Chương 16
Tác giả: Antoine Galland
- Tâu đấng Thống lĩnh các tín đồ, ngày xưa ở đất nước Ai-cập có một vị hoàng đế chí công, chí đức và rất hùng mạnh khiến cho các lân bang đều nể vì sợ hãi. Ông yêu thương dân nghèo và chở che cho các nhà thông thái mà ông đưa lên giữ những trọng trách trong triều đình. Tể tướng của hoàng đế là một người sắc sảo, khôn ngoan, thận trọng, thông thạo thư pháp và tất cả các môn khoa học. Vị trọng thần này có hai con trai khôi ngô tuấn tú và đều có nhiều nét giống cha. Người anh tên là Schemseddin Mohammed và người em là Noureddin Ali. Đặc biệt người, em có nhiều đức tính mà bao người thèm muốn. Tể tướng, cha của hai chàng đã mất, nhà vua mời cả hai anh em về triều và phong cho cả hai chức vị tể tướng thường.
- Ta vô cùng thương cảm - Người bảo hai người - Về sự mất mát mà các con đang phải chịu đựng. Ta cũng thương tiếc cha con không kém gì các con. Để thể hiện tình cảm đó, và ta biết là các con luôn sống bên nhau đoàn kết yêu thương nhau nên ta phong cho các con cũng một tước vị. Các con hãy noi theo gương sáng của cha các con.
Hai tể tướng mới cảm tạ tấm lòng nhân ái 1của hoàng đế, trở về nhà, chăm nom phần mộ của cha. Một tháng sau, họ xuất hành lần đầu, và tham dự triều chính lần thứ nhất, và từ đó trở đi họ đều đều có mặt trong những buổi thiết triều. Mỗi lần hoàng đế đi săn, một trong hai anh em được đi hộ giá, và lần lượt thay phiên nhau để hưởng vinh dự đó.
Một hôm, sau bữa cơm chiều, hai anh em trò chuyện bàn bạc với nhau nhiều vấn đề linh tinh. Đó là trước cái buổi mà người anh được cùng hoàng đế đi săn. Chàng trai trẻ bảo em:
Em này, cả hai chúng ta đều chưa thành hôn và chúng ta sống cùng nhau thật là hoà thuận, anh chợt có một ý: chúng ta hãy cùng cưới một ngày, lấy hai chị em mà chúng ta sẽ chọn lựa trong một gia đình nào đó phù hợp với chúng ta. Em nghĩ sao về cái ý tưởng đó?
- Em thấy - Noureddin Ali đáp - Thật rất xứng vớI tình thân đã gắn bó chúng ta. Anh ạ, không gì hay hơn ý tưởng đó. Về phần em, em sẵn sàng tuân theo anh.
- Ồ, chưa phải là tất cả đâu – Schemseđdin Mohammed nói tiếp - Trí tưởng tượng còn đi xa hơn kla: giả dụ là những người vợ của chúng ta đều mang thai ngay trong đêm đầu tiên của ngày cưới và sau đó các nàng cùng lâm bồn một ngày, vợ em sinh con trai và vợ anh sinh con gái thì khi chúng đến tuổi trưởng thành, chúng ta sẽ cho chúng thành vợ thành chồng.
- Ôl? Cái đó thì - Noureddin Ali kêu lên - Phải thú thực là dự kiến đó thật tuyệt vời? Cuộc hôn nhân đó làm anh em ta càng thêm gắn bó mật thiết, em hết sức tán thành. Nhưng, anh ơi - Chàng nói thêm - Nếu trường hợp có cuộc hôn nhân đó, thì anh có định là con trai em phải có một khoản hồi môn cho con gái anh không?
- Cái đó là tất nhiên rồi - Người anh nói - Anh chắc chắn là, ngoài những thủ tục thường tình của việc lập giá thú thì chú chắc là không quên trao cho đúng tên nó ít nhất là ba nghìn đồng sequin, ba mảnh đất màu mỡ kèm với ba nô lệ.
- Em làm sao mà đồng ý như vậy được . Người em phản bác - Phải chăng chúng ta chẳng phải là anh em ruột thịt và là bạn đồng liêu, cùng một chức sắc như nhau? Vả lại cả anh và em, phải chăng chúng ta không biết thế nào là sai, thế nào là đúng? Con trai bao giờ cũng phải quý hơn con gái chứ? Chính anh phải chi một khoản hồi môn lớn cho con gái mình mới đúng chứ? Cứ như em thấy thì anh là một con người chuyên lợi dụng trên lưng vốn người khác.
Dù là Noureddin Ali vừa nói vừa cười, nhưng ngườI anh, có tính cố chấp, coi như bị xúc phạm:
- Thật bất hạnh cho con trai chú - Người anh giận dữ nói. Chú lại dám đánh giá nó cao hơn con gái tôi ư? Tôi thật ngạc nhiên là chú dám bạo gan cho là con trai chú xứng với con gái tôi đấy. Phải nói là chú mất trí mới dám sánh ngang với tôi mà nói chúng ta là đồng liêu. Hãy nghe đây, quân bạo phổi, sau lời lẽ hỗn xược đó, tôi chẳng bao giờ gả con gái tôi cho con trai chú, dù chú có cho nó bao nhiêu của cải đi nữa.
