watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Khóm Phúc Bồn Tử - tác giả Anton Pavlovich Tchekhov Anton Pavlovich Tchekhov

Khóm Phúc Bồn Tử

Tác giả: Anton Pavlovich Tchekhov

Từ sáng sớm, những đám mây đen mọng nước đã phủ kín bầu trời; không gian im ắng, dìu dịu mát mẻ và buồn tẻ như vẫn thường thấy trong những ngày u ám, khi trên khắp cánh đồng mây đen đã giăng đầy, trời sẽ mưa và chưa mưa. Bác sĩ thú y Ivan Ivanưts và ông giáo trường làng Burkin đã mỏi rời cả chân, và cánh đồng trước mặt đối với họ tưởng như đang kéo dài vô tận. Phía đằng xa tít tắp, trông không rõ hình chiếc cối xay gió làng Mirônôxitxki, phía bên phải những ngọn đồi cao thấp nối tiếp theo nhau chạy dài rồi khuất mất sau xóm. Cả hai người đều biết rằng đó là mạn bờ sông, phía ấy có những bãi cỏ mênh mông, những hàng cây liễu rũ, những trang ấp, và nếu đứng trên đỉnh ngọn đồi thì từ đó có thể nhìn thấy cả cánh đồng rộng lớn, nhìn thấy nhà dây thép và đoàn tàu như một con sâu đang chậm rãi bò đi; vào những ngày tiết trời trong sáng, từ ngọn đồi có thể nhìn thấy cả thành phố. Bây giờ, vào lúc trời im lặng, khi mọi cảnh vật xung quanh đang hiện ra với vẻ tư lự đáng yêu, Ivan Ivanưts và Burkin đều cảm thấy cả cánh đồng trải rộng mênh mông này thân thiết quá, hai người đều nghĩ rằng, đất nước hùng vĩ và xinh đẹp biết bao.
- Lần trước, khi chúng ta đứng trước nhà kho của ông lý trưởng Prôkôfi –Burkin nói- anh có định kể cho tôi nghe một chuyện cơ mà.
- Đúng rồi, lần ấy tôi muốn kể về người em trai của tôi.
Ivan Ivanưts hít vào thật sâu, rồi thở ra, lấy tẩu thuốc và hút, sắp vào câu chuyện, thì vừa lúc trời bắt đầu mưa. Chừng năm phút sau, cơn mưa chuyển thành nặng hạt, xối xả, dày đặc, và khó có thể biết bao giờ thì ngớt. Ivan Ivanưts và Burkin dừng lại phân vân; hai con chó đi theo, lông ướt sũng, đuôi cụp xuống, đứng yên nhìn chủ với vẻ trung thành tận tụy.
- Chúng ta phải trú tạm vào một chỗ nào thôi –Burkin nói- Ta đến nhà Aliôkhin đi, cũng gần đây thôi.
- Ừ, phải đấy.
Hai người rẽ sang bên, đi băng qua cánh đồng mới gặt, lúc đi thẳng, lúc vòng sang bên phải mãi mới ra được đường cái. Một lát sau, đã hiện ra những cây dương, khu vườn, rồi những mái nhà kho ngói đỏ; dòng sông lấp loáng sáng, một đầm nước rộng gần bên chiếc cối xay gió và một nhà tắm quét vôi trắng. Đó là một làng Xôphinô, nơi ở của Aliôkhin.
Cối xay gió quay nhanh át đi cả tiếng mưa rào rào, con đập chắn nước như đang rung lên. Bên cạnh những cỗ xe, có những con ngựa đang đứng cúi đầu, nhiều người đang đi đi lại lại áo tơi khoác trên mình. Trời ẩm ướt mặt đất lầy lội nhớp nháp, khu đầm nước trông lạnh lẽo và giận dữ. Ivan Ivanưts và Burkin cảm thấy toàn thân mình ướt át, lấm láp, khó chịu, đôi chân nặng chình chịch vì bết đất; và khi qua bờ đập, bước chân lên dãy nhà kho của chủ nhân, họ im lặng như đang có chuyện gì cáu giận nhau vậy.
Trong một căn nhà kho, có tiếng máy quạt lúa quay vù vù, cánh cửa mở rộng, bụi từ trong nhà bay ra tơi tấp. Trên ngưỡng cửa chính là Aliôkhin, một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi, to cao, để tóc dài, trông giống một vị giáo sư hay một họa sĩ hơn là một vị điền chủ. Ông ta mặc một chiếc áo sơ mi đã lâu không giặt, ngang mình thắt dây lưng, mặc một chiếc quần đi ngựa, đôi ủng bám đầy đất quện rơm. Mắt và mũi dính đầy bụi bặm. Ông ta nhận ra ngay Ivan Ivanưts và Burkin, và trông rõ là ông ta mừng rỡ.
