watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Hoa Hồng Cho Emily - tác giả William Faulkner William Faulkner

Hoa Hồng Cho Emily

Tác giả: William Faulkner

1.
Khi cô Emily Grierson chết, cả tỉnh chúng tôi đi dự đám tang; đàn ông thì vì lòng quí mến một thứ gì cổ kính đã sụp đổ; còn đàn bà thì hầu hết là vì tính hiếu kì muốn dòm ngó phía trong nhà cô, ít ra cũng đã mười năm không ai được đặt chân tới, trừ ông lão bộc vừa là người đầu bếp, vừa là người làm vườn.
Đây là một toà nhà bằng gỗ to lớn vuông vắn, trước kia đã có lần sơn trắng. Toà nhà đó với đường mái cong, với những chóp nhọn hoắt, với những bao lơn cuốn vòng theo đúng lối kiến trúc thanh kỳ của những năm 70, toạ lạc tại một khu phố sang trọng nhất nước kia. Nhưng rồi thì những nhà sửa xe, những nhà máy cán bông lấn dần và xoá mờ ngay cả những danh hiệu cổ kính của khu phố, chỉ còn trơ lại có nhà cô Emily vẫn ngạo nghễ vươn lên với dáng suy tàn mà đỏng đảnh giữa đám xe goòng chở bông và những trạm sơn băng, đúng là một cảnh trướng mắt giữa những cảnh trướng mắt khác. Và giờ đây, cô Emily đã nối gót theo những đại diện của hai danh hiệu cổ kính ấy vào nằm trong nghĩa trang dưới bóng tùng vi vu, giữa những dãy mồ vô danh của các Hợp chủng miền Bắc và Liên Quân miền Nam đã gục ngã trên chến trường Jefferson.
Lúc sinh thời, cô Emily là một truyền thống, một nghĩa vụ, một lo âu, một thứ đảm phụ thế truyền vào năm 1894 đè nặng lê cả tỉnh kể từ ngày viên đại tá thị trưởng Sartoris, người đã ban hành điều luật cấm các phụ nữa da đen ra phố nếu không quấn tạp dề, đã miễn hẳn mọi khoản thuế cho cô. Việc xá thuế này được tính từ ngày cha cô qua đời, và có hiệu lực vĩnh viễn. Không phải là cô Emily sẽ mang tiếng chịu nhận cứu trợ. Đại tá Sartoris đã bịa ra một câu chuyện loanh quanh là trước đây thân phụ cô Emily đã cho tỉnh vay tiền, và như vậy theo lẽ sòng phẳng thường tình, tỉnh mới tìm cách trả nợ như thế. Chỉ có người thuộc cùng thế hệ và với tầm kiến thức như đại tá Sartoris mới có thể bịa ra câu chuyện tương tự, mà cũng chỉ có phụ nữ mới tin được chuyện đó.
Khi thế hệ sau với tư tưởng mới mẻ hơn lên làm thị trưởng, làm hội viên hàng tỉnh thì việc thu xếp như vậy đã gây ra ít nhiều điều bất bình. Vào ngày đầu năm, họ gửi giấy báo thuế cho cô. Sang tháng hai rồi mà cũng chẳng nhận được hồi âm. Họ bèn gửi tới cô một công văn chính thức yêu cầu cô lúc nào thuận tiện hãy tới văn phòng ông quận trưởng viết giấy đề nghị là sẽ đến nhà cô hoặc là đánh xe tới đón cô. Ông nhận được thư trả lời viết trên một khổ giấy cổ lỗ, tuồng chữ trôi chảy, nhỏ xíu, nét mực mờ mờ. Thư đáp rằng cô sẽ chẳng bao giờ ra khỏi nhà, giấy bào thuế gửi hoàn không một lời giải thích.
Họ triệu tập một phiên hội đồng hàng tỉnh bất thường. Một toán đại diện được cử đến nhà cô, họ gõ cửa, cánh cửa đã tám năm hay mười năm nay không một người khách nào lọt qua, kể từ ngày cô thôi không dạy vẽ hình trên đồ sứ nữa. Người lão bộ da đen ra mở cửa, họ vào một hành lang tôi tối, nơi đây có một cầu thang hun hút đưa lên một chỗ còn tối tăm hơn nữa. Thoang thoảng có mùi bụi và mùi mốc, một thứ mùi bưng bít ẩm ướt. Người lão bộ da đen dẫn họ vào phòng khách: đồ đạc chắc nịch, ghế có bọc da. Khi người da đen kéo cái màn ở một cửa sổ ra họ nhìn thấy mặt da ghế đã rạn nứt. Đến lúc họ ngồi xuống thì một đám bụi mỏng uể oải bốc lên quanh đùi họ. Trên một cái giá vẽ mạ véc ni đã xạm màu đặt trước lò sưởi có bức chân dung thân phụ cô Emily vẽ bằng chì than.
