HẢI ĐĂNG ĐẢO SANGUINAIRES.
Tác giả: Alphonse Daudet
Đêm ấy, tôi không tài nào ngủ được. Ngọn tây bắc điên cuồng, và những tiếng vang dội của nó khiến tôi thức đến suốt sáng. Nặng nề quay mấy chiếc cánh xơ xác rít lên dưới ngọn gió bấc như dây buồm một chiếc tầu, cả cái xay gió kêu lên răng rắc. Ngói hỗn độn bay tung trên mái. Đằng xa, thông san sát phủ kín ngọn đồi, rung chuyển lên và rì rào trong bóng tối. Người ta có cảm tưởng đang ở ngoài biển khơi.
Điều này, khiến tôi nhớ lại những đêm không ngủ trước đây ba năm, khi tôi ở hải đăng Sanguinaires. Đằng kia, trên bờ biển Crose, ở ngả vào vịnh Ajaccio.
Thêm một xó xinh đẹp tôi tìm được tại đó để mà mơ màng và để được sống lẻ loi.
Các bạn hãy tưởng tượng một hòn đảo đỏ sẫm và dáng vẻ hoang dại; hải đăng nằm ở một mũi, ở mũi kia một cái tháp cũ Ý, nơi có một con ó ở đó vào thời tôi. Phía dưới, ở ven mặt nước, một trại bịnh dịch (1) điêu tàn, khắp nơi cỏ ăn lan. Kế, những hố sâu, những rừng lau, những tảng đá to, vài con dê rừng, mấy con ngựa Corses tung tăng, bờm tung dưới gió; sau rốt trên cao, tít trên cao, trong một luồng lốc mấy con chim biển, cái nhà hải đăng với nóc nhà bằng xây vôi trắng, nơi người canh gác đi qua đi lại, cánh cửa xanh hình nón nhọn cao, tháp con bằng gang. Và trên cao, cây đèn to có mặt kiếng nhỏ phừng cháy dưới ánh nắng và tạo ra ánh sáng giữa ban ngày….Đảo Sanguinaires như thế ấy, theo như tôi thấy lại đêm đó khi thông reo. Chính ở trên hòn đảo thần tiên này, trước khi có một máy xay gió, thỉnh thoảng tôi đến, tự giam mình khi nào cần khí trời cao rộng và sự cô đơn.
Những gì tôi đã làm?
Những gì tôi làm ở đây, còn ít hơn. Khi ngọn tây bắc hay ngọn gió bắc thổi không mạnh lắm, tôi đến ngồi ở giữa hai hòn đá sát mặt nước, giữa những con thủy kê, những con sáo, những con én và tôi lưu lại đây gần như suốt ngày trong cái thú ngây ngất và đê mê thú vị kia mà sự ngắm nhìn biển cả đem đến. Chắc các bạn biết chứ, sự ngất ngây êm đẹp của tâm hồn đó. Người ta không suy nghĩ, người ta cũng không mơ tưởng nữa. Tất cả con người bạn thoát khỏi bạn, bay lên phân tán đi. Ta là con hải âu đâm chúi xuống, hạt bụi bọt nước trôi nổi dưới ánh sáng giữa hai đợt sóng, luồng khói trắng chiếc tầu đang rời xa kia, chiếc thuyền san hô nhỏ kia với cánh buồm đỏ, hạt ngọc nước kia, khóm sương kia. Tất cả, trừ chính mình….
Ồ, tôi đã sống trên đảo của tôi những giờ êm đẹp, nửa tỉnh nửa mê và tiêu diêu.
Những ngày gió to, bờ nước không đến ngồi được, tôi tự giam mình trong sân trại bịnh dịch, một thửa sân con u buồn ngào ngạt mùi hương thảo và ngải cứu. Tại đây, nép mình vào một mảnh tường cũ kỹ, tôi để nhẹ lan khắp người bởi mùi thơm mơ màng của bỏ lửng và của mơ buồn, bập bềnh dưới ánh nắng trong những nấm mộ xưa. Thỉnh thoảng một tiếng đập cửa, một cái nhảy nhẹ trong cỏ….đó là con dê đến gặm cỏ nấp gió. Trông thấy tôi, nó đứng dừng lại và cứ sững ra trước tôi, vẻ nhanh nhẹn, sừng cao, nhìn tôi với một đôi mắt trẻ con.
Khoảng năm giờ, ống phóng thanh của mấy người gác gọi tôi về ăn cơm. Bấy giờ tôi đi một lối nhỏ trong rừng lau, leo cao sừng sững vượt biển, và tôi chầm chậm trở về phía hải đăng, mỗi bước chân trời bao la kia với nước và ánh sáng như nới rộng thêm ra, càng lúc tôi đi lên cao.