Cuộc cãi vã đáng buồn cười này xảy ra giữa hai anh em về cuộc hôn nhân của hai đứa con chưa sinh đã đưa sự việc đi xa hơn. Schemseddin Mohammed tức giận đến mức đe doạ:
- Nếu ngày mai không phải đi theo hộ giá hoàng đế thì tôi đã cho chú biết tay. Nhưng khi trở về tôi sẽ cho chú biết một người em mà ăn nói láo xược vớI anh mình như chú đó thì sẽ phải ra sao.
Nói xong, anh ta rút về phòng riêng, và người em cũng về phòng mình.
Schemseddin Mohammed sáng hôm sau dậy sớm vào hoàng cung và từ đó đi ra cùng hoàng đế theo đường phía trên thành Caire, hướng Kim tự tháp. Còn Nouređdin Ali trằn trọc cả đêm không ngủ và sau khi cân nhắc kỹ thấy khó có thể sống lâu dài cùng người anh đã đối xử với mình quá hách dịch, cao ngạo. Chàng phác trong đầu một quyết định, cho sửa soạn một con la khoẻ mạnh, mang theo tiền, đồ châu ngọc quý và một ít lương thực và sau khi bảo người nhà là đi du lich khoảng vài ba ngày và muốn đi một mình thôi. Thế là chàng lên đường.
Khi đã ở bên ngoài thành Caire, chàng đi xuyên qua sa mạc tới vùng Arabie. Nhưng con la của chàng đã gục chết giũa đường, chàng bắt buộc phải đi bộ. May thay, có một người làm nhiệm vụ giao thông liên lạc đi Balsora cho đi cùng, được ngồi trên ngựa phía sau anh ta. Tới Balsora, cám ơn người bạn tốt bụng, Noureddin Ali xuống ngựa rồl đi dọc theo các phố tìm chỗ nghỉ chân. Giữa lúc đó, chàng trông thấy một quan chức cùng với đoàn tuỳ tùng rất đông đi tới. Dân chúng hai bên đường đều tỏ vẻ cung kính, dạt ra hai bên cho đoàn người đi qua. Noureddin cũng dừng lại như mọi người và biết đó là tể tướng của quốc vương Balsora đi thị sát trong thành phố để, với sự có mặt của mình, động viên dân chúng giữ gìn trật tự an ninh.
Vị đại thần này, vô tình liếc mắt nhìn chàng trai thấy khuôn mặt chàng thật dễ coi, ông ta nhìn chàng đầy thiện cảm. Và vì ông đi thị sát gần chàng, thấy là người vận y phục đi đường nên dừng lại hỏi chàng là ai và từ đâu đến.
- Thứa ngài - Noureddin Ali đáp- Tôi là người đất nước Ai-cập, sinh tại Caire, xa rời xứ sở vì có chuyện xích mích với một người trong dòng họ. Tôi đã quyết định là sẽ đi chu du khắp thiên hạ và thà chết ở đâu đó còn hơn là phải trở về.
Tể tướng là một ông già đáng kính, nghe chàng thanh niên nói thế, bảo chàng:
Con trai của ta ạ. Con hãy nên gạt bỏ cái ý định đó đi. Ở thế gian này chỉ toàn là khổ ải mà thôi và con có biết là sẽ có bao nhiêu nỗi nhọc nhằn mà con sẽ phải hứng chịu khi đi lang thang như thế không? Thôi, con hãy đi theo ta, có thể ta sẽ làm cho con quên di cái nguyên nhân đã buộc eon phải rời bỏ quê hương.
Noureddin Ali đi theo tể tướng Balsora, ông này, qua chuyện trò thấy chàng trai có nhiều đức tính thật tốt đẹp nên đã đem lòng yêu mến. Một hôm, trong đàm đạo riêng, ông bảo chàng:
Con trai ơi, như con thấy đấy, ta đã quá già rồi, chắc chả còn sống được bao lâu nữa. Trời cho ta một người con gái duy nhất mà sắc đẹp của nó cũng chẳng kém vẻ khôi ngô của con. Con ta lúc này đang ở tuổi gả chồng. Rất nhiều các đại thần trong triều này đã ngấp nghé hỏi cho con trai họ, nhung ta chưa đồng ý nhận lờI với ai cả. Còn với con, ta yêu quý con và thật xứng đáng để kết thân hơn tất cả bao đám khác, nên ta sẵn sàng nhận con là con rể của ta. Nếu con vui vẻ nhận lời thì ta sẽ tâu với hoàng đế để Người biết rõ và ta sẽ xin vớI Người cho con được nối nghiệp ta làm tể tướng ở vương quốc Balsora này. Đồng thời, vì tuổi già của ta cần có sự nghỉ ngơi an dưỡng, nên không những ta để lại cho con toàn bộ tài sản mà cả quyền hạn trong việc cai trị và xử lý các công vụ của vương quốc.
