Vào đông
Tác giả: Yasunari Kawabata
Anh đang chơi cờ vây với vị đạo sĩ[1] của ngôi đền trên núi.
- Có chuyện gì với ông bạn vậy? Hôm nay ông chơi yếu quá, làm như có người nào khác chơi thế, - đạo sĩ nhận xét.
- Trời trở lạnh là tôi lại úa ra như một lá cỏ. Không làm gì nổi cả. – Anh thấy mình hoàn toàn thảm bại, đến nỗi không dám đáp lại cái nhìn của người đối diện.
Đêm qua, như thường lệ, trong cánh chái biệt lập của ngôi nhà trọ khu suối nước nóng, tai lắng nghe tiếng lá rụng xạc xào, anh và cô đã nói chuyện.
- Năm nào cũng vậy, đến lúc bàn chân giá lạnh là em lại nhớ nhà. Em chỉ mơ về nhà mình mà thôi.
- Trời vào đông thế này làm anh lại bắt đầu thấy mình không xứng đáng với em. Anh không xứng đáng với người đàn bà nào cả. Ý nghĩ ấy giờ lại càng mạnh hơn.
Nhưng đến lúc này, tâm tưởng họ không còn nắm bắt được ý của nhau nữa. Anh nói thêm, cố gắng diễn tả:
- Trời vào đông, anh mới hiểu được cảm giác khi người ta cầu nguyện thần linh. Đó không phải là cảm giác thành kính, mà là yếu đuối. Giá anh có thể tập trung hết tâm hồn vào một đấng thần linh, và hoan hỉ đón nhận miếng ăn hàng ngày, anh nghĩ như vậy là đủ hạnh phúc rồi. Chỉ một chén cơm hẩm mỗi ngày thôi là đủ.
Chính ra thì hàng ngày họ vẫn tiệc tùng. Chỉ có điều họ không thể rời khỏi vùng núi có suối nước nóng này. Giá mà mọi chuyện đã xảy ra như ý định của họ trước đây, có lẽ họ đã có thể mướn qua mùa hè ngôi nhà mà cô đã bị mất năm hay sáu năm về trước. Nhưng sáu tháng trước, không nghĩ gì đến hậu quả, họ đã dời đến nơi đây và ở lại giống như để ẩn trốn. Những con người thân thiện nơi nhà trọ, không nói lời nào, đã để cho họ lưu lại trong căn phòng độc nhất của chái nhà này. Trong thời gian đó, anh đã chán chường với cái gọi là hy vọng. Mãi rồi họ cùng tập được tính tuân phục số phận trong tất cả mọi chuyện.
- Chơi thêm một ván nữa chứ? Ta nhóm lửa trong cái lò này giờ đây.
Anh còn đang nghĩ “để coi lần này” thì đạo sĩ chẳng khách khí gì đã đặt ngay một quân cờ đá xuống góc bàn cờ trước mũi anh. Vị đạo sĩ miền quê này quả tình hài lòng vì đã thọc sâu được vào góc trận bên địch. Thật là bực bội. Bỗng nhiên người khách của ông mất hết hứng thú, cảm thấy năng lực của mình đang thoát đi đâu hết.
- Đêm qua ông không mơ thấy được thế đỡ nào sao? Nước đi này của ta chính là lúc ông tới số.
Nhưng đối thủ của đạo sĩ vẫn đặt bừa một quân cờ xuống mặt bàn. Đạo sĩ phá lên cười:
- Đồ ngốc ạ! Tấn công bên địch kiểu tay mơ vậy ư.
Bàn cờ bên khách đã bị công hãm một cách thê thảm. Càng gần cuối trận, đạo sĩ càng chiếm thêm thế công. Giữa lúc anh đang cố bắt kịp ông ta một cách chán nản, ánh sáng tự nhiên vụt tắt ngấm.
