Một câu đùa
Tác giả: Anton Pavlovich Tchekhov
Buổi trưa một ngày đông khô sáng...
Trời giá cóng đến xé đá ra; Na đưa tay cho tôi khoác, và Na có những món tóc quăn xòa xuống mang tai và hơi sương làm ánh lên những tơ lông măng nơi môi trên nàng. Hai đưa tôi ở trên một ngọn đồi tuyết cao. Từ chân chúng tôi xuống tới mặt đất, trên một cái mặt bằng thoai thoải xuống, ánh dương hắt lại như từ trong một tấm gương. Kề chỗ chúng tôi, là những xe trượt bằng xinh xắn phủ dạ đỏ ngòm. Tôi liền nằn nì:
- Chúng ta lao dốc đi, Na ơi. Một lần thôi! Anh quả quyết rằng chúng ta không việc gì đâu!
Nhưng Na sợ. Từ chỗ đôi giày xinh đẹp của nàng tới chân ngọn đồi tuyết, đối với nàng, cả cái khoảng rộng đã trở thành một cái vực ghê gớm, thăm thẳm khôn lường. Nàng thất thần, hơi thở ngừng lại mà nhìn xuống phía dưới, khi tôi mới gạn thử nàng là ngồi vào xe trượt băng, và có chỉ là đáng phải ngại ngùng nếu nàng dám mạnh dạn mà lao xuống vực. Nàng sẽ chết mất, nàng phát cuồng mất! Tôi nói:
- Anh van em đi! Không nên sợ sệt! Em phải biết rằng như thế là bạc nhược, là nhút nhát.
Sau cùng nàng cũng chiều theo và trông diện sắc nàng, tôi biết nàng đã làm theo với nỗi e ngại cho tính mệnh. Tôi đặt nàng ngồi vào xe trượt băng, nàng tái mét, run lẩy bẩy, tôi ôm nàng ngang lưng và cùng nhau đổ xuống vực thẳm.
Chiếc xe trượt băng vèo bay như một phát đạn. Khoảng không khí mà chúng tôi xẻ đôi ra đã quất mạnh vào mặt, tru tréo lên, kêu vo vo bên tai, làm nóng da mặt lên, véo mạnh, như muốn ngứt đầu văng ra khỏi đôi vai. áp lực của gió chặn thở. Người ta tưởng như ma quỷ hiện hình tóm lấy hai đứa tôi và gào thé lôi chúng tôi xuống địa ngục. Mọi vật chung quanh tan nhòa thành một vệt dài tẩu thoát cực kỳ nhanh... Thêm một chút nữa thôi, tôi cho rằng hai đứa tôi sẽ hết sống. Tôi cất tiếng khẽ khàng:
- Na ơi, anh yêu em!
Xe trượt băng bắt đầu chậm lại, tiếng rú của gió và tiếng nghiến của đế xe trượt đã đỡ rợn, hơi thở đã đỡ nghẹt, và rốt cục, chúng tôi đã xuống tới nơi. Na sợ khiếp vía tưởng chết được. Nàng tái đi, hơi thở thoi thóp... Tôi đỡ nàng dậy.
- Không đời nào, tôi làm lại nữa, nàng vừa nói vừa nhìn tôi với đôi mắt to đầy kinh hãi. Không khi nào! Tôi hút chết!
Chừng một lúc, nàng hồi lại và trở lại nhìn thẳng vào mắt tôi với cái vẻ dò xét: có phải đích là tôi đã nói lên năm cái tiếng kia hay chỉ là nàng ngờ ngợ bắt nghe được trong cơn cuồng lốc nó rú lên? Tôi, tôi thẳng mình, đứng cạnh nàng, tôi hút thuốc lá và ngắm nghía chiếc bít tất tay một cách chăm chú.
Nàng khoác tay tôi và chúng tôi nhẩn nha hồi lâu quanh đồi tuyết. Thật là hiển nhiên, điều bí ẩn đã làm nàng mất sự yên ổn. Những tiếng phát thanh ra đó là có hay là không có? Có, hay là không? Có, hay không? Đây là một vấn đề của tự ái, của danh dự, của đời sống, của hạnh phúc, một vấn đề rất nghiêm trọng, nghiêm trọng nhất đời. Nàng tia sang tôi những cái liếc mắt bồn chồn, rỉ rầu, những cái nhìn xoi mói, nàng tránh câu hỏi, trông chờ tôi nói lên. Chà! Thật là đầy ý vị, cái khuôn mặt xinh xắn duyên dáng ấy thật là ý nhị! Tôi biết mà, nàng đấu tranh với nàng, nàng thấy cần phải nói, nàng có một câu hỏi muốn đặt ra nhưng mà nàng không tìm được ra chữ, nàng lúng túng, nàng sợ, nỗi vui làm nàng mất tự nhiên...
