Lời mở đầu
Tác giả: Agatha Christie
Trong 56 năm theo đuổi nghề viết, nữ văn sĩ Agatha Christie đã cho ra đời 66 cuốn tiểu thuyết và 147 truyện ngắn trinh thám, hai tập thơ, hơn ba chục kịch bản sân khấu cùng với hai cuốn tự truyện. Tác phẩm của bà được dịch ra hơn một trăm ngôn ngữ khác nhau, với trên hai tỷ bản in, phát hành rộng rãi trên toàn thế giới...
Theo Sách kỷ lục Guinness, Agatha Christie là nhà văn có tác phẩm bán chạy nhất mọi thời đại về thể loại trinh thám, và đứng thứ hai nếu tính cả các thể loại khác (sau William Shakespeare). Với việc "thực hiện" khoảng hai trăm "vụ án mạng" và đưa ra ánh sáng cũng ngần ấy vụ giết người, Agatha Christie đã đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác...
Trong số ba tác gia của thể loại tiểu thuyết trinh thám: Arthur Conan Doyle, George Simenon và Agatha Christie, chỉ có mình bà là nữ. Ở Việt Nam, tên tuổi của bà gắn liền với hai thám tử tài ba Hercul Poirot và Bà Marple, trong những thiên tiểu thuyết li kỳ, hấp dẫn: "Đêm bi thảm", "Người thiếu phụ tuyệt vọng", "Vụ án trên chuyến tàu tốc hành phương Đông", "Mười người da đen bé nhỏ", "Ngòi bút tẩm độc", "Người tình của Shalott", "Những chiếc đồng hồ kỳ lạ"… do Nhà xuất bản Công an nhân dân ấn hành trong mấy thập niên vừa qua.
Agatha Christie là nữ văn sĩ Anh, sinh ngày 15 tháng 9 năm 1890, tại Torquay Devon. Cha của bà làm nghề giao dịch chứng khoán, còn mẹ là một người đàn bà thuộc dòng dõi quý tộc, có ảnh hưởng cực kỳ to lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của "Nữ hoàng trinh thám" sau này.
Bắt đầu nghiệp viết với thể loại tiểu thuyết trinh thám, Agatha Christie đã thực sự trở thành một "hiện tượng" trong văn đàn thế giới. Đến với nghề văn mà không hề trải qua bất cứ một trường lớp đào tạo nào, những gì Agatha Christie cống hiến cho văn học thực sự là tài năng, là "duyên" trời định. Cũng giống như một số tác gia thế giới, Agatha Christie cầm bút viết văn, ban đầu chỉ là để giết thời gian nhàn rỗi. Rồi sau đó mới là để thỏa mãn yêu cầu của độc giả và tự thỏa mãn sở thích của mình, để sống và tạo dựng chỗ đứng trong xã hội.
Người đời từng nói, tình yêu là món quà quý giá nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Trong suốt cuộc đời "Nữ hoàng truyện trinh thám" Agatha Christie, tình yêu luôn hiện hữu, là cội nguồn của mọi thăng hoa và sáng tạo. Trong tự truyện của mình, Agatha Christie cho biết, chính tình yêu đã đưa bà đến với nghề viết, và chính tình yêu đã vinh danh tên tuổi của bà.
Mười sáu tuổi được mẹ cho sang Paris học hát và piano, nhưng chỉ một năm sau đó Agatha Christie quay trở lại London, gia nhập thế giới thượng lưu. Đang độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, với một nhan sắc rực lửa, tính cách lãng mạn, Agatha Christie như một ngôi sao chói sáng, thu hút sự chú ý của các chàng trai con nhà danh giá, trong đó có Archibald Christie - một phi công thuộc lực lượng Không quân Hoàng gia Anh.