Đạo sĩ bật cười và nói oang oang:
- Thật kinh hồn. Ông đã qua mặt cả vị khai tổ. Thần thông của ông làm cho vị khai tổ phải hổ thẹn. Đồ ngốc, còn lâu! Thật kinh hồn. Không, ta thấy đúng là kinh hồn thật đấy.
Đạo sĩ đứng dậy tìm một cây nến. Chuyện ánh sáng vụt tắt đã làm cho đối thủ của ông ta cất tiếng cười sảng khoái lần đầu tiên suốt buổi tối tới giờ.
Những câu nói như “Đêm qua ông có mơ thấy nước đi này không” hay “Đồ ngốc ạ” đã thành cửa miệng đối với họ khi chơi cờ. Chúng có xuất xứ từ giai thoại về vị khai tổ của đền thờ, mà đạo sĩ đã thuật lại cho anh nghe.
Đền thờ được dựng nên vào thời Đức Xuyên. Vị khai tổ là một võ sĩ. Con trai ông ta là một kẻ bị chứng ngớ ngẩn. Một đầu mục trong phiên trấn của ông ta đã chế nhạo nó. Giết chết tên đầu mục xong, ông ta cũng giết luôn cả con mình rồi trốn khỏi lãnh địa. Trong lúc trốn tránh ở khu suối nước hẻo lánh này, ông ta bỗng có một giấc mộng. Trong mơ, ông ta đang nhập định dưới thác nước trên núi cao, cách suối nước nóng khoảng một dặm rưỡi, thì người con của gã đầu mục xuất hiện để báo thù, và xả ông ta làm đôi bằng một nhát kiếm độc nhất, chém xéo từ vai trái qua.
Khi người võ sĩ tỉnh dậy, khắp người ông toát mồ hôi lạnh. Thật là một giấc mơ kỳ dị, ông tự nhủ. Đầu tiên, ông chưa bao giờ nghĩ tới chuyện ngồi nhập định dưới thác nước này cả. Ngoài ra, khó lòng có chuyện ông lại ngồi yên đó, lặng lẽ nhìn vào lưỡi kiếm sáng loé của kẻ thù không đội trời chung. Lại còn khó có khả năng hơn nữa là chuyện ông ta, một người có thể kiêu hãnh về kiếm thuật của mình, dù là chiến pháp của ông khác biệt với những gì vị giáo đầu của phiên vẫn dạy, lại bị đốn gục sau một nhát kiếm bởi tay những kẻ như đứa con của tên đầu mục kia. Tuy nhiên, chính vì nó không thể tin được, giấc mộng mới làm cho ông thấy bồn chồn. Đó có thể nào là định mệnh của ông? Nếu như số của ông là phải có một thằng con ngớ ngẩn, biết đâu số của ông cũng là bị chém chết dưới thác nước? Có phải ông đã nhìn thấy trước kết cục của mình trong mơ? Có thể nào đây là cái mà người ta gọi là điềm báo? Và vì vậy, giấc mơ đã đưa ông tới bên thác nước.
- Được lắm, vậy thì ta sẽ chống lại số phận. Ta sẽ bắt nó phải nhường lối.
Ông bắt đầu đi đến thác nước hàng ngày. Ở đây, đặt mình vững và thẳng trên một mỏm đá dưới những cột nước, ông ngồi mộng ngay giữa lúc còn đang tỉnh. Ông thấy đi thấy lại hình bóng lưỡi kiếm trần loé sáng rạch xuyên qua vai trái mình. Ông phải thoát ra khỏi cái viễn ảnh này. Thanh kiếm ảo ảnh đó phải chém hụt khỏi vai ông và thay vì đó, va vào một tảng đá. Rồi một ngày, sau khi đã quán tưởng như thế khoảng một tháng liền, thanh kiếm sáng loé trong ảo ảnh đã sướt qua vai ông và bập thẳng vào tảng đá. Đứng bật dậy, ông liền múa một điệu ngắn để bày tỏ niềm hoan hỉ.
