Chương Kết
Tác giả: Agatha Christie
Ông Tomơx Legơ, phó nha cảnh sát Xcôlen Yard bực tức nói:
- Nhưng mà vụ này chỉ đơn giản là không thể ngờ nổi!
- Tôi biết, thưa ngài. – Mâynơ – thanh tra cảnh sát cung kính trả lời.
Phó nha cảnh sát nói tiếp:
- Mười xác chết trên một hòn đảo, và không còn bắt gặp đâu một người sống sót. Một sự việc không tưởng tượng được!
- Mà nó lại có thật, thưa ngài, - Mâynơ kiên trì nhắc lại.
- Quỉ bắt anh đi Mâynơ, phải có người giết bọn họ chứ?!
- Chính xác, chúng ta đang điên đầu để tìm xem kẻ giết họ là ai đấy ạ.
- Kết luận của pháp y không soi sáng được vấn đề gì sao?
- Không, thưa ngài, Uogrêvơ và Lombơd bị bắn. Một người thì bị vào đầu, một người bị bắn vào giữa tim. Bà Brent và Maxtơn chết vì thuốc độc. Bà Rôgiơ thì chết vì bị uống thuốc ngủ quá liều. Ông Rôgiơ thì chết vì bị rìu bổ vào đầu. Blô bị ném vỡ đầu. Bác sĩ Emxtroong chết đuối. Tướng Mơcathơ bị đập vào gáy. Viơra bị treo cổ.
Phó nha cảnh sát rùng mình.
- Tất cả… là một truyện kinh tởm.
Ông ngẫm nghĩ vài phút rồi lại tức giận nói:
- Tóm lại, chỉ có khẳng định được là những người sống trên bờ biển Stichlơhâyvơn không có ý kiến gì cho cuộc điều tra cả. Quỷ tha ma bắt họ đi, họ phải biết một chút gì chứ?!
Mâynơ nhún vai:
- Họ là những người cư dân hiền lành: họ chỉ biết rằng có một người tên là Leky mua đảo, tất cả họi chỉ biết có vậy!
- Thế ai là người ra các chỉ thị, tiếp tế ra đảo, giải quyết các vấn đề tài chính của đảo?
- Một người Do Thái tên là Aidơc Morix?
- Thế lão ta khai thế nào?
- Lão ta không còn nói được nữa, thưa ngài, lão ta đã chết.
Phó nha cảnh sát nhíu mày:
- Chúng ta biết gì về lão Aidơc Morix?
- Tất nhiên, chúng ta có biết về lão. Morix không phải là một ông lớn cầu toàn, khó tính. Ba năm trước đay, lão có một cố phần ở gia đình Bennitô. Chúng ta biết chắc chắn vậy nhưng không thể chứng minh nổi. Lão ta cũng có dính vào các vụ ma tuý, nhưng chúng ta cũng không có bằng chứng. Morix là một con cáo già rất ranh mãnh, cẩn thận.
- Và lão ta là người điều hành đằng sau vụ đảo Người da đen ư?
- Thưa vâng, chính lão đã làm cho sự mua bán đảo đó thểm rắc rối. Nhưng lão cũng không giấu giếm rằng lão ta góp một phần ba số tiền để mua đảo.
- Bộ Tài chính có cung cấp được cho chúng ta tí gì về những vấn đề đó không?
Mâynơ mỉm cười:
- Không. Ngài cần phải hiểu lão Morix. Lão rất biết phù phép vào các con số để cho các kế toán giỏi nhất nước cũng không thể hiểu nổi. Chúng ta đã có kinh nghiệm trong vụ Bennitô rồi đấy. Lão đà hoàn toàn xoá sạch dấu vết.
Nghe sếp thở dài, Mâynơ vội nói tiếp:
- Ở bờ biển Stichlơhâyvơn tất cả mọi việc đều do Morix điều hành. Tất nhiên là nấp dưới một cái tên “Ngài Leky”. Lão ta kể với những người dân ở trên bờ là họ định làm một thử nghiệm gì đó xem con người có thể sống được trên một “hòn đảo bị bỏ rơi” không, và lão đã thuyết phục được những người dân chài là đừng để ý đến những sự báo tin của đảo, và không phải ứng cứu gì nếu như họ có tín hiệu cấp cứu từ đảo.
Phó nha cảnh sát bồn chồn cựa quậy”
- Và thế là anh muốn kể cho ta nghe cái bọn dân chài ấy không nghi ngờ gì sao?
Mâynơ nhún vai trả lời:
- Xin ngài đừng quên rằng đảo Người da đen đầu tiên là do một triệu phú trẻ tuổi người Mỹ mua, ông Elmơ Rôbxơn. Ông ta thường xuyên mời đến đảo những người kỳ quặc của giới nhà giàu. Những người dân địa phương không có quyền nghi ngờ và nhòm ngó gì họ cả. Lâu dần họ cũng quen đi với tình trạng đó và họ hiểu dù bất cứ việc gì xảy ra trên đảo, dù khó tin đến đâu thì cũng vẫn là bình thường, tự nhiên, và họ không được phép để ý tò mò.
Phó cảnh sát cau có nhắc lại rằng đièu đó cũng có lý.
Mâynơ tiếp:
- Pherd Narơxôt (người dân chài đã chở thuyền cho những người kia ra đảo) có nói một điều gì đó làm vấn đề rõ ràng hơn, đó là anh nhận xét nhóm người ra đảo ấy: “không phải là loại khách của nhà triệu phú”. Nhưng Narơxôt đã nhận được lệnh của ông Morix là chở họ ra đảo. Sau đó anh có nhận được tín hiệu S.O.S của đảo nhưng không được phép can thiệp. Theo anh, những người ra đảo hoàn toàn bình thường và trầm lặng.
- Khi nào thì Narơxôt cùng dân chài ra đảo?
- Sáng ngày mười một, trên một cây sồi cao, họ nhận được tín hiệu S.O.S. Nhưng ngày hôm đó, không thể cho thuyền rời bến được. Mãi đến chiều ngày mười hai, Narơxôt và các bạn dân chài của anh mới đến được đảo; tất cả họ đều khẳng định chắc chắn rằng không một ai chó thể rời đảo được trước họ vì sau cơn bão, biển còn nổi sóng rất lớn.
- Không có ai bơi vào đất liền được sao?