Cuộc tình của đôi trai tài gái sắc như lửa đang nồng thì Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra. Archibald Christie được điều động sang Pháp chiến đấu. Không giấy mực nào có thể chép hết nỗi nhớ mong trong lòng cô gái trẻ. Ngày lại ngày, Agatha Christie chỉ còn biết viết thư gửi cho người yêu nơi trận mạc và chờ đợi thư hồi âm… Rồi trong một kỳ phép ngắn ngủi, đôi uyên ương đã làm đám cưới. Khi chàng phi công trở lại chiến trường, Agatha Christie sống lẻ loi, âm thầm, cô độc như một người góa bụa. Trong sự xa cách chờ đợi và nhớ nhung ấy, Agatha Christie bắt đầu tập viết tiểu thuyết. Nhưng cô chưa biết nên bắt đầu bằng thơ, tiểu thuyết tình cảm hay truyện trinh thám…
Mấy cô em họ của Agatha Christie thì bảo rằng, tiểu thuyết trinh thám rất chán, vì chỉ cần xem một vài trang là độc giả đã biết ngay ai là thủ phạm rồi. Họ còn nói thêm rằng, cô không thể viết tiểu thuyết trinh thám được vì đó là lĩnh vực của đàn ông. Nghe thấy thế, Agatha Christie bảo rằng: "Chẳng có ai cấm phụ nữ viết truyện trinh thám cả, và chị sẽ viết giỏi hơn cả đàn ông cho các em xem". Nói thế và làm thế, Agatha lao vào viết truyện trinh thám, và viết với một "tốc độ" mà ngay cả cánh đàn ông cũng phải nể.
Cuốn sách đầu tay "Vụ Styles bí mật" được viết khi Archibald Christie đang ở chiến trường, còn Agatha Christie là một trợ lý dược ở một trạm cứu thương. Agatha Christie đã đánh máy tác phẩm của mình cẩn thận, đính kèm một lá thư nhỏ rồi gửi tới một số nhà xuất bản danh tiếng ở London. Sự ra đời của tác phẩm trinh thám đầu tay đã mang lại nhiều hứng khởi, cũng là sự khẳng định tính đúng đắn cho sự lựa chọn ban đầu của một cây bút trẻ.
Chiến tranh kết thúc, chàng phi công của Agatha Christie trở về lành lặn, nhưng tâm tính trở nên thất thường. Việc chăm sóc Archibald Christie đã lấy đi của Agatha Christie rất nhiều thời gian, nhưng bù lại, khi cùng chồng thực thi những chuyến công vụ vòng quanh các nước thuộc địa của Anh, Agatha Christie đã thu lượm được đầy ắp một vali tư liệu để sau này "dựng" thành các tác phẩm trinh thám li kỳ và hấp dẫn. Sự xuất hiện liên tiếp các tiểu thuyết: "Vụ giết ông Roger Ackroyd", "Vụ án mạng ở Me'sopotamic", "Vụ án trên chuyến tàu tốc hành phương Đông"… khiến tên tuổi của nữ nhà văn trẻ nổi như cồn. Nhưng hình như đối với cuộc đời của rất nhiều người đàn bà, sự nổi tiếng và danh vọng không đồng hành cùng hạnh phúc. Một mối tình đã từng được thử thách trong lửa đạn tưởng như sẽ trở thành bất tử, đã "cáo chung" bởi một người đàn bà nhan sắc khác.
Khi nghe Archibald Christie tuyên bố đã trót yêu người đàn bà khác, Agatha Christie héo rũ như tàu lá và bỏ đi biệt tích trong mười ngày liền. Cảnh sát đã tìm thấy chiếc xe của cô bỏ ở vệ đường, ở một nơi cách nhà vài chục cây số và sau đó tìm thấy Agatha Christie tại một khách sạn, trong tình trạng mất trí nhớ. Cô đã quên tất cả, trừ tên cái người đàn bà đã cướp đi chàng phi công dũng cảm của cô…
Sau một thời gian điều trị, Agatha Christie gửi con vào trường nội trú và lao vào những chuyến viễn du bất tận. Những chuyến đi ấy đã đưa cô đến với một tình yêu mới. Max Mallowan - một nhà khảo cổ học, kém Agatha Christie tới 14 tuổi đã thay chàng phi công Hoàng gia đem lại niềm vui và nghị lực để nữ văn sĩ tiếp tục sự nghiệp còn dang dở. Agatha Christie lại cùng Max Mallowan vượt đại dương sang Trung Đông, đến với những di chỉ khảo cổ đang ngủ sâu dưới lòng đất. Ngoài việc chăm sóc và trợ giúp công việc cho chồng, Agatha Christie đã tìm kiếm thêm rất nhiều tư liệu để hoàn thành những tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch bản sân khấu sau này… Cuộc hôn nhân với Max Mallowan thực sự bền vững trước mọi thử thách của số phận. Agatha Christie đã không ít lần khẳng định, đằng sau những thành công của bà trên văn đàn là bờ vai vững chắc của chồng, rằng "Những nhà khảo cổ học là những người chồng lý tưởng - vợ của họ càng già thì họ càng thích thú"...