Dĩ nhiên, chuyện xảy ra trong thực tế cũng hệt như trong điềm báo vậy. Dù cho đứa con của tên đầu mục đã trút đủ kiểu thách thức lên đầu ông, và nhục mạ ông là một thằng hèn, ông ngồi yên nhập định, mắt nhắm nghiền, dạo chơi bên lề của vô ngã giới. Ông buông xả chính mình trong tiếng thác đổ. Mắt nhắm chặt, ông bỗng nhiên nhìn thấy hình bóng của lưỡi kiếm sáng loè. Đứa con tên đầu mục đã dùng hết sức phạt lưỡi kiếm xuống và chém trúng tảng đá, làm hai tay hắn tê chồn. Người võ sĩ mở bừng mắt ra nhìn.
- Đồ ngốc. Ngươi cho rằng học cách múa may cây kiếm như vậy là ngươi có thể tru diệt được chư thần thiên địa sao? Để tránh sức mạnh của thanh kiếm, ta đã cầu đến linh khí trong cả trời đất. Nhờ tương thông với quyền năng của trời cao, ta đã đẩy được thanh kiếm của số mạng lệch ra đúng ba tấc.
- Đồ ngốc! – Sau khi kể cho anh câu chuyện trên, đạo sĩ thường vui vẻ thọc thêm lời đùa cợt anh, bụng ông ta rung lên vì cười.
Đạo sĩ đã mang nến trở lại, nhưng người khách của ông xin cáo lui. Cắm ngọn nến vào trong chiếc đèn lồng giấy, đạo sĩ tiễn anh tới cổng chính của ngôi đền. Vầng trăng sáng, lạnh đang chiếu trên nền trời. Trên núi hay dưới cánh đồng, không thấy có ánh sáng nào được thắp lên.
Nhìn về phía những rặng núi, người khách của ông nói:
- Niềm hoan lạc của một đêm sáng trăng là cái mà bây giờ chúng ta không còn hiểu nổi nữa. Chỉ có người xưa, khi chưa biết thắp sáng, mới hiểu được cái hoan lạc của đêm trăng.
- Quả vậy – đạo sĩ cũng đang nhìn về những rặng núi.
- Mới rồi, khi tôi lên núi, nai đã bắt đầu cất tiếng gọi nhau. Bắt đầu mùa tìm bạn thật rồi.
- Còn người bạn của mình? – Anh tự hỏi khi bước trên những bậc thềm đá của ngôi đền. – Cô chắc đang nằm trên tấm chăn bông như thường lệ, đầu gối trên khuỷu tay.
Mấy buổi tối gần đây, người hầu gái đều dọn giường sớm. Nhưng anh không lên giường. Chui vào trong màn giờ này thật là quá phiền phức. Nằm duỗi ra trên tấm chăn bông, anh rút chân vào dưới vạt áo kimono của mình và gối đầu trên khuỷu tay. Đến một lúc nào đó, thói quen này của anh đã lây sang cho cô. Và cứ vậy, mỗi đêm, từ khi trời sụp tối, cùng một hình dạng lờ mờ như nhau phủ trên hai đám chăn gối, họ nằm đó, mắt quay đi không nhìn nhau.
Bóng dáng cô, trong khi anh đi qua khỏi cổng đền, chập chờn như một ảo ảnh về số phận anh. Có phải anh là kẻ duy nhất không thể bắt số mạng nhường đường?
- Dậy khỏi giường và ngồi thẳng lên, - anh ra lệnh cho cô thầm trong lòng.
- A! – Chiếc đèn đang run lên trong tay anh.
Anh cảm thấy cái lạnh của đêm, đang bắt đầu chuyển vào mùa đông, trên mí mắt mình.
(1926)
Nguyên tác: Toward Winter
(Fuyu chikashi)
Palm-of-the-Hand Stories -
Trans: J. M. Holman, L. Dunlop
Farrar Straus and Giroux, 2006