watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Những chi tiết nhỏ nhưng phiền toái - tác giả Vũ Thành Sơn Vũ Thành Sơn

Những chi tiết nhỏ nhưng phiền toái

Tác giả: Vũ Thành Sơn

“Ông vẫn nghĩ là ông có lý do khi làm vậy?”.

“Cho đến ngày hôm qua tôi vẫn tin là mình hành động đúng khi quyết định cắt đường dây điện nối với cái chuông ngoài cổng, trong lúc chờ để lắp một máy interphone”, người đàn ông ngồi đối diện trả lời nhưng mắt ông không nhìn người đối thoại mà vẫn đặt đâu đó vào bức tường trước mặt. Trên bức tường sơn trắng sạch sẽ ấy, chỉ độc có mỗi cái đồng hồ mà cả hai cây kim đều nằm chồng lên con số sáu.

“Không dưới năm lần trong ngày, tôi đã phải chạy lên chạy xuống hai mươi bậc cầu thang, tổng cộng không dưới hai trăm bậc, để mở cổng. Lúc thì một anh bưu tá phát thư, hay nhân viên hãng cung cấp nước uống đến giao hàng. Lúc là người của công ty cung cấp khí đốt hoặc nhân viên điện lực hay nhà máy nước đến ghi mức đồng hồ hằâng tháng. Lúc là một cô gái trẻ giới thiệu dịch vụ thuê bao điện thoại di động đời mới giá khuyến mãi. Có khi là một anh da đen, tóc xoăn tít, đến xin phun thuốc diệt côn trùng trong nhà và ngoài vườn. Lắm lúc lại chỉ là một ông già lẩm cẩm, chân tay run lẩy bẩy, nhầm địa chỉ”.

“Những lúc như thế tôi đều phải bỏ dở việc đang làm. Nếu đúng lúc đang hầm một nồi thịt, tôi chỉ cần vặn nhỏ lửa để nó không trào, còn nếu đang chiên món cá rô phi hay rán khoai, tôi buộc phải tắt bếp ga, lau hai bàn tay ướt vào cái tạp dề trước bụng, xỏ vội áo lên người và phóng như bay xuống sân, bị thúc bởi những hồi chuông riết róng một cách bất nhã. Nhưng có lẽ căng thẳng nhất là tiếng chuông đổ lúc đang ở trong nhà tắm hay đang trong toilet”.

“Bây giờ thì tôi có thể yên tâm không sợ bị quấy rầy nữa. Từ nay tôi có thể tự do làm những việc mình ưa thích mà trước đây phải gác sang một bên vì không có thời gian, hoặc đơn giản là sẽ có được những giây phút hoàn toàn riêng tư”.

“Tôi vừa mất việc làm. Một sự sắp xếp về tổ chức bỗng dưng đẩy tôi cùng với gần chục người ra khỏi sở làm và trở thành thất nghiệp bất đắc dĩ. Trong khi chờ đợi để kiếm một việc làm khác, mỗi ngày tôi truy cập mạng và đọc báo, vào những mục rao tìm người, rồi đi chợ, nấu ăn và chờ vợ đi làm về”.

“Đối với tôi, những ngày đầu không đi làm là cả một trải nghiệm chưa từng có trong đời. Tôi rũ bỏ nhiều thói quen cũ và bắt đầu tập một số thói quen mới. Tôi không còn thức giấc với cái đồng hồ báo thức cạnh giường nữa. Tôi không bận bịu chọn lựa vào mỗi sáng sớm chiếc sơ mi nào nên mặc, cái cà vạt nào hôm trước đã đeo, đôi giày nào chưa đánh xi. Tôi không phải mỗi ngày đi về trên con đường quá quen thuộc cả chục năm trời. Tôi không còn bị những cuộc họp nặng nề, nhàm chán hành hạ, không còn phải gặp hằâng ngày những khuôn mặt đần độn, hợm hĩnh. Tôi như được cất đi gánh nặng trên vai lâu ngày, cảm thấy nhẹ hẫng, vô cùng khinh khoái”.