Có một điểm tương đồng giữa các chuyên gia về tiểu thuyết trinh thám: Những thám tử tài danh thường được tác giả "nuôi dưỡng" trong một thời gian rất dài, xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm. Arthur Conan Doyle "nuôi" thanh tra Sherlock Holmes, George Simenon nâng niu, chiều chuộng thanh tra Maigret, còn Agatha Christie lại "đeo mang" tới những bảy thám tử. Trong đó nam thám tử Hercule Poirot và nữ thám tử Marple được Agatha Christie cho tham gia nhiều điệp vụ hơn cả và cũng được nhà văn cho "sống" lâu nhất.
Nam thám tử Hercule Poirot xuất hiện ngay từ tiểu thuyết đầu tay của Agatha Christie và chỉ "chết" trước tác giả có một năm. Hình tượng Hercule Poirot được giới thiệu với độc giả có khuôn mặt rất đàn ông, để râu con kiến, đầu đội mũ phớt, ăn mặc kiểu cách, thông minh, kiêu hãnh.Vị thám tử điển trai này luôn coi thường hiểm nguy, ít biết đến thất bại, nhưng bị đối phương đánh giá là một kẻ "gàn dở", bởi anh ta luôn mồm nói đến những giá trị đạo đức. Hercule Poirot liên tiếp xuất hiện trong 30 tiểu thuyết và 50 truyện ngắn của Agatha Christie. Trong thời gian đầu, Agatha Christie rất yêu mến chàng thám tử của mình. Nhưng đến khi "nuôi" Hercule Poirot được mười năm, Agatha Christie đã nảy ra ý định “khai tử" cho nhân vật này. Do công chúng quá yêu thích chàng thám tử đẹp trai, tài ba Hercule Poirot nên bà đành để cho thám tử tiếp tục sống và phá án, mặc dù đã nhiều lần bà kêu rằng đã chán Hercule Poirot đến tận cổ.
Trái ngược với Hercule Poirot, nữ thám tử Marple xuất hiện muộn và ít hơn rất nhiều, nhưng lại được Agatha Christie hết mực cưng chiều. Tuy nhiên, khi ở độ tuổi 85, cái chết đã cận kề, Agatha Christie không nỡ lòng nào để cho hai thám tử huyền thoại của mình bơ vơ nơi trần thế, nên đã cho cả hai cùng lần lượt "được" chết trong hai tác phẩm cuối cùng của mình. Hercule Poirot chết năm 1975, trong "Curtain: Vụ án cuối cùng của Hercule Poirot". Bà Marple "tạ thế" sau Hercule Poirot một năm, trong cuốn "Sleeping Muder: Vụ án cuối cùng của bà Marple"…
Là phụ nữ dấn thân vào lĩnh vực xưa nay được coi là lãnh địa của giới mày râu, nghệ thuật tiểu thuyết trinh thám của Agatha Christie đã đạt tới trình độ điêu luyện. Phần lớn các các tiểu thuyết của bà đều được xây dựng trên những nghi vấn một cách đầy đủ và vận hành như một cuộc chơi đầy kỳ thú, trong đó độc giả chạy đua với thám tử vì cả hai đều nắm được đầy đủ các tình tiết của vụ án và đều có khả năng ngang nhau trong việc lật mặt nạ thủ phạm trong một không gian luôn mở.
Agatha Christie mất ngày 12 tháng 1 năm 1976 ở tuổi 86, tại Wallingford, Oxfordshire. Toàn bộ bản quyền tác phẩm của Agatha Christie hiện được cháu trai của bà, Mathew Prichard lưu giữ.
***
LỜI GIỚI THIỆU
Tên tuổi của Agatha Christie không lạ gì trong số những nhà văn nổi tiếng trên thế giới chuyên viết truyện trinh thám.
