watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Trực giác - tác giả Trần Kim Trắc Trần Kim Trắc

Trực giác

Tác giả: Trần Kim Trắc

Nếu nói là hôn nhân sắp đặt e không đủ nghĩa có lẽ nên dùng cụm từ “hôn nhân tùy hứng” giàu ngụ ý hơn. Hai ông được mời dắt con đi dự đám giỗ. Ngắm hai đứa trẻ nõn nà sáng sủa dễ thương, trong khi chén chú chén anh, bèn ngoéo tay nhau sau này chúng nó trưởng thành, học hành đỗ đạt thành nhân, chúng mình kết làm thông gia! Được! Vậy thì dô trăm phần trăm, cụng ly!
Trớ trêu thay, trường hợp này ứng vào số phận của tôi. Theo thời gian tuổi lớn ngày càng cộng thêm, mặc nhiên mỗi lần tôi ở trường về thăm nhà, bà con lối xóm mừng đón rót thêm một câu: Cậu Ba sướng nhé ! Chắc mẻm được làm rể ông chủ vườn bưởi cưới cô mo-de tân cổ giao duyên, đẹp như hoa hậu.
Con gái ông chủ vườn bưởi mang sắc đẹp miệt vườn lên thành phố học. Trai làng tiếc nuối từ nay cây lá vùng gạo trắng nước trong trống vắng một bông hồng, cảm thấy như mình mất đi một quyền sở hữu. Nghe đâu học sư phạm được hai năm cô rẽ ngang để tham gia hoạt động nghệ thuật.
Múa làm nền minh họa cho ca sĩ hát, có phải là múa ba lê đâu mà phải qua trường lớp, chỉ cần biết khiêu vũ học vài bước đi theo nhịp hát, có sắc đẹp, có thể hình bốc lửa là bầu sô chấm ngay. Mơ ước được nổi trội đã toại nguyện ngay bằng con đường tắt ngắn nhất.
Giữa trưa, có tiếng xe ngừng trước nhà con chó vàng gâu gâu mấy tiếng nhìn ra thấy ông Vườn Bưởi sai con lái xe hai bánh đến viếng thông gia tương lai là ông Vườn Cam Sành, cha tôi.
- Mới về hả mậy!
- Dạ cháu về nghỉ hè.
- Ráng học cho giỏi, có mảnh bằng lận lưng rồi về cưới vợ. Ba mày đâu?
- Dạ ba cháu mặc áo rồi ra ngay, mời bác và anh ngồi chơi cháu đi pha nước.
Ông Vườn Bưởi hồ hởi: Tôi đem hai tấm vé mời này đến cho anh chị, mời anh chị chiều nay đi xem con dâu tương lai nó biểu diễn, đoàn nghệ thuật của nó trên thành phố về lưu diễn ở tỉnh nhà, dịp may hiếm có, hai ông bà có mặt đúng giờ nghe! Tôi đón trước cửa rạp.
Nhạc xập xình nổi lên, đèn khán phòng tắt, một vòng ánh sáng màu đưa ca sĩ xuất hiện theo từng bước đi. Vòng ánh sáng đổi màu mấy lượt cho đến khi nghệ sĩ xòe cánh chim nghiêng chào sàn diễn mới bừng sáng lên lồ lộ một thân hình xiêm y tiết kiệm vải. Cô Thu Loan vút cao giọng ca theo động tác múa hòa nhịp với dàn nhạc rộn ràng. Khán phòng bị kích động, có tiếng rít lên the thé.
Bà Cam Sành là mẹ tôi chưng hửng. Trong mắt bà, con dâu cô Thu Loan ngày nào duyên dáng gái miệt vườn, nhịp sống nào nhanh chóng lôi cuốn nó vào vòng thác loạn đến vậy.
Dòng xoáy của mốt đã nhào nặn cô gái vườn bưởi, cô nữ sinh chợ huyện, tận trong mơ ước, tận trong ham muốn nổi trội bằng con đường tắt, không phải do học vấn đào tạo, tài năng và phẩm hạnh mà cô chưa đủ vươn tới để biến mình thành cô gái khác.
- Về thôi ông à! Tôi không xem nữa đâu.
Ông kéo áo giữ bà lại:
- Bà ráng ngồi lại chút nữa đi. Đứng lên bây giờ người ta nói mình phá đám.