“Tuần lễ thứ nhất trôi qua một cách thật dễ chịu. Lần đầu tiên tôi thực sự sở hữu một không gian chỉ dành riêng cho mình. Gần trọn ngày, từ 8 giờ 30, khi vợ tôi ra khỏi nhà cho đến lúc nàng trở về vào sẫm tối, một mình trong căn nhà trống trải, tôi bất ngờ khám phá có rất nhiều thứ hằâng ngày vẫn hiện diện bên cạnh mà hầu như tôi chẳng khi nào để tâm đến. Từ những đồ vật hết sức nhỏ mọn, như cái chụp đèn, khung cửa sổ, tấm rèm che, đến cái ghế, cái bàn, cái bếp ga... Trong ánh sáng tự nhiên rọi vào phòng, những đồ vật đó xuất hiện với tất cả sự dửng dưng thách thức chưa từng thấy”.

“Tôi đã bỏ thời gian để ngắm chúng không chán, cũng như thích thú quan sát những chậu hoa vẫn đặt trên bậu cửa sổ. Những bông hoa màu đỏ thẫm nở vào mùa hè, rung rinh trước gió sớm mà tôi không còn nhớ tên, vợ tôi đã mua nhân một buổi cùng nàng đến khu chợ quê họp mỗi tháng một lần, cách xa nơi chúng tôi ở hai mươi cây số. Mọi lần vợ tôi tưới nước cho nó, đây là lần đầu tự tôi làm công việc này. Tôi chăm chú theo dõi bầy kiến di chuyển lặng lẽ trên thềm nhà và nhớ đến Henri Michaux. Ừ nhỉ, kiến là một loại sinh vật có một đời sống cộng đồng khép kín nhất dưới bầu trời này”.

“Trong bầu không khí tĩnh mịch, thân mật, tôi nghe tiếng động do chính mình di chuyển trong nhà và tiếng động do tôi va chạm với những đồ vật chung quanh, như cái thìa kêu lanh canh trong bồn rửa bát, tiếng cọt kẹt của cánh cửa gỗ mở vào trong, tiếng ghế kéo lê trên sàn đá...”.

“Nó mang đến một cảm xúc thật mới mẻ và lạ lùng. Đến lúc ấy, tôi mới chợt nhận ra sự hiện hữu của mình, một cách cụ thể, gần gũi, có thể cảm nhận, sờ mó được mà từ lâu tôi đã xao lãng”.

“Và tôi còn khám phá nhiều thứ âm thanh lý thú khác. Chẳng hạn tiếng vỡ trong suốt của một viên đá trong ly whisky. Trong ánh sáng chạng vạng của buổi chiều tà, ngồi trong góc phòng nhìn ra ngoài chờ vợ về, âm thanh đó cũng đủ làm tôi giật mình hoảng hốt. Trong sự đơn độc, tôi đã học lắng nghe nhiều thứ”.

“Thế nhưng những giây phút êm đềm đó quá ngắn ngủi, chúng chưa kịp kéo dài sang tuần lễ thứ hai thì đã bị hủy hoại bởi cái chuông điện vô tri vô giác đó”.

“Tất cả những điều đó có phải là lý do dẫn ông đến việc cắt dây chuông?”.

***

Bên ngoài trời đã sụp tối từ lúc nào. Bây giờ đang giữa mùa thu, gió mang một chút không khí mát lạnh vào chỗ hai người đàn ông ngồi. Tiếng động của đường phố đã nhỏ lại, tiếng những chiếc ô tô chạy bên ngoài vọng vào trong phòng chỉ còn là một chuỗi âm thanh rầm rì bất tận.

Người đàn ông vẫn giữ nguyên tư thế ngồi như lúc mới vào, hai chân bắt chéo nhau, nhưng ánh mắt không biết có phải do chịu ảnh hưởng từ sự thay đổi của khung cảnh mà bỗng trở nên sống động hơn, trong khi người đối thoại với ông đang có những dấu hiệu mỏi mệt.

Anh kín đáo liếc xuống chiếc đồng hồ trên tay rồi ngước mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Hôm nay là sinh nhật của Thúy. Anh đã đặt trước chỗ ngồi cho hai người ở một hiệu ăn vào lúc tám giờ và đã mất gần trọn buổi chiều cuối tuần trước để chọn mua cho Thúy một món quà mà anh nghĩ sẽ mang đến cho nàng sự ngạc nhiên thú vị.