Trên cao, thật là đẹp. Tôi thấy gian phòng ăn xinh xắn, với những miếng đá rộng, với những mái gỗ, nồi bouillabaisse bốc khói ở giữa, cửa mở rộng ra sân thượng trắng và tất cả ánh nắng chiều đang len vào….Mấy người gác đang ở đó đợi tôi để ngồi lại bàn ăn. Có ba người, một người Marseillais và hai người Corses, tất cả đều bé nhỏ; râu rậm, cùng gương mặt sạm nắng, nứt nẻ, và cùng với cái áo choàng bằng lông dê. Nhưng tướng đi và tính tình đối nghịch nhau.
Theo cách những người đó sống, ta cảm thấy ngay được sự khác nhau giữa ba người. Người Marseillais, khôn ngoan và lanh lợi, luôn luôn bận rộn, luôn luôn cử động, dọc xuôi hòn đảo từ sáng đến tối, làm vườn, cày cuốc, lượm trứng chim biển, nấp rình trong rừng lau để chận đường vắt sữa một con dê; và luôn luôn sẵn có một món súp tỏi (2) hay món súp bouillabaisse nào đó.
Mấy người Corses thì ngoài công việc của họ, họ không lo bất cứ một điều gì; họ tự xem như là những công chức và suốt ngày ở trong bếp chơi những ván bài không bao giờ dứt. Chỉ dừng lại đốt ống điếu của họ với một vẻ trang nghiêm và xén bằng kéo những tấm lá thuốc xanh to, trong lòng bàn tay họ….
Kỳ dư, Marseillais và Corses, tất cả ba người đều là những người tốt, chất phác, ngây ngô và đầy lòng sốt sắng với khách, tuy rằng trong thâm tâm họ thấy ông ta là một ông hết sức kỳ dị.
Bạn cứ thử nghĩ, đến giam thân ở hải đăng vì ý thích của mình. Họ thì họ thấy ngày dài quá, và họ sung sướng hết sức khi đến lượt mình đi về đất liền….Vào mùa êm đẹp, cái diễm phúc đó cứ mỗi tháng đến với họ. Mười ngày trên đất liền cho ba mươi ngày ở hải đăng, luật lệ là như thế, nhưng với mùa đông và những ngày sóng gió thì chả có luật lệ gì cả. Gió thổi, sóng lên, đảo Sanguinaires trắng xoá bọt nuớc và những người gác đang kỳ hành sự bị kẹt lại hai ba tháng liền, có khi còn phải ở trong những hoàn cảnh kinh khủng.
Một hôm trong khi chúng tôi ăn, lão Bartoli kể lại với tôi:
- Đây là những gì xảy ra cho tôi, ông ạ. Đây là những gì xảy ra cho tôi cách đây năm năm, ở ngay cái bàn chúng ta đang ngồi đây, một tối mùa đông như bây giờ. Tối đó, chúng tôi chỉ có hai người trong hải đăng, tôi và anh bạn Tchéco….Những người khác đang ở trên đất liền, đau ốm ,nghỉ phép, tôi chẳng biết nữa….Chúng tôi ăn xong rất yên lành….Thính lình, bạn tôi ngừng ăn nhìn tôi một giây lát bằng đôi mắt kỳ quái và ngã vật lên trên bàn, hai tay đưa ra phía trước. Tôi đến bên anh ta, tôi lay anh ta, tôi gọi anh ta:
- Này Tchéco!…..Tchéco!….
- Hắn chết rồi. Ông thử tưởng tượng tôi xúc cảm thế nào. Tôi đứng hơn một tiếng đồng hồ, sững sờ và run rẩy trước xác chết đó. Rồi, đột nhiên tôi nảy ra một ý nghĩ: “ Còn hải đăng…”. Tôi chỉ có thời giờ để lên lồng đèn và đốt nó….Đêm đã đến từ lâu….Một đêm thế nào ấy ông ạ! Biển, gió không có những âm thanh tự nhiên của chúng nữa. Lúc nào tôi cũng thấy có ai gọi tôi ở cầu thang. Thêm điều đó, lại còn sốt, còn khát. Nhưng không ai làm cho tôi xuống….tôi quá sợ người chết. Tuy thế, khi hừng sáng, can đảm trở lại với tôi được đôi chút. Tôi mang bạn tôi lên giường, một tấm vài phủ lên, một đoạn kinh, và rồi mau mau đến những dấu hiệu báo động.
- Không may biển to quá; tôi hoài công gọi, không ai đến….Thế là một mình tôi ở trong hải đăng với anh Tchéco đáng thương của tôi, và có trời mới biết trong bao lâu….Tôi hy vọng có thể giữ hắn bên cạnh tôi cho tới khi tầu đến; nhưng trong vòng ba ngày điều này không thể được nữa….Làm sao bây giờ? Mang hắn ra ngoài? Chôn hắn? Đá cứng quá và có bao nhiêu là con quạ trên đảo. Bỏ tên có đạo này cho chúng thì tội quá. Bấy giờ tôi nghĩ cho hắn xuống một cái lỗ con của trại bịnh dịch….Cái việc buồn khổ đó làm tôi mất suốt một buổi trưa, và tôi quả quyết với ông là tôi cần có cam đảm mới làm được. Chẳng hạn, ông ạ, ngay hôm nay, khi tôi xuống phía đó của đảo vào một trưa gió to, tôi vẫn thấy như luôn luôn tôi mang xác chết trên vai….
