- 7 -
Tác giả: Anna Gavalda
NHƯ BẠN ĐÃ THẤY, tôi đang thả bộ trên phố Eugène-Gonon.
Cả một chương trình được cài đặt sẵn.
Gì kia, không đùa đấy chứ? Bạn không biết phố Eugène-Gonon. Hượm đã, bạn đang chơi khăm tôi chắc?
Đó là con phố hai bên đường có những ngôi nhỏ xây bằng đá tảng với khoảnh vườn nhỏ mượt cỏ và những chiếc ghế bành đôi bằng sắt uốn. Con phố Eugène-Gonon chứ danh của Melun.
Nhưng có mà! Bạn có biết Melun…Nhà ngục, thứ pho mát Brie xứng đáng được biết đến hơn nữa và những vụ tai nạn đường sắt.
Melun.
Khu vực số sáu trên thẻ cam(1)
Tôi đi qua Eugène-Gonon nhiều lần mỗi ngày. Cả thảy bốn lần.
Tôi đến trường, từ trường về nhà, tôi ăn trưa, tôi đến trường, rồi lại từ trường về nhà.
Và cuối ngày, tôi mệt lử cả người.
Dĩ nhiên sự mệt mỏi ấy không lộ ra ngoài mà chỉ tự mình cảm nhận được. Bốn lượt đi về mỗi ngày qua phố Eugène-Gonon ở Melun để đến trường Luật thi sát hạch trong vòng mười năm để làm một nghề người ta không mong muốn… Năm này qua năm khác nghiền ngẫm Luật Dân sự, Luật Hình sự, các bút lục, các điều khoản, những trích dẫn, và từ điển Dalloz(2) , nhiều vô kể. Và tất cả những thứ đó, bạn nên nhớ, để phục vụ một nghề nghiệp mà chưa gì tôi đã ngán đến tận cổ.
Bạn nói thật xem nào. Hãy thừa nhận là cuối ngày thì cũng phải mệt nhoài vì một cái gì đó chứ.
Vậy là, như bạn thấy đấy, tôi đang ở chặng thứ ba. Tôi vừa ăn trưa xong và đang cả quyết trở lại trường Luật Melun, tuyệt. Tôi châm một điếu thuốc. Thôi nào, tôi tự nhủ, đây là điếu cuối cùng.
Tôi ngoác miệng cười khẽ. Giá như đây không phải là điếu thuốc cuối cùng thứ một nghìn trong năm…
Tôi đi bộ dọc theo những ngôi nhà nhỏ cất bằng đá. Biệt thự Marie-Thérèse, Đại Cát, Tổ Êm Ái. Bấy giờ đang là mùa xuân và tinh thần tôi bắt đầu sa sút thật sự. Đây không phải là những cách thường thấy: nước mắt cá sấu, hiệu thuốc, thêm chuyện ăn uống và đồng bọn, không.
Giống như quãng đường qua phố Carte orange bốn lần mỗi ngày. Chuyện đó làm tôi mệt chết đi được. Những ai hiểu được xin hãy hiểu giùm.
Tôi chưa thấy mùa xuân có liên quan gì ở đây cả…
Chờ nhé. Mùa xuân, lũ chim non chí chóe trong những chồi nụ của rặng dương. Ban đêm, đám mèo đực gào rú om sòm đến mức, không tài nào chịu nổi, đám vịt đực bơi theo ve vãn đám vịt mái trên sông Seine và rồi những cặp tình nhân nữa. Đừng nói với tôi là bạn không nhìn thấy những cặp tình nhân, đâu đâu cũng thấy mặt họ kia mà. Những nụ hôn dài bất tận với nhiều nước bọt, phần dưới lớp quần jeans cương cứng, những bàn tay quờ quạng và những băng ghế bị chiếm dụng. Điều đó khiến tôi phát điên.
Điều đó khiến tôi phát điên. Tất cả chỉ có thế.
Cô em đang ghen hay sao thế? Hay là thấy thiếu vắng?
Tôi ấy à? Ghen ấy à? Thấy thiếu vắng ấy à? Không, coi nào… bạn cứ đùa.
(…)
Phù, sao cũng được. Chỉ còn thiếu mỗi nước là tôi ghen với những kẻ ngu ngốc tầm thường đang làm tất cả mọi người phágt ngán với ham muốn của họ. Sao cũng được.
