watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Louise - tác giả William Sommerset MAUGHAM William Sommerset MAUGHAM

Louise

Tác giả: William Sommerset MAUGHAM

W. Somerset MAUGHAM (1874-1965)
Ông là con một viên cố vấn luật pháp, sống ở Paris với cha cho đến năm 10 tuổi thì mồ côi cha. Vì mẹ mất từ hai năm trước, ông phải trở về Anh sống cực khổ bên một người chú làm Cha Sở tại Whitstable. Tuy thiên về văn chương từ nhỏ nhưng bị chú ép buộc phải theo học ngành thuốc. Ông đã từng du học ở Đại học Heidelberg (Đức) và đến năm 1897 thì tốt nghiệp Y khoa.
Ông có tật nói lắp, tính tình lại nhút nhát, nhưng thông thạo khá nhiều ngoại ngữ : Pháp, Đức, YÙ, Y-pha-nho và rất ưa du lịch khắp nơi trên thế giới. Trong Thế chiến I, ông làm cho cơ quan tình báo.
Từ năm 1928, ông tậu một biệt thự ở Nice và định cư ở Pháp cho tới khi tạ thế.
S. MAUGHAM viết khá nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, kịch và là tác giả ăn khách bậc nhất thời bấy giờ. Tác phẩm của ông bắt đầu ra mắt công chúng từ năm 1896 và đến năm 1908 thì ông nổi tiếng với bốn hài kịch được trình diễn ở Luân đôn.
S. MAUGHAM phân tích tâm lý nhân vật khá sâu sắc song những nhận xét, suy luận của ông dừng lại ở lãnh vực lý trí chứ không đi vào những ngõ ngách ngoắt ngoé của vô thức.
"Louise" có thể coi là một truyện ngắn tiêu biểu của S. MAUGHAM.


