, trong túi lại không có một xu, anh liền tắp ngay vào tiệm bán radio Kim Châu của dượng Châu.
Gặp dượng đang đứng ở quầy, anh gãi đầu gãi tai: Dạ, thưa dượng, cháu mới về phép, không có tiền, dượng cho cháu mượn 500 đi xem xi- nê với bạn... Dượng vui vẻ đưa ngaỵ Thằng nhỏ cầm tiền, đến thẳng cái quán cóc đầu ngõ nhà nàng, kêu chục trứng vịt lộn ngồi nhậu với bia.
Trong lòng chỉ cầu mong vì quân trường đổ mồ hôi mà về thành phố quáng mắt, nhìn lầm người chăng? Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, quả đúng là nàng đang vắt vẻo sau xe của chàng luật sư trẻ tuổi đi về thật. Khi ấy, anh đã " bốc" lắm rồi, anh cầm quả vịt lộn còn lại đi vào nhà nàng. Gặp mẹ nàng, anh hỏi rất lễ phép:
" Thưa bác, xin phép bác cho cháu gặp Kim Thy có chút chuyện cần."
Bà cụ nhướng mắt nhìn bộ mặt phừng phừng đỏ của anh, hơi bia xông ra nghi ngút, tay thằng nhỏ lại cầm cái... trứng vịt lộn, không hiểu nó muốn cái gì. Dù vậy, bà cụ cũng rất lịch sự đúng kiểu Bắc Kỳ:
" Cậu ngồi chơi. Em nó đang bận taỵ Để tôi gọi em nó cho cậu."
Một lát sau, nàng đi ra, có cả bà cụ đi kèm. Hai mẹ con ngồi... phịch xuống đối diện với anh. Anh nhìn thẳng vào đôi- mắt- giết- người của Kim Thi:
" Em hãy nói cho anh biết, em có yêu anh không? Nếu em nói KHÔNG, anh sẽ cầm quả trứng này về. (Ý anh là coi như anh đã... lộn như quả trứng lộn này vậy. Mang về đặng nhớ đời về sự lầm lẫn của mình chứ để làm chi... ) Còn nếu như em vì phải nghe theo gia đình mà ép lòng không yêu anh thì anh sẽ vứt quả trứng này đi... "
Trời ơi, nhớ lại, anh không thể hiểu tại sao hồi ấy anh lại có thể... cải lương mà sáng tác ra cái trò buồn cười thật. Bà cụ cứ há hốc mồm kinh hãi nhìn anh, còn Kim Thi thì rấm rứt khóc. Cho đến bây giờ, anh vẫn không thể hiểu được những giọt nước mắt của con gái.
Lúc ấy, anh bối rối quá, không hiểu mình... lộn hay không lộn nên đành cầm quả trứng về... ăn tiếp. Qua hôm sau, Hanh hộc tốc chạy sang nhà mình:
" Ê, ngày hôm qua mày làm gì bà bác tao mà bả sợ mất hồn vậy. Bả chạy sang nhà tao, nhờ tao nói với mày đừng vì quá yêu em Thi mà quẫn trí làm bậy. Cuộc đời mày còn dài, đừng nghĩ đến chuyện tự tử mà để khổ cho bố me... "
Anh phì cười, tao cầm quả trứng vịt lộn chứ có phải lựu đạn gì đâu mà bả sợ dữ vậy. Có lẽ bà cụ lầm tưởng anh ngầm ý đe dọa nếu... yêu không được, anh sẽ cho nổ đánh đoành tiêu tùng nhà bà cu... Khà! Nghĩ lại hồi trẻ mình ngông bỏ mạng. Nhìn lại thằng Di, 17 tuổi, mẹ nó cứ mắng nó hư nhưng so với bố nó ngày xưa, nó ngoan gấp trăm lần...
Đêm đã khuya lắm, nàng vẫn ngồi nơi hàng hiên. Bên kia con đường nhỏ, trước mặt nàng là biển đen thăm thẳm. Ánh đèn đường vàng vọt chiếu sáng những ngọn sóng nhấp nhô vào bờ. Tiếng sóng biển rào rạt, bập bềnh. Gió vẫn lồng lộng hơi ẩm nóng. Gió thổi tóc nàng bay phơ phất. Phơ phất quá khứ như ngọn tóc đập vào má, nhẹ nhàng mà ran rát...
