watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tia Chiếu Khủng Khiếp Của Kỹ Sư Garin-- 8 - - tác giả Aleksey Tolstoy Aleksey Tolstoy

Aleksey Tolstoy

- 8 -

Tác giả: Aleksey Tolstoy

31


Ngôi nhà ba tầng cũ kỹ số sáu mươi ba phố Gôbêlênốp có một bức tường hướng ra bãi đất trống. Từ mặt này, chỉ có những ô cửa sổ trên gác xép tầng ba. Một bức tường khác, chạy liền một mạch, tiếp giáp với công viên. Phía mặt trước nhà trông ra phố, ở tầng một, ngang với mặt đất, là một tiệm cà phê dành cho dân đánh xe và lái xe. Chiếm cả tầng hai là một khách sạn tối tân. Ở tầng ba, tầng sát nóc, là những căn phòng dành cho những người ở thuê lâu dài. Lên đó, phải đi qua cổng và một đường hầm dài.

Đã một giờ đêm. Trên phố Gôbêlênốp, không một ô cửa sổ nào còn sáng đèn. Tiệm cà phê đã đóng cửa, tất cả ghế ngồi đều đặt lên các bàn. Dôia dừng lại cạnh cổng, nhìn một phút lên số nhà sáu mươi ba. Ả cảm thấy ớn lạnh sau lưng. Ả quyết định giật chuông. Dây kêu sột soạt, cổng hé mở. Ả luồn vào khe cửa tối om. Từ xa vọng lại tiếng lão gác cổng càu nhàu: " Đêm phải ngủ chứ, trở về phải đúng giờ chứ " . Nhưng lão không hỏi ai vào.

Dôia cảm thấy một nỗi lo ngại khủng khiếp. Trước mặt ả, một đường hầm thấp, tối tăm, kéo dài. Ngọn đèn rọi sáng lờ mờ những bức tường mấp mô, sơn màu sẫm. Chỉ dẫn của Xêmiônốp là như thế này: đến cuối đường hầm thì rẽ trái, theo cầu thang xoáy trôn ốc lên tầng ba, bên trái là căn phòng số mười một.

Đến giữa đường hầm, Dôia dừng lại. Ả cảm thấy như đằng xa, phía bên trái, có người thoáng ló đầu ra rồi biến mất. Có nên quay lại không? Ả lắng nghe - không một tiếng động nào. Ả chạy đến chỗ rẽ vào đầu cầu thang hôi hám. Tại đây bắt đầu chiếc cầu thang xoáy ốc, hẹp, được rọi sáng lờ mờ từ đâu đó phía trên. Ả nhón chân bước, sợ chạm phải tay vịn nhớp nháp.

Mọi người trong nhà đều đang ngủ. Trên đầu cầu thang tầng hai, một cửa vòm tróc lở dẫn vào dẫy cầu thang tối tăm. Ả vừa bước lên tiếp, vừa ngoái lại, ả cảm thấy như từ trong cửa vẫn có ai đó ló ra rồi biến mất ... Chỉ có điều đấy không phải là Gaxtông Mỏ vịt ... " Không, hắn chưa kịp đến đây, hắn không thể đến nhanh thế được ..." .

Đến đầu cầu thang tầng ba, Dôia lấy lại hơi thở. Nếu Garin không có ở nhà, ả sẽ đợi cho đến sáng. Nếu y có nhà, đang ngủ, ả sẽ không trở ra nếu không lấy được những tờ giấy y đã thủ trên bàn tại đại lộ Mandéc.

Dôia tháo găng, khẽ khàng sửa mái tóc dưới mũ rồi đi sang trái, theo dẫy hành lang gấp khúc. Trên cánh cửa thứ năm có con số " 11 " kẻ bằng sơn trắng. Dôia đẩy nắm đấm cửa, cửa nhẹ nhàng mở ra.

Ánh trăng lọt qua ô cửa sổ mở, chiếu vào căn phòng nhỏ. Trên sàn, một chiếc va li mở tung nằm vạ vật. Những tờ giấy trắng vương vãi khắp nơi. Cạnh tường, giữa bồn rửa mặt và tủ ngăn, là một người đang ngồi trên sàn, mặc độc chiếc sơ mi, hai đầu gối để trần hếch lên, hai bàn chân không giày không tất dường như quá lớn ... Ánh trăng chiếu sáng nửa khuôn mặt, con mắt mở to lấp lánh, hàm răng trắng bóng - người đó đang mỉm cười. Dôia nín thở, miệng hé mở, nhìn khuôn mặt bất động đang mỉm cười, - đó là Garin.

Sáng nay, trong tiệm cà phê " Địa cầu " , ả bảo Gaxtông Mỏ Vịt: " Hãy đánh cắp các bản vẽ và bộ máy của Garin, và nếu có thể thì giết hắn đi " . Chiều nay, qua làn khói thuốc lá trên cốc sâm banh, ả nhìn thấy đôi mắt của Garin và cảm thấy, nếu con người ấy vẫy gọi ả thì ả sẽ vứt bỏ hết, sẽ quên hết và đi theo y. Đến đêm, hiểu rõ mối nguy hiểm và chạy bổ đi tìm Gaxtông để ngăn y lại, chính ả cũng chưa ý thức được rõ rệt cái gì đã khiến ả lo lắng như vậy, đã thúc giục ả lang thang giữa Pari ban đêm và cuối cùng, dẫn ả đến phố Gôbêlênốp này. Những tình cảm gì đã buộc người phụ nữ thông minh, lạnh lùng và tàn nhẫn đó mở cửa căn phòng của một kẻ bị ả đẩy tới chỗ chết?