- Mời hai vị vào nhà tôi chơi. –ông ta vừa nói vừa cười- Tôi về ngay bây giờ đây.
Nhà Aliôkhin khá to, gồm hai tầng. Aliôkhin ở tầng dưới trong hai căn phòng trần cuốn vòm và cửa sổ nhỏ -đấy là chỗ ở ngày xưa của người quản gia; nơi ăn chốn ở của Aliôkhin có một vẻ giản dị đơn sơ, thoang thoảng mùi bánh mì đen, mùi rượu vốt-ca rẻ tiền và mùi yên cương.
Ông ta ít khi lên gác, nơi có phòng lớn sang trọng hơn, ông chỉ lên đó khi có khách thôi. Bước vào nhà, Ivan Ivanưts và Burkin gặp người hẫu gái, một phụ nữ còn trẻ, xinh đẹp đến mức mà cả hai người bất giác cùng đứng sững lại và nhìn sang nhau.
- Các vị không thể hình dung nổi, tôi mừng thế nào khi gặp được các vị đâu, -Aliôkhin nói trong khi bước theo họ vào tiền sảnh- Tôi cũng không ngờ! Này cô Pêlagâya, -ông ta nói với người hầu gái- cô lấy cho mấy vị khách này quần áo khô để thay nhé. Tôi cũng phải thay quần áo. Nhưng mà trước tiên là phải đi tắm một cái đã chứ không lâu quá rồi, có dễ từ dạo xuân tới giờ tôi chưa tắm. Hai vị cùng đi tắm với tôi đi, tắm xong thì cô cũng sẽ sửa soạn xong quần áo thay.
Cô Pêlagâya xinh đẹp, điệu bộ lịch sự, dáng vẻ dịu dàng, mang đến cho họ khăn tắm và xà phòng, Aliôkhin và hai vị khách đi ra nhà tắm ngoài đầm.
- Phải rồi, lâu lắm rồi tôi chưa tắm, -Aliôkhin vừa cởi quần áo ngoài vừa nói-. Nhà tắm của tôi, các vị thấy đấy, cũng đẹp lắm chứ, làm từ thời còn cha tôi kia, nhưng mà cũng chẳng lúc nào rỗi rãi mà tắm.
Ông ta ngồi xuống bậc, dội lên mái tóc dài, lên cổ, nước bên cạnh ông ngả sang màu nâu sẫm.
- Lâu lắm tôi không tắm rồi –Aliôkhin ngượng ngùng nhắc lại, ông ta lại xát xà phòng dội nước lần nữa, nước bên cạnh chỗ ông ta ngồi lại hóa ra màu đen sẫm như màu mực.
Ivan Ivanưts bước ra ngoài cầu, nhảy ùm xuống nước, sải tay bơi dưới trời mưa, sóng tỏa chung quanh, những bông hoa súng trắng dập dình trên mặt sóng. Ivan Ivanưts bơi đến giữa đầm thì lặn xuống, một lát sau nổi lên ở chỗ khác, bơi một quãng rồi lại hụp xuống cố lặn tới đáy. “Chà, mát quá…-Anh thích thú nhắc lại- Chà, mát quá…”. Bơi đến bên cối xay gió, anh dừng lại nói chuyện với những người nông dân, rồi bơi ngược trở về, đến khoảng giữa đầm, anh bơi ngửa, để cho mưa rơi xuống mặt mình. Burkin và Aliôkhin đã mặc quần áo và sắp sửa vào nhà, mà Ivan Ivanưts thì vẫn còn bơi và ngụp lặn.
- Chà, mát ghê…-anh nói- Cầu trời phù hộ…
- Anh sẽ gặp may đấy! Burkin nói to xuống đầm cho Ivan Ivanưts nghe thấy.
Mọi người trở vào nhà. Và chỉ đến khi đèn đã châm sáng trong căn buồng trên gác, Burkin và Ivan Ivanưts đã mặc bộ quần áo thoáng rộng, bằng lụa toàn tơ, đi giày ấm và ngồi trong ghế bành, còn Aliôkhin thì sạch sẽ, chải chuốt trong bộ cánh đen đi đi lại lại trên gác như để thưởng thức tất cả vẻ ấm áp, sạch sẽ, quần áo thơm tho, đôi giày mềm nhẹ, khi cô Pêlagâya xinh đẹp bước êm êm trên tấm thảm dài và dịu dàng cười bưng khay trà và bánh qui lên, chỉ đến khi đó, Ivan Ivanưts mới bắt đầu vào câu chuyện; và anh có cảm tưởng rằng, không phải chỉ Burkin và Aliôkhin nghe anh kể thôi đâu mà những bà mệnh phụ cả trẻ lẫn già, những ngài mặc quân phục đang lặng lẽ, nghiêm nghị đứng trong những khung ảnh mạ vàng nhìn xuống cũng chăm chú lắng nghe.
