Lời nói một buổi chiều
Tác giả: Vũ Hồi Nguyên
Người đàn bà đó bây giờ ngồi trước mặt hắn, tóc đã cắt ngắn, cách trang điểm khác bảy năm về trước, cái nhìn lời nói đã đầy đủ ý tứ. Chỉ có Thúy và hắn trong căn phòng, giữa hai người là cái bàn ăn tròn phủ tấm vải nhiều hoa, chiếc quạt trên trần quay như không đều, mệt mỏi hay bất cần, nhà nằm sâu trong ngõ hẻm vẫn không thoát được cái inh ỏi của xe gắn máy. Phòng chật chội những thùng hàng chồng chất lên nhau: máy truyền hình, đầu video, máy nhạc và nhiều loại hàng linh tinh. Ở ngoài, mùa hạ cháy âm ỉ trên thành phố, buổi chiều chưa tỉnh ngủ hẳn đã có tiếng chu chóe của hàng xóm cãi nhau trong điệu nhạc xập xình của một băng Paris by night mới về. Thúy tìm ra cách để thằng bé đừng quấy rầy mẹ, băng hoạt họa Nhật Bản sẽ giữ nó yên ở phòng trong. Nàng mang ra hai ly thạch đen có đá và ngồi cắt cam sành.
- Anh về mùa này Hà Nội không có nhiều hoa quả.
Hôm trước hai người tình cờ gặp nhau ngoài đường, hắn đang đi bộ trên hè phố, Thúy ngừng xe lại bên cạnh. Vẫn tình cờ, như lần gặp nhau ở Paris, không ai tránh được những tình cờ. Ngỡ ngàng, hụt hẫng, đến cách xưng hô cũng phải một lúc họ mới tìm được, những câu hỏi luýnh quýnh chồng chéo lên nhau, những câu trả lời rời rạc bỏ lửng, những im lặng vô duyên. Giữa đường phố tấp nập, họ vừa thiếu thì giờ vừa không biết kéo dài trao đổi. Họ chỉ loay hoay được một lúc rồi hắn khách sáo:
- Chắc Thúy đang bận, anh không muốn giữ lâu. Gặp lại nhau sau bao nhiêu năm thật là bất ngờ. Thể nào mình cũng còn dịp khác.
Hai người cười cười gật gật, mắt không chịu đi theo lời chào. Khi xe đã rồ máy Thúy bất chợt nói:
- Thôi thế này nhé, mời anh đến nhà em hôm nào anh rảnh. Anh Quân đi Hồng Kông chưa về, nhưng nhất định bác Dũng phải nhìn thấy thằng cu con của em. Năm nay nó đã 4 tuổi. Anh định ngày giờ đi, lúc nào em cũng thu xếp được.
Hắn chẳng biết nghĩ sao, nhận lời.
Hắn do dự cho đến ngày hẹn. Không có lý do gì phải gặp lại một quá khứ đã làm hắn mất bao nhiêu năm mới ra khỏi. Chuyện cũ lạc lõng giữa hiện tại ở nơi này, trong cái thành phố đang hối hả sống, không có đầu óc để hoài niệm. Bảy năm trời, những thay đổi đã cộng vào nhau như kết quả chắc chắn của thời gian, có những tháng ngày mất đến cả sự thật của chúng. Hắn bỏ hẹn không sao, đâu còn lần khác. Nhưng cuối cùng hắn vẫn đến, không biết vì tò mò hay tự ái, không chừng cuộc gặp gỡ sẽ xóa được những gì chưa chịu rời trí nhớ.
- Nhà cửa bừa bộn quá. Em đang chờ chuyển qua cửa tiệm mới. Đấy anh nhìn những loại hàng em bán. Thiên hạ bây giờ thi đua nhau mua sắm những thứ này. Anh về nông thôn đã thấy, ăng-ten ti-vi mọc cả trên những mái nhà tranh. Dân mình quen rất nhanh với văn minh tiêu thụ. Nước ta sắp thành rồng anh ạ, các cụ nhà mình quả quyết như vậy. Cái cửa hàng làm em bận lu bù. Em phải lo một mình, anh Quân không có thì giờ giúp vào. Em đã ngừng hẳn nghề dạy Pháp văn. Tiếng Pháp thời buổi này chẳng ai thèm học, người ta học tiếng Anh tiếng Tàu, thậm chí tiếng Nhật, thì mới làm ăn được chứ.
