VANINKA
Tác giả: Alexandre Dumas
Vào năm cuối cùng của triều Hoàng đế Pôn đệ nhất, nghĩa là vào khoảng năm thứ nhất của thế kỷ thứ XIX, đồng hồ nhà thờ Xanh Pie vừa điểm bốn giờ chiều thì một đám khá đông công chúng của mọi tầng lớp bắt đầu tập trung tại trước mặt nhà viên đại tướng bá tước Checmaylốp, cựu tư lệnh một thành phố khá lớn trong chính phủ Puntava. Nguyên nhân lôi cuốn sự tò mò của khán giả, đầu tiên là sự chuẩn bị ở giữa sân cho một cuộc trừng phạt bằng roi một người nô lệ giữ chức vụ thợ cạo cho viên đại tướng.
Khán giả không phải chờ đợi lâu, vì đến bốn giờ rưỡi, người ta thấy một thanh niên khoảng 25, 26 tuổi mặc binh phục hộ vệ quan, ngực đầy huân chương xuất hiện trên bục gỗ cao trước cửa nhà đại tướng.
Tức thì cửa mở ra và khán giả trông thấy phạm nhân đi giữa đám nô lệ, họ bị bắt buộc phải ra xem để lấy đó làm gương. Kẻ thi hành thay đao phủ là tên đánh xe, có lẽ tại hắn quen múa roi ngựa tên là Ivăng.
Phạm nhân là người khoảng ba mươi sáu tuổi, râu tóc đỏ, thân hình trên mức tầm thước. Nhìn cặp mắt, người ta cũng biết hắn nguồn gốc Hy Lạp. Sau vẻ mặt tỏ ra sợ hãi, hắn còn giấu vẻ tinh quái. Lúc đi gần đến nơi xử tội, phạm nhân đứng lại. Ivăng lại gần hắn để lột áo sơ mi kẻ sọc đang phủ trên vai hắn. Lợi dụng cơ hội đó, Ivăng khẽ nói với hắn:
- Grêgoa này, phải can đảm lên chứ. - Mày biết mày đã hứa với tao thế nào rồi chứ? Phạm nhân van nài.
- Không phải là ở những cú đầu đâu đấy nhé. Mày đừng có hy vọng vào đấy vì tên võ quan sẽ giám sát những cú đầu, còn những cú sau chúng ta sẽ tìm cách bịp hắn.
- Mày phải cẩn thận, nhất là đầu nhọn cái roi đấy nhé. - Grêgoa ạ, tao sẽ cố gắng. Mày không hiểu tao sao?
- Than ôi! Có chứ.
- Thế nào? - Hộ vệ quan lên tiếng hỏi.
- Bẩm quan, xong rồi đây ạ!
- Bẩm quan - Grêgoa nói một cách tội nghiệp - xin hãy khoan đã ạ! Tôi thấy hình như cửa sổ phòng tiểu thư Vaninka đã mở thì phải.
Viên sĩ quan trẻ tuổi ngước mắt nhìn lên nơi vừa nói, nhưng không thấy một nếp ri đô động đậy, anh không nhìn vào nơi đó nhưng anh cũng mong nó sẽ mở ra, anh nói:
- Đồ quỉ ạ, mày nhầm rồi đó. Vả lại cô chủ quí tộc của mày có liên can gì đến việc này?
- Thưa xin lỗi ông - Grêgoa lại nói. - Nhưng chính vì tiểu thư mà tôi bị mắc tội này... Có thể là tiểu thư sẽ rủ lòng thương đến kẻ tôi tớ khốn khổ này... và...
- Thôi. - Võ quan nói với một giọng đặc biệt như thể lấy làm tiếc là Vaninka không thấy tỏ lòng độ lượng. - Thôi, thế đủ rồi. Ta tiến hành nhanh lên.
- Ngay lập tức đây ạ! - Ivăng đáp rồi quay lại bảo Grêgoa. - Này anh bạn, đã đến lúc rồi đấy.
Grêgoa thở dài đánh thượt một cái, liếc nhìn lần cuối cùng lên cửa sổ. Sau khi thấy tất cả vẫn y nguyên như cũ, hắn mới chịu nằm sấp xuống sàn. Cùng lúc ấy, hai người nô lệ khác mà Ivăng đã chọn giúp việc hắn nắm lấy hai tay phạm nhân kéo thẳng ra rồi trói hai cổ tay vào hai cái cọc đặt cách xa nhau, thành ra trông hắn như hình chữ thập, rồi người ta buộc một cái xiềng vào cổ hắn. Mọi việc đã xong xuôi. Trên phía cửa sổ không thấy có một dấu hiệu gì có lợi cho phạm nhân, cánh cửa vẫn đóng im ỉm, viên võ quan giơ tay ra hiệu và hô:
- Tiến hành đi.
Ivăng dướn người đứng lên trên các đầu ngón chân, quay tròn cái roi trên đầu rồi bất thình lình hạ nó xuống, hắn giáng vào người Grêgoa khéo đến nỗi sợi roi quấn vào người phạm nhân những ba vòng như một con rắn và quật cái mũi nhọn của cán roi xuống sàn. Mặc dầu đã lường trước như vậy, Grêgoa cũng phải thét lên một tiếng và Ivăng đếm một.
Nghe tiếng thét đó, viên sĩ quan liếc mắt nhìn lên cửa sổ, nhưng cánh cửa vẫn đóng, anh quay lại phạm nhân và đếm như một cái máy:
- Một cái roi đã để lại ba vết lằn trên vai Grêgoa. Ivăng lại lấy đà, cũng khéo léo như lần đầu, sợi roi lại quấn ba vòng vào người phạm nhân, cái đầu roi cũng không phạm vào người. Grêgoa thét lên một tiếng thứ hai và Ivăng lại đếm: hai. Lần này máu chưa tóe ra nhưng đã thấy xuất hiện trên mặt da.
Đến đòn thứ ba, vài ba giọt máu đã bật ra. Đến đòn thứ tư, máu mới thật sự tóe ra. Đòn thứ năm, một vài giọt đã bắn vào người viên sĩ quan, anh phải lấy khăn mùi xoa ra lau mặt. Ivăng liền lợi dụng cơ hội đó để đếm bẩy, đáng lẽ mới là sáu, võ quan không có nhận xét gì.
Đến đòn thứ chín Ivăng dừng lại để thay sợi roi với hy vọng sẽ gian trá trót lọt như lần đầu, hắn đếm mười một đáng lẽ là mười. Lúc đó một cửa sổ đối diện với cửa sổ tiểu thư Vaninka mở ra, xuất hiện một người trạc 45-48 tuổi mặc binh phục đại tướng. Ông hô:
- Thôi đủ rồi.
Và cánh cửa sổ lại đóng lại. Vừa thấy có bóng người xuất hiện trên cửa sổ, viên võ quan liền quay về phía đại tướng của mình, tay trái để thẳng theo đường may của ống quần, tay phải lên mũ và đứng im lặng như thế trong lúc đại tướng xuất hiện. Sau khi cửa sổ đã lại đóng, anh nhắc lại nguyên văn câu của đại tướng. Cái roi đã giơ lên liền bị rơi xuống sàn bên cạnh phạm nhân. Ivăng quấn sợi roi vào cán và nói:
- Grêgoa, hãy cám ơn quan lớn đi. Quan lớn đã tha cho mày hai roi - hắn cúi xuống để cởi trói tay cho phạm nhân rồi nói thêm - cộng với hai roi tao đã ăn gian cho mày, như thế là mày chỉ bị có tám, đáng lẽ là mười hai. Này chúng mày, cởi nốt cho nó tay kia.
Nhưng Grêgoa khốn khổ không còn đủ sức để cảm ơn ai nữa, hắn gần bị ngất vì quá đau đớn. Hai người nô lệ phải xốc nách hắn lên dìu về, Ivăng vẫn đi theo sau. Tuy vậy lúc về đến cổng, Grêgoa quay lại thấy viên võ quan vẫn nhìn theo mình với vẻ thương hại, hắn nói:
- Thưa ông Fêođo, đề nghị ông cảm ơn quan lớn hộ tôi. Còn về tiểu thư Vaninka - hắn khẽ nói thêm - Cứ để tôi tự cảm ơn.
- Mày lẩm bẩm cái gì trong mồm đấy? - Viên võ quan giận dữ kêu lên vì lầm tưởng Grêgoa đe dọa mình.
- Không ạ, không có gì đâu ạ. - Ivăng nói: - Thưa ông Fêôđo, nó cảm ơn ông vì ông đã quá bộ tới dự buổi trừng phạt nó. Nó nói rằng đó là một vinh dự cho nó. Chỉ có thế thôi ạ!
Đại tướng bá tước Checmaylốp, sau khi đã cai quản một trong những thành phố quan trọng nhất của Puntava, được Hoàng đế Pôn đệ nhất triệu về Xanh Pêtecbua. Ông chịu ở góa với một cô con gái. Con gái ông được thừa hưởng di sản của mẹ về gia tài, sắc đẹp và về tính khí kiêu ngạo nữa. Bà là dòng dõi của một trong những đại úy người Tacta là một dân tộc dưới sự chỉ huy của Jenjit ở thế kỷ thứ XIII đã xâm chiếm nước Nga. Do sự ngẫu nhiên của định mệnh, những địa vị cao sang của tiểu thư Vaninka lại còn được tăng thêm do sự giáo dục của cô nữa. Trong các môn học, Vaninka đặc biệt say sưa một môn. Đó là, nếu người ta có thể nói, là môn khoa học về địa vị của cô, do đó cô hiểu rất rõ về tình hình quí tộc và thế lực của tất cả các gia đình quý tộc, gia đình nào hơn, gia đình nào kém gia đình cô, cô có thể đọc lên mà không bao giờ nhầm tước vị của từng dòng họ một. Do đó cô rất khinh miệt những gia đình thấp kém. Những người nô lệ họ hiểu tính nết tiểu thư Vaninka như thế nên họ chẳng nghĩa lý gì đối với cô, họ chỉ là những con vật có râu, còn kém cả con chó, con ngựa của cô nữa.
Năm 17 tuổi, chương trình học tập của cô kết thúc. Bà giáo dạy cô không chịu được thời tiết khắc nghiệt ở Pêtecbua nên xin nghỉ việc. Còn một mình Vaninka, cô không còn sự giáo dục nào khác ngoài tình yêu mù quáng của người cha. Như chúng ta đã biết, ông chỉ có mình cô, nên trong tình yêu quí báu man rợ và khắc nghiệt, ông coi cô như một tập hợp của tất cả các đức tính hoàn hảo nhất của con người.
Tình hình nhà ông như vậy, bỗng nhiên ông nhận được một bức thư của một người bạn hồi thơ ấu viết trên giường bệnh lúc sắp chết.
Sau khi bất hòa với Potenkin, bá tước Rômaylốp thấy sự nghiệp của mình đến đấy phải bỏ dở và không thể lấy lại được những đặc ân đã mất, ông rút về hưu ở cách Pêtecbua bốn trăm dặm. Nỗi đau khổ lớn nhất của ông là ảnh hưởng xấu đến tương lai sự nghiệp của đứa con trai độc nhất là Fêôđo. Bá tước thấy mình sắp phải để lại con một mình trên đời không nơi nương tựa, ông trông vào tình bạn cũ với đại tướng, ủy thác cho bạn người con trai của mình, mong rằng bạn là người được Pôn đệ nhất tín nhiệm, sẽ xin cho con trai mình một chức sĩ quan trong quân đội. Viên đại tướng liền viết thư trả lời ngay là ông sẵn sàng coi con trai bá tước như chính con đẻ của mình. Lúc bức thư đó đến, bá tước đã mất. Fêôđo nhận thư và mang nó đến với đại tướng để cầu mong được che chở. Đại tướng đã xin được với Pôn đệ nhất cho một chức hạ sĩ quan trong đạo quân của Xêmônôpki, cho nên chỉ một ngày sau khi đến nhà Đại tướng, Fêôđo đã ra đi nhận nhiệm vụ.
Mặc dù chỉ ở nhà đại tướng có một ngày, Fêôđo cũng có đủ thì giờ để nhìn thấy tiểu thư Vaninka và mang theo trong lòng một kỷ niệm sâu sắc.
Còn Vaninka, cô chẳng thèm để ý đến Fêôđo, một hạ sĩ quan không gia sản, không tương lai, có nghĩa gì đối với cô? Cô mơ mộng đến một hoàng tử để mình có thể trở thành một trong những bà lớn có thế lực lớn nhất nước Nga, hoặc ít ra để thực hiện được giấc mơ “nghìn lẻ một đêm” của cô. Chàng thanh niên Fêôđo chẳng có thể hứa hẹn được gì.
Vài ngày sau buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, Fêôđo trở lại chào từ biệt đại tướng để đi theo đơn vị sang chinh chiến bên Ý dưới sự chỉ huy của phó Thống chế Xuvarốp.