Vị tể tướng Balsora đầy lòng khoan dung nhân hậu chưa dứt lời thì Noureddin Ali đã vội sụp quỳ xuống bên chân ông, tỏ vẻ mừng vui và hàm ân sâu sắc, sẵn sàng làm tất cả những gì để làm cho vị tể tướng già nua tuổi tác này đặc biệt hài lòng. Thế là ông cho triệu tập tất cả những quan chức chủ yếu trong dinh tể tướng lại, ra lệnh cho họ trang hoàng gian đại sảnh và làm đại tiệc. Rồi ông đưa giấy mời tới tất cả các đại thần trong triều và các thân hào trong thành phố hạ cố tới dinh. Khi đã tề tựu đông đủ và vì ông đã biết rõ nhân thân của Noureddin Ali nên thấy tới lúc này là phù hợp để cho mọi người rõ sự việc, để khỏi có sự phật lòng của những người trước đây ông đã từ chối việc kết thân. Ông nói với tất cả:
- Thưa các ngài, tôi lấy làm sung sướng và hài lòng được nói với các ngài một việc mà tôi đã giữ kín đến tận hôm nay. Tôi có một người em trai là tể tướng của đất nước Ai-cập cũng như tôi có vinh hạnh được làm tể tướng vương quốc này. Chú em của tôi chỉ có một con trai và không muốn thành hôn tại triều đình Ai-cập và chú ấy gửi cháu đến chỗ tôi cưới con gái tôi để hai ngành họ càng thêm mật thiết. Người con trai, con của chú em, cháu của tôi mà tôi nhận làm con rể là chàng trai mà các ngài thấy đây, tôi xin trân trọng giới thiệu với các quý ngài. Tôi mong là các ngài rủ lòng thương cháu và vui lòng dự tiệc cưới của các cháu mà tôi đã quyết định tổ chức hôm nay.
Không một ai trong số các quan chức thấy việc chọn cháu ruột của mình làm con rể so với các đám khác muốn dạm hỏi là không chính đáng nên tất cả đều đồng thanh chúc mừng cuộc hôn nhân này. Họ đều vui lòng đứng ra làm chứng cho hôn lễ và chúc cho tể tướng được Thượng đế phù hộ cho trường thọ để được nhìn thấy kết quả của cuộc hôn phối đẹp đẽ và hạnh phúc này ''.
Đến đây, Scheherazade thấy trời hửng sáng nên ngừng lại và kể tiếp vào đêm sau:
***
- Tâu bệ hạ - Nàng nói - Tể tướng Giafar kể tiếp câu chuyện đang bỏ dở cho hoàng đế nghe:
“ Các quan chức tập hợp tại dinh tể tướng Balsora tỏ vẻ hết sức vui mừng về cuộc hôn nhân của con gái ông với Noureddin Ali. Tất cả, sau đó, ngồi vào bàn, ăn uống, chuyện trò rất lâu. Xong bữa, họ dùng đến các thứ mứt và hoa quả mà theo tục lệ mỗi người đều được lấy phần ít nhiều tuỳ thích để mang về nhà. Các pháp quan đi vào với giấy tờ giá thú trong tay. Các nhà chức trách chính yếu lần lượt ký vào rồi sau đó tất cả đều bái biệt ra về.
Khi chỉ còn người trong nhà, tể tướng trao trách nhiệm cho những gia nhân đã được chỉ định, đưa chú rể đi tắm rửa, ở đó Noureddin Ali được thay toàn bộ áo quần mới sạch đẹp cùng với nhiều thứ cần dùng khác. Chàng trở lại gặp tể tướng trong bộ y phục sang trọng thơm tho làm cho ông bố vợ hết sức vui vẻ khi nhìn thấy khuôn mặt khôi ngô tuấn tú của chàng rể mới. Ông bảo chàng ngồi xuống cạnh mình rồi bảo:
- Con đã cho ta biết con là ai, địa vị của con ở triều đình Ai Cập; con cũng đã nói cho ta biết vì mâu thuẫn vớI anh ruột mình mà con phải rời xa đất nước, ta xin con hãy tâm sự với ta trọn vẹn cho ta biết nguyên nhân mà anh em con cãi lộn. Bây giờ con hãy hoàn toàn tin tưởng và đừng nên giấu ta điều gì hết.
Noureddin Ali kể lại cho ông nghe tất cả chi tiết của sự bất đồng giữa hai anh em. Ngài tể tướng không sao nhịn được cười khi nghe xong câu chuyện.
- Đó thật là - Ông nói - một chuyện kỳ lạ nhất trên đời này! Có thể thế được không hả con, là cuộc tranh cãi đi đến quyết liệt chỉ vì một cuộc hôn nhân tưởng tượng? Ta thấy bất bình là con bất hoà với anh con chỉ vì một chuyện ba láp không đâu vào đâu cả. Tuy nhiên ta cũng thấy là anh con có chỗ sai là đã quá tự ái không cho là con chỉ nói đùa vui mà gán cho con tội hỗn xược. Mặt khác ta cũng phải cảm tạ ông trời là cũng vì có sự bất đồng giữa hai anh em mà ta được một người con rể như con. Nhưng mà - Ông già nói tiếp - đêm đã khuya rồI đấy con nên đi nghỉ thôi. Đi đi, con trai ta, vợ con đang chờ con đấy. Ngày mai ta sẽ đưa con đến bệ kiến hoàng đế Ta tin rằng Người sẽ tiếp con một cách mà cả hai ta đều thấy hài lòng.
