LỜI ĐẦU
Tác giả: André Maurois
André Maurois (1885 - 1967) là nhà văn lớn Pháp, tên thật là Emile Herzog. Viện sĩ trong Viện Hàn lâm Pháp.
Ông xuất thân trong một gia đình công nghiệp ở Alsaca. Khi còn ở ghế nhà trường ông là một cao đệ của giáo sư kiêm triết gia Alaine (1868 - 1951), tốt nghiệp Đại học, ông làm giáo sư triết học. Một thời gian sau ông từ chức về quản lí nhà máy dệt của gia đình và bắt đầu viết từ đó. Trong thế chiến thứ nhất (1914 - 1918) , ông làm thông dịch viên trong quân đội Hoàng gia Anh, chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 - 1945), ông sống ở Anh quốc và Hoa Kỳ.
André Maurois chuyên về tiểu thuyết, luận văn, sử, phê bình, khảo luận, tùy bút... Với hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại mà có người cho "toàn thể tác phẩm của ông quả là trác tuyệt" đã được các thế hệ trẻ ngưỡng mộ, tin cậy và xem ông như bậc thầy.
Ông viết tập "Thư gởi người đàn bà không quen biết" (Lettres à l'Inconnue) này khi ông đã ngoài bảy mươi tuổi gởi lại cho lớp đến sau, giúp họ có một vốn sống nho nhỏ trong cuộc sống.
Hồi André Maurois mất, cuối năm 1967, thọ 82 tuổi, một bạn đồng viện của ông khen ông đại ý như sau :
"André Maurois phân biệt ba hạng tác phẩm : trác tuyệt, lớn và hữu ích. Không một tác phẩm nào của ông vào hàng trác tuyệt nhưng toàn thể tác phẩm của ông quả là trác tuyệt".
Ông nổi tiếng là nhà luân lí có khuynh hướng tình cảm, lãnh nhiệm vụ hướng dẫn thanh niên trong thời đại nhiều biến chuyển nhất của Pháp (từ Thế chiến thứ nhất tới nay), và ông đã được ba thế hệ trẻ tin cậy, coi như bậc thầy. Sự nghiệp trác tuyệt của ông ở đó.
"Người đàn bà không quen biết" mà ông tưởng tượng là một thiếu phụ khoảng ba mươi, đẹp, thông minh, có óc phán đoán, suy xét, thực ra tượng trưng tất cả những phụ nữ thắc mắc về đời sống. Liên tiếp trong sáu chục tuần, ông viết cho họ mỗi tuần một bức thư từ hai tới bốn trang. Trong sáu chục bức thư đó, ông giải đáp tất cả những câu họ có thể hỏi ông về những nỗi vui, buồn và ưu tư của họ, về ái tình, hôn nhân, hạnh phúc, nghề nghiệp, về tâm lí đàn ông, tâm lí đàn bà, về y phục, nhan sắc, cách lấy lòng người, cách xử trí khi chồng có ngoại tình, về quyền lợi và bổn phận của đàn bà, như dạy con, chiều chuộng v.v... Ông lại chỉ cho họ cách bồi dưỡng tinh thần và trí tuệ : đọc sách ra sao, tiêu khiển ra sao. Đôi khi ông cao hứng, nhân một lúc vui hay một lúc bực mình, giới thiệu một tác phẩm, một khúc nhạc, một cảnh đẹp hoặc mạt sát bọn giết thì giờ của ông, mỉa mai bọn làm áp phe, suốt đời chỉ lo kiếm tiền...
Tóm lại, ông gặp chuyện gì nói chuyện đó, không sắp đặt trước, lan man y như trong một cuộc đàm thoại. Triết lý của ông là một triết lý lạc quan, khoan hoà, thực tế mà chân chính. Giọng của ông nghiêm trang, thanh nhã mà thân mật, dí dỏm không ra vẻ dạy đời. Ông già tâm lí, giàu kinh nghiệm ; đọc ông ta thấy thích hơn là đọc tác phẩm khô khan của các triết gia, thích hơn cả là những trang tuy sâu sắc, nhưng cô đọng gần như châm ngôn của Alain, sư phụ của ông nữa. Vì ông gần chúng ta hơn.
Tựa (của tác giả)
Có cô mà không có cô. Khi một ông bạn nhờ tôi viết mỗi tuần một bức thư cho cô thì tôi thích thú tưởng tượng ra cô. Tôi tạo ra cô : hoàn toàn về óc phán đoán cũng như về nét mặt. Tôi chắc chắn cô sẽ từ cõi mộng tưởng của tôi xuất hiện thành một người thực, rồi đọc thư tôi, đáp tôi, nói với tôi tất cả những lời mà một nhà văn muốn nghe.
Ngay từ buổi đầu tôi đã cho cô một hình thể rõ rệt, hình thể một thiếu phụ rất đẹp mà tôi thấy trong một hí viện. Không phải trên sân khấu mà ở trong rạp. Các ông bạn ngồi cạnh tôi không biết thiếu phụ đó là ai. Từ lúc đó cô có một cặp mắt, một làn môi, một giọng nói, một thân thể, mà vẫn là Người đàn bà không quen biết, có thể mới phải phép.
Với bức thư đáng ra và tôi nhận được của nó những hồi âm mà tôi đã mong đợi. Tiếng "cô" ở đây là tiếng tập hợp, chỉ số nhiều. Các cô là cả một đám phụ nữ không quen biết, cô này ngây thơ, cô kia hay gây gỗ, cô thứ ba kì cục va hay nhạo báng. Tôi đã muốn thư từ qua lại với các cô, nhưng rồi thôi. Muốn viết cho hết thảy thì không nên viết cho từng người một.
Cô trách tôi thận trọng, giữ cái cương vị một luân lí gia tình cảm. Làm sao được ? Người đàn ông nào kiên nhẫn nhất thì cũng chỉ trung tín với một người đàn bà không quen biết khi người này cho thấy mặt. Mérimée sớm biết được người đàn bà không quen biết của ông ta tên là Jenny Dacquin và ông được ngay cô ta cho phép hôn chân, chân cô ta rất đẹp. Một thần tượng phải có chân và những bộ phận khác nữa. Nếu không thì người ta sẽ chán một nữ thần vô hình.
Tôi đã hứa đóng cái trò này thật lâu, chán mới thôi. Sau sáu chục tuần lễ, tôi xin đổi đề tài và được chấp nhận. Tuyệt giao trong tưởng tượng thì không khó khăn gì cả và tôi giữ được của cô một kỉ niệm không vết. Vĩnh biệt.
ANDRÉ MAUROIS