Miền Tây huyền thoại
Tác giả: Vũ Hồng
“Chào mấy ông!”.
Có tiếng lệt sệt của bùn sình và tiếng ồm ồm cất lên trước cửa lều. Một bóng người cao lớn hiện ra. Trên gương mặt xương xẩu, bộ râu quai nón lâu ngày không cạo đâm tua tủa, bẩn thỉu. Nhưng bù vào đó là nụ cười tươi và tia nhìn thật ấm áp.
“Chào tiểu đoàn trưởng!” – Tôi nhanh nhẩu đáp vì đã nhận ra anh ta lần tôi đi viết bài ở Cần Thơ hồi năm ngoái và chúng tôi có nhậu với nhau một trận ra trò. Trong khi đó, vị bác sĩ chỉ ngồi bó gối và nhìn viên sĩ quan lom lom.
“Tối nay chắc ổn. Mình còn cao hơn nó nửa thước. Đây là bác sĩ Minh à? Xin chào!” – Viên sĩ quan đưa bàn tay gân guốc về phía vị bác sĩ – “Ông đang làm gì đó, Kim?”.
“Nướng khoai”.
“Tôi nghe thằng Chiến đại đội 2 nói tối nay mấy ông ghé đây”.
“Lâu gặp thì ghé chơi thôi”.
Tôi kề miệng sát đống than hồng, thổi phù phù cho ngọn lửa bùng lên. Những tàn lửa nhỏ bắn ra tứ phía trông như những chùm pháo hoa trên nền trời.
Rất tự nhiên, viên sĩ quan cởi bỏ bộ quần áo rách bươm của mình ra, đứng quay mặt vào vách thay bộ quần áo khô rồi ngồi xuống chiếc võng dù dã chiến, vừa tháo đôi ủng, anh ta vừa liếc nhìn vị bác sĩ. Từ đôi chân anh ta toát ra mùi thúi của thứ nước đọng lâu ngày trên lá dừa mục. Đoạn, anh ta lật ngược đôi ủng cho nước òng ọc chảy ra, đen ngòm rồi cẩn thận tròng chúng vào sợi dây chuối và treo ngược lên mái lều.
“Hồi năm 1996, lũ cũng lên xâm xấp cỡ này, tiểu đoàn tôi đi cắt lúa dùm dân ở Hồng Ngự. Thằng Tám lính tôi ẩu tả, để đôi giày dưới đất. Sáng vừa xỏ chân vào thì bụp một phát. Có thầy bự nằm trong đó. Thì rắn mái gầm chứ còn gì nữa. Đến khi tụi tôi hay thì cứu không kịp. Ở đâu mà có khoai, sang vậy?”.
Tôi nhìn sang túi thuốc của vị bác sĩ để trên nền đất:
“Rắn. Máng nó lên nóc đi, Minh. Và kéo dây kéo lại!”.
“Có em nào xinh đẹp ở thị trấn mết nhà báo rồi cho hả?”.
“Một bà mẹ trẻ đẻ con so, đẻ rớt trên xuồng, máu ra nhiều nên mê man. Đến được đây thì như chết rồi. May mà nhờ có anh ta. May mà mẹ tròn con vuông…”.
“Bổn phận của tôi phải làm thôi mà” – Vị bác sĩ tỏ vẻ lúng túng khi được khen – “Từ nhỏ đến lớn ở Sài Gòn, lần đầu tôi mới tận mắt thấy nước lên khủng khiếp thế này. Chỉ mới có ba ngày theo đoàn mà mình mẩy tôi ngứa ngáy không chịu được. Nhưng giờ thì quen rồi. Hình như chân anh bị bong da. Nó có bị sao không, thủ trưởng? Anh có cần tôi giúp gì không?”
“Cứ gọi tôi là Trung”.
“Dù gì thì anh cũng không thể ngâm nước quá lâu đó!”.
“Quen rồi” – Vừa đáp, viên sĩ quan vừa xoay mình cho những đốt xương sống kêu răng rắc – “Giờ mà có bà xã ở cạnh đấm bóp thì tuyệt vời. Ông chắc không biết bơi hả, bác sĩ?”.
“Không” – Vị bác sĩ hấp háy đôi mắt sau tròng kính cận.