Lần này, có thể là do bộ quân phục lịch sự cộng với vẻ đẹp trai tự nhiên của chàng Fêôđo, có thể là do trước lúc ra đi, sự hào hứng và phấn khởi trong hy vọng đã trang điểm thêm cho Fêôđo một ánh hào quang thơ mộng nên đã lọt được vào mắt xanh của tiểu thư. Vaninka ngạc nhiên trước sự thay đổi kỳ lạ của chàng thanh niên. Trước lời đề nghị của cha, cô chịu hạ cố đưa bàn tay cho kẻ sắp ra đi. Fêôđo không còn dám mong gì hơn cho nên anh đặt một đầu gối xuống đất như trước mặt một bà hoàng, đưa hai bàn tay run run của mình đỡ lấy bàn tay trắng ngần của Vaninka và dám thoáng lướt môi trên làn da ngọt ngào. Nhưng mặc dù nụ hôn đó hết sức nhẹ nhàng, tiểu thư Vaninka cũng rùng mình vì cô cảm thấy rợn người và mặt đỏ bừng lên. Do đó khi cô vừa rút nhanh tay ra làm cho Fêôđo tưởng rằng dù đã hết sức kính cẩn, mình cũng đã làm cô thương tổn. Anh quì thế mãi, hai bàn tay chắp lại, cặp mắt đầy lo âu ngước lên nhìn cô làm cho Vaninka quên mất cả tự kiêu, bèn an ủi anh bằng một nụ cười.
Đạo quân có Fêôđo tham gia đi qua nước Đức, vượt qua dẫy núi Tyrôn và vào Vêrôn, nước Ý ngày 14 tháng 4 năm 1799. Lập tức Xuvarốp bắt liên lạc với tướng Mêlat và nắm quyền chỉ huy cả hai đạo quân.
Ngày hôm sau tướng Chattelơ đề nghị mở một cuộc trinh sát, nhưng Xuvarốp ngạc nhiên nhìn ông và đáp:
- Để hiểu quân thù, tôi không biết cách nào khác là tiến lên và chiến đấu.
Trước đây Xuvarốp đã có tiếng tăm lẫy lừng, uy nghi, mãnh liệt, không biết mỏi, thản nhiên, một cuộc sống giản dị của người Tartare, chiến đấu với lòng mãnh liệt của người Côdắc. Đúng là một con người để tiếp tục chiến công của tướng Mêlat đối với quân lính của nền Cộng hòa đã nản lòng vì sự bất lực do dự của Shêrê. Vả lại đạo quân Áo - Nga, gồm trăm ngàn người, chỉ có trước mặt nó hai mươi chín đến ba chục ngàn quân Pháp.
Xuvarốp bắt đầu, như thường lệ, bằng một đòn sấm sét. Ngày 20 tháng 4, ông đến trước Cresia đang chống cự một cách tuyệt vọng. Sau một trận pháo kích lâu chừng nửa giờ, cổng Peschéria bị búa rìu phá vỡ, và sư đoàn Kocxacốp, trong đó có trung đội của Fêôđo làm nhiệm vụ tiền tiêu đã vào được trong thành phố xung phong đuổi theo quân lính đồn trú gồm một nghìn hai trăm người đang náu trong thành.
Đại bộ phận quân đội tiến lên phía trước, chia làm hai đạo quân vượt qua Oglie, một đạo dưới sự chỉ huy của tướng Rosemberg về phía Bergame, và đạo kia dưới sự chỉ huy của tướng Mêlat tiến đến tận Série. Trong khi đó các đạo quân khác gồm bảy tám ngàn người chỉ huy do các tướng Kaim và Hohenzolen, tiến về Plaisance và Cromhne, bao vây tất cả mạn trái sông Po. Vậy mà quân đội Áo Nga tám mươi nghìn người trấn trên một mặt trận mười tám dặm.
Trông thấy quân địch đông gấp ba quân mình, Scherer vừa đánh vừa lùi trên khắp trận tuyến. Phá ủy các cầu trên sông Adda vì không hy vọng bảo vệ được chúng và di chuyển bộ chỉ huy về Milan, chờ đợi trả lời bức thư mà ông đã gửi cho Hội đồng chấp chính, trong đó ông thú nhận bất lực và xin từ chức.
Nhưng vì người kế tiếp ông đến chậm, và quân Xuvarốp cứ tiến mãi, tướng Scherer lo sợ cho trách nhiệm của mình, bèn trao chức chỉ huy vào tay một trong những sĩ quan tài giỏi nhất của mình, đó là tướng Moreau. Lại một lần nữa tướng Moreau chiến đấu chống lại cũng những người Nga ấy mà ông sẽ phải tử trận vì họ.
Sự bổ nhiệm bất ngờ đó được tuyên bố giữa những tiếng hò reo của các binh sĩ, người mà chiến dịch tuyệt diệu trên sông Rhin đã làm nổi danh là Fabius người Pháp, mọi người đều lớn tiếng hô: “Moreau muôn năm! Muôn năm vị cứu tinh của quân đội Ý”.
Nhưng sự nhiệt liệt đó không làm cho Moreau quáng mắt trên vị trí khiếp đảm của mình.
Ông vào trung tâm để đích thân bảo vệ chiếc cầu đã được củng cố thêm ở Caseano mà đầu của nó được con sông đào Ritorto che chở với rất nhiều cỗ pháo, những vị trí tiền tiêu xây thành đắp lũy.
Thế rồi rất thận trọng cũng như dũng cảm, Moreau tìm mọi biện pháp để nếu bị thất bại sẽ có đường rút lui về Anpennine và về bờ biển Gênes.
Mặt trận bố trí của Moreau vừa xong thì Xuvarốp, con người không biết mệt, đã vào Triveglio. Đồng thời với sự tiến quân của quân đội Nga đánh vào thành phố cuối cùng này, Moreau được tin sự đầu hàng của Bergame và lâu đài của ông. Ngày 25 tháng 4 ông trông thấy tiền đạo của quân đội đồng minh.
Buổi tối hôm đó, Fêôđo thuộc sư đoàn của tướng Chastellơ, viết thư cho đại tướng Checmaylốp:
“Cuối cùng chúng tôi cũng đã ở trước mặt quân đội Pháp. Ngày mai sẽ mở một trận lớn. Tối mai cháu sẽ là trung úy hoặc chết”.
Hôm sau, ngày 26 tháng 4, từ sáng sớm, đại bác đã gầm lên ở các đầu trận tuyến. Các pháo thủ của hoàng thân Bagration tấn công ở mặt trái. Tướng Seckendorif, tách rời khỏi mặt trận Triveglic, tiến về Créma.
Hai mặt tiến công đó đều thu được những thắng lợi khác hẳn nhau. Các pháo thủ của Bagration bị đẩy lùi và tổn thất nặng nề. Còn Seckendori, trái lại, đuổi được quân Pháp ra khỏi Créma, và đội trinh sát tiến đến tận cầu Lodi.
Thế là diễn ra một trận chiến đấu ác liệt giữa quân Pháp và quân Áo. Chính là vì các cựu chiến binh của Bonaparte, trong những trận chiến đấu đầu tiên ở nước Ý, đã có thói quen không thể bỏ được là đánh các thần dân của Hoàng đế khắp nơi mà họ gặp.
Cuộc chiến đấu còn tiếp diễn gần ba giờ, trong thời gian đó hậu quân làm được những chuyện phi thường. Cuối cùng, Mêlat thấy là quân địch đã thoát khỏi tay mình và quân đội của mình đã mệt mỏi sau một trận dai dẳng như vậy cần phải được nghỉ ngơi, ông liền ra lệnh cho ngừng chiến đấu và dừng lại trên bờ trái của Adda, rải quân từng chặng trên các làng mạc Imago, Gorgonloza và của Cassano. Như vậy là làm chủ được chiến trường, trên đó quân Pháp mất hai ngàn năm trăm chết, một trăm cỗ đại bác và hai mươi súng phóng lựu đạn.
Buổi tối, Xuvarốp mời đại tướng Beker, chỉ huy hậu quân Pháp tới dự bữa ăn tối và hỏi ông ta ai là người đã bắt ông ta làm tù binh. Beker trả lời đó là một sĩ quan trẻ tuổi đầu tiên vào Pozzo. Lập tức Xuvarốp tìm hiểu sĩ quan trẻ tuổi đó là ai? Một lát sau ông nhận được báo cáo, đó là chuẩn úy Fêôđo Rômaylop. Fêôđo mang đến cho Xuvarốp thanh gươm của tướng Beker. Xuvarốp giữ chàng thanh niên ở lại cùng ăn với tù binh của chàng.
Ngày hôm sau Fêôđo viết thư cho đại tướng:
“Cháu đã giữ được lời hứa, cháu đã là trung úy và ngài phó thống chế Xuvarốp đã đề nghị với Hoàng thượng Pôn đệ nhất thưởng cho cháu Huân chương Xanh Vladimir”.
Đến khi đó, tất cả đều tốt đẹp. Chừng nào còn ở lại trên những cánh đồng phì nhiêu của nước Ý, Xuvarốp chỉ có việc tuyên dương lòng dũng cảm và tận tâm của các binh sĩ của mình. Nhưng tiếp sau đó là những con đường khắc nghiệt của Lévantine, thấy dựng lên trước mặt những ngọn núi quanh năm phủ tuyết của Xanh Gôthard. Thế là lòng nhiệt tình và dũng cảm nguội dần và những linh cảm ảm đạm tràn đầy trong lòng những đứa con miền Bắc ấy. Những tiếng thầm thì bất ngờ lan khắp trận tuyến, rồi bỗng nhiên phía tiền vệ dừng lại và tuyên bố không muốn đi xa hơn nữa. Fêôđo chỉ huy một trung đội tha hồ mà van nài quân lính của anh tiến lên hàng đầu, đừng bắt chước các bạn. Quân lính của Fêôđo quẳng vũ khí xuống đất và nằm xuống bên cạnh. Vào lúc họ tỏ thái độ không phục tùng ấy, lại có những tiếng thì thầm mới nổi lên ở đằng đuôi đạo quân, chúng tiến dần đến như một cơn bão. Đó là Xuvarốp đã đi từ đuôi lên đầu, đi đến đâu cơn phản nghịch nổi theo đến đấy. Lúc ông đi tới đầu hàng quân, những tiếng thì thầm trở thành những lời nguyền rủa.
Thế là Xuvarốp mắng cho binh sĩ một trận nên thân nhưng những tiếng kêu “Rút lui! Rút lui”! vang lên át cả tiếng nói của ông. Ông liền cho bắt những đứa phản động nhất, đánh cho một trận bằng roi cho đến khi phải quì xuống. Nhưng những đòn trừng trị không hiệu nghiệm hơn những lời khuyến khích, những tiếng kêu lại tiếp tục. Xuvarốp nhận thấy hỏng hết cả nếu không dùng vài biện pháp mạnh mẽ và bất ngờ. Ông tiến đến Fêôđo và nói:
- Trung úy, hãy để bọn quái quỷ ấy đấy. Tập trung cho tôi tám hạ sĩ lại đây và đào cho tôi một cái hố.
Fêôđo ngạc nhiên, trừng mắt nhìn ông tướng của mình như muốn một lời giải thích về mệnh lệnh kỳ quái ấy. Viên tướng nói tiếp:
“Hãy thi hành lệnh của tôi”.
Fêôđo tuân lệnh, tám hạ sĩ bắt tay vào làm việc. Mười phút sau cái hố đã đào xong. Toàn quân đội tập trung thành vòng tròn trên sườn hai trái núi bên vệ đường, như trên các bậc của một hí trường. Họ hết sức ngạc nhiên.
Thế rồi Xuvarốp xuống ngựa, bẻ gẫy thanh gươm của mình vứt vào trong hố, rồi lần lượt rứt các cầu vai, các huân huy chương trên ngực và ném hết xuống hố. Cuối cùng ông trần truồng bước xuống hố nằm rồi hô to:
- Hãy phủ đất lên người tôi và bỏ vị tướng của các anh ở lại đây. Các anh không còn là con tôi nữa và tôi không còn là cha các anh nữa. Tôi chỉ còn có việc chết!
Những câu kỳ lạ ấy được thốt lên bằng một giọng mãnh liệt làm cho đạo quân đều nghe thấy. Lập tức những lính pháo thủ Nga lao xuống hố, vừa khóc vừa nâng ông tướng của họ lên, vừa xin lỗi và van nài ông dắt dẫn họ tới quân thù. Xuvarốp kêu lên:
- Bây giờ ta mới nhận ra các con của ta. Nào tiến lên xông vào quân thù.
Không phải là những tiếng kêu, mà là những tiếng thét đáp lại lời nói của chủ tướng. Trong lúc Xuvarốp mặc lại quần áo, những tên phản nghịch nhất lết trên mặt đất tới hôn chân ông. Thế rồi những cầu vai lại được gài lên vai và các huân chương lại lấp lánh trên ngực. Ông lên ngựa, theo sau là cả đoàn quân đều đồng thanh nói lên một tiếng chết chứ không chịu bỏ cha.