Họ đứng dậy khi cô Emily vào, người cô thấp và mập bận đồ đen, đeo một dây chuyền mảnh bằng vàng xệ tới bụng buông lẫn vào trong dây lưng. Cô chống một cây gậy gỗ mun có tay cầm bịt vàng đã xạm mày. Cốt cách cô mảnh nhỏ, vì vậy vẻ mập mạp đó với người khác là khoẻ mạnh nhưng với cô chỉ là béo bệu mà thôi. Trông cô trương phù lên như một xác chết lâu ngày ngâm trong vũng nước tù, màu da lờn lợt. Cặp mắt cô chìm lẫn dưới những nếp nhăn bệu mỡ trông tựa hai mẩu than nhận chìm trên tấm bánh bột phồng, cặp mắt đưa đẩy lần lượt ngó vào mặt từng người trong khi họ bày tỏ lý do đến nhà cô.
Cô chẳng buồn mời họ ngồi. Cô cứ đứng sững nơi ngưỡng cửa, im lặng nghe cho đến khi một người trong bọn họ dứt lời. Lúc đó họ nghe tích tắc của cái đồng hồ khuất nẻo nơi đầu sợi dây chuyền vàng của cô.
Cô cất giọng khô khan lạnh lẽo:
- Tôi không có thuế má gì phải đóng ở Jefferson cả. Đại tá Sartoris đã giải thích với tôi như vậy. Có lẽ một người trong bọn các ông có thể tới văn khố toà thị chính mà tự tìm hiểu.
- Nhưng mà chúng tôi đã làm việc đó rồi. Chúng tôi là nhân viên toà thị chính mà , thưa cô. Cô không nhận được một giấy báo thuế do ông quận trưởng ký gửi sao?
- Có, tôi có nhận được giấy - cô ta đáp - có lẽ ông ta tự phong là quận trưởng... tôi chẳng có thuế gì mà cần phải đóng ở Jefferson cả.
- Không thấy sổ sách nào ghi như vậy cả, cô hiểu cho chúng tôi phải...
Các ông nên đi mà gặp đại tá Sartoris . Tôi chẳng có thuế má gì ở Jefferson
- Nhưng cô Emily này......
- Hãy đi gặp đại tá Sartiris (Đại tá Sartoris đã qua đời gần mười năm rồi). Tôi chẳng có thể có thuế má gì phải đóng ở đây cả. Chú Tobel! (Người da đen xuất hiện) Dẫn đưòng cho các ông ấy ra.
2.
Như vậy là cô đã chế ngự được họ, đúng như cô đã thắng cả những bậc cha chú của họ, ba mươi năm về trước đối với cái mùi hôi thối phát ra tự nhà cô. Vụ này xảy ra hai năm sau khi thân phụ cô mất, ít lâu sau khi người tình của cô bỏ đi nơi khác, một người mà chúng tôi ai cũng nghĩ là sẽ cưới cô làm vợ. Sau khi thân phụ cô mất, ít khi cô ra ngoài; và khi người tình bỏ cô mà ra đi, khó có ai thấy được mặt cô. Có một vài bà táo gan dám liều đến thăm cô, nhưng họ không được cô tiếp, dấu hiệu sinh hoạt duy nhất nơi cô ở là người đàn ông da đen - thuở đó ông ta còn trẻ - cắp làn chợ, đi đi về về.
- " Bất kỳ một người dàn ông nào trông nom bếp nước đều như thế cả!" . Các bà tán với nhau như vậy, nên chẳng ai ngạc nhiên khi có mùi hôi thối phát ra, thế là có một mối liên quan mới giữa đám người đông đảo, thô kệch với giòng họ Grierson cao cả và hiển hách.
Một bà láng giềng của cô tìm đến phàn nàn với ông thị trưởng là vị thẩm phán tám mươi tuổi Stevens
- Bà bảo tôi làm thế nào bây giờ? - Ông thị trưởng hỏi.