Tính chất hấp dẫn của thể loại truyện này không còn phải bàn cãi, sách thường được in với số lượng lớn, được nhiều tầng lớp độc giả hâm mộ bởi cốt truyện gay cấn, bố cục chặt chẽ, tiến triển nhanh, gọn, bất ngờ, cách xử lý thông minh, chính xác… Đó là ưu điểm của thể loại truyện trinh thám, nhưng ở không ít nhà văn lại cũng là nhược điểm bởi sự thiếu vắng của tâm lý nhân vật, tính cách, chiều sâu của nội tâm, bối cảnh xã hội, lý tưởng đạo đức… Nhưng ở Agatha Christie hầu như những nhược điểm đó đã được khắc phục, những truyện của bà bao giờ cũng giản dị, tránh những tình huống một cách bất ngờ vô lý, các nhân vật đều có tính cách, bối cảnh xã hội rõ nét, nhất là lòng nhân hậu, lý tưởng đạo đức bao giờ cũng thắm đượm trong hầu hết các trang sách. Bên cạnh đó, chất “trinh thám” trong truyện lại không thiếu, truyện đọc vào là lôi cuốn ngay, các sự kiện dồn dập, mới lạ nhưng hợp lý, các tình huống đan chéo vào nhau được xử lý một cách thông minh, bất ngờ không thể đoán ra được, cuối cùng đi đến kết cuộc nhiều người đọc thấy ngỡ ngàng đồng thời lại thấy không có gì hợp lý hơn.
“Thảm kịch bí ẩn ở Styles” chúng tôi giới thiệu với bạn đọc sau đây nằm trong số những truyện như vậy.
Cốt truyện thật giản dị, hầu như là thông thường. Một gia đình gồm một người mẹ kế, hai người con trai và một tài sản lớn của người cha để lại. Trong gia đình đang có chuyện phải quan tâm là vấn đề thừa kế gia sản thì xảy ra chuyện người mẹ kế lúc đó đã sáu mươi lăm tuổi, đâm say mê một người đàn ông nhỏ hơn mình đến hai mươi tuổi. Người đàn ông vào nhà mang theo mình đầy những sự nghi ngờ thì sau đó người mẹ kế bị đầu độc chết. Mọi lời buộc tội rõ ràng là chĩa vào người đàn ông và ngay bản thân anh ta cũng cố tình để lộ những cử chỉ, hành động cho mọi người nghi ngờ mình. Trong lúc đó cuộc điều tra của cảnh sát lại bắt gặp những dấu vết buộc tội ở người con trai lớn. Anh bị bắt. Phiên tòa diễn ra, sự nghi ngờ của mọi người lại hướng về người em kế. Ai là thủ phạm? Tình thế thật rối ren, nhưng đã có một viên thám tử người Bỉ, một người nhỏ nhắn, sống khiêm tốn, ẩn dật đã theo dõi suốt quá trình diễn ra vụ án. Ông không bỏ sót một sự kiện nào, nối kết chúng lại với nhau thành một chuỗi mắc xích hợp lý, bằng tài nhận xét thông minh và cách xử lý khôn khéo, nhanh nhạy ông đã vạch mặt được thủ phạm, minh oan cho những người vô tội và hơn nữa, giữ gìn được tình yêu của họ. Đó là ý nghĩa lớn nhất của cuộc điều tra và cũng là tính nhân bản trong cuốn truyện của Agatha Christie.
Xuất bản cuốn “Thảm kịch bí ẩn ở Styles” của Agatha Christie, chúng tôi mong muốn giới thiệu với bạn đọc một tác phẩm gần như là mẫu mực cho thể loại truyện trinh thám với hình thức và nội dung đích thực của nó, trái với nhiều loại sách “vụ án” khác chỉ nhằm lôi cuốn người đọc bằng những tình tiết giật gân rẻ tiền, những cảnh sa đọa để thỏa mãn những thị hiếu thấp. Bởi thông qua trình bày những tội ác và bọn tội phạm, một cuốn sách thật sự có ý nghĩa khi nó hướng con người tới cuộc sống lương thiện hơn.
NHÀ XUẤT BẢN MŨI CÀ MAU- Năm 1989