Ả nhìn hàm răng và con mắt lồi ra của Garin. Ả khẽ thét lên khàn khàn, rồi bước lại gần, cúi người xuống thân hình y - Garin đã chết. Mặt xám ngoét. Trên cổ có những vết xước phồng lên. Đó chính là khuôn mặt ấy - hốc hác, hấp dẫn với cặp mắt đầy xúc động, với bộ râu mượt mà lẫn những vụn côngphétti sặc sỡ ... Dôia nắm lấy thành đá hoa lạnh lẽo của bồn rửa mặt, gắng gượng đứng dậy. Ả quên bẵng mất mục đích đến nơi đây. Nước bọt đắng ngắt trào dâng trong miệng. " Mình đến ngã ngất đi mất " . Bằng nỗ lực cuối cùng, ả giật đứt chiếc khuy trên cổ áo khiến ả nghẹt thở. Rồi ả tiến về phía cửa. Trên ngưỡng cửa là Garin.

Y giống hệt kẻ đang ngồi trên sàn - răng y trắng bóng, nụ cười ngưng đọng trên môi. Y giơ ngón tay lên, dọa dọa. Dôia hiểu, ả lấy tay bịt chặt miệng để khỏi bật ra tiếng kêu. Tim ả đập mạnh, dường như vừa từ dưới nước ngoi lên ... " Sống, anh ấy còn sống ..." .

- Kẻ bị giết không phải là tôi đâu, - Garin thầm thì nói và vẫn tiếp tục đe dọa, - các người đã giết phụ tá của tôi là Lơnoa ... Rôlinh sẽ bị treo cổ ...

- Còn sống, vẫn còn sống - Dôia khàn khàn nhắc lại.

- Bà đến đây làm gì?

- Tôi tìm Gaxtông ...

- Ai cơ?

- Người mà tôi đã ra lệnh giết ông ...

- Tôi đã biết trước là như vậy, - Garin vừa nói vừa nhìn vào mắt ả.

Ả đáp lại như trong cơn mê:

- Nếu Gaxtông giết ông thì tôi sẽ tự tử mất ...

- Tôi không hiểu ...

Ả mê mẩn nhắc lại theo y bằng một giọng dịu dàng dằn khẽ:

- Chính tôi cũng không hiểu ...

Cuộc chuyện trò này diễn ra ở ngưỡng cửa. Ngoài cửa sổ, trăng đang lặn thấp xuống sau mái nhà bằng graphít . Garin đưa mắt nhìn khắp căn phòng rồi hỏi khẽ:

- Bà đến để lấy lại tờ giấy có bút tích của Rôlinh phải không?

- Vâng. Xin ông hãy thương hại.

- Thương hại ai? Rôlinh ư?

- Không. Thương hại tôi. Xin ông hãy thương hại, - ả nhắc lại.

Đột nhiên Garin vươn thẳng người lên, lắng nghe. Rồi y lôi mạnh Dôia ra ngoài. Vừa tiếp tục nắm chặt tay ả phía trên khuỷu tay, y vừa ngước nhìn chiếc cửa vòm dẫn ra cầu thang.

- Ta đi đi. Tôi sẽ đưa bà qua đường công viên ... Bà thật là một phụ nữ tuyệt diệu, - mắt y lóe lên một vẻ hài hước điên dại, - hai con đường của chúng ta đã gặp nhau ... Bà cảm thấy như vậy chứ?...

Y cùng Dôia chạy xuống theo cầu thang xoáy ốc. Ả không cưỡng lại.

Đến đầu cầu thang dưới cùng, Garin rẽ vào đâu đó trong bóng tối, dừng lại, thắp nến lên, ráng sức mở chiếc khóa han gỉ trên chiếc cửa có lẽ đã nhiều năm nay không mở.

- Bà thấy đấy, mọi việc đều dự liệu trước cả rồi.

Sau đó, Garin và Dôia bước ra ngoài, đi dưới những hàng cây tối tăm, ẩm ướt của công viên. Đúng lúc đó, một toán cảnh sát từ ngoài phố đi vào cổng: mười lăm phút trước đây, Garin đã gọi điện yêu cầu cảnh sát tới.



32


Senga nhớ rõ " nước cờ hớ " tại ngôi nhà nghỉ trên đảo Crextốpxki. Khi ấy, (trên đại lộ Công Đoàn), anh hiểu rằng: Pítkêvích nhất định sẽ trở lại ngôi nhà nghỉ một lần nữa để lấy những thứ y cất giấu dưới hầm nhà. Lúc chập tối (cũng ngày hôm đó) anh lần đến nhà nghỉ, tránh chạm trán với người canh gác, thủ sẵn chiếc đèn pin bí mật, đi xuống hầm nhà. " Nước cờ " ấy bị thất bại ngay: cách cửa sập trong bếp khoảng hai bước chân là Garin. Một giây trước lúc Senga xuất hiện, y xách va li nhảy từ hầm nhà lên và đứng nép vào tường sau cánh cửa. Y đóng ầm cửa sập lại ngay trước mặt Senga rồi lấy những bao đựng than chất lên. Senga giơ cao đèn, nhếch miệng cười nhìn rác rưởi bụi bậm rơi lả tả qua các khe cửa sập. Anh định tiến hành thương lượng hòa bình với Garin. Nhưng đột nhiên, phía trên bỗng lặng tờ, vang lên tiếng chân người chạy rồi tiếng súng nổ và cuối cùng là tiếng thét man rợ. Đó là cuộc vật lộn với gã bốn ngón. Một giờ sau, các chiến sỹ công an xuất hiện.

Sau nước cờ đó, Senga đi được nước cờ hay. Từ ngôi nhà nghỉ, anh dùng ôtô công an phóng thẳng đến câu lạc bộ thuyền buồm, đánh thức người trực ban câu lạc bộ dậy (đó là một thủy thủ tóc rối bù, giọng khàn khàn) và hỏi thẳng:

- Gió nào?

Người thủy thủ dĩ nhiên là không nghĩ ngợi gì hết, trả lời ngay:

- Gió Đông Nam .

- Cấp mấy?

- Cấp năm.

- Anh bảo đảm là tất cả các thuyền buồm đều đậu tại chỗ chứ?

- Tôi bảo đảm.

- Ai đang bảo vệ các thuyền?

- Pếtca đang gác.

- Cho tôi xem xét dãy phao chắn.