- Chúng tôi là hai anh em -Ivan Ivanưts bắt đầu kể-. Tôi và em tôi là Nhicôlai ivanưts, kém tôi hai tuổi. Tôi theo đuổi việc học và trở thành bác sĩ thú y, còn Nhicôlai thì từ năm mười chín tuổi đã đi làm viên chức ở sở thuế vụ. Ông thân sinh chúng tôi là Trimsa Ghimalaixki, vốn là con nhà lính. Nhưng sau khi được phong hàm sĩ quan thì đã để lại cho chúng tôi danh hiệu quí tộc truyền đời và một trang ấp nhỏ. Sau khi ông thân sinh mất đi, tôi phải bán trang ấp để trả nợ, nhưng dù thế chăng nữa, tuổi thơ ấu của chúng tôi cũng đã trôi qua dưới quãng trời khoáng đãng ở chốn thôn quê. Như tất cả lũ trẻ thôn quê khác, suốt ngày, suốt tối chúng tôi ở ngoài đồng, trong rừng, đi chăn ngựa, bóc vỏ cây, câu cá, bày đủ thứ trò chơi…Các vị có biết không, ai trong đời mình dù chỉ một lần câu được con cá rô, hoặc là đã nhìn thấy về mùa thu đàn chim sáo bay về phương Nam, vào nhưng ngày tiết trời mát mẻ, quầng mây giăng hàng bay qua làng, thì người ấy không còn là dân thành phố nữa và cho đến khi chết, người ấy vẫn ước ao được sống giữa chốn thôn quê thoáng đãng. Làm ở sở thuế, em tôi cũng cảm thấy buồn tẻ lắm. Năm tháng cứ trôi qua, mà nó vẫn phải ngồi mãi một chỗ, ngày này qua ngày khác viết đi viết lại một thứ giấy tờ, lúc nào cũng mơ ước được về sống nơi thôn dã. Dần dần, nỗi buồn nhớ của chú ấy biến thành một nguyện vọng cụ thể, ao ước làm sao tậu được một trang ấp nhỏ ở một nơi nào đó ven sông, hay ven hồ.
Em tôi là một người tốt bụng, dễ mến, tôi rất yêu cậu ta nhưng mà cái ao ước tự khóa chặt cả đời mình vào trong một trang ấp thì tôi không bao giờ thông cảm được. Người ta thường quen nói rằng con người chỉ cần ba thước đất. Nhưng chẳng phải là chỉ có xác chết mới cần ba thước đất, chứ con người đâu chỉ cần có thế! Bây giờ người ta cũng hay nói rằng nếu giới trí thức chúng ta để tâm nhiều hơn đến ruộng đất và ai nấy đều muồn về trang ấp thì đó là một điều đáng mừng. Nhưng rời bỏ thành phố, lánh xa những cuộc đấu tranh, lảng tránh cuộc sống sôi nổi, lẩn trốn về trang ấp của mình nơi thôn dã, đó không phải là sự sống, mà là sự ích kỷ, lười nhác, một kiểu đi tu, nhưng đi tu mà không lập nên kỳ tích gì. Con người không phải chỉ cần ba thước đất, không phải chỉ cần một trang ấp nhỏ, mà là tất cả trái đất, tất cả thiên nhiên; trên cả miền đất bao la ấy, con người mới có thể bộc lộ được hết phẩm chất và đặc điểm của tinh thần tự do của mình.
Những lúc ngồi bên bàn giấy, em tôi đã mơ tưởng đến ngày sẽ được ăn đĩa súp bắp cải hái từ vườn nhà mình tỏa mùi thơm phức, ngon lành khắp sân, mơ tưởng những bữa ăn dọn ngay trên thảm cỏ xanh, được ngủ trong khu vườn râm mát dưới anh mặt trời, được ngồi hàng giờ liền trên chiếc ghế băng dài đặt ở lối cổng mà nhìn ra phía đồng và cánh rừng xa. Những cuốn sách nhỏ về nghề nông, những lời khuyên trong các cuốn lịch đã đem đến cho chú ấy niềm vui và là món ăn tinh thần chủ yếu; chú ấy ham đọc các báo, nhưng chỉ đọc trong đó những lời rao bán bao nhiêu mẫu đất, bãi cỏ cùng với những trang ấp có vườn, có cối xay gió, có sông lạch, ao đầm…Và trong đầu chú hiện ra hình ảnh những con đường nhỏ chạy quanh co trong khu vườn bên những khóm hoa, cây quả, chuồng chim sáo sậu trên cây cao và những đàn cá chép dưới ao, các vị biết đấy tưởng tượng theo lối đó thì vô cùng. Khi đọc những lời rao trên báo, chú ấy hình dung ra đủ những bức tranh khác nhau, nhưng không hiểu vì lẽ gì trong những bức tranh thể nào cũng phải có khóm phúc bồn tử. Chúng ta không thể nào hình dung ra một trang ấp, một chốn đầy thơ mộng, mà lại thiếu khóm phúc bồn tử được.