Noureddin Ali tạm biệt bố vợ để về phòng riêng với vợ. Có một điều đặc biệt - Tể tướng Giafar nói tiếp - là , cũng vào ngày cuộc hôn lễ của Noureddin Ali diễn ra ở Balsora thì Schemseddin Mohammed, người anh đang đi săn với hoàng đế Ai Cập và chỉ trở về sau một tháng vì nhà vua quá say mê với cuộc săn nên cũng vắng mặt trong triều suốt thời gian đó. Khi trở về chàng đến ngay nhà Noureddin Ali và rất ngạc nhiên khi biết em chàng lấy cớ là đi du lịch vài ba ngày, cưỡi một con la đi trùng với ngày đi săn của hoàng đế, và từ ngày đó biệt tăm. Chàng cũng không ngờ là những lời nói quá cay nghiệt của mình lại là nguyên nhân làm cho em chàng xa lánh. Chàng phái một giao liên qua Damas và tới tận Alep, nhưng lúc này Noureddin đang ở Balsora thì làm sao mà tìm được. Khi người giao liên thất bại trở về, Schemseddin Mohammed dự định phái hắn đi tiếp tìm ở những nơi khác nhưng trong lúc chờ đợi, chàng quyết định hãy cưới vợ đã. Chàng lấy con gái của một trong các trọng thần uy danh nhất thành phố Caire và tổ chức cùng một ngày với người em lấy con gái tể tướng Balsora.
Nhưng chưa phải đã hết – Giafar kể tiếp - Thưa đấng Thống lĩnh các tín đồ, đây là chuyện còn lạ hơn: Chín tháng sau, vợ Schemseddin Mohammed đẻ con gái ở Caire và cũng cùng ngày đó vợ Noureddin cho ra đời ở Balsora một đứa con trai đặt tên là Bedreddin Hassan. Tể tướng Balsora tổ chức ăn mừng linh đình đón cậu cháu ngoại. Rồi, để tỏ lòng mến yêu chàng rể quí, ông vào cung bệ kiến hoàng đế, thiết tha cầu xin Người gia ân mưa móc cho Noureddin Ali được nối nghiệp mình để ông nói - trước khi nhắm mắt ông được thấy con rể là tể tướng thay chỗ của mình.
Hoàng đế đã lấy làm hài lòng hôm thấy chàng tôi bệ kiến sau hôn ìễ, sau đó lại được nghe nhiều lời tốt đẹp về chàng nên đã chuẩn y lời cầu xin của vị trọng thần với tất cả sự tán thưởng đáng mong ước. Nhà vua cho chàng mặc ngay triều phục tể tướng trước mặt Người.
Sự hân hoan của ông bố vợ càng được nhân lên bội phần khi ngày hôm sau ông thấy chàng rể của ông chủ toạ một cuộc họp thay ông và điều hành tất cả sự vụ của một tể tướng. Noureddin Ali thông thạo công việc như tất cả cuộc đời của chàng đã từng làm chức trách đó. Sau này chàng tiếp tục về sau này, tham dự các cuộc họp mà vì tật bệnh của tuổi già không cho phép bố vợ tới được. Vị tể tướng già nhân hậu này qua đời bốn năm sau ngày cưới con gái, mãn nguyện là có người nối dõi làm vẻ vang cho cả dòng họ.
Noureddin Ali đã tổ chức tang lễ cho bố vợ thật trang trọng với tất cả tình thương yêu và lòng tri ân sâu sắc. Chẳng mấy chốc mà cậu con trai Bedreddin Hassan được tròn bảy tuổi. Chàng trao con vào bàn tay dạy đỗ của một ông thầy đức hạnh giỏi giang cho cậu con vào khuôn phép xứng đáng với dòng dõi xuất thân của mình. Chàng đã thấy trong đứa bé này một trí thông minh lanh lợi sắc sảo có thể tiếp thu được tất cả những điều dạy bảo”.
Scheherazade định kể tiếp nhưng thấy trời đã hửng sáng, nàng bèn dừng lại. Đêm sau, nàng kể tiếp, với hoàng đế quốc gia Ấn Độ như sau:
***
- Tâu bệ hạ, - tể tướng Giafar kể tiếp câu chuyện cho vị hoàng đế nghe:
''Hai năm sau - Ông nói - Bebreddine Hassan được ông thầy dạy cho đọc thạo, đã thuộc lòng quyển kinh Coran. Noureddin Ali, cha cậu, mời những ông thầy khác huấn luyện cho cậu cho đến năm mười hai tuổi thì Bebreddine Hassan đã học hết chữ của các thầy. Lúc này khuôn mặt của cậu đã định hình khiến cho người nào nhìn thấy đều đem lòng ái mộ và khâm phục.