... Cả một đoạn đường trước căn biệt thự nhìn ra biển ở Bãi Trước bị cúp điện tối đen. Tiếng sóng đập vào ghềnh đá đều đều những âm thanh hiền hòa. Hai mươi ba đứa trẻ con đã được cho uống thuốc ngủ và người lớn thì bồn chồn đợi giờ " đổ bãi" . Người đàn ông nói với người đàn bà, " Đã đến lúc chúng ta phải có một quyết định can đảm. Ti sẽ đi theo anh. Anh không chắc có kềm sát theo em được không, nhưng nếu có lạc mất nhau, nhớ không trở lui lại để tìm nhau. Nghe lời anh, không trở lui lại để tìm nhau. Phải có một trong hai người đi thoát. Nếu anh thoát được, sẽ có Ti bên anh. Nếu em thoát được, sẽ có đứa con trong bụng bên em. Nếu Trời thương, cho cả gia đình thoát hiểm, anh không còn điều gì ao ước hơn." Họ chạy, lúp xúp vội vàng theo đoàn người.
Cái thai hai tháng trong bụng người thiếu phụ trẻ. Đứa con trai 17 tháng trong tay người đàn ông. Họ té nhủi trên những tảng đá trơn trượt. Cạnh đá nhọn, mảnh sò ốc cắt cứa đôi chân nhưng cả thân xác họ đã không còn cảm giác. Cái đích là chiếc ghe lờ mờ trong bóng đêm. Người đàn ông leo lên được chiếc ghe nhỏ trước.Anh gọi tên vợ khe khẽ trong bóng tối mịt mùng: Quỳnh, Quỳnh ơi... Quỳnh, Quỳnh ơi... Mãi mãi, dài như hàng thế kỷ, anh nghe tiếng vợ mệt mỏi ở một khoảng cách thật gần: Em đây... Người đàn ông quơ cánh tay còn lại vào khoảng không tối đen trước mặt:
Em ở đâu, nắm tay anh nè...
Chàng nói như thể chung quanh chỉ có hai người. Và cuối cùng, bàn tay gầy còm xương xương đã trong tay chàng như một giấc mơ...
... Chiếc ghe nhỏ với gần 130 con người chao qua chao lại không định hướng trên biển Đông. Chưa ra tới hải phận quốc tế mà máy đã bị hự Có tiếng báo động dường như gió đang thổi ghe trôi ngược về hướng đảo Phú Quốc. Những khuôn mặt người lạnh tanh như chấp nhận số mạng. Người đàn ông ôm đứa con 17 tháng trong tay khóc oằn oặt vì đói. Chưa tới giờ cấp phát nước ngọt và cháo nên đành chịu. Người vợ ngồi rũ ra bên cạnh. Người đàn ông đổi tay, bế thằng nhỏ theo đủ kiểu, dỗ dành đủ cách, nó vẫn oằn mình lên khóc như tiếng mèo gào. Đến một lúc, không còn chịu nổi tiếng khóc, anh dang thẳng tay tát vào mặt thằng bé.Tiếng khóc chợt ngưng bặt. Thằng bé giơ tay quệt ngang mũi, đưa bàn tay nhỏ xíu lên trước mắt, ngơ ngác:
" Máu... Me... Máu... "
Người đàn bà choáng váng như thể cái tát trên mặt nàng. Nước mắt
nàng ứa ra. Người đàn ông cũng chợt tỉnh cơn mệ Anh ôm chặt con, kéo áo lau máu bê bết trên miệng con, nước mắt đầy trong đôi mắt anh ngầu đỏ: Bố xin lỗi con. Bố xin lỗi con... Anh trao đứa con cho vợ:
Em bế con xuống hầm tầu cho anh đi...
Hầm tầu chật nóng. Không khí ngột ngạt mùi hơi người. Khó khăn lắm nàng mới kiếm được một chỗ ngồi dựa vào thân tầu. Đứa con đã ngủ thiêm thiếp trên bụng nàng. Cái thai hai tháng nàng đang mang mỗi lúc như mỗi bị ngộp thêm vì sức nặng của đứa anh bên trên. Nàng ráng chịu đựng.
Một tiếng. Hai tiếng. Thời gian trôi đi chậm chạp. Bên cạnh nàng là một gã con trai và hai đứa con gái độ khoảng ngoài 20 tuổi một chút đang nằm thoải mái, xéo với nhau. Cái khoảng rộng giữa họ khiến nàng bắt thèm thuồng. Phải chi họ nhích qua một chút, một chút thôi cho tôi để Tí Ti nằm xuống. Phải chi... Phải chi... Nàng nghe trong trí mình một lời kêu gào mà bản tính nhút nhát khiến nàng cứ ngồi im chịu trận. Lâu lắm, gần như ngộp thở vì mệt mỏi, nàng khẽ khàng lay đứa con trai, " Anh có thể nằm nhích qua một chút cho tôi để cháu xuống không?" Gã con trai nhìn người đàn bà hốc hác, bơ phờ sau hai ngày trên biển, thản nhiên:
" Chỗ ai nấy nằm. Nhích qua sao đủ chỗ cho tôi?"