- Được - người thủy thủ trả lời và vì ngái ngủ nên lúng túng mãi mới xỏ tay được vào chiếc áo thủy thủ.

- Pếtca! - anh ta vừa gọi to bằng một giọng sặc sụa hơi rượu vừa cùng Senga bước lên hàng hiên câu lạc bộ (không có ai trả lời) - Nhất định cậu ta lại rúc vào đâu mà ngủ rồi, phải kéo chân cậu ta dậy mới được, - người thủy thủ nói và dựng cổ áo lên để che gió.

Họ tìm thấy Pếtca trong bụi cây gần đấy - cậu ta đang ngáy ngon lành, trùm kín đầu bằng cổ áo khoác lông. Người thủy thủ trực ban quát mắng ầm ĩ. Pếtca càu nhàu đứng dậy. Cả hai lên dẫy phao chắn. Cả một rừng cột buồm lắc lư trên mặt nước màu xám sẫm. Sóng vỗ mạnh. Gió to thổi giật từng cơn.

- Anh tin chắc là tất cả thuyền đều đậu tại chỗ chứ? - Senga lại hỏi.

- Thiếu chiếc " Ôriôn " , nó hiện đang ở Pitegốp ... Và hai chiếc nữa đi Xtơrenna.

Senga bước theo những tấm ván làm nước bắn tung tóe, đi đến tận mép dẫy phao chắn và nâng đoạn dây buộc bến lên - một đầu dây buộc chặt vào vòng thép, còn đầu kia rõ ràng là bị cắt đứt. Người thủy thủ trực ban thong thả xem xét đoạn dây. Anh ta ấn mũ sụp xuống mũi và không nói gì hết. Sau đó, anh ta đi dọc theo dẫy phao chắn, dùng ngón tay đếm số thuyền. Rồi anh ta chém mạnh tay vào không khí và giận dữ thét to:

- Pếtca, cậu là đồ rẻ rách! Đem dìm chết cậu đi cũng đáng! Trông nom cái quái gì mà chiếc thuyền đua tốt nhất là " Bibigônđa " cũng để chúng cuỗm mất ...

Pếtca ồ lên ngạc nhiên, lấy hai tay áo lông tự quất vào người. Ở đây chẳng có việc gì làm nữa. Senga đi ra bến.

Ít nhất là ba tiếng đồng hồ đã trôi qua, vậy mà ca nô tuần tra của đội bảo vệ - loại ca nô chạy nhanh - vẫn không ra được ngoài khơi. Sóng lớn nổi lên dữ dội. Chiếc ca nô hết dâng lên lại chìm xuống. Bụi nước làm mờ ống nhòm. Khi mặt trời mọc lên, - trong vịnh Phần Lan, cách ngọn hải đăng khá xa, - thì họ thấy cánh buồm hiện ra ở gần bờ. Đấy là chiếc " Bibigônđa " bất hạnh đang quay cuồng giữa những tảng đá ngầm. Trên thuyền không có một người nào. Chiếc ca nô bắn mấy phát lấy lệ rồi đành quay mũi trở về, không thu được kết quả gì. Vậy là vào đêm đó, Garin đi thêm được một nước cờ nữa và đã vượt qua biên giới. Về việc gã bốn ngón tham gia vào ván cờ này thì chỉ có y và Senga được biết. Vì lẽ đó, trên đường trở về bến, Senga tính toán như sau:

" Ở nước ngoài, Garin sẽ hoặc đem bán, hoặc được tự do sử dụng bộ máy bí ẩn kia. Đối với Liên Xô, sáng chế này tạm thời bị mất, và ai biết được là trong tương lai nó có nhất thiết đóng một vai trò tội lỗi gì không. Nhưng ở nước ngoài, Garin có một mối đe dọa - đó là gã bốn ngón. Cuộc chiến đấu với gã đó hiện chưa kết thúc. Garin sẽ không dám xuất hiện công khai với bộ máy của y. Nếu trong trận đấu này mà đứng về phía Garin thì có thể thu được kết quả. Dù sao chăng nữa thì điều ngu xuẩn nhất có thể nghĩ ra được (và có lợi nhất cho Garin) - đấy là bắt ngay gã bốn ngón ở Lêningrát " . Kết luận rất đơn giản: Senga từ bến sông về thẳng nhà mình, thay quần áo khô, gọi điện đến Ban điều tra hình sự cho biết là " vụ án đã tự nó kết thúc " , ngắt mạch máy điện thoại và đi ngủ, vừa nằm vừa mỉm cười giễu cợt khi hình dung thấy gã bốn ngón bị nhiễm độc, có lẽ còn bị thương nữa, hiện đang ba chân bốn cẳng chạy trốn khỏi Lênigrát. Đó là đòn phản công của Senga đối với " nước cờ hớ " kia.

Và đây là bức điện (từ Pari) " Người bốn ngón đang ở đây. Nhiều biến cố nguy hiểm " . Đó là tiếng kêu xin giúp đỡ.

Senga càng suy nghĩ thì càng thấy rõ là phải bay đi Pari. Anh gọi điện thoại hỏi giờ máy bay chở khách cất cánh rồi quay lại hàng hiên, nơi Taraskin và chú bé Ivan đang ngồi trong bóng tối mờ mờ. Sau khi Senga đọc được hàng chữ trên lưng chú thì chú lặng thinh và không rời Taraskin.

Qua khoảng trống giữa các cành cây, từ mặt nước màu vàng cam vọng lên những giọng nói lao xao, tiếng mái chèo khua nước và tiếng cười của phụ nữ. Những việc cổ xưa như trái đất đang diễn ra dưới những khóm cây rừng đen sẫm trên đảo, nơi lũ chim chóc chưa ngủ xao xác gọi nhau. Toàn bộ sinh vật vừa bừng dậy khỏi những trận mưa và bão tuyết của mùa đông dài dằng dặc, nay hối hả sống, vui vẻ khao khát tận hưởng vẻ mỹ lệ ngây ngất của đêm nay. Taraskin một tay ôm lấy vai Ivan, một tay tì khuỷu lên lan can, ngồi yên không nhúc nhích, ngắm nhìn dòng nước qua những khoảng trống. Những con thuyền đang lướt nhẹ trên dòng sông.