- Cũng có lý. Thôi Thúy cất món tiếng Tây vào tủ lạnh. Lâu lâu lấy nó ra đọc thơ sũng nước của Lamartine hay chuyện kiếm hiệp ly kỳ của Alexandre Dumas. Hai năm thực tập ở Pháp coi như là một chuyến du lịch không mất tiền.
Thúy cười:
- Anh vẫn cái giọng mỉa mai hồi nào. Việt kiều như anh không bao giờ thấm được thực tế ở đây.
Nàng biết hắn không ưa chút nào nhãn hiệu "Việt kiều", kể cả thời còn "Việt kiều yêu nước".
Hắn không chú tâm đến những gì Thúy kể sau đó về đời sống ngày hôm nay, chuyện nhà cửa đất đai, chuyện phát triển du lịch, chuyện ngoại quốc đầu tư, chuyện chọn lựa những trường học chưa xuống cấp, những nhà thương còn bảo đảm... Thời gian ở đây, kinh tế thị trường hắn nghe đã tạm đủ. Nếu Thúy hỏi về tình hình ở Pháp, hắn sẽ nói về nạn thất nghiệp, những cuộc biểu tình đình công, người ăn mày trong métro Paris, không khí hận thù một số cộng đồng nhập cư... Nhưng nàng không hỏi, và hắn ngồi nhìn nàng, tìm những nét còn lại của cô thực tập sinh trước đây.
- Còn chồng Thúy bây giờ làm gì?
Thúy lúng túng:
- Thú thật dạo sau này em cũng không rõ. Anh Quân làm phó giám đốc một cơ quan xuất khẩu. Họ xuất nhiều loại hàng như đồ nhựa, giày dép, bàn ghế bằng mây... Làm ăn nhiều với các nước trong vùng. Anh Quân hay đi Singapore và Bangkok. Em chỉ biết vậy thôi.
Thúy vẫn thuộc một thành phần ưu đãi. Lúc trước, bố có chức vụ cao trong chính quyền, tuổi trẻ nàng là một tuổi trẻ được bảo vệ và chiều chuộng. Vừa xong đại học là được học bổng qua Pháp. Về nước lấy một anh phó tiến sĩ tốt nghiệp ở Đông Âu. Hiện nay vợ chồng mỗi người một chỗ tốt để làm giàu. Hắn có thể yên tâm cho nàng, cho mình. Không lẽ hắn chờ đợi gì khác?
Người đàn bà không muốn nói thêm về chồng. Nàng đứng dậy, đi đến cửa vào phòng trong, đứng nhìn con. Khi quay ra, nàng đột ngột:
- Em tiếc cho chuyện gia đình anh hồi đó.
- Anh và Loan đã ly dị. Không lâu sau khi Thúy về nước.
- Tại sao chị Loan không chịu tha thứ?
- Thúy không có quyền hỏi câu đó.
Họ ngừng lại, có lời đã lỡ. Sau một lúc, nàng nói nhỏ:
- Em xin lỗi anh.
Loan không tha thứ. Suốt hơn 10 năm, Loan đã phục vụ chồng con, không đòi hỏi gì ở hắn, kể cả một tình thương lâu bền, gia đình là nơi hy sinh của nàng, và sự hy sinh này là tất cả giá trị của bản thân nàng. Những nguyên tắc đạo đức đã làm Loan khắc nghiệt với chính mình, làm sao đòi hỏi nàng khoan dung với người khác? Loan không thể tiếp tục phục vụ một người chồng đã phản bội, sống với hắn không còn ý nghĩa.
- Hai đứa con anh chắc lớn lắm rồi. Nếu em không lầm, thằng Kim năm nay đã vào đại học.
- Tụi nó vẫn còn giận anh, không gặp anh. Tụi nó đứng hẳn về phía mẹ. Bây giờ lại đến tuổi muốn tự lập, càng không cần bố.
- Em nghĩ rồi có ngày tụi nó sẽ trở về với anh.