- Khó gì, ông thị trưởng cứ việc ra lệnh bắt phải chặn đứng cái đó lại. Không còn luật pháp gì nữa sao?
- Tôi chắc là chẳng cần đến như thế - Ông thẩm phán nói - hẳn đây chỉ là con rắn hay con chuột mà anh chàng da đen đập chết ở trong sân nhà mà thôi. Để tôi bảo hắn.
Hôm sau lại có hai người đến kêu ca nữa. Một người đàn ông đã tới rụt rè đưa ra lời khẩn cầu.
- Đã đến lúc bắt buộc phải làm một cái gì, ông thẩm phán ạ. Bất đắc dĩ lắm tôi mới phải tính đến chuyện quấy rầy cô Emily, nhưng quả thật đã đến lúc chúng ta phải làm một cái gì.
Tối hôm ấy, hội đồng thành phố họp: ba người đứng tuổi và một thanh niên, một nhân vật của thế hệ đang lên.
- Giản dị lắm - chàng thanh niên nói - bảo cô phải tẩy uế nhà cửa. Hạn cho cô một thời gian, nếu không thì...
- Trời đất, thưa ông bạn - lời ông thẩm phán Stevens - liệu ông có thể sỗ sàng nói thẳng vào mặt một phụ nữ rằng người bà ta hôi hám sao?
Thế rồi đêm hôm sau vào lúc quá nửa đêm, bốn người đàn ông băng qua sân cỏ nhà cô Emily, lén vào như bọn ăn trộm, họ đánh hơi dọc cái hầm nhà xây gạch, theo những cửa thông hơi phía trên hầm, đồng thời một người thọc tay vào bao tải đeo trên lưng, rồi vung tay ra đều đặn hệt như người gieo mạ. Họ đẩy cửa hầm, đi vào trong, rắc vôi bột, rắc cả những gian nhà phụ bên ngoài. Khi họ trở ra, cũng lại băng qua sân cỏ, thì thấy một khung cửa sổ lúc trước tối, bây giờ có ánh sáng, và họ thấy cô Emily ngồi đó trước ánh dèn, cô ngồi thẳng im lìm như một pho tượng. Họ lặng lẽ bò qua sân cỏ, lẩn vào bóng những hàng cây dạ hợp trồng dọc theo hè phố. Một hai tuần sau thì mùi hôi thối không còn.
Chừng đó mọi người mới thấy thương hại cô. Dân trong tỉnh lại nhớ đến bà cụ Wyatt, bà cô của cô ta, sau cùng đã thực sự phát điên vì nhận ra là giòng họ Grierson đã tự đề cao hơi quá lố. Không một chàng trai tráng nào khả dĩ có thể xứng hợp với cô Emily. Chúng tôi thường hình dung những nhân vật trong dòng họ cô như những hình trên một bức ảnh - phía trong cùng là cô Emily mặc đồ trắng, dáng mảnh mai, phía trước là cha cô, xây lưng lại phía cô, hai chân dang ra, tay lăm lăm chiếc roi ngự, cả hai nổi bật trong khung cửa mặt tiền. Vì vậy khi cô vừa ba chục tuổi xuân mà vẫn chưa chồng, chúng tôi đúng ra nào có sung sướng gì, nhưng cũng cảm thấy được hả giận. Ngay cả khi có chứng điên trong gia đình, cô cũng chẳng bỏ lỡ tất cả những cơ hội may mắn nếu quả những cơ hội đó có đến thật.
Khi thân phụ cô qua đời, người ta đồn rằng tất cả của cải để lại cho cô chỉ còn căn nhà đó, dân chúng về một phương diện nào đó có vẻ bằng lòng. Bây giờ thì họ có thể rủ lòng thương hại cuộc đời cô được rồi. Bị bỏ lại trong cô độc và nghèo nàn lúc ấy cô mới thấm thía nhân tình, lúc ấy cô mới hiểu thế nào là niềm vui hoặc nỗi buồn của một đồng xu kiếm được hoặc mất đi.
Sau hôm thân phụ cô mất tất cả các bà đều sẵn sàng qua nhà cô để phân ưu và giúp đỡ theo thông lệ. Cô Emily tiếp họ ở cửa, cô ăn bận như ngày thường, tuyệt không một nét buồn rầu thoáng hiện, cô bảo các bà là thân phụ cô không chết. Cô cũng đã nói như vậy ba ngày liên tiếp với các mục sư đến viếng, với các y sĩ đến thuyết phục cô để lo liệu cho xác chết. Mãi đến lúc họ định dựa vào pháp luật để cưỡng bách cô thì cô mới nhượng bộ, và họ vội vàng chôn cất cha cô.