Anh tưởng tượng đến nét mặt và nụ cười rạng rỡ của Thúy, và một cách vô thức không thể kiểm soát, môi anh bỗng phác một cái nhoẻn miệng mơ hồ như thể nụ cười. Trong lúc người đàn ông tiếp tục nói, anh nhìn sang cái điện thoại đặt trên bàn. Chắc giờ này Thúy đang sốt ruột mong anh đến. Lát nữa anh sẽ mặc bộ quần áo nào để đến với Thúy? Nàng không thích những tông màu sặc sỡ chói lóa, cho rằng không phù hợp với anh. Anh gầy mà nước da anh không sáng, em thích nhìn anh với những màu hơi sẫm, trông anh có vẻ từng trải, dày dạn hơn.

Thúy luôn có lý trong tất cả mọi cuộc tranh luận, nhất là khi nó lại liên quan đến chuyện trang phục và màu sắc, những thứ mà anh thường cảm thấy mình rất vụng. Nhiều lúc anh tự biện hộ cho sự vụng về của mình bằng cách đổ hết cho công việc bận rộn, dù trong thâm tâm anh thấy lý lẽ đó không thuyết phục được ngay cả chính mình.

***

“Tôi đã không thể chịu đựng hơn nữa thứ âm thanh đó, nó làm tôi quá căng thẳng. Cả sau khi tiếng chuông đã dứt, tôi vẫn cứ nghe như có nghìn cái chuông điện tiếp tục reo trong đầu...”.

Câu trả lời bất chợt kéo anh khỏi dòng suy tư miên man, đưa anh trở về với người đàn ông ngồi trước mặt. Anh kín đáo ngắm ông ta. Một gương mặt bình thường, nếu không nói là tẻ nhạt. Chỉ duy nhất cái nốt ruồi bên má trái gần khóe miệng là đáng chú ý. Và không hiểu sao ngay lúc phát hiện ra nốt ruồi ấy, anh đã lập tức bị nó thu hút.

Anh khởi sự quan sát nó. Ở vị trí cách nhau qua cái bàn, khẽ nghiêng đầu vờ như đang nhìn về cửa kính trước mặt, anh vẫn có thể nhìn thấy cái nốt ruồi khá rõ. Đó là một mẩu thịt dư màu đen to bằng đầu đũa. Mỗi khi người đàn ông mở miệng nói, mẩu thịt ấy cũng nhúc nhích lên xuống. Thật ngộ nghĩnh.

Có một sợi lông đen nhô lên cong cong ở đầu mẩu thịt và anh đoán phải còn những sợi lông khác nhỏ hơn ở chung quanh, như vẫn thường xảy ra cho các loại mụn mọc trên cơ thể người, mà từ chỗ anh, anh không thể nhìn rõ được.

Sự phán đoán đó càng kích thích trí tò mò, khiến anh tiếp tục dồn hết chú ý vào cái nốt ruồi một cách khoái trá. Anh không còn cảm giác mệt mỏi, ngược lại, thấy phấn chấn hơn lúc nào hết. Giờ thì anh có thể khẳng định trên chóp cái nốt ruồi đó nhất định còn một cái nhân màu phớt hồng mà anh không thể xác định được kích thước. Kỳ dị thay, không những thế, anh lại còn thấy cái nốt ruồi ấy di chuyển nữa. Nó chuyển động dần dần, từng tí một, hết sức chậm chạp, theo một đường chéo ngược lên, về phía mũi người đàn ông.

Anh nghĩ mình có thể bị hoa mắt vì tập trung chú ý quá lâu, bèn bỏ kính xuống bàn, nhắm mắt lại thư giãn. Lúc sau, anh đeo kính vào và nhìn cái nốt ruồi ấy một lần nữa. Chính xác rồi. Đó không phải là ảo giác. Chính xác là cái nốt ruồi đang di chuyển.

Phát giác đó làm anh hoảng hốt. Anh rút khăn tay từ túi quần ra, lau những giọt mồ hôi rịn ra trên trán. Bất giác, anh buột miệng hỏi người đàn ông, để tìm cách thoát ra khỏi cảnh tượng lạ lùng vừa chứng kiến và để tự trấn tĩnh, một câu hỏi mà anh không chắc có theo đúng thứ tự hợp lý của câu chuyện đang diễn ra hay không:

“Còn những tiếng động khác có làm ông có cảm giác tương tự?”.

Im lặng một lúc rồi người đàn ông tiếp tục nói, càng lúc càng tỏ ra cởi mở hơn so với lúc mới bắt đầu.