(…)
Nhưng tôi đang ghen quá đi ấy chứ!!! Điều ấy lẽ nào không phát lộ ra bên ngoài? Bạn muốn đeo kính nào để nhìn cho rõ hay không? Bạn không nhìn thấy là tôi đang ghen, ghen đến chết đi được, bạn không thấy là tôi đang thiếu thốn tình cảm hay sao.
Bạn không thấy sao? Vậy thì tôi tự hỏi bạn đang cần cái gì đây…
Tôi giống với một nhân vật của Bretécher(3) : một cô gái ngồi trên băng ghế với một tấm biển đeo quanh cổ: “tôi cần tình yêu” và những giọt nước mắt tuôn xối xả chẳng khác nào vòi phun nước ở mỗi bên khóe mắt. Giờ thì tôi đã hiểu. Bạn đang nhắc đến một bức tranh.
À không, trường hợp này tôi không còn ở phố Eugène-Gonon nữa (tôi cũng có thể diện của tôi chứ), tôi đang ở Pramod vậy.
Pramod thì không khó hình dung cho lắm, ở đâu mà chả thấy có. Chuỗi cửa hàng lớn, ngồn ngộn những thứ quần áo giá cả không quá đắt, chất lượng nhàng nhàng, hãy nói là như thế cũng tạm chấp nhận được đi nào, nếu không là tôi mất phương hướng mất.
Đó là công việc hèn mọn của tôi, khoản thu nhập còm cõi của tôi, những điếu thuốc lá của tôi, những tách cà phê đặc biệt của tôi, những thứ đồ lót tinh xảo của tôi, mỹ phẩm Guerlain của tôi, niềm đam mê của tôi với phần má, những cuốn sách bỏ túi của tôi, rạp chiếu phim của tôi. Vậy là tất cả rồi còn gì.
Tôi ghét phải đầu tắt mặt tối tại Pramod nhưng nếu không có công việc đó thì sao nhỉ? Tối sẽ tri trát mặt bằng phấn má hiệu Gemey mùi hăng hắc loại có giá 4,90 quan, tôi sẽ thuê băng video tại Video Club của Melun và tôi ghi lại yêu cầu cuốn sách mới nhất của jim Harrison(4) vào sổ theo dõi mượn sách của thư viện thành phố chăng? Không, chẳng thà chết còn hơn. Chẳng thà đầu tắt mặt tối tại Pramod còn hơn.
Và thậm chí, khi cân nhắc chuyện ấy kỹ càng hơn, tôi thà tiếp đón những con mẹ béo phục phịch còn hơn là mùi mỡ cháy khét của những tiệm ăn nhanh Mc Donald’s.
Rắc rối ở đây chính là các đồng nghiệp của tôi. Hẳn bạn sẽ bảo tôi, nhưng mà cô em ơi, rắc rối bao giờ cũng đến từ các đồng nghiệp mà.
Thì đã đành là thế, nhưng bạn đã biết Marilyne Marchandize(5) chưa nhỉ? (Không đùa chút nào, đó là mụ quản lý chi nhánh Pramod thuộc trung-tâm-thành-phố-Melun, và cô ta mang họ Marchandize … Chao ôi là định mệnh.)
Không, dĩ nhiên là bạn không quen cô ta và tuy nhiên, đó là nữ quản ls khắt khe nhất, khắt khe nhất nhất trong số những nữ quản lý của hệ thống cửa hàng Pramod trên toàn nước Pháp. Và tầm thường so với cương vị quản lý đó, hết sức tầm thường.
Tôi không có cách nào diễn đạt để bạn hiểu. Không hẳn vì dáng vẻ bề ngoài, dù rằng… nguồn gốc da đen của cô ta và chiếc điện thoại di động đeo bên hông cô ta khiến tôi khó chịu… Không, đây là vấn đề tinh thần thì đúng hơn.
Sự tầm thường nằm ở tinh thần. Đó là một chuyện rất khó diễn đạt.
Hãy nhìn cô ta mà xem, cô ta nói năng với những người làm công ăn lương dưới quyền theo lối nào mới được chứ. Vô cùng kém cỏi. Môi trên của cô ta nhếch lên, hẳn là cô ta phải thấy chúng tôi cực kỳ, cực kỳ ngu ngốc. Tôi thì càng tệ hơn, tôi là dân trí thức. Cái người ít mắc lỗi chính tả hơn cô ta, và điều này, chính điều này khiến cô ta thực sự thấy phiền.