Chúng tôi không cho là cô điên. Chúng tôi nghĩ là cô chẳng thể nào làm khác được, chúng tôi nhớ tới những chàng trai trẻ mà thân phụ cô đã xua đuổi đi, và chúng tôi hiểu giờ đây cô thấy chẳng còn có gì, nên phải bám víu lấy cái đã tước đoạt mọi thứ nơi cô như mọi người vẫn thường làm thế....
3.
Cô đau khá lâu. Khi chúng tôi gặp cô thì tóc cô cắt ngắn trông cô như con gái, phảng phất tựa những hình thiên thần vẽ trên cửa kính màu ở nhà thờ, vừa có vẻ bi thảm vừa có vẻ trong trắng.
Thành phố vừa ký những hợp đồng lát đá các lề đường, và mùa hè sau năm thân phụ cô mất, người ta khởi công. Hãng thầu tới đem theo bọn phu da đen với những con la và máy móc. Có gã đốc công tên là Homer Barron, dân Bắc Mỹ, vạm vỡ da ngăm tính tình cương quyết, tiếng nói oang oang, với cặp mắt sáng hơn màu da mặt. Lũ trẻ con xúm nhau đi theo nghe gã nhiếc mắng bọn da đen và nghe bọn này cất tiếng hát theo nhịp cuốc. Chẳng bao lâu gã quen khắp mặt trong tỉnh. Cứ mỗi khi nghe tiếng cười ran ở đâu là y như có gã Homer Barron giữa đám nới đó rồi. Thời gian này, vào những chiều chủ nhật, chúng tôi bắt đầu thấy gã và cô Emily ngồi trên chiếc xe ngựa thuê không mui hai chỗ, bánh màu vàng đóng cặp ngựa hồng.
Thoạt, chúng tôi lấy làm hoan hỉ khi thấy cô Emily đã có được niềm vui sống, bởi các bà đều bàn tán:
- Dĩ nhiên là con gái dòng họ Grierson chẳng thể cặp bồ với một anh chàng người miền Bắc, kẻ làm công nhật được.
Nhưng cũng có những người khác nhiều tuổi hơn bàn tán rằng ngay cả trong nỗi sầu tư một cô gái quyền quý cũng không quên được câu phú quý sinh lễ nghĩa. ấy thế rồi họ chép miệng nói với nhau:
- Tội nghiệp cho Emily. Thân quyến cô sẽ phải đến với cô.
Cô có một số thân quyến ở Alabama, nhưng mấy năm trước, thân phụ cô đã xích mích với họ về việc kế thừa tài sản của bà Wyatt, một bà cụ điên, vì vậy mà hai gia đình cắt đứt liên lạc với nhau. Chẳng một ai ở gia đình bên kia đến phúng điếu nữa.
Rồi chẳng bao lâu các bà lại chép miệng:
- Tội nghiệp cho Emily!
Rồi họ thì thào hỏi nhau:
- Các bà có nghĩ vậy không?
Kẻ tán vào thì bảo:
- Dĩ nhiên là thế. Còn gì bằng...
Những lời đàm tiếu đó thốt ra sau những bàn tay che miệng, phía sau những màn lụa và sa tanh, bên trong những bức mành che nắng, được sột soạt cuộn lén vào những chiều chủ nhật khi vừa có tiếng clop clop clop của cặp ngựa hồng lanh lẹ lướt qua. " Tội nghiệp cho Emily" .
Cô vẫn ngẩng cao đầu - ngay cả khi chúng tôi cho rằng cô thật thế - Có thể nói hơn bao giờ hết cô đòi mọi người phải công nhận cái phẩm cách của cô như một người cuối cùng trong giòng họ Grierson dường như chính cái vẻ tầm thường ấy tái xác nhận nhân cách bất khả xâm phạm của cô. Ví như hôm cô đi mua thuốc giệt chuột, chất nhân ngôn. Đó là việc xảy ra hơn một năm sau lời thốt thương hại " Tội nghiệp cho Emily" của thiên hạ, vào thời gian hai người chị họ cô đến chơi ở nhà, cô bảo với người bán thuốc:
- Tôi muốn mua độc dược.
