watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Thiếu phụ bên khung cửa - tác giả Vân Hải Vân Hải

Thiếu phụ bên khung cửa

Tác giả: Vân Hải

Mai ái ngại nhìn theo chú chim nhỏ đang vừa xù lông rụt cổ vừa nhảy chuyền cành nọ sang cành kia, cuối cùng chui vào bụi cây thấp bên cạnh giếng nước nhà nàng. Bên ngoài tuyết đổ mênh mông. Những cụm bông trắng nõn thi nhau ào ạt rơi, trắng đặc không gian, phủ gần kín thảm cỏ xanh và đám cây thuya gần hàng rào. Miệng giếng vốn tròn lúc này trở thành vòng sáng trắng lung linh óng ánh như vòng kim cương lớn, nổi bật trên thành giếng xây bằng gạch đã lâu ngày, rêu xanh mọc lốm đốm, đúng chỗ gạch vỡ.
Trời thật lạnh, nhưng nắng vẫn to. Tuyết đổ xiên xiên trong ánh nắng rực rỡ cùng sự tĩnh mịch của buổi trưa mùa đông năm nay. Chú chim hình như đã tìm được nơi tạm dung thân nên Mai không thấy nữa. Nàng chợt bắt gặp trong khung cửa kính nơi nàng đứng áp sát vào, mờ mờ ẩn hiện khuôn mặt một thiếu phụ với ánh mắt có vẻ u buồn. Vài sợi tóc mai lòa xòa cọ vào má. Mai vén tóc lại cho gọn trong vòng vải buộc tóc, tiếp tục đăm chiêu ngắm người thiếu phụ hiện trên khung cửa kính.
Những nét xuân thì chỉ còn thấp thoáng. Nàng nhìn sâu vào đôi mắt người thiếu phụ, nhìn thật lâu. Anh cười trong đôi mắt người ấy dìu dịu, bớt nhiều long lanh. Mai cúi nhìn sợi tóc vương trên vai, nhận thấy tóc mình đã thưa dần và có nhiều sợi bạc. Đưa bàn tay ra trước mặt, lật sấp lật ngửa đôi ba lần, Mai bật cười nhìn hai bàn tay mình. Hai bàn tay chắc chắn không phải để đeo nữ trang, ngoài chiếc nhẫn cưới. Hai bàn tay nhăn nheo, nổi gân, đốt xương to, móng tay cắt ngắn sát. Hai bàn tay là tay thợ, để đục đẽo, cưa xẻ, đóng đinh, trộn hồ và sơn phết nhà cửa, như Mai đã từng làm trong nhà mình.
Quả thật Mai cũng phải tự thú nhận mình không là người nội trợ giỏi. Làm những món ăn qua loa hàng ngày còn tạm được, nhưng đòi hỏi những món cầu kỳ, mất nhiều thì giờ và tài ba thì Mai đầu hàng vô điều kiện. Cho nên mỗi khi có dịp họp bạn, các bà các cô xúm nhau nói chuyện nữ trang, quần áo và nhất là gia chánh, thì Mai từ từ rút lui, chuồn sang phía nam giới tán góp những chuyện xây cất hay sửa sang nhà cửa.
Chú chim nhỏ đã bay đi từ lúc nào Mai không để ý, bây giờ chú trở lại với người bạn lòng của chú. Đôi chim tíu tít trong bụi cây một lúc rồi nép sát vào nhau, âu yếm, rụi đầu rụi mỏ. Mai nghĩ đợi chúng bay đi sẽ đem ít hạt để gần đó còn bây giờ không nên khua động không khí êm đềm, vui thích đang bao trùm đôi chim. Nhìn đôi chim săn sóc nhau, Mai trạnh nghĩ tới mình và lại liếc nhìn người thiếu phụ trong khung cửa, rồi bất giác nhìn bộ quần áo thể thao, đôi giầy basket Mai rất thường mặc vì thấy rất phù hợp với sinh hoạt của mình, mặc dù nàng không chơi thể thao.
