watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cây cầu dang dở - tác giả Văn Thiện Văn Thiện

Cây cầu dang dở

Tác giả: Văn Thiện

C hiếc cầu chúng tôi được giao nhiệm vụ xây dựng bắc qua một dòng sông nhỏ và nằm cạnh cây cầu vẫn đang dùng, thực ra đã được một đơn vị khác bắt đầu thi công từ lâu lắm. Làm được một thời gian, không hiểu sao họ ngưng lại mấy năm và bây giờ thì bỏ hẳn. Khi chúng tôi đến nhận bàn giao, trên công trường chỉ còn lại mấy cái dầm bêtông đã đúc xong nằm phơi mưa nắng và ngoài sông là hai mố cầu cùng một trụ cầu loang lổ rêu mốc trơ trọi với thời gian.
Đi theo đường quốc lộ, cách công trường chừng cây số có một xóm nhỏ nhưng khá nhộn nhịp vì hầu như nhà nào cũng bán hàng, không phải hàng ăn thì là hàng cà phê hay tạp hóa. Mỗi khi có khách hay khi muốn thay đổi khỏi những món ăn chém to kho mặn của nhà bếp công trường, tôi thường ghé vào một quán cơm của xóm, lúc đầu còn thưa thớt, sau gần như thành khách quen của quán đến độ nhiều khi không cần hỏi, họ đã mang ra đúng món tôi thích.
Điều làm tôi hay nhớ tới quán cơm này không hẳn vì thật sự họ nấu ngon và sạch sẽ. Cũng không phải vì bà chủ quán xởi lởi, béo lẳn lại hay mặc chiếc áo xẻ ngực rất sâu và xẻ lườn rất cao, khoe làn da trắng nõn mỡ màng rất hiếm thấy ở vùng đất miền Trung nắng cháy này. Mà vì người phục vụ trong quán.
Quán có ba người phục vụ, hai cô gái trẻ và một phụ nữ chừng ngoài ba mươi. Người phụ nữ thường ở trong bếp, ít khi ra ngoài chạy bàn nên lúc đầu tôi không để ý lắm. Dần dần về sau nàng mới khiến tôi quan tâm vì sau một nhan sắc rất bình thường, nàng lại có cái vẻ kiêu hãnh ngấm ngầm không cố ý hiện lên trong ánh mắt và trong cách cư xử của nàng với những thực khách trong quán, làm cho người ta có cảm giác nàng rất xa cách và thấy ngần ngại khi muốn buông lời trêu đùa với nàng. Và một điều làm tôi hơi ngạc nhiên và có phần thích thú là nàng rất hay kín đáo nhìn tôi, không phải bằng ánh mắt dửng dưng như với mọi người - dù đã nhiều lần nàng bắt gặp cái nhìn của tôi hướng về nơi vòng hông rộng, đầy đặn và cặp mông nở nang đầy sức sống của nàng.
Một hôm ăn xong, tôi sang quán ca phê gần đó ngồi tới chiều. Khi trả tiền cà phê tôi mới nhớ ra mình chưa trả tiền cơm. Quay qua hàng cơm, tôi thấy quán vắng ngắt, chỉ còn một mình nàng đang thong thả dọn bàn. Trả tiền xong, tôi tranh thủ nấn ná trò chuyện thêm với nàng. Đó là lần đầu tiên tôi và nàng nói chuyện với nhau. Câu chuyện ngắn ngủi nhưng đủ để tôi biết rằng nàng có một con, đã ly dị và đang sống cùng bố mẹ ở cái thôn nhỏ gần đây. Và quan trọng nhất là lời mời tôi đến nhà nàng chơi.
Tôi đến nhà nàng chơi vào một buổi chiều mấy ngày sau đó. Nhà nàng ở ngay đầu xóm núi, rất dễ tìm. Một căn nhà nhỏ đơn sơ nằm giữa một khu vườn khá rộng, trước nhà có một cái sân gạch để phơi lúa. Ông bà vừa đi làm đồng, ở nhà chỉ có mình nàng. Ngồi nói chuyện một lát, tôi rủ nàng đi chơi. Nàng gật đầu đồng ý và vào buồng thay quần áo mà không hỏi tôi sẽ đi đâu.