Đêm ở miền Tây gió thổi càng lúc càng mạnh. Chúng rít u u qua những vườn cây. Chúng giật phần phật tấm bạt che hụ hợ trên nóc lều. Chúng làm những con sóng thi nhau vỗ phầm phầm vào thân đê khiến tôi có cảm giác như mặt đất đang rung lên bần bật. Theo thói quen, tôi ngoái nhìn con đê đứng sừng sững, đen thủi đen thui dưới ánh trăng thượng tuần. Giờ thì nó giống như một con trăn đang nằm ngái ngủ để che chắn cho thị tứ.
“Chắc không sao đâu. Bữa nay nước rút hơn hôm qua hai phân. Chỉ có điều đừng có gió mạnh” – Viên sĩ quan liệng thêm một nhánh trâm bầu khô vào đống lửa – “Có gì thì mấy ông thủ trước áo phao của mình. Hai ông là khách của thị tứ này nên dân xứ này không để mấy ông bị hề hấn gì đâu, nhất là cái ông bác sĩ không biết bơi này. Kìa Kim, ông để khoai khét hết trơn”.
Bới khoai ra từ đống than đỏ rực, tôi dùng cây vít cho mỗi người một củ.
“Quê anh ở đâu, thủ trưởng?” – Vị bác sĩ nhai nhồm nhoàm vì đói.
“Đã nói tôi là Trung”.
“Ổng gốc ở đây nhưng giờ thì sống ở quê vợ Cái Mơn” – Tôi tiếp lời – “Gần hai mươi năm rồi tôi mới có dịp ăn khoai trừ bữa như thế này”.
“Ở chỗ anh nước có ngập như vầy không?”.
“Miễn rút ở đây là đến lượt ở nhà bà xã tôi chạy vắt giò lên cổ. Kinh khủng nhất là gặp hai đợt nước rong trong tháng. Nước ở đây tràn về, nước dưới biển dâng lên. Ông bác sĩ chưa tới miệt đó lần nào sao?”.
Vị bác sĩ gật đầu: “Tỉnh Bến Tre của anh như cái ruột thừa, nằm trẹo đường quá đi. Tôi có đến Mỹ Tho, xuống Vĩnh Long rồi qua Cần Thơ, chứ chưa sang Bến Tre. Ái chà, kiến lửa ở đâu quá trời không biết” – Vị bác sĩ nhảy nhổm lên, tay phủi chân lia lịa. Một đàn kiến đông đến hàng ngàn con đang hùng hổ, ngoằn ngoèo bò tới chỗ mấy cái vỏ khoai nằm lăn lóc. “Nó đói cả mấy tháng rồi còn gì” – Viên sĩ quan chép miệng. Anh ta lục trong túi lấy ra một bịch nhỏ và liệng sang chỗ vị bác sĩ: “Rắc nó lên thì chúng chạy hết cho coi”.
Mùi tiêu xông lên hăng hắc khiến tôi bị dị ứng, nhảy mũi mấy cái liền. Đàn kiến đang hung hãn tràn tới, nghe mùi tiêu bất ngờ sựng lại rồi mạnh con nào con nấy tháo chạy. “Tôi hành nghề y gần hai mươi năm rồi mà chưa biết trị kiến kiểu này” – Vị bác sĩ nói. “Vợ tôi dạy đó!” – Viên sĩ quan tự hào. “Để tôi về chỉ lại cho bà nhà tôi chơi. Nhắc vụ vợ con mới nhớ” – Vị bác sĩ chợt nháy mắt với viên sĩ quan – “Làm lính, đi hoài vầy cái vụ đó sao, tiểu đoàn trưởng?”.
“Vụ gì?”.
“Thì đó…”.
Hiểu ra, viên sĩ quan cười khanh khách:
“Đi hoài, vả lại cũng lớn tuổi rồi nên vụ đó thưa lắm, bả cũng không chấp nhứt làm gì miễn đừng này kia, kia nọ. Cho tôi điếu thuốc, Kim! Được cái bả thương tôi lắm, mỗi lần về phép là bồi dưỡng đủ thứ, thích ăn gì có đó”.
Ánh trăng thượng tuần đã lên chênh chếch, nhô hẳn khỏi bờ đê, rọi xuống thị tứ nhỏ thứ ánh sáng mập mờ, ma quái. Rặng tràm sau ngôi cổ miếu đằng xa kia giờ ngã nghiêng theo làn gió giống y như những vũ nữ không xương đang múa ẻo lả trên không trung. Đây đó, từ vài căn nhà lá xung quanh hắt ra ánh đèn dầu leo lét. Thị tứ không điện đóm trông như một ốc đảo hoang sơ giữa biển cả.