Tôi cũng không hiểu tại sao Louise lại bận lòng vì tôi. Nàng ghét cay ghét đắng tôi và tôi biết sau lưng tôi nàng không bỏ lỡ một cơ hội nào để đặt điều dèm pha tôi với cái vẻ thùy mị cố hữu của nàng. Nàng rất tế nhị, không khi nào nói thẳng nhưng chỉ một lời nói bóng, một tiếng thở dài, một cái vẫy nhẹ của đôi bàn tay nõn nà là người ta tức khắc hiểu thấu đáo tâm ý nàng. Louise là bà chúa về khoa lãnh đạm khen khéo. Quả thật chúng tôi đã quen biết, gần như thân nhau, từ trên 25 năm nay nhưng tôi không tin rằng nàng có thể động lòng vì mối thâm tình này. Nàng cho tôi là một gã đàn ông sống sượng, cục súc, lỗ mãng, miệng lưỡi cay độc. Tôi lấy làm lạ sao nàng lại không tiến đến con đường tất yếu tức là bỏ rơi tôi. Nàng không làm như thế, nhưng đúng sự thực thì nàng cũng không để tôi yên : nàng luôn luôn mời mọc tôi tới ăn trưa, ăn tối với nàng, một năm đôi lần còn mời tôi đến chơi cả mấy ngày cuối tuần ở nhà nàng tại miền quê. Sau cùng tôi cũng đoán ra được lý do. Nàng nghi ngại tôi không tin nàng, nếu đó là nguyên do vì sao nàng gờm tôi thì nó cũng khiến nàng tìm cách giao du với tôi. Nàng hằn học thấy chỉ duy có tôi coi nàng là con người ưa vờ vĩnh, giả dối và nàng đứng ngồi không yên chừng nào mà tôi còn chưa chịu nhìn nhận mình đã lầm lẫn và đầu hàng. Có lẽ nàng thoáng hiểu tôi đã nhìn rõ chân tướng của nàng đằng sau chiếc mặt nạ vì chỉ có mình tôi biết thế nên nàng hi vọng chẳng chóng thì chầy một ngày kia tôi sẽ lẫn cái mặt nạ với bộ mặt thật của nàng. Tôi không bao giờ biết rõ nàng có manh tâm bịp bợm thật hay không. Tôi tự hỏi có phải nàng lừa dối ngay cả chính nàng cũng như nàng đã lừa dối tất cả mọi người xunh quanh, hay tại nàng có một điểm hài ước nào dấu kín trong thâm tâm ? Nếu quả thế thì có lẽ nàng đã bị tôi thu hút không khác nào sắt với nam châm, chúng tôi luôn luôn cặp kè nhau vì cùng chia sẻ với nhau một điều bí mật mà không ai biết.
Tôi quen Louise từ trước khi nàng thành hôn. Khi ấy nàng còn là một thiếu nữ mảnh mai với cặp mắt to và u buồn. Cha mẹ nàng quý báu nàng như con cầu tự, gần như thờ phụng nàng bởi vì hình như bệnh tinh hồng nhiệt đã khiến cho quả tim nàng suy nhược và nàng cần phải hết sức gìn giữ sức khoẻ. Vậy nên khi Tom Maitland đến cầu hôn thì gia đình nàng không mấy vui, cho rằng nàng quá ẻo lả, ắt không đủ hơi sức chịu đựng nổi một tình trạng nhược người như lập gia đình. Song nhà nàng vốn chỉ đủ ăn mà Tom Maitland lại giầu. Chàng hứa sẽ làm tất cả những gì có thể làm trên cõi đời này cho Louise. Cuối cùng cha mẹ nàng bằng lòng giao phó Louise cho Tom như giao một trách vụ thiêng liêng. Tom Maitland là một anh chàng to lớn, vạm vỡ, rất điển trai và là một thể thao gia có bản lĩnh. Chàng đắm đuối say mê Louise. Vì tim nàng đau yếu chàng không hi vọng giữ được nàng sống lâu bên mình nên dốc lòng chiều chuộng nàng để cho những năm cuối cùng của đời nàng được có hạnh phúc. Chàng dứt khoát bỏ hẳn những trò tiêu khiển đã thành thạo từ xưa, không phải vì nàng đòi thế, nàng vui vẻ khi thấy chàng chơi golf hay đi săn, chỉ vì ngẫu nhiên mỗi lần chàng định đi đâu xa độ một ngày thì nàng lên cơm đau tim. Nếu hai người có chuyện bất hòa thì nàng lập tức nhường nhịn ngay vì nàng là một người vợ nhu thuận nhất đời. Chỉ tại quả tim nàng dở quẻ hóa nên nàng phải nằm liệt giường cả tuần, nhưng lúc nào nàng cũng nhu mì không hề hé môi than thở. Chàng không đành tâm cư xử như một kẻ phàm phu khiến nàng phải phiền muộn. Thế là hai người giằng co nhau xem ai được quyền nhường nhịn ai và phải khó khăn lắm chàng mới thuyết phục được nàng nên làm theo ý muốn của nàng. Có lần thấy nàng đi bộ cả mười cây số để đến một chỗ nàng ưa thích, tôi ngứa miệng nói bóng cho Tom Maitland hiểu rằng nàng khoẻ mạnh hơn là người ta tưởng thì chàng lắc đầu và thở dài :