Tuyết vẫn đổ, có lẽ nhiều hơn lúc nãy. Cánh rừng nhỏ cạnh nhà trụi lá, giơ cành hứng tuyết. Bất chợt Mai thèm đi ra khỏi nhà. Nàng vội rời khung cửa sổ, mở tủ tìm áo ấm, khăn quàng len và thay đôi giầy đi tuyết. Sâu chìa khoá nhà đút trong túi áo, Mai đi vào khu rừng nhỏ dưới trời tuyết đổ mênh mang.
Rừng cây thật tĩnh mịch. Cành cây trơ xương như cánh tay gầy giơ lên hứng sương đêm đã kết thành vô vàn chuỗi kim cương lóng lánh dưới ánh nắng, giờ đây lại hứng thêm biết bao cụm bông trắng nõn bay lả tả khắp không gian. Con đường nhỏ trắng xóa dẫn Mai len lỏi trong thế giới lung linh, huyền ảo. Mai sung sướng quên những tái tê trong đời mình. Nàng vui sướng thực sự trong trạng thái yên tĩnh riêng tư.
Còn đúng một tháng nữa, Mai đã định cư ở Pháp được mười năm. Một nửa thời gian tranh đấu với những khó khăn ban đầu trong cuộc đời tị nạn. Giờ đây mọi chuyện vừa tạm ổn định. Một căn nhà nhỏ, một khoảnh vườn trong quận lỵ nhỏ nhưng nhiều cây xanh. Những thung lũng thoai thoải giữa những đồi thấp khiến quận này mang vẻ thơ mộng của Đà Lạt, nhất là vào những ngày sương mù.
Có những buổi đi bộ trên những con đường quanh co, lên xuống, trong sương mờ đặc, thấp thoáng ánh đèn vàng ấm áp hắt ra từ một quán cà phê nào đó, cổ áo kéo cao, tay thọc trong túi áo dạ, co ro trong hơi lạnh ban đêm, Mai có cảm tưởng đang đi trên những con đường cũ, những con dốc của Đà Lạt, cùng Bùi đi ăn phở khuya, vừa ở rạp chiếu bóng ra hay vừa đi hái lộc đêm 30 ở chùa về. Cảm giác dường như còn chút hương trầm phảng phất đâu đây. Mai nhớ vạt áo dài nhung xanh sẫm, nhớ tấm khăn san mỏng choàng tóc, nhớ cả cảm giác cọ sát của ống quần sa tanh mềm mềm quấn quít bên chân. Những ngày đó đã qua lâu rồi, nhưng trong tâm hồn Mai hình như chỉ mới qua đây.
Đã nhiều năm rồi nước Pháp bị hạn hán. Rồi chẳng biết vì đâu, hai năm liên tiếp, thiên tai khác lại đến. Lũ lụt làm tan hoang cả một vùng rộng ở miền Nam. Bao nhiêu gia đình một sớm một chiều mất tất cả. Truyền hình cho xem những cảnh thảm khốc của thiên tai làm Mai nhớ tới cảnh lụt ở miền Trung Việt Nam, những buổi cùng Bùi đi quyên góp từng ký gạo, từng manh áo, từng vật dụng hàng ngày, những buổi văn nghệ cứu trợ, những ngày đi ủy lạo v.v...
Sau bão lụt, chưa kịp khô ráo, vì đã sang thu, đột nhiên tuyết đổ tơi bời. Giá rét âm độ, mặc dù chưa phải mùa đông. Trong vòng một tuần lễ đã có 10 người chết cóng. Nhìn những người vô gia cư, vô nghề nghiệp, đầu tóc bù rối, râu ria che gần kín mặt, quần chùm áo đụp, cả gia tài chỉ còn vài chiếc bị rách bẩn thỉu hay thùng các tông ọp ẹp cáu bẩn, lê thân nặng nề co ro dưới trời tuyết sương giá buốt, Mai không khỏi xót xa. Nàng lại nhớ đến những thân gầy khẳng khiu trơ xương, những hố mắt đen sâu thẳm, nhớ tiếng trẻ thơ khóc khan hơi từ một mái tôn cong vênh thủng nhiều lỗ, trong bãi rác ngập ngụa hôi tanh, hừng hực hơi nóng nhảy múa dưới trời nắng chang chang ở quê hương.