"Bố phải để mẹ yên, đừng gọi về nhà nữa", hắn nhớ cái thời gian ngóng chờ điện thoại vào mỗi cuối tuần, rồi con My gọi đến nói bận học thi, thằng Kim phải lo việc cho mẹ. Hắn không muốn người đàn bà ngồi trước mặt biết những gì xảy ra sau đó: Loan và hắn giành giựt của cải, kiện cáo nhau đủ thứ chuyện, hắn mất con, mất bạn bè, bỏ công ăn việc làm, sức khỏe suy yếu, sống lang thang như một kẻ chạy trốn.
- Anh đã qua khỏi giai đoạn khó khăn. Đời sống ổn định trở lại. Việc làm không được như trước đây, nhưng còn hơn là thất nghiệp. Chỉ chưa tìm lại được vợ. Thúy có cô bạn nào góa chồng hay chán chồng, giới thiệu cho anh. Cô nào muốn trăm năm hạnh phúc ở một nước văn minh, với một Việt kiều có quốc tịch Pháp hẳn hoi nhưng vẫn thích nước mắm Phú Quốc.
Thúy cười qua loa, ý nghĩ ở nơi khác:
- Qua người này người nọ em vẫn hỏi han về anh. Nhưng mỗi lần lại phải nghe người ta phê phán anh. Làm như chỉ an ủi được em bằng cách đổ mọi lỗi cho anh. Chẳng ai hiểu được chúng mình đâu anh ạ.
- Chúng mình hiểu nhau được tới đâu mà đòi người khác hiểu mình?
- Anh có cần nói vậy không?
- Hồi đó anh cứ nghĩ người ta hiểu nhau hơn trong khó khăn.
- Nếu chỉ là những khó khăn...
- Biết rồi, Thúy khỏi cần nhắc lại, mơ mộng quá hóa điên. Sống phải thực tế, phải biết điều, mơ một lúc rồi phải mở mắt ra. Có đúng không?
- Chuyện chúng mình không có tương lai.
- Cái hay là trong hoàn cảnh nào Thúy cũng sáng suốt, biết nhìn gần nhìn xa.
- Anh Dũng, ngày hôm nay anh có thực sự nghĩ chúng mình có thể làm khác?
- Không. Dĩ nhiên là không. Mình không cùng giới. Hai môi trường khác nhau như hai thế giới không có gì để chung. Ai cho phép vượt những ranh giới đã được định? Người nào phải trở về chỗ người nấy. Thúy về với cái giới có quyền lực ở Việt Nam. Anh về với những người Việt lập cư ở Pháp. Một kết cuộc hợp tình hợp lý, như người ta thường nói. Chỉ có thể như vậy thôi.
- Em tưởng vấn đề gia đình anh với thời gian cũng giải quyết được.
- Đó lại là chuyện khác! Phần sau không còn liên quan đến Thúy, Thúy khỏi thắc mắc làm gì.
- Tại sao không? Em không có trách nhiệm gì trong sự đổ vỡ của gia đình anh? May thật! Tất nhiên như vậy thì phải tránh ra xa, không được nhòm ngó vào cái riêng tư của anh.
- Thúy còn muốn gì? Muốn tội nghiệp cho anh hả? Thôi thôi, anh xin gói trả lại những thương hại của người khác. Anh cám ơn, nhưng xin phép được một mình thương hại lấy chính mình.
- ít nhất tự ái của anh còn nguyên vẹn.
- Có khi cần tự ái để có sức mà sống.
- Anh quá phức tạp, em không hiểu.
- Thúy có hiểu cũng không có gì thay đổi.
- Chắc anh tưởng mọi chuyện ở em đều dễ dàng? Vì thấy em lấy chồng, em đẻ con, em làm giàu. Anh tưởng chuyện cũ em chỉ cần đậy nắp lại, phủ khăn lên là xong? Là chấm hết, phủi tay bước sang chuyện khác! Anh yên trí, không chỉ có anh mất mát. Có cần chúng mình kê khai những mất mát của mỗi người để so sánh hơn thua? Để biết có bao nhiêu tình cảm đã bị phí phạm? Có bao nhiêu ước mơ sẽ không bao giờ trở lại? Chẳng ai nguyên vẹn được sau khi bị nhục nhã. Anh đòi hỏi quá sức của em. Hồi đó anh muốn em coi thường con mắt của thiên hạ. Cho dù mang tiếng là cướp chồng, phá hoại hạnh phúc gia đình người ta, chạy theo Việt kiều đến mất cả nhân cách... Anh muốn em chống cự lại gia đình, bạn bè, những người chung quanh mình. Nhưng em quá tầm thường. Em yếu hèn. Không đủ can đảm đối đầu với xã hội, trút bỏ cái an phận ra khỏi mình. Em đã sợ. Em đã đầu hàng. Cuối cùng em chỉ lo chạy cho thân mình, để anh ở lại một mình nhận những hậu quả. Đấy, con người thật của em như vậy, biết làm sao bây giờ? Em nhận hết mọi lỗi. Nhưng còn bao nhiêu lỗi nữa cho vừa?