"Không, nàng yếu lắm. Nàng đã đi khám tất cả các danh sư chuyên trị bệnh tim trên thế giới nhưng người nào cũng nói đời nàng chẳng khác gì ngọn nến trước gió. Cũng may nàng có một tinh thần quật cường."
Và chàng kể lại cho Louise nghe những nhận xét của tôi về sức chịu đựng của nàng.
"Rồi đấy mà xem, đến mai tôi sẽ phải đền bù, tôi sẽ nằm trên ngưỡng cửa của Thần Chết" nàng hướng vào tôi với một giọng than phiền.
Tôi lẩm bẩm : "Đôi khi tôi nghĩ chị thừa sức để làm những gì mà chị muốn."
Tôi đã từng thấy nàng khiêu vũ đến 5 giờ sáng nếu buổi dạ hội có vui nhộn, còn nếu nó buồn tẻ thì nàng cảm thấy đuối sức vô cùng và Tom phải đưa nàng về nhà sớm. Tôi chắc nàng không ưa câu trả lời của tôi vì mặc dầu nàng ban cho tôi một nụ cười xiêu lòng người tôi thấy trong cặp mắt xanh lam mở rộng của nàng chẳng có lấy một tia vui thú.
"Chẳng lẽ tôi lại nằm xuống chết ngay trước mặt anh để cho anh vừa lòng ? " nàng đáp.
Louise đã sống lâu hơn chồng. Tom Maitland bị nhiễm lạnh trong một chuyến đi du thuyền. Hôm ấy Louise cần đến tất cả mọi cái chăn trong thuyền để ủ cho nàng ấm. Chàng để lại cho nàng gia tài đáng kể và một đứa con gái. Không ai khuyên giải được Louise. Nàng còn sống sót được quả là một quái sự. Bạn bè ai cũng đinh ninh Louise sẽ bén gót theo Tom vào nhà mồ. Người ta thương Iris, đứa con gái nàng sẽ bị mồ côi luôn cả mẹ trong nay mai. Họ càng săn sóc Louise gấp bội, không để cho nàng cất nhắc một việc gì, họ nhất định đòi làm hết để nàng khỏi nhọc mệt. Họ gia công bởi vì nếu nàng bắt buộc phải làm bất cứ một việc gì chán hay không thích tức thì tim nàng lại hành và nàng lại cận kề cái chết. Nàng tuyên bố hoàn toàn bơ vơ nếu không có người đàn ông nào trông nom cho nàng và với sức khoẻ suy yếu nàng không biết sẽ phải làm thế nào để nuôi dậy cho đứa con gái đáng thương của nàng nên người. Bạn hỏi tại sao nàng không tái giá ? - " Ôi, với một quả tim bệnh hoạn như thế, tôi nói chuyện cải giá thế nào được ? " mặc dầu nàng biết là Tom hẳn ước mong cho nàng bước đi bước nữa. Có lẽ đó là điều tốt nhất nàng nên làm vì Iris, nhưng thử hỏi ai là người chịu đèo bồng một bệnh nhân yếu đau như nàng ? Kể cũng lạ là lại có nhiều thanh niên tỏ ra sẵn sàng đóng vai này và chỉ một năm sau khi Tom lìa đời nàng ưng thuận cho George Hobhouse dẫn nàng đến nhà thờ. Chàng là một người khôi ngô, tráng kiện, lại cũng không đến nỗi túng thiếu. Tôi chưa thấy ai tỏ vẻ hân hoan bằng George khi được vinh hạnh chăm sóc cho con người bé bỏng, yếu đuối đó.
"Em sẽ chẳng sống lâu để làm phiền anh mãi đâu" nàng nói.
Chàng là một quân nhân, lại có tham vọng, nhưng chàng đã từ chức. Sức khoẻ của Louise bắt buộc nàng phải nghỉ mùa đông ở Monte Carlo, và mùa hè ở Deauville. Chàng hơi ngần ngại khi nghĩ tới sự nghiệp dang dở và lúc đầu Louise nhất định bịt tai không muốn nghe nói tới chuyện từ chức nhưng cuối cùng nàng chịu nhượng bộ như nàng vẫn nhượng bộ xưa nay và chàng chuẩn bị để những năm hiếm hoi cuối đời nàng được phần nào có hạnh phúc.
"Cũng chẳng còn bao lâu nữa đâu" nàng nói. "Em sẽ cố gắng để không làm phiền anh."