Nàng nói, không nhìn tôi:
- Anh biết đấy chứ?
- Gì vậy? - tôi hỏi.
- Này... ta lại lao dốc nữa đi.
Chúng tôi leo cấp thang lên tới đỉnh đồi. Lần nữa, tôi đặt Na tái mét lẩy bẩy lên xe trượt băng, lần nữa, chúng tôi lao xuống cái vực hãi hùng, lần nữa gió lại rống lên và đế xe trượt lại nghiến lên và, giữa lúc chúng tôi đổ xuống loang loáng trong tiếng sấm sét, lần nữa, tôi lại bỏ nhỏ:
- Na ơi, anh yêu em!
Lúc xe trượt băng ngừng lại, tầm mắt nàng ôm lấy cả khu đồi tuyết chúng tôi vừa băng qua, rồi nàng dò la nét mặt tôi rất lâu, nghe ngóng cái giọng dửng dưng và lạnh lùng của tôi, và tất cả người nàng, tất cả, kể cả cái mũ lông trùm đầu và cái ống bao tay, tất cả người nàng lộ ra một vẻ ngần ngừ đến cao độ. Và người ta như đọc thấy trên mặt nàng:
- Cái gì đã xảy ra thế hở? Ai đã nói lên những tiếng gọi đó? Chàng, hoặc chỉ là ta chiêm bao thôi?
Nỗi bán tín bán nghi ấy hành hạ nàng, làm nàng mất kiên tâm. Hỏi gì cô gái tội nghiệp đều không trả lời, trở nên nhăn nhó, chỉ còn thiếu khóc. Tôi bảo:
- Hay là ta đi về?
- Ô! Tôi... tôi, tôi thích xe trượt băng, nàng đỏ mặt mà nói. Hay là ta lại lao dốc một lần nữa?
Cái xe trượt băng “hợp ý” nàng, nhưng cũng như những lượt trước, mỗi khi nàng ngồi vào xe, nàng vẫn nhợt tái đi, thoi thóp vì sợ hãi, run cầm cập.
Hai đứa tôi lao dốc lần thứ ba, và tôi thấy Na nhìn đau đáu vào mặt tôi và theo dõi đôi môi tôi. Nhưng tôi lấy mùi-xoa để lên môi tôi, đằng hắng, và lúc chúng tôi tới lưng chừng dốc, tôi cố nói lên được:
- Na ơi, anh yêu em!
Và sự bí ẩn vẫn là bí ẩn! Na lặng lẽ, nghĩ miên man... Tôi đưa nàng từ con đường dốc về nhà nàng, nàng cố ghìm bước đi, kéo lê bước chân và luôn luôn tự hỏi xem tôi có buột miệng mà nói ra không.
Tôi hiểu nàng đau khổ trong tâm khảm, nàng phải cố dằn lòng để khỏi phải thốt ra:
- Cái này không thể do trận gió nói lên được như vậy; và tôi không bằng lòng cho dù chỉ là trận gió!
Hôm sau, tôi nhận được mảnh thư: “Nếu anh chơi xe trượt băng hôm nay, anh đến rủ tôi. N.” Và từ đó, tôi hằng ngày cùng nàng chơi xe trượt băng, và giữa lúc lao dốc, mỗi lần tôi đều nhắc lại vẫn bấy nhiêu tiếng:
- Na ơi, anh yêu em!
Chẳng bao lâu nữa, nàng nhiễm phải câu nói ấy, cũng như người ta nại tính đối với tinh thuốc phiện. Nàng không thể sống mà thiếu được cái thói quen ấy. Thực ra, lao dốc bằng xe trượt băng, nàng vẫn run sợ như trước đây, nhưng bây giờ sợ hãi và lộng hiểm làm tăng thêm hứng thú cho những lời yêu thương, những lời mà trước đây, đã cấu thành một điều bí ẩn, và đã làm rầu héo tâm tư nàng. Nhưng mối ngờ vẫn hướng mãi vào hai nhân và vật ấy: trận gió và tôi... Ai đây trong hai thứ nọ sẽ thú thực tình yêu với nàng, nào nàng có hay, nhưng, cứ bề ngoài mà xét, thì với nàng, điều ấy cũng chẳng có gì đáng bận tâm: có thể chỉ cái bình đựng, cốt sao say được mà thôi!