“Cửa hàng sẽ được đóng cửa từ ngày mùng 1 đến ngày 15 tháng Tám”
Nhưng xin chờ chút, thưa bà… có vấn đề đấy ạ.
Người ta chưa bao giờ dạy bà thay thế một mệnh đề bằng một động từ thuộc nhóm ba hay sao? Trong cái đầu bé loắt choắt được nhuộm thành màu sáng của bà, hẳn bà đang tự nhủ: “Cửa hàng sẽ bị tịch biên hay bị đánh chiếm hay chị chiếm đóng từ ngày 1 đến ngày 15 tháng Tám.” Bà thấy đấy, đâu có phức tạp, đó gọi là một phân từ quá khứ chứ sao! Như thế không phải là tuyệt vời hơn sao…!?
Ô la la, cô ta nhìn tôi kiểu gì thế không biết. Người phụ nữ đó bèn viết lại trên tấm bảng:
“ĐÓNG CỬA cửa hàng từ ngày 1 đến ngày 15 tháng Tám”. Tôi mừng rơn.
Khi cô ta nói với tôi, môi của cô ta nằm ở đúng vị trí nhưng đến chuyện ấy cũng khiến cô ta khổ tâm.
Nên nhớ rằng ngoài năng lượng hao tổn để điều trị viên nữ quản lý của mình, tôi xoay xở cũng không tồi.
Hãy đem đến cho tôi một khách hàng bất kỳ, tôi sẽ chọn cho cô ấy bộ đồ vừa vặn dễ coi từ đầu đến chân. Đừng quên những đồ phụ kiện. Tại sao ư? Bởi vì tôi đang nhìn cô ấy. Trước khi cho cô ấy lời khuyên về cách ăn mặc, tôi quan sát khách hàng nữ của mình. Tôi thích nhất là được nhìn ngắm mọi người. Đặc biệt là nữ giới.
Ngay cả người phụ nữ xấu xí nhất đi nữa cũng luôn luôn có cái gì đó đáng nhìn ngắm. Chí ít cũng là khao khát cháy bỏng được trở nên xinh đẹp hơn.
“Marianne, tôi đang mơ hay sao thế này, lô quần áo ôm sát người dành cho mùa hè vẫn còn ở trong kho. Có lẽ nên đem ra bày đi thôi…”
Phải nói với họ tất cả, không thể thế được…
Thôi nào, thôi nào. Cũng có sao đâu.
Tôi đang cần tình yêu.
Tối thứ Bảy, ze Saturday night fever (6)
Milton, đó là quán rượu của những gã cao bồi Melun; tôi đang ở đó với lũ bạn gái.
Thật may là bọn nó có mặt ở đây. Bọn nó thật xinh xắn, bọn nó cười to và bọn nó cư xử đâu ra đấy.
Tôi nghe có tiếng lốp xe G.T.I nghiến lạo xạo trên lớp sỏi ngoài bãi đỗ xe, tiếng pạch pạch pạch của những chiếc môtô Harley quá nhỏ và tiếng lách tách của những chiếc bật lửa hiệu Zippo. Tôi vớ ngay một chiếc ly cốc tai chào mừng hơi ngọt quá, hẳn là họ đã cho một lượng tối đa xi rô lựu ( sirop grenade ) để tiết kiệm rượu nho sủi bọt và còn nữa, xi rô lựu là thứ ai cũng biết, bọn con gái cũng thích thứ đó… Tôi tự nhủ nhưng mình đang làm cái quái gfi ở đây mới được chứ? Tôi bực mình. Hai mắt tôi cay xè. Thật may là tôi đang mang kính áp tròng, với khói thuốc lá bốc lên, lý do trở nên hoàn toàn dễ hiểu.
- Chào Marianne, cậu khỏe chứ? một cô nàng học chung lớp cuối cấp ba hỏi thăm tôi.
- Xin chào!... bước tới đằng trước để nhận bốn cái hôn vào má… tớ khỏe. Rất vui được gặp lại cậu, lâu quá rồi còn gì… Cậu đã biến đi đâu thế?