Trong hai, ba năm sau đó, mặc dầu mang một quả tim bệnh tật, Louise đã thành công trong việc ăn diện, nhởn nhơ đi dự những buổi tiếp tân vui nhộn nhất, phóng tâm bài bạc, khiêu vũ và cả tình tứ với những chàng thanh niên dong dỏng cao nữa. Nhưng George không có cái khả năng chịu đựng bền bỉ như người chồng thứ nhất của Louise. Đôi khi chàng phải tự phấn chấn bằng chút rượu mạnh để đương đầu với những công việc thường nhật với tư cách là người chồng thứ hai của nàng. Rất có thể chàng cứ theo đà uống mãi Louise sẽ không ưa, nhưng may mắn thay (cho nàng) chiến tranh bùng nổ. Chàng lên đường nhập ngũ và ba tháng sau lìa trần. Louise choáng váng. Tuy nhiên, nàng cảm thấy đây không phải là lúc thả lỏng cho mối sầu tự do nẩy nở, nói ví thử nàng có lên cơn đau tim thì cũng chẳng ma nào biết. Để khuây khỏa, nàng biến cái biệt thự ở Monte Carlo thành nhà dưỡng thương cho các sĩ quan. Bạn hữu đinh ninh nàng sẽ không thể nào sống nổi với công việc nặng nhọc ấy.
"Dĩ nhiên tôi sẽ chết vì nó. Tôi biết thế nhưng cần gì ? Tôi cũng phải ghé vai gánh vác phần tôi chứ?" nàng nói.
Nhưng công việc nhà thương đã không giết chết nàng. Nàng có thì giờ vui sống. Không một nhà dưỡng bệnh nào ở Pháp lại được hoan nghênh như thế. Tình cờ tôi gặp nàng ở Paris. Nàng dùng cơm trưa ở Ritz với một thanh niên Pháp cao ráo và rất trẻ đẹp. Nàng giải thích rằng nàng đang có việc liên quan đến nhà thương. Nàng cho biết các sĩ quan rất dễ thương với nàng. Họ biết sức khoẻ của nàng mỏng manh như thế nào nên không ai nỡ để nàng làm bất cứ một việc gì. Họ đua nhau săn sóc nàng, ấy, cứ như tất cả đều là chồng nàng hết. Louise thở dài.
"Thật tội nghiệp cho Gerorge, có ai tưởng tượng được rằng với một quả tim tật bệnh như thế này mà tôi lại sống dai hơn chàng ?"
"Tội nghiệp cho cả Tom nữa" tôi chêm.
Tôi không rõ vì sao nàng không thích tôi nói như thế. Nàng ban cho tôi một nụ cười phiền trách và đôi mắt đẹp của nàng rưng rưng.
"Lúc nào anh cũng thở ra những câu làm như anh tiếc rẻ không muốn cho tôi hưởng nốt mấy năm thừa của đời tôi."
"Quả tim của chị bây giờ đã khá hơn xưa nhiều rồi phải không ?"
"Nó sẽ chẳng bao giờ khá hơn. Sáng nay tôi vừa gập một bác sĩ chuyên môn và bác sĩ bảo tôi phải chuẩn bị đón những tin chẳng lành."
"Ôi dào, chị đã chẳng chuẩn bị từ ngót hai mươi năm nay rồi là gì ?"
Khi chiến tranh chấm dứt, Louise định cư ở Luân đôn. Bây giờ với cái tuổi ngoài 40, nàng vẫn mảnh mai, yếu ớt, đôi mắt to và cặp má xanh xao, nhưng vẫn trẻ như người chư quá 25. Iris trước kia đi học thì nay đã trưởng thành về sống với mẹ.
"Nó sẽ trông nom cho tôi" Louise nói. "Tất nhiên phải sống với một người yếu đau như tôi là một cái tội cho nó, nhưng cũng sẽ chẳng bao lâu đâu. Tôi tin nó sẽ không quản ngại."
Iris là một cô bé ngoan. Cô đã được dậy rằng sức khoẻ của mẹ cô rất mỏng manh. Ngay từ tấm bé, Iris cũng không được phép gây ra một tiếng động nào. Cô hiểu rằng không bao giờ được trái ý, làm cho mẹ buồn phiền. Mặc dầu bây giờ Louise tuyên bố không muốn nghe cô đả động đến chuyện cúc cung tận tụy, hi sinh đời cô cho một bà già lẩm cẩm, phiền toái, cô bé cũng cứ khăng khăng nhất định không nghe. Đây không phải là vấn đề hi sinh đời cô mà chính là một hạnh phúc cho cô được phép giúp đỡ người mẹ yêu quý đáng thương. Với một tiếng thở dài, mẹ cô để mặc cô cáng đáng hầu hết mọi chuyện.
Louise nói : "Con bé nó khoái được tỏ ra nó không phải là người vô dụng."
Tôi hỏi : "Chị không nghĩ rằng nên để cháu nó được đi chơi với chúng bạn nó nhiều hơn ư ? "
"Thì xưa nay tôi vẫn bảo nó thế. Nhưng tôi không thể bắt ép nó phải đi chơi được. Có Trời mới biết là chẳng bao giờ tôi muốn ai phải hi sinh vì tôi". Còn Iris khi nghe tôi khuyên bảo thì đáp : "Tội nghiệp mẹ cháu. Mẹ cháu muốn cháu đi chơi, đi hội hè với chúng bạn, nhưng hễ cháu thò đi đâu là mẹ cháu lên cơn đau tim cho nên thà cháu ở nhà còn hơn."