- Ivan này, - Senga vừa nói vừa dịch ghế lại gần, cúi xuống khuôn mặt chú bé, - cháu thấy thích ở đâu hơn, ở đằng ấy hay ở đây? Có lẽ ở Viễn Đông cháu sống khổ lắm, lúc nào cũng đói meo, có phải không?

Ivan nhìn Senga không chớp mắt. Trong ánh hoàng hôn, mắt chú có vẻ buồn bã như mắt người già. Senga rút trong túi áo gilê ra một chiếc kẹo, gõ nhẹ chiếc kẹo vào răng chú cho tới khi hai hàm răng chú tách ra và chiếc kẹo chui tọt vào miệng. Anh nói:

- Cháu Ivan này, các chú đối xử với thiếu nhi rất tử tế. Các chú không bắt làm việc, không viết thư lên lưng, không bắt phải đi đâu xa tít bằng cách nằm dưới gầm toa. Cháu thấy đấy, trên đảo này thật thú vị biết bao, và cháu có biết tất cả những thứ này là của ai không? Các chú đã trao hẳn cho thiếu nhi tất cả những thứ này rồi, trao vĩnh viễn. Cả con sông, cả hòn đảo, cả những chiếc thuyền, cả bánh mì cặp chả mà cháu cứ việc ăn thỏa thích - tất cả đều là của cháu hết ...

- Anh định đánh lạc hướng chú bé chứ gì? - Taraskin hỏi.

- Đánh lạc hướng sao được, chú ta thông minh lắm. Ivan, cháu từ đâu đến đây?

- Từ sông Amua, - chú bé miễn cưỡng trả lời, - Mẹ cháu đã chết, bố cháu bị giết trong chiến tranh.

- Vậy cháu sống như thế nào?

- Cháu đi làm thuê, làm việc ...

- Bé tí mà cũng phải làm việc cơ à?

- Biết làm thế nào được ... Cháu còn chăn ngựa nữa.

- Rồi sau đó thì sao?

- Sau đó người ta lấy cháu vào ...

- Ai lấy?

- Một toán người. Họ cần một chú bé để sai trèo cây, hái quả, hái nấm, bắt sóc làm thức ăn, chạy đi làm việc này việc nọ ...

- Tức là họ lấy cháu vào đoàn thăm dò chứ gì? (Ivan hấp háy mắt, yên lặng). Có xa không? Cháu trả lời đi, đừng sợ. Các chú không đem cháu đi nộp đâu. Bây giờ cháu là người thân của các chú rồi ...

- Mọi người đi tàu thủy suốt tám ngày đêm, cứ tưởng không ai còn sống nổi nữa. Sau đó lại đi bộ thêm tám ngày nữa cho tới khi đến một ngọn núi thở ra lửa ...

- À, ra thế đấy, - Senga nói, - Tức là đoàn thăm dò đã đến Camsátca.

- Đúng là Camsátca chú ạ ... Ở đấy cả đoàn sống trong lều ... Mãi lâu, không ai biết gì về cách mạng cả. Khi biết thì ba người đã bỏ đi, rồi thêm hai người nữa, thức ăn cạn hết. Chỉ còn ông ta và cháu ...

- " Ông ta " là ai vậy? Tên ông ta là gì?

Ivan lại cau mày, Senga khích lệ chú hồi lâu, anh vuốt mái đầu cắt ngắn cúi thấp xuống của chú ...

- Nếu cháu nói thì ông ta nhất định sẽ giết cháu. Ông ta cam đoan như vậy ...

- Ai cơ?

- Manxep chứ còn ai nữa ... Ông ta bảo: " Đây, bác viết thư lên lưng cháu rồi đấy, cháu không được tắm rửa, không được cởi áo ra, dù có một năm, hai năm chăng nữa. Cháu hãy đến bằng được Pêtơrôgrát, tìm kỹ sư Garin và cho ông ấy xem bức thư này, ông ấy sẽ thưởng cho cháu ..."

- Vậy tại sao Manxep lại không đích thân đến Pêtơrôgrát nếu ông ta cần gặp Garin?

- Ông ta sợ những người Bônsêvích ... Ông ta bảo: " Họ tệ hơn quỷ sứ. Họ sẽ giết bác. Họ đã tàn phá cả nước - tàu hỏa không chạy, bưu điện không hoạt động, chẳng có gì mà ăn, mọi người chạy hết ra khỏi thành phố ..." Chẳng hiểu ông ta làm sao mà biết được - ông ta ngồi lì trong núi suốt sáu năm kia mà ...

- Ông ta làm gì, tìm gì ở đấy?

- Đời nào ông ấy lại nói? Cháu chỉ biết là ... (Mắt Ivan sáng lên một cách vui vẻ, ranh mãnh). Ông ta tìm vàng dưới đất ...

- Tìm thấy rồi chứ?

- Ông ta ấy ư? Dĩ nhiên là tìm thấy rồi ...

- Nếu cần thì cháu có thể chỉ đường đến chỗ ông ta không?

- Dĩ nhiên là được ... Chỉ có điều các chú chớ để lộ ra đấy, ông ta hay nổi giận lắm ...

Senga và Taraskin hết sức chăm chú lắng nghe câu chuyện chú bé kể. Senga xem xét cẩn thận một lần nữa những dòng chữ trên lưng chú. Sau đó anh chụp ảnh những dòng chữ đó.

- Bây giờ cháu xuống nhà chú đi, chú Taraskin sẽ dùng xà phòng tắm rửa sạch sẽ cho cháu rồi cháu sẽ đi ngủ, - Senga nói - Trước đây cháu chẳng có gì hết, không có bố, không có mẹ, chỉ có mỗi cái bụng đói thôi. Bây giờ cháu có tất cả, thứ gì cũng thừa thãi - cháu hãy sống, hãy học tập, hãy lớn lên cho khỏe mạnh. Chú Taraskin sẽ bảo ban cháu điều hay lẽ phải, cháu phải vâng lời chú ấy mới được. Tạm biệt cháu. Hai ngày nữa, khi gặp Garin, chú sẽ kể cho chú ấy biết được nội dung bức thư của cháu.

