watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tết Ăn Mày - tác giả Vũ Trọng Phụng Vũ Trọng Phụng

Tết Ăn Mày

Tác giả: Vũ Trọng Phụng

Lời dẫn của người sưu tầm

Truyện ngắn sau đây của Vũ Trọng Phụng tuy thảng hoặc có được nhắc đến trong một số bài nghiên cứu từ khoảng những năm 1950 trở lại đây, nhưng chắc chắn là bạn đọc không thể thấy văn bản tác phẩm này trong các sưu tập, tuyển tập Vũ Trọng Phụng xuất bản trong thời gian trên.
Có lẽ sau lần đăng báo duy nhất, năm 1936, truyện này chưa hề được in lại.
Truyện không chỉ cho nghe tiếng thở dài về thế tình đen bạc, một cảm hứng thường gặp trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng, mà còn đáng chú ý với đời nay ở sự miêu tả sinh hoạt ca trù tại đô thị VN đầu thế kỷ 20.
Gần đây do tìm lại được văn bản phóng sự "Vẽ nhọ bôi hề", ta biết thêm rằng nhà văn rất quan tâm đến trạng thái nghệ thuật và đời sống người nghệ sĩ trong xã hội đương thời ông. Truyện ngắn này xác nhận thêm điều đó.
Để có thể giới thiệu tác phẩm này với bạn đọc hôm nay, tôi phải cảm ơn Peter Zinoman và Nguyễn Nguyệt Cầm, chính hai bạn đã gửi từ Berkeley (California, Hoa Kỳ) về cho tôi bản chụp truyện ngắn này.
Lại Nguyên Ân


Tết ăn mày

Một giờ đêm. Đứng trên bao lan một nhà, nhìn xuống con đường Khâm Thiên, ta thấy một mối cảm giác khó tả. Phố xá vắng vẻ một cách đáng buồn. Mặt đường nhựa, bị một lớp bùn cát lấp, bảo cho mọi người biết một cách hãi hùng rằng xuân sắp đến.

Khi nghĩ rằng muốn sửa soạn nghinh xuân thì người ta phải lo trăm công nghìn việc để được lòng ông chủ nợ, được lòng gia đình, được lòng tổ tiên, được lòng cả kẻ tôi tớ trong nhà nữa, thì người ta phải giật mình đánh thót một cái, và nghĩ đến cuộc hành lạc vô nghĩa ấy để tự hỏi: "Có thể như thế được chăng?". Trong những trường hợp ấy kẻ lãng mạn cũng thoáng nghĩ đến cái phận sự sống một đời ích kỷ và hiền lành của kẻ trưởng giả, và những anh tầm thường cũng trở nên thi sĩ. Cho nên người ta buồn vì ngoài phố chỉ còn mấy tiếng rao rời rạc của mụ hàng nem, buồn vì mấy cái xe tay mui buông kín mít cứ ở nguyên một chỗ để chổng đít ra đường!

Bên trong, khách làng chơi đã lộ sự mệt nhọc. Chiếu rượu vừa bế mạc xong. Bọn trẻ rủ nhau thành từng cặp một, nằm ngồi ngả nghiêng rải rác khắp gian phòng. Họ nói ái tình. Họ nói lảm nhảm. Và họ văng tục. Vì rằng họ chỉ đến đây thời mới được tự do nói nhảm và văng tục.

Còn bọn già thì nằm quanh khay đèn với mấy cô đào rượu và bà chủ. Những cụ này không văng tục, cũng không nghịch đểu. Họ là bọn hóa điên. Họ nói chuyện đứng đắn, chuyện công việc. Và than ôi! Họ lại lo cả tết nữa! Ấy là lúc ra đi, có người đã mặc cả là đi chơi cho đỡ buồn.
***
Giống người thật là một giống hay khoe. Hôm nay, một tiểu thư thấy, nhà trước cửa, cô kia mới may một bộ áo tân thời. Ba hôm sau, cô này cũng phải may một bộ áo tân thời lại tân thời hơn cả của cô kia. Cho nên thấy một quan viên ngáp và nói: "Chết chửa, bỏ mẹ thật, 25 tết rồi!" thì cô đào cũng ùa nhau nói chuyện tết. Họ cũng khoe. Họ lại khoe cả những cái "vỡ lọ cổ" nữa. Cái đó cũng không lạ gì mấy vì chưng đối với Cúc Nương, chúng tôi đã vẽ râu, đã bạt râu năm lần bảy lượt, đã có phen có anh phải để râu như râu Trương Phi, và rồi lại cạo được cho nhẵn nhụi như mặt anh Mã Giám Sinh.