- Đảo ở cách đất liền gần một dặm, biển động, sóng dữ dội, và cũng có nihều người chú ý tới đảo. Không thấy có ai bơi về được.
Sếp lại thở dài hỏi:
- Thế còn cái máy hát và cái đĩa tìm thấy trong nhà ấy, nó thế nào? Không thể lần theo dất vết gì của nó sao?
- Tôi đã thử, thưa ngài. Đĩa được đặt mua ở một công ty thu đĩa cho nhà hát và các xưởng phim. Công ty này đã làm theo đơn đặt hàng và gửi đến ngài Leky (địa chỉ của Aidơc Morix) và họ cũng chỉ biết rằng đó là một đoạn cần thiết cho một vở kịch thôi. Và họ cũng chỉ được đặt thu một đĩa duy nhất theo lời mà khách hàng chuẩn bị sẵn thôi. Sau đó họ gửi trả chủ nhân cả đĩa lẫn đoạn băng ghi âm…
- Trong đĩa nói những lời kết tội như thế nào?
- Bây giờ thì chúng ta sẽ biết nhiều đây. – Mâynơ hoan hỉ nói tiếp.
- Tôi đã cẩn thận làm theo những lời kết tội trong đó và tôi cũng đã biết những điều cơ bản. Tôi bắt đầu từ vợ chồng Rôgiơ, (những người đến đảo đầu tiên). Trước đây, họ là người hầu cho bà Brâyđi. Bà Brâyđi đã bị chết rất bất ngờ. Gặp bác sĩ điều trị cho bà Brâyđi thì chúng ta không thu được kết quả cụ thể. Nhưng theo bác sĩ thì chắc chắn bà Brâyđi không bị đầu độc chết. Nhưng sự việc cũng rất khó hiểu, chỉ có thể kết luận được qua vụ này là: bà Brâyđi chết do sự cẩu thả của vợ chồng Rôgiơ. Nhưng bác sĩ nói rằng điều đó không thể làm bằng chứng được.
Sau đó đến thẩm phán Uogrêvơ. Ông này thì không có vấn đề gì ngoài việc ông đã kết án tử hình Sitơn.
Theo hồ sơ lưu thì Sitơn là một kẻ phạm tội mà tội của hắn không thể tranh cãi được. Nhưng sau khi hắn bị treo cổ thì người ta lại nhắc tới những chứng cứ phản bác lại. Người ta lôi ra bàn cãi vụ này: cứ mười người thì chín người khẳng định rằng Sitơn vô tội. Lời buộc tội trước đây của thẩm phán là không vô tư và có thành kiến riêng.
Viơra Clâython là một cô giáo, cô đã làm nữ gia sư cho một gia đình mà đứa trẻ cô trông coi lại bị chết đuối. Nhưng theo kết luận chung thì cô không có trách nhiệm gì vào vụ này, thậm chí có còn có những hành động rất đáng biểu dương, cô đã quên mình bơi theo em bé để cứu nó, đến nỗi chính cô cũng suýt chết đuối và người ta phải vớt cô từ dưới nước lên.
- Nói tiếp đi! - sếp thở dài ra lệnh.
Mâynơ hít một hơi dài rồi tiếp:
- Bác sĩ Emxtroong là một nhân vật mà chúng ta biết rất rõ bởi ông ta có phòng khám bệnh ở Hali, ông là một công chức trung thực và đáng kính. Chúng ta không thể tìm thấy dấu vết gì về tội lỗi của ông cả. Thực ra ông cũgn có mổ cho một người đàn bà tên là Clidơ vào năm 1925 khi ông đang làm việc ở bệnh viện Litmo. Người đàn bà này bị bệnh viêm phúc mạc. Và bà ta chết ngay trên bàn mổ. Cũng có thể do ca mổ không thành công, và bà ta đã chết. Nhưng sự vụng về của một bác sĩ thì không thể kết tội được. Một điều hiển nhiên là ông chẳng có lý do gì để giết bệnh nhân.
Rồi đến bà Emily Brent. Cô Bitraixơ Tâylơ là cô giúp việc của bà ta. Cô Tâylơ chửa hoang, và bị bà Brent đuổi ra khỏi nhà. Phẫn uất, cô gái đã đi trầm mình. Việc này của bà ta cũng chẳng đẹp đẽ gì, nhưng không phải là một hành vi phạm pháp.
- Có thể thấy một điều cơ bản là cái lão V.A.Leky đó đã thu thập toàn những nhân vật mà lỗi của họ không đáng để họ phải ra trước vành móng ngựa.
Mâynơ bình thản kể tiếp:
- Chàng trai trẻ Maxtơn là một người lái xe rất táo bạo, liều lĩnh. Anh chàng đã hai lần bị tịch thu bằng lái mà theo tôi, chính là cần phái cấm anh ta lái xe mới phải. Theo bảng liệt kê tội lỗi kia, thì Maxtơn đã chẹt chết hai đứa tre con tên là Giôn và Luxi Cumbơ ở gần Cămbritgiơ. May mắn cho anh ta là có lái xe cùng với một vài người bạn, họ đã làm chứng là tụi trẻ lao vào bánh xe của Maxtơn vì thế anh ta chỉ bị phạt tiền.
Tướng Mơcathơ thì chúng ta chẳng tìm được cái gì cụ thể cả. Ông đã sống một cuội đời mẫu mực. Ông dã phục vụ trong chiến tranh. Actơ Richmơn là sĩ quan phục vụ dưới quyền ông ở mặt trận nước Pháp. Và anh ta đã bị chết trong một chuyến đi công vụ. Giữa viên tướng và Richmơn không có một sự bất hoà nào, thậm chí họ còn có mối kết giao bạn bè rất tốt là đằng khác. Kể ra thì trong chiến tranh thì một viên tướng cũng có thể có những sai lầm và đôi lúc họ có thể ra lệnh cho cấp dưới đi đâu đó, rồi thế là cũng có một vài người dưới quyền hy sinh mọt cách vô ích. Chắc là Richmơn cũng chết trong trường hợp như vậy.
Bây giờ đến Blô. Mâynơ ngập ngừng. – Anh này thì chúng ta biết rõ bởi anh đã từng phục vụ nhiều năm trong ngạch cảnh sát.
Sếp lại giật mình, thốt lên:
- Blô là một con người mờ ám
- Ngài nghĩ như vậy sao ạ?