- Những người khác không nói gì với cậu sao? Tớ đang sống bên Mỹ, chờ đã, cậu sẽ không bao giờ tin lời tớ đâu, một dự định tuyệt hảo. L.A, một căn nhà hoàn toàn bằng gỗ, thậm chí cậu không thể hình dung nổi đâu. Bể bơi, hệ thống sục mát xa, quang cảnh biển tuyệt vời. Hượn đã nào, những mánh hay đến chết đi được học lỏm từ những người cực kỳ tuyệt vời, hoàn toàn không phải lũ Mèo hãm đời cậu đang trông thấy đâu. Ôi không, thật quá lắm.
Cô ta lắc mớ tóc kiểu California của mình để biểu lộ sự luyến tiếc vô hạn của mình.
- Không phải cậu đã gặp Georges Clooney(7) chứ?
- Khoan đã nào… Sao cậu lại hỏi mình câu đó?
- Không không, chẳng sao cả. Mình chỉ nghĩ cậu đã gặp Georges Clooney rồi, chỉ thế thôi.
- Cậu thật chẳng ra làm sao, cô ta kết luận trước khi biến ra chỗ khác, thi vị hóa cái hợp đồng làm người trông trẻ của mình trước những kẻ khác ngây thơ hơn.
Ồ, nhìn xem ai tới kia nào… Ai như Buffalo Bill ấy nhỉ.
Một gã trai gầy nhom với cục yết hầu nhô cao và bộ râu được nuôi dưỡng tỉa tót một cách khéo léo - tất cả những gì tôi ưa thích - đang tiến lại gần bộ ngực của tôi và tìm cách bắt liên lạc với chúng.
Gã trai: Chúng ta đã gặp nhau ở đâu rồi ấy nhỉ?
Ngực tôi: …
Gã trai: Nhưng đúng thế mà! Giờ thì tôi nhớ ra rồi, không phải cậu đã có mặt tại Garage tối hôm Halloween sao?
Ngực tôi: …
Chính vì thế mà Buffalo ngẩng đầu nhìn lên. Ô này, bạn thấy rồi chứ? … tôi có một khuôn mặt kia mà.
Anh ta gãi gãi chòm râu cằm tỏ ý bối rối (rột rột rột) và dường như đang mải miết suy ngẫm.
- From where are you from?
Ôi chao Buffalo! Tiếng Anh của anh ấy mới chuẩn làm sao!
Tôi sống ở Melun, nhà số 4, quảng trường Ga và tôi muốn ngay lập tức báo với anh rằng: tôi đâu có cho lắp đặt điện thoại trong áo ngực.
Rột rột…
Tôi phải rời khỏi đây thôi, tôi không còn nhìn thấy gì nữa, những cái mắt kính áp tròng chết tiệt nà phiền quá đi mất.
Với lại cô thô thiển quá đi mất, cô em ạ.
Tôi đang đứng trước Milton, tôi lạnh, tôi khóc như một đứa trẻ lên ba, tôi ước mình đang ở đâu đó chứ không phải chỗ này, quả là tôi đã tự hỏi không biết mình sẽ về nhà bằng cách nào, tôi ngước nhìn những vì sao, thậm chí chúng cũng biệt tăm. Thế nên tôi càng khóc dữ hơn.
Trong những trường hợp tương tự, khi tình cảnh đã tuyệt vọng đến mức này, việc sáng suốt nhất tôi có thể làm… đó là nhờ vả chị gái tôi.
Reng reeng reeeeng….
- Alô… (giọng nhừa nhựa)
- Alô, e Marianne đây.
- Bây giờ là mấy giờ rồi? Em đang ở đâu vậy? (giọng bực bội)
- Em đang ở Milton, chị qua đón em được không?
- Xảy ra chuyện gì thế? Em làm sao vậy? (giọng lo lắng)
Tôi lặp lại:
- Chị qua đón em được không?
Tín hiệu đèn pha từ cuối bãi đỗ xe.
- Lên xe đi nàng, chị tôi bảo.
- Nhưng chị lái xe đến đây trong bộ đồ ngủ già khắm này mà coi được sao!!!
- Xin lưu ý để nàng hay, vừa dập máy là tôi vội vội vàng vàng đến ngay đây đấy!
- Thứ nhất, tôi sẽ không ra khỏi xe trong bộ dạng như thế này, thứ hai, nó không mỏng tang mỏng dính, nó chỉ là áo lưới, ở hiệu Pramod người ta không dạy nàng thuật ngữ đó sao
- Nhưng nhỡ xe chị hết sạch xăng thì sao? Không kể đến chuyện trong xó xỉnh này chắc chắn sẽ có những anh chàng trước kia từng hâm mộ chị…
- Chỉ cho chị xem đi… ở đâu nào? (vẻ quan tâm)
- Nhìn kìa, đấy đấy, gã kia không phải là “Chảo Tefal” hay sao…?