Senga cười vang và ít phút sau, ánh đèn xe đạp của anh đã nhẩy nhót, lấp loáng sau những bụi cây đen sẫm.



33


Đôi cánh nhôm lóe sáng cao tít trên sân bay xanh rờn, và chiếc máy bay chở khách sáu chỗ ngồi biến mất sau những đám mây trắng như tuyết. Nhóm người ra tiễn đứng một lát, ngẩng đầu về phía bầu trời xanh thẳm, nơi con diều hâu đang uể oải lượn tròn và đàn én đang lao vun vút, nhưng con chim bằng đuyra đã không thấy nữa.

Sáu hành khách ngồi trong những chiếc ghế đan kêu ken két, nhìn mặt đất màu xanh pha sắc tím đang thụt dần xuống. Những con đường uốn lượn, trông như những sợi chỉ. Những khối nhà, những gác chuông trông tựa những đồ chơi hơi nghiêng. Xa xa ở bên phải là vùng nước xanh mênh mông trải rộng.

Một bóng mây lướt qua, che đi những chi tiết của tấm bản đồ mặt đất. Còn chính đám mây thì xuất hiện ngay bên dưới.

Áp mình vào ô cửa sổ, tất cả sáu hành khách đều nở nụ cười hơi gượng gạo của những kẻ biết tự chủ. Việc đi lại bằng đường không lúc bấy giờ vẫn còn là điều mới mẻ. Mặc dù buồng máy bay đầy đủ tiện nghi, trên những chiếc bàn phụ ngổn ngang các tạp chí và catalô, và mọi vật đều toát ra vẻ an toàn, ấm cúng, nhưng các hành khách vẫn phải thường xuyên tự trấn an rằng, suy cho cùng thì việc giao thông bằng máy bay vẫn an toàn hơn nhiều so với việc đi bộ qua phố chẳng hạn. Huống hồ đây lại là trên trời. Mỗi khi gặp đám mây là lại như đang ngụp lặn, chỉ cần các kính cửa sổ trong buồng lái mờ hơi nước, mưa đá đập rào rào vào lớp đuyra hoặc máy bay rung lên như sa vào ổ gà là mọi người lại bíu chặt vào tay ghế, mắt trợn tròn, nhưng người bên cạnh đã nháy mắt, cười vang: ổ gà nông choẹt ấy mà! Mỗi khi ào đến cơn gió giật (loại gió có khả năng trong giây lát giật đứt cột buồm ngoài biển, bẻ gẫy bánh lái, cuốn thuyền bè và người vào những đợt sóng dữ dội) thì con chim sắt này lại tỏ ra chắc chắn và khéo léo - nó chao một bên cánh, gầm rít động cơ rồi vọt cao hàng nghìn mét bên trên trung tâm giông tố.

Tóm lại, trong vòng không đầy một giờ, các hành khách đã quen với khoảng trống rỗng dưới chân cũng như với sự chao đảo tròng trành. Tiếng ầm ầm của động cơ át đi tiếng nói. Vài người chụp lên đầu bộ ống nghe có mang micrô và cuộc trò chuyện bắt đầu. Ngồi đối diện với Senga là một người gầy gò, trạc ba mươi lăm tuổi, mặc chiếc măngtô đã sờn và đội chiếc mũ cát-két kẻ ô, chắc hẳn anh ta đã mua chiếc mũ này cho chuyến du lịch ra nước ngoài.

Khuôn mặt anh ta tai tái, da mặt mỏng, nhìn nghiêng thì có vẻ cau có, nhưng thông minh, thanh nhã, bộ râu hoe vàng, miệng bình thản và cương nghị. Anh ta ngồi lom khom, hai tay đặt trên đầu gối. Senga mỉm cười ra hiệu. Anh ta đội bộ ống nghe lên. Senga hỏi:

- Anh đã từng theo học ở Iarôxláp phải không? (Gật đầu). Anh là đồng hương của tôi, tôi nhớ rõ như vậy. Anh là Alếchxây Xêmiônôvích Khơlưnốp? (Gật đầu). Hiện giờ anh làm việc ở đâu?

- Tại phòng thí nghiệm vật lý trường bách khoa, - giọng yếu ớt của Khơlưnốp, vì bị tiếng động cơ át đi, vang lên trong ống nghe.

- Anh đi công tác?

- Tôi đến chỗ Râykhe ở Béclin.

- Bí mật?

- Không. Hồi tháng ba năm nay, chúng tôi được biết rằng tại phòng thí nghiệm của Râykhe đã thực hiện việc phân hủy nguyên tử thủy ngân.

Khơlưnốp quay cả khuôn mặt về phía Senga - mắt anh ta chằm chằm nhìn người đối thoại với vẻ xúc động nghiêm nghị. Senga nói:

- Tôi không hiểu, tôi không phải là nhà chuyên môn.

- Hiện nay, công việc vẫn còn tiến hành trong các phòng thí nghiệm. Còn lâu mới áp dụng được trong công nghiệp ... Mặc dù, - Khơlưnốp nhìn những khối mây cuồn cuộn như tuyết phủ sát mặt đất dưới thấp, - từ phòng thí nghiệm đến nhà máy cũng chẳng lấy gì làm xa lắm. Nguyên tắc phân hủy cưỡng bức nguyên tử chắc chắn là rất đơn giản, cực kỳ đơn giản. Tất nhiên, anh biết nguyên tử là gì chứ?

- Một vật nhỏ tí tẹo thế này, - Senga dùng ngón tay ra hiệu.