- Ý nghĩ đó luôn ám ảnh tôi, nhưng anh ta lẩn như trạch và chúng ta không làm sao hiểu nổi việc làm của anh ta. Tôi dám doan chắc là trong vụ Lenđo anh ta dã lầm. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không thích gì cái vụ đó. Nhưng chúng ta lại không có bằng chứng để buộc tôi anh ta. Tôi đã tin tưởng giao cho Herixt làm vụ này, nhưng anh ấy cũng chẳng tìm được gì. Đối với cá nhân tôi, ý kiến hôm nay của tôi vẫn là lẽ ra chúng ta nên bắt Blô mà khai thác. Anh ta thực ra là một con người không kiên định và không có cá tính riêng.
Sau một phút suy nghĩ, phó nha cảnh sát hỏi:
- Như vậy là Aidơc Morix chết rồi phải không? Chết bao giờ?
- Điều này tôi nắm được, thưa ngài. Aidơc Morix đã chết đêm mồng 8 tháng 8. Hắn ta đã uống quá liều thuốc an thần. Và không thể xác định được hắn tự tử hay là vô ý mà bị chết.
- Cậu có muốn nghe ý kiến của tôi không, Mâynơ. - Sếp hỏi nhỏ.
- Tôi cũng cảm thấy như vậy, thư ngài.
Sếp nhấn mạnh từng chữ:
- Cái chết của Morix rất đúng lúc và hợp thời cho một người nào đó!
Mâynơ gật đầu:
- Tôi cũng nghĩ là ngài sẽ nói thế mà.
Sếp đấm tay xuống bàn đánh rầm và kêu lên:
- Quỷ thật, một vụ ma quỷ thực thi hay sao, không thể tưởng tượng nổi. Mười con người bị giết trên một hòn đảo trọc, mà chúng ta lại không hề biết ai làm việc đó? Vì sao và làm cách nào?
Mâynơ ho một tiếng rồi nói:
- Cũng không hoàn toàn thế, thưa ngài. Chúng ta cũng có biết nhiều đấy chứ. Chúng ta biết cái kẻ làm việc đó là một người điên. Hắn có ý nghĩ ngông cuồng là phục vụ sự thật. Hắn đã thu thạp những người đến để giết, toàn là các trường hợp không bị pháp luật trừng trị. Hắn gọi cho đủ mười người, và cũng chả cần biết họ có đáng tội hay không đáng tội…
Phó nha cảnh sát lại rùng mình. Ông nói:
- Không cần biết ư? Tôi có cảm giác là…
Mâynơ kính cẩn lắng nghe ông nói. Nhưng chợt ông bỏ lửng câu nói, lắc đầu:
- Thôi cậu cứ nói tiếp đi. Bỗng nhiên trong một tích tắc tôi thoáng phát hiện ra điều gì dó. Tôi cứ tưởng đó chính là bí ẩn của câu đó, nhưng mà nó vụt hiện ra rồi lại vụt tắt. Thôi cậu cứ nói tiếp đi.
- Mười con người, như tôi tìm thấy, là mười người đã bị giết. Ai giết họ… Một kẻ có tên là V.A.Leky đã vạch ra kế hoạch. Việc đầu tiên là phải tập trung họ ra dảo, cách ly với loài người.
- Quả là một trò phù thuỷ xuất sắc. Nhưng cũng cần phải giải thích thêm chứ Mâynơ.
- Nếu như kẻ giết người không có mặt trên đảo, thì cũng không thể tiến hành phi vụ ấy được. Vậy thì chỉ có một khả năng duy nhất đó là kẻ giết người phải là một trong mười người kia.
Sếp gật gù. Mâynơ nói vẻ quan trọng:
- Chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều để gỡ rối vụ này. Đầu tiên mọi việc không rối rắm gì cho lắm. Bởi chúng ta có đọc nhật ký của Viơra, Brent. Thẩm phán Uogrêvơ cũng có viết một vài dòng tuy khô khan ngắn gọ nhưng có thể hiểu được. Blo cũng viế diễn biến mọt cách chính xác, anh ta dánh dấu thứ tự chết như sau: Maxtơn, bà Rôgiơ, Mơcathơ, Rôgiơ, Brent, Uogrêvơ. Còn trong nhật ký của Viơra có ghi rõ sau khi thẩm phán Uogrêvơ chết thì đêm đó bác sĩ cũng bỏ nhà đi, Blo và Lombơd theo sau dò xét. Trong cuốn sổ ghi của Blo cũng có ghi tiép một dòng: “Emxtroong biến mất”
Đó thưa ngài, sau những điều như vậy, chúng ta cần tính đến tất cả. Theo như tôi xét đoán thì có thể tìm được cách phá án. Ngài còn nhớ bác sĩ Emxtroong bị chết ngạt trong nước. Giả dụ chính Emxtroong là kẻ giết người, thì cái gì ngăn cản ông ta giết nốt những người khác, mà lại đi tự tử lao mình xuống biển chết kẹt vào khe đá? Hay là ông ta định nhảy xuống biển bơi vào đất liền?
Có thể thấy giả thiết ấy khôgn đúng. Còn chúng ta hãy xem xét lại kết luận của bác sĩ pháp y sáng ngày 13 – tháng 8. Cũng chẳng ích gì được nhiều lắm cho chúng ta. Họ chỉ xác định được là những người này đều đã chết khoảng ba mươi sáu giờ, thậm chí còn lâu hơn nữa. Bác sĩ Emxtroong còn bị ngâm trong nước từ tám đến mười giờ trước khi bị sóng đánh lên bờ. Như vậy Emxtroong phải chết vào đêm ngày 10, rạng ngày 11. Để tôi thử đoán nguyên do cái chết xem nhé. Chúng ta tìm thấy ông ta trong tình trạng xác chết nằm trên bờ, xác ông ta lúc trước đã bị kẹt vào giữa khe đá, những mảnh quần áo rách và tóc vương lại ở đó chuo chúng ta biết như vậy. Như vậy là xác ông dã nổi vào lúc một giờ sáng ngày 11, sau đó khi bão đã dứt, thì thuỷ triều không thể lên tới đó.