Nhưng rồi Iris vương vấn tơ tình. Một người bạn trẻ của tôi, một thanh niên khả ái đã ngỏ lời cầu thân và được cô ưng thuận. Tôi thương cô bé và vui mừng thấy cô có dịp xây dựng một cuộc đời riêng tư. Dường như cô chưa bao giờ tưởng tượng một chuyện như thế có thể xẩy ra cho mình. Nhưng bỗng một hôm chàng thanh niên đến tìm tôi buồn bã cho biết cuộc hôn nhân của chàng phải đình hoãn vô hạn định. Iris cảm thấy không thể bỏ rơi mẹ. Dĩ nhiên đây không phải là việc của tôi, nhưng tôi cũng thu xếp đến gập Louise. Lúc nào nàng cũng vui vẻ tiếp đón bạn hữu vào giờ uống trà buổi trưa và bây giờ đã đứng tuổi nàng ưa tiếp đón cả các văn nghệ sĩ.
"Tôi nghe nói cháu Iris sẽ không lập gia đình nữa phải không chị ?". Tôi đặt câu hỏi sau một lúc yên lặng.
"Nào tôi có biết gì đâu ? Chắc nó sẽ không cưới sớm được như ý tôi mong muốn. Tôi đã quỳ xuống van xin nó đừng nghĩ gì đến tôi nhưng nó có nghe tôi đâu ?"
"Chị không nghĩ rằng làm tình làm tội nó như thế là quá đáng à ?"
"Khổ lắm chứ. Song cũng chỉ độ mấy tháng nữa là cùng, tôi chẳng muốn bất cứ một ai phải hi sinh vì tôi cả."
"Chị Louise, chi đã chôn cất hai đời chồng rồi, tại sao chị lại không thể chôn thêm hai đời chồng nữa ?"
"Anh tưởng đây là chuyện để mang ra đùa bỡn à ?" nàng hỏi với giọng cố tỏ ra giận dữ.
"Tôi tự hỏi chị có bao giờ nhận thấy chị luôn luôn thừa sức khoẻ để làm những gì chị thích, rằng quả tim tật bệnh của chị chỉ dở chứng khi nào chị phải làm những việc chị không ưa ?"
"Thôi, thôi, xưa nay tôi vẫn biết anh nghĩ những gì về tôi. Anh không bao giờ tin rằng tôi có bệnh gì cả, có đúng thế không ?"
Tôi nhìn thẳng vào tận mắt nàng : "Đúng thế. Tôi nghĩ rằng từ 25 năm nay chị đã trắng trợn lừa dối những người xung quanh. Tôi cho chị là một con người ích kỷ và là mụ đàn bà quỷ quyệt nhất trần đời. Chị đã làm hỏng cuộc đời của hai người chồng đáng thương, và nay còn toan làm hại luôn cả đời đứa con gái chị nữa."
Tôi sẽ không lấy làm ngạc nhiên nếu Louise lên cơn đau tim tại trận. Tôi đợi nàng nổi cơn thịnh nộ. Song nàng chỉ ban cho tôi một nụ cười hiền hòa.
"Anh bạn, rồi một ngày kia anh sẽ phải ân hận vì đã đang tâm thốt ra những lời lẽ như thế với tôi."
"Chị nhất định không cho cháu Iris lấy thanh niên ấy ?"
"Thì tôi vẫn khẩn khoản, lạy van để nó lấy chồng. Tôi biết đám cưới nó sẽ giết tôi nhưng tôi không cần. Chẳng có ai thèm đoái hoài đến tôi. Tôi chỉ là một gánh nặng cho tất cả mọi người."
"Có phải chị bảo với Iris rằng đám cưới nó sẽ giết chết chị không ?"
"Chính nó bắt tôi phải khai ra như thế."
"Chị làm như ai cũng có thể bắt chị làm những gì mà chính chị đã quyết định."
"Nó muốn lấy chồng ngày mai thì nó cứ việc lấy. Đám cưới nó có giết chết tôi thì cũng chẳng can gì đến ai."
"Thế thì chúng ta cứ thử xem sao nhé ?"
"Quả anh nhẫn tâm không mảy may thương xót tình cảnh tôi hay sao ?"
"Người ta không thể thương xót một kẻ chuyên môn vờ vĩnh đóng kịch như chị vẫn đóng cho tôi xem."
Một thoáng hồng ửng trên đôi gò má nhợt nhạt. Dẫu nàng vẫn cười song đôi mắt nàng đanh lại lộ vẻ tức giận.
"Con Iris cứ việc lấy chồng nội trong tháng này. Còn nếu có xẩy ra chuyện gì cho tôi thì tôi hi vọng cả anh lẫn nó sẽ có thể tự tha thứ cho mình."
Louise đã giữ lời hứa. Ngày cưới được ấn định, lễ cưới tổ chức linh đình, giấy mời gửi đi, Iris và chàng thanh niên vui mừng, rạng rỡ. 10 giờ sáng hôm cưới, Louise, người đàn bà tai quái ấy lên một cơn đau tim và từ trần. Nàng chết rất êm ả và tha thứ cho Iris đã giết nàng.
W. Somerset MAUGHAM, "Louise",
Collected short stories (1951)
Nguyễn Thị Chân Quỳnh dịch

Các tác phẩm khác của William Sommerset MAUGHAM

Người Đàn Bà Trên Sàn Diễn

Trở Về Tổ Ấm

Tiếng Chim Cu Gáy

Phiên Toà Của Chúa

Nhà Thơ Vĩ Đại

Lời thề

Kiến Và Ve Sầu

Cô Gái Mộng Mơ

Bữa ăn trưa

MƯA