Từ đó cuộc chiến đấu lại bắt đầu. Trong ba ngày, một ngàn năm trăm quân Pháp chặn đứng ba mươi ngàn quân Nga. Xuvarốp gầm lên như con sư tử mắc lưới vì ông không hiểu gì về vận mệnh của mình. Sau cùng sang ngày thứ tư, ông được tin tướng Korsakiff là người đã đi trước ông và ông phải đuổi kịp, đã bị Molitor đánh thua, và Messana đã lấy lại được Zurich và đang chiếm đóng địa phận Glaris. Thế là ông quyết định không đi theo thung lũng Reuss nữa và viết thư cho Korsakoff và Jallachieh: “Tôi sẽ đến để sửa lại khuyết điểm do các ông gây ra. Hãy giữ vững như những bức tường thành. Cứ mỗi bước các ông lùi là phải trả lời tôi bằng đầu các ông”.
Xuvarốp tin chắc là kế hoạch của mình sẽ thành công, do đó khi tới bờ hồ Klon Thal, ông cử một nhóm đại biểu đến thương thuyết buộc Molitor phải đầu hàng vì đã bị bao vây tứ phía.
Molitor trả lời là chỗ hẹn của Xuvarốp với các tướng đã không thực hiện được vì các tướng đó lần lượt đã bị thua trận và bị đẩy lùi đến tận Grisons. Ngược lại, vì Masséna đã tiến đến Muotra. Vậy chính Xuvarốp bị mắc vào giữa hai gọng kìm. Molitor yêu cầu Xuvarốp phải hạ vũ khí.
Nghe thấy câu trả lời kỳ dị ấy, Xuvarốp tưởng như mình đang nằm mơ. Nhưng lúc tỉnh lại, ông hiểu mối nguy nếu cứ ở lại trong những con đường hẻm này, ông liền lao vào Molitor và được đón tiếp bằng lưỡi lê. Molitor liền đóng đường hẻm lại và cùng với một ngàn năm trăm quân, ông chịu đựng được trong tám giờ chống với mười tám ngàn quân Nga. Đêm đến, Molitor rút khỏi Klon Thal và tới Linth để bảo vệ các cầu Noefels và Mollis. Thế là Xuvarốp tràn quân như thác đổ xuống Glaris và Mitlodi. Tới đây ông mới biết là Molitor đã nói đúng: Jallachieh và Linsken đã bị đánh tan, Massana đang tiến về Schwitz và tướng Rosemberg là người được giao nhiệm vụ bảo vệ cầu Muotra đã bị đẩy lùi, đến nỗi bây giờ ông quả ở trong tình trạng như Molitor đã nói.
Không được để lỡ thời gian rút lui, Xuvarốp lao vào các đường hẻm Engi, Schwauden và Elm, vội vã đến nỗi phải bỏ lại thương binh và một phần cỗ pháo.
Do đó, tức giận vì đã bị bại trận bởi chính những quân Cộng hòa mà ông đã tuyên bố trước ông sẽ làm cỏ. Ông đổ lỗi thua trận cho quân Áo và tuyên bố ông sẽ không tiến hành vấn đề liên minh trước khi nhận được chỉ thị của Hoàng đế mà ông vừa báo cáo về sự phản bội của đồng minh:
Trả lời của Pôn đệ nhất là cho quân Nga rút về nước và bản thân Xuvarốp phải thật nhanh trở về Pêtecbua, nơi đang chờ đón cuộc trở về chiến thắng của ông. Cũng sắc lệnh đó nói rằng Xuvarốp sẽ ở lại hoàng cung những ngày còn lại của đời mình và sẽ xây dựng cho ông một lâu đài trên một quảng trường ở Pêtecbua.
Vậy là Fêôđo lại sắp được gặp Vaninka.
Thống chế đã kết thân với anh. Không ai biết được tình bạn của Xuvarốp sẽ dẫn đến đâu. Ông đã được Pôn đệ nhất ban cho vinh dự được ngang hàng với một chiến sĩ ngày xưa.
Nhưng không ai tin được Pôn đệ nhất, tính nết người là một tổng hợp những hành động cực đoan. Do đó không làm gì mất lòng chủ mà lại có sự thất sủng ấy. Lúc về tới Riga, Xuvarốp nhận được một bức thư của một cố vấn riêng, có nghĩa là nhân danh hoàng đế đã dung túng cho quân lính vi phạm luật pháp. Hoàng đế tước bỏ của ông tất cả những vinh dự mà ông đã được hưởng và cấm không được trình diện trước mặt Người.
Một tin như vậy là một tiếng sét đối với người cựu chiến binh đã bị ê chề về những thất bại mới đây giống như những cơn giông buổi tối làm xám xịt một ngày huy hoàng. Vì thế ông tập trung tất cả các sĩ quan của ông trên quảng trường Riga, khóc và từ biệt họ như một người cha xa rời gia đình. Rồi sau khi đã ôm hôn các tướng tá, bắt tay những người khác, ông nói vĩnh biệt họ một lần nữa. Ông để họ tự do đi theo con đường của họ mà không có ông và nhảy lên một chiếc xe trượt. Ông đi suốt đêm ngày, bí mật đến thủ đô mà lẽ ra ông được đắc thắng tiến vào. Ông đi tới một khu cách biệt đến nhà một cháu gái. Mười lăm ngày sau ông chết ở đấy với trái tim tan nát.
Về phía Fêôđo cũng vậy, cùng về một chuyến với thống chế của mình, cũng như ông đi vào Petecbua không thư báo trước. Fêôđo không có người thân ở thủ đô, vả lại cuộc đời anh đã hoàn toàn phụ thuộc vào một người. Anh tiến thẳng về bờ sông Nepki, ở góc phố là nhà của đại tướng. Anh xuống xe, lao vào trong sân, nhẩy chồm lên các bậc thềm, mở cửa phòng ngoài và bất ngờ rơi vào giữa đám gia nhân. Anh hỏi đại tướng đâu, người ta chỉ vào buồng ăn, ông đang ở trong đó ăn cùng với tiểu thư.
Thế là do một phản ứng kỳ lạ, Fêôđo cảm thấy đôi chân như muốn quỵ xuống, anh phải vịn vào tường để khỏi ngã vào lúc sắp được nhìn thấy Vaninka. Nhưng cũng vào lúc đó cánh cửa buồng mở ra, Vaninka xuất hiện. Trông thấy chàng thanh niên, cô khẽ kêu lên một tiếng rồi quay lại phía cha gọi:
- Cha ơi cha, anh Fêôđo đã về kìa.
- Fêôđo à. Đâu?
Đại tướng cũng kêu lên như vậy rồi chạy ra, dang rộng hai cánh tay. Fêôđo đang được chờ đón, hoặc ở dưới chân Vaninka hoặc ở trên ngực đại tướng. Anh hiểu được là phút đầu tiên phải dành cho lòng kính trọng và biết ơn, anh liền lao vào cánh tay ông già. Làm khác đi nghĩa là thú nhận tình yêu của mình. Anh đã có quyền thú nhận chưa trước khi biết nó có được chấp thuận hay không?
Fêôđo quay lại, và cũng như lần trước, anh quì một đầu gối xuống trước mặt người đẹp. Nhưng chỉ một lát thôi cũng đủ thì giờ cho cô tiểu thư kiêu kỳ ấy chôn sâu trong đáy lòng mối xúc động mà cô vừa cảm thấy. Màu hồng trên má cô đã biến mất, cô trở lại giá lạnh như một bức tượng đá, sản phẩm lúc đầu do bẩm sinh và kết thúc do giáo dục. Fêôđo hôn bàn tay cô, bàn tay run run nhưng giá lạnh. Fêôđo cảm thấy như tim mình ngừng đập và mình sắp chết.
Đại tướng mời chàng thanh niên ngồi vào bàn ăn.
Bữa ăn, như người ta cũng biết, tiến hành trong câu chuyện về chiến dịch ở nước ngoài, bắt đầu từ dưới mặt trời nóng bỏng tại nước Ý và kết thúc trên những băng tuyết tại Thụy Sĩ. Vì ở Pêtecbua chưa có báo hàng ngày để nói lên những sự việc khác với những điều mà Hoàng đế cho phép nói, người ta biết rất rõ những thắng lợi của tướng Xuvarốp, nhưng không biết được mặt trái của nó. Fêôđo kể lại những mẩu chuyện một cách vừa khiêm tốn vừa thành thật.
Đại tướng rất chú ý đến những câu chuyện của Fêôđo. Hai cầu vai đại uý của anh, ngực anh đầy huân chương, chứng tỏ những chiến tích của anh trong những câu chuyện anh kể. Khi anh kể xong, đến lượt đại tướng biểu dương những thành tích của Fêôđo trong một chiến dịch chưa đầy một năm. Sau đó ông lại nói thêm rằng hôm sau ông sẽ đến tâu với Hoàng đế cho bố trí anh làm võ quan hầu cận của ông.
Quả nhiên, hôm sau đại tướng về báo tin mừng, đề nghị của ông đã được chấp thuận.
Một hôm, vào lúc hai người chỉ có một mình, Vaninka nhận thấy những cố gắng vô ích của anh thanh niên để che giấu nỗi lòng mình, cô đi thẳng đến anh, nhìn thẳng vào anh rồi hỏi:
- Anh yêu tôi lắm có phải không?
- Xin lỗi, xin lỗi. - Fêôđo kêu lên và chắp tay lại.
- Tại sao anh lại xin lỗi tôi, Fêôđo? Tình yêu của anh không trong sạch sao?
- Vâng, vâng, vâng! Tình yêu của tôi trong sạch lắm. Nó càng trong sạch bao nhiêu thì lại không hy vọng bấy nhiêu.
- Tại sao lại không hy vọng? Cha tôi không yêu anh như con sao?
- Ôi, tiểu thư nói gì vậy? Nếu đại tướng bằng lòng tôi thì tiểu thư cũng bằng lòng chứ?
- Trái tim anh và dòng dõi anh không quí tộc sao, anh Fêôđo? Anh không giầu, đúng như vậy, nhưng tôi có đủ tiền cho cả hai chúng ta.
- Vaninka! - Fêôđo reo lên mừng vui khôn tả.
Cô tiểu thư chỉ tỏ một cử chỉ kiêu kỳ, Fêôđo nói tiếp.
- Xin lỗi, tôi phải làm gì bây giờ? Xin tiểu thư cứ ra lệnh. Trước mặt tiểu thư tôi không còn đủ lý trí nữa. Tôi chỉ sợ mỗi hành động của tôi lại làm phật lòng người tôi yêu. Tiểu thư cứ ra lệnh, tôi xin chấp hành.
- Vấn đề mà anh cần làm trước tiên là phải cầu xin sự thỏa thuận của cha tôi.
- Vậy là tiểu thư cho phép tôi làm việc đó chứ?
- Vâng, nhưng với một điều kiện.
- Điều kiện gì? Ôi, xin tiểu thư cứ cho biết.
- Đó là mặc dù cha tôi trả lời thế nào, anh cũng không được nói cho cha tôi biết là tôi đã bảo anh đến gặp cha tôi, là không một ai được biết điều đó, là tất cả mọi người đều không biết được sự thú nhận của tôi đối với anh. Cuối cùng là mặc dù xảy ra việc gì, anh cũng không được yêu cầu tôi giúp gì khác ngoài những lời thề nguyền của tôi.
Nói xong Vaninka đi ra, để chàng sĩ quan ở lại run rẩy xúc động gấp trăm lần cô, mặc dù cô là phụ nữ.
Cùng ngày hôm đó, Fêôđo xin phép được gặp đại tướng. Đại tướng tiếp anh vui vẻ cởi mở như mọi khi, nhưng khi mới nghe những câu nói đầu tiên của anh, sắc mặt ông đã sa sầm xuống. Tuy nhiên, trước mối tình chân thành, say đắm và bền vững của chàng thanh niên đối với con gái mình, khi chàng nói chính mối tình đó đã là động lực thúc đẩy những hành động dũng cảm của chàng mà những hành động đó ông đã phải nhiều lần khen ngợi, ông giơ tay ra cho chàng và cũng xúc động như chàng. Ông nói trong khi chàng đi vắng, ông không biết đã có mối tình đó và cũng không nhận thấy một dấu hiệu gì ở con gái ông. Ông đã nhận lời làm mối cho Hoàng đế gả Vainka cho con trai một ông cố vấn đặc biệt. Điều độc nhất mà ông yêu cầu là không làm ông phải xa con gái mình trước khi cô mười tám tuổi. Vậy là Vaninka chỉ còn ở lại với cha có năm tháng nữa.