Như vậy, có thể rằng Emxtroong chết trước ba người kia, sau khi chết mới bị ngâm trong nước biển. Có điều xác chết không thể trườn lên bờ được. Có người đã kéo xác Emxtroong lên bờ, chỗ mà thuỷ triều không lên tới.
Như vậy, sau khi Emxtroong chết còn lại những ai trên đảo?
- Như vậy còn lại… phải nói chính xác không ạ? Buổi sáng ngày 11, khi Emxtroong “biến mất” (thực ra là đã chết) thì còn lại ba người Lombơd, Blô và Viơra. Lombơd bị bắn chết. Xác chết nằm cách xác Emxtroong không xa. Viơra treo cổ trong phòng ngủ. Blô nằm ở hiên nhà, anh ta bị khói đã bằng cẩm thạch ném vào đầu. Đây chính là bức tượng có gắn đồng hồ và nó được ném từ cửa sổ một phòng trên gác xuống.
- Cửa sổ phòng ai? – Phó nha cảnh sát hỏi.
Cửa số phòng Viơra. Thế đây, giờ chúng ta xem xét ba trường hợp. Đầu tiên là Philip Lombơd. Cứ giả thiết chính Lombơd đã ném tảng đá cẩm thạch vào đầu Blô, sau đó lại dụ dỗ ép Viơra treo cổ, rồi sau anh ta ra bờ biển và tự vẫn.
Nhưng như vậy thì ai đã lấy đi khẩu súng ấy? chúng ta lại tìm được khẩu súng ở trong nhà, ở trên đầu cầu thang sát cả phòng thẩm phán.
- Trên súng có để lại dấu tay không?
- Có thưa ngài… nhưng lạy chúa…
- Tôi hiểu cậu định nói rằng trước hết cô ta bắn Lombơd, lấy khẩu súng vào nhà, ném tangt đá vào đầu Blô, và sau đó tự treo cổ mình lên…
- Có thể tin là như thế, nếu không có một chi tiết bất ngờ. Trong phòng cô gái có một cái ghế. Trên mặt ghế còn in dấu bùn ở gót giầy của cô gái. Như vậy, cô ta phải đứng lên ghế, chui cổ vào thòng lọng. Sau đó đá cái ghế đổ chứ.
Thế mà cái ghế lại không bị đổ . Nó được dựng sát vào tường nghiêm chỉnh như các cái khác. Như vậy sau khi Viơra chết vẫn còn lại … ai đó.
Còn bây giờ tính đến Blô. Không thể nào suy tính rằng Blô bắn Lombơd chết, treo cổ Viơra xong lại đi vào nhà tự vứt tảng đá xuống đầu mình được. Việc đó khác nào hành động tự nắm lấy tóc mình lôi lên?! Như vậy, không thể kết luận Blô làm rồi. Mà anht a cũng không phải thuộc loại người có thể tự tử hoặc dễ dàng dấn thân vào cái chết.
- Đúng vậy đấy. - Sếp đồng ý.
- Thế thì phải còn một người nào khác ở trên đảo sau khi mọi người đã chết hết. Người đó đã bay hơi sau khi làm xong việc? Nhưng hắn đi đâu được? Những người dân chài khẳng định rằng trước khi thuyền cấp cứu đến đảo, ở đảo không có một ai về được đất liền. hay là…
Anh nín bặt.
- Mâynơ thở dài lắc đầu. Anh cúi xuống và ngẫm nghĩ xem ai có thể giết bọn họ?
Một ngư dân tên là Emma Giên đã vớt được một cái chai trong đó có một bức thư viết tay. Thư này được gửi đến nha cảnh sát Xcôtlen Yard.
“Tôi đã hiểu từ rất sớm là trong con người tôi luôn luôn chứa đầy mâu thuẫn. Tôi êos một cái thú say mê đầu tiên không gì có thể chữa được, đó là tôi thích vạch ra các kế hoạch phiêu lưu, lãng mạn. Tuổi thơ của tôi luôn luôn trôi qua trong sự hồi hộp mỗi khi đọc các tiểu thuyết phiêu lưu kỳ thú tôi thường bắt chước, cho thư từ quan trọng vào chai, gắn si rồi thả xuống biển. Và bây giờ đây tôi cũng chọn phương pháp đó, tôi viết tất cả lời tự thú vào giấy này, rồi bỏ vào một cái chai, gắn si vào, và tôi thả nó xuống biển. Theo tôi, chỉ có một phần trăm khả năng người ta vớt được cái chai này, và được đọc những lời bộc bạch này, và có như vậy mọi việc mới rõ ràng, dễ hiểu được (phải chăng tôi đã quá tự tin, đề cao khả năng thực hành nhiệm vụ của mình?) Nhưng có lẽ nếu không được đọc cái thư này thì không ai có thể hiểu nổi bức màn bí mật của vụ giết người tập thể ấy.
Từ những khao khát tưởng tượng ly kì ấy trong tôi đã nảy sinh nhiều năng khiếu. Tôi thấy khoái trá y như một kẻ ác tâm mỗi khi tôi tìm ra được một cách gây cho con người ta cái chết. Tôi không sao quên được những thí nghiệm tôi dùng thuốc diệt sâu bọ, côn trùng và ong của tôi ở trong vườn… Thưở nhỏ tôi đã luôn luôn nuôi mộng giết người.
Song song tồn tại với ý định ấy, tôi lại còn hiểu một ý rõ rệt - sức mạnh của sự thật. Tôi không bao giờ có ý định giết những người vô tội. Tôi chỉ muốn và nhất thiết vừa phụng sự được sự thật lại vừa thoả mãn ý định giết người.
Để đạt được điều đó, theo ý tôi thì ít nhất phải hiểu tâm lý học – vì thế tôi chọn con đường học luật để trở thành luật sư.
Tôi đã đọc tất cả các truyện phiêu lưu, ly kỳ, trinh thám, tình báo… và tôi luôn luôn suy nghĩ để tìm ra các cách giết người tài tình hơn nữa so với các nhân vật trong truyện và trôi lấy đó làm thú vui giải trí.