“Tiếng chuông điện mang đến những hồi ức mà tôi muốn quên. Nó giống như cái công tắc điện, khi bật lên, sẽ kích hoạt những cảm xúc, thói quen sâu trong tiềm thức. Tôi buộc phải sống lại cái đời sống bận rộn, hối hả, trong đó tôi hoàn toàn bị tước mất ý thức làm chủ. Không, quả thật tôi không sống cho tôi mà sống theo ý muốn của người khác. Chỉ cần cắt cái chuông đi, tất cả sẽ trở lại trật tự tự nhiên, như vốn được tạo hóa bày ra như vậy”.

Trong lúc người đàn ông trả lời, anh nhìn xuống hai bàn tay mình đặt trên bàn, nhìn mười ngón tay đan vào nhau ẩm mồ hôi, để tránh phải trực diện với gương mặt ông ta. Anh cố tập trung tinh thần vào đó để không phải liên tưởng đến cái hình ảnh lạ thường vừa rồi. Nhưng vô ích, có một ma lực huyền bí nào đó thôi thúc, bắt anh phải ngước mắt nhìn vào cái nốt ruồi trước mặt.

Anh tự nhủ không được đầu hàng. Phải quyết liệt chống lại nó. Mồ hôi từ hai tay anh chảy ra đọng thành vũng trên bàn. Một cuộc giằng xé âm thầm không cân sức diễn ra.

Sau cùng, anh bỏ cuộc, vì quá mệt mỏi. Anh không thể cưỡng lại sự cám dỗ của cái nốt ruồi ma quái ấy. Anh lại ngước mắt lên nhìn vào gương mặt người đàn ông. Ồ... Quái lạ thay! Không thể như thế được... Anh suýt kêu lên thành tiếng. Cái nốt ruồi bây giờ đã to lên quá cỡ và đã di chuyển đến vị trí của cái mũi. Hay nói chính xác là cái mũi của ông ta bây giờ đã biến thành một cục thịt đen thui, lắc lư, động đậy, như chực rơi xuống đất bất kỳ lúc nào. Cái nhân ở chóp mũi đến lúc ấy mới hiện ra màu sắc thật của nó, một màu hồng tươi, và anh nhìn thấy một túm lông đen rậm rạp, phất phơ dưới ánh đèn.

Quá kinh hãi, anh cảm thấy ngạt thở như thể mũi anh đang có ai bít chặt lại. Anh nới lỏng cà vạt, mở khuy cổ áo và hít một hơi thật mạnh. Anh cảm thấy chóng mặt, ngồi không vững. Cúi gầm mặt xuống bàn, anh gần như chẳng còn nghe người đàn ông kia đang nói gì nữa.

“Tôi sống bình yên được thêm vài ngày nữa, cho đến một buổi chiều từ sở làm về, nàng để nguyên quần áo trên người không thay, ném cái túi xách lên bàn và hỏi tôi:

“Anh đã làm gì với cái chuông nhà mình thế?”.

“Tôi thấy trên khuôn mặt nàng tất cả sự mệt mỏi sau một ngày bị vắt kiệt sức bởi công việc. Tôi biết đó là giây phút mà người ta dễ mất tự chủ nhất”.

“Anh cắt dây điện”.

“Nàng nhìn tôi trân trân một lúc lâu, sau đó buông ra câu hỏi một cách máy móc, câu hỏi mà nàng không cần tôi trả lời:

“Tại sao anh làm vậy?”.

Rồi ngay lập tức, nàng nói liền một hơi:

“Anh có biết là vì anh mà cả tuần nay nhiều thứ quan trọng người ta gửi đến cho em mà em không nhận được không? Hai cái bưu phẩm, một cái thư bảo đảm rồi một cái thẻ câu lạc bộ nữa. Không chỉ có thế. Tại sao điện thoại di động của em đi làm về để trên bàn, anh cũng tự ý tắt đi? Ngay cả điện thoại nhà reo trước mặt anh, anh cũng chẳng buồn nhấc máy lên nghe. Tại sao vậy? Tại sao anh xa lánh tất cả mọi thứ như vậy? Anh không muốn tiếp xúc với bất cứ ai. Anh sợ cả ánh sáng hả?”.