Cúc Nương đã nói đến nhân tình thế thái trong những ngày tết.

Ngày tết của cô đầu
Những khi lên voi
Và những lúc xuống chó

Cúc Nương đã nhắc đến những ngày thịnh thời của nghề đàn phách, những ngày mà ả đào còn ở phố Hàng Giấy, Thái Hà ấp. Thời ấy, không phải là ai cũng đi hát được. Một chầu chay điểm một ít lê táo, vài chai sâm-banh của khách làng chơi đem đến, lại không một ai ngủ lại (điều đó can hệ lắm), khách chi cho ít nhất cũng hai chục đồng. Đi hát là một cái vinh dự, vì đi hát thì phải biết đánh trống. Thời ấy người ta đi ả đào thì thấy sung sướng như chàng đa tình đi qua một cửa hiệu tạp hóa, phải lòng mê mệt cô bán hàng mà rồi được phép vào chuyện trò thân mật với người yêu. Cô đầu giữ được nhân phẩm của mình, làng chơi cũng không dám giở những thủ đoạn gậy gạch.
***
23 tháng chạp.

Mua mấy con cá chép nhỏ làm ngựa ông Táo, tiễn ông Táo lên chầu Trời rồi, chị em cũng như những gia đình nền nếp, tấp nập đi giục thợ may, đi mắng thợ kim hoàn, đi sắm cành đào, thủy tiên. Hơn những gia đình trưởng giả, ngoài việc sắm chè, mứt, mọi thứ cao lương mỹ vị, chị em còn xuống Gô Đa ký những giấy 'li-ve-rông" rượu sâm-banh từng hòm. Pháo cũng nhiều, vì đốt pháo tức là đốt cho tan nát lưng khách làng chơi. Ông Thổ Công mang những chuyện ấy lên khoe với Trời và không dám tâu nộp những chuyện nhơ bẩn gì khác.

Buổi chiều mồng một, Cúc Nương đã từng thấy những chiếc xe hơi đến đỗ trước nhà mình như trước dinh một bà quan to. Có lẽ người ta đã ký văn tự 30 phân với Tây đen, song những cái ấy, chị em không phải lo hộ. Muốn có tình thì phải có tiền. Hồi đó, ái tình trên cái thị trường son phấn còn bán được bằng giá rất cao. Quan viên thi nhau diện xe hơi đến nhà. Quan viên uống nước chè, cắn vài hạt dưa. Quan viên mở rượu sâm-banh. Quan viên nói bông lơn vài câu. Rồi quan viên phong bao cho ba chục bạc, năm chục, hay gọn một "cái đỉnh" (*). Và, vì lẽ đời nó thế, con gà tức nhau tiếng gáy, quan viên mở hàng như vậy mà lại còn hối hận, còn sợ có thằng khác phong bao oai hơn mình. Hồi đó đi hát cô đào thì sẽ bán nhà. Nhưng mà không mắc bệnh hoa liễu.

Cúc Nương thở dài, chép miệng:
- Cứ tiền pháo khi xưa cũng bằng mấy cái tết bây giờ!
***
Bây giờ Cúc Nương đã đến lúc danh vọng về chiều.

Đó là nạn khủng hoảng. Đó là nạn nhân mãn. Đó là nạn ế chồng. Đó là nạn lãng mạn. Đó là cái nạn nhà đăng xing.