Thời gian trôi qua, tôi đã là chánh án toà án, vẫn không ai biết được ý định nung nấu này trong tôi. Làm trong ngành này, tôi cực kỳ thích thú khi nhìn thấy các bị cáo của tôi vật vã, dãy dụa, kêu xin trước vành móng ngựa, mà nỗi bất hạnh thì cứ đến rất từ từ, chậm rãi. Nói như vậy các vị cũng đừng có quên rằng tôi không thích thú gây đau khổ chết chóc cho những người vô tôi . Ít nhất có hai trường hợp được tào án tha bổng, vì theo tôi bị cáo vô tội, tôi đã giải thích, chứng minh cho toà thấy điều đó để tha họ. Nhưng lạy chúa, cảnh sát của chúng ta thường rất công bằng và nhanh nhẹn nên đã số những kẻ bị bắt ra trước vành móng ngựa là những kẻ có tội.
Tôi muốn nhắc lại trường hợp của Etuốt Sitơn. Sự hiện diễn của hắn ta đã gây ra sự nhầm lẫn rất lớn cho toà, mọi người có cảm tưởng tốt về hắn. Nhưng riêng tôi, tôi lại không lầm, mặc dù các chứng cứ không đủ sức thuyết phục, song dựa vào cách đoán nhận tâm lý và vào các kinh nghiệm nghề nghiệp thì tôi tin rằng hắn ta có tội, đó là đã khéo léo nhẫn tâm giết một gà già, mà bà tai lại tin cậy hắn.
Hiểu và linh cảm được việc đó nên tổi tỏ ra kiên quyết khi kết tội và luận tội theo đúng thực chất của hành động. Tôi đã hành động theo sự thật nên tôi không lo ngại lương tâm lên án. Phải nói thật là cả toà đã bị một anh chàng luật sư bào chữa đa cảm thuyết phục, nhưng tôi đã kiên quyết không thay đổi và chứng minh cho họ thấy tôi quyết định đúng.
Một vài năm trở lại đây, tôi cảm thấy mình có nhiều thay đổi, càng ngày nghị lực của tôi lại càng ít đi, tôi lại muốn mình bị xét xử.
Tôi đã say sưa yêu thích (Hãy cho tôi thổ lộ hết) tôi muốn tự mình giết người nhưng tất nhiên phải giết người một cách nghệ thuật và có trí tưởng tượng phong phú. Tôi cảm thấy bắt guộc, bắt buộc phải giết ai đó! Rồi thì mơ ước giết được một lúc nhiều người. Nhưng vụ giết người đó phải ly kỳ không ai có thể tưởng tượgn nổi. Tôi đã suy nghĩ kết hợp với óc phán đoán của tôi từ thuở nhỏ.
Tôi muốn giết người… đúng vậy… nhưng…
Tôi lại gặp một trở ngại lớn ngăn cản nguồn cảm hứng của tôi, đấy là tôi không thể giết những người vô tội.
Và tôi tìm ra phương sách tuyệt diệu một cách bất ngờ nhất. Một ngày tôi nói chuyện với một bác sĩ. Đó là một bác sĩ nom vẻ ngoài bình thường. anh ta biết tôi làm ở toà án và kể cho tôi nghe trường hợp kẻ giết người mà pháp luật lại không thể trừng trị được. Đây là một ví dụ qua anh ta kể - Anh ta có một nữ bệnh nhân đã già, bà ta mới chết, mà theo anh ta nguyên nhân cái chết là do hai vợ chồng người hầu của bà già ấy gây ra. Hai vợ chồng được thuê để chăm sóc bà già, và chủ yéu cho bà ta uống thuốc trợ tim mỗi khi cần. Nhưng hai vợ chồng nọ đã dùng một phương pháp khéo léo để cho bà chủ chết vì không kịp cấp cứu, mà lại không thể chứng minh được họ có tội. Đấy trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp như vậy mà pháp luật phái bó tay.
Và thế là tôi đã biết mình cần phải làm thế nào. Tôi quyết định sẽ tìm cho đủ một bộ sưu tầm những kẻ có tội mà không bị pháp luật trừng trị và tôi sẽ gây ra một chuỗi các vụ giết người.
Hồi còn nhỏ, tôi có đọc một bài vè nói về mười người da đen nhỏ. Thế là tôi bỏ ra hai năm để đi tìm mười kẻ phạm tôi của riêng mình.
Tôi bí mật đi thu nhặt tin tức, dò hỏi… Tôi cũng không muốn kẻ nhiều về những công việc mà tôi đã làm, nhưng tôi đi khắp, lân la hỏi chuyện mọi người và tôi đã cho vào bộ “sưu tập” của mình bác sĩ Emxtroong khi tôi ở nhà an dưỡng. Dạo dó, tôi được nghe một người đàn bà rất căm ghét những kẻ nghiện rượu kể câu chuện về tác hại của rượu, vì những kẻ uống rượu dễ gây ra nhưng bi kịch. Có một nữ y tá đã kể cho bà ta nghe là nhiều năm trước đây, ở một bệnh viện, một bác sĩ mổ đã làm chết bệnh nhân ngay khi đang ở trên bàn mổ chỉ vì ông bác sĩ đó say rượu. Tôi khéo léo hỏi xem nữ y tá đó làm ở bệnh viện nào, và tôi tới đó tìm các số liệu tôi cần. Cũng chẳng khó khăn gì lắm tôi biết được tên bác sĩ Emxtroong, tên bệnh nhân và ngày chết của bà ta.
Còn với tướng Mơcathơ, thì tình cờ tôi ngồi trong câu lạc bộ tán gẫu với một sĩ quan đã về hưu. Và thế là ông ta kể lại những chuyện rất riêng tư của Mơcathơ và Richmơn. Khi tôi tiếp xúc những người đi chinh chiến ở Châu Phi trở về thì tôi biết được những hành vi của Philip Lombơd. Còn câu chuyện của bà Brent và cô hầu bất hạnh của bà thì tôi lại được một người phụ nữ có tuổi kể cho nghe khi bà ta gặp tôi trên đảo Malcôrca. Về Entơni Maxtơn thì cũng có nhiều người lâm vào hoàn cảnh giống anh ta, nhưng tôi chọn anh ta vào bộ sư tập bởi vì anh hoàn toàn không ân hận, không thấy đau xót cho những đứa trẻ bị chết và tôi cảm thấy cuộc dời anh ta sẽ rât vô nghĩa và anh ta không xứng đáng được sống. Tôi tìm thấy Blô trong một buổi tôi ngồi nói chuyện với các đồng nghiệp của tôi về vụ Lenđo. Khi biết anh ta kết tội oan cho Lenđo, tôi cho ràng đó là một việc làm nghiêm trọng. Một cảnh sát bảo vệ luật pháp thì phải trung thực. Vậy mà lợi dùng lời thế anh đã báo cáo sai về Lenđo.
