watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Dòng sông biệt xứ - tác giả Trần Kiêm Đoàn Trần Kiêm Đoàn

Dòng sông biệt xứ

Tác giả: Trần Kiêm Đoàn

Huế có dòng sông Hương. Dòng sông mang tên con gái, hay con gái mang tên dòng sông. Khi gọi “Hương ơi!” thì vẻ mượt mà của dòng sông hay bóng dáng yêu kiều của giai nhân đến trước? Nếu đến để mà đi là người con gái, nhưng đến để chảy mãi trong lòng là dòng sông.
Tôi xa Huế tròn 20 năm. Những mảnh đời vinh quang và cay đắng đã thành đồi, thành núi, thành sông… hay chỉ là những đám bụi mù không tên tuổi, lần lượt đến rồi đi cuối mùa như những hàng phượng già trên cao và khóm hải đường dưới đất. Nhưng dòng sông ấy vẫn trôi chảy hoài, có khi triền miên heo hút, có lúc bão liệt cuốn cuồng nhưng chưa có một lần đứt đọan ở trong lòng. Dòng sông như một định mệnh hư ảo, một ám ảnh trường kỳ, một sự vỗ về rất mẹ, một nỗi nhớ rất tình yêu, nhưng chưa bao giờ khước từ sự quay về của ký ức hay chối bỏ những ân tình vắng mặt. Hình như không có ngoại lệ, mỗi người Huế xa quê đều mang theo một dòng sông cho đến cuối đời. Đôi khi ngỡ dòng sông ấy chỉ là tâm ảnh, nhưng không, đó là một hiện thực vô cùng. Những người Huế thành công xứ người vẫn mong ngày về với dòng sông để soi chút vinh quang của mình trên sóng nước. Những người Huế không may sống hẩm hiu xa Huế không mong chi ngày hội ngộ nhưng vẫn man mác nỗi xót xa khi tưởng đến sự cau mặt của dòng sông. Phải chăng tâm lý “soi bóng dòng Hương” đã dự phần năng nỗ “xui khiến” dân Huế tha hương hầu hết nếu không xênh xang áo gấm thì cũng chẳng đến nỗi khăn gói quả mướp... về làng.
Người tìm về sông, sông tìm về nguồn, nguồn tìm về cội. Vì thế mà lịch sử con người khó thấy một vẻ đẹp kỳ tú, một thành phố nên thơ, một quê hương mơ ước mà thiếu vắng một dòng sông. Khi dòng sông khô cạn trong lòng cũng là khi dòng sông biệt xứ.
Âu châu là chiếc nôi văn hóa trong lịch sử văn minh cận đại, nhưng sự trôi chảy của nguồn văn hóa từ từ chậm lại khi văn minh vật chất đày biệt xứ những dòng sông. Có ai từng ngồi bên bờ sông Seine trong một đêm khuya rất vắng, nhìn vẻ mặt ngước lên gần như thảng thốt van xin những ngôi sao đừng chiếu sáng của bức tượng người đàn bà dưới gầm cầu Mirabeau mới cảm nhận hết được nỗi niềm biệt xứ của một dòng sông. Sông Seine mây nước xanh trời thuở Appolinaire làm thơ đã bị mớ văn minh vật chất biến đổi thành một mương nước nông sâu giữa hai bờ xi-măng và đá. Những tòa cao ốc nối đuôi nhau soi bóng hai bên bờ sông Seine thật là tội tình cho dòng sông. Dòng sông như ngỡ ngàng không chảy nổi vì thiếu vắng cây xanh soi bóng mùa Xuân, hoa thạch thảo soi bóng mùa Hè, lá vàng soi bóng mùa thu và những cành trơ xương trĩu tuyết soi bóng mùa Đông.