- Thúy, có những lời nói làm đau.
- Chưa xong, còn phải kể đời sống của em khi về đây. Anh có biết tại sao em lấy chồng chỉ một thời gian ngắn sau đó? Vì phải tẩy sạch một vết nhơ cho gia đình. Vì phải chuộc tội. Lúc đó, vấn đề sống còn đối với em là vào lại những khuôn mẫu của xã hội càng sớm càng tốt. Em chấp nhận người đàn ông đầu tiên vừa ý gia đình. Là anh Quân hay bất cứ ai khác cũng thế thôi. Anh Quân thấy rõ điều đó, em không có thêm sức để giả dối. Mục đích đã hoàn toàn ích kỷ, em còn phải lo dẹp những kháng cự Ở trong mình, đầu óc nào để tìm hiểu chồng, nói gì đến tình thương. Rồi em tự hỏi tại sao anh Quân chịu lập gia đình với một người đàn bà vừa tai tiếng, vừa dửng dưng với mình như vậy. Sự thật giản dị. Ở anh ấy chẳng có gì khác ngoài ý muốn lợi dụng địa vị của bố em, của cải gia đình em. Sống chung không bao lâu vợ chồng đã nhìn nhau bằng con mắt khinh miệt và ngờ vực. Mỗi ngày lại thêm những tranh chấp nhỏ nhen, những đụng chạm tự ái, những thái độ hằn học, những mầm mống hận thù. ý muốn có con làm hai người thỏa hiệp được một thời gian chung chạ. Sau đó thằng bé nhanh chóng trở thành một cái cớ cho những mâu thuẫn mới. Em tìm trong hôn nhân một nơi ẩn trú, em gặp ở đó một thứ địa ngục hàng ngày. Lần này phải chịu đựng đến cùng, không thể tai tiếng một lần nữa. Tới một lúc hai vợ chồng đều kiệt sức, mỗi người chỉ còn cách xóa đi sự hiện hữu của kẻ chung sống với mình. Anh Quân đi kiếm những người đàn bà khác. Nói thật với anh, cuộc sống của em cũng dễ thở hơn từ đó. Xã hội thay đổi, những chuyện ngoại tình bây giờ cũng thường. Một ông phó giám đốc xí nghiệp sống công khai với cô nhân tình trẻ đẹp còn là một hình ảnh của sự thành công trong xã hội mới. Anh cũng đừng lo cho em, thời buổi này không ai có thì giờ ngồi chê cười kẻ khác. Vả lại danh giá của em sẽ tùy thuộc vào tiền tài vật chất kiếm được... Anh Dũng, chưa có ngày nào em biết được đời sống bình thường giữa hai vợ chồng... Tại sao cái hỏng nó cứ lan từ chuyện này qua chuyện khác? Làm như em chưa trả nợ đủ...
Hắn ngừng nhìn người đàn bà. Mắt cũng không chịu nổi những đốm màu sắc quá nhiều trên chiếc khăn bàn. Những lời của nàng dần dần bị chặn lại. Hắn tìm kiếm những tiếng động chung quanh thay thế cho lời nói đang tắt lịm. Nhưng quá trễ, chỉ còn im lặng cho một tiếng khóc nhỏ. Thúy khóc như hồi nào, những giọt nước mắt vẫn thế, thời gian đã chẳng làm được gì.