Cuối cùng tôi tìm được Viơra khi tôi đi tầu khách trên biển Thái Bình Dương. Một đêm khuya, trên boong tàu chỉ có tôi và một chàng trai đẹp dáng, trẻ trung tên là Huygô Hemintơn ngồi hút thuốc.
Huygô thật bất hạnh. Anh ta đã cố tìm sự quên lãng trong rượu. Lúc đó anh ta đã ngà ngà say và thấy tin cậy tôi. Thế là cũng chẳng mất công lắm, tôi đã khiến anh ta phải bộc bạch tâm sự. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ những lời anh ta nói.
- Ông nói đúng, để giết người, không nhất thiết phải cần đến thuốc độc, dao súng… tôi có biết một cô gái, phải nói là tôi quen cô ấy. Trước đây, tôi đã yêu cô ấy đắm say… yêu phát điên lên được… Lạy chúa, nhiều khi tôi cảm thấy như vậy đấy… Quỷ bắt nó đi, đúng nó là địa ngục. Vậy đấy cô ấy giết người. Vì tôi… tôi không dám tin vào điều đó… ôi đàn bà là quỉ dữ, mà trong trường hợp này, quỉ dữ đội lốt một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, có học thức… Ai có thể tin cô ta đã làm như vậy? Cô ta mang một đứa trẻ ra biển, cho nó bơi xa và nó đã chết đuối! Ai mà tin được, có người phụ nữ lại như thế cơ chứ?!
- Anh có chắc chắn cô ta chủ tâm không? – tôi hỏi. Anh ta bỗng tỉnh táo nói:
- Hoàn toàn chắc chắn. Tất nhiên những người khác không ai biết cả. Nhưng tôi biết, đúng giây phút tôi nhìn thấy… Sau khi việc đã xảy ra… tôi mới trở về.. và cô ta cũng hiểu rằng tôi đã biết việc cô ta làm… cô ta chỉ không biết là tôi yêu đứa bé ấy…
Huygô không nói gì thêm nữa, nhưng như thế cũng đã đủ cho tôi tạo dựng lại mọi việc đã qua.
Tôi cần phải sưu tập cho đủ mười tội, và tôi đã tìm thấy Morix, gã Do Thái nham hiểm. Gã là người buôn bán thuốc phiện và chính vì gã mà con gái của một người bạn tôi đã nghiện ma tuý. Cô gái đó hai mươi mốt tuổi và đã tự tử.
Trong khi đi “sưu tầm” những kẻ có tội ấy, tôi đã lập cho mình một kế hoạch và tôi đã tìm đến một bác sĩ và hỏi han nhiều điều về những kiến thức y học. Cũng nhờ có kiến thức ấy mà tôi biết được có những tình trạng hấp hối kéo dài, chậm chạp rồi mới chết.
Và bây giờ, tôi quay trở về đảo Người da đen. Vì muốn thi hành các bản án trên đảo nên tôi phải kiếm một hòn đảo, cũng không khó gì việc đó. Theo lệnh tôi, Morix đã làm phức tạp hoá, thêu dệt những chuyện bí mật, ly kỳ về việc mua đảo Người da đen. Tôi không hề lộ mặt. Sau đó tôi bắt đầu tìm cách thức viết giấy mời lừa cho họ ra đảo, và tôi không bị thất bại trong trường hợp nào cả. Ngày mồng 8 tháng 8 tất cả những người khách của tôi đã đến đảo Người da đen. Tôi cũng lẩn trong đám khách này.Tôi cũng đã tính đến số phận Morix mặc dù hắn ta không được mời ra đảo. Hắn ta hay đau đường tiêu hoá. Trước khi rời Luân Đôn, tôi đưa cho hắn một gói thuốc và dặn hắn phải uống vào buổi tối. Tôi cho rằng đó là một thức thuốc rất hiệu nghiệm đối với việc viêm loét dạ dày. Hắn cầm lấy thuốc không hề ngại ngùng. Hắn là một gã bệnh hoạn, tồi tệ, và tôi cũng không phải lo sợ vì hắn để lại nhật ký ghi chép làm lộ tôi. Hắn không phải là loại người hay ghi chép.
Tiếp theo, tôi sắp xếp cho người khách trên đảo. Theo tôi, mỗi người phải bị trừng phạt theo từng mức độ. Tôi quyết định những người chết trước là những người có tội nhẹ nhất, bởi vì sẽ tránh cho họ những sự căng thẳng thần kinh, hoặc sợ hãi quá đáng mà muốn giết người, toi pảhi tạo ra không khí ấy.
Entơni Maxtơn và bà Rogiơ chết trước tiên, nối tiếp theo nhau và bà Rôgiơ sẽ chết trong trạng thái ngủ thiếp đi yên lành vĩnh viễn. Tôi cũng công bằng mà đánh giá mức độ phạm tội của từng người một. Ví du như đối với Maxtơn, tuy anh ta đã chẹt chét hai đứa trẻ, nhưng xét dưới góc độ anh ta sinh ra trong một gia đình giàu có, được nuông chiều thì ắt anh ta sẽ thiếu hẳn đi khoản nhân đạo, lòng thương người khác. Anh ta sống vô đạo đức, ăn chơi và phạm tội một cách hồn nhiên, vô tư.. còn bà Rôgiơ, thì không nghi ngờ gì nữa, bà ta chỉ làm theo sự điều khiển của ông chồng… Hai người tội nhẹ nhất này cần phải được chết trước tiên. Tất nhiên rồi cảnh sát sẽ dễ dàng xác định được họ chết vì gì. Đối với Maxtơn, tôi sử dụng kali xianua, chất độc dùng để chế tạo thuốc trừ sâu, chống gián. Tôi gói theo một gói nhỏ, và khi mọi người đang nháo nhác, sửng sốt đi tìm tiếng nói phát ra từ máy quay đĩa thi tôi dễ dàng đổ gói thuốc ấy vào cốc có chút rượu còn lại của Maxtơn.