Mãi tới lúc này, Noureddin Ali chỉ nghĩ một điều là động viên cho con dùi mài kinh sử chứ chưa cho xuất đầu lộ diện ngoài xã hội. Ông đưa cậu tới cung điện là để cho cậu có vinh dự được bái kiến hoàng đế mà ông đã được Người chiếu cố có phần ưu ái. Những bậc đại quan gặp cậu trên đường phố đều rất ngưỡng mộ vẻ đẹp trai của cậu thường thốt lên lời kinh ngạc và chúc tụng cậu hết lời.
Vì cha cậu có dự định là bồi dưỡng cho cậu có đầy đủ năng lực để một ngày kia sẽ thay thế ông, nên không ngẩn ngại bắt cậu đi sâu vào những sự vụ thật khó để cậu làm quen sớm với những công vụ nặng nề. Ông không nề hà bất cứ một việc gì để có thể làm cho cậu con trai vô cùng yêu quí của mình tiến bộ mau chóng và khi ông bắt đầu được hưởng thành quả của bao công lao khó nhọc thì bất ngờ ông bị bạo bệnh và cảm thấy là cái ngày gần đất xa trời của ông chẳng còn bao lâu nữa. Vì vậy, cũng chẳng còn gì phải ân hận, ông quyết định phải xa rời cõi thế như một tín đồ Hồi giáo thực thụ. Trong cái thời khắc quí báu này ông không quên con trai Bebreddin yêu quí của mình. Ông cho gọi chàng đến và dặn dò:
- Con của cha? Con thấy rõ là ở thế gian này chặng ai tránh khỏi cái chết. Chỉ có thế giới bên kia, nơi mà cha sắp đi sang, là vĩnh cửu. Ngay từ bây giờ con phải bắt đầu đặt mình vào việc dàn xếp như cha lúc này. Con hãy sửa soạn để bước qua đoạn đường này trong lòng không chút nuối tiếc và lương tâm yên ổn vì đã làm tròn trách nhiệm của một tín đồ Hồi giáo cũng như một công đân hoàn toàn lương thiện. Về mặt tôn giáo, qua các thầy và các sách vở, con đã được hiểu biết đầy đủ, về đạo làm người, để làm một con người chính trực. Cha sẽ cho con biết một số lời răn dạy mà con nên cố gắng mang ra thực hành. Vì điều tối cần thiết là tự mình phải biết mình và con sẽ chẳng làm được điều đó khi chưa biết rõ cha là ai thì đây cha sẽ cho con biết.
“Cha được sinh ra ở Ai Cập - Ông nói tiếp . Cha của cha tức là ông nội con là tể tướng của hoàng đế vương quốc. Bản thân cha cũng có vinh dự là một trong những tể tướng của đấng quốc vương này cùng với người anh, bác của con mà cha chắc là còn sống và có tên là Schemseddin Mohammed. Cha buộc phải chia tay với bác của con và tới vương quốc này mà ở đây cha đã đạt tới cương vị mà cha còn giữ đến bây giờ. Nhưng con sẽ nắm được rõ hơn tất cả những sự kiện này trong một quyển vở mà cha sẽ trao cho con đây. Đồng thời, Noureddin Ali lấy quyển vở tự tay ông viết mà ông luôn mang theo bên người đưa cho Bebreddin Hassan:
- Con hãy cầm lấy - Ông bảo con - Và những lúc rỗI rãi con hãy đem ra đọc, con sẽ thấy trong đó, bao sự kiện khác, ngoài ngày cha thành hôn và ngày con ra đời. Đó là những cảnh ngộ nó có thể giúp ích cho con sau này nên con cần luôn trân trọng giữ gìn.
Bebreddin Hassan, vô cùng xúc động thấy cha ở trạng thái yếu mệt, mủi lòng vì những lời khuyên nhủ, cầm lấy quyển vở mà nước mắt chan hoà. Chàng hứa vớI cha là luôn luôn ghi nhớ những lời dạy bảo.
Giữa lúc đó, Noureddin Ali bị một cơn suy nhược đã tưởng ông sắp thở hơi thở cuối cùng. Nhưng rồi ông lại hồi lại và nhẹ nhàng bảo con:
- Con của cha? - Ông nói - Phương châm cuộc sống thứ nhất mà cha truyền đạt cho con là không được nhẹ dạ cả tin. Để cỏ một cuộc sống vững chắc bảo đảm, hãy đặt niềm tin hoàn toàn vào bản thân mình và tránh mọi sự liên hệ dễ dãi.