- Cuộc sống nơi thôn quê có những thú vị riêng -nhiều lần chú ấy nói- Ngồi trên ban công uống trà, dưới ao, đàn vịt của anh đang bơi lội, hương cây ngào ngạt, và…và khóm cây phúc bồn tử mỗi ngày một lớn…
Chú ấy vạch ra viễn cảnh của trang ấp tương lai, và lần nào cũng vậy, viễn cảnh ấy hiện ra theo trình tự như sau: a) nhà trang chủ, b) nhà cho người làm, c) vườn rau, d) khóm phúc bồn tử. Chú ấy chi tiêu rất dè sẻn, ăn không no, uống không đủ, mặc xoàng xỉnh thế nào xong thôi, trông như kẻ hành khất, dành dụm được đồng nào chú ấy đều gửi vào nhà băng tất, tính tình chú ấy trở nên tham lam. Trông thấy chú ấy, tôi động lòng thương, thỉnh thoảng vào các dịp lễ tết, tôi cũng gửi giúp ít tiền, nhưng chú ấy đều để dành, không tiêu đến. Nếu người ta đã mải mê theo đuổi một ý định gì, thì chẳng biết khuyên can thế nào được nữa.
Năm thánh qua đi, chú ấy chuyển sang làm ở một tỉnh khác, tuổi đã ngoài bốn mươi, thế mà chú ấy vẫn theo dõi đọc những lời rao vặt trên báo và dành dụm tiền. Sau đó tôi nghe là chú ấy lấy vợ. Cũng vẫn với mục đích làm sao mua được một trang ấp nhỏ có khóm cây phúc bồn tử chú ấy đi lấy một bà góa già, xấu xí mà lòng không chút yêu đương nào, chỉ bởi một lẽ rằng bà ta có một món tiền kha khá. Chú sống với vợ vẫn theo lối dè sẻn, hà tiện, cho bà ta ăn uống kham khổ, bao nhiêu tiền của bà ấy chú đều gửi tất cả vào nhà băng theo tên mình. Ngày trước bà ta lấy một ông chủ sự bưu điện; sống với ông ấy, bà ta quen được ăn các thứ bánh ngọt ngon lành, uống rượu mùi hảo hạng, còn bây giờ sống với chồng mới, bà dần dần héo mòn, ốm yếu trong cảnh sống như thế, chỉ khoảng ba năm sau là đã về chầu thượng đế. Và tất nhiên người em trai không bao giờ nghĩ rằng chú ấy có lỗi trong cái chết của bà ta. Tiền bạc, như rượu trắng, biến tâm tính con người thành kỳ quặc. Ở ngoài thành phố tôi ở, có một gã lái buôn hấp hối, trước khi chết y bảo người nhà mang đến một đĩa mật rồi chấm mật ăn hết số tiền và vé số trúng của mình, để số tiền đó không rơi vào tay ai khác. Có lần tôi đang khám cho một đám súc vật trên ga thì có một tay buôn ngựa bị ngã vào trước đày tàu đang chạy, anh ta bị cụt mất một chân. Chúng tôi khiêng anh ta vào phòng trong ga, máu chảy lênh láng, thật là khủng khiếp, thế mà anh ta chỉ một mực đòi mọi người tìm lại cho anh ta đoạn chân đã bị cụt, anh ta lo lắng một điều rằng trong đôi ủng nơi cẳng chân cụt của anh ta có nhét vào hai mươi rúp, chỉ sợ số tiền ấy bị mất.
- Anh kể lạc đề rồi đấy –Burkin nói.