Vấn đề đó không còn đối đáp làm sao được nữa. Ở nước Nga, ý muốn của Hoàng đế là một mệnh lệnh; một khi nó đã nói ra, không gì có thể cưỡng lại được. Vậy là sự khước từ ấy làm cho bộ mặt chàng thanh niên lộ rõ vẻ thất vọng làm đại tướng phải xúc động về nỗi đau khổ thầm lặng và nhẫn nhục ấy. Ông dang rộng hai cánh tay cho chàng, chàng lao mình vào đấy và khóc nức nở. Rồi đại tướng hỏi về tình hình con gái mình. Như đã hứa, Fêôđo trả lời là Vaninka chưa biết gì, anh tiến hành việc là do một mình anh. Thấy vậy ông cũng yên tâm đôi chút vì ông lo ngại là đã làm cho hai người phải đau khổ.
Buổi tối hôm đó, Vaninka đang định xuống buồng ăn uống trà, đã thấy người hầu mang lên, báo với cô là đại tướng khó ở đã lui về buồng riêng. Vaninka hỏi thăm mấy câu về tình hình sức khỏe của cha mình. Sau khi được biết là không có triệu chứng gì đáng lo ngại, cô bảo người hầu đến báo cáo với ông là nếu ông cần gì xin cứ nói, cô sẵn sàng chấp hành mọi mệnh lệnh của ông. Đại tướng cho người trả lời con gái là lúc này ông chỉ cần được yên tĩnh nghỉ ngơi. Lúc người hầu đã rút lui rồi, Vaninka bảo với Anutka, người chị em cùng họ với cô, lúc này là hầu buồng riêng của cô, theo dõi xem lúc nào chàng Fêôđo về thì báo cô biết.
Mười một giờ đêm cánh cửa lâu đài mở ra, Fêôđo bước xuống xe trượt tuyết và đi ngay về buồng riêng. Nửa đêm anh nghe có tiếng gõ cửa, anh ngạc nhiên dậy mở cửa, đó là Anutka đến báo tin là cô chủ đang đợi chàng ở buồng riêng. Thật là một việc anh không dám ngờ tới, anh vội vàng đến ngay.
Anh thấy Vaninka đang ngồi và mặc một áo cánh dài trắng, cô xanh xao hơn ngày thường. Fêôđo dừng lại ở cửa buồng vì tưởng trông thấy một bức tượng vệ nữ.
- Anh vào đây! - Vaninka nói với một giọng không thể phân biệt được là có chút xúc động nào hay không.
Fêôđo tiến lại gần như có một sức hút cực mạnh.
Anutka đóng cửa lại sau lưng anh.
- Thế nào? - Vaninka hỏi. - Bố tôi trả lời ra sao?
Fêôđo liền kể lại sự việc đã xẩy ra, cô thiếu nữ ngồi nghe với vẻ thản nhiên.
- Bây giờ ý định của anh thế nào? - Vaninka hỏi tiếp cũng vẫn với giọng giá lạnh như ở những câu hỏi khác.
- Cô hỏi ý định của tôi à, Vaninka? Cô còn muốn tôi làm gì, và tôi còn có gì để mà làm nữa? Nếu không phải là, để khỏi phụ lòng tốt của người đã bảo trợ tôi, bằng một hành động hèn nhát và bỉ ổi nào đó, là cút khỏi Pêtecbua này và đi bỏ xác ở một nơi xó xỉnh nào đó của nước Nga?
- Anh điên đấy à?
- Vậy thì tiểu thư chỉ bảo cho tôi đi, tôi không phải là nô lệ của tiểu thư hay sao?
- Anh phải ở lại.
- Ở lại?
- Phải. Chỉ có đàn bà hay trẻ con mới chịu thua ngay ở hiệp đầu. Một người đàn ông, nếu xứng đáng với danh nghĩa đó thì phải tuốt gươm ra.
- Tuốt gươm ra để chống ai? Chống lại cha tiểu thư à? Không đời nào.
- Ai bảo anh chống lại cha tôi? Chính vì phải chống lại những biến cố của cuộc đời mà chúng ta phải cả quyết. Những con người tầm thường không chỉ huy được những biến cố đó, ngược lại còn bị chúng cuốn theo. Trước mắt cha tôi, anh phải làm ra vẻ chống lại tình yêu của anh và làm chủ được nó. Còn tôi xem như không biết gì về chuyện đó, người ta sẽ không nghi ngờ gì tôi. Tôi sẽ yêu cầu kéo dài thêm hai năm nữa và tôi sẽ được chấp thuận. Biết bao biến cố sẽ xẩy ra trong hai năm ấy, ai là người biết được những điều gì? Hoàng đế có thể băng hà, người con trai gán ghép cho tôi có thể chết, cha tôi có thể... Cầu Thượng đế bảo hộ cho cha tôi, cha tôi có thể mất...
- Nhưng nếu người ta cứ ép tiểu thư?
- Nếu người ta cứ ép tôi à? - Vaninka ngắt lời và má cô bỗng ửng đỏ để rồi trở lại bình thường, ai là người ép tôi được điều gì? Cha tôi quá yêu tôi không bao giờ nỡ làm thế. Hoàng đế thì bận trăm công nghìn việc ở Hoàng cung, còn thì giờ đâu mà gieo rắc đau thương cho kẻ khác. Vả lại bao giờ tôi cũng còn có một nguồn cuối cùng nữa, khi nào các nguồn khác đều cạn cả, nước sông Nêva chảy cách đây ba trăm bước, nước sông ấy sâu lắm.
Chính vài ngày, sau cuộc hội đàm ban đêm ấy trong buồng riêng tiểu thư Vaninka mà xẩy ra cuộc xử phạt bằng roi chúng tôi đã nói ở đầu câu chuyện. Phạm nhân là Grêgoa, chỉ vì phạm một lỗi nhẹ với tiểu thư, tiểu thư đã mách với cha cô.
Fêôđo với chức vụ võ quan hầu cận đã chỉ huy cuộc trừng phạt đó. Anh đã không chú ý đến những lời đe dọa của phạm nhân lúc tan cuộc. Tên xà ích Ivăng sau khi đã đóng vai đao phủ, bây giờ lại đóng vai thầy thuốc. Hắn đắp lên hai vai rách thịt của nạn nhân những mẩu vải tẩm nước muối để nó chóng lên sẹo. Grêgoa phải nằm bệnh xá mất ba ngày. Trong ba ngày đó hắn quay trong đầu óc những mưu kế để báo thù. Rồi ba ngày sau vết thương khỏi, hắn lại tiếp tục đi làm việc. Mọi người đã quên sự việc vừa xẩy ra, trừ hắn. Nếu hắn là một người Nga chính cống, hắn cũng có thể quên vụ hình phạt đó. Nhưng như chúng tôi đã nói, hắn có dòng máu Hy Lạp trong tim nên giữ mối thù lâu trong óc.
Mặc dù Grêgoa chỉ là nô lệ, nhưng nhiệm vụ của hắn lại rất gần gũi với đại tướng nên dần dần hắn trở nên thân thiết với đại tướng hơn những nô lệ khác. Vả lại, trên khắp các nước trên thế giới, người thợ cạo bao giờ cũng được sự ưu đãi của khách. Vì vậy Grêgoa do nghề nghiệp, được hưởng những đặc quyền của đại tướng qua các buổi được nói chuyện gần gũi hàng ngày với ông.
Một hôm, vì phải đi dự một cuộc duyệt binh, đại tướng cho gọi Grêgoa đến cạo râu trước lúc trời sáng. Trong khi lưỡi dao đang lướt nhẹ lên má đại tướng, câu chuyện nổ ra rơi vào anh chàng thanh niên Fêôđo. Grêgoa rất khen ngợi anh. Đại tướng trong bụng thầm nghĩ đến cuộc hình phạt hôm nào do võ sĩ quan trẻ tuổi chỉ huy, bèn hỏi hắn ngoài những đức tính đạt đến mức hoàn hảo của Fêôđo mà hắn hết lòng ca ngợi, hắn có thấy anh có khuyết điểm gì không, dù là rất nhẹ.
Grêgoa đáp, ngoài tính kiêu ngạo ra, hắn cho Fêôđo là một thanh niên hoàn hảo.
- Tính kiêu ngạo? - Đại tướng ngạc nhiên - đó là một tính xấu mà tôi cho là anh ấy không thể có được.
- Bẩm quan lớn, con phải nói là lòng tham vọng thì đúng hơn.
- Thế nào, tham vọng à? Nhưng từ khi anh ấy vào nhận nhiệm vụ ở đây, tao không nhận thấy có gì là tham vọng cả. Vì sau khi lập được nhiều chiến công trong chiến dịch vừa qua, anh ấy có khả năng vào Hoàng cung ấy chứ!
- Ôi, bẩm quan lớn: - Grêgoa mỉm cười một cách ý nhị, có nhiều loại tham vọng chứ ạ! Người này tham vọng một vị trí cao sang, người kia một mối quan hệ lừng danh. Người này muốn tự lực cánh sinh, người kia lại thích dùng vợ làm bậc thang danh vọng. Và thế là họ ngước mắt nhìn lên cao mà đáng lý ra không được phép.
- Mày định nói gì thế? - Đại tướng kêu lên, ông đã bắt đầu hiểu hắn muốn đi đến đâu.
- Bẩm quan lớn, con muốn nói là có nhiều người được đối xử rất tốt đâm ra quên mất vị trí của mình lại đi ước vọng một vị trí cao sang hơn mặc dù họ đã được ở một địa vị trên đầu của họ rồi.
- Này Grêgoa, mày lại sắp húc đầu vào một việc xằng bậy rồi đấy! Mày mà muốn lên án người ta và để cho tao tin thì mày phải có bằng chứng đầy đủ đấy.
- Lạy thánh Bazin. Nếu không phải là sự thực con đâu dám nói láo ạ!
- Được! Mày cứ khăng khăng là cậu Fêôđo mê con gái tao chứ gì!
- Ôi, bẩm quan lớn! Con đâu dám nêu tên tiểu thư Vaninka. Mà chính quan lớn nói lên đấy ạ!
- Nhưng ý định của mày là như thế chứ gì? Cứ nói thật
- Bẩm, quả có thế ạ.
- Và theo mày thì con gái tao cũng đồng ý chứ gì?
- Bẩm, con lo cho tiểu thư và cho quan lớn lắm.
- Cái gì đã làm cho mày tin là như thế? Cứ nói thật đi.
- Trước hết là ông Fêôđo không để lỡ một cơ hội nào mà không nói chuyện với tiểu thư.
- Ở cùng trong một nhà, mày lại muốn ông ấy phải tránh đi sao?
- Lúc tiểu thư về muộn và tình cờ ông Fêôđo không phải đi hầu quan lớn thì mặc dù vào giờ nào ông ấy cũng có ở đây để đưa tay cho tiểu thư, giúp tiểu thư xuống xe.
- Fêôđo đợi tao, đó là nhiệm vụ của ông ấy. - Đại tướng nói và bắt đầu cho rằng Grêgoa chỉ dựa trên những bề ngoài hời hợt mà nghi ngờ - Ông ấy đợi tao vì bất cứ giờ nào trong ngày hay đêm, tao về lúc nào là cũng có thể có việc giao cho.
- Bẩm quan lớn, không có ngày nào là Fêôđo không vào buồng tiểu thư Vaninka, mặc dù đó không phải là một thói quen, một ân huệ được ban cho một thanh niên ở trong ngôi nhà như nhà quan lớn.
- Thường thường thì chính tao đã sai ông ấy vào.
- Bẩm vâng, vào ban ngày ạ! Nhưng còn... ban đêm thì sao?
- Ban đêm! Đại tướng kêu lên và đứng phắt dậy, mặt tái mét đến nỗi ông phải dựa vào một cái bàn mới đứng vững.
- Bẩm quan lớn vâng, ban đêm ạ! - Grêgoa bình tĩnh đáp. Và vì con đã bắt đầu nói lên một việc xấu, như quan lớn đã nói, con phải nói cho đầy đủ. Vả lại dù con có phải chịu một hình phạt mới ghê gớm hơn lần trước, con cũng không thể để cho người ta lừa dối được mãi một ông chủ nhân đức như quan lớn.
- Này, thằng nô lệ kia. Mày phải liệu hồn về lời nói của mày đấy. Tao hiểu cái dòng giống của mày lắm. Nếu chỉ vì muốn báo thù mà mày kết tội người ta, không có bằng chứng cụ thể chính xác và tích cực nữa thì mày sẽ bị trừng trị như một kẻ phản bội đấy.
- Con xin vui lòng.
- Mày đã trông thấy Fêôđo vào buồng con gái tao lúc ban đêm có phải không?
- Con không nói rằng con đã trông thấy ông ấy vào, mà là con đã trông thấy ông ấy đi ra.
- Bao giờ?
- Cách đây mười lăm phút ạ! Lúc con đi lên chỗ quan lớn.
- Mày nói láo. - Đại tướng hét và giơ quả đấm lên gí vào mặt Grêgoa.
- Bẩm quan lớn. - Grêgoa đáp lại - Như thế này thì không phải là giao ước của chúng ta ạ! Con sẽ chỉ bị trừng phạt khi nào con không có đầy đủ chứng cớ.