Từ đó cho đến khi vãn hát, ngồi trên yên xe ôm xốc xốc theo các lươn sóng con đường làng mùa khô, bà Tư vườn cam hoàn toàn sống trong trực giác.
Với người phụ nữ, trực giác là một giác quan đặc biệt của tâm hồn không những chỉ trong đời sống thực tế mà cả trong sự khôn ngoan của trái tim. Trực giác là con mắt thứ ba của người phụ nữ luôn luôn mở ra một cách nghiêm khắc để quan sát và cảm nhận mọi mặt đời sống nghĩa là mọi hành động của con người quanh ta, nó là một dòng sông chảy nhanh liên tục không đê điều, không ngại tràn bờ, không giới hạn. Nó như chiếc phao cứu sinh để người phụ nữ khỏi bị nhấn chìm, khỏi bị người khác qua mặt. Đối với chị em, trực giác cũng là những dự báo. Người phụ nữ thiếu trực giác, người phụ nữ ấy không thông minh. Những sự hiểu biết không kinh qua trực giác không thể là sự hiểu biết của chính họ.
Về đến nhà, thay áo xong, mẹ tôi giở nắp cái vỏ dừa ủ ấm trà, lấy ra hai cái ly đặt trên cái bàn mặt nguyệt cẩn đá cẩm thạch giữa nhà rót trà cho cả hai người. Hai ông bà ngồi ghế tràng kỷ, tâm trạng má tôi như nước tràn ly:
- Không xong đâu ông ơi! Ông hứng chí ông hứa kết thông gia cam bưởi gì mặc ông, tôi nhất định không giao mạng con trai tôi cho hạng gái này, rước nó vào nhà mình, lên mâm ông nhìn nó bẹo ngực ra mà nuốt trôi cơm được sao?
- Tôi cũng đang phải khó nghĩ như bà đấy! Bà có trực giác chẳng lẽ trực giác của tôi bị câm ? Một đời trồng cam sành, chẳng lẽ nhìn vỏ ngoài trái cam, tôi không biết quả nào chua, quả nào ngọt, quả nào chai quả nào mọng nước, quả nào bị sâu đút?
Nhưng đã trót hứa với người ta, một lời nói ra tứ mã nan truy, ngãng ra cách nào đây cho khỏi mất lòng hàng xã, đã trót bảo với con trai rằng lớn lên mình sẽ cưới cho nó gieo bao nhiêu hy vọng ước mơ, bây giờ biết giải thích cách nào đây để nó khỏi thắc mắc rằng mình đã chọc gậy vào bánh xe can thiệp thô bạo vào quyền tự do hôn nhân của nó ?
Tưởng đâu con trai đã ngủ, đâu ngờ cách bức vách trong buồng hắn vẫn vảnh tai nghe. Đến đây hắn tung chân ngồi dậy, quấn mình trong chăn lù lù bước ra.
- Hoan hô ! Hoan hô má! Đã can thiệp vào hôn nhân của con.
- Ơ ! Cái thằng này, con cái bị cha mẹ cản trở hôn nhân đứa nào chẳng nổi khùng, sao mày lại hoan hô? Tại sao vậy ? Nói!
- Dạ ! Trước nay ba muốn chứ con có muốn đâu? Đẹp thật đó, nhưng trái tim của con chưa hề thổn thức.
- Vậy con đồng ý cho ba má từ hôn với họ?
- Vâng! Có sao đâu?
- Hay là mày đã có đám khác?
- Dạ chuyện đó trời biết!
Trực giác của má tôi lại chuyển sang một đề tài mới thuộc về thì tương lai.
Vậy đến bao giờ mới có cháu cho má bế đây. Có quen đứa nào con cứ đưa về đây cho má coi mắt.
Quyết định xù như vậy rồi, nhưng sợ mất lòng, biết nói sao đây, cha tôi lần lữa mãi. Đến khi tôi tốt nghiệp ra trường nhận nhiệm sở có lương rồi, ông Vườn Bưởi đến giục.
Cha tôi buộc lòng phải né tránh ý nghĩ thật của mình bằng cách chế ra một lý do khác.