- Nguyên tử so với hạt cát chẳng khác gì hạt cát so với trái đất. Vậy mà chúng tôi vẫn đo được kích thước nguyên tử, trọng lượng, khối lượng, điện tích của nguyên tử. Chúng tôi đang đi sâu vào lõi nguyên tử, vào hạt nhân nguyên tử. Nó chứa đựng toàn bộ bí mật của quyền lực với vật chất. Tương lai của nhân loại phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ có thể chế ngự được hạt nhân nguyên tử hay không, tuy đó chỉ là một hạt nhỏ của năng lượng vật chất và có độ lớn chỉ bằng một phần trăm tỷ centimét.

Ở độ cao hai nghìn mét trên mặt đất, Senga được nghe những điều kỳ lạ, kỳ lạ hơn cả những truyện cổ tích của nàng Sêhêradát, nhưng đó không phải là truyện cổ tích. Trong lúc dân tộc này bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh hủy diệt, còn dân tộc khác đang vùng dậy khởi nghĩa, trong lúc các thành phố bốc cháy, và tro tàn cùng những đám mây hơi độc cuồn cuộn bốc lên trên các luống cày và vườn cây, trong lúc chính trái đất cũng rung chuyển vì tiếng gào thét man rợ của những kẻ bị tiêu diệt, và như xưa kia, kìm kẹp và bàn tra tấn của bọn đao phủ đã bắt đầu hoạt động trong các hầm ngục tăm tối, trong lúc cứ đêm đêm là cây cối ở các công viên lại sinh ra những thứ quái gở với những chiếc lưỡi lè ra, trong lúc những chiếc áo lễ duy tâm được trang điểm biết bao âu yếm đã tuột khỏi thân thể con người trong thập kỷ kỳ quái và khổng lồ ấy, những bộ óc kỳ diệu của các nhà bác học rực sáng lên như những ngọn đuốc đơn độc.


34


Máy bay hạ cánh thấp xuống trên bầu trời Cốpnô [1] . Cánh đồng xanh ướt đẫm nước mưa vun vút lao đến. Máy bay lăn bánh một quãng dài rồi đỗ lại. Người phi công nhảy xuống cỏ. Các hành khách ra ngoài duỗi chân tay. Họ châm thuốc hút. Senga lánh sang bên, nằm trên cỏ, chắp tay sau gáy và thích thú nhìn những đám mây xa xa, màu xanh nhạt. Anh vừa ở trên đó, vừa bay lượn giữa những ngọn núi nhẹ bồng bềnh và trắng như tuyết, bên trên những hố sâu màu thanh thiên.

Người bạn " nhà trời " của anh, Khơlưnốp, đang đứng hơi gù gù cạnh chiếc cánh của con chim sắt màu xám. Dù là bạn " nhà trời " thật nhưng anh ta cũng vẫn cứ là người, dù có đội chiếc mũ của công ty may mặc Lêningrát chăng nữa.

Senga cười vang:

- Được sống trên đời vẫn cứ tuyệt diệu như thường. Tuyệt diệu đến mức khó mà hiểu nổi!

Khi máy bay cất cánh từ sân bay Cốpnô, Senga đến ngồi cạnh Khơlưnốp và không nêu tên một ai hết, anh kể cho anh ta tất cả những điều mình biết về các thí nghiệm khác thường của Garin và về việc nước ngoài rõ ràng là rất quan tâm đến những thí nghiệm ấy.

Khơlưnốp hỏi xem Senga có trông thấy bộ máy của Garin hay không.

- Không. Chưa một ai trông thấy bộ máy ấy cả.

- Có lẽ tất cả những chuyện đó đều là những dự đoán và giả thuyết, lại được thêm thắt bằng trí tưởng tượng nữa chăng?

Senga liền kể về gian hầm trong ngôi nhà nghỉ đổ nát, về những mẩu sắt bị cắt đứt, về những hòm đựng các khối chóp than. Khơlưnốp gật đầu, phụ họa theo:

- À ra thế. Những khối chóp nhỏ chứ gì? Giờ thì tôi hiểu rồi. Nếu không cần giữ bí mật lắm thì anh đang kể về kỹ sư Garin phải không?

Senga yên lặng một phút, nhìn vào mắt Khơlưnốp.

- Đúng, - anh trả lời, - tôi đang nói về Garin đấy. Anh biết anh ta chứ?

- Một người rất có năng lực, - Khơlưnốp nhăn mặt như ăn phải của chua. - Một người khác thường. Nhưng xa lạ với khoa học. Một kẻ hiếu danh, hoàn toàn tách biệt. Một kẻ phiêu lưu, vô đạo đức, có những mầm mống của thiên tài. Một khí chất thái quá. Óc tưởng tượng ghê gớm. Nhưng trí tuệ tuyệt vời của anh ta luôn luôn bị kích thích bởi những khát vọng thấp hèn. Anh ta sẽ đạt được nhiều thứ, nhưng sẽ kết thúc bằng một cái gì đó tựa như tình trạng say khướt hoặc anh ta sẽ tìm cách " làm nhân loại phải khiếp đảm " . Hơn ai hết, một thiên tài cần phải có kỷ luật hết sức nghiêm ngặt, Vì quá nhiều trách nhiệm.

Những vệt đỏ hồng lại xuất hiện trên mặt Khơlưnốp.