- Thế chứng cớ của mày đâu?
- Con đã thưa với quan lớn rồi đấy ạ!
- Mày hy vọng rằng tao tin vào lời nói của mày sao?
- Không đâu ạ! Nhưng con hy vọng rằng quan lớn sẽ tin vào cặp mắt của quan lớn.
- Như thế nào?
- Khi nào ông Fêôđo có trong buồng tiểu thư lúc ban đêm, con sẽ đến tìm quan lớn, và thế là quan lớn có thể tự suy xét con có nói láo không? Nhưng cho đến lúc này mọi điều kiện của sự việc con đã trình quan lớn, mọi thua thiệt đều về phía con cả.
- Thế là thế nào?
- Vâng ạ! Nghĩa là nếu con không có chứng cớ cụ thể, con sẽ bị xử tội như một tên phản bội, con vui lòng như vậy. Nhưng nếu con có đủ thì con được lợi gì?
- Một nghìn rúp và tự do của mi.
- Bẩm quan lớn, thế là thỏa thuận đôi bên. Con mong rằng trước tám ngày con sẽ được quan lớn minh xử cho con hơn buổi hôm nay.
Nói xong Grêgoa thu xếp dao kéo và đi ra, để lại vị đại tướng lo lắng một tai họa lớn sắp đè lên đầu.
Bắt đầu từ lúc ấy, đại tướng nghe ngóng từng câu, nghiên cứu từng cử chỉ trao đổi giữa Vaninka và Fêôđo trước mặt ông, nhưng không thấy gì có thể xác minh được nỗi lo âu của ông. Trái lại Vaninka có vẻ dè dặt và lạnh nhạt hơn bao giờ hết.
Tám ngày trôi qua như vậy. Trong đêm thứ tám rạng ngày thứ chín, vào quãng hai giờ sáng, có người gõ cửa buồng đại tướng, đó là Grêgoa. Hắn nói:
- Nếu ngay bây giờ quan lớn vào buồng tiểu thư sẽ bắt gặp Fêôđo trong đó.
Đại tướng tái người, mặc quần áo vào, không nói một câu, lặng lẽ đi theo Grêgoa đến tận cửa buồng con gái. Đến đó, ông khoát tay ra hiệu cho tên theo dõi đã tố cáo rút lui. Nhưng đáng lẽ phải đi khỏi nơi đó, hắn lại nấp vào một góc nhà.
Lúc đại tướng tưởng chỉ còn một mình, ông gõ cửa lần thứ nhất, thấy tất cả đều im ắng, sự im ắng đó chưa thể nói lên điều gì vì Vaninka có thể đang ngủ. Ông gõ lần thứ hai và thấy một giọng con gái hỏi rất bình tĩnh.
- Ai đó?
- Cha đây. - Đại tướng lên tiếng giọng cảm động.
- Anutka! - Cô gái gọi người chị em ngủ ở gian bên. - Dậy mở cửa cho cha tôi. Xin cha tha lỗi cho. Anutka còn phải mặc quần áo, chỉ một lát thôi ạ!
Đại tướng bình tĩnh chờ đợi vì ông nhận thấy không có gì là bối rối trong giọng nói của con gái mình và ông hy vọng là Grêgoa lầm.
Một lát sau cửa mở ra và đại tướng bước vào và nhìn rất lâu xung quanh ông. Trong gian thứ nhất chẳng có ai khác ngoài Vaninka vẫn đang nằm, có thể là cô xanh hơn thường ngày nhưng hoàn toàn bình tĩnh. Cô cất tiếng hỏi.
- Làm sao mà con có diễm phúc được cha tới thăm vào giờ này thế?
- Cha muốn nói với con về một vấn đề hệ trọng, mặc dù vào giờ này cha nghĩ rằng con cũng không oán cha đã làm con mất ngủ.
- Con gái cha lúc nào cũng vui sướng được đón tiếp cha vào bất cứ giờ nào!
Đại tướng lại nhìn xung quanh một lần nữa, ông thấy rằng không thể có một người đàn ông nấp kín được trong gian buồng thứ nhất này. Nhưng còn gian thứ hai.
- Con xin nghe cha đây: - Vaninka nói sau một phút im lặng.
- Được, nhưng chỉ có một mình hai cha con ta thôi chứ? Người ngoài không thể được nghe câu chuyện quan trọng này.
- Chỉ có Anutka thôi mà cha cũng biết là chị em với con.
- Cũng không được.
Đại tướng vừa nói vừa cầm lấy một cây nến đang cháy tiến sang gian buồng bên cạnh, gian này nhỏ hơn gian của con gái. Ông nói:
- Anutka, ra ngoài hành lang canh không để cho ai đến cửa phòng.
Nói xong ông đưa cặp mắt soi mói nhìn xung quanh, nhưng ngoài Anutka không còn ai khác.
Anutka ra ngoài rồi, đại tướng lại nhìn xung quanh một lần nữa rồi mới trở lại gian của con gái và ngồi xuống chân giường. Ông đưa tay cho con, Vaninka nắm lấy không chút lưỡng lự.
- Cha có một việc quan trọng muốn nói với con.
- Việc gì thế, thưa cha?
- Con sắp mười tám tuổi rồi, đó là tuổi mà những cô gái Nga quí tộc thường lấy chồng.
Đại tướng ngừng lại một lát để thăm dò xem câu nói đó tác động như thế nào đến Vaninka. Nhưng bàn tay cô vẫn như thường trong bàn tay ông, ông nói tiếp:
- Cha đã hứa hôn cho con từ một năm nay rồi.
- Con có thể biết được là với ai không? - Vaninka lạnh lùng hỏi.
- Với con trai ông cố vấn hiện nay, con thấy thế nào.
- Con thấy người ta nói anh ấy là một chàng trai cao thượng và có tư cách, nhưng con không thể có ý kiến nào khác ngoài ý kiến của mọi người.
- Vậy là con không chống lại ý cha chứ?
- Thưa không ạ! Nhưng con chỉ xin cha ban ơn cho con một điều.
- Điều gì vậy?
- Con không muốn lấy chồng trước tuổi hai mươi.
- Vì sao?
- Con đã có lời nguyền.
- Nhưng nếu có những biến cố cần thiết phải dứt bỏ lời nguyền để tiến hành lễ thành hôn đó thì con nghĩ sao?
- Biến cố nào ạ?
- Fêôđo yêu con. - Đại tướng nói và nhìn chằm chặp vào con gái.
- Con biết rồi. Cô gái trả lời thản nhiên như không liên can gì đến mình.
- Con biết rồi à? - Đại tướng kêu lên.
- Vâng, anh ấy đã nói với con.
- Bao giờ?
- Hôm qua ạ!
- Con trả lời thế nào?
- Anh ấy phải bỏ đi ra khỏi nơi đây.
- Nó có bằng lòng không?
- Thưa cha có ạ!
- Bao giờ nó đi?
- Anh ấy đi rồi ạ!
- Nhưng nó vừa gặp cha lúc mười giờ tối kia mà?
- Còn con, anh ấy vĩnh biệt con lúc nửa đêm.
- A! - Đại tướng nói và lúc này ông mới thở được đầy lồng ngực. - Con là một đứa con xứng đáng. Vaninka, cha chấp thuận đề nghị của con, nghĩa là hai năm nữa. Nhưng con nên nhớ rằng chính Hoàng đế là người quyết định cuộc hôn nhân này.
- Thưa cha, xin cha hiểu cho con, con là đứa con gái biết vâng lời thì không thể là một người dân phản động được.
- Tốt lắm, con gái yêu của cha ạ! Vậy là tên Fêôđo tội nghiệp nó đã thú hết với con rồi.
- Vâng ạ! - Con đã biết, trước tiên là nó nói với cha? - Vâng ạ!
- Vậy là qua nó mà con biết được con đã hứa hôn rồi? - Vâng ạ!
- Và nó đã đồng ý bỏ đi! Nó là một thanh niên tốt và cao thượng. Nó đi đến đâu cha cũng sẽ bảo trợ cho nó. Ôi! Giá mà cha chưa nhận lời, cha yêu nó quá! Và nếu con không chê nó, có thể cha sẽ gả con cho nó.
- Thế cha không thể lấy lại được lời hứa à? - Không thể được.
- Vậy thì điều gì cần đến, cứ để mặc nó, cha ạ! - Con phải nói như thế mới được. - Đại tướng vừa nói vừa cúi xuống hôn con. - Tạm biệt con, cha không hỏi con có yêu nó không. Cả hai các con đều đã làm tròn bổn phận, cha không đòi hỏi gì hơn.
Nói xong ông đứng dậy và đi ra. Anutka vẫn đứng ở ngoài hành lang, ông ra hiệu cho vào buồng rồi tiếp tục bước đi. Về đến buồng riêng, ông thấy Grêgoa đứng ở cửa buồng. Hắn hỏi:
- Bẩm quan lớn, thế nào ạ?
- Mày vừa đúng và vừa sai. Fêôđô yêu con gái tao thực, nhưng tiểu thư không yêu hắn. Hắn vào buồng tiểu thư lúc mười một giờ đêm, nhưng đã ra đi lúc mười hai giờ, và ra đi vĩnh viễn. Thôi, dù sao tao cũng cho mày được cuộc, ngày mai đến mà lĩnh thưởng.
Grêgoa ra về lòng đầy kinh ngạc.
Trong lúc đó Anutka vào buồng đóng chặt cửa lại. Lập tức Vaninka chồm dậy lao khỏi giường ngủ và đến gần cửa buồng ghé tai lắng nghe tiếng những bước chân của cha mình đi xa dần. Khi không còn nghe thấy gì nữa, cô liền chạy vào gian buồng Anutka và lập tức hai người phụ nữ cùng nhau bới đống quần áo đã bị ném vào trong khung cửa sổ, dưới đống quần áo là một cái hòm lớn có lò xo, Anutka ấn vào một cái khuy, Vaninka nâng nắp hòm lên. Cả hai cô đồng thanh rú lên một tiếng, hòm quần áo đã trở thành quan tài, chàng sĩ quan trẻ tuổi đã bị chết ngạt trong đó.
Hai cô hy vọng chàng chỉ mới bị ngất. Anutka lấy nước lã té vào mặt. Vaninka cho ngửi thuốc muối, tất cả đều không tác dụng. Trong thời gian nói chuyện quá lâu giữa hai cha con, Fêôđo không thể thoát ra được vì nắp hòm bị lò xo khóa lại, chàng đã bị thiếu không khí và chết ngạt.
Trong trường hợp này thật là khủng khiếp, hai cô gái ở trong buồng với một xác người con trai. Anutka đã viễn tưởng đến xứ sở Xibêri. Còn Vaninka thực tình mà nói, chỉ nhìn vào mặt Fêôđo. Cả hai cô đều tuyệt vọng.
Tuy nhiên nỗi tuyệt vọng của cô hầu ích kỷ hơn của cô chủ, Anutka liền tìm ra được một lối thoát cho cả hai, cô reo lên:
- Thưa cô chủ, chúng ta có lối thoát rồi! Vaninka ngẩng đầu lên và nhìn cô hầu với cặp mắt đẫm lệ:
- Thoát. Chúng ta có thể, nhưng còn chàng? - Xin tiểu thư hãy nghe em, tình cảnh của tiểu thư lúc này thật là khủng khiếp. Vâng, đúng là như thế. Tai họa thật là to lớn và em xin thú thật là nó còn có thể to lớn hơn nhiều nữa. Tình cảnh của tiểu thư còn có thể khủng khiếp hơn nữa nếu đại tướng biết được tất cả.
- Tao cần gì nào? Lúc này tao phải khóc chàng cho thấu đất trời!
- Vâng, nhưng để thấu được đất trời thì danh dự của tiểu thư còn đâu nữa. Ngày mai bọn nô lệ, ngày kia cả Pêtecbua sẽ biết là có một chàng trai chết ở trong buồng tiểu thư. Xin tiểu thư hãy nghĩ lại, danh dự của tiểu thư tức danh dự của ông nhà, của gia đình tiểu thư.
- Mày nói cũng có lý! Vậy phải làm sao bây giờ?
- Tiểu thư có biết Ivăng là anh ruột của em không?
- Có.
- Ta cần phải nói cho anh ấy biết.
- Mày nghĩ thế à? - Vaninka kêu lên. - Tiết lộ với một người đàn ông à? Một người gì, một tên nô lệ à?
- Tên nô lệ càng thấp hèn bao nhiêu, càng giữ được bí mật bấy nhiêu, vì hắn sẽ được hưởng nhiều nếu hắn biết giữ.
- Anh mày chỉ là một thằng say rượu: - Vaninka nói vừa sợ sệt lẫn khinh bỉ.
- Vâng, đúng thế! Nhưng chúng ta tìm đâu ra người tử tế để giao cho làm việc này? Anh em có nghiện rượu, nhưng chưa bằng nhiều tên khác, vậy không đáng sợ bằng những tên khác và bằng bất cứ tên nào khác! Vả lại, trong tình cảnh của chúng ta hiện nay cũng phải biết liều một chút chứ!