Khách hàng không hỏi mua giọng hát nữa. Làng chơi đã đổi hẳn thị dục. Làng chơi cần cái đẹp, cái mới, cái dễ. Cho nên đáng lẽ cùng với mấy cô em danh ca cũng xong, nay Cúc Nương phải mộ thêm một ít cô tân thời biết uống rượu, biết vấn tóc trần cho đẹp, biết đánh răng cho trắng nõn, biết ca mấy câu Trường tương tư, Văn thiên tường, biết khiêu dâm. Cô đầu "xách đèn" và không biết trò chuyện "đếch gì" cả. Và, thêm vào số ấy, lại phải có độ hai món hàng "chanh cốm" thì mới thật là đầy đủ. Cái số nhân viên trong "sở" đã phải mượn đông đến như thế thì có phải bà chủ không thể lo tết cho người làm nữa không? Ai lo phận người ấy.

- Anh ơi, tết nhất đến nơi, anh nỡ để em xơ xác ra thế này à?
- Anh ơi, anh đã làm gì để tỏ lòng yêu em hay là chưa?
- Việc lo ăn lo mặc cho em là việc của bà chủ chứ?
- Vẫn biết thế, khốn nhưng em không có lắm nhân tình! Nếu em có vài người nhân tình luôn luôn đến hát thì em đã chả phải nhờ anh.

Chị xịu mặt nói thế. Anh, muốn chừng nghe cũng có lý, không nói gì nữa. Chị đưa thêm một mũi kiếm:
- Nếu em giả dối với anh thì em đã chẳng xơ xác như thế này, anh ạ.
- Được rồi, để anh nghĩ đã.
- Anh cứ sắm cho em đi, em sẽ trả sau.

Quan viên hiểu ngầm cái nghĩa chữ ấy lắm. Đêm ấy người ta cho nhau ái tình. Sáng hôm sau, quan hẹn đến 26 xuống hát tất niên sẽ có quà tết một thể. Quan viên lại còn kêu như thế thì càng khỏi phải xông đất đầu năm, lợi hơn. Chị em nghĩ thật, tưởng bở nữa. Ngày một ngày hai, chị em cứ chờ: Hôm nay người ta rao cá ông Táo. Mai người ta vác cành đào nghễu nghện qua đường. Ngày kia, người ta vênh váo ngồi xe với những chậu cúc tướng. Ngày kía, người ta rao lá giong gói bánh chưng. Ngồi thục tay vào lòng dưới ánh đèn măng-xông, chờ những khách làng chơi tưởng tượng, chị Lan thấy cái quần nhiễu trắng của mình vẫn là cái quần nối hai lần cạp, cái khăn san vẫn là cái khăn san có ba lỗ thủng bằng ba đồng xu. Vậy mà chị Tình, chị Hiền, chị Mai thì được bà chủ sắm cho nào áo mới giày mới khăn mới. Các chị ấy là cô đầu có "mặt hàng". Mỗi chị ít ra cũng có một số nhân tình là năm bảy ông.

Ngáp dài một cái, chị Lan xúc cảm "kể chuyện" một câu:
- Chém cha... cái số... chung ư ư ư tình!
Thật đặc giọng nhà thổ ế.
***
Hai giờ chiều mồng một.

Năm quan viên vào chúc mừng nhặng cả lên, ăn uống choáng cả lên, hôn hít rầm cả lên. Cuộc đời như vậy thật là: vui vẻ, trẻ trung, tân tiến, hoạt động, trào phúng, và xã hội nữa. Một quan hô:
- Đầu năm thiên thủ, chúng mày ơi, phải có sâm-banh cho nó hùng.

Một quan khác:
- Hùng gì? Bà chủ chỉ đốt mừng chúng mình có một ngón tay pháo.

Một quan khác nữa:
- Thế thì chúng ta mỗi thằng chỉ làm một hến sâm-banh thôi.
- Nhưng mà có sâm-banh không? Có không?

Bà chủ dịu dàng:
- Sao lại không? Đối với các anh là làng chơi đi xe hơi xuống xông đất thì chẳng phải đòi chúng tôi cũng phải đè cổ xuống mà mời sâm-banh.

Cả bọn nhao nhao lên:
- Thế thì đè đi! Thế thì đè đi! Còn chờ gì nữa?

Bốp, bốp, nút chai bắn vọt lên trần nhà. Tiếng săng tê ỏm tỏi. Các quan loạng choạng đi ra. Một quan đã bắc ghế lên mắc vào cái đinh ở cửa hai thước tây pháo. Năm quan ra ngoài đường. Cô đầu ở trong nhà cả. Một quan đánh diêm. Quan khác lấy ma-ni-ven vặn máy xe.