Phương châm thứ hai là không được sử dụng bạo lực với bất kỳ ai vì trong trường hợp này, tất cả mọi người sẽ nổi dậy chống lại con. Con phải coi thiên hạ như một ngườI chủ nợ mà con phải luôn ôn nhã, thông cảm và độ lượng. Phương châm thứ ba là không mở miệng trước những lời nhục mạ. Có một câu phương ngôn hay cần nhớ là:
''Người ta sẽ thoát hiểm khi biết giữ im lặng''. Đặc biệt là trong hoàn cảnh này con phải đem ra thực hành. Chắc con cũng đã biết là về chủ đề này một trong số nhà thơ của chúng ta đã nói: sự im lặng là một thứ trang sức và bảo vệ sinh mệnh, chớ nên như một cơn mưa giông phá hoại tất cả khi mở miệng. Người ta không bao giờ phải hối hận khi im lặng, ngược lại luôn phải buồn phiền tức giận vì đã phát ngôn thiếu suy nghĩ chín chắn.
Phương châm thứ tư là không uống rượu. Rượu là nguyên nhân của mọi thói xấu.
Phương châm thứ năm là tiết kiệm tiền của. Nếu con không hoang phí, nó sẽ tránh cho con mọi sự khó khăn. Tuy nhiên cũng chớ nên quá bủn xỉn keo kiệt. Chi tiêu phù hợp và đúng lúc, ngang bằng với khả năng của mình, con sẽ có nhiều bạn thân, nhưng nếu ngược lại con giàu có nứt đố đổ vách nhưng tiêu sài hoang phí, ném tiền qua cửa sổ thì mọi người sẽ xa lánh và bỏ rơi con đó.
Noureddin Ali đến tận phút cuối cùng của cuộc sống, không ngừng khuyên con những điều hay điều tốt. Khi ông nhắm mắt xuôi tay, đám tang của ông thật trang trọng và đông đúc...''.
Scheherazade kể đến đây thì trời hửng sáng. Nàng ngừng nói và dành đoạn tiếp vào đêm sau.
***
Hoàng hậu vương quốc Ấn Độ được cô em Dinarzade đánh thức đúng giờ thường lệ, nàng cất tiếng và nói với Schahriar:
Tâu hoàng thượng, vị hoàng đế này say sưa nghe tể tướng Giafar kể tiếp câu chuyện:
''Thế là Noureddin Ali được an táng trọng thể phù hợp với cương vị của ông. Bebreddin Hassan của Balsora, người ta gọi thế vì chàng được sinh ra ở thành phố này, đau thương vô hạn vì đã mất một người cha thân yêu. Theo tục lệ thì cứ tang trong một tháng nhưng chàng đã ở tại nhà khóc than suốt hai tháng liền chẳng đi đến đâu và cũng chẳng tới triều để làm nhiệm vụ bầy tôi đối với quốc vương Balsora. Nhà vua rất bất bình về sụ trễ nải của chàng và coi đó là biểu hiện của sự coi thường triều đình và cả bản thân ông nên không nén khỏi tức giận. Trong cơn giận dữ lôi đình, nhà vua cho gọi tể tướng đầu triều mới tới, vì ông đã chọn người thay khi hay tin Noureddin Ali mất, ra lệnh cho ông này tới nhà cố tể tướng tịch biên toàn bộ gia sản, đất đai, đồ đạc... không để lại cho Hassan một chút gì mà còn ra lệnh bắt giữ cả chàng nữa.
Ngài tể tướng mới cùng với rất đông quân cận vệ hoàng cung, các pháp quan và các quan chức khác rầm rộ kéo đi thực hành sứ mệnh. May thay, một trong những nô lệ của Bebreddin Hassan tình cờ có mặt trong đám đông nghe thấy được ý đồ của tể tướng đã chạy nhanh đến trước và báo tin đó với chủ. Y thấy Hassan ngồi dưới tiền đình ngôi rthà, buồn rầu ảo não nhớ thương cha. Y chạy vào thở hổn hển ôm lấy chân chàng và sau khi đặt môi hôn vào gấu áo chàng, y bảo:
- Ngài hãy trốn ngay đi! Phải trốn nhanh!
- Có chuyện gì vậy? - Hassan ngẩng đầu lên hỏi - Ngươi đem tới cho ta tin gì nào?
- Thưa ngài - Y đáp - không nên để mất thì giờ nữa. Hoàng đế đang trong cơn thịnh nộ khủng khiếp đối với ngài và cho người tới tịch biên toàn bộ những gì ngài đang có và còn bắt giữ ngài nữa.
Lời mách bảo của tên nô lệ trung thành và rất yêu quí chủ đã khiến chàng hết sức sững sờ.
- Thế ta không thể - Chàng nói - có chút thời gian nào để vào nhà cầm theo một ít tiền và vài thứ đồ châu ngọc nữa ư? .
Không thể được, thưa ngài - Người nô lệ nói - viên tể tướng sẽ có mặt tại đây trong một lát nữa thôi. Ngài hãy đi ngay, trốn mau đi.
Bebreddin Hassan vội vã đứng lên, xỏ chân vào đôi dép, lật một vạt áo lên che đầu và mặt rồi lẩn nhanh ra bên ngoài không cần biết phải đi về hướng nào để thoát khỏi mối hiểm nguy đang đe doạ. Ý nghĩ đầu tiên của chàng là mau chóng thoát ra khỏi thành phố. Chàng chạy một mạch tới nghia trang công cộng và vì đêm đã tới gần, chàng quyết định là sẽ trú thân ở nhà mồ của cha qua đêm. Đó là một công trình kiến trúc vẻ ngoài đồ sộ có mái vòm mà Noureddin Ali hồi sinh thời đã cho xây dựng. Nhưng giữa đường đi tới nhà mồ, chàng gặp một người Do Thái rất giàu có làm nghề buôn bán và cho vay lãi. Ông ta từ một nơi có công việc cần giải quyết và lúc này đang trên đường trở về thành phố.