- Mày nói nghe được. - Vaninka đáp và dần dần lấy lại được lòng cả quyết vốn có và tăng lên đến mức nguy hiểm. - Vậy đi gọi anh mày đến đây.
- Sáng nay chúng ta chẳng làm gì được đâu. - Anutka vừa nói vừa vén màn cửa sổ lên. - Trời đã hửng sáng rồi.
- Nhưng còn xác chàng, ta làm thế nào được?
- Nó đã nấp kín được ở đâu, cứ nên để nguyên nó ở đấy cả ngày hôm nay. Buổi tối, lúc cô đi dự dạ hội trong triều, anh em sẽ đến mang nó đi.
- Phải đấy, phải đấy. - Vaninka lẩm bẩm với một giọng lạ lùng. - Tối nay ta sẽ đến dạ hội, người ta sẽ không nghi ngờ gì cả. Ôi, lạy Chúa.
- Xin tiểu thư giúp em với, mình em không đủ sức đâu.
Vaninka tái xanh đi một cách khiếp đảm. Nhưng do nguy hiểm thúc giục, cô cương quyết lại gần xác người yêu xốc hai bên vai lên, còn Anutka khiêng hai chân, đặt nó vào trong hòm. Lập tức Anutka đậy nắp và khóa lại, chìa
khóa đeo vào ngực. Rồi cả hai cô lại ném đống quần áo lên trên nắp hòm.
Mặt trời đã lên cao mà Vaninka vẫn không sao nhắm mắt được. Nhưng đến bữa ăn trưa cô vẫn cứ phải xuống buồng ăn để cha cô khỏi nghi ngờ. Sắc mặt cô chỉ tái xanh như người vừa ở nấm mồ chui lên. Đại tướng cho vì nguyên nhân mình đã làm con mất ngủ.
Một điều may mắn kỳ lạ đã xúi cô nói Fêôđo đã bỏ đi, vì đại tướng không những không ngạc nhiên về sự vắng mặt của viên võ quan hầu cận, mà sự vắng mặt của anh lại còn xác minh lời nói của con gái ông là đúng. Để có lý do cho sự vắng mặt ấy, ông tuyên bố đã phái anh đi làm nhiệm vụ xa. Còn Vaninka ở lại ngoài cho mãi đến lúc sắp đi mới vào buồng mình để trang điểm. Tám ngày trước đây cô đã cùng Fêôđo dự dạ hội trong triều.
Sau khi trang điểm xong, cô bảo Anutka khóa cửa buồng lại, vì cô muốn nhìn thấy lần cuối cùng người tình của mình. Anutka tuân lệnh và Vaninka trán đầy hoa, ngực đầy kim cương ngọc quý, nhưng dưới tất cả các cái đó, cô chỉ là một pho tượng giá lạnh. Cô tiến lên với những bước đi của con ma tới gian buồng cạnh. Anutka lại mở nắp hòm lên. Không một giọt nước mắt, không một tiếng thở dài, nhưng với một niềm lặng thinh sâu xa và vô tri của tuyệt vọng, Vaninka cúi xuống mặt người yêu, tháo lấy chiếc nhẫn thường của chàng đeo vào ngón tay mình giữa hai chiếc nhẫn tuyệt diệu, rồi hôn lên trán chàng và lẩm bẩm:
- Vĩnh biệt chồng chưa cưới của em!
Một lát sau Anutka nhìn thấy cỗ xe chở đại tướng và con gái ra khỏi cổng lâu đài. Cô đợi nửa giờ nữa rồi mới dám đi xuống tìm Ivăng. Cô gặp anh cô đang ngồi uống rượu cùng với Grêgoa. Grêgoa đã được đại tướng thưởng cho một ngàn rúp và trả lại tự do. May thay hai người chỉ mới bắt đầu bữa chén, đầu óc Ivăng còn tỉnh táo lắm nên Anutka không cần lo ngại gì.
Ivăng đi theo em gái lên phòng cô chủ. Đến đây cô mới nói hết với anh mình về sự rộng lượng của cô chủ với những ai trung thành với cô chủ. Một vài ngụm rượu mà Ivăng đã uống trước làm cho hắn sẵn sàng tỏ lòng biết ơn. Lời nói của Ivăng tỏ ra hoàn toàn và đầy đủ làm cho Anutka không còn lưỡng lự gì nữa, cô mở nắp hòm ra cho Ivăng thấy xác chết của Fêôđo.
Trước sự xuất hiện bất ngờ và khủng khiếp ấy, Ivăng lặng người đi một lúc, nhưng rồi hắn tính toán mình sẽ nhận được bao nhiêu tiền, bao nhiêu thú vui từ điều bí mật này. Hắn liền thề với những lời thề thiêng liêng nhất là không bao giờ phản lại cô chủ, hắn nguyện làm mất tích xác chết như Anutka mong muốn.
Vấn đề thật là dễ dàng. Đáng lẽ quay lại uống rượu với Grêgoa cùng mấy đứa bạn, Ivăng đi chuẩn bị một xe trượt tuyết, chất lên trên đầy rơm, giấu dưới đáy một cái thuổng sắt, dắt xe lên cửa nhà và sau khi đã kiểm soát không bị ai theo dõi, hắn vào vác xác chết ra giấu vào trong đống rơm; trèo lên trên, ra mở cửa lâu đài, cho xe đi dọc phố Nepki rồi đẩy xe đến bờ sông Nêva, dừng xe trên mặt sông đóng băng, rút thuổng ra khoét một lỗ trên mặt băng. Sau khi đã lục túi áo xác chết lấy ra được một ít tiền, hắn đẩy nó xuống hố, đầu xuống trước, cho dòng sông Nêva cuốn đi ra vịnh Phần Lan. Công việc hắn làm được bóng đêm che phủ, chỉ một giờ nữa băng tuyết sẽ lấp đầy hố và không còn dấu vết gì nữa. Xong đâu đấy Ivăng ung dung trở về lâu đài.
Nửa đêm hai cha con Vaninka về nhà. Cô gặp Anutka trong phòng ngoài. Anutka đợi cô để cởi áo khoác. Vừa để cho cởi áo, Vaninka vừa đưa mắt dò hỏi. Cô hầu gật đầu tỏ dấu hiệu mọi việc đã xong xuôi.
Vaninka thở như mới được người ta nhắc cho một trái núi đang đè lên ngực mình. Cô về buồng, sau khi cửa buồng đã đóng lại, cô giựt hoa trên trán và các vòng ngọc trên cổ, cô lấy kéo cắt chiếc coócxê đã làm cô nghẹt thở, rồi cô nằm lăn ra giường và khóc nức nở.
Cơn thứ nhất qua đi, Vaninka cầu kinh. Cô quỳ một giờ. Rồi vì cô hầu nằn nì quá, cô đi nằm.
Anutka được giao nhiệm vụ thưởng cho anh. Nếu đưa một lúc một món tiền khá lớn cho kẻ nô lệ sẽ làm cho người ta phải để ý, do đó Anutka bảo với Ivăng khi nào cần đến tiền cứ đến hỏi.
Sau khi được tự do, Grêgoa mang số tiền nghìn rúp ra kinh doanh kiếm lời. Hắn tậu một quán ăn nhỏ ở phía bên kia sông. Nhờ tài khéo léo và quen biết nhiều ở Pêtecbua, hắn bắt đầu khá giả và ít lâu sau quán trọ nhỏ trở thành “Tiệm ăn Đỏ” được nhiều người biết đến. Một người khác đến thay thế Fêôđo hầu cận đại tướng và tất cả lại trở lại bình thường trong lâu đài bá tước đại tướng Chécmaylốp.
Hai tháng như vậy trôi qua, không một ai nghi ngờ về sự việc đã xảy ra. Bỗng một buổi sáng, đại tướng cho đòi con gái đến buồng ông. Vaninka giật mình sợ hãi, vì từ cái đêm khủng khiếp ấy, cái gì cũng có thể làm cô sợ hãi được.
Đại tướng chỉ có một mình, nhưng thoáng nhìn qua cô cũng biết là không có gì đáng lo ngại. Với vẻ bình tĩnh thường ngày, Vaninka lại gần cha, cúi đầu đưa trán cho cha hôn.
Đại tướng ra hiệu cho con gái ngồi xuống và đưa cho xem một bức thư đã mở rộng. Ngạc nhiên cô nhìn cha một lúc rồi mới quay xuống nhìn bức thư, nó nói về cái chết của một người đàn ông mà cô đã hứa hôn, bị chết trong một trận đấu kiếm.
Đại tướng theo dõi ảnh hưởng của bức thư trên nét mặt con gái. Mặc dù mạnh mẽ đối với bản thân, nhưng biết bao ý nghĩ mung lung, biết bao nỗi luyến tiếc đau thương, biết bao hối hận đắng cay đến xâm chiếm lòng cô khi biết rằng mình đã được tự do, làm cho cô không thể nào che giấu được mối xúc động. Thấy vậy đại tướng lại cho là do tình yêu của con gái đối với thanh niên Fêôđo, ông mỉm cười nói:
- Thôi, thế là cha thấy mọi việc đều tốt lành cả!
- Cha nói thế là thế nào ạ?
- Tất nhiên là thế. Phải chăng Fêôđo phải xa con vì yêu con?
- Vâng, - Vaninka khẽ thì thào.
- Nếu vậy bây giờ nó có thể trở lại được chứ sao.
Vaninka câm bặt, mắt mở trừng trừng, cặp môi run run, một lúc sau mới nói được:
- Trở lại...
- Phải, trở lại! - Đại tướng mỉm cười nói tiếp. - Hoặc là chúng ta gặp sự chẳng lành, hoặc là chúng ta tìm được trong nhà này kẻ nào biết Fêôđo hiện đang ở đâu. Con tìm hiểu xem, Vaninka. Nói cho cha biết nó hiện ở đâu, cha sẽ đảm nhiệm phần còn lại.
- Chẳng ai có thể biết được hiện chàng ở đâu. - Vaninka nói giọng âm u - Không ai có thể biết được, trừ... Thượng đế. Vâng chỉ có Thượng đế.
- Thế nào! - Đại tướng kêu lên. - Từ ngày nó bỏ đi, không có thư từ tin tức gì về à?
Vaninka lắc đầu, cô cảm thấy tim mình thắt lại nên không nói được nên lời.
Cùng ngày hôm đó, đại tướng tâu lên với Hoàng đế, kể cho Người nghe mối tình Fêôđo với con gái mình, nay vì người hứa hôn thứ nhất đã chết rồi, xin được phép cho con gái tùy ý lựa chọn. Hoàng đế chấp thuận. Thấy Hoàng đế đang trong lúc dễ dãi, ông lại tâu xin thêm một việc nữa. Ông tâu rằng từ hai tháng nay Fêôđo mất tích, tất cả mọi người, kể cả con gái ông cũng không biết chàng hiện đang ở đâu, ông đề nghị cho người đi tìm kiếm. Lập tức Hoàng đế cho vời ông thanh tra mật thám đến và ban những chỉ thị cần thiết.
Sáu tuần lễ trôi qua không đem lại kết quả gì.
Từ ngày được đọc bức thư về cái chết của người đã hứa hôn, Vaninka buồn bã âu sầu hơn bao giờ hết. Đôi khi đại tướng muốn đem lại cho con gái một vài hy vọng, cô chỉ lắc đầu và rút lui. Đại tướng thôi không nói đến Fêôđo nữa.
Nhưng ở trong nhà thì không thể như thế được, Fêôđo được bọn gia nhân yêu mến, chỉ trừ có Grêgoa, không một ai muốn chàng gặp phải điều chẳng lành. Do đó từ khi người ta biết chàng không được đại tướng phái đi làm nhiệm vụ mà lại mất tích là nguồn đề tài vô tận của những cuộc bàn tán ngoài phòng, trong bếp và trong chuồng ngựa.
Còn một nơi nữa người ta rất quan tâm đến vấn đề ấy, đó là “Tiệm ăn Đỏ”. Từ ngày biết cuộc ra đi bí mật ấy, Grêgoa lại bắt đầu thắc mắc. Hắn chắc chắn là đã có trông thấy Fêôđo vào buồng tiểu thư Vaninka và nếu chàng không đi ra lúc hắn đến buồng đại tướng tại sao đại tướng lại không gặp chàng trong buồng tiểu thư? Một vấn đề nữa cũng làm hắn phải suy nghĩ, có thể là một sự trùng hợp nào đó với sự kiện ấy, là sự chi tiêu của Ivăng từ thời đó, một sự chi tiêu kỳ lạ đối với một tên nô lệ, mà tên nô lệ đó lại là anh ruột của người chị em thân mến đồng thời lại là hầu phòng của tiểu thư, làm cho Grêgoa không thể không nghi ngờ về nguồn gốc số tiền của Ivăng. Một điểm làm hắn phải tăng thêm lòng nghi ngờ, đó là mặc dù Ivăng là bạn rất thân của hắn, đồng thời còn là kẻ học nghề chăm chỉ nhất của hắn, thế mà hắn chẳng bao giờ nghe Ivăng nói đến Fêôđo cả. Ivăng im lặng khi người ta nói đến ngay trước mặt hắn, và nếu có bị người ta hỏi dồn cũng chỉ thấy trả lời cộc lốc: “Thôi ta nói sang vấn đề khác”.