Năm ấy cô ngoài ba chục. Người cô vẫn mảnh mai tuy có gầy hơn thường lệ, cặp mắt đen láy của cô lạnh lùng, ngạo mạn trên một khuôn mặt mà da thịt căng xếch tới thái dương bao quanh hai quầng mẳt trông tựa khuôn mặt của kẻ gác hải đăng
- Tôi muốn mua độc dược, - Cô nói.
- Vâng được, cô Emily, loại nào thưa cô? Cho chuột hay giống vật nào khác? Theo như tôi biết thì...
- Tôi muốn thứ mạnh nhất mà nhà hàng có. Bất cứ loại nào.
Người bán thuốc nêu một số rồi nói:
- Những thứ đó có thể giết được cả voi... nhưng loại cô muốn dùng là......
- Mua thạch tín.
Người bán thuốc nhìn cô, cô nhìn lại ông ta, đứng thẳng người, mặt như là cờ căng gió.
- Dĩ nhiên là có, - người bán thuốc - nếu quả thực đó là thứ cô cần. Nhưng theo luật xin cô cho biết cô sẽ dùng chất đó vào việc gì.
Cô Emily chỉ nhìn chằm chằm vào mặt ông ta, đầu cô ngả ra phía sau, mắt dán vào ông ta đến nỗi ông phải quay lưng đi rồi lấy thạch tín gói lại. Một chú bé giao hàng người da đen mang gói thạch tín đến cho cô; người bán thuốc không ra nữa. Khi về đến nhà, cô mở gói thì thấy trên cái hộp, hình sọ người và hai xương ống bắt chéo, hàng chữ " Dùng cho chuột"
4.
Rồi ngày hôm sau chúng tôi đều bảo: " Cô ta sẽ tự sát" và chúng tôi cho rằng như thế có lẽ là hay nhất. Lần đầu tiên khi thấy cô đi với Homer Barron, chúng tôi đã bảo: " Cô sẽ lấy gã" , ít lâu sau chúng tôi bàn: " Tất nhiân cô sẽ thuyết phục được gã" , bởi lẽ Homer Barron - gã thích tụ bạ với gã cánh đàn ông và đã từng đi uống với những hội viên trẻ nhất của câu lạc bộ Elks cũng đã tự nhận rằng mình không phải là hạng người sinh ra để lấy vợ. Sau nữa chúng tôi lại nói: " Tội nghiệp cho Emily" , phía sau mành cửa khi họ đi qua vào chiều chủ nhật trên chiếc xe ngựa mui trần bóng loáng, cô Emily ngẩng cao đầu, còn Hormer Barro mũ lệch bên tai, răng cắn chặt điếu xì gà, dây cương và roi ngựa trong cái bao tay màu vàng.
Rồi thì có vài bà nghĩ đó là điều xỉ nhục cho cả tỉnh, làm gương xấu cho giới trẻ. Bọn đàn ông thì không muốn can dự đến; nhưng sau cùng các bà ép mục sư giáo phái Baptist - gia đình cô Emily theo giáo phái Episcopal - đến tiếp xúc với cô. Mục sư không tiết lộ những gì đã xảy ra trong cuộc tiếp xúc ấy, nhưng từ khước không trở lại nhà cô nữa. Ngày chủ nhật sau đó, họ lại đánh xe đi với nhau ở ngoài phố, và hôm sau thì bà vợ ông mục sư biên thư cho thân quyến cô Emily ở Alabama.
Thế là trong nhà cô lại có thân quyến tới ở, và chúng tôi ngồi chờ xem diễn biến, Thoạt thì chẳng thấy gì hết. Sau rồi chúng tôi yên chí là họ sắp sửa lấy nhau. Kế đó chúng tôi được tin là cô Emily đã tới hiệu kim hoàn đặt một bộ trang sức cho nam giới bằng bạc có khắc hai chữ đầu H.B ở mỗi món đồ. Hai hôm sau, chúng tôi lại được tin cô sắm một lô quần áo đàn ông, có cả áo ngủ, và chúng tôi kết luận: " Họ lấy nhau thật rồi" . Chúng tôi rất mừng. Mừng là vì hai cô chị họ còn điệu bộ Grierson hơn cả cô Emily nữa.