Tôi cũng cần phải nói chút ít, khi những lời buộc tội phát ra thì tôi đã chú ý nét mặt của tất cả những người khách của tôi và dựa trên những kinh nghiệm nghề nghiệp, dựa trên hiểu biết về tâm lý, tôi không nghi ngờ gì vào tính xác thực trong tội trạng của họ.
Tôi có một bệnh mà thường xuyên tôi phải dùng thuốc ngủ. Nhưng trong thời gian chuẩn bị tôi đã không uống thuốc bác sĩ phát cho mà cất hết đi, dần dần tôi đã có đủ liều thuốc ngủ có thể giết chết người. Khi Rôgiơ lấy cônhắc cho vợ bác ta, thì bác đặt cốc đó lên bàn, và tôi tiến lại gần, khi thấy không ai chú ý tôi trút liều thuốc đó vào cốc cônhắc. Tất nhiên tôi làm việc đó rất dễ dàng bởi vì lúc đó chưa ai nghi ngờ gì cả.
Tướng Mơcathơ cũng chết không đau đớn gì. Ông không hề nghe thấy tiếng chân tôi bước rón rén đến sau lưng. Tất nhiên tôi chỉ cần chọn một thời điểm chính xác để rời cái sân đi một lát mà không ai biết. Tôi đã thành công.
Sau khi Emxtroong, Lombơd và Blô đi khám xét trên đảo, và họ xác định rằng kẻ giết người nằm trong số bảy người còn lại thì lúc đó không khí nghi ngờ lẫn nhau trở nên căng thẳng. Theo kế hoạch tôi phải tìm một “trợ thủ” và tôi đã chọn bác sĩ Emxtroong. Ông ta là một người cả tin, cứ nhìn ông ta thì biết. Vả lại ông ta không thể tưởng tượng được một chánh án có địa vị như tôi mà lại giết người. Ông ta nghi Lombơd và tôi cũng làm như đồng tình với ông ta. Tối bắt đầu hướng ông ta vào những hành động có lưọi cho kế hoạch của tôi. Tôi bảo ông ta phải giúp tôi làm một cái bẫy để lừa kẻ giết người lộ mặt. Ông ta đồng ý.
Họ đã lục soát tất cả các phòng nhưng không tìm được gì. Sự việc vẫn cần phải tiếp tục nhanh chóng.
Tôi giết Rôgiơ vào sáng ngày 10 tháng tám. Bác ta đi chẻ củi nấu nước, trong lúc ác ta cúi xuống châm lửa, không nghe thấy tiếng chân tôi tới gần. Tôi đã lục tìm trong túi áo của bác ta chùm chìa khoá của cả nhà.
Khi phát hiển ra xác chết của Rôgiơ, mọi người ồn ỹ nhốn nháo, tôi lẻn lên phòng Lombơd và lấy khẩu súng đi, tôi biết rằng anh ta có mang súng ra đảo – và tôi đã bắt chước của Morix phương pháp khiến con mồi phải đuổi theo mình.
Trong bữa ăn sáng, tôi đã lén đổ nốt một chút thuốc ngủ còn lại vào cốc cà phê của bà Brent, bà ta đưa cốc cho tôi rót cà phê. Thế là khi bà ta ngồi lại một mình trong phòng ăn, tôi lẻn vào – và người đàn bà đang mê man thì tôi cũng dễ dàng tiêm thuốc độc vào bà ta. Còn con ong vo ve, chẳng qua là một ý thích trẻ thơ của tôi. Tôi muốn làm thế để cho nó giống với các nhân vật trong bài vè.
Mọi chuyện xảy ra theo đúng sự tính toán của tôi. Tôi đã trù liệu trước là họ sẽ đi lục sáot các phòng. Vì thế khẩu súng đã được tôi cất giấu kỹ và lúc này tôi cũng chẳng còn thuốc độc, chẳng còn thuốc ngủ nữa.
Bây giờ cần đến bác sĩ Emxtroong. Tôi bàn với ông ta rằng tôi sẽ giả vờ bị giết. Điều này sẽ làm cho tên giết người ngạc nhiên và hắn sẽ lộ mặt. Bác sĩ tin tôi. Nhưng cái chính là khi tôi đã “chết rồi” tôi sẽ dễ bề hành động hơn, và tôi có thể tiếp tục giết nốt họ.
Emxtroong đồng ý với tôi. Và tối hôm đó mọi việc diễn ra thật mỹ mãn. Tôi bôi lên trán mọt chút chất đỏ, khoác tấm nilong lụa đỏ, đội cuộn len tua trên đầu và nhuộm đỏ một chùm len trước trán: thế là xong. Hai bên tôi đặt hai cây nến, ánh sáng yếu ớt mờ tỏ gây ấn tượng rất mạnh và người duy nhất đén gần tôi là bác sĩ.
Mọi việc đã thành công. Viơra rú lên trên gác vì cái rong biển mà tôi đã lẻn vào buộc lủng lẳng trong phòng cô. Tất cả mọi người đều chạy lên gác, chỉ có tôi ngồi lại sắp xếp vai trò, trong tư thế của người bị giết. Khi họ nhìn thấy tôi, họ thực sự bị tác động. Emxtroong đã đóng vai của mình rất đạt. Họ khiêng tôi lên tầng trên đặt vào phòng tôi từ đó không ai để ý đến tôi nữa, họ còn bận đề phòng nghi ngờ lẫn nhau.
Tôi đã hẹn với bác sĩ là mười giờ bốn nhăm phút đêm nay hai chúng tôi sẽ gặp nhau ở ngoài nàh. Tôi dẫn ông ta ra rìa đá sau nhà. Tôi bảo rằng đứng ở đó sẽ biết nếu có ai đến gần. Lúc đó bác sĩ hoàn toàn chẳng nghi ngời gì tôi hết. Lẽ ra ông ta có thể nghi nếu như nghĩ đến câu trong bài vè “Con cá hồi đỏ, một người sa vào bẫy…”. Ông ta đã đặt chân vào bãy của tôi rất tuyệt.
Thật quá ư dễ dàng. Tôi dừng lại bên bờ đá và cúi xuống nhòm dưới nước sâu, tôi nói: “Ông hãy nhìn xem này, ở dưới đó không chỉ có một cái miệng hang đâu. Ông ta cúi xuống nhìn và thế là bất ngờ tôi đẩy ông at xuốgn mặt biển sóng dữ. Tôi lại rón rén trở vè và lúc này tôi có chủ ý, bước chân rõ hơn, Blô nghe thấy tiếng chân tôi. Tôi vào phòng Emxtroong một lúc rồi lại đi ra. Tôi cố ý gây tiếng sột soạt rón rén để cho Blô vô tình nghe được. Khi xuống dưới cầu thang, tôi mửo cửa bước ra ngoài cổng và thế là họ cho rằng có người ra ngoài.