- Lui ra một chút xem nào… À phải rồi! Em nói đúng… Lạy chúa, anh ta trông xấu quá vậy, còn thảm hơn cả trước kia nữa. Bây giờ anh ta đi xe gì?
- Một chiếc Opel.
- À! Chị nhìn thấy rồi, “The Opel touch”, trên thanh chắn phía sau có ghi thế.
- Chị ấy nhìn tôi, chúng tôi cười bò ra. Hai chị em ngồi trong cùng một chiếc xe và cười lăn cười bò:
1) Vì đã xuất hiện thật đúng lúc.
2) vì “Chảo Tefal” (bởi vì anh ta đặc biệt không ưa bị gắn cho cái biệt danh này)
3) vì chiếc Opel trang trí họa tiết của anh ta .
4) vì tay lái bọc vải len của anh ta.
5) vì cái áo chẽn da mà anh ta chỉ mặc vào dịp cuối tuần và vì đường ly thẳng tắp không chê vào đâu được chạy dọc chiếc quần jean hiệu 501 của anh chàng, mẹ anh ta đã thành công khi miết bàn là cật lực.
Trận cười sảng khoái mới khiến người ta dễ chịu làm sao.
Chị gái tôi, với chiếc xe to đùng thô kệch của chị, cho bánh xe nghiến ken két trên bãi đỗ xe của quán rượu Milton, những khuôn mặt ngoảnh lại nhìn ngó, chị ấy bảo tôi: “Thể nào chị cũng phải nghe Jojo cằn nhằn cho mà xem, thế này sẽ làm hỏng hết lốp xe mà…”
Chị ấy cười.
Tôi gỡ cặp kính áp tròng khỏi mắt và ngả ghế ra sau.
Chúng tôi nhón chân bước vào nhà vì Jojo và lũ trẻ đang ngủ.
Chị rót cho tôi một ly rượu gin pha lẫn nước khoáng không thêm Schweppes (8) rồi bảo tôi:
- Có chuyện gì không ổn vậy?
Thế là tôi kể hết đầu đuôi cho chị ấy nghe. Nhưng không mấy tin tưởng chị ấy sẽ giúp được gì vì chị gái tôi khá kém cỏi khi đóng vai một chuyên gia tâm lý.
Tôi nói với chị rằng trái tim tôi giống như một chiếc túi lớn rỗng tuếch, cái túi thì bền chắc, có thể đựng vừa cả một khu chợ Ả Rập không chừng, ấy vậy mà hiện giờ trong đó chẳng có gì sất.
Tôi nói một chiếc túi chắc chắn, chứ không phải những chiếc túi mỏng tang thảm hại mà các siêu thị hay dùng để đựng hàng lúc nào cũng có thể bục tung. Tóm lại, chiếc túi của tôi, trong hình dung của tôi… đúng hơn sẽ giống với cái túi to hình vuông, có những gạch sọc trắng xen lẫn xanh da trời mà những Má Lớn da đen thường vác trên đầu bên cạnh phố Barbès…
- Mà này … chúng ta đâu có gặp rắc rối, chị ấy vừa bảo tôi vừa rót thêm cho mỗi chị em một ly nữa.
Chú thích:
(1) Carte orange: Loại thẻ cho phép sử dụng các phương tiện giao thông công cộng theo lộ trình nhất định. Các vùng ngoại ô Paris được đánh số thứ tự từ 1 đến 6 để xác định lộ trình, điểm xuất phát và điểm đến.
(2) Một nhà xuất bản của Pháp chuyên về sách luật.
(3) Claire Bretécher: Nữ họa sĩ Pháp nổi tiếng được biết đến qua loạt truyện tranh về Tintin.
(4) Nhà văn Mỹ, tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng trong đó có Huyền thoại của thu.
(5) Từ đồng âm với merchandise, tiếng Pháp nghĩa là hàng hóa, nghề buôn…
(6) Cơn sốt tối thứ Bảy: Tác giả cố ý sử dụng từ phiên âm để diễn tả cách phát âm tiếng anh không chuẩn của người Pháp.
(7) Nam tài tử nổi tiếng của Holywood.
(8) Nhãn hiệu một loại đồ uống có ga.