Thế nên chúng tôi không ngạc nhiên khi thấy Homer Barron - lề đường phố khi đó lát đã xong được ít lâu rồi - bỏ đi. Chúng tôi hơi thất vọng là chẳng có cuộc vui chung nào, nhưng chúng tôi tin rằng gã ra đi để sửa soạn đón cô Emily, hay để cô có cơ hội thuận tiện tống khứ được hai người chị họ đi. Vào thời gian ấy quả là chúng tôi đã hùa nhau, đứng về phe cô Emily, giúp cô mưu kế để đẩy cho bằng được hai cô chị họ kia. Có điều khá chắc chắn là trong vòng một tuần lễ cả hai người chị họ đều ra đi. Và đúng như chúng tôi trông chờ, chưa đầy ba ngày, Homer Barron trở lại thành phố, Ngưòi láng giềng của cô trông thấy anh hầu da đen để gã vào lối cửa bếp một buổi tối lúc trời chạng vạng.
Và đó là lần chót chúng tôi thấy Homer Barron. Rồi cả cô Emily cũng chả thấy mặt trong suốt một thời gian. Vẫn chỉ thấy anh da đen đi đi về về với cái làn đi chợ, còn cửa chính thì đóng im ỉm. Thỉnh thoảng chúng tôi trông thấy cô ở cửa sổ một lúc như tối hôm nào mấy người rắc vôi bột xung quanh nhà cô, nhưng đến gần sáu tháng trời không thấy cô xuất hiện ở ngoaì thành phố. Lúc đó chúng tôi mới ngã ngửa người ra là cũng phải dự liệu cả đến điều này nữa: dường như tính nết đó của thân phụ cô, đã quá nhiều lần mâu thuẫn với nếp sống phụ nữ của cô, nó độc địa quá, dữ dằn quá đến không thể tiêu tan đi được.
Khi chúng tôi gặp được cô Emily sau này, thì thấy người cô béo phệ ra, tóc cô xám thêm đến độ ngả sang màu muối tiêu, màu xám sắt thì giữ màu không đổi nữa. Cho đến ngày cô chết, vào tuổi bảy mươi tư, tóc cô vẫn giữ nguyên màu xám sắt mạnh mẽ như tóc người đàn ông năng hoạt động vậy.
Từ độ đó trở đi cửa nhà cô vẫn đóng chặt, trừ một thời gian khoảng sáu, bảy năm, thuở cô trạc bốn mươi, cô dạy vẽ hình trên đồ sứ. Cô thu dọn một phòng ở tầng một làm xưởng vẽ, nơi đây những con gái, cháu gái của những người đồng thời với đại tá Sartoris được gửi tới học đều đặn, cần mẫn như đi nhà thờ vào ngày chủ nhật, mang theo đồng hai mươi lăm xu để góp trong đĩa. ấy thế mà thuế má của cô được xá hết.
Rồi khi thế hệ trẻ trở thành cột trụ và linh hồn của thành phố, và những học trò lớp vẽ của cô lớn lên, tản lạc đi các nơi, họ cũng chẳng gửi con cái họ đến học cô, mang theo những hộp màu, những cọ sơn buồn nản và những hình cắt trong các tập san phụ nữ, cửa tiền nhà cô đóng chặt sau lưng đứa học trò cuối cùng, rồi đóng kín như thế mãi. Khi thành phố được phát thư tín miễn phí, riêng một mình cô Emily từ chối không cho họ treo bảng số trên cửa nhà, mà cũng không cho gắn hộp thư vào cửa, cô nhất thiết không chịu nghe một lời phân giải nào.
Ngày, tháng, năm trôi qua, chúng tôi thấy anh người làm da đen tóc thêm xạm màu, lưng thêm còng, vẫn đi đi về về với cái làn đi chợ. Cứ mỗi tháng chạp tới, chúng tôi lại gửi đến nhà cô một giấy báo thuế và sau đó một tuần nhận được giấy gửi hoàn toàn qua bưu điện, vơi mấy chữ: không người nhận. Thỉnh thoảng chúng tôi có trông thấy cô xuất hiện sau một khung cửa sổ tầng dưới- hẳn là cô đã khó kín tầng trên - như một pho tượng. Cứ như vậy cô sống trải từ thế hệ này qua thế hệ khác, cao giá, không lẩn trốn, bất khả xâm phạm, trầm tĩnh, ngang bướng.
Và rồi cô chết. Cô lâm bệnh trong can nhà đầy bụi bặm và bóng tối với người lão bộc da đen lụm cụm hầu hạ. Chúng tôi cũng không hay là cô đau, đã từ lâu chúng tôi từ bỏ việc hỏi dò người lão bộc về cô. Lão chẳng nói với ai lời nào, chắc cả với cô cũng vậy, tiếng lão đã khàn khàn, rỉ sét bởi đã từ lâu không dùng.