Rời khỏi căn lều dã chiến của bộ phận chỉ huy tiểu đoàn, tôi đi dài theo mặt đê, bỏ mặc viên sĩ quan và vị bác sĩ đang hào hứng nói với nhau về kinh nghiệm chăn gối của những đôi vợ chồng. Thỉnh thoảng tôi nghe viên sĩ quan cười sang sảng. Theo chỗ tôi biết, đã hai ngày hai đêm rồi anh ta chưa hề chợp mắt.
Mà ngủ làm sao được trong khi cái cảm giác lo âu, phập phồng cứ thường trực trong lòng. Con lũ ngoài kia đang từng giờ, từng phút đe dọa nhấn chìm cái thị tứ nhỏ nhoi nơi miền biên giới này. Có thể chỉ cần chợp mắt một cái thôi, nó sẽ tràn vào cuốn phăng bạn đi, dìm chết bạn khi bạn đang ngủ say sưa và bạn cũng không kịp hiểu vì sao bạn chết. Chẳng thà đối mặt với kẻ thù bằng xương bằng thịt trước mặt thì dễ, đằng này, con nước lớn ngoài kia vừa là bạn của bạn ngày nào, giờ lại trở mặt với bạn bất cứ lúc nào, thì khó xử biết bao.
Trước một biển nước đục ngầu, thăm thẳm, con đê bao vòng quanh thị tứ mong manh như một sợi chỉ đang căng. Bên căn lều của những người lính canh đê, tôi nghe tiếng ai xuống xề câu vọng cổ, buồn buồn. Họ, những người lính, cũng như viên sĩ quan kia đã bao đêm rồi mất ngủ. Tôi cứ đứng chôn chân như thế, bần thần nghe câu vọng cổ lan lan trên mặt nước như muốn làm dịu đi sự thịnh nộ của những con sóng hung hãn trong màn đêm.
Xen lẫn trong tiếng hát buồn của những người lính, tiếng sóng vỗ ì ầm, tiếng gió rít qua vườn cây là tiếng trống thùng thùng đám ma vẳng ra từ trung tâm thị tứ. Tiếng trống ám ảnh không nguôi mà cứ cách vài ngày tôi lại được nghe. Nó như tiếng gọi cho những oan hồn chết trôi biết nơi bấu víu mà trở về với đồng loại. Còn đêm nay, tôi nghe trong tiếng trống hình như đọng lại tiếng nói thủ thỉ của trẻ thơ. Hồi trưa, qua ống dòm, viên tiểu đoàn phó chính trị tên Vinh phát hiện một cánh tay tuyệt vọng cuối trời xa. Anh và đồng đội phóng ca nô lao đi. Khi chiếc ca nô trở về, cùng những người lính là hình ảnh một người đàn bà tiều tụy, ôm trong lòng đứa con độ một tuổi, mặt đã tím ngắt tự khi nào. Bà luôn miệng kêu gào: “Còn hai con tôi. Còn hai con tôi!”. Viên tiểu đoàn phó chính trị nhìn tôi, lắc đầu buồn bã.
Những người dân thị tứ tổ chức đám ma cho ba đứa trẻ trong ánh đèn dầu leo lét của buổi hoàng hôn với những đám mây đen vần vũ. Tổ chức đám ma cho một quan tài nhỏ, ba bài vị trắng tinh, không một dòng họ tên, không một dòng quê quán bởi bà mẹ đã trở nên điên loạn. Họ phải cắt cử ba thanh niên lực lưỡng mới ngăn được bà vùng vẫy, đòi lao ra cánh đồng đầy chết chóc ngoài kia. Và lúc ấy, tôi thấy viên sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn khóc. Anh ta lén trốn mọi người, ra bụi chuối ngồi khóc ngon lành như một đứa trẻ.