Một hôm, vào quãng trưa, tôi đi trượt băng một mình; lẫn vào đám đông, tôi nom thấy Na đi gần lại đồi tuyết và đưa mắt ra ngóng tìm tôi... Rồi nàng rụt rè bước lên cấp thang. Sợ thật, lao dốc một mình, chà, dễ sợ thật! Nàng trắng toát như tuyết, nàng run, người ta tưởng đâu như nàng bước ra pháp trường, nhưng với biết bao kiên quyết, nàng đi lên không chút quay nhìn lại. Rõ quá, nàng, rốt cục, đã nhất định thể nghiệm để xem xem: cái lúc mà tôi không có ở đấy, rồi nàng có còn nghe thấy nữa không những chữ êm đềm kỳ diệu? Tôi thấy nàng ngồi lên xe trượt băng, người tái đi, miệng phá ra nỗi sợ hãi, mắt nhắm lại, và lao xuống, sau khi vĩnh biệt trái đất... Rít rít rít... để xe trượt nghiến kêu lên. Nàng có nghe thấy những tiếng gọi không? Tôi không rõ... Tôi chỉ thấy nàng đứng vươn lên khỏi xe trượt, mệt lử, kiệt sức. Nhìn mặt nàng, người ta cũng đoán ngay rằng chính nàng cũng không rõ là có nghe thấy hay không nghe thấy một điều gì. Nỗi khiếp sợ trong cơn lao dốc làm cho nàng mất mất cái năng khiếu nghe ngóng, phân biệt âm thanh, và hiểu biết...
Nhưng đây rồi tháng ba, cái tháng của mùa xuân... Mặt trời trở nên vồn vã hơn. Núi tuyết của hai đứa tôi xẫm lại, mất màu chói sáng, và sau cùng, tan chảy. Hết rồi những cuộc chơi xe trượt băng. Không còn đâu nữa những nơi để cô Na tội nghiệp nghe những tiếng gọi, không còn ai nữa để nói lên những lời gọi ấy, bởi cái lẽ rằng làn gió vốn kín tiếng và tôi thì rồi sẽ đi Xanh Pê-téc-bua thật lâu, có thể là bứt hẳn nơi đây.
Một lần, trước lúc tôi lên đường, ấy là trước hai ngày chi đó, tôi ngồi trong chiều tà giữa khu vườn nhà tôi cách nhà Na một hàng giậu cao lởm chởm ngọn rào... Trời còn lành lạnh, dưới chân đống phân ủ vẫn còn tuyết, cây cối chết còi, nhưng mà tất cả đã chớm bốc lên cái mùi mùa xuân, và những con quạ tìm ngủ đã kêu lên quang quác. Tôi men gần lại phía hàng rào và nhìn một hồi lâu qua khe rào. Tôi thấy Na ra đứng ở bực thềm và ngẩng đưa lên trời cặp mắt ủ rầu khổ não... Như roi da, gió xuân quất mạnh vào khuôn mặt nàng xám bệch võ vàng. Gió gợi nhắc lại với nàng cái thứ gió gào bên tai trên núi mỗi lần nghe thấy năm tiếng gọi, và mặt nàng đượm một vẻ buồn, buồn thật, một giọt nước mắt sa theo gò má... Cô gái tội nghiệp rướn đôi cánh tay lên như là khẩn cầu trận gió hãy đem những lời gọi tới cho mình một lần nữa. Thế rồi tôi, rình chờ một cơn gió thoảng, tôi nói nhè nhẹ:
- Na ơi, anh yêu em!
Trời ơi, cái gì đã vụt xảy đến cho Na? Nàng rú lên một tiếng, một nụ cười hẩng sáng khuôn mặt hân hoan, hả hê, đắm lòng!
Tôi, tôi vào sửa soạn hành trang...
Chuyện này kể ra cũng đã lâu ngày! Na, bây giờ đã là người lập gia đình: người ta gả chồng cho nàng, hay là nàng đã tự nguyện làm vợ một thầy ký văn thư ở phòng hộ khẩu đám quý tộc, cái đó cũng không hề chi, và nàng đã có được ba con. Nàng không quên được cái thời mà hai đứa tôi cùng nhau chơi xe trượt băng, cái thời mà làn gió đã đưa tới cho nàng năm tiếng gọi: “Na ơi, anh yêu em!”; với Na, giờ đây, đó là cái kỷ niệm vui sướng nhất, thống thiết nhất, đẹp sáng nhất trong đời nàng...
Còn tôi, bây giờ đã đứng tuổi, tôi không hiểu tại sao tôi đã thốt ra những tiếng gọi ấy, tại sao tôi đã cười cợt được với việc hú tim ấy.
Nguyễn Tuân dịch
[1] Trong nguyên bản, không có lời đề tặng. Xét thấy nó không hại gì đến tinh thần và văn bản truyện ngắn, nên người dịch mạn phép mà thêm vào, vì một động cơ rất cá nhân. (chú của Ng.T.)