- Anh ơi! Anh biết đó, trước nay anh thương yêu con cháu Loan như thế nào, tôi quý mến cháu thế ấy. Anh hiểu cho sinh con đâu dễ sinh lòng, thằng trời ơi nhà tôi lớn lên nó khác lắm, vợ chồng tôi đang khổ vì nó đây. Con anh mà lấy con tôi, tôi e sau này nó sẽ khổ, chứ tôi đâu có dám chê con anh.
- Con anh nó ăn học đỗ đạt, ra có công tác đàng hoàng sao anh lại ghét nó.
- Đâu phải ai có bằng cấp rồi đều là người có tư cách. Thằng trời ơi nhà tôi nó ngỗ ngược lắm. Nó mắc phải cái bệnh dễ tức khí lắm. Anh biết mà, kẻ hay tức khí là người không rộng lượng hẹp hòi, cố chấp - trái ý một chút là đùng đùng, bực bội đòi bỏ nhà đi. Con gái anh như con chim non, như tờ giấy trắng, thử hỏi anh có đành lòng giao sinh mệnh của cháu cho một thằng trời đánh như thằng con tôi. Nếu tôi vì tình riêng mà thúc đẩy cuộc hôn nhân này khác nào tôi biết trước mà vẫn làm điều ác, là tôi có tội với anh. Sau này hạnh phúc của chúng đổ vỡ tôi biết ăn làm sao nói làm sao với anh đây? Vậy mất lòng trước được lòng sao, anh hỉ xả cho phép tôi rút lui vụ này. Tôi quý trọng gia đình anh nên phải xấp mặt nói thế chứ ngàn lần ông Vườn Cam làm sao dám chê ông Vườn Bưởi. Anh vui lòng cạn với thằng em ly rượu này để cho phép thằng em thật lòng tạ tội.
- Thì uống! Thiếu gì mối, nước trong, nước ngoài đủ cả, vậy sau này tôi đem gả chỗ khác đừng có trách nghe!
Tôi đem toàn bộ câu chuyện kể cho Thuận - người yêu tôi nghe, lúc ấy nàng còn một năm nữa mới ra trường Đại học Kinh tế - ở Lương Phú, Tiền Giang đang nghỉ hè. Nàng xỉ lên trán tôi đến cong ngón tay: “Hay tức khí như vậy, sau này ai chịu cho thấu?”.
- Em đừng lo, đó là ông già bôi tro trát trấu cho anh trở thành con ngáo ộp để cho người ta chê ủng chê ôi vậy mà. Anh năm nay hai mươi bốn, tuổi con rắn mà là con rắn nước hiền lắm. Như cục bột vậy, ai muốn nắn thành bánh gì thì nắn.
- Xạo! Con trai anh nào chẳng vậy, cộc thấy mồ.
- Thói xấu anh đã có cách khắc phục từ lâu rồi.
- Xạo!
Tôi ngỏ ý muốn đưa nàng về ra mắt gia đình cho biết.
- Không nên đâu, má anh là người giàu trực giác bỗng dưng con gái đến nhà con trai, bà sẽ nghĩ gì? Anh cho em một tuần lễ.
Cuối tuần tôi về thăm nhà, trịnh trọng đặt ra trên bàn 5 lọ nắp rộng - một lọ mứt chùm ruột, một lọ chuối ngào dừa hạt điều, một lọ trái tắc ngâm đường, một lọ mắm ruột, thưa rằng do người tự tay làm kính biếu ba má nếm thử.
- Ai vậy! Có phải người này hớp hồn con trai của ba má rồi không! Ngon đấy ăn được, nếm thử đi ông!
Tôi lấy ảnh nàng đưa ra: “Má xem đi, cho đủ công dung ngôn hạnh”.
- Trăm phần trăm con gái nhà lành đó má !
- Mới công dung thôi ! Còn ngôn hạnh nữa. Con phải đưa cô ta về đây cho má hỏi thăm với chứ!
- Má cho phép rồi đó nghe! Vậy con sẽ rủ cô ấy về. Cho điểm mười nghe má!
*
* *
Đò máy chở khách qua sông Tiền từ Vĩnh Kim về Phú Đức 20 phút xuất bến một chuyến.
Tôi kéo con vào lòng ngồi bên vợ. Tôi ngẩng lên, trước mặt tôi trên hàng ghế đối diện là Loan.