Tạch tạch tạch tạch! Pháo cứ nổ ran lên! Khói cứ um cả nhà! Năm quan lên cả xe. Xe chạy.

Trong cơn biến loạn, có người kêu: "Trời ơi! Họ quên không mở hàng! Họ chưa mở hàng!". Nhưng mà làm thế nào? Cái cửa bằng cái lỗ mũi, tràng pháo lại đương nổ. Khói cứ um lên. Cô đầu tối mắt, ngạt mũi, còn bận bưng mồm ho sù sụ như sặc thuốc lào vậy.

Năm phút sau bà chủ kêu:
- Đồ chó!

Hai chị em bênh nhân tình:
- Không, chắc là các anh ấy quên.

Đến chiều tối, lại một bọn khác. Lại những sự xã giao như lúc hai giờ. Rồi thì, trước khi ra đi, một quan để trên cơi giầu một phong giấy đỏ. Mười phút sau, bà chủ giở ra thấy một tá chinh Bảo Đại. Với một cái thư nữa.

Trong thư, sự tử tế của loài người đã nói:
- "Cái giá trị của các chị chỉ đáng có thế. Các chị thử nghĩ lại xem, đã tử tế với chúng ta như thế nào. Nhớ lại xem!".

Cúc Nương nhớ lại những chầu hát cũ. Một lần, nàng đã nhầm trót để cho hai cô em vào tiếp hai chú Chiệc ở gác trong. Một hôm khác, ba quan ngủ lại, chẳng may có ba cô em lại cùng "đại tang" cả.
***
- Ngày xưa quan viên tìm cô đầu.
- Bây giờ cô đầu hạ mình quá với quan viên.
- Cô đầu không thành cô đầu, quan viên không thành quan viên.
- Nói tóm lại thì quan viên cũng chó mà cô đầu cũng chó!

Cúc Nương nói thế thì một người hỏi đùa:
- Chó ở những lúc ngủ với nhau ấy à?

Tiếng cười rầm một hồi. Rồi Cúc Nương nói:
- Chán bỏ mẹ! Thời buổi này cái gì cũng hỏng! Tết nhất lắm chỉ như đồ ăn mày!
***
Hỡi cô gái giang hồ! Đây là ngày tết. Ngày hôm nay là ngày thiên hạ tưng bừng đón chào xuân mới. Trước ban thờ khói trầm nghi ngút, đèn nến sáng trưng, cô gái ngồi với tráp giầu, sửa soạn chè nước tiếp khách và sẵn sàng đỏ mặt lên nhận những câu chúc đắt chồng, vào dịp xuân sang.

Cô gái giang hồ có biết những cái dĩ vãng tốt đẹp ấy chăng? Hay cô mê mệt vào cuộc truy hoan để chờ khi thấy mặt ta thì lại làm cho ta bồi hồi và giật mình bằng những câu như: "Nay mai anh xuống hát cho một chầu tất niên để em kiếm cái tết nhé!".

Các tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng

TÌNH LÀ GIÂY OAN

Sao Mày Không Vỡ, Nắp Ơi

Cuộc vui ít có

Thạch Lam chưa biết kéo cánh với bồi và lính tập

Lựa Gió Thay Chiều, Đáng Khen Thay Báo Phong Hoá

Từ lý thuyết đến thực hành

Tự do

Người có quyền

Một đồng bạc

Một con chó hay chim chuột

Một cái chết

Máu mê

Lòng tự ái

Lấy vợ xấu

Hồ sê líu hồ líu sê sàng

Gương... tống tiền

Đời là một cuộc chiến đấu

Đi săn khỉ

Con người điêu trá

CHỐNG NẠNG LÊN ĐƯỜNG

Cái ghen đàn ông

Bụng Trẻ Con

Bộ răng vàng

Bệnh Lao chữa bằng mồm

Bà Lão Lòa

Ăn mừng

Số Đỏ

Kỹ nghệ lấy Tây

GIÔNG TỐ

CƠM THẦY CƠM CÔ

Cạm Bẫy Người