Ngày hội Vua Chúa, Ivăng lợi dụng cơ hội đó đến “Tiệm ăn Đỏ”.
Tiệm ăn của Grêgoa rất đông khách và Ivăng được đón tiếp rất nhiệt tình vì người ta biết trong túi hắn lúc nào cũng đầy. Lần này cũng vậy, vừa mới đến hắn đã vỗ túi kêu xủng xẻng làm mọi người thèm thuồng. Nghe thấy tiếng ấy, Grêgoa đã chạy ra mỗi tay một chai rượu. Hắn sốt sắng nhất vì hắn biết nếu khách hàng là Ivăng, hắn có hai đều lợi: vừa là chủ bán hàng, vừa là khách được mời. Ivăng không hẹp hòi gì mời luôn cả chủ tiệm cùng ngồi đánh chén.
Câu chuyện lao vào vấn đề nô lệ. Ivăng đã ngà ngà say liền bốc đồng.
- Mẹ kiếp. Tớ thấy có nô lệ còn tự do hơn cả chủ!
- Cậu nói thế là thế nào? - Grêgoa vừa hỏi vừa rót đầy rượu vào cốc của Ivăng.
- Tớ muốn nói sung sướng hơn - Ivăng vội vàng đáp.
- Vấn đề ấy khó chứng minh lắm - Grêgoa ra vẻ nghi ngờ.
- Tại sao? Các ông chủ của chúng ta... khi mới lọt lòng đã bị treo vào tay ba thầy đồ: Pháp, Đức, Anh. Các ông bé có yêu họ hay không cũng phải ở với họ đến năm mười bảy tuổi, và dù thích hay không thích cũng phải học ba thứ tiếng man rợ so với thứ tiếng Nga đẹp đẽ của chúng ta, để rồi học tiếng này quên tiếng kia. Thế rồi cậu chủ của chúng ta có muốn làm này làm nọ thì phải đi lính cái đã. Nếu là chuẩn úy phải là nô lệ cho trung úy. Nếu là trung úy phải là nô lệ cho đại úy, vân vân... cứ thế tiến đến Hoàng đế mới chẳng phải làm nô lệ cho ai nữa. Nhưng một ngày nào đó bị người ta bắt gặp trên bàn ăn, trên đường dạo chơi, hay trên giường ngủ, người ta bỏ thuốc độc, người ta đâm chém, người ta bóp cổ. Như thế mà gọi là sống à? Còn nô lệ chúng ta thì sao? Lọt lòng mẹ ra, đó là nỗi đau đớn độc nhất chúng ta gây cho mẹ chúng ta, còn thì phó mặc cho chủ hết. Chính chủ ta nuôi ta. Nếu chúng ta ốm đau? Thầy thuốc của chủ chữa cho chúng ta không lấy tiền, vì nếu chúng ta mà chết thì chủ thiệt. Chúng ta được hưởng bốn bữa cơm mỗi ngày. Đêm đêm lại trèo lên bếp lò ngủ cho ấm. Nếu chúng ta mê gái, chẳng cần ai ngăn cấm chúng ta cả trừ phi là cô nàng. Nếu cô nàng bằng lòng thì chủ chúng ta vội vã cho cưới thật nhanh vì mong cho chúng ta đẻ được thật nhiều con. Nếu chúng ta có con thì con chúng ta lại đi theo con đường của chúng ta. Các cậu thử tìm hộ tớ có vị lãnh chúa nào lại sướng hơn nô lệ của mình nào!!!
- Phải, phải! - Grêgoa nói và rót thêm cho hắn một cốc rượu. - Nhưng với tất cả các điều đó, cậu lại không được tự do.
- Tự do gì nào? - Ivăng hỏi.
- Tự do muốn đi đâu thì đi, muốn đi lúc nào cũng được.
- Tớ ấy à? Tớ tự do như không khí! - Ivăng đáp.
- Được thôi! - Grêgoa nói. - Cứ cho là người ta ban cho cậu những cái đó thì cậu lại không có tiền.
- Không đời nào! - Ivăng nói và nốc thêm một cốc rượu.
- Không bao giờ Ivăng này thiếu tiền chừng nào mà trong túi tiểu thư còn một đồng Kôpếch.
- Tớ không biết tiểu thư lại rộng rãi đến thế kia đấy!
Grêgoa nhận xét và chua chát.
- Ô, trí nhớ của cậu tồi quá! Cậu cũng biết rằng tiểu thư chẳng thiết gì đến bạn bè, chứng cớ vụ phạt roi...
- Tớ không muốn nhắc đến đấy! - Grêgoa nói tiếp. - Đòn roi thì tớ biết tiểu thư rộng rãi lắm, nhưng còn tiền thì lại khác, tớ chưa hề trông thấy màu sắc đồng tiền của tiểu thư nó thế nào đâu!
- Vậy thì cậu có muốn xem màu sắc đồng tiền của tớ không? Ivăng nói mỗi lúc một say thêm. - Đây là những đồng Kôpếch, đây là những tờ xanh trị giá năm rúp, đây là những tờ hồng trị giá hai mươi nhăm rúp. Và ngày mai nếu cậu muốn, tớ sẽ mang cho cậu xem tờ trắng trị giá năm mươi. Nào ta uống chúc sức khỏe tiểu thư.
- Sự việc đó nói lên Ivăng có duyên thầm đây! - Hai người nô lệ ở nhà đại tướng nói: - Vì người ta coi hắn cứ như ông chúa ấy!
- Vì cậu ta là anh của Anutka đấy mà! - Grêgoa nói. - và Anutka lại là chị em với tiểu thư.
- Có thể là như vậy. - Hai người nô lệ kia đáp. - Vì lẽ đó hay vì lẽ khác, Ivăng nhấn mạnh, cuối cùng cũng vẫn là như thế, không thể khác được.
- Phải! - Grêgoa nói. Nhưng nếu em gái cậu chết! - Nếu em gái tớ mà chết thì quả là đáng tiếc, vì em tớ là một cô gái tốt. Chúc sức khỏe em gái tớ nào. Nhưng em gái tớ mà chết, sự việc cũng sẽ chẳng thay đổi gì cả. Chính là vì người ta trọng tớ. Mà người ta trọng tớ là vì người ta sợ tớ, có thế thôi!
- Người ta sợ ông chúa Ivăng, a ha! - Grêgoa phá lên cười. - Kết quả là nếu chúa Ivăng chán không muốn lệnh nữa và đến lượt mình ra lệnh, thế là người ta lại chấp hành lệnh của chúa Ivăng đây!
- Có thể! - Ivăng đáp. - Hắn nói: có thể! - Grêgoa nhắc lại và cười to hơn. - Hắn nói: có thể! Các cậu đã nghe rõ chưa?
- Nghe rõ rồi! - Hai người nô lệ kia chỉ trả lời được cộc lốc như thế là vì họ nốc nhiều rượu say quá.
- Này, tớ không nói: có thể nữa, mà bây giờ tớ nói chắc chắn.
- A, tớ muốn biết rõ như thế lắm! - Grêgoa chỉ cần có vậy. Tớ vui lòng mất thứ gì để có thể biết được thế lắm.
- Nếu vậy thì cậu đuổi hết bọn kia đi, chúng chỉ biết uống và say như những con lợn! Rồi cậu sẽ được biết mà chẳng cần mất gì hết.
- Chẳng mất gì! - Grêgoa nói. - Cậu đùa đấy à? Dễ thường cậu cho là tớ mời họ uống không đấy hẳn?
- Vậy thì cậu cứ uống đi. Từ giờ đến nửa đêm bọn chúng có thể uống được bao nhiêu cái thứ rượu nhạt như nước ốc này của cậu?
- Cũng vào khoảng hai mươi rúp. - Đây, cầm lấy ba mươi! Tống cổ bọn chúng ra đi, chỉ còn lại chúng mình với nhau thôi.
- Này các bạn ơi! - Grêgoa vừa nói vừa rút đồng hồ ra như để xem giờ- Sắp nửa đêm rồi, các bạn đã biết lệnh của quan tổng trưởng rồi đấy, vậy các bạn về đi thôi!
Mọi người khách hàng rút lui ngay mà chẳng hề phàn nàn. Còn lại một mình Grêgoa và Ivăng cùng hai người nô lệ nữa của nhà đại tướng.
- Thế nào? - Grêgoa giục. - Bây giờ chỉ còn mình hai ta, cậu định làm gì nào?
- Cậu sẽ thấy thế nào nếu như, mặc đêm khuya, mặc trời rét và mặc dù chúng ta chỉ là nô lệ, tiểu thư cũng sẽ rời khỏi lâu đài lặn lội đến đây để uống một cốc rượu với chúng ta?
- Tớ thấy là cậu nên lợi dụng cơ hội đó để nói với tiểu thư là mang theo đến đây một chai rượu, hẳn là trong hầm rượu nhà đại tướng có loại hảo hạng hơn của tớ.
- Có loại ngon hơn nhiều đấy! - Ivăng nói ra vẻ chắc chắn lắm. - Và tiểu thư sẽ mang một chai đến đây.
- Cậu điên rồi đấy!
- Hắn điên rồi thật. - Hai người nô lệ kia cũng nhắc lại như cái máy.
- Tớ mà điên à! - Ivăng cự lại. - Cậu có dám đánh cuộc không?
- Cuộc gì nào?
- Tớ mất cho cậu hai trăm rúp. Ngược lại cậu mất cho tớ một năm thả cửa uống rượu không mất tiền.
- Được! - Grêgoa trả lời.
- Chúng tớ có được tham dự không? - Hai người nô lệ kia hỏi.
- Có chứ. - Ivăng gật đầu. - Vậy thì giảm thời hạn xuống sáu tháng, được chứ?
- Được lắm! - Grêgoa đáp.
Hai người đánh cuộc đập bàn tay vào nhau, thế là thỏa thuận cả. Sau đó Ivăng khoác áo ra đi. Nửa giờ sau hắn lại xuất hiện. Grêgoa và hai người nô lệ kia cùng cất tiếng hỏi:
- Thế nào?
- Tiểu thư đi sau tớ!
Ba tên nhìn nhau hốt hoảng. Còn Ivăng bình tĩnh vào ngồi giữa bọn chúng, rót một cốc rượu khác rồi nâng cốc lên nói:
- Chúc sức khỏe tiểu thư! Thật là điều vinh dự cho chúng ta được tiểu thư tới thăm trong một đêm giá rét tuyết phủ đầy trời như thế này.
Một giọng trong trẻo phía ngoài cửa nói:
- Anutka, gõ vào cửa này và hỏi xem có tên đầy tớ nào của ta còn ở đây không?
Grêgoa và hai tên đầy tớ kia rụng rời nhìn nhau, chúng vừa nhận ra tiếng nói của tiểu thư Vaninka.
Anutka mở cửa ra rồi nói:
- Thưa tiểu thư, có anh của em và cả Đanien và Alếchzit nữa.
Vaninka bước vào nói với một nụ cười kỳ lạ:
- Chào các bạn! Thấy nói các bạn uống rượu để chúc sức khỏe tôi, tôi đến để góp thêm phần vui vẻ với các bạn. Đây là một chai rượu cổ của Pháp mà tôi đã chọn được trong hầm rượu của cha tôi. Đưa cốc đây nào!
Grêgoa và hai tên nô lệ kia chấp hành một cách chậm chạp vì do dự và kinh ngạc. Còn Ivăng đưa mạnh cốc của hắn ra với một vẻ ngạo mạn. Vaninka đích thân rót đầy rượu vào từng cốc một. Thấy chúng còn do dự, cô liền nói:
- Nào các bạn, uống mừng tôi đi. - Hoan hô!
Giọng nói dịu dàng và thân mật của một tiểu thư dòng dõi quý tộc làm chúng reo lên và uống một hơi cạn cốc. Tức thì Vaninka lại rót cho chúng một cốc nữa rồi để chai xuống bàn và nói:
- Các bạn cứ uống hết chai rượu này đi, không phải lo đến tôi. Tôi và Anutka đến cạnh bếp lò đợi cho cơn bão này qua đi.
Grêgoa muốn đứng lên để đẩy mấy chiếc ghế tới bếp lò, nhưng hoặc là do hắn quá say, hoặc là do tác dụng của chất thuốc mê hòa lẫn vào rượu, hắn lại ngồi phịch xuống, muốn thì thào vài câu xin lỗi cũng không nói nổi nên lời.
- Thôi thôi - Vaninka nói - Không phải phiền đến các anh. Cứ uống đi, uống nữa đi các bạn!