- Chào Loan, cô về Tết à! Anh ấy đâu?
- Ảnh về đón giao thừa bên nội của ảnh còn tôi về ngoại. Sau Tết anh mới về đón.
Tôi hướng về hai cô gái ngồi hai bên:
- Còn hai cô này?
- Hai đứa nó bế con cho em.
- Bé xinh quá. Năm mới tôi thành tâm chúc Loan được hạnh phúc.
- Hạnh phúc ư? Còn xa lắm mới với tới. Tôi thấy Loan ngoảnh mặt nhìn ra ngoài sông rộng ươn ướt bờ mi.
Vợ tôi bóp vào tay tôi có ý nhắc nhở bảo đừng nói nữa e chạm đến vết thương lòng chưa đoán được.
Bất ngờ cô ấy quay mặt lại hỏi vợ tôi:
- Chị Thuận, anh ấy sống với chị như thế nào?
- Chồng em hả! Cũng dễ chịu thôi!
- Vậy mà người ta bảo tất cả đàn ông đều dễ tức khí hung hăng và vũ phu.
- Em cầu mong trong số đó không có ông xã nhà chị!
Sáng mồng 6 Tết, tôi lái xe đưa vợ tôi đi chợ quê. Trong khi chờ đợi nàng đi mua sắm tôi vào quán cà phê gọi một ly đen. Chợt thấy chồng Loan một mình bước vào, tôi bắt tay anh kéo ngồi xuống cùng bàn:
- Chúc mừng anh hạnh phúc, hiếm có người nào thương vợ con bằng anh, mỗi cháu bé có riêng một cô bảo mẫu - Sướng nhất trần đời là anh.
Anh ấy đưa bàn tay ngửa cổ, cứa ngang qua thè lưỡi nói: “Thôi anh ơi, đừng có quá khen, sợ không kéo dài được đến năm con chó! Mới bị bà già vợ giũa cho một trận bực mình bỏ ra đây đây! Yêu với đương là đau khổ, mà chưa có đau khổ thì chưa có khôn. Khi người ta ngưỡng mộ một con người về một mặt nổi trội nào đó, người ta vỗ tay và người ta nhầm lẫn rằng đối tượng ấy toàn bích trên tất cả các bình diện, người ta cưới nhau rồi thấy không phải vậy người ta vỡ mộng.
Cưới nhau về sống chung rồi mới biết, cô ta sinh con, nhưng không thích làm mẹ. Đêm ngủ không bao giờ thay tã cho con, cứ để cho bé tè ra mặc sức thấm vào nệm bông ướt đẫm ra như bãi bùn còn mẹ thì ngủ thẳng cẳng, sáng ra bỏ máy giặt quay cho khô. Ông bà già tôi thương cháu bỏ tiền ra thuê cho mỗi đứa cháu một cô giữ em, chứ tôi cũng chưa có nghề sống bám vào trợ cấp gia đình làm gì có tiền thuê bao dữ vậy? Cơm nước không biết nấu, ở nhà còn phải có một cô cơm nước giặt giũ lau nhà nữa. Chỉ có giỏi xách tiền đến mỹ viện thôi. Biết thế tôi kiếm một cô vợ bình dân làm nội trợ, nuôi con đều giỏi. Anh ma giáo lắm đó, hồi ấy anh đánh bài chuồn để tôi phải gánh cái của nợ. Vậy mà còn về mách bà già vợ đòi ly dị với tôi, đổ cho tôi là hay tức khí hung hăng, dùng quả đấm. Tôi vốn nóng tính mà! Trái tai gai mắt là tôi nện. Ai muốn biết hình mẫu gia đình cá thể ra làm sao xin mời đến nhà tôi! Một anh đàn ông, một người đàn bà và ba cô giúp việc.
* * *
Cuốn phim đời lướt qua trong đầu tôi như một ký ức, tôi phục lăn đầu óc trực giác của mẹ tôi. Càng phục tài cha tôi bịa ra hình tượng nhân vật hay tức khí là tôi để hồi hôn, lại ứng vào anh chồng đang tố khổ vợ trên bàn cà phê này.

Các tác phẩm khác của Trần Kim Trắc

Ông Thiềm Thừ

Tuyển tập truyện ngắn Trần Kim Trắc

Nụ Cười Năm Ấy

Con mắt thứ ba