“Tôi dị ứng với ánh sáng đèn neon, nó cho tôi một cảm giác trần trụi, khó chịu. Suốt ngày tôi mở hết cửa sổ để lấy ánh sáng trời, hầu như tôi chẳng khi nào mở đèn, trừ lúc trời đã tối hẳn”.

“Nàng dừng lại một lúc để thở, để cố thoát khỏi những bực dọc đang đè nén trong lồng ngực làm nàng bị ngộp. Tôi nhìn thấy một giọt nước đọng ở đuôi mắt nàng. Không hiểu sao vào lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đến bữa cơm tối của hai chúng tôi. Tôi đã sắp sẵn trên bàn từ ban chiều và đợi nàng về, nhưng giờ thì tôi nhìn nó đang nguội lạnh”.

“Tôi đứng lên dìu nàng ngồi xuống ghế. Bất ngờ nàng òa lên khóc nức nở, như thể tất cả những gì đã chất chứa, tích tụ bao ngày chỉ chờ đúng lúc ấy để vỡ bùng ra. Một bên vai tôi ướt đầm nước mắt”.

“Hôm sau và nhiều ngày liên tiếp, mỗi lúc chúng tôi bên cạnh nhau và khi có cơ hội thuận tiện, nàng dịu dàng khuyên tôi nên đi tham vấn bác sĩ tâm lý trị liệu. Nàng nói đó là một việc bình thường, tâm lý cũng như thể xác đều cần được chăm sóc thường xuyên để tránh những xáo trộn có thể có do sự thay đổi điều kiện sinh hoạt. Anh hãy vì anh và vì em nữa, hãy đi khám đi. Em sẽ đưa anh đi, nghe anh!”.

“Và để làm cho vợ tôi vui lòng, tôi đã có mặt ở đây, thưa bác sĩ”.

Anh đã hoàn toàn kiệt sức, không thể kéo dài được nữa, anh phải chấm dứt câu chuyện này càng sớm càng tốt. Nhưng vì phép lịch sự, anh phải đợi cho ông nói hết câu. Anh quyết định kết thúc buổi tham vấn ở đó và cho ông một cái hẹn khác ba ngày sau. Rồi anh nói với ông là không có gì phải quá lo lắng, đó cũng là tâm trạng thường thấy khi có một sự kiện nào đó xảy ra trong cuộc sống, rằng ông có thể trở lại sớm hơn hoặc vào bất kỳ lúc nào ông muốn, anh sẵn sàng tiếp.

Anh tiễn ông ra tận cửa. Bên ngoài, gió thổi lạnh, tiếng ồn ào của đường phố theo cánh cửa mở ùa hết vào trong. Anh hít một hơi thật dài, thật căng lồng ngực. Hơi lạnh làm cho đầu óc anh tỉnh táo lại và trong người nhẹ nhõm được đôi chút.

Những cửa hàng ăn đối diện nhộn nhịp người ra vào. Anh nhìn thấy một chiếc xe ô tô chờ sẵn, một người phụ nữ trung niên vòng hai tay trước ngực đứng cạnh. Anh không nhìn rõ mặt vì chiếc khăn quấn cổ của bà bị gió thổi ngược lên che mất một bên đầu. Anh đoán đó là vợ người đàn ông. Anh nảy ý tò mò muốn đứng một lúc nữa ở cửa để quan sát cặp vợ chồng đó. Nhưng trong lúc ông ta chưa bước được vào bên trong xe, anh đã nghe tiếng chuông điện thoại réo vang từ sau lưng. Anh vội vàng chạy vào nhà quên cả đóng cửa.

“Alô!”.

Tiếng của Thúy ở đầu dây bên kia.

“Không có gì hết... Anh vừa tiếp xong bệnh nhân cuối cùng... Xong rồi. Anh đang chuẩn bị về đây... Ba mươi phút nữa... anh sẽ đến đón em...”.

Anh đặt ống nghe xuống rồi vừa nhìn đồng hồ tay vừa vơ vội mấy thứ trên mặt bàn cho vào cặp. Ba mươi phút nữa. Đoạn đường từ phòng khám về nhà để sửa soạn rồi từ nhà đến chỗ nàng. Hôm nay là thứ sáu, ngày cuối tuần.

Anh nghĩ đến những đoàn xe nối đuôi nhau chạy vào trung tâm mà toát cả mồ hôi.

Các tác phẩm khác của Vũ Thành Sơn

Bên ngoài trời đang nắng đẹp