Gã xoay lưng, dửng dưng tiếp tục giấc ngủ. Người thiếu phụ cắn răng. Đôi lúc, nàng ước ao mình biết chửi thề...
Nàng nhớ, biển ở đó là một phần biển của quê hương nàng- Pulau Bidong- cát rất trắng và nước rất trong xanh. Những đêm ngồi trên bãi biển nhìn về quê cũ, lòng tự hỏi, tại sao cái đích đã tới mà tâm vẫn không thật sự an vuỉ Cứ lấn cấn một điều gì đó về phần đất đã trốn chạy. Cứ lấn cấn mãi trong đời sống về một quá khứ, những kỷ niệm đã để lại ở một nơi chốn rất xa.
Những đêm ngồi ngắm sao trên bờ biển của hòn đảo tỵ nạn, tuổi thơ nàng lại trải dài theo từng chòm sao lấp lánh.
... Cái chiếu hoa trải trên sân xi măng nhà Quỳnh, lũ con gái nhỏ dành nhau nằm vào giữa cho khỏi sợ mạ Hoài cất giọng thành thạo: Đố tụi bay giải Ngân Hà là cái gì? Cả bọn nhao nhao: Là cái gì là là cái gì? Hoài phì cười chỉ vào vùng sao chi chít vắt ngang bầu trời như con sông: Đấy, cái đấy đấy. Mẹ tao bảo ai lúc sống ăn ở hiền lành thì khi
chết sẽ được lên tận giải Ngân Hà. Cả bọn ồ lên khâm phục Hoài. Con bé khoái chí đố tiếp bạn bè về những chòm sao khác, sao Hiệp Sĩ, sao Cái Cân, sao Hoàng Hậu, sao Bò Cạp v.v. . Hoài cứ chỉ nhặng lên; có sao lũ trẻ nhìn ra hình dạng hao hao giống như tên Hoài gọi, có sao nhìn mãi chẳng biết là cái gì thì Hoài lại cười hề hề: Sao Nặng... xạo í mà... Nhìn sao chán thì quay sang thi nhau đọc thật nhanh câu " Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng, bốn ông sáng sao... " Lần nào thì Quỳnh cũng bị loại ra đầu tiên. Cứ tới gần chục ông sao thì lưỡi Quỳnh ríu lại, chữ nọ xọ chữ kia khiến tụi bạn cứ lăn ra cười...
Hoài đã chết trên biển hai năm trước. Chiếc ghe Hoài vượt biên đụng phải cọc đóng đáy của dân chài, tan thành từng mảnh trong một đêm mưa bão. Lan chết vì lao phổi. Bỏ đời sống ở lứa tuổi ngoài hai mươi, những người bạn đếm sao thuở nhỏ của nàng đã có lên đến được giải Ngân Hà?
Gió biển vẫn thổi lồng lộng những ngọn tóc đập vào má nàng ran rát. Nàng nhắm mắt, quên đi, đây là nước Mỹ, quên đi Quỳnh ơi! Đêm đang đi quạ Nàng không thấy mặt trời nhưng cái ranh giới giữa trời và biển trước mặt nàng đang từ từ hiện ra rõ nét. Bầu trời như có bàn tay người họa sĩ pha trộn mầu trắng vào, từng chút và từng chút. Nàng chờ đợi mặt trời sẽ đi lên từ biển như mặt trời luôn từ dưới biển trồi lên ở quê hương nàng. Mặt trời vàng, tròn to như cái dĩa lóng lánh rực rỡ, trải ánh vàng óng lên mặt biển xanh thẫm, và những ngọn sóng tựa ngàn con rắn vàng quẫy mình trườn vào bờ. Nàng vẫn nghĩ mặt trời phải mọc lên từ biển như mặt trời ở quê hương nàng và nàng háo hức chờ đợi cái màu vàng thân thuộc đó.
Bầu trời sáng dần, đùng đục một mầu xanh không thật sự xanh. Biển rõ dần, chì chì một mầu biếc không thật sự biếc. Không có mặt trời đi lên từ lòng biển. Không có đàn rắn vàng tung tăng trên ngọn sóng. Bây giờ thì nàng biết, mặt trời không phải luôn luôn mọc lên từ biển. Và nàng đã biết, ở Galveston, mặt trời không đến từ lòng biển.
Hết