Khi hắn ngẩng mặt lên, thắng bé đã đến cạnh mẹ, nhìn mẹ không hiểu. Thúy ôm con vào lòng, môi nàng lạc trong tóc nó, hai bàn tay run rẩy trên thân thể đứa bé. Hắn muốn những giây phút đi qua thật chậm để tiếng nấc bớt đi, nhịp thở đều trở lại. Hắn ra đứng cửa sổ, nghe sau lưng người mẹ thủ thỉ với con. Cu thấy mẹ khóc xấu không, mỗi lần cu khóc cũng vậy, mắt nhòe, mồm mếu máo, mũi xụt xịt, ai mà thương được, thể nào bác Dũng cũng cười, làm như thời con gái, đụng một tí là nước mắt nước mũi tuôn ra, mẹ khóc cu ngạc nhiên, lâu lắm rồi mẹ không khóc phải không, tại lỗi bác Dũng, không, tại lỗi mẹ, trước đây mẹ làm bác Dũng buồn lắm, bác Dũng buồn ra sao thì mẹ con mình không đoán được đâu. Một lúc sau thằng bé vào lại phòng trong, hắn trở về chỗ ngồi.
- Bây giờ tháng tám, ở Paris chắc dễ chịu lắm anh nhỉ. Xe không còn kẹt trên đường phố, chỗ đậu xe không mất tiền, các xí nghiệp cơ quan vắng người làm việc tà tà.
- Tháng này bên đó những kẻ ngủ đường ngủ chợ bị đuổi ra khỏi trung tâm thành phố, để du khách Mỹ, Nhật, Đại Hàn có chỗ chụp hình. Rạp xi nê và chương trình ti-vi chỉ toàn phim Mỹ hạng bét, đã chiếu cả chục lần.
- Anh đúng là ông Tây, lúc nào cũng càu nhàu.
- Thúy hồi đó cũng chê nước Pháp. Đứng đưới tháp Eiffel nguy nga thì hỏi "Chỉ có vậy thôi à?" Ngồi trước những món ăn tinh tế, rượu nổi tiếng của Pháp lại thèm rau muống xào và nước mía. Đi thuyền ruồi trên sông Seine thơ mộng cứ ngáp ngắn ngáp dài và hỏi giờ.
- Đó là để chọc tức anh đấy! Chứ nước Pháp của anh cũng không đến nỗi nào. Paris của anh là thủ đô văn hóa của cả thế giới. Ở đó, anh đã dẫn em đến những mảnh đất nghệ thuật em chưa từng biết. Em không biết chọn giữa cái lãng mạn của nhạc cổ điển và cái huyền ảo của nhạc jazz. Em theo anh đi từ hội họa ấn tượng vào trừu tượng. Em kéo anh vào các nhà thờ cho anh thấy khác biệt giữa những thời đại kiến trúc roman, Renaissance và baroque mới học được. Em chưa khám phá xong các vở opéra muôn thuở thì đã bị quyến rũ bởi những cái đẹp lạ lùng trong lãnh vực múa hiện đại...
- Nhưng ở phố Tàu của Paris nước phở nhạt thếch. Món ăn nào cũng thiếu đủ thứ gia vị.
- Đâu cần, chúng mình có thể đi ăn pizza của ý, couscous của ả Rập, paella của Tây Ban Nha, hưởng chút hương vị của những góc trời xa lạ với em. Paris là một địa cầu thu nhỏ, em nhớ khu Belleville đầy màu sắc, nơi chung sống của người Tàu, người Do thái, người ả rập, người Phi châu...
- Ở thành phố đó suốt ngày thần kinh mình căng thẳng. Đến giờ tan sở phải chọn lựa: hoặc ra đường hít vào người không khí ô nhiễm của rừng xe hơi, hoặc chui xuống đất lấy métro với nỗi sợ có bom khủng bố.
- Anh cứ nói vậy! Em còn nhớ chúng mình đón mùa hoa nở ở Jardin des Plantes. Có buổi chiều chúng mình bước theo nắng hạ dọc con kênh Saint-Martin. Khi lá cây đổi màu là lúc đi hái nấm trong rừng Senart. Mùa đông vừa ngồi nhìn tuyết rơi vừa ăn những trái marrons nóng hổi.