Lợi dụng sự mời mọc ân cần đó, bọn chúng cạn hết chai rượu trước mặt. Grêgoa vừa cạn xong cốc của hắn liền gục xuống bàn.
- Tốt rồi. - Vaninka nói. - Thuốc phiện đã tác dụng rồi! - Nhưng ý định của tiểu thư là thế nào? - Anutka hỏi. - Lát nữa mi sẽ biết.
Một lát sau hai tên nô lệ kia cũng gục theo Grêgoa. Ivăng còn lại cuối cùng, hắn cố gắng hát để chống lại cơn buồn ngủ. Nhưng chẳng mấy chốc lưỡi hắn đã ríu lại, cặp mắt hắn nhắm tít lại không thể nào cưỡng được nữa. Cuối cùng hắn cũng ngã ra mê man bất tỉnh bên cạnh đồng bọn.
Lập tức Vaninka đứng lên nhìn bọn chúng với cặp mắt nẩy lửa rồi gọi tên từng đứa một, chẳng đứa nào trả lời. Thế là cô vỗ tay một cách vui vẻ.
- Đã đến lúc rồi đó!
Nói xong cô đi sâu vao trong nhà ôm ra một bó rơm để vào một góc buồng. Cô lại làm như thế cho cả bốn góc, rồi tới bếp lò rút ra một cành thông đang cháy rừng rực, cô châm lửa đốt cả bốn bó rơm chất ở bốn góc nhà. Anutka kêu lên:
- Trời ơi, tiểu thư làm gì vậy?
- Ta chôn vùi bí mật của chúng ta dưới đống tro.
- Nhưng còn anh của em, người anh tội nghiệp của em?
- Anh mày là một thằng phản bội. Nó đã phản lại chúng ta. Để nó sống thì chúng ta sẽ phải chết.
- Ôi anh ơi!...
- Mày có muốn chết với nó thì cứ việc! - Vaninka lạnh lùng nói.
- Kìa cháy kìa, tiểu thư ơi!
- Ta ra khỏi nơi đây thôi!
Vaninka nói và kéo theo cô hầu đang khóc sướt mướt và ném chiếc chìa khóa cửa ra xa vào đống tuyết.
- Trời ơi! - Anutka kêu lên. - Chúng ta về nhà nhanh lên. Em không thể nhìn được cái cảnh khủng khiếp này.
- Trái lại. - Vaninka nói và nắm chặt cổ tay cô hầu giữ lại với sức lực như của đàn ông. Chúng ta phải ở lại cho đến khi nào cái nhà này sập xuống, cho đến khi nào chúng ta chắc chắn là không có một tên nào thoát chết.
- Lạy Chúa! - Anutka quì xuống và kêu lên. - Xin Chúa rủ lòng thương anh con vì Thần chết đã bắt anh ấy đi trước khi được chuẩn bị để lên chầu Chúa.
- Phải. Phải, mày cứ cầu nguyện đi, vì tao muốn tiêu diệt cái phần xác của chúng chứ không phải cái phần hồn. Cứ cầu nguyện đi, ta cho phép đấy.
Và Vaninka đứng thẳng người, hai tay khoanh trước ngực, toàn thân rực sáng trước ánh lửa của đám cháy, còn Anutka quì và cầu nguyện.
Đám cháy không lâu vì nhà toàn bằng gỗ và ván ghép như những nhà nông dân Nga, cho nên ngọn lửa xuất hiện từ bốn góc được cơn gió kích thích, chẳng mấy chốc đã trở nên một lò lửa cháy đùng đùng. Vaninka theo dõi đám cháy đang ngày càng lan to ra, luôn luôn run sợ phải nhìn thấy một bóng ma cháy hừng hực lao ra khỏi đống lửa. Sau cùng mái nhà sập xuống và Vaninka hết mọi lo lắng, ung dung lên đường về lâu đài đại tướng.
Hôm sau cả Pêtecbua đồn ầm lên về vụ cháy “Tiệm ăn Đỏ”. Người ta lôi ra dưới đống tro bốn xác chết cháy đen thui. Vì ở nhà đại tướng có ba nô lệ không thấy về nhà, người ta tin là ba xác chết thui không còn nhận diện được đúng là Ivăng, Đanien và Alếchzit, còn xác thứ tư chắc chắn là Grêgoa.
Nguyên nhân vụ cháy còn là điều bí mật đối với mọi người. Căn nhà cháy ở biệt lập, đêm hôm bão tuyết không người đi lại trên đường nên không một ai gặp được hai phụ nữ. Vaninka tin tưởng vào cô hầu, vậy là điều bí mật của cô chết theo với Ivăng.
Nhưng rồi nỗi ăn năn chiếm chỗ của lòng sợ hãi, cô thiếu nữ ấy cứng rắn là thế trước biến cố lại không đủ sức để chống lại ký ức của mình. Cô cảm thấy nếu đem đặt bí mật về tội ác của mình vào trong lòng một cha cố, cô sẽ trút được một gánh nặng kinh khủng. Do đó cô đi tìm một giáo trưởng nổi tiếng về lòng từ thiện và cô thú hết mọi sự việc đã qua.
Giáo trưởng sửng sốt trước câu chuyện đó. Lòng độ lượng của Chúa trời là không bờ bến, nhưng của loài người thì lại có hạn định. Giáo trưởng từ chối không ban cho Vaninka lễ rửa tội mà cô yêu cầu.
Lời từ chối đó thật là khủng khiếp, nó sẽ làm cho Vaninka phải xa lánh giáo đường. Sự xa lánh đó sẽ làm người ta để ý và qui nguyên nhân do một tội ác nào đó ghê gớm lắm.
Vaninka quỳ xuống chân giáo trưởng và nhân danh cha cố mà tội ác của cô sẽ làm mất danh dự, cô cầu xin giáo trưởng làm sao cho giảm nhẹ sự khắc nghiệt của những lời phán đoán ấy.
Giáo trưởng suy nghĩ rất lâu rồi tìm ra một biện pháp để dung hòa. Vaninka sẽ đến Thánh đường cùng với nhiều cô gái khác. Giáo trưởng sẽ dừng lại trước mặt cô như trước mặt những cô gái khác, nhưng chỉ để nói với cô: “Hãy cầu nguyện và khóc đi”. Những người có mặt tại đây sẽ tưởng nhầm là cô đã nhận được Thánh thể của Chúa Jêsu. Chỉ có thể như thế được đối với Vaninka.
Buổi xưng tội đó tiến hành vào lúc bảy giờ tối. Sự tĩnh mịch của nhà thờ cộng với bóng tối của ban đêm, đã tạo cho giáo trưởng một vẻ dữ tợn. Ông về đến nhà mặt mũi tái mét và toàn thân run rẩy. Vợ ông là Elizabet vừa mới đặt lưng nằm vào buồng bên cạnh đứa con gái lên tám tuổi tên là Arina.
Nhìn thấy ông chồng, bà kêu lên một tiếng vì thấy ông tiều tụy và thay đổi nhiều quá. Giáo trưởng tìm cách làm yên lòng vợ, nhưng giọng ông run run càng làm cho bà vợ thêm hãi hùng. Hôm qua bà nhận được tin mẹ bà ốm, bà tưởng chồng đã nhận được tin gì xấu. Hôm nay là ngày thứ hai, một ngày đen đủi đối với người Nga. Sáng hôm nay, lúc đi ra ngoài bà lại gặp một người để tang, toàn là những điềm gở báo tin chẳng lành.
Bà Elizabet khóc nức nở và kêu lên: “Mẹ tôi chết rồi phải không?”. Giáo trưởng cố gắng làm yên lòng vợ, ông nói xúc động không phải vì nguyên nhân ấy. Nhưng bà vợ chỉ tập trung vào một ý nghĩ, bà chỉ đáp lại bằng một câu muôn thuở: “Vậy là mẹ tôi chết rồi!”.
Thế là để xua đi nỗi đau đầu ấy, giáo trưởng thú nhận là ông bị xúc động vì mới được nghe câu chuyện về một tội ác trong buổi xưng tội vừa qua, nhưng vợ ông cứ lắc đầu lia lịa nói rằng ông bịa chuyện để che giấu điều bất hạnh của bà.
Thế là cơn của bà lại nổi lên dữ dội hơn. Nước mắt đã ngừng chảy, nhưng sự co giật lại bắt đầu. Ông đành lòng phải bảo bà thề giữ bí mật nhưng bí mật thiêng liêng của lời xưng tội đã bị tiết lộ.
Nghe thấy tiếng kêu khóc của mẹ, bé Arina đã thức dậy. Em vừa lo lắng vừa tò mò về sự việc xẩy ra giữa cha mẹ liền trở ra nghe ở cửa buồng và em đã nghe được hết.
Thế là sự bí mật về thái độ đã được dập tắt, nhưng về một tội ác thì lại được lan truyền.
Ngày lễ ban thánh thể đã tới, nhà thờ Xanh Ximông đầy những con chiên. Vaninka đến quì ở trước bao lơn ban đồng ca, đằng sau là cha cố và các võ quan hầu, sau nữa là các gia nhân.
Em Arina cũng vào trong nhà thờ cùng với mẹ. Em tò mò muốn xem mặt Vaninka mà em đã được nghe tên trong câu chuyện ghê gớm nghe lỏm được đêm hôm nào. Trong lúc mẹ em đang cầu kinh, em rời chỗ ngồi, lách mình trong các con chiên và tới được tận bao lơn. Tới đây, em bị gia nhân của đại tướng ngăn lại. Nhưng chẳng khi nào em chịu dừng lại dọc đường, em cố vượt qua tay bọn họ, họ quyết cản lại, thế là xảy ra xô xát. Một gia nhân nổi nóng đẩy em ra một cái thật mạnh làm em vướng ngã đập đầu vào một thành ghế. Đau quá, bươu cả đầu, em đứng dậy và kêu lên:
- Hãnh diện nhỉ! Có phải tại anh ở nhà cái bà đã đốt cháy “Tiệm ăn Đỏ” phải không?
Những câu nói đó được phát biểu rất to giữa chốn im lặng trong buổi lễ thánh làm cho tất cả mọi người đều nghe thấy một tiếng kêu đáp lại: Vaninka vừa bị ngất xỉu.
Hôm sau đại tướng quì dưới chân Pôn đệ nhất, kể cho Hoàng đế cũng là quan tòa nghe tất cả câu chuyện dài và ghê gớm ấy mà Vaninka bị đè bẹp dưới cuộc giằng xé nội tâm lâu dài, đã thổ lộ với cha trong đêm xẩy ra sự kiện trong nhà thờ buổi lễ Thánh.
Sau sự thú nhận kỳ dị ấy, Hoàng đế suy nghĩ một lát rồi đứng lên đi lại bàn giấy viết một quyết định như sau:
“Giáo sĩ đã vi phạm điều không được vi phạm, nghĩa là sự bí mật của xưng tội, bị đi đầy sang Xibêri và bị tước bỏ mọi giáo chức. Bà vợ cũng phải đi theo vì bà phạm tội đã không tôn trọng đặc tính của một giáo sĩ. Em bé gái không phải xa bố mẹ.
“Anutka, người hầu phòng gái, cũng phải đi sang Xibêri vì đã không báo cho ông chủ biết về hành vi của cô chủ.
“Tôi dành cho đại tướng tất cả sự tín nhiệm của tôi. Tôi phàn nàn và buồn phiền cho ông vì ông đã gặp phải một đòn khốc liệt.
“Còn về Vaninka, tôi không biết bắt phạt cô về hình tội gì. Tôi chỉ thấy ở cô người con gái của một quân nhân dũng cảm suốt đời hy sinh cho sự nghiệp của Tổ quốc. Vả lại trong sự phát hiện tội ác, có điều gì kỳ lạ, nó đặt phạm nhân ra ngoài vòng nghiêm trị của tôi. Tôi muốn tự phạm nhân sẽ dành cho mình một hình phạt thích đáng. Nếu tôi hiểu rõ đặc tính ấy, nếu phạm nhân còn có chút tư cách nào, thì tâm hồn và lòng hối hận sẽ vạch cho mình con đường phải theo”.
Pôn Đệ nhất trao quyết định để ngỏ ấy cho đại tướng và truyền cho ông mang đến cho bá tước Palen, thống đốc Pêtecbua.
Hôm sau lệnh của Hoàng đế được thi hành. Vaninka tự giam mình trong một nhà tu kín. Cuối năm đó cô chết vì tủi nhục và đau khổ. Còn đại tướng thì hy sinh ở trận Auteclit.
CHÚ THÍCH CỦA TÁC GIẢ
Những chi tiết trong câu chuyện bi thảm này cũng như những lời phán xét của Pôn Đệ nhất, chúng tôi đều mượn trong tác phẩm nổi tiếng xuất bản cách đây mấy chục năm dưới đầu đề “Người ẩn dật ở nước Nga” của ông Đuyprê đờ Xanhmô.