Những thảm cảnh đó tuy ở đâu và thời nào cũng có, tuy nhiên riêng đất nước mình, Mai chưa hề thấy sút giảm, mặc dù nhà cầm quyền đã tuyên bố « đổi mới ». Có thay đổi chăng là trước đây tuy nghèo đói mà vẫn còn chút liêm sỉ, song bây giờ, không những vẫn nghèo đói mà lại thêm phần bất lương. Phẩm giá con người không còn chỗ đúng trong quan niệm sống nữa.
Một tiếng thở dài vọng đến từ thâm tâm. Mai chợt thấy buồn mênh mang.
Tuyết tiếp tục rơi, mỗi lúc mỗi nhiều. Những kỷ niệm và suy tư lộn xộn theo chân Mai lang thang trong khu rừng vắng lặng. Không có tiếng chim ríu rít đang độ mùa hè hay tiếng trẻ nô đùa vào những buổi sáng nắng ấm. Cả khu rừng chìm trong làn gió nhẹ thổi bay từng bông tuyết trắng. Hoàn toàn không có ai vào đây trưa nay. Mai đi một mình như đi với nỗi cô đơn của đời mình từ ngày qua Pháp. Những hình ảnh về những ngày sống bên Bùi như nàng chợt nhớ đến đã đi vào kỷ niệm. Đó là một thời đã xa lắm. Nàng vẫn cho rằng mới hôm qua đây vì luôn luôn nghĩ tới. Sự thật thì Bùi không còn là của nàng nữa. Bùi vượt biên một mình. Mai kẹt lại chỉ vì mẹ quá già yếu, không thể đương đầu với sóng gió, với những gian truân chắc chắn gặp phải trên đường vượt biển. Hai vợ chồng nghĩ rằng sự hy sinh của mình cho mẹ sẽ được đền bù xứng đáng bằng sự thành công của Bùi rồi sau đó bảo lãnh mẹ và vợ sang sau. Hay ít ra cũng là riêng Mai nghĩ và hy vọng như thế. Mong Bùi không quên tình quên nghĩa khi sống xa nhau.
Chẳng hiểu khi vượt biên, thành công rồi, thủ tục bảo lãnh thân nhân ở Pháp, nhất là cho người vợ ra sao mà Mai đợi gần 10 năm trời ròng rã. Mẹ kiệt quệ, mất trong cơn bạo bệnh. Những lá thư và gói quà lúc đầu được tới tấp gửi về, sau thưa dần, rồi cuối cùng bặt luôn. Cùng lúc Mai nhận tin « bán chính thức », do người quen cho biết, Bùi đã ăn ở với người khác. Nhưng đồng thời thủ tục bảo lãnh có hiệu lực sau một thời gian cứu xét quá lâu. Mai sững sờ, Mai do dự, đã định không ra đi, không bao giờ muốn nhìn mặt con người phản bội và nhất là không muốn nhờ vả gì Bùi nữa cả, vì biết theo luật bảo lãnh, người đứng đơn phải lo toan hết phí tổn. Nhưng đời sống chung quanh quẫn cùng quá, khiến con người trở nên hèn mọn. Tự do bị thủ tiêu trắng trợn. Nhân quyền bị chà đạp ở cái xã hội Mai đã lên án từ lâu, đã quyết tâm từ bỏ từ lâu. Mai đành cam tâm chấp nhận sự giúp đỡ của Bùi, coi như mang cái nợ phải trả đối với Bùi.
Mai bước xuống phi trường Charles de Gaulle, Bùi ra đón. Nàng muốn trào nước mắt vì tủi buồn, vì giận, vì uất ức và vì thất vọng. Nhưng Mai cố dằn mọi cay đắng xuống đáy lòng. Nỗi chán chường xâm chiếm tâm hồn. Cùng với sự gặp lại Bùi, Mai nhận thấy rõ rệt tình yêu trong mình vừa tắt ngấm. Thật sự và hoàn toàn. Bùi có vẻ ngạc nhiên khi thấy Mai thản nhiên đề cập vấn đề chia tay một cách dễ dàng không ngờ và ngay khi vừa gặp mặt nhau. Mai sẽ tự lo lấy thân, sẽ không phiền hà gì tới Bùi. Mai nói một cách rõ ràng để Bùi không còn chút lo ngại gì hết. Từ ngày đó đến nay, Mai giữ đúng lời đã hứa.