Thương hại lão Bartoli! Mồ hôi chảy trên trán lão, chỉ cái việc nghĩ đến đó.
Mấy bữa ăn của chúng tôi trôi qua như thế ấy, với những câu chuyện dài dặc như: biển, hải đăng, những câu chuyện đắm tầu, những chuyện các tên cướp Corses….Rồi khi ngày xuống, người gác lượt đầu đốt ngọn đèn con, lấy ống điếu, cái gù, một quyển sách Plutarque (3) to tướng với gáy đỏ, tất cả thư viện của đảo Sanguinaires, và biến mất ở đàng cuối. Trong một giây phút, tất cả hải đăng là cả một tiếng ồn ào của dây sắt, những trái lắc đồng hồ người ta lên giây.
Tôi, trong khi ấy, tôi đến ngồi bên ngoài sân thượng. Thái dương đã thật thấp, xuống phía mặt nước càng lúc càng nhanh, đem tất cả chân trời theo nó. Gió mát đi, đảo trở màu tím. Trên trời, bên cạnh tôi, một con chim lớn nặng nề bay qua: đó là con ó của tháp Ý, đang quay về….Dần dần sương biển dâng lên. Không bao lâu, người ta chỉ trông thấy cái viền trắng của bọt nước chung quanh đảo….Thình lình, trên đầu tôi, phun ra một đợt ánh sáng dịu to. Hải đăng đã đốt. Để tất cả đảo trong bóng tối, tia sáng đến rơi ngoài khơi biển và tôi chơ vơ trong đêm tối, dưới những lượt sóng to lấp lánh sáng kia lăm le tung toé khi tôi lướt qua….Nhưng gió còn mát nữa, cần phải trở về. Sờ soạng, tôi đóng cánh cửa sắt to lại, tôi soát kỹ các then sắt; rồi vẫn cứ sờ soạng, tôi leo lên một cầu thang nhỏ bằng gang rung chuyển và rền vang dưới bước chân tôi và tôi đến tận đỉnh ngọn hai đăng. Tại đây – chà - mới có ánh sáng.
Bạn tưởng tượng một cây đèn máy khổng lồ với sau hàng bấc, quanh đó những vỏ ngọn đèn quay từ từ, mấy cái này đầy đặn bởi một chấu kính thủy tinh, mấy cái khác mở ra trên một khung kiếng to bất động, khiến cho ngọn lửa nấp được gió.
Khi bước vào tôi chóa mắt. Những đồng này, những thiếc này, những máy phản chiếu kim khí trắng này, những tường thủy tinh cong cong quay đi với những cái vòng xanh to, tất cả sự ngời chiếu đó, tất cả những cái lắc cắc của ánh sáng đó trong một giây phút khiến cho tôi choáng váng.
Dần dần, tuy thế, mắt tôi quen đi và tôi đến ngồi ngay dưới chân ngọn đèn, bên cạnh người gác đang đọc quyển Plutarque to giọng vì sợ ngủ quên.
Bên ngoài, bóng đêm, vực thẳm. Trên cái bao lơn nhỏ quay quanh kiếng, gió chạy như một kẻ điên vừa gào thét. Hải đăng kêu răng rắc, biển gầm gừ. Ở mũi đảo, trên mấy bậc đá, các lượn sóng làm như là những tiếng súng đại bác….Từng lúc, một ngón tay vô hình va trên các mảnh kiếng, con chim nào đó bị ánh sáng lôi cuốn và đến đập đầu vào thủy tinh. Trong chiếc đèn lấp lánh và nóng, không có gì khác ngoài tiếng reo của ngọn lửa, tiếng dầu nhỏ giọt, tiếng sợi dây tuông ra; và một giọng đều đều đọc lại cuộc đời của Démétrius de Phalère (4)….
Nửa đêm người gác đứng dậy, ném một cái nhìn cuối cùng lên mấy ngọn bấc và chúng tôi xuống. Tới cầu thang, chúng tôi gặp người bạn gác lượt nhì đang đi lên, tay dụi mắt; chúng tôi trao cho hắn cái gù, quyển sách….Rồi trước khi lên giường, chúng tôi vào một lúc trong gian phòng ở cuối, chất đầy những dây xích, những quả lắc to, những đồ dự trữ. Và tại đây, dưới ánh sáng ngọn đèn của mình, người gác viết lên quyển sách to của hải đăng, luôn luôn mở sẵn:
Nửa đêm. Biển to. Giông. Tầu ngoài khơi.
Chú thích:
1. Trại biệt lập, nơi ở của hành khách và thủy thủ đến từ những xứ bị bịnh dịch hoành hành.
2. Nấu bằng tỏi và dầu ôliu, món ăn đặc biệt miền nam Pháp.
3. Tác giả Hy Lạp vào thế kỷ thứ nhất sau Thiên Chúa.
4. Nhà chính trị và diễn giả Hy Lạp vào thế kỷ thứ tư trước Thiên Chúa.
HẾT.