Lúc tôi trở lại căn lều thì viên sĩ nãy giờ nằm im mới ngồi bật dậy, dụi mắt:
“Ngồi thì đỡ, nằm nghe sóng âm âm vào đất thấy mà ghê. Mẹ họ, xin lỗi ông nhà báo và ông bác sĩ cho tôi ở ngoài quân đội năm giây để chửi thề cho đã. Mẹ họ, ông trời không công bằng một chút nào, làm đất đai thúi hết trơn. Mấy công sầu riêng của vợ chồng tôi ở Cái Mơn chắc đợt này tiêu luôn. Mẹ họ, bữa nay phá lệ một cái coi, làm một chút rượu coi sao. Đó, ông lấy dùm cái chai tròn tròn nhãn đỏ, có chữ Gò Đen, treo tòn ten đó, Kim!”.
Viên sĩ quan hớp một ngụm, mồi là trái me xanh. Anh ta khè khè vài cái ra chiều thích thú. Xong anh ta chuyền chai rượu sang vị bác sĩ nhưng vị bác sĩ lắc đầu từ chối. Còn tôi thì được. Tôi làm liền một lúc hai hơi và nghe thân thể ấm dần lên.
Hai người uống chưa hết một phần ba chai, tôi đã bắt đầu ngấm rượu. Mắt tôi như díp lại, đầu óc chìm vào cõi mơ màng. Tôi thấy người mình như xoay tròn trong không trung, có lúc lên cao, rồi có lúc rơi vùn vụt xuống một hố đen ngòm làm tôi thót cả ruột gan. Rồi cũng có lúc tôi thấy mình đang lang thang nơi đường phố Sài Gòn cùng những cái nhồi lắc của sóng biển. Tôi thấy vị bác sĩ đứng đằng xa đang mỉm cười với tôi. Rồi có ai đó đắp vật gì vào người tôi. Nó bốc ra mùi chua loét. Tôi tìm cách đẩy nó ra nhưng không được.
Có chuyện này, thưa các bạn, tôi không còn có cơ hội nào để biết được nó là câu chuyện thực hay chỉ là câu chuyện xảy ra trong giấc mơ của tôi bởi lẽ hai người bạn đáng kính của tôi trong đêm ấy không còn nữa trên cõi đời này. Viên sĩ quan và vị bác sĩ đã chết trong lần vỡ đê lúc hai giờ sáng khi họ cùng những người dân thị tứ ào ra để chống đỡ luồng nước hung hãn tràn vào từ phía đê tây.
Giọng lạ: - Cả một đàn trâu à? Tôi không tin!
Giọng quen: - Tôi thì tin. Tôi không bao giờ ăn thịt trâu dù anh nói nó bổ đến cỡ nào. Cả dòng họ tôi cũng như vậy. Mới năm, sáu tuổi tôi đã nghe câu chuyện ấy. Cố tôi kể cho nội tôi nghe. Nội tôi truyền lại cho ba tôi. Ba tôi dặn dò tôi. Tôi cũng có nhắc thằng con lên bảy của mình.
Giọng lạ: - Kêu ổng dậy nghe, về viết truyện coi bộ được đó.
Giọng trong tiềm thức tôi: - Thì tôi đang ngồi sờ sờ cùng mấy ông đây mà. Tôi có ngủ đâu.
Giọng quen: - Thôi, để ổng ngủ. Tối qua ở đại đội 2 ổng đâu có chợp mắt (Tôi cãi: Có ngủ đâu, tôi còn thức). Nè, bác sĩ lấy thêm tiêu kẻo kiến chạy nước chiếm chỗ của ông bây giờ. Tôi nói đến đâu rồi hả? À, chuyện đàn trâu. Hồi xưa xửa, ông sơ tôi dắt díu tộc họ từ miền Trung vào xứ này lập nghiệp. Mới đầu, họ chỉ đem theo vài mươi con nghé làm giống nhưng đến đời ông cố tôi đã có đến hàng trăm con. Tộc họ của chúng tôi nghèo lắm. Vào sau nên phải dạt đến khai khẩn đất tận miền biên giới, ven sông Tiền. Chúng tôi ở trên một gò đất tạm gọi là cao nhất so với những đồng trũng xung quanh. Ê, mầy đó hả Kha?
Một giọng lạ vang lên rất xa: - Dạ, thủ trưởng!
Giọng quen: - Nghe mùi thuốc Mỏ Cày nồng nặc tao biết chỉ có mầy. Giờ nầy không lo ngủ dưỡng sức còn đi đâu lung tung đó?
Tiếng đáp lại: - Tụi em đi bắt chuột về bồi dưỡng. Ăn mì gói không, nóng quá!