- Lý trí trong sáng, có kỷ luật, là vật thiêng liêng nhất, vĩ đại nhất, là điều kỳ diệu nhất. Trên trái đất - một hạt cát trong vũ trụ - con người chỉ là một phần tử vô cùng nhỏ. Nhưng các phần tử biết suy nghĩ và chỉ sống một thời gian trung bình là sáu mươi vòng quay của trái đất quanh mặt trời ấy lại có lý trí, một thứ lý trí bao trùm được cả vũ trụ ... Để hiểu được điều đó, chúng ta phải chuyển sang ngôn ngữ của toán học cao cấp ... Vậy thì anh sẽ nói sao nếu có người lấy đi chiếc kính hiển vi hết sức quý báu trong phòng thí nghiệm của anh rồi dùng nó để đóng đinh?... Chính Garin đang xử sự với thiên tài của mình theo kiểu đó đấy ... Tôi biết là anh ta đã thực hiện được một phát minh lớn trong lĩnh vực truyền các tia hồng ngoại đi xa. Tất nhiên, chắc anh đã nghe nói đến những tia giết người của Grinđen Matiuđơ[2] chứ? Những tia giết người ấy hóa ra chỉ là chuyện hoàn toàn nhảm nhí. Nhưng nguyên tắc thì đúng. Những tia nhiệt nóng hàng nghìn độ được phóng đi song song là một vũ khí khủng khiếp để phá hủy và phòng thủ trong quân sự. Toàn bộ bí mật là ở chỗ làm thế nào phóng đi được loại tia không bị tán xạ. Cho đến nay vẫn chưa thực hiện được việc đó. Theo lời kể của anh thì có lẽ Garin đã chế tạo được bộ máy như vậy. Nếu thế thì đó là một phát minh rất quan trọng.

- Từ lâu tôi đã cảm thấy rằng xung quanh phát minh này đã sặc mùi chính trị trên quy mô lớn rồi - Senga nói.

Khơlưnốp yên lặng một lát, rồi tai anh ta cũng đỏ bừng lên.

- Anh hãy tìm bằng được Garin, nắm lấy cổ anh ta và đưa anh ta cùng bộ máy kia về Liên Xô. Không được để bộ máy ấy lọt vào tay kẻ thù của chúng ta. Anh hãy hỏi Garin xem anh ta có nhận thức được nghĩa vụ của mình không? Hay anh ta quả thật là một kẻ hèn hạ?... Trong trường hợp như vậy thì anh hãy cho anh ta thật nhiều tiền, anh ta muốn bao nhiêu cứ cho anh ta ngần ấy ... Hoặc giết anh ta đi ...

Senga dướn mày lên. Khơlưnốp đặt ống nghe lên bàn, ngửa người ra, nhắm mắt lại.

Chiếc máy bay bay trên những cánh đồng xanh vuông vắn, trên những con đường thẳng như kẻ chỉ. Từ xa tít trên cao thấy hiện lên thành phố Béclin màu nâu giữa những hồ nước xanh xanh. Tất cả nhỏ bé như trên bản vẽ.


35


Lúc bảy rưỡi sáng, Rôlinh thức giấc như thường lệ ở phố Xenna, trong chiếc giường của hoàng đế Napôlêông. Mắt vẫn nhắm, y lấy chiếc khăn tay ở dưới gối và hỉ mũi.

Quả thật Rôlinh chưa hoàn toàn tỉnh táo nhưng đã làm chủ được các suy nghĩ và ý chí của mình, y ném chiếc khăn xuống thảm, ngồi dậy giữa đống gối lụa và nhìn quanh. Chiếc giường trống trải, trong phòng cũng trống trải.

Rôlinh ấn chuông, cô hầu phòng của Dôia xuất hiện. Không nhìn vào mặt cô ta, Rôlinh hỏi:

- Bà đâu?

Cô hầu phòng nhún vai, quay đầu hết phía này đến phía khác như con cú. Rồi cô ta nhón chân đi vào buồng vệ sinh, từ đó vội vã chạy sang phòng để quần áo, đóng sập cửa buồng tắm lại và lại xuất hiện trong phòng ngủ. Những ngón tay cô ta đặt hai bên chiếc tạp dề đăng ten run rẩy:

- Con không thấy bà ở đâu cả.

- Dọn cà phê lên, - Rôlinh ra lệnh.

Y tự mình xả nước đầy bồn tắm, tự mình mặc quần áo, tự mình rót cà phê. Trong lúc đó, khắp nhà lặng lẽ đầy kinh hoàng - ai cũng nhón chân, nói năng thầm thì. Khi ra khỏi khách sạn, y lấy khuỷu tay hích người gác cổng đang hốt hoảng lao đến mở cửa. Y đến văn phòng chậm mất hai mươi phút.

Sáng hôm đó, ở đại lộ Mandéc như tỏa mùi thuốc súng. Trên mặt viên thư ký hiện rõ vẻ nhẫn nhục. Từ chiếc cửa gỗ hồ đào bước ra, người khách nào cũng nhăn nhó mặt mày. Họ thì thầm cho biết: " Ngài Rôlinh hôm nay không được vui " . Đúng một giờ, Rôlinh nhìn đồng hồ treo tường và bẻ gẫy chiếc bút chì. Rõ ràng là Dôia không đến đón y đi ăn trưa. Y chùng chình cho đến một giờ mười lăm. Trong vòng mười lăm phút khủng khiếp này, trên mái tóc chải bóng lộn của viên thư ký xuất hiện hai sợi bạc. Rôlinh đành một mình đi ăn, y đến hiệu " Griphông " như thường lệ.

Chủ hiệu ăn - ông Griphông - là một người đàn ông cao lớn, béo tốt, trước đây là đầu bếp và mở một quán bia nhỏ, nay là cố vấn về Đại Nghệ thuật Khẩu vị và Tiêu hóa. Ông ta đón Rôlinh bằng một cái vung tay hùng dũng. Áo đuôi tôm màu xám sẫm, bộ râu kiểu Átxiri chải mượt, vầng trán đầy vẻ cao quí, ông ta đứng giữa căn phòng nhỏ của hiệu ăn, tì một tay vào chiếc bệ bằng bạc, có cấu tạo đặc biệt, trông tựa như bàn thờ, bên dưới cái nắp vồng lên của nó là món ăn nóng hổi đang sủi sùng sục - đó là món thịt hông cừu hầm đỗ.