- Sau khi vợ chết -Ivan Ivanưts nghĩ ngợi một lát rồi kể tiếp- người em trai tôi bắt đầu đi tìm một trang ấp. Tất nhiên là dù rằng có tìm chọn suốt dăm năm chăng nữa, cuối cùng vẫn có thể phạm sai lầm, mua phải nơi khác xa mơ ước của mình. Qua một tay môi giới, chú ấy đã mua một khu đất rộng một trăm hai mươi đêxiachin(1), có nhà lớn dành cho trang chủ, nhà cho người làm, có vườn hoa, nhưng không có vườn cây ăn quả, không hề có khóm phúc bồn tử nào, không có ao đầm vịt lội; kề bên một dòng sông nhưng nước đen sẫm như nước cà phê vì một bên sông là nhà máy gạch ngói, một bên nữa là nhà máy nung xương. Nhưng anh chàng Nhicôlai của tôi không lấy làm buồn; chú ấy đặt mua liền hai mươi khóm phúc bồn tử đem về trồng và bắt đầu sống cuộc đời một nhà điền chủ.
Năm ngoái tôi có đến thăm chú ấy. Tôi định đến xem người em ăn ở ra sao. Trong những bức thư gửi cho tôi, anh ta tự gọi trang ấp của mình là “bãi hoang Tsumbarốclốp”, “Ghimalaixkôêtôs”. Quá trưa hôm đó, tôi đến “Ghimalaixkôêtôs”. Trời nóng bức. Chỗ nào cũng thấy mương rãnh ngang dọc, nhiều hàng thông non mới được trồng, không thể biết được lối nào là lối đi vào sân, chỗ nào là chỗ buộc ngựa. Tôi bước lại gần ngôi nhà; đi ngược về phía tôi là một con chó lông màu vàng sẫm, béo phục phịch như lợn…Chắc nó muốn sủa lắm, nhưng lười nhác nên lại thôi. Một mụ đầu bếp bước ra, chân đi đất, cũng béo ục ịch như lợn, bà ta nói rằng ông chủ đang nằm ngủ sau bữa ăn trưa. Tôi vào trong phòng người em trai, anh ta ngồi trên giường, chăn phủ kín chân; trông chú ấy già đi, người béo bện trắng nhợt, má, mũi và đôi môi cứ chảy ra.
Chúng tôi ôm nhau, sụt sịt khóc một chút, phần vì mừng quá, phần thì buồn rầu nghĩ rằng mới ngày nào còn trẻ trung mà bây giờ cả hai tóc đều đã lốm đốm bạc, chẳng mấy chốc là đến lúc chết rồi. Anh ta mặc quần áo vào rồi dẫn tôi đi xem trang ấp của mình.
- Thế nào, chú sống ra sao? –Tôi hỏi.
- Nhờ trời, không đến nỗi nào, cũng thoải mái anh ạ.
Đây không còn là chàng viên chức nghèo rụt rè ngày xưa, mà đã là một điền chủ thực sự, một ông bá hộ. Anh ta đã sống quen ở đây, quen với nếp sống nhàn nhã mới, ăn rất nhiều, tắm trong nhà tắm, người dần phát phì ra, đã có chuyện kiện cáo với những kẻ giàu sang trong vùng và với hai nhà máy bên sông; mỗi lần nông dân không thưa gởi với chú ấy bằng chữ “bẩm ngài” thì chú ấy nổi giận thật sự. Chú ấy cũng biết lo đến nơi đến chốn cho phần hồn của mình, theo lời người giàu; và chú ấy làm những việc từ thiện không phải là một cách giản đơn mà đầy vẻ hệ trọng. Những việc từ thiện là việc gì? Là chữa các thứ bệnh cho nông dân bằng nước xô-đa, bằng dầu thầu dầu, vào những ngày thánh trùng tên với mình thì làm lễ tạ ơn ở giữa làng, rồi sau đó cho đem đến nửa thùng rượu và nghĩ rằng cần thiết phải làm thế. Chao ôi, những thùng rượu nửa vời như thế thật là khủng khiếp! Hôm nay ngài địa chủ béo bự lôi đến nhà hội đồng hương chính bắt vạ những người nông dân vô ý để ngựa ăn lúa, thế mà hôm sau, vào ngày lễ, ngài ấy đã đem đặt giữa sân một thùng rượu lưng lưng, và những người nông dân xúm vào uống, miệng kêu gào tung hô ông chủ, say mềm phủ phục dưới chân người làm phúc! Cuộc sống thay đổi theo chiều hướng đầy đủ hơn, sự no nê, nhàn rỗi -những cái đó đã làm tăng lên trong con người Nga cái tính hợm hĩnh tự phụ, điều đáng ghê tởm nhất. Anh chàng Nhicôlai xưa kia, hồi còn làm ở bàn giấy sở thuế, nhút nhát đến mức không dám có ý kiến riêng, bây giờ thì lại chỉ nói rặt những điều chân lý, với cái giọng hệt như ngài bộ trưởng, đại loại: “Học thức là cần thiết, nhưng đối với dân chúng thì hơi sớm”. “Nhục hình nói chung là có hại, nhưng trong một vài trường hợp thì nó cũng giúp ích và không thể thay thế được.