Tôi không đi ra đường quốc lộ mà chở nàng chầm chậm đi vào phía trong núi. Con đường đất vắng vẻ chạy vòng vèo qua những ruộng lúa nhỏ, những đồi keo, đồi thông rồi dẫn đền một hồ nước thủy lợi rộng mênh mang. Đi theo bờ đập một đoạn dài, tới một rừng keo chạy xuống sát mép nước thì tôi dừng xe lại rồi hai đứa nắm tay nhau lững thững đi xuống bờ hồ. Ngồi lên một tảng đá lớn, tôi nhẹ nhàng kéo nàng ngả vào lòng rồi cả hai cùng im lặng, tay trong tay ngắm miên man những con sóng lấp lánh nắng chiều đang đuổi nhau bất tận trên hồ. Im lặng đến khi trao nhau cái hôn ban đầu nỏng bỏng, dài như vô cùng, im lặng cả khi quấn lấy nhau làm tình trong đam mê và cuồng nhiệt. Như thể hai đứa là đương nhiên thuộc về nhau. Từ lâu lắm.
Từ sau hôm đó chúng tôi thường gặp nhau mỗi khi buổi chiều nàng được về sớm. Không như các cặp nhân tình khác, chúng tôi ít khi đưa nhau vào nhà nghỉ mà thường đi sâu vào trong núi, qua cả hồ nước của buổi ban đầu, lên tận những nương rẫy bỏ hoang trên đỉnh núi, từ đó có thể thấy cả một vùng rộng lớn như đang nằm trong lòng bàn tay, với những xóm làng, người xe bé tí cần mẫn chạy tới chạy lui như đàn kiến. Ngồi bên nhau, hai đứa thường im lặng hàng giờ, bởi khi thoát ra khỏi quần áo cùng những lo toan ràng buộc đời thường, dựa sát vào nhau như hai con người thuở hồng hoang, hình như mọi lời nói trở nên thừa. Vả chăng khi ngồi trên đỉnh núi vắng lạnh, cái cảm giác thoát tục, cảm giác bị đẩy đến tận cùng nỗi cô đơn như thể đã bị tách khỏi cuộc sống loài người, dường như khiến người ta thêm khao khát và nhạy cảm hơn với từng đụng chạm nhỏ của đồng loại, chứ không phải là những lời nói. Bỗng nghiệm ra rằng trong cuộc đời này ngoài danh và lợi ra con người ta còn cần rất nhiều thứ khác nữa, khó kể hết bằng lời. Và lạ lùng là thật ra, những gì con người thực sự cần cho cuộc sống của mình thì lại rất ít ỏi. Vài lít nước, vài ngàn calori và một ít sinh tố mỗi ngày … Vậy mà người ta vẫn mải miết kiếm tiền mà bỏ qua nhiều điều nên được hưởng. Để thu về đôi khi quá thừa so với những gì người ta thực sự cần đến …
Thỉnh thoảng, khi chán lên núi chúng tôi lại xuống biển chơi.Vùng quê yên tĩnh này có cái hay là núi và biển kề bên nhau, một bước chân là lên núi, một bước chân là xuống biển. Nơi chúng tôi hay đến là một vách núi không cao lắm nhưng dốc đứng xuống biển, nằm cuối một rừng dương vắng lặng, gần như không có dấu chân người. Hai đứa thường giấu quần áo, giày dép vào một hốc đá phía trên rồi dẫn nhau xuống tận những tảng đá nằm gần sát mép biển, nơi thỉnh thoảng lại có một con sóng lớn ào ào tung bọt trắng xóa trùm qua. Và vẫn như mọi khi, hai đứa chỉ im lặng ôm nhau nằm hàng giờ trên tảng đá, giống như hai sinh vật biển bị sóng đánh giạt lên bờ. Im lặng để cảm nhận hơi ấm của nhau sau mỗi cơn sóng biển mát lạnh đổ lên người. Để ngắm thân hình nàng hiện lên sau mỗi lần đám bọt nước xèo xèo đổ xuống và tan nhanh trên da thịt nàng, ngắm làn da trắng mịn, mềm mại và những nét cong đầy đặn trên cơ thể nàng bên cạnh hình thù gân guốc, đen sẫm trong nước biển của bờ đá. Nằm giữa trời và biển, chợt cảm thấy con người mình thật là bé nhỏ. Mà những đam mê và hoan lạc người ta có thể mang lại cho nhau thì thật là vô cùng.
Một lần tôi đến nhà nàng đúng lúc trời sắp đổ mưa. Thấy tôi đến nàng mừng quýnh vì có người giúp nàng thu gọn sân thóc đang phơi. Ông bà đi ăn cỗ tối mới về, con nàng đi học, may sao tôi lại đến đúng lúc. Dọn thóc vừa xong thì trời đổ mưa to. Nàng đẩy tôi vào nhà rồi quay ra dọn sân.
Ra cái giếng sau bếp, tôi loay hoay mãi không làm sao múc nổi một gàu nước. Tới tận khi nàng vào, chỉ một cái lắc tay nàng đã xong và thoăn thoắt kéo nước lên. Rồi nàng đứng trước mặt tôi hối hả trút bỏ bộ quần áo ưới sũng vì mưa. Tôi hỏi đùa: “mọi ngày toàn để thế này lên nhà lấy quần áo à?”. Nàng hơi đỏ mặt “Tại thấy anh đứng mãi không múc nước được nên em vội vào chứ. Thôi xong rồi thì lên nhà đi. Nhiều chuyện”.
Ngồi một mình trên gian khách, tôi nhìn ngắm khắp nhà và chợt nhìn thấy một tấm bằng khen giáo viên dạy giỏi và một tấm ảnh chụp lễ tổng kết gì đó có cả nàng trong đó. Vừa lúc nàng tắm xong đang chạy lúp xúp lên nhà, vừa chạy vừa lau người, miệng xuýt xoa vì lạnh. Tôi hỏi nàng: “Trước đây em là giáo viên à?”. Nàng đáp gọn “Vâng”. Vào buồng mặc quần áo xong nàng mới quay ra và thong thả kể vì sao một cô giáo dạy giỏi như nàng lại đi phụ quán cơm. Thì ra cách đây mấy năm, khi nàng vừa ly dị thì ông hiệu trưởng góa vợ bắt đầu để ý tới nàng. Sau một thời gian dài tán tỉnh mà không ăn thua, chắc chán “chính trị” nên một hôm ông chuyển sang dùng “biện pháp quân sự”. Nàng chống cự và cảnh cáo sẽ tố cáo nếu ông còn tiếp tục, song ông hiệu trưởng nghĩ là nàng chỉ ra vẻ nên mấy hôm sau, nhân lúc vắng người ông lại tấn công lần nữa. Ông ta chỉ dừng lại khi nhận được một cái tát và sau đó là một đơn tố cáo của nàng. Rồi chi bộ họp về vấn đề kỷ luật ông và gửi biên bản về phòng giáo dục huyện. Ít lâu sau thì có quyết định kỷ luật đưa về trường, nhưng là dành cho nàng, vì tội “gây mất đoàn kết nội bộ” và chuyển nàng về một trường cuối huyện, cách nhà chừng hai chục cây số đường núi. Không thể mang con theo, nàng đành bỏ dạy và ra ngoài đường xin làm phụ quán cơm, cũng đã mấy năm rồi.
Tôi ngồi lặng im nghe chuyện của nàng và nhìn mưa rơi xối xả ngoài sân. Những chuyện tố cáo, kỷ luật kiểu như nàng kể thì tôi đã nghe và đã gặp nhiều rồi nên không còn thấy lạ nữa. Điều làm tôi băn khoăn là tại sao nàng cự tuyệt một con người có chức có quyền, đủ khả năng lo cho tương lai của nàng mà lại dễ dàng đến với tôi, một con người lang thang vô định và chưa hề nói một tiếng yêu với nàng?
Hình như tôi đã buột mỉệng hỏi nàng câu này. Chỉ thấy nàng nhoẻn cười, ngồi vào lòng tôi rồi hai đứa say sưa hôn nhau một cái thật dài đến quên cả trời đất.
Những ngày vui của tôi với nàng rồi cũng qua nhanh, trước khi chúng tôi kịp nghĩ tới lúc chia ly. Cây cầu đã làm xong, chỉ còn lại một vài phần việc nhỏ. Tôi được phân công đi trước cùng với đại bộ phận công nhân lên Tây nguyên chuẩn bị bắc một cây cầu mới.
Lần cuối cùng gặp nhau, hai đứa lại dẫn nhau xuống tảng đá quen thuộc bên bờ biển. Không cuồng nhiệt như lần đầu, lần này hai đứa chậm chạp làm tình trong nỗi buồn tê tái, chậm chạp như muốn kéo thật dài, khắc vào lòng từng giây phút bên nhau đang qua nhanh không gì kéo lại được. Trước khi quay lên, nàng chợt nói “sau này thỉnh thoảng anh gọi cho em nhé?”. Tôi nhìn vào đôi mắt nàng, đọc được trong đó nỗi buồn mênh mông, nỗi sợ hãi trước sự cô đơn hiển hiện trước mắt, một lời cầu khẩn mơ hồ … Nàng chưa bao giờ hỏi tôi một tiếng yêu, bởi tôi biết nàng đã từng yêu, từng thề hẹn, từng cưới xin để rồi cũng vẫn phải chia tay. Vì vậy thêm một lời hứa hẹn nữa thì cũng để làm gì? Thế nhưng hôm nay nàng lại muốn tôi hứa. Tôi lẳng lặng gật đầu và ôm chặt lấy nàng, cảm thấy nàng đang run lên từng đợt trong cái hôn mặn chát vì nước biển và nước mắt của nàng. Khi hai đôi môi rời nhau, dường như trong lòng tôi cũng có một cái gì vừa bị dứt ra cùng với cái hôn ấy.
Lên Tây nguyên gần một tháng sau tôi mới có dịp rời công trường để vào thị trấn mua đồ. Ở nơi xa xôi heo hút, không có sóng điện thoại di động lẫn điện thoại bàn nên việc đầu tiên tôi làm khi vào thị trấn là gọi điện cho nàng qua máy điện thoại của quán cơm. Trống ngực tôi đập dồn khi nghe tiếng alô rất chảnh chọe quen thuộc của đứa con gái chủ quán. Nó chẳng có việc gì làm ngoài việc cả ngày xem phim video và trả lời điện thoại theo kiểu đấm vào tai những ai gọi tới. Lắp bắp một lúc tôi mới nói trôi chảy được câu “Làm ơn cho gặp…”. Bỗng dưng một cảm giác tê tê chaỵ dọc sống lưng khiến tôi lạnh toát. Đến bây giờ tôi mới nhớ ra là chưa bao giờ chúng tôi hỏi tên nhau. Không thể tin được rằng sau bao nhiêu lần ân ái, quen thuộc nhau đến từng ý nghĩ, từng hơi thở mà giờ đây tôi lại không biết tên nàng! Đầu dây bên kia vẫn léo nhéo “alô, alô” rồi cuối cùng là một câu chửi trước tiếng dập máy mạnh, khô khốc.
Hơn một năm sau, khi công việc đã bớt căng thẳng tôi mới thu xếp được thời gian để quay lại tìm gặp nàng.Dù chỉ là để nói với nàng rằng suốt thời gian qua tôi luôn bị dằn vặt và ám ảnh bởi ánh mắt buồn da diết, khắc khoải của nàng. Và để nói với nàng rằng tình cảm, niềm tin của nàng đã không bị trao nhầm chỗ …
Gần hai ngày đường cùng mấy lần đổi xe, cuối cùng khi bóng chiều đã ngả dài, tôi cũng đã về tới xóm nhỏ ven đường ngày xưa. Đúng hơn là nơi đã từng là xóm nhỏ, bởi mọi người đã chuyển đi hết. Giờ đây nơi này chỉ còn lại những ngôi nhà hoang bị đập phá nham nhở chờ ngày san phẳng, nhường chỗ cho một dự án mở rộng đường sắp triển khai. Sâu phía trong, gần chân núi, nơi xưa kia là cái xóm của nàng, giờ chỉ còn sót lại mấy búi tre. Những chiếc xe ben chở đất, xe ủi đang chạy đi chạy lại, tung bụi mịt mù, chuẩn bị cho một khu công nghiệp sẽ mọc lên nay mai.
Chán nản, tôi lững thững đi bộ lên cây cầu mình đã từng góp tay xây lên. Bên cạnh cây cầu mới, cầu cũ trở nên bé nhỏ và vắng lặng. Tôi chợt nhìn thấy trên dọc lan can cầu có rất nhiều dải băng màu ai đó đã buộc lên đang bay phần phật trong gió, nhiều cái đã bạc trắng vì thời gian. Hỏi một người đàn ông đang đứng câu cá trên cầu, ông ta cho biết cách đây đã lâu có một người phụ nữ còn trẻ, thỉnh thoảng cứ chiều chiều lại lên cầu dạo chơi một mình rồi buộc một dải băng vào lan can cầu trước khi về. Thấy hay hay, bọn thanh niên cũng làm theo đến tận bây giờ. Tôi hỏi ông có biết người đó không, người đó còn hay lên đây nữa không? Ông cười rộ lên, nói ông không biết, mà lâu lắm rồi cũng không thấy người đó nữa. “Mới nghe vậy đã thấy ham rồi hả?”, ông trêu tôi.
Đứng tần ngần một lúc, tôi đưa tay dứt một dải băng bạc trắng cho vào túi. Rồi lại lấy ra, nối lại như cũ. Rồi đứng một lúc lâu, thẫn thờ ngắm những dải băng đang bay bay trong gió chiều, như những bàn tay nhỏ đang níu theo từng cơn gió. Như để hỏi gió rằng có ai nhắn nhủ lời nào trong gió hay không?
Nhiều năm nữa trôi qua. Tôi đã cùng đồng nghiệp xây dựng nên nhiều cây cầu nữa. Nhưng riêng trong lòng tôi vẫn mãi day dứt, dở dang một cây cầu …

Các tác phẩm khác của Văn Thiện

Tình Đầu