Chỉ 2 tháng sau khi lo xong thủ tục hành chánh, nhờ một cơ quan tôn giáo giúp đỡ, Mai có được chỗ ở miễn phí trong 6 tháng. Đó là điều tối cần thiết ở xứ lạ. Ngay sau đó, Mai tìm được việc làm. Thật ra thì Mai đành nhận bất cứ việc gì miễn tự lo thân càng sớm càng tốt. Không thể chần chờ, kén chọn.
Ngày Mai lóng ngóng đứng trông gian hàng ngoài trời giá rét, người run cầm cập vì chưa quen với cái lạnh cắt da ở xứ này, một nỗi tủi thân tràn gập tâm hồn. Hai mắt và mũi đỏ lên vì rét cóng mà phần lớn là vì khóc nhiều. Thương thân đơn chiếc, tủi cực. Vì là nhân viên mới nên chủ và người làm cũ có ý dìm. Do vậy đẩy Mai ra đứng trông hàng phiá ngoài lề đường. Tuy nhiên không phải đứng cả ngày. Có người thay phiên, mỗi người một buổi. Ít ra cũng còn chút công bằng. Mỗi ngày có một giờ nghỉ vào buổi trưa. Những nhân viên ở gần đi về nhà, một hai người ở xa thì họ rủ nhau đi ăn ở các quán quanh vùng. Riêng mình còn bỡ ngỡ, chưa quen biết ai, hơn nữa chẳng dám bỏ nhiều tiền cho bữa ăn trưa, Mai chỉ dám mua một khúc bánh mì. Mua xong xớ rớ chưa biết đi đâu, ngồi đâu để ăn và để qua một giờ chờ đợi trong cái lạnh tê người. Nhìn quanh quất, thấy một nhà thờ nhỏ, cũ kỹ, tường đen thui đầy bụi thời gian. Mai mừng rỡ, đẩy cửa bước vào. Ánh sáng chỉ lờ mờ chiếu qua những khung kính nhiều mầu gắn tít trên cao. Cả nhà thờ vắng lạnh, im lìm không một bóng người. Lạnh. Nhưng ít lạnh hơn bên ngoài. Bớt gió. Mai ngước nhìn tượng Chúa trên cây thập tự. Lòng thì thầm. Lạy Chúa, con là người ngoại đạo, nhưng vẫn biết Chúa là bậc nhân từ vô bờ bến. Ngày hôm nay vào đây xin tá túc qua cơn lạnh ngoài kia, mong Chúa thương tình giúp dỡ con trong lúc khốn khó này. Thì thầm xong, Mai ngồi xuống hàng ghế cuối cùng, trong bóng tối, khuất sau một cái cột. Ghế dài bằng gỗ bóng láng. Lạnh. Mai rùng mình. Mai ngồi, vừa run vừa nhai trệu trạo khúc bánh mì nguộâi, cố thu vén không để vụn bánh rơi vãi.
Bốn tháng đã qua. Mai không ngờ mình chịu nổi công việc cực nhọc như thế. Mỗi ngày Mai đều vào ngôi nhà thờ nhỏ đó để nhai mẩu bánh mì nguộâi và thì thầm nói chuyện cùng Người. Những suy tư và những ước vọng của mình Mai thành thật giãi bày, kể lể như với người bạn thân thiết.
Bỗng một hôm, xem báo, thấy người ta tìm người giữ két cho một tiệm bán chăn mền, khăn trải giường, khăn bàn và linh tinh khác. Mai đến xin việc và được nhận ngay. Ôi mừng không sao kể xiết. Từ nay giã từ những buổi đứng tê cóng ngoài trời giá rét. Mặc ấm đến đâu và làm cách gì người vẫn run cầm cập.
Mai đến ăn lần cuối ở ngôi nhà thờ nhỏ. Lạy Chúa, chẳng hiểu có phải Người đã giúp con không, nhưng con vẫn xin cảm ơn Người, cảm ơn Người đã cho con vào đây sống cùng Người trong mấy tháng qua? Kể từ nay xin tạm biệt nơi này, nhưng con sẽ chẳng bao giờ quên những tháng ngày vừa qua.