Cô chết ở một trong mấycăn phòng dưới nhà, trên cái giường nặng chịch bằng gỗ hồ đào, có tấm màn che, mái đầu tóc xám đặt trên chiếc gối màu vàng mốc meo vì lâu ngày thiếu ánh mặt trời.
5.
Lão da đen ra cửa tiền đón người đi đầu trong bọn các bà rồi dẫn tất cả vào nhà., giọng nói của các bà tắc nghẹn, thì thầm với những cái nhìn vội vàng lén lút, đoạn lão lần đi. Lão đi thẳng qua căn nhà, ra lối cửa hậu và rồi không thấy đâu nữa.
Hai người chị họ cũng vừa tất tưởi đến viếng. Họ cho làm đám tang ngay hôm sau, và tất cả tỉnh đến viếng cô Emily nằm dưới đống hoa mới mua, chân dung thân phụ cô vẽ bằng chì than như trầm tư trên cỗ áo quan, các bà thì thầm ma quái, trên sân cỏ, trong hành lang, những cụ già - một vài cụ vận binh phục Liên Quân miền Nam chải chuốt diêm dúa tán gẫu về cô Emily, coi cô như người cùng thế hệ với mình, tin rằng mình đã có lần khiêu vũ với cô, và có lẽ đã tán tỉnh cô nữa, các cụ đã lẫn thời gian với cấp số toán học của nó, như những người già thường lẫn, đối với họ dĩ vãng không phải là con đường suy giảm dần, mà là một cánh đồng cỏ bao la mùa đông chẳng bao giờ chậm tới, ngăn cách họ bằng cái cổ chai nhỏ hẹp của mười năm vừa qua.
Chúng tôi vốn biết trên lầu có một căn phòng đóng kín mà đã bốn mươi năm qua không một ai biết tơí, phải phá cửa mới vào được. Người ta đợi cô Emily đã mồ yên mả đẹp mới dám phá cửa đó ra.
Sức phá cửa mạnh dường như đã làm căn phòng tràn ngập bụi bặm. Tưởng như có tấm khăn phủ quan tài mỏng mùi hăng trùm khắp căn phòng được trang trí cho cô dâu chú rể: trên những tấm màn buông có riềm màu hồng bạc phếch, trên những chụp đèn màu hồng, trên cái bàn phấn, trên loạt đồ pha lê thanh nhã, trên bộ đồ trang sức của nam giới mà mặt trong bằng bạc đã xám xịt, xám đến nỗi mấy chữ viết tắt đã ám đen,. Giữa những thứ đó có một chiếc cổ cồn và chiếc cà vạt tưởng như vừa được tháo ra, và khi nhấc lên còn để lại trên mặt bàn một hình trăng lưỡi liềm mờ nhạt trên nền bụi. Trên ghế còn vắt bộ quần áo gấp nếp cẩn thận, dưới ghế là đôi giày câm nín và đôi tất chơ vơ.
Chính gã đàn ông đó nằm trên giường.
Chúng tôi đứng yên đó một lúc lâu, cúi nhìn cái miệng cười rộng hoác sâu thẳm và không còn da thịt. Người ta thấy hình như thân gã có một lúc nằm với dáng điệu ôm ấp, nhưng rồi giấc ngủ dài, dài vượt tình yêu, giấc ngủ dài đã chinh phục được sự đỏng đảnh của tình yêu, đã lừa gạt được y. Di thể gã đã rữa nát dưới những gì còn sót lại của chiếc áo ngủ, chẳng thể gỡ khỏi nơi mặt giường gã nằm, và trên xác gã cũng như trên chiếc gối bên cạnh gã phủ một lớp bụi đều đặn, dẻo dai và bền bỉ.
Lúc ấy chúng tôi để ý nhận thấy trên mặt gối thứ hai còn in hằn vết lõm đầu người. Một người trong bọn tôi nhặt lên được một cái gì trên gối, và khi chúng tối cúi xuống, lớp bụi gờn gợn vô hình khô khan mùi hăng sè xông thẳng lên mũi, chúng tôi nhìn ra thì đó là một sợi tóc dài, một sợi tóc màu xám sắt.

Các tác phẩm khác của William Faulkner

Âm thanh và Cuồng Nộ