Ai có lặng lẽ đi ven sông trong buổi chiều về rất chậm trên những thành phố Âu Châu mới thấy được những con sông biệt xứ. Và thật mĩa mai, sự biệt xứ lại thường chỉ dành cho nbững dòng sông con gái hiền hòa có con nước dịu dàng như tóc mây dậy thì dầm sương muối. Còn những dòng sông lãnh chúa vạm vỡ với thủy lưu trùng trùng như Cửu Long, Hoàng Hà, Mississippi, Amazon, Nile, Volga thì vẫn tất bật ra biển về nguồn từ buổi cổ sơ mà không ai ngăn trở. Cũng có những dòng sông qua đời vì cát bồi đất lở trong khi những dòng sông biệt xứ thì vẫn phải sống mòn bất tận. Có chăng một chút reo vui thì cũng chỉ là cảnh cá chậu chim lồng. Những dòng sông đó đã bị con người đày ải để sống cuộc đời của mương nước dòng kênh.
Sông Hương là một dòng sông hiền hòa. Với vẻ đẹp “lung linh đáy nước lưng trời”, dòng sông rất dễ bị con người dựa bóng để trang điểm cho ảo tưởng và khát vọng của uy quyền, giàu sang dễ dãi.
Xa Huế 10 năm, rồi 15 năm, 20 năm, tôi có những lần về thăm Huế. Nỗi vắng lặng 20 năm trước nhường chỗ cho sự chiếm ngự hai bên bờ sông Hương. Về Huế năm 1992, dăm ba quán ăn mọc ven sông Hương có khuynh hướng “bành trướng lãnh thổ” không phải bằng thế mở đất mà bằng thế chiếm sông. Về Huế 5 năm sau, 1997, đã có những công trình giới hạn xây dựng nhà cửa ăn lan ra bờ sông. Và về Huế những lần sau, những ngôi nhà lầu nhiều tầng mọc lên kênh kiệu sát dòng sông. Thiên nhiên lùi bước khi nhà cửa thi nhau soi bản mặt vôi đá, trơ mắt ếnh vô duyên trên dòng sông xanh lồng bóng sương hồng ban sớm và mây tím ban chiều.
Sự nghèo hèn thường dấu mặt, nhưng sự giàu sang vật chất thường ô nhiễm lên nhau. Trong ba, bốn thập niên vừa qua, dân Mỹ giàu có đua nhau dựng nhà trên đồi. Nhìn những bờ đồi xanh bị cạo trọc và những ngọn núi cụt đầu để cho những căn nhà đồ sộ mọc lên, người yêu thiên nhiên phải lắc đầu ngao ngán vì những dãi đồi xanh và những trái núi bầu bĩnh bao quanh những thành phố và thung lũng đầy hoa vàng dần dần sẽ bị đày chung thân biệt xứ. Núi sẽ không còn núi, đồi cũng chẳng ra đồi mà chỉ còn là thế đất cao nhìn xuống những con đường phố.
Những buổi chiều ngồi trên bờ sông, chặng từ Bãi Dâu, Cồn Hến lên Kim Long, Văn Thánh với Túy Linh, Đoàn Tuyền Châu, Hòa, Quyết... chúng tôi thường nói về vẻ đẹp thay đổi từng lúc từ sớm đến chiều của sông Hương và bỗng lo xa, dù cho sự lo xa đó mới chỉ là một sự giả định “Lỡ một mai tê bóng xế qua cầu”...
Nếu tham vọng “Hương Giang hóa” khung cảnh những ngôi nhà quyền thế hai bên bờ sông Hương thắng thế, nét đẹp thiên nhiên của sông Hương sẽ lùi dần. Và dòng sông nên thơ và lãng mạn truyền đời “Hương Giang nhất phiến nguyệt, kim cổ hứa đa sầu” của Huế ấy sẽ từ từ đi vào cõi biệt xứ. Sông Seine ở Paris, sông Thames ở Luân Đôn đã đi vào biệt xứ vì văn minh kỹ thuật đã thắng văn hóa thiên nhiên. Chuyện buồn mấy trăm năm trước ở Âu Châu là một bài học cho Mỹ Châu để đến hôm nay nơi xứ nầy những dòng sông như American River mà tôi vừa đi qua chiều nay vẫn còn lồng bóng lá mùa thu vàng, lam, tím, đỏ.
Dòng sông quê hương của tôi bên trời Hương Giang xa xôi nớ có đang thao thức mùa lá vàng thu như bên ni?!
Trần Kiêm Đoàn
Sacto, California, cuối Thu 2003

Các tác phẩm khác của Trần Kiêm Đoàn

Đàn tràng Giải oan

Khôn dại chợ tình

Con Yêu Bánh Nậm

Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi