Thạc sĩ bằng ưu
Tác giả: Vũ Đức Nghĩa
Kể từ hôm Đài truyền hình mở chuyên mục “Chuyện lạ có thật”, ông giám đốc Sở tôi cứ nhắng cả lên. Buổi họp báo, giao ban đầu tuần, ông phát động: “Mỗi người đều phải có trách nhiệm tìm ra cho được ít nhất một chuyện lạ trong ngành hoặc trong Sở chúng ta”. Mọi người toát mồ hôi. Không biết trong ngành, trong Sở chúng tôi thế nào, nhưng rõ ràng, nhờ Đài truyền hình, chúng ta mới biết, ở ngay đất nước mình, ở ngay bên cạnh mình, những người sống quanh ta cũng có bao nhiêu tài năng, bao nhiêu chuyện lạ.
Tuy vậy, sau cái lệnh của Giám đốc, ai cũng tỏ ra ái ngại, vì nếu không tìm ra cho được một chuyện lạ thì… rất có thể bị mất điểm thi đua, mới lại, làng người ta, xã người ta, ngành người ta có niềm tự hào về chuyện lạ, ngành mình không có, cũng kỳ.
Trong lúc mọi người đang băn khoăn, thì… cái tay Trọng liền giơ tay phát biểu. Hắn nói một thôi một hồi về những “Chuyện lạ có thật” mà hắn đã xem, rồi tuyên bố:
- Không biết, những chuyện chưa được xem lạ đến cỡ nào, chứ những chuyện đã chiếu trên ti vi thì ở quê tôi có mà đầy, thằng bé năm tuổi đã biết nói tiếng Anh vanh vách, cô học trò đang học lớp ba đã dạy chị lớp mười giải phương trình có mũ… Vậy thì tại sao Sở ta lại không, Ngành ta lại không, chúng ta không chỉ giới thiệu những chuyện lạ Việt Nam mà phải giới thiệu cho thế giới biết những kỷ lục Guiness.
Mọi người thở phào nhẹ nhõm, nhưng trong lòng vẫn lo ngay ngáy, hắn mà không tìm ra chuyện lạ thì có mà chết, rồi sẽ đến lượt mình, tìm đâu ra chuyện lạ có thật!?
- Anh có yêu cầu gì không - ông giám đốc gật gù nhìn Trọng khuyến khích.
- Cám ơn, nếu được sự trợ giúp, tôi xin giám đốc Sở chọn cho một ban giám khảo, bởi vì, có ban giám khảo sẽ tránh cho tôi cái tiếng cảm tình cá nhân, giới thiệu người không đủ tiêu chuẩn.
- Okê - giám đốc Sở vui vẻ đồng tình.
Chẳng biết lớ ngớ thế nào, tôi cũng được Giám đốc Sở đưa vào Ban giám khảo. Và một điều bất ngờ… ngay chiều hôm ấy – nghĩa là chưa đến một ngày sau cuộc họp, tôi đã được triệu lên văn phòng, cùng với ban giám khảo, xét chuyện lạ thứ nhất.
- Xin hân hạnh giới thiệu: Nhân vật thứ nhất, cũng là chuyện lạ thứ nhất – Trọng tỏ ra thận trọng khác với cái vẻ bất cần thường ngày của hắn – người này khả dĩ vươn tới tầm cỡ ấy là do quyết tâm cao của chính anh ta, nhưng một phần cũng là nhờ có sự giao thoa của hai tư tưởng lớn.
Trọng nói khá tỉ mỉ về ứng cử viên có thể giới thiệu về chuyện lạ có thật và sau đó sẽ đưa lên hàng kỷ lục Guiness.
Người này thì tôi biết.
… Vào cuối mùa hè năm 1985. Một thanh niên, dáng người thanh lịch, gương mặt sáng, đôi mắt màu nâu, thông minh, nhưng có vẻ buồn – anh ta đến cơ quan tôi rụt rè đưa tập hồ sơ xin việc. Bấy giờ, tôi là nhân viên phòng tổ chức, chuyên tiếp nhận hồ sơ và hẹn ngày trả lời kết quả. Buổi xét duyệt hồ sơ, tôi cũng hân hạnh được mời ngồi dự, rồi suốt cả một quá trình hàng chục năm cùng làm việc với nhau, nên những chuyện mà Trọng nói về anh ta, quả thật có thể xem như một kỷ lục(?).
… Hôm ấy, ông Giám đốc Công ty cầm tập lý lịch xem đi xem lại nhiều lần rồi nói:
- Thành tích học tập của anh này khá, có thể thu nhận được, nhưng phòng tổ chức cần phải xác minh cho rõ, xem động cơ vào đây làm việc của anh ta, tại sao một sinh viên y khoa tốt nghiệp loại giỏi lại không làm việc trong các bệnh viện đa khoa? Lại xin vào Công ty vệ sinh, môi trường? Nếu phát hiện anh ta có ý đồ xấu, vào cơ quan chúng ta chỉ là để thăng quan tiến chức, tranh giành địa vị thì… ở dưới ấy các ông cứ trả lời… đủ, không còn biên chế.
Bấy giờ đi xin việc là một chuyện khó khăn. Cả nước đang bước vào một cuộc lột da đau đớn; người ta bắt đầu nói đến cải cách hành chính, tiêu chuẩn hoá cán bộ. Những viên chức không có bằng cấp lo ngay ngáy đã đành; những người có bằng cấp cũng phấp pha phấp phỏng, bởi họ thường bị coi là một hiểm hoạ - hiểm hoạ của người không có bằng cấp! Trưởng phòng tổ chức cơ quan tôi là một người nhạy cảm, ông ta rất thương thủ trưởng vì ông này chẳng có một miếng bằng làm thuốc! Nhưng… ông cũng tỏ ra mến anh sinh viên mới ra trường, nên khi tiếp cận làm hợp đồng lao động cho anh này, trưởng phòng tổ chức chủ động phủ đầu ngay:
- Tôi hỏi thật, cậu cũng đi gõ cửa mấy cơ quan rồi phải không?
- Dà… ạ… sao… ông biết?
Người cán bộ có thâm niên nghề tổ chức chỉ cần nghe bấy nhiêu và xem qua hồ sơ là đủ hiểu cái nguyên do chàng thanh niên đến đây xin việc, nhưng ông cũng phải nói cái điều cần nói:
- Một số cơ quan ngần ngại không muốn tiếp nhận cậu vì… trong lý lịch thời sinh viên của cậu có vấn đề quan hệ nam nữ không lành mạnh(!). ở đây chúng tôi không chấp, nhưng tôi nói trước, vào đây để làm chuyên môn nghiệp vụ thì được, còn muốn nhòm ngó chức này ghế nọ thì…
Chàng sinh viên sợ hãi, vội thanh minh:
- Không ạ. Em chưa nghĩ tới chuyện ấy, em chỉ mong có việc làm – anh chàng rơm rớm nước mắt – không lẽ năm, sáu năm học hành bây giờ lại tiếp tục về ăn bám mẹ!
- Ai mà biết được, khi ngồi ấm chỗ người ta mới bắt đầu sinh chuyện – trưởng phòng tổ chức dằn mặt – ở đây đã xảy ra chuyện ấy rồi; tay Trịnh, nhân viên bảo vệ lúc đầu cũng năn nỉ xin cho được một chân gác cổng, nhưng vừa làm được vài tháng, không biết hắn lấy đâu ra cái bằng đại học tại chức chuyên ngành Luật, thế là một hai đòi bố trí công việc, chỗ ngồi cho phù hợp khả năng, nguyện vọng, làm rối tung rối mù cả lên…
- Không ạ, em xin thề – chàng sinh viên đột ngột cắt ngang lời trưởng phòng tổ chức.
Đã nói đến thề, một tiếng nói có giá trị như được thế chấp bằng vàng, nhưng vẻ mặt ông này vẫn chưa yên tâm, chàng sinh viên buộc phải chứng tỏ thiện chí của mình, anh ta lấy từ trong cặp một tờ giấy trắng đặt lên bàn rồi hý hoáy viết. Xong. Anh chàng cầm cả hai tay đưa cho ông trưởng phòng tổ chức. Ông ta cười phá lên:
- Cam kết! Cậu cam kết là không bao giờ nghĩ đến chức quyền? Tốt. Nhưng cậu phải viết thêm một dòng – một dòng mà bất cứ ai, và đi xin việc ở đâu cũng phải ghi lòng tạc dạ: Cam đoan xin nhận bất cứ công việc gì mà cấp trên giao.
- Vâng. Em viết ngay bây giờ, em xin thề ngay cả trong giấc ngủ cũng không bao giờ được mơ đến chuyện ngồi vào ghế lãnh đạo, dù chỉ là ngồi chơi, ngồi thử, và sẵn sàng nhận bất cứ việc gì khi tổ chức phân công.
- Tốt – trưởng phòng tổ chức tỏ ý hài lòng.
Chuyện ấy tưởng chỉ là hậu quả ấu trĩ của một thời, hoặc, có thể hắn phải làm như vậy để được vào làm việc, ai ngờ gần hai mươi năm nay hắn vẫn trung thành với lời cam kết, giữ nguyên lời hứa: hắn chỉ làm công tác chuyên môn; hắn đã có những công trình nghiên cứu đáng giá về quy hoạch xử lý rác thải, hệ thống tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ, chống ô nhiễm môi trường khu dân cư tập trung đông người. Các công trình đều được ứng dụng và đem lại hiệu quả thiết thực trong đời sống của nhân dân thành phố. Dĩ nhiên, người có công chẳng bao giờ bị cuộc đời phụ bạc; cấp trên đã nhiều lần gợi ý, đề bạt hắn nhưng trước sau hắn cũng không nhận bất cứ một chức vụ nào. Từ đó đến nay đã bốn đời giám đốc, đã bao nhiêu thăng trầm, thay đổi, anh ta vẫn thế. Và, dĩ nhiên, đó là người có kỷ lục thâm niên – nhân viên lâu nhất.
- Còn… Nhân vật thứ hai – Trọng có vẻ lưỡng lự – xin ban giám khảo chờ cho vài tuần nữa, bây giờ chưa đủ độ chín, vì người này còn thiếu một cái bằng: cái bằng thứ Mười. Khi đã có cái ấy, chúng ta xét cũng chưa muộn.
Không ngờ, cái gã Trọng mà ai cũng nghĩ hắn chỉ là anh công chức quèn, làm công ăn lương, sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về, bất cần, vô cảm, đến khi hữu sự mới biết. Đúng là đường dài mới biết ngựa hay! Y hiểu rõ từng con người như vậy thì không phải kẻ vô tình mà ngược lại, đây là một người tâm huyết, chẳng qua, ta chưa biết xài người đấy thôi.
Nhân vật thứ hai, Trọng định giới thiệu vào chương trình “Chuyện lạ Việt Nam” và ứng cử viên cho kỷ lục Guiness, dù hắn chưa nói tên nhưng ai cũng đoãn được: đó chính là nhân viên gác cổng có tên Bùi Hữu Trịnh, đã được ông trưởng phòng tổ chức đưa ra như một bằng chứng để răn đe khi cậu sinh viên y khoa vác đơn đến đây xin việc gần hai chục năm về trước.
Hồi ấy, sau khi tiếp nhận anh sinh viên y khoa vào làm gác cổng, anh gác cổng đã được bố trí vào chỗ ngồi hợp lý – nghĩa là anh nhân viên bảo vệ có bằng cử nhân Luật lên giữ cương vị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân về các vấn đề vệ sinh, môi trường, lệ phí thu gom rác thải v.v… Chẳng biết anh này giải quyết thế nào mà đơn thư khiếu nại, tố cáo ngày càng nhiều; có thư tố cáo chính bản thân người cầm cân nảy mực về hiện tượng hối lộ, cửa quyền, rồi cả chuyện không minh bạch về việc thanh lý các hợp đồng xây dựng đường ống tiêu thoát nước v.v… Ban giám đốc bấy giờ cũng láng máng cảm thấy giữa vị trí và cung cách của anh này có điều gì không ổn nên quyết định luân chuyển anh ta xuống công trường xử lý rác thải. Nhưng, chỉ sau một đêm, tức là sau khi Trịnh nhận được thông báo cho luân chuyển thì ngay sáng hôm sau, từ trên Uỷ ban thành phố đã có một cú điện thoại xuống Công ty. Không biết người từ trên thành phố là ai và nói những gì nhưng quyết định luân chuyển Bùi Hữu Trịnh lập tức bị huỷ bỏ. Cũng may, lúc ấy đã là thời của bằng cấp, ban giám đốc Công ty liền gợi ý cho Trịnh đi học lớp cử nhân chính trị. Trịnh vui vẻ nhận lời ngay.
Ba năm, trở về, Trịnh trình diện cùng với hai tấm bằng đỏ chót: bằng cử nhân chính trị và bằng C ngoại ngữ. Vào những năm cuối thập kỷ tám mươi, quả thật ở công ty vệ sinh, ba cái bằng của Trịnh chưa thể phát huy tác dụng. Lúc đầu, phòng tổ chức đề xuất phân công Trịnh về phòng quản lý trật tự đô thị, nhưng Trịnh có lý do chính đáng “viêm xoang mãn tính” không quen ra nắng; sau, đưa về phòng kế hoạch, ông trưởng phòng này từ chối quyết liệt, mà thực bụng Trịnh cũng không thích làm kế hoạch. Trịnh mấy lần đã nói toẹt ra rằng: học ngoại ngữ, chính trị là để nói chuyện, thuyết trình, giao tiếp…
Trịnh có năng khiếu làm việc giữa đám đông và nói những lời hoa mỹ, lẽ ra phải phân công Trịnh đến công tác tại Công ty Hội chợ hoặc tổ chức những buổi liên hoan, đình đám… Nhưng Sở tôi lại rất ít liên hoan và không có chức năng quản lý Hội chợ! Không nỡ để Trịnh ngồi chơi xơi nước, Ban giám đốc đành phân công Trịnh ngồi tạm ở phòng tiếp dân.
Từ ngày Trịnh làm việc ở phòng tiếp dân, đơn thư khiếu nại lại rộ lên. Lần này nhiều nhất là những lá thư nói về tư cách và Văn hoá của người giao tiếp. Ông giám đốc gọi tôi lên phòng làm việc, ông bảo tôi đọc một vài lá thư và thở dài:
- Cậu xem có lớp học nào thì cho tôi biết ngay.
- Chà… à. Hoan hô tinh thần hiếu học của đồng chí giám đốc.
Tôi thật sự ngạc nhiên nên không kiềm chế được lời bỗ bã. Còn ông giám đốc, mặt vẫn buồn rười rượi. Ông bảo:
- Tôi già rồi, sắp về hưu còn đi học làm gì, tôi nói là nói cái tay Trịnh ấy, có lớp nào cho anh ta đi học tiếp. Đấy, ông xem, để anh ta ở nhà chỉ rối thêm!
Tôi lần lượt xem hết các đơn thư và góp ý:
- Thưa đồng chí giám đốc, thực ra, anh này có một số nhược điểm có thể làm cho nhiều người khó chịu, nhưng để đánh giá một con người, chúng ta cần phải có thời gian. Trong những đơn thư này tôi ngờ có cả những lá nặc danh do chính người của cơ quan viết ra, vì đố kỵ, ghen ghét, lúc này mà có được ba cái bằng cử nhân cũng nhiều người tức lắm chứ.
- Thôi được, việc này tôi giao cho cậu.
Được thủ trưởng tin tưởng, tôi cũng thử làm một cuộc vi hành. Sáng hôm sau, tôi xuống phòng tiếp dân. Tôi đến với tư cách một người đồng nghiệp rỗi việc vào tán gẫu với bạn bè. Thấy tôi xuất hiện ngoài cửa, Trịnh cất lời chào sang sảng:
- Hê-lô! Xin mời, xin mời, hôm nay rồng đến nhà tôm…
Đã quá quen với những lời móc ngoéo của Trịnh nên tôi không chấp. Tuy vậy, tôi cũng hơi khó chịu khi Trịnh lấy tay phẩy phẩy như xua muỗi:
- Khoan, khoan… trước khi vào phải cởi giày ra chứ. Nói chung cởi giày trước khi vào nhà là phạm trù của văn hoá.
Quả thật, tôi đã hơi nóng mũi và đã toan phản ứng, cơ quan không có quy định cởi giày khi bước vào phòng làm việc, tại sao Trịnh lại tạo ra một cái luật lệ riêng. Nhưng thôi, nếu việc cởi giày đã thuộc phạm trù của văn hoá thì mình phải tôn trọng, ở đây mà đấu lý với Trịnh rất có thể mình sẽ bị nhồi thêm một bàn thua trông thấy, tốt nhất là nhập gia tùy tục, tháo giày ra cho rồi!
Vừa lúc ấy, một người khách từ ngoài cửa, rón rén bước vào.
- Good morning, sir; Hello! My name’s Bui Hưu Trinh – Trịnh sổ ra một tràng tiếng Anh nghe rất điệu.
Vị khách giật bắn người bước giật lùi về phía sau, miệng líu lại nói lời xin lỗi!
Tôi vội vàng chạy lại hỏi xem ông ta đến tìm ai. Ông ta bảo đến Công ty vệ sinh trình bày về cái đống rác ở ngã tư Vườn Mít.
- Thế thì bác đến đúng chỗ rồi đấy ạ - tôi gật đầu xác nhận.
Người đàn ông ngớ người ra một lát, rồi sợ mình nghe nhầm, ông ta hỏi lại:
- Anh nói đây là Công ty vệ sinh? Tôi không gõ nhầm cửa đấy chứ?
- Đúng thế.
Chợt hiểu ra tại sao người đàn ông lại luống cuống như vậy, tôi nhẹ nhàng giảng giải:
- Bác thông cảm, lúc này cả đất nước đang bước vào thời kỳ hội nhập, cán bộ công nhân viên phải tập cho nhân dân làm quen với giao tiếp bằng ngoại ngữ. Đây còn là cái “mốt” bác ạ. Lần sau đến đây, bác cứ mua cuốn “Tiếng Anh cấp tốc”. Học thuộc bấy nhiêu từ cũng đỡ run khi bước vào công sở.
- Dà… dạ - người đàn ông khẽ “dạ”, miệng mếu xệch như muốn khóc.
Tuy vậy, trước khi giải quyết về vụ cái đống rác, ông ta vẫn phải nghe bài học không thể thiếu về phạm trù văn hoá. Đúng thế. Trịnh nhắc nhở người đàn ông:
- Lần sau ông đến các cơ quan Nhà nước, việc đầu tiên là phải gõ cửa, sau đó là việc tháo giày để bên ngoài. Nói chung đó là những thao tác thuộc phạm trù văn hoá.
Tôi có cảm giác như ông ta không còn thiết tha gì đến chuyện khiếu kiện, sẵn sàng chấp nhận cái đống rác kia để đánh đổi việc thoát cho nhanh khỏi bài học về những phạm trù, nên vừa nộp đơn xong, ông ta vội đứng lên, ngả nón, chào, rồi bước nhanh ra cửa, đi như chạy!
Trịnh nhìn tôi, nhướng mắt, cười khoái trá:
- Ông thấy không, nghệ thuật giao tiếp là phải “uýnh” đòn phủ đầu, uy hiếp, đưa đối phương vào thế bị động, lúng túng, tiến thoái lưỡng nan, kiềng mặt, hoặc ít ra lần sau không dám đến nữa. Mặt khác, cũng phải cho thiên hạ biết: chúng ta – là - những – người – có – trình - độ.
Trịnh nói đúng, nghệ thuật giao tiếp kiểu “uýnh” phủ đầu ít nhiều đã làm cho nhiều người e ngại. Đa số anh em trong cơ quan đều đã nếm mùi phủ đầu của Trịnh; ngay cả giám đốc sở cũng vài lần bị Trịnh chơi cho một vố! Giám đốc Sở sau này là một nhà thơ. Ông thường thức rất khuya làm thơ, kẻ nhạc, nên sự thật, ông cũng thường đi muộn. Hôm ấy đã hơn bảy giờ ông mới vào công sở. Hình như ông đang có việc gì vội lắm, khi đi ngang qua phòng tiếp dân, Trịnh tươi cười ngoắc lại:
- Ê… Anh Công.
Ông này sững lại.
Trịnh đưa tay xem đồng hồ, rồi nửa đùa nửa thật:
- Anh đi muộn mười phút đấy nhé!
Nhà thơ giận đỏ mặt. Nhưng, làm gì được nhau, vì… Trịnh nói đúng!
Tất cả mọi người, từ quan tới lính tuy không ai nói ra, nhưng ai cũng sợ Trịnh, bởi vì, ai cũng biết, mỗi người đều có cái gót của Asin! Thế nào cũng có lúc Trịnh tìm được chỗ hiểm, anh ta bắn cho một mũi tên độc thì… không chết cũng bị thương! Khôn ngoan nhất là lánh “Tránh voi chẳng xấu mặt nào” hoặc, thực hiện một phương án tối ưu: “Ta không đụng tới mi thì mi cũng đừng đụng tới ta”.
Giám đốc Sở cũng chọn một phương án tuyệt hảo: cho Trịnh đi học. Thật may mắn cho cả hai, bởi vì, niềm khao khát của Trịnh là những tấm bằng, anh ta luôn săn tìm các thông tin về những cuộc chiêu sinh, bất kể là lớp học nào, và mỗi lần Trịnh đệ đơn xin đi học, tất cả các giám đốc Sở đã từng ngự trị nơi đây đều duyệt ngay tấp lự.
Từ ấy đến nay, đã mấy đời giám đốc, ông giám đốc nhà thơ cũng đã về hưu, không biết họ có bàn giao cho nhau cái việc “Duyệt” cho Trịnh đi học hay không, nhưng con đường thăng tiến của anh thật vô cùng ngoạn mục – gần hai mươi năm – mỗi năm anh chỉ có mặt tại Sở khoảng mười lăm ngày vào dịp nghỉ hè, mỗi tháng anh chỉ ghé qua Sở một ngày để lĩnh lương, còn tất cả là ở nhà và ở trường, lý do chính đáng, thuyết phục cho việc vắng mặt suốt mười mấy năm qua là chín tấm bằng, tấm nào cũng hạng ưu, đỏ chót. Cũng có người xấu mồm xấu miệng nói ra, nói vào, rằng, toàn bằng dỏm, bằng giả, bằng phong bì, bằng nhậu chứ làm gì có một người chẳng làm được việc nào nên thân lại sắm được nhiều bằng đến thế?
Để có sự công bằng, tôi xin thú thật: Tôi không thích Trịnh nhưng trong lòng cũng thầm bái phục – dù Trịnh có làm cách nào, nhưng anh đã có trong tay ngần ấy tấm bằng, toàn là bằng cử nhân, đại học thì quả là một điều đáng nể.
Sáng nay, Trịnh đến trình diện cơ quan với tấm bằng Thạc sĩ loại ưu và gương mặt cực kỳ mãn nguyện. Đây là người đầu tiên của Sở tôi có tấm bằng Thạc sĩ. Lẽ ra, cơ quan phải nghỉ việc một ngày để làm lễ đón chào tân khoa cho phải đạo – như ngày xưa dân làng chào đón tân trạng nguyên vinh quy bái tổ. Nhưng, thật đáng buồn, họ coi việc đỗ đạt của Trịnh là chuyện quá bình thường; một vài người thấy Trịnh chỉ khẽ gật đầu, mỉm cười, chào cho có lệ; còn đa số vẫn dán mắt vào máy tính hoặc tờ nhật báo. Không thể chấp nhận cái cảnh thờ ơ lạnh nhạt của số đông đối với người đồng nghiệp vừa vinh quang trở về, tôi dứt khoát đứng lên chúc mừng Trịnh và thay mặt anh em Phòng điều hành mời Trịnh một bữa điểm tâm và một chầu cà-phê sáng. Chúng tôi hàn huyên về việc học hành, những chuyện vui buồn của cơ quan; ngày Trịnh đi học đơn vị còn là một công ty nay đã phát triển thành cơ quan cấp Sở… Trịnh nói rất nhiều về chuyện cải cách hành chính, hệ điều hành của một Chính phủ điện tử, anh luôn than thở về chuyện lãnh đạo không ít cơ quan đến giờ này vẫn chưa có bằng thạc sĩ! Và, một chuyện làm anh rất quan tâm, đó là ông phó giám đốc Sở mới về hưu. Tôi lờ mờ đoán được tình cảm của anh nên ướm hỏi:
- Anh với anh Nguyên trước đây chắc là bạn học cùng trường?
Trịnh lắc đầu lạnh nhạt:
- Không! Tôi nghĩ là ông ta đã về hưu đúng lúc, cũng nên nhường ghế cho lớp trẻ, những người có bằng cấp, bằng cấp là một trong những thành tố thuộc phạm trù văn hoá, không có bằng cấp thì không làm ăn gì được…
Bấy giờ tôi mới hiểu ý Trịnh, tôi thông báo để anh yên tâm, chiếc ghế của anh Nguyên vẫn còn bỏ trống, hình như cấp trên cũng có ý định…
- Dĩ nhiên – Trịnh hào hứng hẳn lên – lãnh đạo thành phố rất sáng suốt, muốn xây dựng một Chính phủ điện tử thì phải bổ nhiệm những người có bằng cấp.
Chúng tôi rời quán khi ánh nắng mùa hè đã xiên qua những chùm bông bằng lăng thưa thớt, chiếu thẳng vào sau lưng, bỏng rát. Để buổi ra mắt của Trịnh thêm phần long trọng, tôi cùng đi với anh lên lầu 3 – nơi Giám đốc Sở làm việc.
Vừa bước vào phòng Giám đốc, chưa kịp bắt tay, Trịnh phê bình ngay:
- Ô… ồ thế này thì không thể tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá được rồi! Tiết kiệm điện, hay là máy điều hoà nhiệt độ bị hư?
Ông Giám đốc mỉm cười độ lượng:
- Các cậu thông cảm, mình không được khoẻ, rất sợ máy lạnh. Nhưng… hôm nay đón tân thạc sĩ, tôi xin chiều, nào… Ông giám đốc cầm chiếc remote đưa tận tay cho Trịnh: nào, ông cứ việc bấm hết số đi cho mát, hôm nay ta phá lệ một chút không sao.
Và để chứng minh bệnh sổ mũi kinh niên là có thật, ông liền móc túi lấy ra chiếc khăn mu-xoa ướt nhẹp, rồi xì, xịt liên tiếp ba, bốn cái!
Thạc sĩ cầm remonte bấm liền mấy phát, máy điều hoà nhiệt độ nhận được tín hiệu kêu tít… tít. Tôi đóng cửa lại, rồi cùng ngồi tán chuyện cho vui.
Từ lúc mở máy điều hoà nhiệt độ, không khí trong phòng bỗng trở nên ngột ngạt và nóng nực không sao chịu nổi, ông thạc sĩ xem lại remonte và cười khỉnh:
- Cái máy lạnh của anh.. coi chừng đồ dỏm, tôi đã nhấn hết cỡ… lên đến… hai mươi bảy độ mà vẫn nóng…
Bị bất ngờ, tôi không kịp giữ gìn ý tứ, đưa tay giật phắt chiếc remonte trong tay ngài thạc sĩ: quả nhiên, ngài đã nhấn cái điều khiển lên tới… hai mươi bảy độ… hèn chi(!). Tôi kinh ngạc… kêu lên như người phải bỏng:
- Chết rồi má ơi!
Ông giám đốc hoảng hốt nhìn về phía tôi lo lắng:
- Cậu làm sao thế?
May phước, vừa lúc ấy, có một con ruồi – một con ruồi ngớ ngẩn bay thẳng về phía tôi như tên bắn, và tôi giơ tay chộp được. Khi ông giám đốc hỏi: “Chuyện gì mà cậu la thất thanh lên vậy?”. Tôi liền xoè tay ra, trong đó có con ruồi! Suýt nữa thì tôi buộc phải nói ra cái điều đã làm tôi kinh ngạc: “Ông thạc sĩ có cái bằng hạng ưu, đỏ chót: chưa – tốt – nghiệp – trung – học – phổ – thông, Trời ạ!”.