- Tôi hiểu đám dân chúng và biết cách đối xử với họ -anh ta nói-. Dân chúng kính nể tôi. Tôi chỉ cần giơ ngón tay trỏ lên là bọn họ sẽ làm tất cả những gì tôi muốn.
Các vị nên để ý rằng, chú ấy nói những lời ấy với nụ cười ra vẻ thông minh và phúc hậu. Có đến hai chục lần tôi nghe thấy chú ấy nói: “những nhà quí tộc”; chắc hẳn là chú ấy đã quên mất rằng ông nội chúng tôi là nông dân, còn ông thân sinh vốn là lính. Thậm chí cả cái họ Trimsa-Ghimalaixki thực ra nghe cũng chẳng lấy làm gì thuận tai cho lắm, đối với anh ta bỗng trở nên thú vị, êm tai, nghe rất kêu và đầy vẻ quý phái.
Nhưng điều đáng nói là không phải về phần chú ấy, mà là về phần tôi.Tôi muốn kể cho các vị nghe những gì đã đổi thay trong tôi vào thời gian ngắn ngũi tôi đến thăm trang ấp. Buổi tối, khi chúng tôi ngồi uống trà, mụ đầu bếp bưng lên bàn cả một đĩa đầy quả phúc bồn tử. Đó không phải là của đi mua về, mà là của nhà hái lần đầu tiên kể từ khi những khóm phúc bồn tử được trồng sau vườn nhà. Nhicôlai ivanưts cười thích chí, rồi im lặng nhìn đĩa phúc bồn tử một lúc, ứa nước mắt –anh ta không thể nói được câu gì vì xúc động, lát sau anh ta đưa lên miệng một quả, nhìn tôi với vẻ đắc thắng của đứa trẻ cuối cùng đã có được thứ đồ chơi nó mơ ước và nói:
- Chà, ngon quá!
Anh ta ăn nghiến ngấu, luôn mồm nhắc lại:
Chà, ngon thật! Anh ăn thử mà xem!
Thứ quả ấy vừa cứng vừa chua, nhưng như Puskin đã nói: “bóng tối của chân lý còn đáng quý hơn là sự giả dối tâng bốc chúng ta”. Tôi đã nhìn thấy một người hạnh phúc, ước mơ ấp ủ bấy lâu đã biến thành sự thực, anh ta đã đạt được mục tiêu trong cuộc sống, đã có được cái mà anh ta muốn, đang thỏa mãn với số phận của mình, thỏa mãn với chính bản thân con người mình. Không hiểu vì đâu những ý nghĩ riêng của tôi về hạnh phúc con người bao giờ cũng pha lẫn buồn rầu; và đến lúc này, khi nhìn thấy trước mặt một con người thỏa mãn hạnh phúc, một cảm giác nặng nề gần như tuyệt vọng đã choán cả lòng tôi. Nhất là về đêm khuya. Người hầu soạn dọn chỗ ngủ cho tôi trong văn phòng bên cạnh giường ngủ của em tôi, và tôi nghe rõ anh ta trằn trọc không ngủ được, chốc chốc lại trở dậy, bước ra chỗ bàn đặt dĩa phúc bồn tử và nhặt từng quả đưa lên miệng. Tôi nghĩ rằng, quả thật đã có quá nhiều người thỏa mãn, hạnh phúc! Đó là cả một sức đè nặng ghê gớm! Các vị hãy thử nhìn kỹ vào cuộc đời này: sự đê tiện, nhàn hạ của những kẻ có quyền thế và sự u mê, lam lũ như súc vật của những người bị trị, chung quanh là cảnh nghèo khổ đến cùng cực, chật chội, tha hóa, rượu chè, nghiện ngập, đạo đức giả, dối trá…Thế mà trong tất cả các ngôi nhà, trên tất cả mọi đường phố vẫn im lặng, yên tĩnh; trong cả số năm mươi vạn người sống trong thành phố, không có lấy một người thét to lên, giận dữ. Chúng ta nhìn thấy những người đi chợ mua rau, mua thịt, ban ngày thì ăn, ban đêm thì ngủ, những người nói với nhau những lời vô vị vô nghĩa, lấy vợ, lấy chồng sinh con để rồi già đi, những người lặng lẽ và vô tư đưa người thân ra chốn nghĩa trang, nhưng chúng ta không nghe thấy, không nhìn thấy những người đang đau khổ, và dường như những điều kinh khủng trong cuộc sống chỉ diễn ra ở