Người thiếu nữ hồi đó đến với hắn như một mùa mới lạ. Không gian thu lại ở hiện diện của một người, thời gian ngừng bám vào bước chân của từng ngày. Mùa đó, có lời nói êm dịu hơn im lặng, có đôi mắt dẫn về một vùng trời trong sáng, có những ngón tay biết làm rung động làn da. Quê hương theo Thúy đến tận chỗ sống của hắn, một người khách bất ngờ đã lâu hắn không còn chờ. Đã qua rồi những năm hắn gửi hết đam mê về một đất nước sôi động. Việt Nam chỉ còn ở trong hắn như một ký ức. Một nơi cất giữ tuổi trẻ, những giấc mơ và vết tích của một lý tưởng. Rồi với Thúy, Việt Nam chợt gần gủi như cái giọng con gái Hà Nội gắn bao nhiêu tuyệt vời vào câu nói. Việt Nam thực tế như vui buồn của những con người chung một thân phận. Việt Nam đẹp như một sự thật xác xơ nhưng tinh nguyên ở giữa đất lạnh lẽo của văn minh. Thúy đã vào đời hắn bất ngờ. Nhưng chắc gì cuộc gặp gỡ này là một nhầm lẫn trong sắp xếp của những số phận. Biết đâu ngày đó đã được định từ đầu trong hành trình của hắn. Như những giòng máu trong người từ khi bắt đầu chảy đã tìm lối trở về nơi ra đi.
Người đàn bà và hắn nhắc lại những tháng ngày tưởng như một hạnh phúc. Thời gian độ lượng, trả lại một vài hình ảnh cũ để họ ngồi cười với nhau. Họ giành nhau những câu chuyện chưa quên, mỗi lần lại ngạc nhiên về trí nhớ của người nghe. Họ cười những gì đâu đâu. Hồi đó làm sao con gái trưởng giả của thủ đô Hà Nội mà lại quê mùa như vậy! Và cái anh chàng điệu bộ sành đời sao lại vụng về dại gái đến thế! Ai tham lam đòi cả Paris cho riêng hai người? Ai vô ý để mặt trời quê hương chan hòa vào những giấc ngủ đêm?
Những chuyện để vui thôi. Không có những lần buồn bất chợt, thất vọng, giận ghét, chán đời. Không có cái đêm người thiếu nữ chạy khóc ngoài đường phố. Không có nỗi đau làm người đàn ông một hôm ngồi bất động cả giờ trong xe. Coi chừng đừng ai nhớ những niềm vui từ đâu đến, có một tình cảm ngày hôm nay không được quyền nhắc tới. Cười quá khứ đi để giữ nó xa hiện tại. Bảy năm rồi, Thúy và hắn đã là hai con người khác, chỉ nên vẽ lại một đóa kỷ niệm chọn lọc.
Dù sao, im lặng sau đó có gì như một sự thông cảm giữa hai người đối diện. Một hồi sau người đàn bà nói:
- Có người tả đời sống như một cuộc chạy đua về hạnh phúc. Trong cuộc đua này anh và em khó mà theo kịp số đông! Chúng mình trễ lắm rồi, bỏ cuộc lúc nào không hay.
- Vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Đất nước này đã có biết bao nhiêu thảm họa. Có những mất mát tính bằng máu xương, bằng nhân phẩm. Có những tàn tật vĩnh viễn trên thể xác và trong đầu người. Chúng mình đã thoát được tất cả những cái khổ đó.
- Nhưng, anh Dũng, làm cách nào để quen được với ý nghĩ hạnh phúc ở ngoài tầm với?
- Anh không biết. Có lẽ những niềm vui nhỏ kết vào nhau cũng mang lại một ý nghĩa nào đó cho những tháng ngày. Hay những ước muốn khiêm nhượng. Anh nghĩ lúc nào cũng cần tìm cho mình một cái gì để chờ đợi.
Chiều đã muộn, ánh sáng không còn đủ trên khuôn mặt người đàn bà. Hắn nói trước khi về:
- Thúy, chúng mình không hiểu những chuyện đã xảy ra. Có gì dữ dằn ở trong đó. Nhưng nhất định phải tự nhắc nhở một điều, chỉ một điều thôi. Đừng sợ cuộc sống.
Thúy đứng lâu ở cửa khi hắn ra đi. Con ngõ đầy mùi xào nấu, người ta đã bắt đầu chuẩn bị bữa cơm tối.
tháng 1 năm 1997
Hết