Tôi đợi bên ngoài một lát cho họ đi ra, rồi lại vòng vào nhà và đập vỡ cửa kính ở phòng ăn mà trước đó tôi đã mở sẵn. Sau đó, tôi lại đóng cửa rồi lên phòng mình và lại chui vào giường đắp vải trải giường lên như người chết.
Tôi suy tính rằng, họ sẽ đi lục soát các phòng trong nhà và chắc chắn họ sẽ không nhìn kĩ các xác chết, nhiều nhất là họ lật một góc vải phủ mặt lên để xem liệu bác sĩ Emxtroong có đánh tráo các xác chết không thôi. Mọi việc xảy ra đúng như vậy.
Tôi quên chưa nói rằng tôi đã gửi trả lại Lombơd khẩu súng. Nếu trong trường hợp có ai đó tò mò muốn biết tôi cất khẩu súng vào đâu thì tôi xin nói rằng trong kho thực phẩm có một hộp đồ hộp khá to, tôi đã khoét nó ra, đổ ruột đi rồi cho khẩu súng vào. Tôi để mặt bị khoét xuống dưới dán băng dính vào. Tôi cũng đã tính đến chuyện người ta lục soát trong kho thực phẩm, tất nhiên cái hộp đó nom nguyên vẹn như chưa ai từng động đến.
Và bây giờ họ chỉ có ba người, họ sợ lẫn nhau, họ nghi ngờ lẫn nhau – Và một trong ba người đó lại có súng.Từ trong nhà tôi nghìn họ qua cửa sổ. Khi tôi thấy Blô trở về nhà một mình, tôi đã ném cái tượng cẩm thạch hình con gấu xuống kết thúc đời Blô…
Qua cửa sổ tôi thấy Viơra bắn Lombơd. Cô ta khá thật, táo bạo và liều lĩnh. Tôi liệt cô ta vào loại con mồi cao thủ nhất, thậm chí hơn cả Lombơd. Lúc đó, tôi sang phòng Viơra và dàn dựng cảnh chết cho cô ta…
Đây là một thí nghiệm về tâm lý… Sau khi giết người con người ta sẽ có những hành động thiếu suy nghĩ vì căng thẳng và lương tâm dày vò . Vài phút trước, họ vừa giết người thì ngay sau đó liệu họ có cảm giác chán đời, không thiết sống, sẵn sàng chết không? Tôi thí nghiệm và tôi đã thành công. Viơra đã tự thò cổ vào thòng lọng, đã đổ ghế ngay trước mắt tôi, lúc đó tôi đang nấp trong tủ quần áo.
Và bây giờ là cái việc dọn dẹp, tôi bước ra dựng chiếc ghế đổ vào sát tường. Tôi đi tìm súng, và tôi đã thấy nó rơi ở đầu cầu thang nơi cô gái thả nó xuống. Tôi cẩn thận cầm lên và lót tay để không có dấu vân tay tôi ở trên súng.
Và bây giờ?
Tôi sắp kết thúc bức thư, và cho vào chai, gắn si, thả xuống biển.
Vì sao?
Đúng, vì sao tôi ại có ý định cho mọi người biết rõ những hành động bí ẩn của tôi kia chứ?
Tôi lại còn muốn mọi người phải biết tôi khéo léo và nghệ thuật, tâm lý đến đâu chứ…
Tất nhiên tôi có thể im lặng, và bí mật của những cái chết này sẽ vĩnh viễn theo tôi. Tất nhiên cánh sát chỉ có thể hiểu được những điều mà tôi cố tình cho họ hiểu. Nhưng tôi lại muốn những điều sau: Cảnh sát phải biết rằng Sitơn là kẻ có tội và nếu hắn không bị toà án trừng trị thì tôi cũng sẽ trừng trị hắn như mười người kia.
Điều thứ hai tôi muốn nói rõ là về con mỗi thứ bẩy của tôi. Thực ra Emxtroong đã tự mình đút đầu vào cái bẫy mà không chịu suy nghĩ chút ít về những câu trong bài vè. Cũng phải thôi, ông ta chỉ tin mỗi mình tôi.
Điều thứ ba là tôi đã chết thế nào: trên trán tôi đúng là có một vết đạn thật, vết đạn bằng đồng xu.
Trước khi tôi kết thúc thư, tôi sẽ giải thích điều này. Tôi lên phòng mình nằm vào giường. Dưới nệm giường, tôi có cài một cái móc sắt nhỏ dài mà cả cơ thể tôi nằm đè ngang nó. Cái móc dây cao su được buộc vào quả đấm cửa. Như vậy sợi dây sẽ chạy căng như dây cung qua trước mắt tôi. Đúng trước trán tôi, tôi quấn khẩu súng vào đó, tất nhiên không buộc chặt.
Tay tôi quấn một vòng khăn mùi xoa để nắm tay vào súng. Tôi bóp cò, cánh tay tôi thõng xuống, khăn mùi xoa rơi xuống cạnh người tôi. Khẩu súng bật ra khỏi tay văng xuống sàn. Đầu tôi vật xuống gối, cái móc ở dưới đệm (thò tí đầu ra ngoài giường) sẽ nhả đầu cao su đen ra, đầu dây đó sẽ nằm hờ hững ở cạnh cửa một cách ngẫu nhiên, vô tội, không ai nghi ngờ gì.
Đấy, mọi người sẽ tìm thấy tôi đang nằm trên giường với một vết đạn trên trán chính xác như các “con mồi” của tôi đã tả trong nhật kí. Tất nhiên nếu các bác sĩ pháp y ra đảo kiểm tra, họ cũng không thể kết luận chính xác tôi vào lúc nào.
Nếu mặt biển lặng gió thì người ta có thể chất nhứng người chết lên thuyền trở về đất liền.
Mười cái chết bí ẩn mà không ai hiểu nổi trên đảo Người da đen nếu không bắt được bức thư này.
Lorơnxơ Uogrêvơ”
Hết