Chủ tiệm mới là người Do Thái. Ông ta kể ông ta đã thoát chết trong cuộc khủng bố của tụi Đức Quốc Xã thời xưa, nên rất thông cảm tình cảnh những người chạy trốn chế độ độc tài tàn ác. Ông ta tin cẩn giao hoàn toàn cửa tiệm cho Mai. Mỗi chiều, khi gần đóng cửa, ông ta đến lấy tiền và hỏi về mức bán cùng những hàng phải mua vào, thế thôi. Mai tưởng ông ta chỉ thấp thoáng như thế thì làm sao biết Mai sinh hoạt ra sao trong ngày, lúc ông ta vắng mặt. Nhưng cuối tháng, ngoài chi phiếu tiền lương chính thức, Mai thấy trong phong bì một số tiền mặt. Số tiền tuy nhỏ, song vài câu ghi trong tờ giấy kèm theo làm Mai xúc động « Xin bà nhận số tiền nhỏ này, gọi là giúp bà có thêm bữa ăn trưa đầy đủ hơn ».
Mai vừa khóc vừa cười khi đọc dòng chữ đó. Nàng không ngờ ông ta tinh ý và chu đáo đến thế. Hàng ngày vì tằn tiện, đến giờ ăn, Mai chỉ chạy sang cafétaria bên cạnh lấy đúng một dĩa salade đem về tiệm ngồi ăn. Đĩa rau chỉ tốn 10 quan. Cách cư xử của ông chủ tiệm khiến Mai cảm động. Tiếc rằng, sau hai năm buôn bán, phụ Ông ta, ông ta cho biết ý định dẹp cửa hàng để về hưu. Ông ta quá mỏi mệt, chẳng còn thiết làm giầu thêm nữa. Ông ta tâm sự rằng từ đây mới là lúc ông ta được sống thật sự không lo lắng gì nữa hết. Hai vợ chồng sẽ đi du lịch khắp nơi trước khi quá già, không đi đâu được nữa.
Mai lại đổi việc. Nhưng được chỗ tốt. Yên thân cho đến hôm nay. Ngoài giờ đi làm, Mai ít giao thiệp. Một số rất ít bạn ngày xưa biết vợ chồng Mai và vài người bạn từ thời con gái. Ngoài ra không còn ai. Vài người bạn, thấy nàng đơn côi, muốn giới thiệu, nhưng nàng từ chối. Vài người đàn ông độc thân lân la làm quen. Có người xỗ xàng cứ tưởng đàn bà đã có một đời chồng, dù lỡ dở hay góa bụa, hoặc bi....bỏ rơi, như trường hợp Mai, thì chắc phải dễ dàng. Họ nghĩ một cách trắng trợn rằng có mất cái gì đâu, cứ việc ăn chơi xả láng, tội gì mà sống cú rú trong xó nhà, uổng cả một đời. Những người như thế, Mai cố tránh xa vì tư cách thiếu lễ độ của họ. Những cái đụng chạm, vuốt tay, vịn vai gỡ gạc v.v...chỉ khiến Mai thêm khinh bỉ. Nhưng phải kể cả những người ái mộ âm thầm và đứng đắn. Tuy nhiên Mai thấy lòng dửng dưng. Tình yêu có lẽ đã tàn lụi thật sự như khi gặp lại Bùi ở phi trường. Người thiếu phụ trong khung kính Mai vừa nhìn thấy đã băng qua những rung động, những xáo trộn của cái tình cảm mang tên tình yêu lứa đôi, như người ta đã băng qua dòng sông rộng chập chùng sóng cuốn, với những hào quang quyến rũ và những khúc xoáy nguy hiểm của dòng nước, mà không hề có ý định trở lại con đường cũ.
Mai thấy mình thanh thản trong sự cô đơn, mặc dù luôn luôn sống với biết bao kỷ niệm êm đẹp thời đã qua như vừa rồi lúc lang thang một mình trong khu rừng vắng vẻ.

Hết

Các tác phẩm khác của Vân Hải

Phiên tòa

Ông Năm

Ông Bà Cụ Đakao

Khuôn Mặt Thời Đại

Khung cửa hẹp

Hắn

Cu Tường

Con Bé

Chung

Chị tôi

Bóng Xế Tuổi Vàng