một nơi nào khuất kín. Mọi sự đều yên tĩnh, êm thắm, và chỉ có những con số thống kê câm lặng là biết phản đối: bao nhiêu người đã phát điên, đã uống hết bao nhiêu thùng rượu, bao nhiêu trẻ con bị chết yểu vì thiếu ăn…Và cái thứ trật tự ấy chắc là cần thiết; rõ ràng là kẻ hạnh phúc cảm thấy mình sung sướng chỉ vì rằng những người bất hạnh đã im lặng chịu đựng gánh nặng đè lên đầu, lên cổ mình; không có sự im lặng ấy thì không thể có hạnh phúc cho những người kia. Đó là một trạng thái mơ ngủ khắp nơi. Cần phải làm sao để cứ ở ngoài cửa buồng mỗi kẻ an nhàn, sung sướng có một người đứng cầm búa và luôn tay gõ vào cửa nhắc nhở rằng hiện đang có những người bất hạnh, rằng dù anh sung sướng đến đâu sớm hay muộn rồi cuộc sống cũng sẽ cho anh biết thế nào là móng vuốt của nó. Tai họa sẽ giáng xuống đầu anh, đó là nghèo đói, bệnh tật, thua lỗ, và sẽ không ai nghe thấy, nhìn thấy anh ta cũng giống như bây giờ anh ta không nhìn thấy, nghe thấy một ai khác. Nhưng không có ai cầm búa gõ, kẻ thỏa mãn vẫn sống bình yên, và những lo toan nhỏ nhặt ngoài đời chỉ làm tâm trí anh ta khẽ xao động như cành dương trước làn gió nhẹ -và vạn sự đều êm thấm cả.
- Vào đêm hôm ấy, tôi hiều rõ rằng, chính tôi cũng là một kẻ thỏa mãn, sung sướng -Ivan Ivanưts đứng dậy nói tiếp- Tôi cũng thuyết lý về cách sống, cách cai trị dân chúng, về đức tin trong bữa ăn và trong lúc đi săn. Tôi cũng nói rằng học thức là ánh sáng, rằng học thức là cần thiết, nhưng đối với quảng đại dân chúng thì bây giờ chỉ cần biết chữ thôi cũng được rồi. Tôi nói, tự do là một quyền lợi lớn, cần thiết như khí trời không thể không có được, nhưng cần phải chờ đợi mới có. Phải rồi, tôi đã nói như thế, và bây giờ tôi xin hỏi: vì lẽ gì mà phải chờ đợi như vậy? -Ivan Ivanưts hỏi, cáu kỉnh nhìn vào Burkin- Vì lẽ gì mà phải chờ đợi, tôi xin hỏi các vị. Vì những lý sự gì? Người ta nói với tôi rằng tất cả không phải là có ngay trong một lúc, mọi ý định trong cuộc sống đều được thực hiện dần dần, đúng lúc, đúng thì của chúng. Nhưng điều đó ai nói? Có gì chứng minh rằng điều đó là đúng? Họ viện vào cái gọi là trật tự tự nhiên của sự vật, vào tính quy luật của mọi hiện tượng, nhưng liệu có chút quy luật nào trong trường hợp nếu tôi, một người đang sống, biết suy nghĩ, đứng bên cạnh một cái hào và chờ cho nó tự lấp, hay là bùn lắp láp cho nó, trong khi tôi có thể tự nhảy qua hoặc là đặt qua nó một cái cầu? Và vấn đề là vì lẽ gì mà phải chờ đợi? Chờ đợi khi không còn sức để sống, trong khi cần phải sống và muốn sống!
Sáng sớm hôm sau tôi rời khỏi trang trại người em và từ đó tôi không thể nào chịu được mỗi khi phải ở trong thành phố. Sự im lặng, yên tĩnh, êm thấm chung quanh làm lòng tôi nặng trĩu, tôi sợ hãi không dám nhìn lên những khung cửa sổ, bởi vì đối với tôi bây giờ không có cảnh nào kinh khủng hơn là cảnh một gia đình yên ấm ngồi quây quần quanh bàn và uống nước chè. Tôi đã già, không còn sức tranh đấu, thậm chí tôi không còn sức để căm giận nữa. Tôi chỉ còn biết buồn bã trong lòng, bức bối, khó chịu, đêm đêm đầu tôi quay cuồng với những ý nghĩ theo nhau dồn dập đến, và tôi không thể nào ngủ được. Ôi, nếu tôi còn trẻ trung!
Ivan Ivanưts xúc động đi đi lại lại trong phòng và nhắc lại:
- Ôi, nếu tôi còn trẻ trung!