Giọng quen: - Thiệt tình. Nè, nhớ để dành tao vài con sáng mai nướng đãi khách Sài Gòn chơi. Giờ thì tiếp hén, bác sĩ? (Có tiếng ho một tràng dài như người mắc bệnh ho gà). Đến đời ông cố, chưa có ông nội tôi, nước từ đâu tràn về, nghe nói nó chảy như thác và có chỗ ngập cả mười thước. Có cả sóng thần nữa. May mà hồi mới vô ông sơ tôi đã phòng xa, cho đắp đê vòng xóm, cao và vững như một tường thành. Ý ban đầu là chỉ phòng bọn giặc cỏ từ biên giới tràn sang thôi. Cả mấy trăm người trong tộc họ tôi đắp nó gần mười năm trời mới tạm gọi là ổn. Vậy mà bức tường thành không chịu nổi sức nước năm đó. Đâu như đầu thế kỷ trước. Sức con người ngày xưa ghê thiệt. Vậy mới đúng là con người chứ. Thoạt đầu chỉ là cái lỗ mọi thôi, không ai để ý; nhưng chưa tàn một phần ba cây nhang thì con lũ đã phá sụp bức tường thành chừng sáu, bảy tầm đất. Trong phút chốc, cả xóm gần như chìm trong nước, nếu không có cách gì cứu vãn thì cả tộc họ tôi đều phải đi chầu Hà Bá. Thình lình, cố tôi nghe tiếng ầm ầm như động đất. Từ phía gò cao nhất xóm dùng để thả trâu, cả một đàn trâu ào ạt phóng tới. Con lớn có, con nhỏ có, dẫn đầu là con Đực đầu đàn. Con Đực chỉ kịp ngoái nhìn cố tôi một lần rồi lao vào giữa dòng lũ đang cuồn cuộn chảy. Con Đực đó là bạn quấn quít từ nhỏ với cố tôi trên suốt dọc đường di cư từ ngoải vào trong đây. Con Đực trụ bốn chân xuống bùn, đầu chúi sát xuống mặt đất, cố giữ cho dòng nước không hất được nó về phía sau. Cả đàn trâu mấy trăm con dàn hàng ngang tiến tới, đứng y như tư thế của con Đực đầu đàn. Ông sẽ cho là chuyện hoang đường nhưng thật sự nó diễn ra như vậy. Đàn trâu là bạn trên đồng với tộc họ tôi đã bao đời đều chết đứng thê thảm như thế. Trước cảnh ấy mọi người đều ngẩn cả người, ngơ ngác nhìn nhau.
Bị sức cản, nước chảy chậm hẳn đi. Cố tôi vội la: “Lấy rơm, lấy rơm!”. Bấy giờ mọi người mới sực tỉnh, túa ra. Người thì ôm những bó rơm bện sẵn quăng ào ào trước mũi đàn trâu. Người thì chuyền đất quăng vào khoảng trống dưới bụng trâu. Vừa chặn nước bằng rơm phía trước, vừa chèn đất phía sau, cho đến lúc bức tường thành được hàn kín như cũ. Dĩ nhiên là chôn đàn trâu cả trăm con trong đó. Thoát chết mà không ai vui, ai cũng buồn, nhất là mấy bà thấy mấy con nghé con vừa ra đời được một, hai ngày đứng e e gọi mẹ thì mấy bà cứ khóc hoài. Trâu là con vật linh thiêng ông à. Chúng biết để nước tràn vào ngập cả xóm thì tất cả đều chết nên chúng nhận cái chết về mình thay cho con người. Cuộc đời của những con vật sống có nghĩa là như vậy đó, bác sĩ Minh. Cái ngày cố tôi lập đền thờ Thần Ngưu, ổng đã thề rằng, người trong họ chúng tôi không bao giờ được ăn thịt trâu, nếu ai cãi thì đã xem như tự đổi sang họ khác. Tới đời tôi còn giữ được ước nguyện của người xưa nhưng không biết đời sau sao đây? Ông nằm nhắm mắt mà ngủ hay còn thức đó, bác sĩ? Thức à. Tối mai nếu ông còn ở lại tôi kể cho ông nghe một chuyện nữa của ông bà tôi. Giờ thì tôi phải đi một vòng đê coi nước lên xuống cỡ nào.
Mùa lũ đồng bằng Cửu Long, 2000
Vũ Hồng
Miền Tây huyền thoại
(hay là "Câu chuyện thứ 3 ở phương Nam")