Người Do Thái này nhận ra Bebreddin, dừng bước và chào chàng rất lễ độ..”
Đến đây, trời vừa sáng, Scheherallade dừng lại và kể tiếp vào đêm sau:
***
- Tâu bệ hạ - Nàng nói - Vị hoàng đế đó rất chăm chú nghe tể tướng Glafar kể tiếp như sau:
''Người Do Thái có tên là Isaac, sau khi chào Bebreddin Hassan và hôn tay chàng, nói:
- Thưa ngài, xin mạo muội được hỏi ngài còn đi đâu vào giờ này, hình như lại đi một mình và tâm trạng khá xúc động? Có việc gì đã làm ngài buồn phiền chăng? Phải - Bebreddin đáp - Vừa rồi trong giấc ngủ ta thấy cha ta hiện về. Người nhìn ta trừng trừng, có vẻ đang rất giận dữ vì điều gì đó. Ta giật mình thức dậy rất lo sợ, nên vội chạy tới đây để cầu nguyện trên nấm mồ của ngưòi.
- Thưa ngài - Người Do Thái không biết lý do vì sao Hassan rời thành phố nói tiếp - Ngài cố tể tướng và cũng là lãnh chúa trong tâm tưởng của tôi, đã chất đầy hàng hoá lên rất nhiều con tàu hiện nay đang còn ở ngoài khơi. Những tàu hàng hoá này đều thuộc quyền sở hữu của ngài. Vì vậy xin ngài cho phép tôi được độc quyền thầu lại. Tôi có đủ tiền để mua lại tất cả số hàng đó. Nếu ngài đồng ý thì tôi sẽ nhận chuyến tàu đầu tiên sắp cập bến an toàn và sẽ đưa ngay ngài khoản một ngàn đồng sequin. Tiền tôi có mang theo đây và sẵn sàng ứng trước.
Bebreddin Hassan, trong tình trạng lúc đó, bị đuổi khỏi nhà, bị lột tất cả những gì có ở trên đời, nhìn nhận đề xuất của người Do Thái như là một ân huệ của trời. Chàng đã nhận lời với sự mừng vui hiếm có.
- Thưa ngài - Người Do Thái hỏi chàng - Vậy là ngài đồng ý để cho tôi chuyến hàng thứ nhất trên, một trong những tàu của ngài sắp cập bến với giá một nghìn đồng sequin chứ?
Vâng, tôi bán cho ông chuyến hàng đó với giá một nghìn đồng sequin - Bebreddin Hassan đáp - Đó là một vấn đề đã thoả thuận.
Tức thì, nhà buôn Do Thái đặt vào tay chàng một túi tiền một nghìn đồng sequin và đề nghị chàng đếm lại. Nhưng Bebreddin nói không cần vì tin vào sự trung thực của ông ta.
- Nếu vậy thì - Nhà buôn Do Thái nói - Xin ngài viết cho một chữ về việc mua bán vừa xong của chúng ta.
Nói đoạn ông ta rút từ thắt lưng ra một cái bàn viết, một que tre đã vót để làm cây viết, đưa cho chàng một mẩu giấy lấy trong cái cặp giấy viết thư và trong khi ông ta cầm lọ mực, Bebreddin viết những chữ sau vào mẩu giấy:
“Giấy chứng nhận: Bebreddin Hassan ở Balsora đã bán cho nhà buôn Do Thái Isaac cả lô hàng trên con tàu thứ nhất cập bến này lấy khoản tiền một nghìn đồng sequin đã nhận đủ - Ký tên: Bebreddin Hassan ở Balsora''.
Viết xong chàng trao cho người Do Thái, ông này kẹp vào cặp giấy và xin cáo lui. Trong khi Isaac đi theo con đường dẫn vào thành phố thì Bebreddin Hassan tiếp tục đi tới phần mộ cha là Noureddin Ali. Tới nơi, chàng quỳ xuống mặt gục sát đất, mắt đẫm lệ, miệng than nỗi khổ của mình:
- Than ôi! - Chàng rên rỉ - Bebreddin bất hạnh, mày sẽ ra sao đây? Mày tìm đâu ra một chỗ ẩn thân để tránh tên vua bất minh đang ngược đãi hành hạ mày? PhảI chăng sầu não vì mất một người cha yêu quí thế là chưa đủ sao? Phải chăng số mệnh còn bắt ta phải chịu một tai hoạ mới sau buồn đau nuối tiếc này?