Bất ngờ, ông bước lại gần Aliôkhin, lần lượt nắm cả hai tay Aliôkhin và nói với giọng gần như cầu khẩn:
_ Paven Kônxtanchinưts! Đừng an phận, đừng để cho còn người mình mê ngủ! Bây giờ anh còn trẻ, khỏe, đầy nghị lực, hay hãy làm nhiều việc thiện, đừng mệt mỏi! Hạnh phúc không có, và không thể có, nhưng nếu trong cuộc sống có ý nghĩa và mục đích, thì ý nghĩa, mục đích đó chắc chắn hoàn toàn không phải ở trong hạnh phúc của riêng ta mà là ở một cái gì cao cả hơn, hợp lý hơn. Anh hãy cố làm nhiều điều thiện!
Tất cả những lời đó, Ivan Ivanưts nói với nụ cười đáng thương, đầy vẻ khẩn cầu, dường như anh nói những lời đó để khẩn cầu cho riêng mình.
Sau đó, cả ba người đều ngồi trong những chiếc ghế bành đặt ở góc khác nhau trong phòng khách, và cùng im lặng. Câu chuyện của Ivan Ivanưts không làm cho Burkin, không làm cho Aliôkhin cảm thấy thỏa mãn chút nào. Khi mà những vị tướng, những bà mệnh phụ vào buổi chiều tà trông như người sống thực đang từ trên khung ảnh mạ vàng nhìn xuống gian phòng thì thật là buồn tẻ khi phải nghe câu chuyện về anh viên chức nghèo ăn phúc bồn tử. Không hiểu vì sao, trong khung cảnh ấy người ta muốn được nghe về những người đẹp đẽ, về những phụ nữ. Và cái mà tất cả- từ những chùm đèn treo đang phủ vải, đến ghế bàn, đến thảm trải dưới chân- đều nhắc nhở rằng nơi đây ngày xưa các bà, các ông đang nhìn từ trong khung cảnh dát vàng kia đã từng đi lại, ngồi uống trà, và cả cái điều rằng trước mắt ba người giờ đây, cô Pêlagâya xinh đẹp đang nhẹ nhàng bước đi, những điều ấy còn thú vị hơn cả mọi câu chuyện.
Aliôkhin cảm thấy buồn ngủ ghê ghớm; để lo việc đồng áng, ông ta đã dậy rất sớm, từ lúc 3 giờ sáng, và bây giờ mắt ông ta díu lại; nhưng sợ rằng, khi vắng mặt mình, nhỡ khách lại kể chuyện gì lý thú, nên ông vẫn ngồi nguyên, không bỏ đi. Những điều Ivan Ivanưts vừa nói có thông minh không, có đúng không, Aliôkhin cũng chẳng cất công nghĩ ngợi làm gì; các vị khách không nói về lúa má, rơm mạ, về nhựa thông, mà họ nói về một chuyện gì chẳng có quan hệ trực tiếp đến cuộc sống của ông, và ông thấy vui vui, muốn họ tiếp tục câu chuyện.
- Nhưng mà cũng đến giờ đi ngủ rồi đấy –Burkin, vừa đứng dậy vừa nói- Cho phép tôi chúc ông đêm nay ngủ ngon.
Aliôkhin chào khách rồi trở xuống buồng ngủ của mình dưới nhà, khách thì ở lại trên gác. Chủ dành cho khách cả căn buồng to với hai chiếc giường gỗ rộng đầy đường nét chạm trang trí, trong góc phòng có đặt bức tượng chúa Jêsu bị đóng đinh câu rút bằng ngà voi; khăn gối mát dịu mà cô Pêlagâya xinh đẹp vừa soạn dọn tỏa ra mùi thơm tho, sạch sẽ.
Ivan Ivanưts lặng lẽ cởi quần áo ngoài và nằm xuống giường.
- Xin các đấng bề trên tha tôi cho chúng con! –ông lâm râm nói và lấy chăn che kín đầu.
Từ cái tẩu cháy dở của ông đặt trên bàn tỏa ra một mùi thuốc lá khen khét; rất lâu Burkin không ngủ được, không biết cái mùi khen khét khó chịu đó ở đâu ra.
Ngoài song cửa sổ, mưa vẫn đều đều rơi suốt đêm.
(1898)

Các tác phẩm khác của Anton Pavlovich Tchekhov

Vị Hôn Phu

Nhu Nhược

Người đàn bà có con chó nhỏ

Người ăn mày

Một cuộc gặp gỡ

Một câu đùa

Lão Quản Bi

Hỏng Việc

Giận Dỗi

Dấu chấm than

Cây vĩ cầm cho Rothschild

Câu chuyện của phu nhân N.N

Cái chết của một viên chức

Anh béo và anh gầy