Ngồi trên những chiếc đi văng bằng da đỏ kê dọc theo bốn bức tường, sau những chiếc bàn hẹp liền khối, là đám khách thường xuyên thuộc thế giới doanh nghiệp của các Siêu Đại lộ, phụ nữ chỉ chiếm một số nhỏ. Khoảng giữa phòng để không, trừ các khối bằng bạc trông tựa bàn thờ kia. Ông chủ hiệu luôn luôn quay đầu để có thể nhìn thấy quá trình cảm nhận bằng vị giác của từng thực khách. Một cái nhăn mặt bực bội nhỏ nhất cũng không thoát khỏi mắt ông ta. Hơn thế nữa, ông ta còn thấy trước được nhiều thứ: những quá trình bí ẩn tiết các chất dịch, hoạt động xoáy ốc của dạ dày và toàn bộ tâm lý ăn uống dựa trên hồi ức về một món gì đó đã từng ăn, trên những linh cảm và sự tiếp máu đến các bộ phận khác nhau của thân thể - tất cả những cái đó đối với ông ta là một cuốn sách mở.

Ông ta thường bước lại gần với vẻ mặt nghiêm nghị và đồng thời lại rất ân cần, chu đáo, vừa nói bằng một giọng âu yếm bộc trực đến mê hồn: " Thưa ngài, khí sắc ngài hôm nay cần một ly rượu ngọt made và thứ pui thật tinh khiết. Ngài có thể đưa tôi lên giá treo cổ cũng được, nhưng tôi sẽ không cho ngài một giọt rượu vang nào đâu. Sò này, một ít cá chim hoa ninh dừ này, cánh gà tơ này và vài lát măng tây nữa - thực đơn ấy sẽ đem lại sức khỏe cho ngài " . Trong trường hợp ấy thì chỉ có gã Patagôn[3] chuyên ăn chuột nước mới có thể khăng khăng phản đối thôi.

Trái hẳn dự đoán của nhiều người, ông Griphông không chạy đến chỗ ông vua hóa học với vẻ vội vã quỵ lụy. Không, ở đây, tại Viện hàn lâm Tiêu hóa này, bậc tỷ phú và viên kế toán quèn, người dúi chiếc ô ướt sũng cho viên gác cổng cũng như người vừa thở phì phì vừa ra khỏi chiếc Rônxơ Rôixơ sực nức mùi xì gà La Habana - tất cả đều trả cùng một giá. Ông Griphông là một người cộng hòa và là một nhà triết học. Ông ta mỉm cười độ lượng đưa cho Rôlinh tờ thực đơn và khuyên nên lấy dưa bở cho món thứ nhất, tôm hùm trộn nấm cho món thứ hai và thịt hông cừu. Rượu thì ngài Rôlinh không uống về ban ngày, cái đó ai cũng biết.

- Một ly uýtxki pha xôđa và một chai sâm banh ướp lạnh - Rôlinh rít răng nói.

Ông Griphông lùi lại, mắt thoáng lộ vẻ sửng sốt, sợ hãi và khinh bỉ: người khách này bắt đầu bằng rượu trắng là thứ rượu làm tê liệt những chấm vị giác trên lưỡi và rồi lại tiếp tục bằng sâm banh là thứ rượu làm dạ dày phồng lên. Nhưng mắt ông Griphông lập tức dịu đi, ông ta kính cẩn cúi đầu: khách hôm nay không được tươi tỉnh, ta đành dung hòa vậy.

Sau cốc uýtxki thứ ba, Rôlinh bắt đầu vò nát tấm khăn ăn. Với một tâm trạng như vậy thì kẻ nào đứng ở bậc thang xã hội dưới cùng, chẳng hạn như Gaxtông Mỏ Vịt, chắc chắn sẽ tìm bằng được Dôia trước lúc chập tối hôm nay để cho ả một lưỡi dao vào hông. Nhưng Rôlinh thích hợp với những biện pháp khác. Trong óc Rôlinh, trong làn hơi uýtxki vàng vàng, những ý nghĩ trả thù hết sức tinh tế, bệnh hoạn, nẩy sinh ra, đan chéo nhau và uốn lượn. Mãi tới lúc này, y mới hiểu Dôia có giá trị như thế nào đối với y. Y đau khổ, bấm móng tay vào tấm khăn ăn.

Người hầu dọn đi đĩa thức ăn còn nguyên rồi rót sâm banh. Rôlinh vồ lấy ly rượu rồi uống ừng ực - mấy chiếc răng vàng của y chạm lanh canh vào thành ly. Đúng lúc đó, Xêmiônốp từ ngoài phố chạy nhanh vào hiệu ăn và trông ngay thấy Rôlinh. Gã bỏ mũ, cúi người qua bàn, thầm thì:

- Ngài đọc báo rồi chứ?... Tôi vừa ở chỗ nhà xác ... Đúng là hắn ... Chúng tôi không có liên quan gì hết ... Tôi xin thề như vậy ... Người ta xác định là vụ giết người xảy ra trong khoảng từ ba đến bốn giờ sáng ... đó là báo chí nói như vậy ...

Trước mắt Rôlinh nhảy nhót một khuôn mặt xám xịt, méo xệch đi. Những người ngồi bên cạnh quay đầu lại. Người hầu đem ghế đến cho Xêmiônốp.

- Cút đi cho rảnh mắt, - Rôlinh nói qua làn hơi uýtxki - Anh làm tôi ăn mất ngon ...

- Xin lỗi ngài ... Tôi sẽ đợi ngài trong xe ở góc phố ...







[1] Cốpnô (nay là Caunat) là một thành phố ở Lítva. (Chú thích của nguyên bản ).

[2] Grinđen Matiuđơ: một nhà sáng chế đã làm náo động dư luận giữa những năm 20 của thế kỷ XX xung quanh những “tia giết người” của ông ta. (Chú thích của nguyên bản ).

[3] Patagôn - thổ dân còn trong tình trạng man rợ vùng Patagônnhia (Nam Mỹ). - (Chú thích của nguyên bản )
Tia Chiếu Khủng Khiếp Của Kỹ Sư Garin
LỜI NÓI ĐẦU
- 1 -
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -
- 9 -
- 9 -
- 10 -
- 11 -
- 12 -
- 13 -
- 14 -
- 15 -
- 16 -
- 17 -
- 18 -
- 19 -
- 20 -
- 21 -
- 22 -
- 23 -
- 24 -
- 25 -
- 26 -