Chàng trầm ngâm rất lâu trong trạng thái này. Nhưng cuối cùng chàng đứng lên tựa đầu mình vào bia mộ cha cảm nỗi đau lại dội lên cuồn cuộn mạnh hơn trước..Chàng không ngừng thở dài kêu than cho tới khi kiệt sức rồi rời đầu mình khỏi tấm bia chàng nằm duỗi dài trên vỉa hè và lim đi.
Tâm hồn phiêu diêu được một lát thì một vị thần linh thường tới ẩn trong nghĩa trang này vào ban ngày, đêm đêm thường bay đi thăm thú các nơi theo thói quen, bất ngờ ngài nhìn thấy một chàng trai trong hầm mộ của Nouređdin Ali, bèn bước vào. Vì chàng trai nằm ngửa nên vị thần sửng sốt, mắt hoa lên vì vẻ khôi ngô tuấn tú của chàng...''.
Mặt trời nhô lên không cho phép Scheherazade kể tiếp câu chuyện trong đêm nay. Nhưng đêm sau, vào giờ thường lệ, nàng tiếp tục kể:
***
“- Khi vị thần đó - Tể tướng Giafar nói tiếp chăm chú nhìn ngắm Bebreddin Hassan, và tự bảo: ''Cứ nhìn vào cái vẻ đẹp của sinh linh này, thì có thể đây là một thiên thần của địa đàng mà Thượng đế phái xuống để làm cho cả thế gian này bốc lửa vì nó''.
Cuối cùng, sau khi đã nhìn kỹ, vị thần bay lên rất cao trong không trung, tình cờ gặp một tiên nữ. Cả hai chào nhau, rồi vị thần nói: ''Xin bà vui lòng cùng tôi đỗ xuơng nghĩa trang, nơi tôi trú ngụ, tôi sẽ chỉ cho bà xem một vẻ đẹp hiếm có mà chắc bà sẽ phải tấm tắc khâm phục cũng như tôi vậy''.
Bà tiên đồng ý và chỉ một thoáng, họ đã ở bên trong hầm mộ.
- Thế nào, thưa bà - Vị thần chỉ vào Bebreddin Hassan - Bà đã bao giờ thấy một thanh niên khôi ngô tuấn tú và đẹp hơn người này chưa?
Bà tiên chú ý ngắm nhìn Bebreddin rồi quay sang vị thần linh:
- Tôi thú thực - Bà nói - là nó thật đẹp. Nhưng tôi cũng thấy vừa rồi ở Calre, cái này còn tuyệt diệu hơn, nếu ông muốn nghe tôi sẽ kể cho nghe. Nếu vậy thì bà làm tôi thật thích thú đấy.
- Nhưng xin ông hãy biết cho rằng tôi chỉ thấy, từ xa thôi nhé. Chắc ông đã rõ là hoàng đế Ai Cập có một tể tướng tên là Schemseddin Mohammed, ông này có một người con gái khoảng hai mươi xuân. Đó là một cô gái đẹp nhất và hoàn hảo nhất mà chưa từng có một người nào nghe nói. Hoàng đế nghe tiếng đồn về cô gái, cho triệu tể tướng cha cô tới và bảo ông:
- Ta nghe nói nhà ngươi có một người con gái đến tuổi lấy chồng, ta muốn cưới cô đó, liệu nhà ngươi có đồng ý gả cho ta không?
Tể tướng bất ngờ về lời cầu hôn đó, bối rối một chút, nhưng không bị loá mắt. Nếu phải là những ai đó khác thì đã mừng rơn mà vội vã nhận lời, nhưng ông thì lại trả lờI rất ôn tồn nhưng kiên quyết:
Tâu bệ hạ, tôi tự xét là không xứng đáng được bệ hạ chiếu cố, và xin Người rộng lượng tha thứ cho nếu tôi không thể làm vui lòng Người được. Chắc bệ hạ cũng đã biết tôi có một em trai là Noureddin Ali cũng như tôi, có vinh dự được là một trong các tể tướng của Người. Anh em chúng tôi đã có sự xích mích và đó là nguyên nhân về sự bất ngờ mất tích của chú ấy và từ đó tôi chẳng được có tin tức gì cách đây bốn hôm, tôi có nghe thấy tin là chú ấy đã mất ở Balsora trên cương vị là tể tướng của vương quốc đất nước đó. Em tôi để lại một con trai. Trước đây chúng tôi đã cùng nhau cam kết là sẽ gả con cho nhau. Tôi chắc là em tôi chết trong ý muốn là tỉến hành cuộc hôn nhân đó. Vì vậy về phía mình, tôi muốn giữ trọn lời hứa và thiết tha xin hoàng thượng cho phép làm việc đó. Triều đình ta có rất nhiều các đại thần cũng có con gái như tôi và NgườI chẳng thiếu nơi để gia ân mưa móc.
Hoàng đế Ai Cập tức gịận đến cùng cực tể tướng Schemseddin Mohammed...''. Scheherazade ngừng lời vì ánh sáng ban mai đã lấp ló sau mành. Đêm hôm sau, nàng lại tiếp ngọn nguồn câu chuyện, nói với hoàng đế Ấn Độ, vẫn là lời của tể tướng Giafar kể với hoàng đế Haroun Alraschid.